img

Trong buổi phỏng vấn vòng cuối tuyển chọn vào UWC (United World Colleges), ban tuyển chọn hỏi Châu Thanh Vũ: "Sau này bạn muốn làm gì và cống hiến cho Việt Nam như thế nào?". Vũ trả lời rằng "Làm chính sách, và nếu có thể, chủ tịch tỉnh vì đấy là vị trí mà em có thể thực hiện các chính sách của mình".

Đến lúc Vũ nhận được đề cử của UWCVN, ban tuyển chọn đã viết: "Đây là em Vũ, đề cử đến UWC-USA, ước mơ làm chủ tịch tỉnh. Để xem có thành hiện thực không nhé".

Trước khi theo con đường kinh tế và chính sách, giấc mơ của Vũ lại là trở thành kỹ sư tin học ở Mỹ. Năm học lớp 5, gia đình cậu học trò Châu Thanh Vũ bắt đầu có máy tính. Bố Vũ cho đi học tin học bằng A ở bưu điện, đó là lần đầu tiên Vũ được học tin học. Cũng năm đó, sau khi học tin học 2 tháng, Vũ đại diện cho ngành bưu điện toàn quốc dự thi giải Tin học trẻ không chuyên, đạt giải nhì, cả nhà rất vui.

"Ngày xưa học và thi toán là chính, sau này cấp 2, cấp 3 học thêm về tin học thì cảm thấy mình cũng khá thích và nói chuyện với bố mẹ. Bố mẹ cũng nói nếu học tin học mà sau này được đi làm ở Silicon Valley thì rất hay. Đó là lúc mọi thứ bắt đầu" – Châu Thanh Vũ nói. Thế nhưng, sau nhiều suy nghĩ, Vũ đã quyết định đổi từ chuyên ngành IT sang học Kinh tế ở bậc đại học.

Năm 24 tuổi, Vũ nhận học bổng tiến sĩ toàn phần từ ĐH Harvard và 7 trường ĐH danh giá khác ở Mỹ. Hiện Vũ đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Kinh tế học tại Đại học Harvard.

Giấc mơ làm chủ tịch tỉnh của Nghiên cứu sinh Tiến sĩ Harvard Châu Thanh Vũ - Ảnh 1.

Tại sao yêu thích công nghệ thông tin mà Vũ lại chuyển sang kinh tế học?

Mình vẫn rất thích tin học, nhưng muốn áp dụng nó để giải quyết các câu hỏi về xã hội hơn. Thật ra bộ môn kinh tế học hiện đại cũng áp dụng rất nhiều kiến thức từ toán và tin. Người nghiên cứu sẽ viết mô hình và giải mô hình bằng các công cụ toán tin. Vậy nên ngay cả khi chuyển sang kinh tế học vẫn thỏa mãn được niềm yêu thích của mình với các công cụ kinh tế lượng, áp dụng mô hình toán tin.

Ban đầu nói đến tin học mọi người thường chỉ nghĩ đến việc áp dụng ngôn ngữ lập trình, thuật toán vào việc viết phần mềm. Riêng mình, từ nhỏ lớn lên, và sau này khi có cơ hội học phổ thông ở Mỹ, mình càng ngày càng có nhiều câu hỏi hơn về nền kinh tế và xã hội. Vì sao lạm phát xảy ra? Vì sao có bất bình đẳng thu nhập? Các dòng chảy vốn và đầu tư có ý nghĩa gì tới Việt Nam? Đó là một vài câu hỏi đã thôi thúc mình nghĩ đến việc làm sao có thể áp dụng những công cụ toán tin học để trả lời những câu hỏi về xã hội.

Nhưng còn chuyện chênh lệch thu nhập hay cơ hội giữa kỹ sư tin học và nhà kinh tế học thì sao? Vũ có từng đắn đo chuyện đó không?

Lúc chọn ngành mình không nghĩ nhiều lắm về thu nhập, chỉ quan trọng chọn ngành mà mình thích, để mỗi sáng ngủ dậy thấy muốn làm công việc đó.

Nhưng tất nhiên sau này khi biết nhiều hơn thì nhận ra là theo ngành kinh tế thì không có nghĩa là thu nhập không bằng ngành IT. Lương giáo sư kinh tế ở Mỹ cũng khá cao.

Giấc mơ làm chủ tịch tỉnh của Nghiên cứu sinh Tiến sĩ Harvard Châu Thanh Vũ - Ảnh 2.

Vũ "xử lý" vấn đề cô đơn khi làm nghiên cứu ra sao, đặc biệt là khi học ở Mỹ?

Cách mình đối phó với cô đơn là sẽ cố gắng đem nghiên cứu đó nói chuyện với đồng nghiệp, với giáo sư. Ngay cả những dự án độc lập, nếu cứ một mình làm mà không nói chuyện với ai thì một là buồn, hai là khó phát triển. Trong nghiên cứu khoa học, việc phát triển nhiều hơn đòi hỏi phải nhận được phản hồi từ nhiều người.

Rộng hơn, có một vấn đề của nghiên cứu khoa học nói chung là những người làm nghiên cứu, ngoài việc công bố kết quả trong giới học thuật, nên viết kết quả của mình ra theo một cách dễ hiểu và thiết thực để công bố tới dư luận và độc giả ở ngoài. Mình viết rất nhiều về chủ đề kinh tế trên blog cá nhân. Viết nghiên cứu kinh tế ra theo một cách dễ hiểu, đó cũng là cách để bớt cô đơn, mình rất thích viết kiểu đó.

Trong nghiên cứu kinh tế học, người Việt Nam có ưu điểm nhược điểm gì nếu so sánh với nghiên cứu viên nước ngoài?

Nếu phải nhận xét chung, người Việt Nam có đặc thù giáo dục rất giỏi các môn cơ bản như Toán Lý Hóa, về lý thuyết, nhưng hơi thiếu kiến thức thực tiễn. Các bạn nước ngoài mình gặp trước khi chuyển sang học kinh tế cũng biết rất nhiều về xã hội, biết nhiều về tổ chức kinh tế và biết về cách vận hành. Ví dụ như ngay cả một sinh viên ĐH bình thường cũng biết ngân hàng trung ương làm gì. Trong khi hầu hết học sinh Việt Nam sẽ không biết chuyện đó.

Một người Việt Nam mới sang Mỹ thì sẽ chập chững bước đầu như vậy, giỏi lý thuyết hơn nhưng thiếu tầm nhìn thực tiễn về xã hội, tầm nhìn chung. Nhưng về lâu về dài thì điều đó không phải vấn đề gì lớn. Ở đây một thời gian dài các bạn cũng sẽ học cách nghĩ thực tế, học cách tư duy thực tiễn hơn.

Giấc mơ làm chủ tịch tỉnh của Nghiên cứu sinh Tiến sĩ Harvard Châu Thanh Vũ - Ảnh 3.

Vũ có nghĩ rằng các bạn trẻ nên cố gắng để đi du học hay không?

Theo góc nhìn của mình thì không phải ai cũng nên đi du học.

Thứ nhất, mình nghĩ để du học thành công thì cần có sẵn sự trưởng thành và tự lập nhất định. Khi đi du học mình sẽ phải liên tục tìm cách thích nghi với công việc và cuộc sống. Nhưng trước đó cần phải có sự trưởng thành nhất định. Những bạn chưa tự lập sang đây sẽ cảm thấy quá bối rối với nỗi nhớ nhà và quá nhiều điều mới mẻ khi ở xa gia đình.

Nhưng quan trọng hơn, bạn nên tự hỏi: "Mục đích của mình khi đi du học là gì?". Nếu mình muốn làm một số ngành nghề không đòi hỏi kiến thức quá chuyên sâu chỉ có thể học ở nước ngoài, nên dành thời gian ở Việt Nam để trau dồi kinh nghiệm làm việc, đi vào ngành đó một cách thực tiễn thì sẽ tốt hơn di du học và học ngành không liên quan rồi quay về làm ngành đó ở Việt Nam. Du học cần có mục đích rõ ràng. Nên đi du học khi ở Việt Nam chưa có đủ cơ sở vật chất và con người để đều tạo ngành mà bạn muốn theo đuổi.

Giấc mơ làm chủ tịch tỉnh của Nghiên cứu sinh Tiến sĩ Harvard Châu Thanh Vũ - Ảnh 4.

Sinh viên Việt Nam ra nước ngoài học làm sao để xây dựng sự tự tin?

Mới sang ai cũng sẽ có những khó khăn nhất định, đặc biệt là về ngôn ngữ. Cách tốt nhất để vượt qua là chấp nhận mình có những yếu kém đó, để rồi đi giao tiếp và hoà nhập nhiều hơn. Nếu tiếng Anh kém thì cứ đi tới chơi với các bạn và nói: "Xin lỗi tiếng Anh của tôi rất kém, bạn có thể nhắc lại câu bạn vừa nói không?"

Mình nghĩ vấn đề với sinh viên nước ngoài nói chung, không riêng gì Việt Nam thường là khi ngôn ngữ quá kém thì các bạn ngại và xấu hổ, sợ bị người ta đánh giá. Cũng vì thế, các bạn không đến các sự kiện, tiệc tùng, họp mặt… và không giao tiếp nhiều. Nó giống như một vòng luẩn quẩn, tiếng Anh hay văn hóa của các bạn cũng sẽ không thể phát triển được.

Hồi mình mới sang, mình hòa nhập nhanh như vậy mà một vài tuần đầu tiên cũng chỉ biết cười và gật đầu thôi. Nhưng mình không ngại và nghĩ rằng nó hết sức bình thường. Lúc đó mình nghĩ nếu người ta phải sang Việt Nam và học tiếng Việt ở Việt Nam thì người ta cũng như thế. Mình nghĩ người ta sẽ ít đánh giá mình vì ngôn ngữ kém, nhưng sẽ dễ đánh giá mình hơn vì không dám và không chịu giao tiếp.

Bước đầu tiên để vượt qua sự tự ti là chấp nhận nó, chấp nhận rằng ban đầu mọi thứ rất khó, liên tiếp trao đổi với bạn bè để càng ngày càng hoàn thiện kiến thức ngôn ngữ và kiến thức văn hóa của mình.

Giấc mơ làm chủ tịch tỉnh của Nghiên cứu sinh Tiến sĩ Harvard Châu Thanh Vũ - Ảnh 5.

Công việc nghiên cứu rất bận nhưng Vũ vẫn hỗ trợ các bạn trẻ qua 2 chương trình ("Trường Hè Nghiên Cứu Việt Nam" và tuyển chọn, trao học bổng cho 10-15 em học sinh Việt Nam tại 17 trường UWC ở khắp thế giới). Điều này có ý nghĩa gì với Vũ?

Theo mình nghĩ, nếu mình đã thuộc số ít người có cơ hội tiếp cận tri thức của thế giới, thì khi nào có thể, nên giúp đỡ và truyền đạt lại tri thức cho các bạn Việt Nam khác. Đó là điểm chung của cả hai chương trình.

Trường hè nghiên cứu xuất phát từ một buổi nói chuyện ở Harvard giữa mình và chị Jenny Tuệ Anh – giảng viên tại ĐH Oxford. Hai chị em gặp nhau ở Trường Chính sách Công Harvard Kennedy và nói chuyện bình thường thôi. Cả hai đều có cơ hội được sang Mỹ và được học rất nhiều, được tiếp cận với nhiều kiến thức và phương pháp mới trong nghiên cứu.

Ở nhà những phương pháp này có thể chưa được dạy hoặc chưa được phổ biến rộng rãi, một phần vì thiếu người biết để truyền đạt lại. Và nói chung, có một sự thiếu liên kết giữa giới tri thức ở nước ngoài và giới tri thức ở Việt Nam, mạnh ai nấy làm. Đã có một số chương trình đối thoại nhưng đối với tụi mình như vậy là chưa đủ nhiều.

Đó là lý do khiến mình và chị Jenny sáng lập ra trường hè nghiên cứu, với mục đích là truyền lại những kiến thức, phương pháp mà mình có cơ hội học được từ các giáo sư đầu ngành ở nước ngoài, ở Harvard đến các bạn ở nhà. Chất lượng của những nghiên cứu sinh từ các viện tham gia chương trình rất là cao, có nhiều người còn hơn tuổi mình nữa.

Giấc mơ làm chủ tịch tỉnh của Nghiên cứu sinh Tiến sĩ Harvard Châu Thanh Vũ - Ảnh 6.

Một người trẻ có cơ hội học ở Harvard và cũng có thể làm việc tại Mỹ sau này, Vũ có suy nghĩ gì về việc trở về Việt Nam, đóng góp cho đất nước?

Tất cả những người lớn lên ở Việt Nam, bằng cách này hay cách khác đều đã nhận được điều gì đó từ đất nước Việt Nam: môi trường học, môi trường sống, môi trường làm việc,... Là một công dân Việt Nam, mình lấy đây làm động lực để góp phần xây dựng đất nước bất cứ khi nào có thể.

Còn về cách thức đóng góp, thì đó là điều khác nhau ở mỗi người và tùy vào hoàn cảnh. Nhiều người hay hỏi: Vũ học xong có về Việt Nam hay không? Câu trả lời luôn luôn là có, mình luôn hướng về Việt Nam, ngay từ những dự án mình đang làm hiện tại. Còn thời điểm về công tác ở Việt Nam phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, vào thời điểm nào mình có ích và có giá trị ở chỗ nào.

Mình từng có cơ hội nói chuyện với một lãnh đạo Việt Nam, mình sẽ không nói tên. Bác ấy dẫn đầu một đoàn đại biểu có chuyến thăm sang Boston, mình hỏi người đó: "Sau này cháu có nên về Việt Nam hay không?", bác ấy nói: "Cháu cứ ở bất cứ đâu mà cháu thấy có ích nhất cho Việt Nam là được". Mình cũng nghĩ nhiều về câu nói đó và mình cũng thấy một số ví dụ quanh mình.

Giáo sư hướng dẫn của mình là cô Gita Gopinath, là người Ấn Độ. Cô ấy là giáo sư ở Harvard, đồng thời là chuyên gia tài chính quốc tế nên được mời làm cố vấn trưởng cho chính quyền bang Kerala Ấn Độ. Hiện nay, cô đã là người phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm vị trí Kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF. Sự đóng góp tri thức và mối liên hệ với IMF của cô rất có ích cho Ấn Độ, và mình thấy điều này đúng với con đường mình đang đi.

Giấc mơ làm chủ tịch tỉnh của Nghiên cứu sinh Tiến sĩ Harvard Châu Thanh Vũ - Ảnh 7.

"Làm chính sách, và nếu có thể, chủ tịch tỉnh vì đấy là vị trí có thể thực hiện các chính sách của mình" – ước mơ này còn "hiệu lực" không và Vũ đang phấn đấu thế nào cho ước mơ đó?

Ước mơ này vẫn còn hiệu lực 100%. Nhưng tất nhiên có thể thành hiện thực hay không thì còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố, cả từ phía mình và những thứ nằm ngoài tầm quyết định của mình.

Mình đang theo ngành nghiên cứu và những nghiên cứu của mình phần nhiều cũng là để xây dựng chính sách kinh tế vĩ mô và chính sách kinh tế tài chính tốt hơn. Có những sự hiểu biết đó, nếu có một ngày được làm chính sách, mình hy vọng có thể làm theo cách có chuyên môn nhất có thể. Đó là ước muốn của mình.

Thời điểm này, nếu mình được đặt vào một vị trí làm chính sách thì có lẽ là chưa đủ tài (cười). Hiện tại mình muốn trau dồi chuyên môn và chứng tỏ bản thân, để một lúc nào đó khi mình thực sự có cơ hội được làm thì mình sẽ làm cho tròn vai.

Giấc mơ làm chủ tịch tỉnh của Nghiên cứu sinh Tiến sĩ Harvard Châu Thanh Vũ - Ảnh 8.

Năm 2019 sắp kết thúc, nhìn lại những mục tiêu đã đặt ra trong năm vừa qua, Vũ đánh giá kết quả ra sao?

Mục tiêu quan trọng nhất là hoàn thiện bài nghiên cứu kinh tế vĩ mô từ năm ngoái thì mình đã hoàn thiện 100%

Mình có một dự án độc lập và hai dự án làm chung với bạn bè ở Harvard và MIT. Dự án độc lập tiến triển rất tốt và mình rất hài lòng với kết quả đạt được. Hai dự án làm chung đã "hỏng", nhưng nghiên cứu thì chỉ cần đạt được tỷ lệ 1/3 là đã thành công rồi, mình đang triển khai thêm hai dự án mới.

Mục tiêu giảm 10 kí thì mình chưa giảm được kí nào (cười). Dự định đi du lịch đến ít nhất một nước mới thì mình đã đi thêm hai bang mới ở Mỹ nhưng nước mới thì chưa.

Ngoài ra, kế hoạch tập lại hết repertoire nhạc guitar cổ điển mà mình đã tập được ở Princeton thì đã làm được 60% rồi. Hiện giờ mình còn đang học them đàn cello nữa.

Còn năm 2020 thì sao?

Đối với mình 2020 sẽ là năm kết thúc của một giai đoạn vì năm sau là năm cuối của chương trình tiến sĩ rồi. Hy vọng nó sẽ là cái đích có ý nghĩa. Mình muốn hoàn thiện bài nghiên cứu mà mình sắp xong và đó sẽ là phần lớn trong luận văn tiến sĩ của mình. Năm sau sẽ là năm mình tổng kết các dự án mà mình đã bắt đầu trong thời gian vừa qua, để chuẩn bị cho một giai đoạn mới với nhiều dự án và công trình có ý nghĩa cho bản thân và xã hội hơn.

Bài tiếp: Chuyện trở về Việt Nam từ cô gái đạt học bổng tiến sĩ 9,3 tỷ VND của Đại học Johns Hopkins


Hoàng An - Hoàng Ly
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ16/12/2019




Hoàng An - Hoàng Ly

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên