img

Cuộc phỏng vấn với anh Vũ Đức Thịnh diễn ra ngay khi chuyên gia này vừa kết thúc một cuộc hội thảo về logistics, chưa kịp ăn trưa. Thế nhưng, anh Thịnh vẫn trả lời rất sung bởi được chia sẻ thêm về "đứa con thứ 4 của mình". Ngay sau khi kết thúc, anh Thịnh ra sân bay để kịp về TP.HCM.

Chia sẻ ấn tượng đầu tiên về Lazada trước khi vào làm tại đây, anh Thịnh hóm hỉnh cho biết: "Trước khi vào Lazada, mình chưa biết thương mại điện tử (TMĐT) là gì. Ngày ấy, khi thấy các sàn TMĐT quảng cáo mấy cái điện thoại chỉ có giá mấy trăm nghìn, mình đã nghĩ ‘điện thoại này không tốt’ và cũng không có ý định mua (cười). Nhưng khi tìm hiểu kỹ hơn về Lazada, mình đã phải thay đổi hoàn toàn suy nghĩ này".

Giám đốc Lazada Logistics Việt Nam coi hệ thống logistics mà mình cùng các đồng nghiệp xây dựng là "đứa con thứ tư" (anh Thịnh có 3 người con). Chuyên gia rất phấn khích khi có cơ hội giải thích đầy đủ, cặn kẽ về cách thức vận hành cũng như thách thức của logistics trong TMĐT - một lĩnh vực không dễ hiểu với nhiều người

Giám đốc Lazada Logistics Việt Nam: “Chúng tôi đang định ra chuẩn mực cho một ngành công nghiệp mới” - Ảnh 1.

Từng làm startup về logistics, chuyển qua làm cho DHL, điều gì đã đưa anh đến với Lazada – một công ty mà trước đó anh cũng chưa từng quan tâm?

Cơ duyên của mình với Lazada rất thú vị. Thực ra, khi nhận được lời mời cho vị trí Giám đốc Logistics ở Lazada Việt Nam thì mình mới bắt đầu tìm hiểu về công ty và thấy cũng có vẻ hay. Nhưng chỉ đến khi được gặp Giám đốc Vận Hành (COO) của Lazada và được biết về tầm nhìn dài hạn về việc phát triển logistics như một bộ phận độc lập thì mình mới thấy thực sự hứng thú.

Với mình, logistics có mặt trong tất cả mọi lĩnh vực của đời sống, xã hội, và càng đi sâu vào nó, mình càng thấy đó là nghệ thuật và khoa học. Trước đó, mình đã thành lập 2 công ty về logistics rồi và đề tài làm luận án tốt nghiệp thạc sĩ của mình là "Định hướng gia nhập thị trường cho công ty logistics - Market entry for logistics company" nên lời mời của Lazada Logistics đúng là cái duyên với mình.

Giám đốc Lazada Logistics Việt Nam: “Chúng tôi đang định ra chuẩn mực cho một ngành công nghiệp mới” - Ảnh 2.

Anh thấy điều gì hấp dẫn khác khi làm việc ở Lazada?

Một trong những điểm mình rất thích đó là Lazada đã và đang thực sự đầu tư dài hạn, bài bản cho logistics. Cũng nhờ thế, mình có thể tuyển dụng được các cộng sự có nhiều kiến thức, kinh nghiệm để cùng xây dựng một hệ thống logistics hiện đại và tiên phong trên thị trường TMĐT ở Việt Nam.

Ngay từ những ngày đầu phát triển ở thị trường Việt Nam vào năm 2012, nhận thấy điểm mấu chốt trong việc phát triển ngành logistics ở Việt Nam chính là cơ sở hạ tầng, Lazada đã xác định mục tiêu dài hạn là đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics.

Chính sự tiên phong này đã đảm bảo cho Lazada có được lợi thế rất lớn từ khâu lưu trữ, đóng gói hàng hóa, giao nhận, chuyển phát gói hàng đến người tiêu dùng để đảm bảo mỗi gói hàng sẽ được giao trong thời gian ngắn nhất với chi phí thấp nhất. Qua đó, hạ tầng này giúp nâng cao trải nghiệm mua sắm của người tiêu dùng, đồng thời giúp các thương hiệu, nhà bán hàng bớt đi những thử thách trong việc tự vận hành logistics. 

Giám đốc Lazada Logistics Việt Nam: “Chúng tôi đang định ra chuẩn mực cho một ngành công nghiệp mới” - Ảnh 3.

Anh có thể nêu một số ví dụ cho thấy tính tiên phong của Lazada trong việc xây dựng hạ tầng logistics?

Thứ nhất đó là việc tiên phong xây dựng hệ thống chia chọn tự động. Đây là hệ thống giúp cho quá trình giao hàng được đẩy nhanh, tránh hư hỏng hơn rất nhiều so với trước. Lazada Việt Nam đang sở hữu hệ thống cơ sở hạ tầng logistics tích hợp, thông minh hàng đầu tại Việt Nam với 02 trung tâm phân loại hàng hoá tự động tại TP.HCM có tổng diện tích lên tới 7.000m2 và trung tâm phân loại hàng hóa ở Hà Nội có tổng diện tích lên tới 10.000m2.

Tại đây, tất cả hàng hoá được tập trung và phân loại về các trung tâm giao nhận hàng tại các quận, huyện thông qua công nghệ wave-sorter thế hệ 2, với băng chuyền tự động chuyển hướng bánh răng giúp chuyển hàng hóa nhanh chóng tới điểm đến là các cơ sở phát hàng của Lazada.

Thứ hai đó là mô hình Drop-off point (Điểm gửi hàng) hay Collection point (Điểm nhận hàng). Việc kết hợp với các cửa hàng tiện lợi để xây dựng và mở rộng mạng lưới của Lazada Logistics sẽ giúp mang đến sự thuận tiện cho cả người bán hàng và người mua hàng. Trên thực tế, phía sau các mô hình này là việc Lazada đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho logistics, giúp cho hệ thống vận hành trơn tru, ổn định.

Gần đây nhất, Lazada đã ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) vào việc vận hành hệ thống, giúp giảm chi phí vận hành và tăng hiệu quả. Hiện tại, nhờ việc đầu tư có hệ thống cho hạ tầng logistics, Lazada là sàn TMĐT có chi phí giao hàng rẻ nhất trên thị trường.

Thứ ba là việc sáng tạo ra xe đạp điện chở hàng. Đây sẽ là một sự thay đổi lớn cho thị trường nói chung chứ không chỉ riêng Lazada trong vòng từ 3 đến 4 năm tới.

Giám đốc Lazada Logistics Việt Nam: “Chúng tôi đang định ra chuẩn mực cho một ngành công nghiệp mới” - Ảnh 4.

Anh có thể nêu ra một ví dụ cụ thể nhưng đơn giản để cho thấy lợi thế dịch vụ của hạ tầng logistics của Lazada mà các sàn TMĐT khác chưa thể làm được?

Đó chính là hệ thống tủ khóa thông minh iLogic Smartlocker – giải pháp giao hàng không tiếp xúc. Theo đó, hàng hóa sẽ được chuyển đến một tủ cố định gần nhất mà khách hàng có thể ra đó lấy vào bất cứ thời gian nào trong vòng 3 ngày. Người mua hàng có thể chủ động lấy hàng mọi lúc và hoàn toàn tự động sau khi đặt hàng trên Lazada với thao tác rất đơn giản là quét mã QR (nhận qua email) hoặc nhập số điện thoại và mã OTP (mật khẩu sử dụng một lần).

Hiện nay, tại thị trường Việt Nam mới chỉ có Lazada đủ điều kiện để triển khai dịch vụ này, do phía đơn vị cung cấp (iLogic) đòi hỏi các sàn TMĐT phải có nền tảng cơ sở hạ tầng và chiến lược đầu tư dài hạn.

Giám đốc Lazada Logistics Việt Nam: “Chúng tôi đang định ra chuẩn mực cho một ngành công nghiệp mới” - Ảnh 5.

Anh có nói về tính tiên phong trong việc xây dựng hạ tầng logistics nhưng vì sao Lazada lại chậm đưa ra dịch vụ giao hàng siêu tốc như các sàn TMĐT khác đã làm?

Nếu chỉ là cuộc "chạy đua", Lazada hoàn toàn có thể đưa ra được dịch vụ đó chỉ trong 1 tháng. Thế nhưng: giá là bao nhiêu, hiệu quả đến đâu, giữ dịch vụ đó đến bao giờ? Đó là những câu hỏi quan trọng hơn mà chúng tôi chưa thể trả lời ngay lập tức.

Thực tế, dịch vụ giao hàng siêu tốc sẽ tốn rất nhiều chi phí nếu tự làm toàn bộ, bên cạnh đó quy mô sẽ không thể mở rộng được nếu không đầu tư vào hạ tầng tốt. Bạn có thể làm tốt nếu số lượng đơn hàng chỉ là 1.000 đến 2.000 đơn mỗi ngày, nhưng khi nhu cầu tăng cao đột biến thì chất lượng dịch vụ sẽ có vấn đề ngay.

Đối với Lazada, chúng tôi có tầm nhìn là xây dựng hạ tầng cho dịch vụ không chỉ để cho những mục tiêu ngắn hạn trước mắt mà còn là để mở rộng quy mô cho 3 đến 5 năm tới. Nếu không làm như vậy thì năm nào cũng sẽ phải sửa chữa và ảnh hưởng rất nhiều tới chất lượng dịch vụ.

Hiện tại, việc chuẩn bị hạ tầng logistics tốt, kết hợp với các đối tác tốt, có thế mạnh về giao hàng siêu tốc như Grab và Ahamove, chúng tôi có thể đảm bảo số lượng đơn hàng tăng lên mà không ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.  

Theo các chỉ số đo lường thì độ hài lòng của khách hàng trên Lazada ngày càng tăng dù số lượng đơn hàng tăng lên rất nhiều sau mỗi kỳ Lễ hội mua sắm. Đây chính là một ưu thế cạnh tranh lớn của Lazada.

Giám đốc Lazada Logistics Việt Nam: “Chúng tôi đang định ra chuẩn mực cho một ngành công nghiệp mới” - Ảnh 6.

Nhưng tại sao Lazada cứ phải tiên phong trong khi một số chuyên gia cho rằng trong ngành TMĐT này không nhất thiết phải như vậy. Đi sau và bắt chước thành công của người đi trước, đồng thời rút được kinh nghiệm sẽ đỡ đi những thất bại tốn kém và đảm bảo thành công?

Cái này là do lựa chọn của từng công ty thôi. Đầu tư sớm, trở thành người tiên phong bao giờ cũng vất vả; còn cứ nấp đằng sau đợi các bên khác tiên phong rồi copy theo thì chắc chắn sẽ "nhẹ gánh" hơn.

Nhưng cái mà bản thân mình rất thích và chắc nhiều người làm ở đây cũng thích đó là Lazada luôn xác định mình phải là người tiên phong. Tất nhiên, làm người tiên phong sẽ có những thành quả mà người copy không thể có được.

Mình cũng luôn nói với các cộng sự là: "Những điều chúng ta làm ngày hôm nay không đơn thuần chỉ là xây dựng hạ tầng logistics cho Lazada mà đang góp phần xây một ngành công nghiệp mới, với những tiêu chuẩn mới". Thực tế, hạ tầng logistics của ngành TMĐT khác rất nhiều so với logistics truyền thống. Hạ tầng logistics của Lazada không chỉ đơn thuần đến từ một sáng kiến mà là rất nhiều sáng kiến, cách hoạt động mới, cách vận hành mới, kết hợp mới…

Mình cũng xin tiết lộ là nhờ hệ thống logistics ngày càng được tối ưu hóa bởi công nghệ và cách vận hành hiệu quả, Lazada đang tiến tới việc có chi phí giao hàng trong ngày chỉ với chi phí tương đương giao hàng qua ngày. Điều này có thể thực hiện được trong năm 2021.

Giám đốc Lazada Logistics Việt Nam: “Chúng tôi đang định ra chuẩn mực cho một ngành công nghiệp mới” - Ảnh 7.

Quay trở lại chuyện tiên phong giao hàng bằng xe đạp điện. Tại sao Lazda lại lựa chọn phương tiện đó, thực tế giao hàng bằng xe máy như hiện nay sẽ nhanh và tiện hơn chứ?

Bạn cứ thử tính ở Hà Nội thôi, với khoảng 7 triệu dân thì có hơn 4 triệu cái xe máy, và có khoảng hơn một trăm nghìn xe làm shipper. Điều gì sẽ xảy ra nếu quy mô TMĐT tăng gấp 3 lần?

Nếu lượng xe máy làm shipper ra đường tăng mạnh thì đường xá sẽ gặp vấn đề, chưa kể đến ô nhiễm môi trường. Thực tế, tất cả các xe máy hiện nay không được thiết kế để chở hàng. Đặt thùng hàng chở lên xe máy mà giao hàng là tã cho trẻ em thì chở được mấy đơn?

Thay vì thế, mình có cái xe đạp điện với thùng chứa hàng to gấp đôi xe máy, chở được nhiều hơn. Điều này có nghĩa là chỉ cần 1 xe và 1 người thay cho 2 xe 2 người, đồng thời tuyển người cũng đơn giản hơn, ô nhiễm ít hơn, đầu tư ít hơn… Hãy thử hình dung nếu trong tương lai, quy mô của Lazada và cả những sàn TMĐT khác có thể lên tới hàng chục nghìn xe giao hàng, nhưng nhờ có xe đạp điện mình có thể tiết giảm một nửa số lượng thì có phải là tuyệt không?

Thực ra, việc này ở nước ngoài thì dễ hơn và có hẳn xe đạp điện chuyên chở hàng nhưng là 3 bánh, mà Việt Nam lại cấm xe 3 bánh. Thêm vào đó, xe đạp 2 bánh ở Việt Nam thì không có nhà sản xuất xe chuyên dụng chở hàng nên cũng khó làm. Vì thế, khi mình đưa ra ý tưởng này cũng có người cười, có người bảo "crazy" (cười) nhưng nếu thấy khó làm mà dừng thì làm sao phát triển được.

Lazada đã thử nghiệm với khoảng 70 xe đạp điện, đến giờ người giao hàng đã thích đi xe này rồi và sắp ra thêm loại xe mới.

Giám đốc Lazada Logistics Việt Nam: “Chúng tôi đang định ra chuẩn mực cho một ngành công nghiệp mới” - Ảnh 8.

Làm việc ở một công ty mà không biết ngày nào có lợi nhuận như Lazada, anh có bao giờ đặt câu hỏi về tương lai ở một công ty như vậy sẽ ra sao không?

Có chứ. Nhưng vấn đề là Tập đoàn Alibaba (công ty mẹ của Lazada Việt Nam) đang có lãi rồi mà. Trên thị trường, nếu mô hình đó không tốt thì tại sao năm 2008, Alibaba trở thành công ty IPO lớn nhất thế giới vào thời điểm đó? Nhà đầu tư vào đó toàn người có tiềm lực rất mạnh, họ không sợ thì mình sợ cái gì? (cười)

Bản chất nhà đầu tư khi rót vốn vào công ty người ta trông đợi cổ tức hoặc giá cổ phiếu tăng. Thực tế là giá cổ phiếu Alibaba vẫn tăng, đó là cái mà bao nhiêu nhà đầu tư hướng tới chứ. Alibaba trị giá hơn 700 tỷ USD cơ mà, bao nhiêu nhà đầu tư lớn ở trong đó, mình có gì đâu mà sợ? (cười lớn)

Giám đốc Lazada Logistics Việt Nam: “Chúng tôi đang định ra chuẩn mực cho một ngành công nghiệp mới” - Ảnh 9.

Làm việc ở Lazada khác gì các công ty anh đã làm trước đây?

Mình làm startup rồi, rất vất vả nhưng số mình chắc vất vả nên thấy cũng bình thường (cười). Làm thì mình cũng đặt hết tâm sức vào nhưng thiếu vốn, rồi thiếu kinh nghiệm quản lý… cũng khó khăn lắm. Rồi đầu tư vào xe tải, xe container và hay phải chạy đêm, bất cứ lúc nào cũng có thể bị gọi, rồi tai nạn các thứ… Nghề logistics thì phải chấp nhận như vậy nhưng sẽ học được rất nhiều thứ hay.

Lazada mang tới cho mình cảm giác như đang làm việc cho chính công ty của mình. Văn hóa ở đây là khuyến khích và yêu cầu mọi người phải thay đổi, thử, và thất bại; chỉ khi thất bại mới biết cái gì đúng mà làm, nhưng đừng đặt mục tiêu thất bại là được (cười).

Khi mình có một ý tưởng chỉ cần phân tích và tính toán hợp lý là chạy thử, còn không được thì sửa lại. Ngay như cái xe đạp điện chở hàng cũng phải làm tới 9 phiên bản mới chạy được chứ có làm được ngay đâu (cười).

Vấn đề là ở Việt Nam không bên nào làm cái xe như vậy cả. Ra nhà máy Thống Nhất đặt họ làm thì làm xong họ bảo xe đạp không có chạy điện. Mình đi tìm bên làm động cơ điện để ghép từng cái vào chạy thì gặp vấn đề khung yếu nên phải gia cố, sau đó là lốp yếu lại phải đi sửa cái lốp, rồi chân trống, phanh… Thế nhưng mình và các cộng sự vẫn được làm và rất thích.

Mình tin rằng những gì Lazada đã, đang và sẽ làm được với ngành logistics tại Việt Nam đã mang đến những lợi ích tối ưu cho người tiêu dùng, các thương hiệu và nhà bán hàng Việt. Điều đó thể hiện chính xác giá trị cốt lõi mà Lazada đang theo đuổi – Khách hàng là ưu tiên hàng đầu!

Xin cám ơn anh!

Bạch Mộc – Hoàng Ly
Ngô Trần Hải An
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ


Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên