img

Tổng công ty Mạng lưới Viettel (VTNET) là đơn vị rất ít khi xuất hiện trước công chúng trong Tập đoàn Viettel. Lý do là công ty này chủ yếu vận hành hạ tầng mạng lưới cho các công ty khác chứ không tiếp xúc trực tiếp với khách hàng cuối cùng. Thế nhưng, quá trình chuyển đổi số tại công ty "bí ẩn" này lại có rất nhiều điều thú vị.

Khát vọng số hoá của VTNET, công ty vận hành hệ thống viễn thông toàn cầu của Viettel - Ảnh 1.

Không có nhiều người bên ngoài Viettel biết đến VTNET bởi họ là công ty vận hành hạ tầng kỹ thuật viễn thông cho Tập đoàn Viettel và là người đứng phía sau. Thế nhưng, giấc mơ "mỗi người dân Việt Nam có một chiếc điện thoại di động" mà Tập đoàn này đã hoàn thành cách đây nhiều năm có đóng góp lớn của VTNET.

Giờ đây, mọi thứ đã thay đổi. Hạ tầng viễn thông không còn cho những chiếc điện thoại chỉ để nghe gọi mà dành cho data 4G và sắp tới là 5G – hạ tầng quan trọng cho cuộc cách mạng 4.0. VTNET theo đó cũng có những mục tiêu mới trong việc chịu trách nhiệm kỹ thuật về một hạ tầng viễn thông mà trước đó chưa nhà mạng nào ở Việt Nam, cũng như rất ít nhà mạng trên thế giới có kinh nghiệm xây dựng: 5G.

Thế nhưng, các kỹ sư của công ty này cũng đã có bước chạy đà chuẩn bị cho việc làm những điều chưa bao giờ làm. Một trong những ví dụ là từ cách đây vài năm, những kỹ sư viễn thông tại VTNET đã được đào tạo về lập trình. Ông Phạm Anh Đức, Phó Tổng giám đốc VTNET giải thích: "Các bạn ấy được học không phải để code thay kỹ sư phần mềm mà để biết là phần mềm có thể giúp các bạn ấy làm những việc gì. Khi đội viễn thông và phần mềm sử dụng cùng một ngôn ngữ thì họ sẽ gần nhau hơn và mọi việc sẽ dễ dàng hơn".

Và chính việc tạo ra sự hiểu biết liên thông đó đã dẫn tới những giải pháp quan trọng cho việc thiết kế mạng 5G.

Tại TPHCM khi Nokia triển khai mạng 5G, Viettel yêu cầu phải đạt tốc độ của trạm 5G là 1,7 GB/s trong khi hệ thống mạng lõi đặt tại Hà Nội. Đối tác chưa từng gặp trường hợp đặt xa như vậy nên chỉ dám cam kết 1 GB/s. Thế nhưng, các kỹ sư của VTNET đã tìm tòi và đề xuất 5 biện pháp hỗ trợ, giúp Nokia đưa tốc độ lên 1,7 GB/s – điều tưởng như không thể trước đó.

Ông Phạm Anh Đức, Phó Tổng giám đốc VTNET tiết lộ: "Những giải pháp đó là sự kết hợp của kiến thức về công nghệ thông tin chứ không phải thuần viễn thông. Các kỹ sư viễn thông của VTNET thì đã được trang bị các kiến thức CNTT và hiểu rất sâu về mạng lưới nên đã tìm ra hướng mới". Cả 5 giải pháp này của VTNET sau đó được Nokia đưa vào cẩm nang về triển khai 5G.

Bật mí một kỹ thuật đơn giản trong giải pháp "tư vấn ngược" cho Nokia, ông Đức cho biết: "Như khi chuyển đi một gói tin, Nokia đang để 1,5MB, trong khi gói tin chuẩn chuyển đi chỉ là 1,3MB. Nếu để 1,5MB sẽ phải cắt làm hai, mỗi một bản tin chuyển đi cần một bản tin trả về, dẫn đến chậm quá trình chuyển dữ liệu. Các kỹ sư của VTNET ‘mò’ cấu hình về đúng 1,3MB - tức là chuyển đi thì chỉ một bản tin trả về chứ không cần hai lần truyền đi truyền về. Nhờ những kỹ thuật nhỏ như vậy, tốc độ được tăng lên đáng kể".

Khát vọng số hoá của VTNET, công ty vận hành hệ thống viễn thông toàn cầu của Viettel - Ảnh 3.

Trên thực tế, tại VTNET, không chỉ các kỹ sư mới ý thức được tầm quan trọng của số hóa và sẵn sàng thực hiện những thay đổi chưa từng có. Bộ phận văn phòng VTNET – nơi được coi là ít có tính công nghệ nhất, cũng có bước ngoặt về tư duy. Theo đó, những công việc lặp đi lặp lại vốn thực hiện thủ công đều được bộ phận này yêu cầu số hóa, để giảm bớt công sức và thúc đẩy tính hiệu quả.

Và số hóa việc đặt cơm trưa cho nhân viên tại VTNET là một trong những ví dụ điển hình. Hơn 1 năm gần đây, tại VTNET, nhân viên không còn cảnh đăng ký thủ công cơm trưa với nhà bếp như trước mà chỉ cần vào app trên smartphone, bấm nút và nhà bếp sẽ có hết thông số để nấu ăn. "Bây giờ, ai làm việc gì cũng nghĩ: Việc này có thể số hóa được hay không?", ông Phạm Anh Đức cho biết.

Khát vọng số hoá của VTNET, công ty vận hành hệ thống viễn thông toàn cầu của Viettel - Ảnh 4.

3 năm trước, khi tăng trưởng của dịch vụ thoại và SMS suy giảm, data lên ngôi, việc giám sát chất lượng dịch vụ data là một bài toán nan giải. Yêu cầu của ban lãnh đạo Viettel đặt ra với VTNET là phải giám sát được tốc độ data của từng khách hàng, trong mọi thời điểm. Đây được coi là điều không thể thực hiện được vì đòi hỏi khả năng tự động hóa cũng như tính toán siêu không lồ mà chưa nhà mạng nào ở Việt Nam làm được.

Thế nhưng, các kỹ sư tại VTNET đã bắt tay "làm điều không thể" với tốc độ vũ bão nhưng cũng phải mất 1 năm sau công việc này mới hoàn thành. Hiện tại, ở Việt Nam, Viettel cũng là hãng viễn thông duy nhất có khả năng làm được điều này, nhờ đó, việc cải thiện chất lượng dịch vụ data đối với từng khách hàng của nhà mạng này vượt hẳn lên so với các mạng khác. Bởi khi phát hiện bất kỳ khách hàng nào trải nghiệm dịch vụ tồi mà lặp đi lặp lại thì hệ thống của nhà mạng này sẽ tự động đánh giá và tối ưu cho khách hàng/khu vực đó.

Khát vọng số hoá của VTNET, công ty vận hành hệ thống viễn thông toàn cầu của Viettel - Ảnh 5.

Trên thực tế, việc thực hiện được "nhiệm vụ bất khả thi" nói trên cũng nằm trong tổng thể việc tự động hóa và vận hành hệ thống viễn thông từ xa mà VTNET đã dần chuẩn bị từ nhiều năm trước đó. Trước đây, vào dịp Tết, các kỹ sư VTNET sẽ phải tính toán xem chỗ nào thường nghẽn thì "đắp" thêm 1-2 trạm ở đó và phải đưa kỹ sư đi rút trạm từ chỗ này sang chỗ kia. Do việc tính toán thực hiện "bằng tay" nên nhiều lúc không chính xác. Còn hiện tại, Viettel đã tự động hóa việc quy hoạch và phân tích xu hướng, từ đó phân tích dữ liệu để lên kế hoạch điều chỉnh các trạm hợp lý trước.

Chưa hết, việc tác động bằng hệ thống cũng được tự động lập trình để xử lý vào ban đêm, các kỹ sư sẽ không còn phải thức đêm gõ lệnh như trước. Ngay cả việc xử lý các sự cố mạng lưới cũng được mô hình hóa thành các kịch bản, và hệ thống sẽ tự đưa giải pháp xử lý đến 80% các trường hợp. Đây cũng là lý do những năm gần đây mạng lưới của Viettel rất ít xảy ra trục trặc.

Theo tiết lộ của ông Phạm Anh Đức, Phó Tổng giám đốc VTNET, nhờ có việc số hóa và tự động hóa toàn diện nên Viettel có khả năng vận hành mạng lưới từ xa. Đây là nhân tố cực kỳ quan trọng giúp cho Tập đoàn này vận hành hạ tầng ở 10 thị trường quốc tế mà không cần tốn quá nhiều nhân lực. Đây cũng là điều mà rất ít nhà mạng trên thế giới làm được. Nhiều nhà mạng lớn trên thế giới đều thuê Ericsson, Nokia… làm đối tác vận hành.

Khát vọng số hoá của VTNET, công ty vận hành hệ thống viễn thông toàn cầu của Viettel - Ảnh 6.

Một chuyên gia có nhiều năm làm nghiệp vụ vận hành mạng lưới ở Ericsson tiết lộ: "Nếu xét về khả năng số hóa và tự động hóa việc vận hành mạng lưới, VTNET của Viettel hiện không thua kém gì 2 công ty vận hành lớn nhất thế giới như Ericsson và Nokia".

Khát vọng số hoá của VTNET, công ty vận hành hệ thống viễn thông toàn cầu của Viettel - Ảnh 7.

Với một tập đoàn lớn phải việc vận hành 11 mạng viễn thông tại 11 quốc gia trên thế giới, số lượng nhân sự cho bộ phận kỹ thuật lẽ ra phải cực lớn, trải rộng hoặc phải thuê các tập đoàn như Ericsson, Nokia làm dịch vụ vận hành. Tuy nhiên, hiện tại, VTNET là đơn vị đứng chịu trách nhiệm vận hành toàn bộ mạng lưới viễn thông ở 11 quốc gia (gồm Việt Nam và 10 thị trường quốc tế).

Ông Phạm Anh Đức, Phó Tổng giám đốc VTNET cho biết: "Khi ra nước ngoài, lực lượng kỹ thuật Viettel rất mỏng. Lĩnh vực viễn thông quá rộng vì thế một người không thể hiểu được nhiều mảng và càng không thể hiểu sâu được. Vì thế, 3 năm gần đây, VTNET phải giúp các thị trường kiểm soát chất lượng, xử lý sự cố, vận hành và tác động mạng lưới từ xa".

Nhờ có khả năng vận hành mạng lưới từ xa, các hệ thống viễn thông lớn của Viettel tại các thị trường nước ngoài không cần có quá nhiều kỹ sư, giúp triển khai nhanh, tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả. Bên cạnh đó, việc tối ưu mạng lưới cũng được số hóa nên chi phí vận hành mạng lưới cũng được tiết kiệm hơn nhiều với việc giảm năng lượng tiêu thụ cho mỗi trạm. Theo đó, VTNET sẽ tự động việc vận hành luân phiên giữa điện, ắc quy… ở các điểm trạm đặc thù, giúp cho chi phí điện là thấp nhất.

Nhưng việc vận hành hệ thống từ xa và tối ưu chi phí chưa phải là những mục tiêu cao nhất mà VTNET đang hướng tới. Ông Phạm Anh Đức chia sẻ: "Mong muốn của VTNET là hướng đến hình ảnh một tổ chức toàn cầu và đạt mức độ trưởng thành số cao nhất: dẫn dắt thị trường".

Khát vọng số hoá của VTNET, công ty vận hành hệ thống viễn thông toàn cầu của Viettel - Ảnh 8.

Vị lãnh đạo này tiết lộ thêm, chiến lược mà VTNET đặt ra là 5 năm nữa sẽ dẫn dắt thị trường ở 4 khía cạnh. Trước hết về con người, VTNET đặt ra mục tiêu là 10% kỹ sư sẽ đạt các tiêu chuẩn toàn cầu.

Thứ hai là văn hóa chất lượng với tiêu chuẩn thế giới. "Tôi hay nói với mọi người là không nên cố chế ra bánh xe đạp nữa vì thế giới người ta phát minh ra rồi. Các tiêu chuẩn thế giới thì cả thế giới đang chạy theo, mình cần hiểu và đóng góp vào các tri thức đó, để trở thành người dẫn dắt. Ví dụ như Cloud ở Việt Nam thì VTNET đang là người dẫn dắt thị trường", ông Đức nói.

Thứ ba là về công cụ. Hiện tại, VTNET làm những công cụ hướng tới việc tăng năng suất lao động. Dùng công nghệ thông tin để quản lý, quản trị con người và mạng lưới để nâng cao năng suất lao động và tự động hóa quá trình đó.

"Ngoài ra, VTNET mong muốn dẫn dắt trong lĩnh vực công nghệ. Từ trước đến nay, Viettel nói chung và VTNET nói riêng đang tham gia vào các cộng đồng mở của thế giới và cống hiến tri thức cho thế giới để trở thành một trong những người dẫn dắt cuộc chơi. Công nghệ là cái nhìn rõ nhất một tổ chức có phải người dẫn dắt hay không", lãnh đạo của VTNET khẳng định.

Giờ đây, Tập đoàn Viettel có thể điều hành mạng viễn thông của mình tại 10 quốc gia khác trên thế giới tại Việt Nam, nhờ việc số hoá hệ thống của VTNET.

Hoàng An - Khánh Linh
Hương Xuân
Theo Trí Thức TrẻNgày 2/2/2020

Hoàng An – Khánh Linh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên