iều khiến tôi ngạc nhiên hơn cả cuộc chia tay đầy nước mắt gây chấn động dư luận là hành trình chinh phục kỳ lạ của GS.TS Nguyễn Anh Trí (Nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương). Từ thời đi học, ông đã vạch ra từng cột mốc lớn và hoàn thành một cách mỹ mãn tất cả các dự định quan trọng của cuộc đời mình. Ông thanh thản tự nhận mình là "một trong số những giáo sư giàu nhất Việt Nam nhờ kiếm tiền chân chính".
5 tháng sau khi về hưu, tại trụ sở Bệnh viện Đa khoa Medlatec nơi ông là Chủ tịch Hội đồng cố vấn, kiến trúc sư trưởng của ngành Huyết học - Truyền máu Nguyễn Anh Trí đã có cuộc trải lòng với Trí Thức Trẻ. Và câu chuyện mở đầu từ những giọt nước mắt…
Tô Lan Hương: Năm 2017, Báo Điện tử Tri Thức trẻ chúng tôi đã lựa chọn cuộc chia tay đầy nước mắt trong ngày ông về hưu là một trong 10 sự kiện xã hội nổi bật của năm. Có lẽ lâu lắm rồi, người ta mới thấy một cuộc chia tay của một giáo sư - bác sĩ, của một người lãnh đạo mà lại tạo ra nhiều sự chú ý và những nỗi xúc động đến thế. Còn ông, có bao giờ ông nghĩ ông sẽ nhận được nhiều tình cảm và yêu thương đến thế trong ngày nhận quyết định nghỉ hưu?
GS Nguyễn Anh Trí: Không phải đến ngày chia tay, mà từ những tuần cuối cùng khi tôi làm việc, tôi cảm nhận được bầu không khí trong viện lạ lắm. Cô nhân viên thường ngày có nhiệm vụ mang cơm trưa cho tôi cũng nhìn tôi tha thiết hơn ngày thường; cậu bác sĩ trong viện lên ký giấy tờ cũng nấn ná ở lại trò chuyện lâu hơn ngày thường. Chính bản thân tôi cũng thấy lòng mình lạ lẫm, vì Viện Huyết học - Truyền máu TW là giấc mơ, là tâm huyết, là nỗ lực, là mục tiêu phấn đấu cả đời của tôi.
Anh em trong viện ai cũng bảo: "Anh ơi, ngày chia tay anh chắc chắn sẽ là ngày chia tay đầy nước mắt".
Dẫu là vậy thì buổi sáng ngày mồng 2 tháng 10 đó, tôi vẫn quá xúc động vì tình cảm của cán bộ, nhân viên, của học trò và bệnh nhân.
Dù trước buổi lễ chào cờ, Viện đã dặn dò xuống từng khoa, không cho bệnh nhân xuống sân bệnh viện, nhưng họ vẫn biết và vẫn ra bằng được. Họ nắm tay tôi, nói lời cảm ơn và họ khóc. Các bác sĩ, các học trò, các cán bộ nhân viên của tôi trong viện cũng khóc. Đêm hôm đó, có nhân viên trong viện nhắn cho tôi: "Thầy ơi, hôm nay thầy đi xong, mọi người còn đứng lại đó rất lâu, cho đến khi trời mưa mới chịu rời đi. Hôm nay cả viện bị "đau mắt đỏ" thầy ạ".
Thú thật là tôi đã thức trắng gần một đêm để trả lời điện thoại và tin nhắn của anh em, đồng nghiệp - những tin nhắn mà tôi vẫn lưu đến tận bây giờ. Sau 3 đêm mất ngủ, dư âm và cảm xúc của buổi chia tay ấy mới dần lắng lại.
Tô Lan Hương: Ông nói Viện Huyết học - Truyền máu TW là mục tiêu phấn đấu cả đời của ông, có nghĩa là…?
GS Nguyễn Anh Trí: Tôi có thói quen đặt mục tiêu cho từng giai đoạn cuộc đời mình. Và đã đặt mục tiêu thì phải làm bằng được.
Thuở nhỏ, tên cha mẹ đặt cho tôi là Nguyễn Văn Trí chứ không phải Nguyễn Anh Trí. Nhưng một ngày, anh trai tôi - Nguyễn Văn Tài (ông Nguyễn Văn Tài là GS. TS và là Thiếu tướng của QĐND Việt Nam - pv) đã đọc một cuốn sách về các nhà toán học trẻ tuổi, trong đó có một ông Phó Tiến sĩ tên là Nguyễn Anh Trí. Anh tôi đòi bố đổi tên tôi thành Nguyễn Anh Trí, với hy vọng sau này tôi sẽ thành phó tiến sĩ. Thế là năm lớp 5, tôi được đổi tên thành Nguyễn Anh Trí.
Có thể với nhiều người, giấc mơ thành phó tiến sĩ là một giấc mơ rất buồn cười, nhưng đó lại là giấc mơ cả thời thơ ấu của tôi, là niềm hy vọng của anh tôi, là ước nguyện của bố tôi, là mệnh lệnh thôi thúc tôi sau này.
Hồi còn là sinh viên Đại học Y, tôi nhớ có lần ông Nguyễn Quốc Triệu - Bí thư Đoàn Thanh niên trường ĐH Y Hà Nội (người sau này trở thành Bộ trưởng Bộ Y tế) khi đó có nói đến chuyện, rằng ở trường này ai học giỏi sẽ được học nội trú, được đào taọ tiếp 3 năm, có cơ hội làm luận án và đó là điều kiện tốt để học tiếp lên phó tiến sĩ.
Ngày hôm đó, tôi viết vào nhật ký của mình, quyết phải thi bằng được bác sĩ nội trú. Năm 1993, tôi đã bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ.
Tôi còn có một tâm nguyện lớn trong đời, đó là làm việc ở Viện Huyết học - Truyền máu TW. Thời của tôi, các bác sĩ nội trú là những người học rất giỏi. Và 100% bác sĩ nội trú đều có ao ước được làm việc ở những bệnh viện đầu ngành: nội trú tim mạch muốn được về Viện Tim mạch; nội trú mắt muốn được làm ở Viện mắt Trung ương; Ngoại khoa thì nhất định phải về Việt Đức.
Ngành tôi theo đuổi là ngành huyết học, nên tôi cũng có khát khao về Viện Huyết học - Truyền máu TW. Nhưng năm đó chỉ tiêu vào Viện Huyết học chỉ có một. Bạn tôi (sau này là Giáo sư Phạm Quang Vinh) đã được chọn ở lại. Tôi về Bệnh viện Hữu Nghị Việt - Xô. Dù BV Hữu Nghị cũng là một bệnh viện lớn, nhưng lại là bệnh viện đa khoa, còn tôi thì muốn làm chuyên khoa. Nên ngày về Việt Xô tôi đã khóc vì buồn và đặt ra một quyết tâm: nhất định phải quay trở lại Viện Huyết học, và khi trở về, phải trở thành viện trưởng.
Tô Lan Hương: Và đúng là ông đã quay trở lại….
GS Nguyễn Anh Trí: Vâng, tôi quay trở lại vào năm 2003, 18 năm kể từ ngày rơi nước mắt đó.
Tô Lan Hương: Chắc là ông hạnh phúc và tự hào lắm trong ngày trở về?
GS Nguyễn Anh Trí: Làm sao có thể không hạnh phúc và tự hào! Tôi đã hoàn thành chỉ tiêu lớn nhất cuộc đời mình, hoàn thành giấc mơ lớn nhất cuộc đời.
Tô Lan Hương: Mới học xong bác sĩ nội trú đã đặt mục tiêu làm Viện trưởng, ông không nghĩ thế là quá sức?
GS Nguyễn Anh Trí: Tôi tin vào sức học, sức làm việc, tin vào tay nghề của mình, tin vào sự quyết tâm của mình. Đã đặt mục tiêu gì thì tôi sẽ làm mọi thứ để hoàn thành mục tiêu đó.
Suốt những năm ở Bệnh viện Hữu Nghị Việt - Xô, tôi đã cống hiến hết mình. Vừa tham gia công tác đoàn, vừa làm Phó khoa rồi Trưởng khoa, vừa làm lâm sàng, vừa làm labo, nghiên cứu các đề tài khoa học. Nên 7 năm sau khi về Việt Xô, tôi đã đã có đủ số liệu để viết luận án phó tiến sĩ và đã bảo vệ thành công; trở thành một trong những người bảo vệ phó tiến sĩ đầu tiên của khoá nội trú đó. Đến năm 2003, tôi được phong phó giáo sư.
Từ thời chưa làm trưởng khoa Bệnh viện Hữu Nghị Việt - Xô, tôi đã đặt mục tiêu trở thành Đại biểu Quốc hội để đóng góp cho đất nước. Mà muốn thành Đại biểu Quốc hội giỏi, có ích, thì phải hiểu luật mới hoạt động hiệu quả. Nên từ 2000-2003, tôi đi học văn bằng hai ở Đại học Luật; suốt 3 năm tôi luôn ngồi ở bàn đầu, luôn đi học đúng giờ, không bao giờ trốn học. Và giờ tôi thành Đại biểu Quốc hội.
Với tất cả những nỗ lực ấy, tôi nghĩ mình không ảo tưởng với mục tiêu mình đặt ra và xứng đáng với nó. Đến bây giờ, tôi mãn nguyện vì tất cả những mục tiêu đó tôi đều đã hoàn thành và đã làm tốt.
Tô Lan Hương: 14 năm làm Viện trưởng Viện Huyết học, ông đã làm được những gì?
GS Nguyễn Anh Trí: Viện Huyết học ra đời năm 1982, với 81 người, bản chất là một viện (chỉ tương đương hoặc nhỉnh hơn một khoa ) trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai. Năm 2003, khi tôi về, Viện Huyết học có 146 người. Năm 2004, khi Viện Huyết học tách ra khỏi BV Bạch Mai để hoạt động độc lập, có 50 người ở lại, một số xin chuyển công tác, số người đi theo tôi là 86 người. Còn hiện giờ viện có 922 người.
Năm 2003, mỗi năm chúng tôi chỉ dự trữ được 31.000 đơn vị máu (trong đó chỉ có khoảng 20% là hiến máu tình nguyện nhưng vẫn nhận tiền bồi dưỡng, còn lại phải mua máu). Đến năm ngoái khi tôi nghỉ hưu, mỗi năm chúng tôi dự trữ được 320.000 đơn vị máu (trong đó 98% là hiến máu tình nguyện không lấy tiền). Đó chính là thành công.
Ngoài việc tách Viện, chúng tôi đã củng cố được hệ thống Huyết học - Truyền máu trên cả nước trở nên hoàn chỉnh, thống nhất và chuyên nghiệp. Từ chỗ chưa thể ghép được tế bào gốc, Viện Huyết học giờ trở thành viện đứng đầu cả về số lượng lẫn chất lượng trong chữa bệnh bằng tế bào gốc, với nhiều thành tựu lớn trong việc cứu chữa các bệnh hiểm nghèo.
Chúng tôi cũng rất thành công trong việc xây dựng ngân hàng tế bào gốc máu cuống rốn cộng đồng. Trước đây đã có những ngân hàng máu cuống rốn, nhưng chỉ là hình thức mà những người mẹ gửi máu dây rốn của con mình ở đó, mất phí cao, để sử dụng trong trường hợp đứa trẻ bị bệnh. Nhược điểm của "ngân hàng dịch vụ" này là chỉ sử dụng cho chính đứa trẻ đó. Còn nguồn tế bào gốc để cứu chữa những bệnh nhân hiểm nghèo trong tình huống cấp thiết thì vô cùng khan hiếm.
Nhưng khi chúng tôi xây dựng ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng do các bà mẹ hiến tặng sau sinh, rồi xử lý để lấy tế bào gốc, thì đã giải quyết được tình trạng khan hiếm đó và cứu sống nhiều người bệnh.
Tôi cũng rất tự tin rằng mình đã xây dựng được một nếp văn hoá rất đẹp của Viện Huyết học về cách ứng xử giữa thầy thuốc với bệnh nhân, giữa cán bộ với nhân viên, để biến nơi đó thành một môi trường vừa công bằng, vừa chuyên nghiệp mà không thiếu tình người.
Tô Lan Hương: Dưới thời ông, đời sống cán bộ nhân viên trong Viện Huyết học có được đảm bảo?
GS Nguyễn Anh Trí: Giờ về hưu rồi, tôi không còn số liệu cụ thể. Nhưng tôi có thể nói rằng trong những năm tôi làm Viện trưởng, Viện Huyết học là môi trường thu hút nhiều cán bộ y tế.
Chuyên khoa Huyết học - Truyền máu vốn là một chuyên khoa lẻ, rất ít bác sĩ lựa chọn. Thu nhập của bác sĩ theo chuyên khoa này cũng thường rất thấp. Nhưng từ sau khi có nghị định 43 của Bộ Tài chính, Viện Huyết học được tự chủ về tài chính, thì hiện giờ mức thu nhập của cán bộ nhân viên của Viện rơi vào khoảng 3-4 lần so với mức lương thực tế. Cán bộ nhân viên trong viện có thể yên tâm sống với nghề, làm hết trách nhiệm của một người bác sĩ với bệnh nhân.
Tôi luôn tự nhủ đó là trách nhiệm đương nhiên của một người viện trưởng. Chứ làm viện trưởng mà để anh em sống vất vả, tôi sẽ thấy mình có lỗi.
Tô Lan Hương: Sự kiện về hưu của ông mấy tháng trước, bên cạnh những lời ngợi ca, cũng có không ít những lời xì xào. Họ nói rằng ông háo danh và đã tự dàn xếp một buổi chia tay gây chú ý…
GS Nguyễn Anh Trí: Những lời đó cũng đến tai tôi. Nhưng nhà văn Nguyễn Quang Vinh đã nói với tôi thế này: "Người yêu quý anh cả vạn người, ghét anh có 2-3 người, anh việc gì phải phân bua".
Thật ra hầu hết cái danh của một người bác sĩ, tôi đều đã có được: tôi có hàng trăm bằng khen các cấp; có Huân chương Lao động Hạng Nhất; tôi đã là Thầy thuốc Nhân dân; tôi đã được phong Anh hùng Lao động; tôi hai lần được trao giải thưởng Vinh quang Việt Nam; tôi cũng đã đạt được Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý; tôi cũng dành giải Nhất Nhân Tài Đất Việt; là công dân Thủ đô ưu tú, là Đại biểu Quốc hội… Nhiều lắm, đến mức tôi không nhớ hết được.
Cái danh mà một con người có thể có được chắc đã đủ dùng cho tôi đến tận lúc chết. Nên chắc không cần phải mất công xếp đặt một buổi chia tay như thế để tạo danh tiếng cho mình. Mà sắp xếp một đám đông đưa tiễn mình có thể không khó, nhưng không thể ép họ rơi nước mắt được đâu. Vì người ta có thể giả danh giáo sư, tiến sĩ, chứ không thể làm giả những giọt nước mắt…
Tô Lan Hương: Thế trong tất cả những danh hiệu mà ông vừa liệt kê, cái danh nào khiến ông tự hào nhất?
GS Nguyễn Anh Trí: Tôi trân trọng tất cả. Nhưng danh hiệu cao quý nhất là tình cảm và những giọt nước mắt mà tôi nhận được từ các đồng nghiệp, các học trò và các bệnh nhân trong buổi chia tay ngày tôi về hưu. Không có vinh quang nào bằng vinh quang đó…
Tô Lan Hương: Những tuần vừa qua, một trong những tâm điểm của dư luận là vấn đề phong GS - PGS với quá nhiều trăn trở, đến mức Thủ tướng phải yêu cầu rà soát lạt. Là một người đã có quá nhiều danh hiệu, chức danh, trong đó có cả chức danh giáo sư, ông nghĩ gì về câu chuyện chức danh với một con người?
GS Nguyễn Anh Trí: Tôi nhớ năm 1996, cũng đã từng có chuyện Thủ tướng yêu cầu dừng lại toàn bộ các hồ sơ phong GS - PGS.
Đương nhiên, chức danh GS - PGS là mục tiêu phấn đấu, là niềm tự hào của những người làm khoa học. Nhưng vẫn có những tiêu cực trong chuyện xét GS - PGS. Mà chuyện sai sót, tiêu cực này không phải lần đầu.
Bản thân tôi cũng đã nhiều lần chứng kiến những dấu hiệu bất thường trong một số hồ sơ GS - PGS và rất bất bình về chuyện đó. Năm nay, có lẽ những vấn đề này trầm trọng hơn, đến mức phải có sự can thiệp và gây chú ý như thế.
Cá nhân tôi nghĩ rằng, một người làm công tác giảng dạy thì cần phấn đấu trở thành GS để có được sự kính trọng của sinh viên. Và bao giờ một GS (thực chất) thì giảng bài cũng chất hơn một người không phải GS.
Nhưng với nhiều người, giá trị của họ đôi khi không phải ở những chức danh đó. Giá trị của họ được tạo nên bởi những cống hiến khác mà họ dành cho xã hội. Như TBT Nguyễn Phú Trọng cũng là GS - TS. Nhưng tôi tin ông không cần danh hiệu đó để mọi người nhớ về ông. Những gì Tổng Bí thư đang làm cho đất nước đã là quá đủ.
Tô Lan Hương: Ông có bao giờ nghĩ, vì sao mình lại nhận được nhiều sự tri ân và nhiều tình yêu thương đến thế?
GS Nguyễn Anh Trí: Cả đời mình, tôi chọn cách sống quan tâm đến mọi người, sống trách nhiệm với mọi người. Đó là tính cách bản năng của tôi.
Thời sinh viên ngủ chung giường với bạn, bao giờ tôi cũng cẩn thận để tay chân bạn gác lên người mình, chứ không bao giờ gác tay chân lên người bạn. Tôi thường là người dậy sớm để quét dọn, vệ sinh phòng ốc.
Đi máy bay hạng phổ thông, tôi không bao giờ ngả ghế ra sau, dù quy định không cấm, vì nếu ngả ghế ra, tôi cứ băn khoăn người ngồi phía sau sẽ không được thoải mái.
Khi còn là Viện trưởng Viện Huyết học, tôi làm rất nhiều việc cứu người, giúp người. Có cháu bé mới sinh bị bỏ rơi ở cộng viện, tôi bế cháu vào viện chăm sóc và kêu gọi người mẹ bỏ con quay về; có bệnh nhân người nước ngoài nằm viện mà không có tiền, tôi kêu gọi cộng đồng quyên tiền giúp đỡ…
Nhiều người thắc mắc sao không phải việc của tôi mà tôi lại làm. Chính phần Người trong tôi đã thôi thúc và nhắc nhở tôi phải làm việc đó. Đó là tinh thần của tất cả các cán bộ, nhân viên của Viện Huyết học.
Tô Lan Hương: Sau khi về hưu, ông trở thành Chủ tịch Hội đồng Cố vấn của Bệnh viện Đa khoa Medlatec. Thật ra, ông nổi tiếng với việc là Viện trưởng Viện Huyết học; nổi tiếng với phong trào " Hành trình đỏ " hay " Lễ hội Xuân hồng" , nhưng tôi đoán chắc không nhiều người biết rằng, gia đình ông còn là chủ Bệnh viện Đa khoa Medlatec, nơi vợ và con trai ông đang làm Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc…
GS Nguyễn Anh Trí: Bệnh viện Đa khoa Medlatec ra đời từ năm 1996 từ trước khi tôi là Viện trưởng Viện Huyết học - Trung ương. Tôi chưa bao giờ giấu mình là người sáng lập bệnh viện đó. Tôi cũng là người đã đưa Công nghệ lấy bệnh phẩm tại nhà học được ở Nhật Bản về áp dụng ở Medlatec - một trong những dịch vụ thành công nhất của viện này.
Chuyện bắt nguồn từ thời tôi mới đi học ở Nhật về, bạn bè đồng nghiệp tôi là bác sĩ nghèo đến mức lương không đủ ăn, muốn mua cho con bữa cơm có thịt cũng khó. Mà họ đều là những người giỏi, cống hiến cho nghề nghiệp. Thế nên tôi đã cùng với 5 người bạn sáng lập ra bệnh viện này, với khát vọng thoát nghèo.
Ban đầu, chúng tôi chỉ lập ra một cái labo và làm thuê cho BV Đa khoa Tràng An. Chúng tôi dùng sức mình để kiếm tiền, chứ không ai phải bỏ ra một đồng vốn nào. Công việc rất thuận lợi, labo của chúng tôi phát triển chóng mặt, đến mức tôi cũng bất ngờ. Và khi nó phát triển nhanh như thế, thì tôi lại vạch thêm những chiến lược mới, những tầm nhìn mới.
Cứ 10 đồng lãi kiếm được thì chúng tôi để lại 4 đồng tái đầu tư. Cho đến năm 2002 thì chúng tôi tách ra, không đi làm thuê nữa. Sau 13 năm, từ một labo nhỏ chuyên đi làm thuê, chúng tôi xây dựng được một BV Medlatec như hôm nay.
Con tôi học chuyên ngành marketing nên chúng tôi giao vị trí TGĐ cho cháu sau nhiều thử thách. Thật mừng là sau khi cháu tiếp quản vị trí TGĐ, bệnh viện ngày một phát triển hơn. Nên giờ nghỉ hưu, tôi về đây làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn chuyên môn, chỉ với mục đích tư vấn về truyền môn, truyền cảm hứng cho cán bộ công nhân viên; và là cầu nối giữa giữa TGĐ với các bác sĩ trong bệnh viện để cân bằng được vấn đề chuyên môn và kinh tế.
Tô Lan Hương: Với sự phát triển ngoạn mục như thế, vậy thì mục tiêu thoát nghèo của ông và những người đồng nghiệp sáng lập bệnh viện này hẳn đã thực hiện được?
GS. Nguyễn Anh Trí: Không chỉ thoát nghèo, giờ tôi có thể tự tin nói rằng bạn bè tôi - những người cùng tôi xây dựng bệnh viện này đã trở thành những người vững vàng về kinh tế. Không chỉ thế, hiện giờ Medlatec đang có hơn 1000 bác sĩ đang làm việc; chúng tôi cũng cộng tác với 8.000 bác sĩ khác khắp các tỉnh thành cả nước. Medlatec đang tạo ra rất nhiều việc làm, đóng góp không nhỏ cho xã hội. Năm nay, Medlatec trở thành bệnh viện tư duy nhất nhận được cờ luân lưu của Bộ Y tế. Tôi rất tự hào..
Tô Lan Hương: Bạn bè của ông đều đã vững vàng về kinh tế, còn ông thì sao?
GS Nguyễn Anh Trí: Nếu để kiếm tiền một cách chính danh và nghiêm túc, tôi tự tin khẳng định rằng tôi là một trong những giáo sư giàu nhất Việt Nam.
Tô Lan Hương: Nhìn vào cơ sở bề thế của Medlatec, với cơ sở chính ở phố Nghĩa Dũng, và một chi nhánh bề thế ở con đường ven Hồ Tây tấc đất tấc vàng, liệu có quá lời không nếu tôi nhận định ông đã là tỷ phú?
GS Nguyễn Anh Trí: Sự thực thì Medlatec đã phát triển đến mức mà nhiều người bất ngờ.Chỉ riêng cơ sở ở phố Trích Sài, Medlatec đã xây dựng trụ sở trên khu đất hơn 250 tỷ đồng, với những trang thiết bị tiên tiến. Nên về kinh tế, nhiều năm nay gia đình tôi khá thoải mái.
Nếu chỉ để lo cho mình, chắc là tôi giàu lắm rồi. Nhưng chúng tôi đầu tư rất nhiều tiền của bệnh viện nói chung và gia đình tôi nói riêng vào các dự án cộng đồng. Ví dụ như hiện giờ Medlatec đang đầu tư để xây dựng Trung tâm Di sản và Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam, với kinh phí hàng trăm tỷ đồng, trong đó có những đóng góp của cá nhân tôi.
Tô Lan Hương: Làm kinh tế quá giỏi có giúp ích gì cho sự nghiệp của một người thầy thuốc như ông?
GS Nguyễn Anh Trí: Tôi có thể thanh thản làm nghề, cống hiến hết mình cho nghề với lương tâm và trách nhiệm của một người bác sĩ, mà không bao giờ phải bận tâm đến chuyện cơm áo gạo tiền. Tôi chỉ có một cậu con trai sinh năm 1987. Cháu đi du học bằng tiền vợ chồng tôi kiếm được từ bệnh viện này, chứ chưa bao giờ dùng đến một đồng lương viện trưởng nào của tôi. Nên thú thật là tôi chẳng có áp lực gì cả.
Tô Lan Hương: Nhưng chuyện là chủ một bệnh viện tư nhân lớn có khiến ông xao nhãng công việc của một viện trưởng?
GS Nguyễn Anh Trí: 14 năm làm Viện trưởng, tôi chưa bao giờ bỏ bê việc công để lo việc tư; chưa bao giờ tôi ăn bớt giờ làm ở viện Huyết học để lo cho Medlatec. Khi tôi chưa nghỉ hưu, không ai có thể thấy tôi đến Medlatec trong giờ hành chính. Mọi công việc đều do vợ tôi làm Chủ tịch HĐQT và con trai tôi làm TGĐ điều hành và những cán bộ nhân viên của Medlatec lo liệu.
Vợ chồng tôi có quan điểm giống nhau: làm gì cũng phải giữ sự tự trọng của bản thân. Vợ tôi là cháu ruột của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Sinh ra trong gia đình truyền thống cách mạng, nên bà ấy sống nguyên tắc vô cùng. Tôi làm Viện trưởng, có chế độ xe riêng. Có lần tôi ghé qua đón vợ về nhà, nhưng vợ tôi từ chối. Bà ấy chỉ nhẹ nhàng nói: "xe này là xe nhà nước để cho Viện trưởng đi" rồi lấy xe máy tự đi về nhà.
Chúng tôi giống nhau ở chỗ đều công tư rạch ròi, không bao giờ làm việc gì để ảnh hưởng đến uy tín cá nhân và lòng tự trọng của mình.
Tô Lan Hương: Tất cả những mục tiêu đề ra trong đời, ông đều đã hoàn thành. Về hưu rồi, ông còn mục tiêu nào để phấn đấu?
GS Nguyễn Anh Trí: Tôi muốn cống hiến cho xã hội theo cách mà tôi có thể : Việc bỏ cả trăm tỷ đồng ra xây dựng Trung tâm Di sản và công viên di sản các Nhà khoa học Việt Nam, việc toàn tâm toàn ý với vai trò ĐBQH, hay việc tổ chức các dự án từ thiện vì cộng đồng cũng không nằm ngoài mục đích đó. Tôi vẫn tiếp tục công việc hướng dẫn luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ để đào tạo thế hệ kế cận; nghiên cứu các đề tài khoa học. Tôi dành một chút thời gian cá nhân cho việc làm thơ…..
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Trí thức trẻ