img

Mùa lũ 2020 để lại nhiều những giây phút khiến ta phải tự đặt câu hỏi về những gì ta có, và những gì mà hàng trăm nghìn con người ở miền Trung kia đang phải sống cùng.


Giông tố nào cũng sẽ vượt qua, vì người Việt ta luôn sống với nhau bằng cái nghĩa đồng bào! - Ảnh 1.

Trong suốt quãng thời gian biết sử dụng Internet đến giờ, tôi đã dõi theo vô số sự kiện lớn nhỏ nổ ra trên mạng xã hội. Từ những sự kiện xã hội lớn, bầu cử Mỹ cho đến những vụ án mạng nổi tiếng, những cuộc đánh ghen. Covid-19 vào đầu năm 2020, quốc tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bất cứ sự kiện gì, bạn đọc tên, tôi đều biết.

Trong số tất cả những gì tang thương, đau buồn nhất, tôi cũng chưa từng trải qua một cảm giác nào giống như cảm giác vào hai đêm mà người dân Quảng Bình, Quảng Trị đồng loạt lên mạng xã hội để kêu cứu. Ồ ạt những dòng chữ hiện lên trên Newsfeed mà đằng sau nó là những con người đang ở tận cùng cơn bĩ cực. Trong đêm, nước lũ dâng cao khiến người dân phải oằn mình bám trụ trong những căn nhà lụp xụp. Từng cảnh đời trong lũ hiện lên trên màn hình máy tính.

Một status cầu xin đội cứu hộ tới giải cứu ông bà đã ngoài 80, ở nhà một mình với bốn bề nước lũ.

Một người tàn tật đang cố bám chặt lấy song cửa và chờ đợi trong màn đêm.

Hai cụ già và 7 trẻ nhỏ.

....

Giông tố nào cũng sẽ vượt qua, vì người Việt ta luôn sống với nhau bằng cái nghĩa đồng bào! - Ảnh 2.

Nếu có một cảm giác nào diễn ra bên trong con người chúng ta khi đó, có lẽ nhiều nhất chính là cảm giác bất lực. Nỗi đau thương, sợ hãi, những tiếng kêu cứu như xé lòng đang hiển hiện trước mắt qua những dòng chữ đánh vội.

Mùa lũ 2020 để lại nhiều những giây phút khiến ta phải tự đặt câu hỏi về những gì ta có, và những gì mà hàng trăm nghìn con người ở miền Trung kia đang phải sống cùng. Trong khi chúng ta đang tận hưởng những tiện nghi cơ bản nhất của đời sống hiện đại, với chăn ấm, điều hòa, tivi Internet và điện thoại smartphone... thì đâu đó ngoài kia, có cụ già đã bật khóc khi nhận hộp cơm nóng sau 5 ngày bị lũ vùi, có người đàn ông ngâm mình trong nước lũ nhiều ngày, đói lạnh đến vô tri vô giác, có người phụ nữ suýt bỏ mạng vì cố lao ra giữa dòng nước lũ xin đồ ăn cho mẹ già và 3 con nhỏ. Và, có người đàn ông, đã quỳ xuống gào khóc vì nhìn thấy vợ và đứa con sắp chào đời của mình bị lũ cướp đi trong một cơn mưa và dòng nước cuộn trắng trời...

Người miền Trung, bao đời nay vẫn vậy. Mùa lũ đến rồi đi, của cải mất rồi lại lần hồi xây đắp lại. Chúng ta vẫn biết về sự kiên cường của người dân vùng đất nắng gió ấy, nhưng chưa bao giờ thật sự được nhìn thấy rõ ràng những gì thiên tai để lại sau cơn giày xéo của mình, ở những nơi xa xôi hẻo lánh nhất.

Giông tố nào cũng sẽ vượt qua, vì người Việt ta luôn sống với nhau bằng cái nghĩa đồng bào! - Ảnh 3.

Cho đến mùa lũ năm nay, một mùa lũ lịch sử của người dân vùng đất khắc nghiệt này.

Một người đồng nghiệp khác của tôi là anh Thắng, cũng có mặt tại đây để ghi lại những hình ảnh của trận lũ lần này. Anh là người Hà Tĩnh, đã gần 30 năm là người con của dải đất miền Trung. Những câu chuyện mưa lũ là điều mà anh lớn lên cùng. Nhưng tất cả những trải nghiệm trước đến giờ - cũng không bằng những gì anh Thắng đã chứng kiến trong mùa lũ năm nay. Chỉ kể lại thôi cũng đủ khiến anh cảm thấy bàng hoàng.

Giông tố nào cũng sẽ vượt qua, vì người Việt ta luôn sống với nhau bằng cái nghĩa đồng bào! - Ảnh 5.

"Ngoài tài xế, không ai dám mở mắt khi xe ô tô đi qua những đập tràn. Anh từng trải qua lũ lụt nhiều rồi chứ nhưng chưa trận nào nghiêm trọng như vậy. Đối với phóng viên chiếc ba lô chứa máy tính, máy ảnh, thiết bị có lẽ là đáng giá nhất. Nhưng trong thời khắc ngồi trên chiếc cano chòng chành giữa biển nước nâu đỏ mênh mông ở Quảng Bình, anh đã nghĩ rằng nếu gặp sự cố anh sẽ vứt ngay chiếc balo của anh đi để bám được vào đâu đó.

Nhìn những cảnh người dân khóc nức nở chờ cứu trợ, điều anh nghĩ đến đầu tiên đó là gia đình mình. Anh cảm ơn vì vợ con mình vẫn có được nơi nhà cửa khô ráo để ở. Là người miền Trung, trước đây cũng kinh qua bão lụt, nhưng chưa bao giờ anh thấy thương tâm thế này" - anh Thắng kể.

Giông tố nào cũng sẽ vượt qua, vì người Việt ta luôn sống với nhau bằng cái nghĩa đồng bào! - Ảnh 7.

Rào Trăng sẽ là một ký ức đau buồn mà chúng ta nhớ mãi.

Trong chiếc camera mà người ta tìm được trong đống đổ nát, vẫn còn lưu những thước phim ghi lại chặng đường ngắn ngủi của 13 chiến sĩ và cán bộ cứu hộ khi tiến vào Rào Trăng tìm 17 người công nhân mắc kẹt. Đêm cuối cùng, các đồng chí quây quần bên bếp lửa, hong khô quần áo và cùng nhau trò chuyện. Trong những khoảnh khắc cuối cùng được ghi lại này, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man nói: "Việc thì gấp, vì nhiệm vụ, vì nhân dân chúng ta phải làm".

Câu nói ấy cũng là câu nói cuối cùng tướng Man.

Đêm ấy, đoàn cán bộ có đến 21 người nhưng khi quả đồi đổ sập xuống, chỉ có 8 người kịp thời thoát thân. Chuyến cứu hộ ấy trở thành chuyến cứu hộ cuối cùng. Các anh mãi nằm lại lòng đất trong sự bàng hoàng, xót xa của cả đất nước.

Giông tố nào cũng sẽ vượt qua, vì người Việt ta luôn sống với nhau bằng cái nghĩa đồng bào! - Ảnh 8.

Đó là vào đêm 12/10, tức là chưa đầy 12 tiếng sau vụ sạt lở tại Thuỷ điện Rào Trăng 3. Có lẽ rất lâu sau này người ta cũng không thể quên được địa danh mang tên Tiểu khu 67, nơi là Ban quản lý rừng phòng hộ sông Bồ và cũng là nơi 13 chiến sĩ và cán bộ hy sinh khi trên đường đến thuỷ điện Rào Trăng làm công tác xác minh sự cố và lên phương án cứu hộ.

14km từ Thuỷ điện Rào Trăng đến Tiểu khu 67 trở thành chặng đường đớn đau, đầy nước mắt. Đó là tính mạng của nhiều người dân và chiến sĩ, đó còn là nỗi đau không thể đong đếm của những người còn ở lại, của những người mẹ già, của người vợ, người con vẫn còn đang gồng mình chống lũ nơi hậu phương.

Những con đường đất đá ngập bùn, những vạt rừng hoang tàn sau cơn sạt lở. Trên mặt đất, người ta tìm được 3 chiếc mũ bộ đội. Có lẽ, đây sẽ là hình ảnh đau buồn nhất khi nghĩ đến Rào Trăng. Hình ảnh về những người lính đã vĩnh viễn ở lại nơi này, khi vẫn đang trên đường làm nhiệm vụ đi cứu dân.

----

Rạng sáng 18/10, tin tức về vụ sạt lở thứ 3 tại Quảng Trị tràn ngập các mặt báo. Vụ sạt lở xảy ra vào ban đêm, ngọn đồi đổ sập xuống khu nhà tại Sư đoàn 337 (đóng quân tại Quảng Trị).

22 người đã hy sinh.

Một phóng viên đồng nghiệp của tôi - anh Nam - được phân công tác nghiệp tại Trung tâm Thể dục, Thể thao Quảng Trị, nơi đón 22 thi thể những chiến sĩ đã hy sinh do sạt lở. Con đường xa gập ghềnh đưa anh đến đây, và chẳng điều gì đau xót hơn khi phải chứng kiến những tang thương của gia đình người lính. Suốt gần 10 năm làm nghề, đây là lần đầu tiên anh phải tác nghiệp trong một hoàn cảnh nhiều đớn đau đến thế. Khi cả những người quân nhân, những người lính, những người cha, người mẹ già, cùng ôm nhau khóc như những đứa trẻ giữa một đống hoang tàn mà sạt lở để lại. Đâu đó trong những đất đá kia, chôn vùi những con người quả cảm.

Giông tố nào cũng sẽ vượt qua, vì người Việt ta luôn sống với nhau bằng cái nghĩa đồng bào! - Ảnh 9.

"Anh nghĩ rằng nếu chẳng may người nằm xuống kia là người thân mình thì không biết anh có đứng vững được nữa hay không. Đánh gục người ta chẳng phải khó khăn mà chính là những mất mát như thế này" - anh tâm sự.

Chúng ta đã cùng nhau kinh qua nhiều nỗi đau, chứng kiến những mảnh đời bất hạnh. Nhưng sự ra đi lần này của các chiến sĩ cứu hộ để lại thật nhiều sự day dứt cho bất cứ ai chứng kiến. Những người đã để lại sự sống của mình trên đường đi cứu những sinh mạng khác. Những chiến sĩ đã sống trọn với hai chữ "Vì dân" cho đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời. Và trong cơn mưa không dứt, đã chẳng có phép màu nào xảy ra.

Một lần nữa, xin nghiêng mình trước các anh.

Giông tố nào cũng sẽ vượt qua, vì người Việt ta luôn sống với nhau bằng cái nghĩa đồng bào! - Ảnh 10.
Giông tố nào cũng sẽ vượt qua, vì người Việt ta luôn sống với nhau bằng cái nghĩa đồng bào! - Ảnh 11.

Càng giữa những ngày khó khăn thử thách, chúng ta càng thấm thía 3 chữ “Nghĩa đồng bào”.

Ở những vùng thiên tai, nghĩa đồng bào là những người lính, những chiến sĩ cứu hộ ngày đêm lao mình vào những khu vực nguy hiểm để ứng cứu người dân. Suốt nhiều ngày nay lực lượng cứu hộ chẳng ai ngủ đủ 5 tiếng 1 ngày, cứ đặt lưng nghỉ ngơi 1 chút lại quay trở lại ngay với chiếc cano để làm nhiệm vụ. Hơn ai hết, các anh hiểu được rằng mình đang là chỗ dựa, là điểm tựa của hàng trăm nghìn hoàn cảnh ngặt nghèo.

Anh Thắng nói: "Có 1 đồng chí làm nhiệm vụ cứu hộ, mỗi lần ra khỏi nhà là mẹ già ở nhà đều thắp hương khấn tổ tiên. Ở đây ai cũng biết bơi, áo phao luôn mang theo người, cũng rất cẩn thận khi đi cứu hộ. Nhưng ai cũng biết chẳng ai một mình mà chiến thắng được thiên tai cả, chỉ sợ người thân mình rơi đúng vào tình cảnh "một mình" đó".

Giữa thời khắc khó khăn của thiên tai, hình ảnh người bộ đội đang ngày đêm chạy đua với thời gian để hỗ trợ người dân vùng lũ là một trong những hình ảnh đẹp nhất về nghĩa tình đồng bào. Để có thể giải cứu con tàu Vietship mắc kẹt ngoài khơi biển Quảng Trị trong diễn biến thời tiết bất thường, các đơn vị cứu hộ đã phải huy động cả trực thăng để đưa thuyền viên mắc kẹt vào đất liền an toàn. 3 ngày giải cứu, lực lượng cứu hộ quyết tâm không để một ai gặp nạn dù tình thế rất ngàn cân treo sợi tóc. Và khi sự cố thủy điện Rào Trăng 3 ập tới, các bộ ban ngành cứu trợ lại điều quân cả đường bộ và máy bay tiến vào vùng sạt lở giải cứu. Hàng trăm người tham gia cứu hộ cố gắng tận dụng từng giây phút có thể để giải cứu 30 người mất tích.

Năm nay, không chỉ có các tổ chức lớn như Hội chữ Thập Đỏ hay Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức các chương trình quyên góp ủng hộ, sự tham gia của các nhân cũng tăng cường các hoạt động hỗ trợ, trao tận tay nhiều món quà có ý nghĩa cho người dân vùng lũ ở thời điểm này.

Nhà chống lũ là một dự án nhận được nhiều sự quan tâm. Khởi xướng từ năm 2013, đến thời điểm hiện tại, những ngôi nhà của dự án đã phát huy hết tác dụng của mình và cho thấy đây sẽ là một giải pháp bền vững cho người dân vùng lũ. Với kế hoạch hoạt động thuyết phục, dài lâu và có tầm nhìn - Nhà chống lũ đã thu hút được số tiền ủng hộ lớn trong suốt mùa lũ năm nay.

Không chỉ các tổ chức lớn nhỏ, mà ngay cả các ngôi sao trong showbiz cũng đã nhận ra trách nhiệm lớn của mình trong thời điểm đầy thử thách này. Thủy Tiên, Trấn Thành,... và rất nhiều sao Việt khác đã kêu gọi những số tiền lớn để cùng chung tay hỗ trợ miền Trung. Nhiều người dấn thân vào vùng lũ, trực tiếp để trao cho người dân đồ tiếp tế cần thiết trong thời điểm hiện tại. Showbiz những ngày này đầy ắp những câu chuyện cảm động; đằng sau những ánh hào quang, lấp lánh đèn sân khấu là nhiều nghệ sĩ cùng lăn xả để gửi đến tận tay người dân nhu yếu phẩm cần thiết.

Những người trẻ cũng không đứng ngoài. Cùng chung tấm lòng hướng về miền Trung, cộng đồng fan Kpop cũng đang nỗ lực quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ người dân miền Trung vượt qua khó khăn. Hàng loạt fanpage của dàn nghệ sĩ Hàn BLACKPINK, EXO, Super Junior, TWICE, SEVENTEEN... đã quyên góp được số tiền hơn 1 tỷ đồng. Cộng đồng những người trẻ ở nước ngoài, du học sinh cũng triển khai những chương trình quyên góp. Ở thời điểm hiện tại, người ta thấy sức mạnh của các hội nhóm mạng xã hội khi rất nhiều cộng đồng đều đang chung tay ủng hộ. Trên Facebook, các bạn trẻ cũng chia sẻ những cách thức khác nhau để ủng hộ miền Trung. Câu chuyện về những người tặng 5,000 thùng mì tôm, quyên góp từng món đồ nhỏ cần thiết, phát động các đấu giá nghệ thuật ủng hộ miền Trung… như khiến mọi người thấy ấm lòng hơn giữa ngày mưa rét. Những tin nhắn ủng hộ cũng được gửi tới các tổng đài. Các hội nhóm hỗ trợ cũng đã bắt đầu rục rịch cho những chuyến xe hàng vào vùng thiên tai. Người dân trên mọi miền cả nước, đặc biệt là các bạn trẻ, giờ đây đã không coi công việc hỗ trợ lũ lụt, khắc phục hậu quả do bão lũ hay giúp đỡ người dân gặp khó khăn là công việc của “ai đó” hay “những người có chức năng”. Tất cả đều đang cùng nỗ lực để vực miền Trung khỏi biển nước mênh mông.

Một lần nữa, tinh thần cộng đồng lại cuồn cuộn dâng cao như khi cả nước đồng lòng chống dịch. Nước cứ dâng rồi rút xuống, còn tinh thần tương trợ của cả nước dường như chưa có dấu hiệu suy giảm khi miền Trung dự báo vẫn còn mưa lũ kéo dài. Không cần ai phải vận động, không cần hô hào ủng hộ như trước kia khi giờ đây, niềm tin vào sự tử tế, vào trách nhiệm của mỗi cá nhân cứ thế lan tỏa khắp toàn xã hội. Dù là người nổi tiếng hay bất cứ ai, dù là 1,000 thùng mì tôm hay chỉ một tin nhắn ủng hộ, từ phương xa hay tới nơi trực tiếp, người Việt Nam vẫn đang nỗ lực tìm mọi cách để khắc phục những hậu quả của mưa lũ, để bớt đi những lênh đênh buồn thương trên chái nhà mấp mé ngập hẳn.

Giữa những ngày u ám, người ta cũng thấy ánh sáng của sức mạnh cộng đồng lan tỏa. Chúng ta đã biết cho đi nhiều hơn những thứ thực sự cần trong mùa lũ, biết chia sẻ gánh nặng cho nhà nước, biết cách động viên nhau để vượt qua thời khắc khó khăn này.

Một cơn bão lớn nữa lại đang sừng sững đổ bộ vào bờ biển nước ta - cơn bão số 9. Đây được đánh giá là một cơn bão dị biệt, một trong những cơn bão mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây, và sẽ lại một lần nữa có thể ảnh hưởng đến các tỉnh Trung bộ.

Đêm nay bão về, trái tim của người Việt Nam lại thêm một lần thắt lại hướng về khúc ruột miền Trung. Chúng ta đều biết rằng, đến thời điểm đồng bào đối mặt với cam go, hàng triệu trái tim trên khắp dải đất hình chữ S - sẽ lại cùng dồn hết sức lực để chung tay đưa nhau bước qua những ngày nguy khó.

Giông tố nào cũng sẽ vượt qua, vì người Việt ta luôn sống với nhau bằng cái nghĩa đồng bào! - Ảnh 15.

Mùa lũ cũng sẽ lại qua, hậu quả sẽ được khắc phục và một ngày nào đấy, cuộc sống trở lại bình thường. Những người dân miền Trung, sống quanh năm bên dải đất nhọc nhằn, mong ước của họ đâu có gì nhiều nhặn, rằng mỗi năm thiên tai sẽ bớt khắc nghiệt, cuộc sống sẽ đỡ bấp bênh.

Và chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua, dù là lúc này hay bất cứ cơn giông tố nào trong tương lai phía trước. Bởi người Việt ta luôn sống với nhau bằng cái nghĩa đồng bào.


Diệp Nguyễn, Minh Đức, Thục Hạnh
Hoàng Anh, Hà Nam
Jordy
Theo Trí Thức Trẻ28/10/2020

Theo Diệp Nguyễn, Minh Đức, Thục Hạnh

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên