img

TS. Nguyễn Đức Khương đang sống ở Pháp và là Giáo sư tài chính tại Học viện Hành chính và Quản trị kinh doanh Paris (IPAG Business School). Anh là thành viên trẻ nhất trong Tổ tư vấn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Theo bảng xếp hạng RePEc năm 2016, TS. Khương cũng là người Việt đầu tiên lọt vào top 10 chuyên gia kinh tế trẻ hàng đầu thế giới, top 5% kinh tế gia hàng đầu thế giới.

Bên cạnh công việc nghiên cứu, mối quan tâm hàng đầu của anh là kết nối mạng lưới trí thức Việt Nam. TS. Khương đang là Chủ tịch tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global). "Người Việt ở đâu cũng là người Việt, cần cống hiến hết mình cho đất nước", anh nhấn mạnh với Trí Thức Trẻ.

GS.TS Nguyễn Đức Khương: Để Việt Nam đi đến hùng cường, bắt đầu từ làm tốt những việc nhỏ! - Ảnh 1.

- Theo quan sát của anh, vị thế của Việt Nam trong mắt truyền thông quốc tế thời gian trở lại đây như thế nào?

Về tổng quan, Việt Nam được đánh giá rất tích cực trên nhiều phương diện. Nói đến kinh tế, chúng ta là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực và trên thế giới. Chính trị đất nước cũng được nhìn nhận tốt khi có môi trường ổn định. Việt Nam cũng đang có vị thế tốt trên trường quốc tế. Trong năm 2019, chúng ta được bầu làm Uỷ viên dự khuyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc; đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN 2020... đấy là những vị trí quan trọng, thể hiện vai trò của đất nước. Cảm nhận chung của bạn bè quốc tế khi đến Việt Nam là một quốc gia tràn đầy năng lượng: rất mới và năng động.

Thế nhưng ngoài những điểm tích cực đấy, truyền thông quốc tế đâu đó vẫn có nhận định rằng Việt Nam đang đối diện với những vấn đề như ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn, quá tải hạ tầng.

Mặt khác, đất nước hình chữ S cũng chưa định hình được rõ ràng, rõ nét hình ảnh của mình. Hay chính xác hơn chúng ta chưa định vị được thương hiệu Việt Nam, tức chúng ta muốn chúng ta như nào trong con mắt của bạn bè quốc tế. Và khi chúng ta mong muốn truyền tải hình ảnh của mình, họ có hiểu được hay không.

Ví dụ nói đến Israel, thế giới đều biết ngay là Startup Nation  - quốc gia khởi nghiệp. Còn hỏi đến Việt Nam, mỗi người đều hình dung đất nước, con người Việt theo cách rất khác nhau.

GS.TS Nguyễn Đức Khương: Để Việt Nam đi đến hùng cường, bắt đầu từ làm tốt những việc nhỏ! - Ảnh 2.

- Đầu năm 2019, tại Diễn đàn Người Việt có tầm ảnh hưởng, cô Tôn Nữ Thị Ninh có nói rằng: Đã đến lúc Việt Nam bước ra dưới ánh mặt trời. Anh nghĩ gì về điều này?

Câu chuyện của cô Ninh đưa ra thể hiện một điều: Việt Nam có sức mạnh nội tại rất lớn. Người Việt có quyền tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc.

Tại thời điểm cô tham gia diễn đàn, cũng như thời điểm mà chúng ta đang nói ở đây, có thể cảm nhận rõ ràng tinh thần, khát vọng dân tộc đang lên rất cao, có thể nói là cháy bỏng. 

Trong những chuyến công tác tại Việt Nam, khi tiếp xúc với người dân tại nhiều địa phương hay trao đổi với lãnh đạo các cấp, tôi đều cảm nhận được ở họ khát khao xây dựng một đất nước phát triển thần kỳ.

Tại Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu mà tôi đang làm Chủ tịch, rất nhiều trong số hàng nghìn chuyên gia quốc tế và trong nước mà Hội kết nối hàng năm, nói rằng đã cảm nhận được tinh thần muốn vươn lên của người Việt.

Như vậy, nếu gắn lại với câu nói của cô Ninh, có thể thấy rằng đây là thời điểm mà chúng ta đã sẵn sàng hành động để cống hiến, bứt phá cho Việt Nam có một vị thế cao hơn, xứng tầm hơn. Khát vọng đã có và đây là lúc chúng ta bắt tay thực hiện ngay.

GS.TS Nguyễn Đức Khương: Để Việt Nam đi đến hùng cường, bắt đầu từ làm tốt những việc nhỏ! - Ảnh 3.

-Nhưng khát vọng về một nước hùng cường có hơi to tát hay không khi mà Chính phủ, giới nghiên cứu vẫn đang phải lặp đi lặp lại mục tiêu nâng cao năng suất lao động, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, tránh bị tụt lại phía sau...?

Bất cứ quốc gia, đất nước nào cũng là tổng hoà và kết dính của tất cả công dân.

Không thể có một quốc gia hùng cường khi mà mỗi người dân không dám thử thách sức sáng tạo và năng lực dám đi, dám đến của mình.

Mặt khác, khát vọng hùng cường có thể nói là rất tự nhiên. Điều này còn tự nhiên hơn nữa khi chúng ta trong lịch sử đã được trải nghiệm qua 4.000 năm dựng và giữ nước. Từ thời đó, Việt Nam đã có khát vọng hùng cường chứ không phải bây giờ mới bắt đầu. Sự hùng cường của đất nước không phải là chuyện riêng ai, đó là câu chuyện của cả dân tộc, là thời điểm và sự lựa chọn. Nếu chúng ta thực sự muốn, chúng ta sẽ làm vì khát khao và sẽ đạt được.

Tôi còn nhớ tựa đề một trong những bài hát nổi tiếng của nhóm Modern Talking huyền thoại: You can win if you want. Bạn phải muốn đã.

GS.TS Nguyễn Đức Khương: Để Việt Nam đi đến hùng cường, bắt đầu từ làm tốt những việc nhỏ! - Ảnh 4.

- Dù vậy, cũng không thể nào chỉ là khát vọng suông được. Chúng ta cũng phải biết mình có gì, và phải bắt đầu từ đâu...

Để đi đến hùng cường, tôi cho rằng phải bắt đầu làm tốt từ những việc nhỏ, những thành công nhỏ trước. Những việc nhỏ trong khát vọng lớn sẽ như kiểu mình góp gió thành bão.

Tôi vẫn tâm niệm không ai có thể lớn lên và trưởng thành trong một vài ngày. Ngay cả khi mình muốn leo lên ngọn núi cũng phải bắt đầu từ chân núi, phải vượt qua những tảng đá đầu tiên.

Khát vọng là khởi điểm và chúng ta phải luôn nuôi dưỡng nó. Từ đó từng bước thực hiện nó với từng hành động, luôn cam kết với sự lựa chọn của mình. Lúc đó, Việt Nam mới có cơ hội. Còn nếu không đặt ra câu chuyện hùng cường, nó có nghĩa rằng khát vọng chưa đủ lớn, cũng khó lòng định vị được mình muốn gì.

Điều này lại gắn với vấn đề mà tôi đã đặt ra ban đầu, tại sao Việt Nam chưa được thế giới nhìn nhận một cách rõ nét. Câu chuyện định vị sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu chúng ta hiểu rõ mình muốn đi đâu về đâu, mình muốn hình ảnh đưa ra bên ngoài như nào – điều này giúp huy động được sự hưởng ứng và sức mạnh cả nước.

GS.TS Nguyễn Đức Khương: Để Việt Nam đi đến hùng cường, bắt đầu từ làm tốt những việc nhỏ! - Ảnh 5.

Cũng giống như bóng đá Việt Nam, nếu muốn có một đội tuyển quốc gia thật mạnh, phải bắt đầu từ bóng đá trẻ như bầu Đức, bầu Hiển đã làm. Một quốc gia hùng cường cần phải xây dựng nền móng chắc chắn từ thế hệ trẻ. Trong ảnh là Đoàn Văn Hậu - hậu vệ đã ghi 2 bàn thắng trong trận chung kết SEA Games 30 - một cầu thủ từ "lò" đào tạo bóng đá của bầu Hiển.

GS.TS Nguyễn Đức Khương: Để Việt Nam đi đến hùng cường, bắt đầu từ làm tốt những việc nhỏ! - Ảnh 6.

- Quay lại với Diễn đàn Người Việt có tầm ảnh hưởng do AVSE Global tổ chức tại Pháp đầu năm, vậy tầm ảnh hưởng của người Việt là gì? Đâu là những thế mạnh ảnh hưởng của người Việt?

AVSE Global đặt ra một bài toán lớn, làm sao tạo ra nguồn cảm hứng lớn, tập hợp được sức mạnh tập thể để đánh thức tiềm năng của đất nước. Sự kiện Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng là một trong số đó. Năm nay, Diễn đàn đưa ra chủ đề "Thương hiệu Việt Nam", không mới nhưng có tính kết dính cao. Nó như sợi chỉ vô hình gắn kết mỗi công dân Việt.

Tại diễn đàn, lần đầu tiên có khoảng 200 người tiên phong trong nhiều lĩnh vực đến từ hơn 20 quốc gia được kết nối lại. Họ là những "cánh chim đầu đàn" trong các lĩnh vực chuyên môn và sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng để lan toả năng lượng tích cực đến khát vọng cống hiến.

Chúng tôi cũng đặt ra mục tiêu xây dựng được mạng lưới nhân tài người Việt trên khắp thế giới, cùng hành động vì một Việt Nam bền vững, thịnh vượng. Sự kết nối dựa trên tri thức, sáng tạo và trí tuệ tập thể sẽ là chìa khoá tạo ra những cộng hưởng nguồn lực vô tận.

Từ trái qua phải: Châu Thanh Vũ, nghiên cứu sinh Tiến sĩ Đại học Harvard (Mỹ), TS Đinh Ngọc Thạnh - Giáo sư tập sự Đại học Soongsil (Hàn Quốc) và Nguyễn Thị Sao Ly - nghiên cứu sinh Tiến sĩ Đại học Johns Hopkins (Mỹ) - cả 3 bạn trẻ đều có kế hoạch trở về Việt Nam làm việc, đóng góp cho đất nước bằng những điều mình đã học và nghiên cứu được ở nước ngoài.

- Một doanh nhân nói đại ý: Học xong ở nước ngoài, khoan về, nên làm việc, tìm kiếm cơ hội, quan hệ, bao giờ có đủ những thứ đó đã rồi về. Anh nghĩ gì về điều này?

Tôi nghĩ là thế giới giờ đây đã phẳng, các quốc gia có sự hội nhập cao, nên những khái niệm về biên giới đã thu nhỏ lại. Ở bất cứ đâu, chúng ta cũng có thể kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác và phát triển.

Như vậy lựa chọn của mỗi cá nhân trở nên dễ dàng hơn trước rất nhiều thay vì cứ học xong là phải ở nước ngoài mới thành công. Điều quan trọng nhất ở đây là tinh thần mình hướng về đâu.

Tôi cũng tin tưởng vào sức mạnh đến từ sự kết nối và sáng tạo tập thể. Thực tế đây là 2 trong 3 giá trị cơ bản của AVSE Global, mục tiêu đóng góp vào sự xây dựng, phát triển thịnh vượng của đất nước cho dù bạn đang ở bất cứ quốc gia nào. Bây giờ, cũng không có nhiều người đặt ra câu hỏi "về hay ở" khi kết thúc các chương trình nghiên cứu, học tập ở nước ngoài.

GS.TS Nguyễn Đức Khương: Để Việt Nam đi đến hùng cường, bắt đầu từ làm tốt những việc nhỏ! - Ảnh 8.

-Chính phủ gần đây đưa ra thông điệp rất mạnh về việc lôi kéo trí thức về nước. Theo đánh giá của anh, một cách thực tế thì các chính sách khuyến khích đang ở mức như thế nào?

Cơ bản tôi mong muốn có một chính sách quyết liệt hơn. Thu hút nhân tài không hẳn cần nhiều tiền, kinh nghiệm từ các quốc gia khác cũng như vậy. Có rất nhiều yếu tố tác động đến công cuộc thu hút nhân tài, trong đó có môi trường tốt, bài toán đủ hay và đủ tầm. Nhưng quan trọng hơn, các cơ quan, tổ chức trong nước phải thực sự cần người tài. Vì chỉ khi thực sự cần mới mạnh dạn sử dụng được.

Khi nói về thu hút nhân tài, chủ yếu chúng ta đang tập trung vào khu vực công chứ ít nói đến tư nhân. Không phải tư nhân không cần, không hút người tài, nhưng bản thân họ làm được. Hầu hết người Việt ra nước ngoài học tập, nghiên cứu, khi trở về đa phần làm cho tư nhân.

Tại sao vậy, bởi doanh nghiệp luôn phải cạnh tranh sống còn trên thương trường. Điều này buộc họ phải thực tế và hiệu quả trong công tác thu hút và sử dụng nguồn lực con người. Do đó, họ sẵn sàng thu hút nhân tài bằng mọi cách để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Khu vực công cũng có thể áp dụng cách tiếp cận như phía doanh nghiệp, nhưng tất nhiên ở cấp quốc gia cần chiến lược tổng thể.

Ví dụ Việt Nam có thể bắt đầu bằng việc thu hút những "cánh chim đầu đàn" trong những lĩnh vực mà đất nước coi là trọng điểm như trong đổi mới sáng tạo, trong phát triển khoa học công nghệ. Khi đưa được những người đầu ngành, có tầm ảnh hưởng này về, sử dụng họ hiệu quả, thì chính họ sẽ trở ngược lại thành những cầu nối, thu hút, đón thêm nhiều "đàn chim" về "xây tổ".

Lúc này câu chuyện thu hút người tài sẽ không chỉ đơn thuần là thu hút tài năng Việt mà là lôi kéo cả tài năng của thế giới đến làm việc ở Việt Nam. Đó là mục đích sâu xa hơn. Hãy cho thế giới thấy đến Việt Nam là có cơ hội làm việc với những người xuất sắc, những người say mê, có khát vọng... Khi chúng ta làm được điều đó thì sự trở về sẽ rất tự nhiên và lúc đấy, thực sự Việt Nam sẽ không cần phải đặt ra bài toán thu hút nhân tài nữa.

GS.TS Nguyễn Đức Khương: Để Việt Nam đi đến hùng cường, bắt đầu từ làm tốt những việc nhỏ! - Ảnh 9.

- Có một hiện tượng là với những thông tin tích cực của Việt Nam hay bị "ném đá", chỉ trích, bình luận tiêu cực... điều này không chỉ diễn ra với những người bình thường mà ngay cả nhiều người đi học nước ngoài, có học hàm học vị. Anh nghĩ sao về điều này?

Đây cũng là câu chuyện chung của nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả những nước phát triển. Ngay ở Pháp cũng thế thôi. Tôi thấy con người ai cũng dễ bị ảnh hưởng bởi những thông tin xấu, không tích cực.

Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, để phân định thông tin tích cực và không tích cực cũng không dễ dàng gì. Tôi thì chọn cách tiếp nhận tốt nhất có thể và chủ động làm việc để tạo ra thêm những thông tin tích cực mới.

Chỉ khi hành động như vậy tôi mới tạo ra được năng lượng tích cực và lan toả nó đến những người xung quanh. Như thế mới đóng góp thêm một phần sức của mình vào việc xây dựng xã hội tiến bộ và đi lên.

Mặt khác, đưa ra bình luận luôn là việc dễ dàng. Còn nếu mình làm để tạo ra câu chuyện tích cực, tốt cho bản thân và xã hội thì điều đó khó hơn rất nhiều. Và khi bắt tay vào làm, chúng ta mới bắt gặp những khó khăn để thực hiện được một việc tốt.

GS.TS Nguyễn Đức Khương: Để Việt Nam đi đến hùng cường, bắt đầu từ làm tốt những việc nhỏ! - Ảnh 10.

- Xuất phát từ điều gì khiến anh gắn bó với công việc kết nối các trí thức người Việt ở nước ngoài, ví dụ như AVSE Global hay Hội tài chính người Việt trên thế giới?

Điều này liên quan đến một mong muốn thường trực trong tâm trí tôi, là làm thế nào để Việt Nam đi lên, để tự hào về những gì mà chúng ta từng có được trong quá khứ. Dân tộc Việt Nam được thế giới thừa nhận là anh hùng, được đánh giá cao về sức sáng tạo, sự linh hoạt, năng động. Việt Nam cần có một vị trí tương xứng hơn.

Bên cạnh đó, cá nhân tôi tin rằng nếu muốn đi xa phải đi cùng nhau. Vậy nên để Việt Nam đi lên, điều quan trọng nhất là phải có bạn đồng hành. Khi có nhiều bạn đồng hành tốt, chỉ xét về mặt tâm lý thôi, con đường đã ngắn hơn rất nhiều. Đấy chính là kết tinh của trí tuệ tập thể, thứ tài sản sinh sôi, nảy nở mà không có giới hạn nào cả.

Câu chuyện phát triển luôn cần có sự tham gia của mọi người!

GS.TS Nguyễn Đức Khương: Để Việt Nam đi đến hùng cường, bắt đầu từ làm tốt những việc nhỏ! - Ảnh 11.

- Bên cạnh là Chủ tịch của AVSE Global, anh còn được biết đến nhiều hơn với vai trò là thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Cảm giác của anh khi trở thành thành viên trẻ nhất của Tổ?

(Cười). Lúc đấy tôi không có cảm giác về chuyện này, không có cảm giác gì đặc biệt. Mong muốn của tôi là được làm nhiều thứ hơn nữa thông qua những công việc cụ thể như nghiên cứu, giảng dạy, tư vấn chính sách hay tham gia thúc đẩy một số chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm của đất nước, ví dụ như chuyển đổi số.

- Còn giờ thì sao?

Thấy mình trưởng thành hơn!

Trở thành thành viên Tổ tư vấn Thủ tướng, có ảnh hưởng đến công việc nghiên cứu của anh?

Khi tham gia Tổ tư vấn thì thời gian tôi dành cho nghiên cứu cơ bản cũng giảm đi. Nhưng ngược lại, trở thành thành viên của Tổ cũng giúp tôi hiểu sâu và rõ hơn những chính sách, bài toán phát triển đến từ thực địa. Từ đó, tôi nắm bắt được những thách thức của Việt Nam trong thời hội nhập, giai đoạn mà mỗi quốc gia phải tự định vị, phải có những cân nhắc chính sách nhằm ổn định vĩ mô.

Điều này mở ra cho tôi rất nhiều hướng nghiên cứu mới. Dần dần, các nghiên cứu cơ bản của tôi đi vào nhiều câu hỏi lớn về chính sách.

Ít thời gian cho nghiên cứu cơ bản hơn nhưng tôi được lợi rất nhiều về hiểu biết thực địa, cũng như có những vấn đề chính sách mới để phân tích, nghiên cứu.

GS.TS Nguyễn Đức Khương: Để Việt Nam đi đến hùng cường, bắt đầu từ làm tốt những việc nhỏ! - Ảnh 12.

Người Việt Nam có thể sánh bước công nghệ cùng thế giới như cách Viettel làm với 5G: đưa Việt Nam vào danh sách những quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai 5G.

- Những trường hợp người Việt định cư ở nước ngoài, như gia đình anh chẳng hạn, với các thế hệ sau, làm thế nào để các cháu luôn hướng về Việt Nam, nuôi dưỡng một khát vọng Việt Nam hùng mạnh như những lớp người đi trước?

Từ gia đình tôi, tôi thấy các cô giáo ở trường luôn nói rằng bố mẹ không cần lo lắng đến việc học của các cháu ở trường. Cái nên lo là làm sao truyền được tinh thần, giá trị bản sắc nguồn cội của các cháu. Đơn cử như việc làm thế nào để các cháu nói được tiếng Việt.

Quan niệm này trùng với chúng tôi. Chúng tôi tư duy rằng một cháu bé Việt Nam khi sinh ra ở nước ngoài sẽ giống như sản phẩm 2 trong 1: Việt Nam cộng với phần còn lại của thế giới.

Việc các cháu sử dụng 2 ngôn ngữ, học thêm, biết thêm về văn hoá không phải là khó nhưng mình phải kiên trì, phải hướng dẫn các cháu từ từ. Và khi đã khiến các cháu ý thức được bản sắc của mình, sự gắn kết với quê hương sẽ đến một cách tự nhiên. Chúng ta không thể làm gì một cách không tự nhiên được vì các cháu cũng là những bản thể riêng biệt, có quyền quyết định tư duy của chính mình.

Cảm ơn anh!


Phương Ánh
Tuấn Mark + NVCC
Hương Xuân
Theo Trí Thức TrẻNgày 20/12/2019

Phương Ánh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên