img
Hy vọng về một nền hòa bình bền vững nhìn từ nụ cười của Chủ tịch Kim lúc chia tay - Ảnh 1.

17h chiều thứ năm, tài xế Nguyễn Thanh Bình mới có nhận cuốc xe đầu tiên lên khu vực trung tâm Hà Nội. "Hai hôm nay tôi thường loanh quanh chở khách ở mạn dưới", anh Bình nói và giải thích rằng nhiều tuyến đường đã bị cấm. "Nhưng không khí rất tuyệt!".

Dù nói rằng bản thân không hiểu gì về chính trị nhưng anh Bình cho biết hội tài xế mỗi khi rỗi việc, ngồi uống chén trà với nhau đều nói về chuyến đi của ông Donald Trump và Kim Jong Un. "Chúng tôi thấy vui và háo hức chứ".

Người lái xe này chia sẻ bản thân khá buồn khi được biết hai nhà lãnh đạo chưa đi đến ký kết thoả thuận tại cuộc gặp mặt này. "Chắc là rất khó. Mà không sao, có thể sớm thôi họ sẽ làm được!", anh nói một cách lạc quan.

Hy vọng về một nền hòa bình bền vững nhìn từ nụ cười của Chủ tịch Kim lúc chia tay - Ảnh 2.

Theo giới quan sát, có những dấu hiệu đáng khích lệ trong Hội nghị Mỹ - Triều Tiên lần 2 tại Hà Nội. Tổng thống Trump đã có những hành động báo hiệu sự thay đổi tinh tế trong cách tiếp cận vấn đề phi hạt nhân hoá trên bán đảo Triều Tiên, trang CNN viết.

Tổng thống Trump đã nói rằng tốc độ không phải là điều quan trọng và ông không vội vàng. Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ bắt đầu chấp nhận nhận định của các chuyên gia rằng phi hạt nhân hoá Triều Tiên là quá trình lâu dài, phức tạp, và không thể một sớm một chiều.

Hy vọng về một nền hòa bình bền vững nhìn từ nụ cười của Chủ tịch Kim lúc chia tay - Ảnh 3.

Ông Kim Jong Un cũng đã có sự thay đổi lớn tại Việt Nam. Lần đầu tiên, ông Kim đã trả lời trực tiếp các phóng viên phương Tây. Nhà lãnh đạo Triều Tiên nói rằng "Nếu không sẵn sàng phi hạt nhân hoá, tôi sẽ không ở đây bây giờ". Tuyên bố của ông cho thế giới thấy quyết tâm và hi vọng về hoà bình tại Hà Nội là có cơ sở.

Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Triều Tiên cũng dành cho nhau những lời khen ngợi, khích lệ. "Cảm ơn ông rất nhiều, Chủ tịch Kim. Thật tuyệt khi ở đây với ông hôm nay", ông Trump nói và nhấn mạnh:"Mối quan hệ của chúng ta rất tốt".

Tuy nhiên, vào phút cuối, hai nhà lãnh đạo đã không đi đến được một thoả thuận chung nào. Mỹ và Triều Tiên đã tổ chức hai cuộc họp báo, cách nhau khoảng 10 tiếng để giải thích nguyên nhân. Bình Nhưỡng và Washington chưa tìm được tiếng nói chung trong vấn đề giải trừ cấm vận Triều Tiên.

Hy vọng về một nền hòa bình bền vững nhìn từ nụ cười của Chủ tịch Kim lúc chia tay - Ảnh 4.

"Lãnh đạo hai nước đã hiểu nhau. Nhưng ông Trump không thể tuyên bố bỏ cấm vận Triều Tiên ngay được, Nghị quyết của Liên Hợp Quốc về vấn đề này là do phía Mỹ đi vận động mà có.Do vậy,ông ấycần thêm thời gian", ông Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại Việt Mỹ trả lời báo Trí thức trẻ sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều kết thúc.

"Triều Tiên muốn Mỹ cùng lên, cùng xuống trong cuộc đàm phán", ông Lương nhận định và khẳng định "Chắc chắn hai bên sẽ không từ bỏ nỗ lực đàm phán vì họ đã cùng nhau tiến những bước rất xa".

Nhận định về kết quả của hội nghị Mỹ - Triều, TS. Nguyễn Việt Phương, nghiên cứu viên Trung tâm Belfer, Trường Kennedy, ĐH Harvard nói với báo Trí thức trẻ, hai nước đã đạt được nhiều tiến triển nhất định cũng như sự nhượng bộ đáng kể trong cuộc gặp. "Ví dụ như thống nhất được danh sách cơ sở hạt nhân của Triều Tiên", ông nói. Dù vậy, ông Phương cho rằng, việc tháo gỡ cấm vận vẫn là điểm nghẽn khó khăn.

Hy vọng về một nền hòa bình bền vững nhìn từ nụ cười của Chủ tịch Kim lúc chia tay - Ảnh 5.

"Hoa Kỳ hiện không có nhiều cách thức để tác động lên Chính phủ Triều Tiên vì Bình Nhưỡng luôn trong trạng thái đóng cửa, không có nhiều quan hệ ngoại giao, kinh tế với các nước. Cách duy nhất để gây ảnh hưởng là thông qua các lệnh trừng phạt, cấm vận", ông Phương nhận định và điều này hàm nghĩa trong thời gian ngắn, Washington sẽ rất khó để buông lá bài của mình.

Những gì giới chuyên gia đưa ra dựa trên sự phỏng đoán từ những nội dung được Mỹ và Triều Tiên công bố sau cuộc họp báo. Sau cánh cửa đóng kín vẫn là điều bí mật, đặc biệt khi hai nước đưa ra nội dung có sự chênh nhau khi Mỹ nói rằng Triều Tiên muốn dỡ bỏ "toàn bộ" cấm vận còn Triều Tiên cho biết họ chỉ muốn "một số".

Bất đồng trên bàn đàm phán được giới phân tích nhận xét là bình thường và hoàn toàn có thể hiểu được dù họ tỏ rõ ý tiếc nuối khi hai bên đã tiến xa và gần hơn rất nhiều so với lần gặp tại Singapore – như Tổng thống Trump nhận xét.

Hy vọng về một nền hòa bình bền vững nhìn từ nụ cười của Chủ tịch Kim lúc chia tay - Ảnh 6.

Nhưng, tín hiệu tích cực ở đây là việc hai nhà lãnh đạo vẫn giữ được thái độ thiện chí với nhau. Sau cuộc hội đàm giữa ông Trump và ông Kim, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders đã đăng tải trên Instagram bức ảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên bắt tay tạm biệt Tổng thống Mỹ với nụ cười thoải mái.

"Đó không phải là kiểu đứng dậy rời đi giống như bạn thức dậy và lao ra ngoài. Mối quan hệ giữa chúng tôi vẫn rất thân tình và khi chúng tôi bước ra khỏi phòng họp, mọi thứ vẫn rất thân thiện", ông Trump nói với phóng viên quốc tế tại Hà Nội.

Hy vọng về một nền hòa bình bền vững nhìn từ nụ cười của Chủ tịch Kim lúc chia tay - Ảnh 7.

Trong những ngày này, người ta nhắc nhiều hơn đến bài hát phản chiến nổi tiếng của John Lennon, thủ lĩnh The Beatles: "Give peace a chance". "Tất cả những gì chúng tôi đang nói, là hãy cho hoà bình một cơ hội" – điệp khúc được John cùng vợ hát vang trong thập niên 70 trên khắp nước Mỹ, phản đối chiến tranh Việt Nam.

Và sau hơn 40 năm, Việt Nam đã có sự trỗi dậy thần kỳ. Từ một quốc gia chỉ được biết đến qua chiến tranh, Việt Nam đã tái định nghĩa, biến mình thành một niềm cảm hứng vượt qua những rào cản hận thù, trở thành biểu tượng cao về hoà bình, thống nhất dân tộc, tình hữu nghị, hội nhập…cho những đất nước khác.

Đấy là cách mà giới phân tích lý giải tại sao là Hà Nội, chứ không phải bất cứ nơi nào trên thế giới được chọn là địa điểm cho Hội nghị Mỹ - Triều lần 2.

Việt Nam đã làm rất tốt vai trò nước chủ nhà. Từ lúc đặt chân đến sân bay Nội Bài cho đến lúc rời khỏi đất nước hình chữ S, Tổng thống Donald Trump đã liên tục gửi lời cảm ơn đến Chính phủ, nhân dân Việt Nam về một cuộc tiếp đón chuyên nghiệp, nồng hậu và thân thiện.

"Tôi muốn bắt đầu bằng việc cảm ơn ngài Chủ tịch nước và Thủ tướng của Việt Nam. Đây là một đất nước tuyệt vời. Cảm ơn nhân dân Việt Nam, những người đã đối xử với chúng tôi rất chân thành. Cảm ơn sự đón tiếp nồng nhiệt của các cấp lãnh đạo và nhân dân Việt Nam", ông Trump viết trên Twitter.

Hy vọng về một nền hòa bình bền vững nhìn từ nụ cười của Chủ tịch Kim lúc chia tay - Ảnh 8.

Chủ tịch Kim Jong Un khi bước xuống ga Đồng Đăng cũng đã gửi lời cảm ơn đến Việt Nam rất nhiều. Ông Kim hạ cửa kính xe bọc thép, vẫy chào người dân hai bên đường, một hành động rất hiếm khi xảy ra trong các chuyến công du của ông.

Một ngày sau Hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ nhấn mạnh dù Mỹ và Triều Tiên chưa ký được thoả thuận nhưng đây là dịp hướng tới kết quả tương lai trong việc thúc đẩy hoà bình tại bán đảo Triều Tiên. Thủ tướng Phúc tỏ ra lạc quan khi dẫn lại một chi tiết trong bài viết được đăng trên báo: "Đủ nắng hoa sẽ nở".

Những gì diễn ra ở Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một bước đệm tốt cho quá trình phi hạt nhân hoá ở bán đảo Triều Tiên.

Hy vọng về một nền hòa bình bền vững nhìn từ nụ cười của Chủ tịch Kim lúc chia tay - Ảnh 9.
Hy vọng về một nền hòa bình bền vững nhìn từ nụ cười của Chủ tịch Kim lúc chia tay - Ảnh 10.

Theo phân tích của Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký ASEAN, ông Trump đã được ông Kim đảm bảo sẽ không có các vụ thử hạt nhân và tên lửa trong tương lai khi hai bên tiến hành đàm phán. Đổi lại Tổng tống Trump cam kết sẽ không thắt chặt thêm cấm vận.

Mặt khác, ông Tuấn cho rằng "khi không đạt được thoả thuận nào lại chính là lúc hai bên đạt được nhiều nhất". Bởi tại Singapore, khi hai bên đạt được thoả thuận, cả ông Trump và Kim đều chịu sức ép và sự phê phán mạnh trong nước vì "nhượng bộ" đối phương quá nhiều.

Ở thời điểm hiện tại, các tín hiệu cho thấy một kết quả tốt. Vài giờ sau khi Hội nghị kết thúc, hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên KCNA thông tin ông Kim Jong Un và Donald Trump sẽ tiếp tục đàm phán.

"Chủ tịch Kim và Tổng thống Trump đã bày tỏ sự tin tưởng rằng quan hệ Triều Tiên - Mỹ có thể đạt được những cải tiến đột phá nếu họ hợp tác cùng nhau với sự kiên nhẫn và khôn ngoan, mặc dù có nhiều trở ngại không thể tránh khỏi phía trước", KCNA cho biết.

Hy vọng về một nền hòa bình bền vững nhìn từ nụ cười của Chủ tịch Kim lúc chia tay - Ảnh 11.

Phía Mỹ, không lâu sau đó, NBC News dẫn lời hai quan chức quốc phòng cho biết quân đội nước này chuẩn bị tuyên bố các cuộc tập trận chung quy mô lớn thường niên được tổ chức vào mỗi mùa xuân với Hàn Quốc sẽ không còn được tổ chức. Đây được xem là nỗ lực của chính quyền ông Trump trong việc giảm bớt căng thẳng với Bình Nhưỡng.

"Họ chắc chắn sẽ tìm cách tháo gỡ vấn đề bị vướng tại Hà Nội", ông Nguyễn Đình Lương nhận định và cho rằng Hội nghị lần 3 sẽ được tổ chức "không quá muộn" và "sẽ có những chữ ký được mong đợi".

Theo ông, trong bối cảnh hiện tại, nhiều khả năng Hà Nội sẽ tiếp tục là một lựa chọn tốt vì Việt Nam đã làm rất tốt vai trò của mình, gây được thiện cảm với Mỹ, Triều Tiên cũng như cộng đồng quốc tế.

"Sẽ rất khó có trường hợp ông Kim Jong Un sang Washington hay ông Trump sang Bình Nhưỡng. Họ sẽ tránh sang nước đối phương để bị tạo sức ép. Thay vào đó, họ chọn những nước thứ 3 phù hợp như đã từng tại Hội nghị lần 1, lần 2. Như vậy không loại trừ Hà Nội có thể một lần nữa được gọi tên", ông Lương chia sẻ.

Phương Ánh
Hoàng Anh - Hoàng Việt - Tuấn Mark - Reuters
7pm
Theo Trí Thức Trẻ2/3/2019



Phương Ánh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên