img
Hé lộ chiến lược giúp Techcombank luôn giữ vững vị thế đứng đầu về vốn và khả năng sinh lời - Ảnh 1.

Từ giữa năm 2022, ngành ngân hàng sau khi vừa bước qua giai đoạn khó khăn bởi đại dịch Covid-19 thì bắt đầu đối mặt với những thách thức mới. Đó là chi phí vốn cao lên khi lãi suất tăng mạnh trên toàn cầu, tăng trưởng tín dụng có giới hạn và thị trường trái phiếu doanh nghiệp chậm lại.

Trên thực tế, với giới tài chính, việc thị trường lên xuống theo từng giai đoạn mang tính chu kỳ là điều không còn xa lạ. Do đó, với mỗi doanh nghiệp nói chung và các tổ chức tín dụng nói riêng phải luôn dự báo để có kế hoạch kinh doanh phù hợp, đảm bảo hoạt động lành mạnh, hiệu quả và duy trì tốc độ tăng trưởng trong dài hạn. Tại Techcombank, ngân hàng đã có những dịch chuyển linh hoạt trong 2 quý gần đây.

Trong quý 3, ngân hàng tiếp tục chiến lược chuyển dịch cơ cấu tín dụng, từ trái phiếu doanh nghiệp, cho vay doanh nghiệp lớn sang phân khúc khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ứng phó này phù hợp với bối cảnh hạn mức tăng trưởng tín dụng có hạn và thị trường trái phiếu doanh nghiệp chững lại. Việc giảm dư nợ trái phiếu sẽ giúp ngân hàng có không gian để tăng trưởng cho vay bán lẻ thời điểm này.

Hé lộ chiến lược giúp Techcombank luôn giữ vững vị thế đứng đầu về vốn và khả năng sinh lời - Ảnh 2.

Ông Ngô Hoàng Hà - Giám đốc cao cấp Tài chính Doanh nghiệp của Techcombank cho biết, sự dịch chuyển đã giúp danh mục rủi ro của ngân hàng cân bằng hơn nhưng vẫn đảm bảo lợi suất tín dụng tương đối ổn định, đạt 8,7% trong quý 3/2022, cải thiện so với mức 8,5% của quý trước.

Cụ thể, dư nợ trái phiếu đã giảm mạnh từ 63 nghìn tỷ đồng cuối năm 2021 xuống 44 nghìn tỷ đồng vào cuối quý 3/2022, chỉ còn chiếm 9,7% trong tổng danh mục tín dụng của ngân hàng. Tương tự, dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn giảm từ 122 nghìn tỷ đồng xuống 117 nghìn tỷ đồng, chiếm 29% tổng dư nợ cho vay khách hàng.

Trong khi đó, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân đã tăng 8,3% so với quý 2 và tăng 37% trong 9 tháng đầu năm lên 222 nghìn tỷ đồng, đưa tỷ trọng của phân khúc khách hàng này lên 54% cơ cấu dư nợ cho vay. Tỷ trọng của khách hàng vừa và nhỏ đạt mức 17%%. Như vậy, tỷ trọng cho vay bán lẻ và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Techcombank đã được nâng lên 71% trong cơ cấu cho vay khách hàng.

Hé lộ chiến lược giúp Techcombank luôn giữ vững vị thế đứng đầu về vốn và khả năng sinh lời - Ảnh 3.

Theo lãnh đạo Techcombank, cho vay cá nhân được dẫn dắt bởi cho vay mua nhà và thẻ tín dụng. Trong đó, hoạt động cho vay thẻ tín dụng tăng trưởng mạnh nhờ hiệu quả của số hóa, tự động phê duyệt tín dụng và phân tích dữ liệu.

Ngoài ra, đẩy mạnh nguồn thu từ phí cũng là một trong những chiến lược trọng tâm của Techcombank, nhằm bù đắp cho việc tín dụng tăng trưởng hơn so những năm trước.

Cụ thể, thu từ hoạt động dịch vụ quý 3 đã tăng 32,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 6,9 nghìn tỷ đồng. Trong đó, thu phí từ dịch vụ thẻ tăng 69,5%, đạt gần 1.400 tỷ đồng nhờ tập trung vào các chương trình hợp tác với đối tác để thúc đẩy chi tiêu của chủ thẻ và các chương trình khuyến mại đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử. Với phản hồi tích cực của khách hàng, từ năm 2021 lần đầu tiên Techcombank lần đầu tiên vươn lên vị trí số 1 về doanh số chi tiêu của thẻ tín dụng toàn thị trường.

Một loạt giải pháp mới về thẻ tín dụng được triển khai trong quý 3 đã giúp Techcombank đạt được kết quả này. Trong đó, ngân hàng đã số hóa hành trình phê duyệt thẻ tín dụng, ra mắt tính năng trả góp và áp dụng nhiều ưu đãi thường xuyên trên mức sử dụng thẻ. Số lượng thẻ tín dụng lưu hành của Techcombank đã tăng lên 733 nghìn thẻ. Giá trị giao dịch qua thẻ tín dụng đạt 83 nghìn tỷ đồng trong quý 3/2022, cao hơn cả năm 2021.

Hé lộ chiến lược giúp Techcombank luôn giữ vững vị thế đứng đầu về vốn và khả năng sinh lời - Ảnh 4.

Bancassurance cũng là nguồn thu nhập tiềm năng của các ngân hàng trong giai đoạn này. Tại Techcombank, ngân hàng tiếp tục hoàn thiện mô hình bán và đặc biệt tham gia đồng kiến tạo sản phẩm bảo hiểm thông qua việc quản lý quỹ liên kết đầu tư cùng với doanh nghiệp bảo hiểm. Ngân hàng ghi nhận mức phí bảo hiểm (APE) tăng mạnh 104% trong quý 3 so với cùng kỳ năm ngoái. Thu phí từ dịch vụ bảo hiểm tăng 50% trong 9 tháng đầu năm và đạt trên 1.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, thu từ thư tín dụng (LC) đạt hơn 1.100 tỷ đồng, tăng 103,7%; tiền mặt và các khoản thanh toán đạt 411 tỷ đồng, tăng 130%; giao dịch ngoại tệ tăng 70% đạt 614 tỷ đồng. Kết quả này có được một phần nhờ ứng dụng số dành cho khách hàng doanh nghiệp giúp họ giao dịch dễ dàng hơn.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc cao cấp Phát triển và Quản lý hợp kênh cho biết, thực tế thì chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ của Techcombank đã thực hiện từ giai đoạn 2016-2020 và được nhấn mạnh hơn trong 2021-2025. Nếu không triển khai từ lâu thì kết quả tích cực của sự dịch chuyển cơ cấu tín dụng không đến ngay như vậy.

"Chúng tôi theo sát đánh giá được hoạt động tài chính, kinh doanh và chi tiêu của khách hàng để từ đó đẩy mạnh bán chéo các sản phẩm dịch vụ khác. Mảng Banca tăng trưởng mạnh thời gian qua cũng phần lớn là từ khách hàng hiện hữu, là kết quả của việc am hiểu sâu sắc nhu cầu của khách hàng", ông Tuấn nói.

Hé lộ chiến lược giúp Techcombank luôn giữ vững vị thế đứng đầu về vốn và khả năng sinh lời - Ảnh 5.

Điểm sáng khác trong kết quả kinh doanh của Techcombank là chất lượng tài sản tiếp tục được duy trì lành mạnh. Tỷ lệ nợ xấu cuối quý 3/2022 ở mức 0,6%, thấp nhất trong các ngân hàng niêm yết hiện nay. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 165%, tương đương với mức cuối năm 2021. Chi phí tín dụng sau thu hồi nợ (12 tháng gần nhất) giảm xuống 0,3% (từ 0,4% cho 12 tháng tính tới quý 2/2022).

Ngân hàng tiếp tục đảm bảo các yêu cầu về vốn và thanh khoản, thậm chí là vượt trội so với các đối thủ trong hệ thống. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II của Techcombank cuối quý 3 đạt 15,7%, cao hơn nhiều so với yêu cầu của Basel II là 8%. Đây cũng là mức cao nhất trong các ngân hàng quy mô lớn và vừa.

Hé lộ chiến lược giúp Techcombank luôn giữ vững vị thế đứng đầu về vốn và khả năng sinh lời - Ảnh 6.

Ngoài ra, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức 27,4%, thấp hơn nhiều so với giới hạn mới 34% theo quy định hiệu lực từ ngày 1/10/2022. Tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) ở mức 78,2%, đảm bảo quy định tối đa 85%.

Hé lộ chiến lược giúp Techcombank luôn giữ vững vị thế đứng đầu về vốn và khả năng sinh lời - Ảnh 7.

Ông Ngô Hoàng Hà - Giám đốc cao cấp Tài chính Doanh nghiệp cho biết, Techcombank luôn nhất quán với việc đảm bảo nguồn vốn dồi dào, thanh khoản tốt để đi qua các chu kỳ biến động của nền kinh tế.

Trong nhiều năm qua, ngân hàng đã tập trung vào việc nâng cao quản trị rủi ro trong hệ thống cũng như áp dụng các chuẩn mực quốc tế. Techcombank là ngân hàng đầu tiên triển khai IFRS 9 tại Việt Nam trong năm 2018, và tuân thủ hoàn toàn Thông tư 41 trong năm 2019, cũng như hoàn thành 3 cột trụ Basel II trong năm 2020. Vào năm 2021, Techcombank đã nâng cấp các tiêu chuẩn tuân thủ Basel, IFRS và đặc biệt là mô hình kiểm tra sức chịu đựng (stress test) trên các lĩnh vực quản lý rủi ro tín dụng, thanh khoản và hoạt động. Hiện ngân hàng đang triển khai tích cực Basel III.

Hé lộ chiến lược giúp Techcombank luôn giữ vững vị thế đứng đầu về vốn và khả năng sinh lời - Ảnh 8.

Lãnh đạo Techcombank cho hay, việc chuẩn bị cho các kịch bản xấu có thể xảy ra là hoạt động thường nhật và xuyên suốt từ các cấp quản trị đến điều hành, thực thi của ngân hàng thông qua các quy trình, nền tảng minh bạch rõ ràng. Đây là cách ngân hàng đảm bảo, với mỗi kịch bản sẽ có phương án phù hợp nhất.

Hé lộ chiến lược giúp Techcombank luôn giữ vững vị thế đứng đầu về vốn và khả năng sinh lời - Ảnh 9.

Nói thêm về quản trị rủi ro tín dụng của Techcombank, ông Phùng Quang Hưng - Phó Tổng Giám đốc thường trực, kiêm Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp chia sẻ: "Techcombank luôn theo đuổi cách tiếp cận hướng đến phân khúc khách hàng trọng tâm và có lựa chọn. Chúng tôi tận dụng phát triển chuỗi giá trị để am hiểu sâu từng lĩnh vực kinh tế, có giải pháp chuyên biệt cho từng phân khúc khách hàng phù hợp và quản lý được toàn bộ dòng tiền trong chuỗi giá trị. Từ đó, quản trị rủi ro đạt hiệu quả cao".

Chẳng hạn, khi đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân, trên 80% dư nợ khách hàng cá nhân, cho vay mua nhà là thuộc phân khúc thu nhập cao, có khả năng tài chính tốt nhất, trong lúc các khoản vay là thế chấp, có tài sản đảm bảo giá trị. Rủi ro được phân tán theo chuỗi giá trị khi dòng vốn được Techcombank cung ứng và quản trị chặt chẽ theo vòng đời dự án, từ chủ đầu tư, đến nhà thầu thực thi dự án, rồi đến cá nhân vay mua nhà… nên việc quản trị rủi ro rất chặt chẽ. "Đây là chiến lược được ngân hàng bắt đầu từ 7-8 năm trước, và đã có nhiều kinh nghiệm. Nhờ vậy mà tỷ lệ nợ xấu, kể cả đi qua 2 năm Covid cũng chỉ ở mức 0,6%" – ông Hưng nói.

Điểm mạnh về vốn, chất lượng tài sản tốt và khả năng sinh lời cũng giúp Techcombank được đánh giá cao trên thị trường quốc tế. Tháng 9 vừa qua, Moody’s đã nâng Xếp hạng rủi ro đối tác dài hạn của Techcombank’s từ Ba2 lên Ba1 và xếp hạng tiền gửi dài hạn từ Ba3 lên Ba2, với triển vọng "Ổn định". Moody's cũng nâng hạng đối với Đánh giá tín dụng cơ sở (BCA) của Ngân hàng từ mức ba3 lên ba2. Theo phân tích của Moody’s, Techcombank hiện tại là ngân hàng duy nhất tại Việt Nam có BCA đạt mức Ba2, tương ứng có mức độ uy tín cao nhất trong số các Ngân hàng tại Việt Nam với các điểm mạnh nổi bật về vốn và khả năng sinh lời.

Hé lộ chiến lược giúp Techcombank luôn giữ vững vị thế đứng đầu về vốn và khả năng sinh lời - Ảnh 10.

Theo ông Phùng Quang Hưng, trong chu kỳ 5 năm trước, Techcombank đã đạt tốc độ tăng trưởng kép khá lớn. Tuy nhiên, trong hoạch định chiến lược, ngân hàng luôn tính đến phương án ứng phó linh hoạt với thị trường khi thuận lợi và cả khi xuất hiện thách thức. Đến thời điểm này, ngân hàng vẫn tự tin đang vận hành đúng quỹ đạo để thực hiện mục tiêu chiến lược 5 năm 2021-2025.

Hé lộ chiến lược giúp Techcombank luôn giữ vững vị thế đứng đầu về vốn và khả năng sinh lời - Ảnh 11.

Techcombank có những thế mạnh như vị thế ở phân khúc khách hàng thu nhập cao, thị phần thanh toán lớn và nguồn thu phí đa dạng, chi phí vốn thấp. Ngoài ra, lợi thế phát triển chuỗi giá trị mang đến cho ngân hàng khả năng sinh lời tốt, chi phí phát triển khách hàng mới thấp và quản trị rủi ro hiệu quả. Chuỗi giá trị cũng giúp ngân hàng gắn kết và giữ chân khách hàng dài lâu. "Năm 2023 hay những năm tới, chúng tôi tiếp tục củng cố những thế mạnh này", ông Hưng nói.

Ngoài ra, ngân hàng cũng đang thực hiện những chiến lược mới, được kỳ vọng sẽ tiếp thêm động lực tăng trưởng bền vững cho ngân hàng những năm tới.

Trong quý 3/2022, Techcombank đã cho ra mắt nhiều giải pháp độc đáo được thiết kế để đáp ứng nhu cầu tài chính của khách hàng. Điển hình là αspire, một giải pháp toàn diện mới dành cho khách hàng trẻ, nhiều hoài bão và thành công.. Đây là thương hiệu tài chính đầu tiên dành riêng cho thế hệ trẻ, với định vị hướng đến nhóm khách hàng có độ tuổi từ 25-35 tuổi. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc cao cấp Phát triển và Quản lý hợp kênh nhận định, "Niềm đam mê và khát vọng của nhóm khách hàng này rất lớn, và họ khát khao hành động để hiện thực hóa mục tiêu của mình. Do đó, chúng tôi thay đổi cách thức thiết kế giải pháp tài chính, đồng hành, gia tăng giá trị cho khách hàng từ đó hiện thực hóa giấc mơ của họ".

Một chiến lược đáng chú ý khác của Techcombank là tháng 9 vừa qua đã hợp tác với Masan để tạo ra hệ sinh thái WINLife. Đây là mô hình đầu tiên tại Việt Nam, nơi hai thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực ngân hàng và bán lẻ sẽ cùng mang đến giải pháp thanh toán đặc quyền vượt trội cho mọi dịch vụ tài chính và phi tài chính đến khách hàng. Hệ sinh thái WINLife đã được Techcombank và Masan chính thức đưa vào hoạt động tại chuỗi 27 cửa hàng đa tiện ích WINLife tại các vị trí đắc địa ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, và dự kiến khai trương từ 80 - 100 cửa hàng trên cả nước trong năm 2022.

Hé lộ chiến lược giúp Techcombank luôn giữ vững vị thế đứng đầu về vốn và khả năng sinh lời - Ảnh 12.

Ông Phùng Quang Hưng chia sẻ, mô hình WINLife sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho Techcombank thời gian tới, cả khía cạnh phát triển khách hàng mới và làm gia tăng gắn kết với khách hàng. Nhờ đó, ngân hàng sẽ có nhiều am hiểu hơn với khách hàng và triển khai bán chéo cũng hiệu quả, đúng nhu cầu của từng người. Chỉ sau 1 tháng triển khai, tỷ lệ lũy kế hóa đơn thanh toán thông qua dịch vụ tài chính phi tiền mặt của Techcombank tại 27 cửa hàng Win đạt ngưỡng gần 30%, vượt xa so với tỷ lệ hơn 12% trước thời điểm khai trương. Riêng khu vực Hà Nội, tỉ lệ khách hàng WIN sử dụng hình thức thanh toán mới qua Techcombank Mobile như thanh toán một chạm, quét mã QR Code mỗi ngày chạm ngưỡng 45%. Sức hút từ các tiện ích thanh toán mới được Techcombank triển khai tại WIN đã được chứng minh qua số lượng hơn 10.000 khách hàng mở mới tài khoản Techcombank tại các cửa hàng WIN, kể từ khi mô hình WINLife được giới thiệu hồi tháng 9.

Ngoài ra, chiến lược số hóa vẫn tiếp tục được Techcombank tập trung đẩy mạnh, sẽ là động lực không thể thiếu trong mỗi dự án, chiến lược kinh doanh của ngân hàng. Lãnh đạo ngân hàng cũng khẳng định, mọi hoạt động trong Techcombank đều xoay quanh việc phục vụ tốt nhất nhu cầu của khách hàng.

Trên thực tế, đây là những điều mà Techcombank đã và đang làm, bước đầu ghi nhận những đóng góp tích cực cho kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022, khi nhìn vào việc thu phí dịch vụ tăng trưởng mạnh và đa dạng. Lượng khách hàng mới của ngân hàng cũng tăng trưởng nhanh thời gian gần đây với tỷ lệ giao dịch trên kênh số ngày một cải thiện. Trong quý 3/2022, Techcombank đã thu hút thêm hơn 300.000 khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng lên 10,4 triệu. Khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân trong quý 3 năm 2022 lần lượt đạt 205,4 triệu giao dịch (tăng 29,4% so với cùng kỳ năm ngoái) và 2,5 triệu tỷ đồng (tăng 30,6% so với cùng kỳ năm ngoái).

Hé lộ chiến lược giúp Techcombank luôn giữ vững vị thế đứng đầu về vốn và khả năng sinh lời - Ảnh 13.
Ánh Dương
Hải An

Ánh Dương

Tổ quốc

Trở lên trên