Thừa nhận bản thân từng có thời "thích sắm sửa", giờ đây, doanh nhân Hoàng Khải không còn hứng thú với việc mua đồ hiệu "đắp lên người" nữa. Những chuyến đi từ thiện đã làm thay đổi căn bản cách sống của người đàn ông dễ thương này.
Mở cửa hàng bán tơ lụa, rồi làm nhà hàng, bây giờ lại chuyển sang bất động sản, và sắp tới là kinh doanh chuỗi phở Bắc; cái "lý" nào khiến Hoàng Khải quyết định trải nghiệm nhiều loại hình kinh doanh như vậy sau gần 30 năm?
Vẻ đẹp. Mọi thứ Hoàng Khải làm đều liên quan đến cái đẹp. Học nhạc, buôn bán tơ lụa, đến khi làm về ẩm thực, nhà hàng, rồi bất động sản, ai cũng có thể thấy đó là những thứ đẹp về cả ý nghĩa lẫn thiết kế.
Trong năm nay, hai tòa nhà The Khai và The Prince sẽ được hoàn thiện, đó cũng sẽ là những kiến trúc tuyệt đẹp. Hai tòa nhà này tôi xây dựng để giữ cho mình chứ không phải xây nên để bán đi. Cùng với Paragon, Tajmasago, Khai’s Brothers, đây là sẽ những công trình của Khải Silk.
Trong suốt 30 năm kinh doanh, thời điểm nào khiến anh cảm thấy khó khăn nhất?
Người ta thường nói "quá tam ba bận", còn tôi lại tới 4 lần. Lần đầu là khi dịch SARS bùng nổ tại châu Á vào năm 2002-2003. Suốt 2 năm, khách hàng không tới các nước ở khu vực châu Á, nhiều công trình của tôi vừa xây dựng lại không có khách để phục vụ, đầu vào bằng không.
Ngay sau đó là dịch cúm gia cầm, mà Việt Nam nằm ở một trong những trung tâm của đợt dịch này. Rất khốn khổ, mở cửa thì không có khách, trong khi tiền chi để duy trì dịch vụ, tu bổ công trình thì vẫn phải có.
Vừa gượng dậy chưa được bao lâu thì khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới lại đến. Năm 2008 ấy là thời kỳ đen tối nhất, vì tầm ảnh hưởng của sự kiện này lan rộng toàn cầu. Cuối cùng là khó khăn trong khủng hoảng kinh tế năm 2011, thời điểm mà nhiều doanh nghiệp lớn cũng không thể đứng vững nổi.
Trong khó khăn, điều gì giúp anh có được thăng bằng?
Suy nghĩ tích cực thôi. Bản thân mình phải nghĩ lạc quan thì mới có sức để chống chọi với khó khăn và thoát ra được.
Khi ấy anh có tìm đến một điều gì đó để tĩnh tâm không, như thiền chẳng hạn?
Không. Với tôi, tĩnh ở tại tâm, chứ không phải ở việc bạn ngồi thế nào, tư thế ra sao.
Những lúc ấy, tôi sẽ thưởng thức ăn một món ngon, uống một chai rượu yêu thích, hay ngâm mình trong bể bơi ở Tajmasago. Đó cũng là một cách thiền.
Thực ra, những lúc buồn tôi muốn quên đi, chứ không tìm cách để lắng buồn lại. Lắng nó xuống lòng thì một lúc nào đó cũng phải lôi ra giải quyết, còn đây chỉ là tạm quên trong chốc lát, để thanh thản, trước khi nhìn thẳng vào nó, giải quyết nó với nhiều niềm lạc quan hơn.
Có phải vì đã từng trải qua nhiều khó khăn nên khi thấy đối tác gặp vấn đề, anh thường giải quyết một cách rất "có tình", như trường hợp của Parkson tại Paragon?
Với trường hợp của Parkson, thời điểm năm 2016 họ đã rất khó khăn rồi. Lúc đó, nếu cố tình đòi, ép cho bằng được họ trả tiền phạt cho mình, thì có khi họ cũng không có tiền để bồi thường, mà tranh chấp sẽ lại kéo dài khó giải quyết.
Tất nhiên, vì tôi là doanh nhân, nên mọi hành xử không phải chỉ cân nhắc đến vấn đề tình, lý, mà còn phải tính tới tài chính và thiệt hại với công ty.
Hồi tôi cho Parkson thuê mặt bằng tại Paragon, giá thuê còn rẻ vì chưa lấp đầy các kiot. Khi Parkson khó khăn thì lại khác, tòa nhà được nhiều bên nhắm thuê, giá cũng đã đắt hơn hẳn. Vì vậy, đó là một quyết định đã được suy xét thận trọng, có lợi cho cả 2 bên, đặc biệt là không dồn đối tác vào chân tường.
Facebook của anh ngày nào cũng sáng đèn và thường xuyên cập nhật trạng thái mới. Khác với nhiều KOLs khác ở Việt Nam, anh rất chịu khó trả lời bình luận. Dành nhiều thời gian cho mạng xã hội như vậy có gây ảnh hưởng đến việc điều hành công ty của anh không?
Nhiều người cho rằng Hoàng Khải dành nhiều thời gian cho facebook nhưng thực tế thì mỗi chia sẻ của tôi trên mạng xã hội tốn không quá 10 giây, thậm chí chỉ cần 2 giây.
Bởi vì tôi đâu có chia sẻ điều gì đao to búa lớn, chỉ là những cảm nhận về vẻ đẹp, cuộc sống, chào hỏi bạn bè thôi. Một câu "Good Morning", một bức ảnh đẹp chụp bình hoa trong phòng… là đủ để chia sẻ cho bạn bè.
Là doanh nhân nổi tiếng, anh có bao giờ gặp rắc rối với facebook không?
Không, tôi chẳng bao giờ gặp phiền phức trên facebook cả. Đôi khi, tôi có nói quá một chút trên facebook, nhưng mọi người đều bỏ qua cho tôi thôi. Họ biết rằng tôi là người có tích lũy lao động, chứ không phải kẻ khoe khoang.
Mọi người, thực ra, đều thích nói chuyện với người có tài, lại vui vẻ như Hoàng Khải mà (cười).
Anh là doanh nhân nổi tiếng với việc sở hữu nhiều chiếc xe siêu sang, và cũng siêu độc. Thú vui đó bây giờ thế nào rồi?
Tôi có mấy cái xe đấy, mỗi chiếc Rolls-Royce là một kỷ niệm. Xe mua từ lâu rồi, có chiếc mình đã đi tới cả chục năm.
Trước đây, mỗi năm Rolls-Royce ra một mẫu xe mới, tôi thích nên cũng mua. Ngày ấy thú thực vẫn còn ham lắm, thích xe mới nhưng không bán xe cũ, vì thực ra điều ấy cũng không đúng với tư duy của Rolls-Royce.
Tôi là người mê xe, nhất là Rolls-Royce, bây giờ chuyển sang Maybach. Rolls-Royce là được coi là dòng xe dành cho đại gia, còn Maybach là xe cho hoàng tử (cười).
Nhưng ngoài xe, tôi không còn hứng thú sắm sửa những thứ đồ hiệu khác nữa. 5-7 năm trước Hoàng Khải còn thích sắm sửa lắm, thời trang, phụ kiện, giờ thì ít khi còn như vậy. Đó có lẽ là tác động từ những lần đi từ thiện, nhìn thấy nhiều điều, gặp nhiều số phận, tự nhiên khiến bản thân thay đổi.
Anh hay chia sẻ hình ảnh đi xe bus để lên máy bay giá rẻ, lấy tiền làm từ thiện. Vì sao anh lại chọn cách đó?
Chuyện lên xe bus, đi máy bay giá rẻ để làm từ thiện phải nhìn nhận như thế này: Tôi hay đi công tác trong nước, bay đi bay về nhiều. Mỗi lần bay bằng vé giá rẻ hoặc ghế thường, số tiền có thể tiết kiệm được khoảng 5-7 triệu đồng. Với lịch công tác và đi lại dày đặc, cứ khoảng 15 chuyến đi theo cách tiết kiệm như vậy, tôi sẽ có đủ tiền để làm từ thiện cho 2-3 lớp học sinh ở vùng khó khăn.
Cái đó (chuyện đi xe bus, máy bay giá rẻ) mình chịu khó được thì nên làm. Đi máy bay chỉ trong 2-3 tiếng, cố gắng một chút là được, dù hình ảnh, có thể bị ảnh hưởng đôi chút. Nhưng ngược lại, việc ngủ ở khách sạn 2 sao, 3 sao thì tôi không làm, vì điều đó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, trong khi bản thân còn phải làm nhiều việc.
Anh có kỷ niệm vui nào khi đi xây trường học cho trẻ em vùng sâu vùng xa không?
Tôi đến những tỉnh khó khăn để xây trường học, lũ trẻ chẳng biết tôi là ai. Bọn trẻ nhìn tôi như ông Tây và thường hỏi tôi có đồ ăn hay không. Thế là tôi lại đi tìm mua nước ngọt bánh kẹo về phân phát, bọn trẻ sẽ vây quanh tôi, nếu không có thì lũ trẻ sẽ tản đi mất.
Có người nói rằng: "Bác Khải về xây trường học cho chúng, không biết học rồi lớn lên có thành công để mua kẹo lạc biếu lại bác hay không?". Tôi thì nghĩ, lúc ấy chắc gì Hoàng Khải còn răng để mà ăn.
Trí thức trẻ