Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú (NHNN) nhấn mạnh điều hành chính sách tiền tệ năm 2023 sẽ nhất quán quan điểm: Hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô.
---o0o---
Phóng viên: Thưa Phó Thống đốc, trước những biến động kéo dài của kinh tế thế giới, NHNN đã chủ động ứng phó ra sao trong năm 2022?
Ông ĐÀO MINH TÚ, Phó Thống đốc Thường trực NHNN: Chúng ta đã biết 2022 là một năm đầy cam go và thử thách đối với kinh tế Việt Nam nói chung và ngành ngân hàng nói riêng. Tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động rất nhanh, phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột Nga - Ukraine kéo dài; lạm phát thế giới tăng cao, xu hướng tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ, đồng USD tăng giá mạnh...
Ở trong nước, giá cả xăng dầu và một số hàng hóa biến động; áp lực lạm phát tăng cao và những diễn biến không thuận lợi của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản... đã tác động mạnh đến hoạt động tiền tệ, ngân hàng.
Sẵn sàng tâm thế ứng phó với những biến động như vậy, NHNN đã chủ động bám sát diễn biến để kịp thời điều chỉnh chính sách, ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ, tối ưu các công cụ và giải pháp góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát ở mức thấp (bình quân tăng 3,15%), hỗ trợ tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực (trên 8%) và bảo đảm sự phát triển an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Ông có thể giải thích rõ hơn về những ưu tiên trong điều hành chính sách tiền tệ năm qua?
Việc điều hành chính sách tiền tệ luôn hướng tới cân bằng các mục tiêu kinh tế vĩ mô. Song, đôi khi phải chấp nhận lựa chọn ưu tiên cho những mục tiêu quan trọng, có tính nền tảng như kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô trong từng thời điểm cụ thể, thậm chí trong một giai đoạn nhất định.
Trong những tháng đầu năm 2022, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, ổn định tỉ giá và điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp để ổn định vĩ mô; thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định. VNĐ mất giá ở mức thấp (4,8%) so với đồng tiền của nhiều nước (6%-33%). Mặt bằng lãi suất tăng nhẹ, khoảng 0,3%-0,4%, trong khi lãi suất tại nhiều nước tăng mạnh; nguồn vốn tín dụng đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, người dân, phục vụ sản xuất - kinh doanh.
Trong tình hình thanh khoản rất khó khăn, NHNN đã tập trung ưu tiên hỗ trợ hệ thống tổ chức tín dụng giải quyết vấn đề quản trị thanh khoản, giải tỏa tâm lý thị trường và các vấn đề còn tồn tại để bảo đảm an toàn hệ thống trước những rủi ro hiện hữu.
Đến quý III/2022, thị trường tiền tệ, ngoại hối chịu áp lực ngày càng tăng trước xu hướng tỉ giá tăng kịch trần, thanh khoản thị trường kém, tâm lý găm giữ ngoại tệ gia tăng. Để giải tỏa áp lực thị trường, NHNN đã cân nhắc kỹ và buộc phải thực hiện đồng thời các giải pháp cấp bách, như: tăng biên độ giao dịch của tỉ giá và cho phép VNĐ biến động linh hoạt hơn; sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp; tăng 2% các mức lãi suất điều hành cuối tháng 9 và 10-2022.
Có thể nói đây vừa là những giải pháp tình thế, bảo đảm tính cần thiết, kịp thời vừa phù hợp với xu hướng chung trên toàn thế giới cũng như điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Mục đích là ưu tiên kiểm soát lạm phát, giữ ổn định tỉ giá, tạo dư địa thích ứng mới với những biến động trên thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn hệ thống.
Tháng 11-2022, khi sự tác động của kinh tế thế giới đã dịu bớt, thị trường tiền tệ, ngoại hối giảm bớt áp lực, thanh khoản cải thiện, NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thêm 1,5%-2%. Nguyên tắc được đưa ra là ngân hàng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất cho vay thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn. NHNN cũng chỉ đạo các ngân hàng cân đối vốn phù hợp để vừa tập trung cho vay, cung ứng vốn cho nền kinh tế vừa bảo đảm an toàn hoạt động, bảo đảm khả năng chi trả cho doanh nghiệp và người dân.
NHNN có giải pháp nào hỗ trợ thanh khoản để các tổ chức tín dụng có thể cấp tín dụng khi chỉ tiêu tăng trưởng được nới, thưa Phó Thống đốc?
NHNN cũng đã sẵn sàng các giải pháp hỗ trợ thanh khoản kịp thời để các tổ chức tín dụng yên tâm hơn khi cấp tín dụng. Điều đó cho thấy sự linh hoạt điều chỉnh chính sách vừa bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu tăng cường thanh khoản cho thị trường, bảo đảm thanh khoản cho các tổ chức tín dụng vừa tạo điều kiện nới rộng quy mô tín dụng cho nền kinh tế để không rơi vào trì trệ. Từ đó, tạo nguồn lực khắc phục khó khăn hiện tại và tạo động lực hồi phục nhanh kinh tế - xã hội. Tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối năm 2022 ước tính tăng khoảng 14,5%.
Như vậy, có thể khẳng định trước bối cảnh thế giới biến động mạnh, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, kịp thời; bám sát diễn biến từng thời điểm; hướng tới thực hiện hài hòa các mục tiêu kinh tế vĩ mô song vẫn có sự ưu tiên và chọn lọc. Việc kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát là vô cùng quan trọng nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước và thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Phó Thống đốc có thể thông tin về định hướng điều hành chính sách tiền tệ năm 2023 của NHNN?
Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chủ động, thận trọng nhưng linh hoạt, kịp thời chính sách tiền tệ, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế. Chính sách tỉ giá, lãi suất tiếp tục tạo sự ổn định và từng bước điều chỉnh theo hướng tích cực khi điều kiện thị trường trong nước và quốc tế cho phép. Tín dụng tiếp tục tăng trưởng ở mức hợp lý, có tính toán đến mối quan hệ phối hợp của thị trường vốn, chính sách tài khóa, nhu cầu đầu tư phát triển, khôi phục nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp... Mục tiêu vẫn là hướng dòng vốn vào sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, động lực cho tăng trưởng với quy mô phù hợp để luôn nhất quán quan điểm: Hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô.
Người lao động