Giao Cùn bước vào cuộc trò chuyện với một mảnh gốm men hình vân mây thời nhà Trần trên tay. Không phải vật may mắn hay mang ý nghĩa tâm linh nào cả mà lý do chỉ đơn giản là: “Một món đồ đẹp, hoa văn đậm chất Việt Nam, chỉ 46.000 đồng mà chẳng ai biết cả. Nên em xin cho lên hình ké để mọi người biết, ai thích thì mua làm đồ trang trí, đồ cầm tay, quà lưu niệm,... Nhãn hàng không hề booking gì cả nhé!”.
Chỉ một tình huống nhỏ xíu nhưng đã nói rất rõ về nỗ lực hiện tại của Giao Cùn - một nhà sáng tạo nội dung mảng văn hoá lịch sử trên MXH: sử dụng ảnh hưởng của mình để phổ biến hơn các sản phẩm liên quan đến lịch sử.
Một câu chuyện khác, nổi tiếng hơn và cũng nhắc nhớ cho mọi người về Giao Cùn nhiều hơn là “cơn sốt” Đào, Phở và Piano. Chính Giao đã góp phần giới thiệu bộ phim đến đông đảo công chúng, đặc biệt là người trẻ trên kênh video của mình.
Từ tháng 3/2023, khi Đào, Phở và Piano mới tung trailer, Giao làm clip dự đoán đây sẽ là bộ hoành tráng nhất về lịch sử trong nhiều năm gần đây, đạt 1,5 triệu lượt xem. Tháng 2/2024, sau khi Đào, Phở và Piano công chiếu được 6 ngày, cô tiếp tục làm clip thông báo phim đã ra mắt, tiếp cận được hàng triệu lượt xem trên TikTok. Nhờ vậy, nhiều bạn trẻ nô nức đi xem phim, tạo nên “cơn sốt” phòng vé chưa từng có.
Việc làm của Giao Cùn được trang Thông tin Chính phủ hoan nghênh và diễn viên Doãn Quốc Đam - nam chính Đào, Phở Và Piano gửi lời cảm ơn công khai. Lúc đó, rất nhiều người hoang mang: Giao Cùn là ai? Giao Cùn đã làm gì thế?
Giao Cùn là một nhà sáng tạo nội dung về văn hoá lịch sử trên MXH. Nói nôm na, cô gái này hay lên mạng nói chuyện lịch sử và clip về Đào, Phở và Piano là một trong số đó. Ở thời điểm nổi lên cùng với bộ phim, Giao Cùn đang có hơn 300.000 lượt theo dõi và đã làm được gần 500 video. Hiện tại, những con số này lần lượt tăng lên hơn 700.000 người theo dõi và hơn 700 video.
3 năm với khoảng 700 video về văn hoá lịch sử Việt Nam của Giao Cùn là một hành trình dài. Hành trình mà chỉ có trái tim thực lòng mong mỏi dòng chảy lịch sử được khơi thông, muốn góp phần hoàn thiện bức tranh văn hoá lịch sử đầy tự hào. Và xa hơn nữa là ước mơ về nền công nghiệp văn hoá hình thành, phát triển, để những người đang hoạt động trong lĩnh vực này có cuộc sống đủ đầy hơn.
Giao Cùn ở trên mạng là một cô gái đem lại cảm giác đanh đá và quyết liệt. Con gái Thuỷ Nguyên (Hải Phòng), có cái lườm sắc như dao cau khoét vào mỏm đá, nói năng lập luận rõ ràng và rành mạch.
Giao Cùn cũng là một cái tên khá… oách trong cộng đồng mê sử trên mạng. Thử search “Giao Cùn” trên Threads, cô nàng xuất hiện trong rất nhiều bình luận đề xuất kênh văn hoá lịch sử tâm huyết và hữu ích. Cùng nội dung tìm kiếm này trên TikTok, kết quả nhận về là nhiều video hàng chục triệu lượt xem. Chẳng hạn như màn nhập vai “Nếu tôi xuyên không về thời chiến” với bối cảnh kháng chiến chống Mỹ - 11 triệu lượt xem, giới thiệu kênh lịch sử mọi người phải theo dõi (kênh Độ Nước) - 13 triệu lượt xem, teaser phim tài liệu lịch sử Chiến dịch Điện Biên Phủ - 8 triệu lượt xem,...
“Mình muốn thể hiện khía cạnh khá là ngầu của một người nghiên cứu lịch sử để mọi người có hứng thú hơn với nội dung này” - Giao nói về màn nhập vai viral của mình.
Ấy thế mà Giao Cùn ở ngoài đời lại gây bất ngờ với hình ảnh một cô gái cực kỳ bình thường và có nhiều lo lắng, nhất là sau “cú hích” Đào, Phở và Piano. Bây giờ cô vẫn làm clip đều đặn nhưng có nhiều người theo dõi hơn, nhãn hàng booking quảng cáo và được mời đi sự kiện, làm diễn giả. Những thứ mới mẻ đó đồng thời đem đến nhiều nỗi sợ.
Giao sợ làm “các cụ” thất vọng, làm mọi người thất vọng, làm chính bản thân thất vọng vì: “Mình thấy như được các cụ gửi gắm. Ví dụ khi đọc về một nhân vật, họ có đóng góp cực kỳ lớn cho đất nước nhưng lại không được nhiều người biết đến. Và mình cần nhắc lại để họ có cơ hội quay trở lại với tâm trí của mọi người, để công lao của họ được nhìn nhận một cách đúng đắn hơn.
Mình sợ sai, sợ vấp váp. Nếu sau này Giao có lỗi lầm nào đó thì mong mọi người có thể bao dung với mình một chút, miễn là mình vẫn đang kiên định với con đường này. Nhưng chẳng may mình sống lỗi quá thì mọi người đừng bao dung nữa nhé!” - Giao nói.
Hỏi Giao, nếu nghiêm túc theo đuổi lịch sử từ đầu, tức là học đại học một ngành liên quan đến lịch sử, không phải ngành Kinh doanh Quốc tế thì có bớt sợ sai không, câu trả lời của cô là “Có thể”.
“Việc không được đào tạo chính quy luôn là cái dằm ở trong tâm trí của mình. Mình từng gặp một chú, khi nghe mình giới thiệu là một nhà sáng tạo nội dung ở trên MXH thì chú chỉ vào mình bảo: “Tôi nghe nói mấy người này thường vô học đúng không?”. Khoảnh khắc đó trời đất sụp đổ, mình chết lặng. Lần đầu tiên mình thấy chạnh lòng, thấy hối hận khi không được đào tạo bài bản, mình không trở thành một nhà nghiên cứu hẳn hoi” - Giao kể.
Đổi lại, việc học kinh tế rồi đi làm nội dung lịch sử đem đến cho Giao một cái nhìn mới mẻ hơn về kinh tế thị trường, về cung cầu, về tư duy phát triển.
Từ giữa năm 2024, Giao bắt đầu nhận quảng cáo cho nhãn hàng, sau rất nhiều đắn đo. Ban đầu cô cho rằng kênh của mình chỉ để truyền tải kiến thức và động lực học lịch sử, không nên thương mại hoá. Rồi cô nghĩ lại: “Nếu không kiếm được tiền, không thực sự trở nên sung túc nhờ lịch sử văn hóa thì mình ăn nói thế nào với các bạn cấp 2, cấp 3 khi các bạn hỏi: ‘Chị ơi, em có nên học Sử không?’. Nếu mình không có được những điều đấy, lúc nào cũng sống vật vờ, không cho mọi người thấy được sự ổn định của bản thân thì làm sao thuyết phục được người khác?”.
Bây giờ Giao vẫn đi thuê nhà, vẫn hay than nghèo nhưng cuộc sống đủ đầy hơn: “Hồi sinh viên, mình ở ký túc xá, phòng có 14 người. Khu nhà khá xập xệ và nhiều chuột. Buổi tối nếu mình không dém màn kỹ thì chuột chạy qua mặt là bình thường. Bây giờ mình ở trong một căn chung cư nhỏ, có một cái giường của riêng mình và tối tối không còn sợ chuột nữa.
Chỉ thay đổi nhỏ thôi nhưng nó chứng minh rằng mình đang đi đúng hướng. Đó là thứ để mình nói cho mọi người biết rằng là lịch sử văn hóa cũng sẽ kiếm được tiền, giúp cho các bạn có một đời sống tốt hơn”.
Con đường theo đuổi lịch sử của Giao Cùn khá lắt léo, có lúc đi lệch nhịp và lắm khi muốn từ bỏ.
Một ngày nọ Giao - khi đó vẫn còn là một bé gái - đọc được bộ sách tóm tắt từ thời Hồng Bàng đến kháng chiến chống Mỹ và bắt đầu say mê lịch sử Việt Nam từ đó. Đến lúc đi học, Giao thi HSG Sử, được giải Nhì cấp thành phố. Thời đó cô nghĩ đơn thuần rằng mình học thuộc giỏi nên đi thi, không có ý nghĩa gì lớn lao.
Đến khi nữ sinh Quỳnh Giao 18 tuổi phải đứng trước cánh cổng đại học và đưa ra quyết định trọng đại trong đời, cô lựa chọn một ngành có thể kiếm tiền, không phải ngành học đam mê và cũng không phải lịch sử: “Mình học khá tiếng Anh này, bây giờ là thời buổi kinh tế này thì cứ học ngành liên quan đến kinh tế, kiểu gì sau này cũng có việc làm”.
Sau cùng, Giao Cùn vẫn không tách rời khỏi lịch sử.
Clip đầu tiên viral của Giao là về lịch sử. Dù nội dung là một câu hỏi vô tri và trẻ con đến mức cô không dám nhắc lại nhưng là tiền đề để cô nhận ra mọi người cũng quan tâm đến lịch sử.
Quyển sách đắt đỏ nhất mà Giao mua hồi sinh viên là Đại Việt sử ký toàn thư. “Sinh viên nghèo, không có tiền nên một quyển sách hơn 100k - gần 200k gì đó thực sự rất đắt. Nhưng mình vẫn cắn răng mua”. Có điều Giao lười đọc. Để có động lực đọc quyển sách dày cộp, Giao chọn cách làm video và tạo ra một vòng tròn khép kín: Muốn đọc sách nên làm video, để làm được video phải đọc sách.
Bây giờ định nghĩa về lịch sử của Giao Cùn cũng đã khác xa trước đây.
“Lịch sử là gốc gác, là những gì đã hình thành nên đất nước bây giờ, là điểm tựa cho sự phát triển đất nước. Ở trong đó có các nhân vật, họ là những người từng làm vua làm chúa, dẫn dắt thế hệ trước trong chính gia đình mình được sống ấm no hạnh phúc; họ là những người từng đứng lên đấu tranh bảo vệ đất nước cùng thời với ông bà bố mẹ mình;...
Lịch sử là một dòng chảy. Lịch sử Việt Nam trải qua rất nhiều đau thương nên dòng chảy này có những chỗ hơi đứt đoạn, bị cản trở nhưng chúng ta vẫn phải cố gắng làm sao để khơi thông ra, để mọi người có cái nhìn xuyên suốt”.
Giao cũng có lúc dao động, muốn từ bỏ. Đó là chuỗi ngày dài dằng dặc đăng video rất tâm huyết nhưng không ai xem. Đó là khi nêu ra những quan điểm cá nhân và sau đó hối hận vì mình đang có cái nhìn phiến diện.
Thậm chí Giao từng tính đến chuyện dừng lại hoặc đi làm nghề khác với suy nghĩ: “Văn hoá lịch sử đã viral lắm rồi, mình có nhất thiết phải làm tiếp nữa không? Mọi người có cần mình nữa không?”.
Rồi Giao nhận ra khi phạm trù truyền tải văn hoá lịch sử đã “chín” thì mình chuyển sang phạm trù mới là nền công nghiệp văn hoá và nỗ lực cho nó.
Cô gái 24 tuổi lấy ví dụ về cách Hàn Quốc tạo ra làn sóng Hallyu và nền công nghiệp không khói tận dụng triệt để tất cả mọi thứ từ văn hoá của họ. Cô cho rằng có thể học hỏi và áp dụng việc đó như phương thuốc trong Nàng Dae Jang Geum đã viral khắp nơi trên thế giới, như những món ăn của Hàn Quốc nổi đình nổi đám thông qua phim ảnh,...
“Mình tự hỏi, nếu mình cũng đưa ẩm thực Việt Nam vào phim ảnh thì có phải mọi người cũng sẽ thích ẩm thực Việt Nam không?
Người Việt xưa có một món là mạ muối. Người ta gieo mạ rồi lấy cây mạ non để muối thành món mạ muối. Tinh bột trong hạt thóc chuyển hóa thành đường đưa lên nuôi cây, tạo nên những cây mạ ngọt nhất thì được cắt ra đem đi muối, tạo ra phong vị riêng. Món ăn đó vừa chứa đựng văn hoá của người Việt là nền nông nghiệp lúa nước, vừa chứa đựng câu chuyện vì ngày xưa phải là nhà giàu, phú hộ mới được ăn món này. Nên mình tin chỉ cần nghiên cứu và điều chỉnh là hoàn toàn có thể sánh ngang với kim chi.
Thậm chí là dưa cải muối mình ăn hàng ngày cũng rất ngon và phù hợp nhất với người Việt, không phải kim chi. Bởi vì kim chi phù hợp với thể chất và yếu tố sinh hoạt tự nhiên của người Hàn Quốc - người sống ở xứ lạnh mới cần món cay để làm nóng người lên còn Việt Nam ở xứ nóng.
Trời sinh voi trời sinh cỏ, có nghĩa là trời đất sinh ra con người ở đâu thì sẽ có những thứ nuôi sống họ ở bên cạnh. Những thứ thuộc về bản địa luôn luôn tốt cho cơ thể của mình nhất. Những điều đó nên được phát triển qua phim ảnh, qua âm nhạc, qua các sản phẩm văn hóa nghệ thuật để phổ biến hơn với mọi người. Từ đó mình có nguồn động lực để phát triển kinh tế nhờ văn hóa lịch sử, mình làm giàu nhờ chính mình và cho mình chứ không làm giàu cho ai cả. Động lực tự thân kiếm tiền từ những gì mình có, mình làm ra luôn luôn bền hơn việc vay mượn, phụ thuộc vào người khác”.
Nỗ lực trước mắt của Giao là sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để phổ biến hơn các sản phẩm liên quan đến lịch sử. “Vì có cung mới có cầu, mọi người phải ham thích những sản phẩm lịch sử văn hoá mới tìm hiểu, muốn mua. Khi có người muốn mua thì người làm ra chúng mới muốn làm, có điều kiện để làm và tạo thành sự ổn định cho những người nghiên cứu và phát triển các sản phẩm lịch sử” - Giao giải thích.
Tình cảm gia đình, ông bà tổ tiên là cội nguồn của tình yêu đất nước, văn hoá lịch sử dân tộc. Trước khi nghĩ đến câu chuyện lớn lao đó, Giao Cùn cũng bắt đầu từ nhiều điều nhỏ xíu xung quanh mình.
Giao sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông thôn. Gia đình khó khăn, cái khó đeo đuổi trong cả ước mơ con trẻ. Giao không nhớ mình có bao nhiêu đáp án cho công việc mơ ước mà cô được hỏi khi còn bé. Nhưng tất cả đều có điểm chung: Đó là một công việc ổn định, kiếm được tiền và đỡ đần bố mẹ.
Giao từng vướng vào đa cấp. Hồi đó cô là sinh viên năm 2, hồn nhiên làm những việc mà mỗi lần nghĩ lại đều thấy hối hận vô cùng. “Mình chỉ nghĩ đó là một công việc đơn giản để kiếm tiền. Phải đến khi mọi người xung quanh biết được, chỉ ra cái không đúng thì mình mới dừng lại. Sau này mình nhận ra việc đó là lừa người khác. Đó là niềm đau trong tim mình, cũng là việc mình cần phải đối diện, nhắc đi nhắc lại để nhớ mình đã sai lầm thế nào và cảnh tỉnh bản thân”.
Chính xuất phát điểm khó khăn và chặng đường nhiều gập ghềnh đó khiến cho Giao cảm nhận rõ ràng từng bước phát triển của đất nước. “Khi gia đình không có điều kiện như các bạn thì mình phải cố gắng học tập, làm việc, phấn đấu trước lúc đòi hỏi hay chê bai người khác. Nhìn rộng ra, khi mỗi người tốt lên thì đất nước mới tốt lên được”.
Nhưng có một sự thật sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên là bố Giao không hề biết đến sự nổi tiếng con gái vì cô giấu. Bố Giao không dùng MXH và khá khắt khe trong chuyện chia sẻ đời sống cá nhân nên cô nghĩ nếu để bố biết con gái lên mạng nói này kia chắc cũng không vui lắm. Thỉnh thoảng mẹ Giao lại khoe con gái lên tivi, lên báo thì biết thế thôi mà chẳng biết lý do chính xác là gì.
Bởi vậy mới có những cuộc hội thoại dở khóc dở cười: “Nhiều khi bố hỏi đang làm gì thì mình bảo ‘Con đang thất nghiệp’, ‘Con đang đi bán sách’,... Kết quả là có những cuộc điện thoại giữa đêm như ‘Bố biết chỗ này học nghề, đi học cái lấy cái nghề gì đi’ hay ‘Đi xuất khẩu lao động không? Bố thấy có đoàn đi nước này nước kia, đi không? Về học tiếng rồi đi đi’. Vì mình không dám nói với bố nên bố vẫn nghĩ con gái đang lông bông”.
Và cũng là cô gái không dám nói với bố về công việc của mình ấy lại ấp ủ một mơ ước: “Làm sao để người Việt kiếm tiền được từ văn hóa Việt Nam và dùng chính tiền đấy để phát triển kinh tế đất nước. Nói một cách dễ hiểu, phát triển kinh tế phải đồng thời với phát triển văn hóa, làm sao để mình giàu lên và vẫn không quên đi gốc gác của mình.
Mình không nghĩ nó là trách nhiệm gì lớn lao mà chỉ là làm tốt việc của mình. Mình vừa giữ được nét văn hoá truyền thống vừa dùng nó để thúc đẩy sự phát triển. Đây cũng không phải vai trò của một mình ai mà mỗi người một việc, các nhà nghiên cứu lịch sử văn hoá thì nghiên cứu còn mình làm nội dung, phát triển nội dung mà họ nghiên cứu, đem nó đến với mọi người”.
Hỏi có khi nào Giao tự nhủ bản thân: “Giao ơi, đang làm gì mà to tát vậy. Sao không đi nấu cơm đi, không đi cafe bạn bè đi. Sống thật bình thường đi?” mà cứ nghĩ chuyện to tát như vậy, Giao bảo mình không biết. Vốn là người sống cảm tính, trước khi quyết định một việc gì đó, cô đều dựa vào sự thoải mái của bản thân. Bây giờ, ngay thời điểm này, việc tiếp tục làm nội dung lịch sử, tiếp tục muốn chung sức phát triển nền công nghiệp văn hoá khiến Giao cảm thấy thoải mái. Còn nếu phải dừng lại và làm gì đó khác, chắc chắn cô sẽ thấy trong người bị rút đi một phần sức sống.
Trong suốt cuộc trò chuyện, Giao đã cười rất nhiều, pha trò rất nhiều, ánh mắt cũng ngập tràn sự hứng khởi. Nhưng khi nhận câu hỏi: “Nếu nói về chủ đề ‘Việt Nam tôi đó’ Giao sẽ chọn nhấc ra chi tiết nào để diễn tả niềm tự hào này?”, giọng cô nghẹn lại.
“Đó là tất cả mọi chi tiết khiến mình cảm thấy Việt Nam là một đất nước đáng sống. Đất nước mình trải qua rất nhiều đau thương mất mát nhưng chúng ta không áp dụng đau thương đó lên người khác.
Còn một khoảnh khắc cụ thể thì có lẽ là lúc chị Thuỳ Chi hát bài Việt Nam Trong Tôi Là trong một concert. Lúc đó không chỉ Thuỳ Chi mà tất cả khán giả cùng hát, mọi người tập trung với nhau: ‘Máu đỏ da vàng tôi là người Việt Nam, dù đi năm châu cho dù về nơi đâu, trong trái tim này, cùng hát chung câu Việt Nam. Tự hào lắm, tôi là người Việt Nam’. Khung cảnh ấy rất đẹp”.
Phụ nữ số