Theo Cục Quản Lý Dược (Bộ Y tế), tổng giá trị thị trường dược phẩm Việt Nam năm 2023 ước tính đạt 8 tỷ USD, và được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ lên 20 tỷ USD năm 2045, đưa Việt Nam vào nhóm quốc gia có giá trị dược phẩm và tốc độ phát triển ngành dược nhanh trên thế giới.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất dược Việt Nam hiện có quy mô chưa lớn, hàm lượng công nghệ chưa cao, số lượng mặt hàng không nhiều, chủ yếu cạnh tranh ở nhóm thuốc generic. Các doanh nghiệp trong nước cũng chưa tham gia nhiều vào phân khúc thuốc chuyên khoa đặc trị đồng thời phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu… Đây là những hạn chế khiến "top player" của thị trường dược phẩm Việt Nam hiện vẫn là "sân chơi" của các hãng dược nước ngoài.
Về chủ quan, ngành công nghiệp dược trong nước khó đáp ứng được yêu cầu của thị trường 100 triệu dân khi các doanh nghiệp trong ngành chỉ có quy mô vừa và nhỏ, đa phần có doanh thu vài trăm tới vài nghìn tỷ đồng so với quy mô thị trường dược hơn 200 nghìn tỷ.
Năng lực tài chính hạn chế cũng là trở ngại đối với việc đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, đầu tư dây chuyền sản xuất quy mô lớn. Do vậy, thị trường dược phẩm Việt Nam vẫn chưa có các "tập đoàn dược phẩm quy mô quốc gia" – những doanh nghiệp đủ khả năng dẫn dắt sự phát triển của ngành dược trong nước.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam, trong giai đoạn từ năm 2015 - 2021, giá trị sản xuất thuốc trong nước chỉ đạt 46% so với tổng giá trị tiền thuốc sử dụng của người dân. Tỷ lệ này dù đã tăng cao so với giai đoạn 2001 - 2011 (17%) nhưng vẫn còn thấp so với thế giới.
Một thực tế khác là doanh nghiệp dược Việt Nam dù sản xuất chủ yếu là thuốc generic cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt của các hãng dược Ấn Độ, Trung Quốc. Thêm vào đó, Hiệp định EVFTA xóa bỏ thuế nhập khẩu cho khoảng 70% các sản phẩm dược từ EU ngay khi Hiệp định có hiệu lực từ tháng 8 năm 2020 và tiến tới xóa bỏ toàn bộ thuế nhập khẩu thuốc vào năm 2027.
Như vậy Hiệp định EVFTA cũng đang thúc đẩy các hãng dược nước ngoài mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam, làm tăng thêm sức nóng cho cuộc cạnh tranh này. Theo số liệu đến tháng 10 năm 2024 từ Cục Quản lý dược, cả nước có 288 cơ sở sản xuất thuốc theo chuẩn GMP, trong đó có 8 cơ sở sản xuất vaccine, khoảng hơn 100 cơ sở sản xuất dược liệu và thuốc dược liệu. Tuy vậy, chỉ khoảng 10% cơ sở sản xuất đạt chuẩn EU-GMP. Do đó, việc hình thành các doanh nghiệp dược có quy mô, sở hữu tiềm lực về tài chính đủ mạnh và công nghệ tiên tiến đang trở nên rất cần thiết cho ngành công nghiệp dược Việt Nam trong giai đoạn phát triển tiếp theo.
Tuy nhiên, không phải không có những điểm sáng trên thị trường dược Việt Nam.
Mới đây, Imexpharm vừa hoàn tất phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ chi trả 100%, nâng vốn điều lệ lên gấp đôi từ mức hơn 770 tỷ đồng lên 1.540 tỷ đồng, trở thành công ty sản xuất dược có quy mô vốn điều lệ cao nhất tại Việt Nam.
Đây không chỉ là một bước đi chiến lược của riêng Imexpharm mà còn là một tin tích cực cho thị trường dược trong nước, khẳng định tầm nhìn và cam kết của một công ty dược hàng đầu trong việc thúc đẩy mở rộng quy mô. Việc củng cố nền tảng vốn sẽ tiếp tục tạo điều kiện để Imexpharm đầu tư mạnh mẽ cho R&D, sản xuất dược công nghệ cao, dược phát minh, góp phần đảm bảo nguồn cung ứng thuốc cho thị trường Việt Nam.
Thầy thuốc Nhân dân, Dược sĩ Trần Thị Đào, Tổng Giám Đốc của Imexpharm, cho biết: "Nền tảng tài chính mạnh tiếp tục giúp Công ty đầu tư vào công nghệ, bắt kịp sự thay đổi mạnh mẽ của cấu trúc thị trường dược phẩm trong thời gian tới. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã sẵn sàng cho sự chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhằm vươn lên đoạn cạnh tranh ở quy mô quốc tế".
"Ngoài ra, ngành dược Việt Nam đang được xem là ngành công nghiệp mũi nhọn, cần tập trung nguồn lực để đẩy mạnh phát triển, với nỗ lực đến từ từng doanh nghiệp. Điều này nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực năm 2030, trong đó, giá trị xuất khẩu thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng một tỷ USD", bà Đào cho biết thêm.
Imexpharm được đánh giá là doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam trong đầu tư công nghệ trong suốt nhiều thập kỷ qua. Với mức đầu tư chiều sâu R&D chiếm 5% doanh thu giúp Imexpharm hiện là đơn vị sở hữu dây chuyền sản xuất dược phẩm công nghệ cao đạt tiêu chuẩn EU-GMP nhiều nhất tại Việt Nam với 11 dây chuyền EU-GMP tại 3 cụm nhà máy.
Nhờ lợi thế này, Imexpharm hiện đã vươn lên là một trong những top đầu thị trường Việt Nam phân khúc thuốc kháng sinh. Đối với thuốc ho, Imexpharm thậm chí còn vượt qua nhiều doanh nghiệp ngoại. Công ty cũng đang gặt hái nhiều thành công tại thị trường trong nước ở cả 2 kênh ETC (thuốc kê đơn) và OTC (thuốc không kê đơn).
Đây là tín hiệu tích cực cho thị trường trong nước trước nhu cầu ngày càng tăng cao của xã hội, khi dịch bệnh xảy ra nhiều hơn và khó đoán định hơn trước, đi kèm với nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng.
Theo Báo cáo tài chính mới công bố, doanh thu 9 tháng đầu năm của Imexpharm tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.553 tỷ đồng, hoàn thành 66% mục tiêu doanh thu của năm, đưa Công ty tiến sát tới mục tiêu cuối năm. Lợi nhuận trước thuế trong tháng 9 tăng trưởng ngoạn mục 42% so với cùng kỳ năm trước và 43% so với tháng 8. Năm 2024, Imexpharm đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 2.365 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 423 tỷ đồng; lần lượt tăng 19% và 12% so với năm trước.
"Với đà tăng trưởng 9 tháng đầu năm như hiện tại, Công ty đang tiến sát tới mục tiêu do Đại hội cổ đông đề ra", ông Nguyễn An Duy, Phó Tổng giám đốc Khối Tài chính Imexpharm, cho biết.
Thực tế, tăng trưởng giúp Imexpharm có cơ hội đầu tư chiều sâu cho R&D, sản xuất dược phẩm công nghệ cao và mở ra hướng cạnh tranh hiệu quả cho dược phẩm trong nước. Các nhóm thuốc kháng sinh phổ biến như Cephalosporin, Penicillin chiếm gần 10% giá trị thị trường dược phẩm Việt Nam cũng là sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp.
Nhờ đó, Imexpharm đã cung cấp thuốc đặc trị chất lượng, giá hợp lý cho người dân thay thế dần thuốc ngoại nhập có giá bán cao. Imexpharm hiện nằm trong số ít các nhà sản xuất thuốc nội địa đáp ứng được tiêu chuẩn đấu thầu vào nhóm 1 & 2 ở kênh ETC tại Việt Nam.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, nhu cầu đối với các sản phẩm của nhà máy IMP4 tăng mạnh, dẫn đến sự gia tăng đáng kể sản lượng sản xuất tại nhà máy này. Đồng thời, Công ty cũng gia tăng công suất sản xuất tại các nhà máy IMP2 và IMP3 để đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Công ty đã ra mắt 16 sản phẩm mới với 99 dự án R&D đang triển khai.
Bên cạnh các dạng bào chế truyền thống, Imexpharm nổi tiếng với năng lực phát triển các dạng bào chế mới và khó sản xuất như đông khô, viên nén phân tán, thuốc bột đa liều… áp dụng các công nghệ mới trong sản xuất dược phẩm. Các sản phẩm của Công ty được sử dụng như một lựa chọn thay thế tương đương thuốc nhập khẩu tại nhiều bệnh viện, giúp các cơ sở y tế trong nước chủ động hơn về nguồn cung, đáp ứng kịp thời nhu cầu điều trị và chăm sóc sức khỏe của người dân.
Các sản phẩm mang thương hiệu Imexpharm ngày càng được tin dùng bởi các y bác sỹ và bệnh nhân. Theo báo cáo tài chính mới công bố, doanh thu thuần quý 3 năm 2024 của Công ty đạt 545 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ nhờ tận dụng tối đa vị thế dẫn đầu kênh ETC. Doanh thu kênh ETC trong quý 3 tăng 47% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng này cao hơn nhiều so với thị trường, nếu so sánh với mức tăng 11% của toàn ngành trong nửa đầu năm 2024.
Doanh số bán hàng trên kênh OTC cũng bắt đầu tăng trưởng trở lại ở mức 8% so với quý 3 năm 2023. Nhờ thúc đẩy hợp tác với các chuỗi nhà thuốc, doanh thu bán hàng qua chuỗi quý 3 tăng 91% so với quý 2 và tăng 182% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu bán hàng qua chuỗi nhà thuốc trong 9 tháng đầu năm 2024 tăng 158% so với cùng kỳ năm trước.
Imexpharm cũng đã công bố kế hoạch xây dựng dự án tổ hợp nhà máy dược phẩm Cát Khánh tại Đồng Tháp. Với dự án này, Imexpharm sẽ đa dạng hóa danh mục sản phẩm để tiếp tục đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường trong nước, đồng thời mở rộng các thị trường xuất khẩu mới
Nhờ khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, không chỉ vươn lên dẫn đầu tại thị trường trong nước, Imexpharm còn kỳ vọng tham gia vào chuỗi cung ứng thuốc toàn cầu. Với sản phẩm chất lượng tiêu chuẩn châu Âu, Imexpharm đã xuất khẩu thành công sang thị trường mới như Mông Cổ và đã ký kết hợp đồng xuất khẩu vào các thị trường: Singapore, Malaysia, Philippines…Imexpharm đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu tăng doanh thu lên gấp 3 lần so với hiện nay vào năm 2030.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, sự phát triển của các hãng dược ở quy mô lớn như Imexpharm sẽ giúp nâng cao năng lực sản xuất, cung ứng và xuất khẩu thuốc của Việt Nam, tạo nền tảng để Việt Nam tiến tới trở thành trung tâm cung ứng của khu vực. Dự báo này phù hợp với tiềm năng của ngành công nghiệp dược của Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng bình quân 10-12% mỗi năm. Với Việt Nam, mục tiêu không chỉ cung cấp thuốc cho 100 triệu dân, mà phải dư thừa để cung ứng ít nhất là cho khu vực ASEAN.
Để tạo ra những đột phá cho ngành dược phẩm, lãnh đạo Imexpharm kiến nghị cơ quan quản lý cần xây dựng hành lang pháp lý đủ linh động để hỗ trợ thúc đẩy hoạt động R&D, hoạt động đổi mới sáng tạo ở các đơn vị nghiên cứu thuộc khối nhà nước và cả khối doanh nghiệp. Trong đó, Việt Nam cần có các trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ giữa các cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp tư nhân; tạo môi trường thu hút những chuyên gia hàng đầu….
"Những chiến lược này không chỉ đặt nền móng cho tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu doanh thu tăng gấp 3 mà còn là bước tiến quan trọng trong việc củng cố vị thế của Imexpharm trên thị trường toàn cầu. Đồng thời, các định hướng này cũng đáp ứng nhu cầu về các giải pháp điều trị chất lượng cao tại Việt Nam và khu vực", Thầy thuốc Nhân dân, Dược sĩ Trần Thị Đào, Tổng Giám đốc của Imexpharm, cho biết. "Tôi tin tưởng rằng Imexpharm sẽ bứt phá trong hành trình hướng tới mục tiêu trở thành nhà sản xuất dược phẩm lớn nhất tại Việt Nam và là một trong những tên tuổi uy tín trong ngành dược phẩm châu Á".
Tổ Quốc