Tiền thân của Bia Hà Nội ngày nay là Nhà máy Bia Hommel được người Pháp thành lập từ năm 1890 với quy mô nhỏ, mục đích sản xuất sản phẩm phục vụ quân viễn chinh Pháp. Năm 1954, miền bắc hoàn toàn giải phóng, trước khi rút lui quân pháp đã tháo dỡ thiết bị, hủyhết các tài liệu nhằm làm cho nhà máy tê liệt. Mặc dù gặp nhiều khó khăn như vậy, đến năm 1957 theo chính sách phục hồi kinh tế của Chính phủ, với những nỗ lực không mệt mỏi của tập thể CBCNV nhà máy, nhà máy bia Hommel được phục hồi và đổi tên thành Nhà máy Bia Hà Nội.
Chỉ 1 năm sau đó, ngày 15/8/1958 chai bia Việt Nam đầu tiên mang nhãn hiệu Trúc Bạch ra đời, đánh dấu cho việc làm chủ công nghệ sản xuất bia của nước ta. Và ngày 15/8 hàng năm cũng được chọn là Ngày truyền thống của Bia Hà Nội.
Năm 1993, Nhà máy Bia Hà Nội đổi tên thành Công ty Bia Hà Nội và đầu tư các trang thiết bị mới thay thế các thiết bị cũ, nâng công suất lên 50 triệu lít/năm (năm 1995), rồi 100 triệu lít/năm (năm 2004). Nhờ đó, Bia Hà Nội đã ngày càng khẳng định vị trí trên thị trường, phát triển thị phần, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, trong giai đoạn phát triển mới 2013 - 2018, Bia Hà Nội tiếp tục đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thay đổi mẫu mã, bao bì, đa dạng hóa sản phẩm.
Tiêu biểu là việc hoàn thành và đi vào hoạt động dây chuyền chiết lon 60.000 lon/giờ tại Nhà máy Bia Hà Nội - Mê Linh; đầu tư dây chuyền chiết nước uống đóng chai; Xây dựng mới Viện Kỹ thuật Bia - Rượu - Nước giải khát, hệ thống Pilot Plant phục vụ công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới; cho ra đời các sản phẩm mới và đổi mới mẫu mã bao bì các sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng…
Trải qua gần 130 năm lịch sử với hơn nửa thế kỷ khôi phục và phát triển, đến nay, Habeco đã trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu của ngành Đồ uống Việt Nam.
Những dòng sản phẩm nổi tiếng làm nên thương hiệu Habeco như Bia Trúc Bạch, Bia Hanoi Beer Premium, Bia chai và lon Hà Nội, Bia hơi Hà Nội,… và mới đây là cặp sản phẩm dành cho giới trẻ Hanoi Bold & Hanoi Light đã nhận được sự tin yêu của người tiêu dùng về cả chất lượng và phong cách, chinh phục những người sành bia trong và ngoài nước.
Năm 2018, bia tiếp tục là mặt hàng dẫn đầu ngành FMCG, có thể nói Việt Nam là một trong những thị trường bia sôi động nhất thế giới với tổng sản lượng tiêu thụ bia hơn 4,67 tỷ lít, tốc độ tăng trưởng đạt 7% so với cùng kỳ. Dự báo đến năm 2020, sản lượng bia toàn ngành sẽ đạt từ 4 - 4,25 tỷ lít/năm, đến 2035 sản xuất 5,5 tỷ lít bia.
Giới phân tích cho rằng, thị trường bia Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ dân số trẻ và thu nhập tăng. Thị trường lớn và ngày càng mở rộng, bia và đồ uống có cồn cũng được xem là thị trường chậm bão hòa so với nhiều ngành kinh doanh khác. Điều này đã thu hút hàng loạt ông lớn trong và ngoài nước muốn có phần tại thị trường giàu tiềm năng này.
Xác định đây sẽ là một cuộc "chiến" không hề đơn giản, Habeco đã chuẩn bị chiến lược tái định vị thương hiệu và chiến lược kinh doanh cho cả trung và dài hạn, sẵn sàng cạnh tranh với các đối thủ trong thời gian tới.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia thương hiệu, hiện nay người tiêu dùng cần một sản phẩm chất lượng tốt, hương vị ngon, mẫu mã đẹp, nhưng nếu chỉ vậy thì vẫn chưa đủ. Để tiến xa hơn, sản phẩm cần một cái ‘hồn’, một giá trị vô hình đủ lớn để lôi kéo người dùng.
Khi thu nhập tăng lên, người tiêu dùng sẵn sàng bỏ thêm nhiều tiền hơn để mua về những giá trị vô hình. Đặc biệt là lớp trẻ bây giờ rất nhiều sự lựa chọn, rất thoáng. Đồ ăn, thức uống không chỉ để ăn cho no mà còn phải cung cấp giá trị, phải phù hợp với ‘gu’ của người dùng. Trong quá trình nghiên cứu và đánh giá thị trường, HABECO nhận thấy cần phải đặc biệt quan tâm chú trọng tới các xu hướng mới, qua đó đưa ra các khuyến nghị cải thiện hình ảnh thương hiệu hiện tại.
"Các đối thủ của HABECO giờ đây đều là doanh nghiệp nước ngoài hoặc nước ngoài nắm chi phối, họ có tầm nhìn xa về thị trường, chiến lược mang tầm quốc tế, trình độ quản trị tốt. Các đơn vị tư vấn cho họ cũng là những công ty hàng đầu thế giới. Các đối thủ dùng những kênh quảng bá thương hiệu, tiếp thị khách hàng khá hiện đại, mới mẻ để cạnh tranh nên HABECO đã quyết định hợp tác với những đối tác có năng lực và kinh nghiệm, hiểu được xu hướng quốc tế để hỗ trợ mình trong quá trình xây dựng thương hiệu Việt ngang tầm các quốc tế. Đây là một chiến lược tái định vị thương hiệu trong dài hạn, đòi hỏi cần có thời gian để thực thi" - Ông Ngô Quế Lâm - Tổng giám đốc HABECO cho biết.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng và phát triển hệ thống phân phối là mục tiêu quan trọng Habeco xác định sẽ tập trung đầu tư toàn nguồn lực.
Việc củng cố công tác bán hàng sẽ khiến việc hợp tác giữa công ty thương mại và các đại lý sẽ thay đổi theo hướng tinh giản, chất lượng hơn. Với phương châm "Uy tín với khách hàng là nền tảng của sự thịnh vượng", HABECO sẽ xây dựng những chính sách bán hàng, hỗ trợ đại lý một cách toàn diện nhất để đem lại lợi ích cho cả hai bên. Yếu tố con người được HABECO xem là cốt lõi để tạo đà phát triển, theo đó, HABECO đã đẩy mạnh công tác đào tạo những cán bộ thị trường có tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt tình với công việc để phụ trách tại các thị trường trọng điểm, duy trì mối quan hệ với các khách hàng là đại lý, nhà hàng.
Bia Hà Nội từ trước tới nay luôn là thương hiệu uy tín được người tiêu dùng tin tưởng và lựa chọn, tuy nhiên, theo Chủ tịch HĐQT Habeco Trần Đình Thanh, để tiếp tục nuôi dưỡng phong trào người Việt ưu tiên dùng hàng Việt. Habeco luôn xác định trách nhiệm của doanh nghiệp là tiếp tục sản xuất những sản phẩm có chất lượng, ép nỗ lực để không ngừng phát triển, nâng cao sức cạnh tranh, mang đến một dịch vụ hậu mãi chu đáo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Năm 2019, Habeco đặt mục tiêu tiêu doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính toàn tổ hợp là 11.703 tỷ đồng, phấn đấu nộp Ngân sách Nhà nước 5.020,7 tỷ đồng.
Hiện doanh nghiệp đang giữ tinh thần chủ động và sáng tạo để nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, Habeco đã bắt tay với FPT triển khai dự án quản trị doanh nghiệp tổng thể ERP nhằm từng bước đưa doanh nghiệp hội nhập trong bối cảnh nền cách mạng công nghệ số, góp phần nâng cao sức mạnh và vị thế trên thị trường.
Ngoài ra, Habeco sẽ mở rộng thị trường ra toàn miền Trung, miền Nam và đẩy mạnh xuất khẩu, chứ không chỉ còn phủ bóng ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ như trước kia.
Trong hoàn cảnh đất nước ngày càng đổi mới và phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, nhiều hiệp định thương mại quốc tế đã tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng mang đến những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt. Hội nhập quốc tế thành công chính là đóng góp tích cực tạo ra những giá trị xã hội bền vững và giàu bản sắc.
Định hướng phát triển trong những năm tiếp theo, Habeco xác định chiến lược trọng tâm của doanh nghiệp là tiếp tục nghiên cứu phát triển các dòng sản phẩm mới với chất lượng cao hơn nữa, đồng thời không ngừng cải tiến chất lượng cũng như làm mới mẫu mã bao bì các sản phẩm truyền thồng, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Cùng với đó, Habeco sẽ đẩy mạnh chiến lược phát triển thương hiệu bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của thương hiệu tại thị trường trong nước và khu vực; cùng những cam kết hướng đến cộng đồng, thực hiện trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp mang Thương hiệu quốc gia, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của đất nước.
Trí Thức Trẻ