img

Tôi gặp ông Phạm Việt Khoa - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FECON vào một ngày sát Tết, thời khắc chuẩn bị chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Giữa cái hối hả, bận bịu của những ngày cuối năm, tôi vẫn cảm nhận được sự say mê, đầy hứng khởi của ông trong cuộc nói chuyện về chặng đường vượt qua khó khăn để chinh phục những đỉnh cao mới của FECON.

FECON: Trong khó khăn, vẫn tìm kiếm và nắm bắt cơ hội - Ảnh 1.

2020 có thể xem là một năm khó khăn nhất là với doanh nghiệp tư nhân trước tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, "trong nguy có cơ" FECON đã nắm bắt được cơ hội gì từ những khó khăn, thưa ông?

2020 là năm khó khăn chung của thị trường do ảnh hưởng Covid-19. Mảng xây dựng hạ tầng FECON đang thực hiện cũng không nằm ngoài khó khăn đó. Hàng loạt dự án chậm triển khai do chủ đầu tư nước ngoài, chuyên gia tư vấn không sang được Việt Nam. Giao thương quốc tế bị ảnh hưởng cũng tác động đến tiến độ giải ngân vốn. Với những khó khăn này thì mục tiêu 4.000 tỷ doanh thu và 350 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của FECON chắc chắn không thể đạt được.

Tuy nhiên, trong khó khăn vẫn có những cơ hội. 2020 là năm BĐS khu công nghiệp, và phong trào đầu tư các dự án điện gió phát triển mạnh kéo theo nhu cầu lớn về những nhà thầu thi công nền móng và hạ tầng kỹ thuật cao. Nắm bắt cơ hội, công ty đã ký thành công nhiều gói hợp đồng thi công các dự án điện gió với tổng trị giá trên 2.000 tỷ đồng trong nửa cuối năm 2020. Cùng với đó, FECON đã chốt được hợp đồng gói thầu trên 30 triệu USD tại dự án đường sắt đô thi số 3 Hà Nội, dự án Nút giao Lê Văn Lương – Vành đai 3 Hà Nội, dự án nhiệt điện Vân Phong - Khánh Hòa và đang tiếp tục đấu thầu các dự án điện gió đợt 2, các dự án nhiệt điện và các gói thầu thi công ngầm thuộc dự án thoát nước đô thị Hà Nội.

FECON: Trong khó khăn, vẫn tìm kiếm và nắm bắt cơ hội - Ảnh 2.

Trong chiến lược kinh doanh mới, bên cạnh lĩnh vực truyền thống là nền và móng, FECON đang đặt mục tiêu tấn công mạnh mẽ và mảng xây dựng công nghiệp, năng lượng sạch và xây dựng hạ tầng. Phải chăng ông đang đặt thêm "bệ phóng" để FECON bứt phá trong những năm tới?

2020 là năm bản lề của FECON chuyển đổi từ nhà thầu chuyên môn sang nhà thầu chính với mục tiêu nằm trong Top 10 Nhà thầu Xây dựng Việt Nam. Có hai lý do chính để chúng tôi lựa chọn sự chuyển đổi này. Thứ nhất, xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng khu công nghiệp và các dự án năng lượng đều là những "hot trend" hiện tại, tham gia những lĩnh vực này FECON tận dụng được thế mạnh của một nhà thầu nền móng công trình ngầm hàng đầu hiện nay. Lý do thứ 2 là FECON muốn tránh tối đa việc phải làm thầu phụ bởi rủi ro về dòng tiền, hay bị các tổng thầu chiếm dụng vốn.

Để chuẩn bị cho bước tiến lên trở thành nhà thầu chính, tổng thầu, FECON đã có chiến lược xây dựng hệ thống quản trị phù hợp, đào tạo nhân sự thích ứng với chiến lược mới. Chúng tôi đã tận dụng thời điểm Covid-19 để M&A nguồn lực nhân sự khi mời các chuyên gia giỏi về hạ tầng ngầm, hạ tầng thủy và công trình năng lượng, về làm việc cho FECON.

Bên cạnh việc tăng cường năng lực triển khai các dự án thi công 2 mảng hạ tầng và xây dựng năng lượng, công ty cũng đang rất quyết liệt trong phát triển các dự án đầu tư trong 3 lĩnh vực: năng lượng tái tạo, BĐS khu công nghiệp và Hạ tầng đô thị ven đô.

FECON: Trong khó khăn, vẫn tìm kiếm và nắm bắt cơ hội - Ảnh 3.

Mở rộng mô hình phát triển từ một nhà thầu sang làm chủ đầu tư không hề đơn giản, khó khăn lớn nhất FECON đang phải đối mặt khi chuyển đổi là gì thưa ông?

Trở thành chủ đầu tư dự án, FECON nắm lợi thế về thi công, các phần việc liên quan đến hạ tầng, nền và móng của dự án. Từ đó giảm thời gian xây dựng, thời gian quay vòng vốn nhanh.

Tuy nhiên thách thức nhất của chúng tôi hiện nay vẫn là nguồn vốn. Kế hoạch phát hành mới 32 triệu cổ phiếu trong năm 2020 vẫn chưa thực hiện được do khó khăn chung của thị trường, đặc biệt đối với các doanh nghiệp xây dựng. Hiện giá cổ phiếu trên thị trường chỉ bằng hơn nửa giá trị sổ sách. Năm 2021, công ty đặt mục tiêu hoàn thành phát hành lượng cổ phiếu nói trên trong 6 tháng đầu năm, để có thể bắt tay triển khai các dự án đầu tư rất tiềm năng từ quý 3/2021.

Thách thức thứ 2 là kinh nghiệm triển khai đầu tư và vận hành các dự án trong vai trò chủ đầu tư. Chúng tôi đã giải bài toán này bằng cách mỗi mảng đầu tư, FECON sẽ tìm cho mình một hai đối tác uy tín có thương hiệu và kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư để mời họ đồng hành lâu dài. Ví dụ năng lượng tái tạo, chúng tôi đã mời Acwa Power – một trong Top 5 về đầu tư năng lượng tái tạo trên thế giới. Trong đầu tư bất động sản công nghiệp và BĐS khu đô thị ven đô, FECON cũng đang làm việc một số đối tác Nhật Bản và Hàn Quốc để cùng tham gia triển khai dự án.

FECON: Trong khó khăn, vẫn tìm kiếm và nắm bắt cơ hội - Ảnh 4.

Ông có thể tiết lộ thêm về kế hoạch phát triển năng lượng sạch, BĐS khu công nghiệp, BĐS đô thị của FECON trong năm 2021 với tư cách là nhà đầu tư không?

Xu thế dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang một số nước ASEAN, trong đó có Việt Nam tạo nên "trend" bất động sản công nghiệp. Cùng với đó, dự báo nhu cầu năng lượng tái tạo trong những năm tới cực kỳ cao với tổng số công suất điện phát trên cả nước vào năm 2030 sẽ gấp đôi hiện nay. FECON là nhà thầu, nhà đầu tư gần gũi 2 mảng này đã nhìn thấy những cơ hội lớn và tự tin làm được nên chúng tôi đã tham gia.

Năm 2020, FECON đã chốt được các dự án đầu tư khá lớn liên quan đến năng lượng tái tạo, khu công nghiệp và một số dự án khu đô thị ven đô vệ tinh của Hà Nội. Chốt ở đây về mặt chủ quyền đưa về cho công ty những cơ hội, chưa tạo sản phẩm, chưa tạo lợi nhuận vì nó đang còn trong giai đoạn gieo mầm phát triển.

Bên cạnh các dự án tại Bình Thuận, Gia Lai và Bình Phước đã theo đuổi vài năm, mới đây nhất, tháng 1/2021 UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa đồng ý chủ trương cho phép FECON thực hiện nghiên cứu lập hồ sơ đối với dự án nhà máy điện gió trên biển. Dự án này có tổng công suất dự kiến 500MW, diện tích nghiên cứu khảo sát dự án khoảng 120km2 vùng biển ngoài khơi tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Còn về BĐS đô thị ven đô, chúng tôi đã có quỹ đất tại nhiều tỉnh thành vùng ven đô Hà Nội trong bán kính 30km từ khu vực hồ Hoàn Kiếm. Đối với các dự án này, FECON  định hướng phát triển theo mô hình sinh thái, là những khu đô thị hiện đại phục vụ nhu cầu công nghiệp hóa diễn ra mạnh mẽ tại các thành phố vệ tinh xung quanh Thủ đô Hà Nội.

FECON: Trong khó khăn, vẫn tìm kiếm và nắm bắt cơ hội - Ảnh 5.

Với những chiến lược rõ ràng như vậy, đích đến trong hành trình phát triển của FECON 5 năm tới trong lĩnh vực đầu tư là như thế nào thưa ông?

Nếu như 16 năm vừa qua FECON phát triển mạnh và tạo nên tên tuổi trong mảng thi công nền móng, công trình ngầm thì trong 5-10 năm tới, FECON sẽ đi bằng hai chân vững chãi trong vai trò Nhà Thầu được mở rộng từ một nhà thầu chuyên môn sang Nhà thầu tầm cỡ về xây dựng hạ tầng và xây dựng công nghiệp. Trong vai trò Nhà đầu tư, FECON sẽ quyết tâm thực hiện các dự án đầu tư có chất lượng cao theo chuẩn quốc tế, phù hợp các tiêu chí phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Mảng thi công sẽ đảm bảo tăng trưởng trung bình 20% - 25% mỗi năm. Mảng đầu tư do các dự án không thể triển khai nhanh cùng một lúc, từ lúc thực hiện đầu tư cho đến lúc có được doanh thu thường mất thêm 2-3 năm, vì vậy, trong tầm nhìn 5 năm lợi nhuận mảng đầu tư mang lại 25% -30% trong tổng lợi nhuận, mục tiêu đến 2030 sẽ tiệm cận 50%, cân bằng với lợi nhuận mảng thi công.

Trong giai đoạn 5 năm tới, FECON sẽ tập trung cao độ để trở thành nhà thầu chính của nhiều dự án lớn, duy trì vị thế Top đầu trong lĩnh vực xây dựng hạ tầngxây dựng công nghiệp dựa trên năng lực xuất sắc về nền móng và ngầm. Đồng thời bước từng bước vững chắc vào mảng đầu tư dự án, đây được ví như 3 quả đấm thép trong chiến lược kinh doanh giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu doanh thu 13.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.000 tỷ đồng vào năm 2025.

FECON: Trong khó khăn, vẫn tìm kiếm và nắm bắt cơ hội - Ảnh 6.

Tham vọng như vậy nhưng để đi được đến đích còn cả một chằng đường dài, theo ông đâu sẽ là "sức mạnh" để FECON đạt được mục tiêu?

Đúng là để đạt được mục tiêu đặt ra vô cùng thách thức với một môi trường kinh doanh như hiện nay, rất khó khăn khi có quá nhiều đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, các sản phẩm của FECON đã khẳng định được chỗ đứng riêng với giá trị cốt lõi là chất lượng dựa trên kỹ thuật & công nghệ, chính sự không thỏa hiệp về chất lượng tạo niềm tin lâu dài cho khách hàng.

Cùng với đó, yếu tố tạo nên sức mạnh của FECON chính là nguồn nhân lực và văn hóa doanh nghiệp. Không có nhân sự giỏi thì công ty không thể mạnh lên và không có văn hóa gắn kết thì không thể làm những việc lớn. Trong mục tiêu nhân sự đến 2025, bên cạnh phát triển nhân sự chuyên môn sâu, FECON sẽ phát triển 50 nhà lãnh đạo chất lượng cao, 100 nhà quản lý chuyên nghiệp cấp phòng ban, 30 giám đốc dự án đạt chuẩn mực Quốc Tế, 100 chỉ huy trưởng công trình, toàn bộ kỹ sư, nhân viên gián tiếp và công nhân tay nghề cao phải được đào tạo tính kỷ luật cao.

Nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với quyết tâm xây dựng nét văn hóa trách nhiệm chuyên nghiệp và mỗi người sống và làm việc cống hiến vì mục tiêu chung, chúng tôi vững tin thực hiện thành công chiến lược giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn 2030.

FECON: Trong khó khăn, vẫn tìm kiếm và nắm bắt cơ hội - Ảnh 7.
FECON: Trong khó khăn, vẫn tìm kiếm và nắm bắt cơ hội - Ảnh 8.

Để có được những thành tựu như hiện tại, hành trình trưởng thành của FECON có phải là một chặng đường "trải bước trên hoa hồng"?

FECON đã trải qua một chặng đường phát triển khá dài. Sau hơn 16 năm, thành quả đạt được là 20 công ty trên toàn hệ thống, bao gồm công ty mẹ, 13 công ty con và 6 công ty liên kết. Tổng tài sản của FECON hiện vượt quá con số 5.500 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt gần 2.500 tỷ đồng, vốn điều lệ 1.200 tỷ đồng, doanh số hơn 3.000 tỷ đồng, đội ngũ trên 1.600 người.

Những dự án lớn, trọng điểm quốc gia như Samsung, LG, hàng loạt nhà máy Nhiệt điện tại Việt Nam, Metro Line 1 TP HCM, Metro Line 3 Hà Nội, Nhà máy nước thải Yên Xá Hà Nội, Tổ hợp thép Hòa Phát, Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn, Lotte mall Hà Nội, Empire city TP HCM, QL1A đoạn tránh TP Phủ Lý… đều có dấu chân và mồ hôi của người FECON.

Con đường phát triển của FECON còn được nối dài đến Myanmar với các dự án như Cảng Thilawa, cảng Sitwee và Cầu Bago.

Hơn 16 năm nhìn lại, đó là một hành trình đầy khó khăn nhưng rất đáng tự hào.

FECON: Trong khó khăn, vẫn tìm kiếm và nắm bắt cơ hội - Ảnh 9.

Ngay từ ngày đầu thành lập, ông đã dẫn dắt FECON phát triển theo chiến lược "Mọi công trình đều bắt đầu từ nền móng". Sau 16 năm tầm nhìn này có gì thay đổi không, thưa ông?

Đã là nền tảng thì sẽ không bao giờ thay đổi. Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy, một trong các yếu tố then chốt quyết định thành công bước đầu của FECON xuất phát từ việc Công ty đã lựa chọn một phạm vi kinh doanh khá đặc thù, đó là chuyên sâu về kỹ thuật nền móng và công trình ngầm. Đây là công đoạn mà bất cứ loại công trình dự án nào cũng phải thực hiện, nhưng số đơn vị trong nước tạo được uy tín trong lĩnh vực này chưa nhiều.

Đến nay FECON không dừng lại ở nhà thầu nền móng & công trình ngầm, mà đã mở rộng kinh doanh để trở thành nhà thầu chính trong xây dựng hạ tầng và xây dựng công nghiệp. Đồng thời tham gia vào hoạt động đầu tư dự án năng lượng tái tạo, hạ tầng khu công nghiệp và hạ tầng khu đô thị. Các lĩnh vực này bổ trợ đắc lực cho nhau, đặc biệt là luôn phát huy được thế mạnh về năng lực thi công truyền thống là nền móng và công trình ngầm mà FECON đã lựa chọn từ thời điểm lập nghiệp.

Xin cảm ơn ông và chúc FECON luôn chinh phục những đỉnh cao mới!

An An
Nguyễn Anh Lộc
Theo Trí Thức Trẻ

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên