Đứng dưới tiết trời oi nóng, dù đã đeo đến 2 lớp kính và một chiếc khẩu trang dày, bà Nguyễn Thị Hải ở quận Bình Thạnh vẫn không thể giấu được niềm vui le lói trong khóe mắt: "Tôi ở có một mình mà chân thì liệt nên cũng không đi mua được đồ ăn gì hết. Tiền thì không có, lại càng khó hơn... Nhận được Tấm vé nghĩa tình mua hàng tại Siêu thị mini 0 đồng tôi vui quá, liền nhờ anh hàng xóm vô mua giúp. Mua xong còn được các bạn bán hàng xách ra tận nơi. Tôi cảm ơn các mạnh thường quân đã quan tâm tới hoàn cảnh của tôi. Tôi mừng không kể siết được"
…
Ông Hà Hoàng Kiếm, ngụ tại quận 4, năm nay đã 75 tuổi, cố gắng bước đi nhanh nhất có thể trong sức lực của mình để đến xếp hàng lấy vé vào Siêu thị mini 0 đồng. Tuổi cao, mắt kém, da sạm những đồi mồi của một đời lam lũ, ông chưa khi nào dám mơ đến việc bước chân vào siêu thị và được chọn nhiều đồ đến vậy, lại chẳng phải toan tính, cân đong xem sẽ hết bao nhiêu tiền… Nào là hộp cá, nào là vỉ sữa, nào là chai mắm… Ở nhà, người con bán vé số đã thất nghiệp bấy lâu vì dịch đang chờ ông mang những món ấy về.
…
Đó chỉ là hai trong số hàng chục nghìn câu chuyện mà các thành viên, tình nguyện viên của Tập đoàn PNJ – những người đang trực tiếp tham gia vận hành Dự án Siêu thị mini 0 đồng được chứng kiến, lắng nghe và khôn nguôi xúc động…
Ra đời ngày 26/6, đến nay chỉ gần 2 tháng nhưng chuỗi Siêu thị mini 0 đồng do Tập đoàn PNJ khởi xướng, có một không hai trong lịch sử này đã làm được điều không tưởng. Chỉ tính riêng tại các quận huyện, TP.Thủ Đức, TP.HCM: Cứu trợ cho trên 52.000 hộ gia đình, 5.500 sinh viên bị mắc kẹt trong các KTX, 6.000 lực lượng tuyến đầu và hàng nghìn người yếu thế trong xã hội với 18 đợt tặng quà. Đó mới là con số thống kê tại các quận, huyện, thành phố Thủ Đức của TP.HCM, chưa thể tổng hợp đầy đủ bởi hiện tại, chuỗi Siêu thị mini 0 đồng đã mở rộng tới 24 cửa hàng offline, 1 cửa hàng online và có mặt tại rất nhiều tỉnh thành từ Nam ra Bắc.
Kể từ khi đại dịch Covid bùng phát tại Việt Nam, chưa khi nào người ta được chứng kiến một dự án siêu thị thiện nguyện thiết thực, được tổ chức bài bản trên quy mô lớn như vậy. Mô hình chuyên nghiệp, các con số minh bạch bằng việc có Deloitte kiểm toán các khoản thu chi, đồng thời rất linh hoạt trong cách thức thực hiện: Bán trực tiếp tại chỗ, bán online và đi tặng quà cho từng hộ dân, để làm sao phù hợp nhất với từng hoàn cảnh, linh hoạt nhất cho từng nhóm đối tượng và nhiều người nhất có thể được thụ hưởng.
Chúng tôi có cuộc điện thoại vội vã kéo dài chưa đầy 15 phút với anh Huỳnh Văn Tẩn, Giám đốc Truyền thông Đối ngoại của Tập đoàn PNJ, được xem là chỉ huy trưởng của chương trình. Khi ấy, anh đang trên xe đi tặng quà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại TP.HCM.
Chúng tôi mạo muội hỏi rằng: PNJ đã huy động một lực lượng lớn nhân sự của mình, bỏ ra nhiều tỷ đồng trong ngân sách để làm một việc phải tiêu tốn rất nhiều tâm sức như vậy, liệu rằng đây có phải là một bước đi trong kế hoạch truyền thông của Tập đoàn?
Anh Tẩn cười lớn và trả lời khiến chúng tôi ít nhiều bất ngờ: "Nếu để chọn cách này mà xây dựng thương hiệu hay truyền thông ở thời điểm này thì quả thực là điên khùng ấy!(cười lớn). Tình hình dịch bệnh phức tạp, nguy hiểm vô cùng như hiện nay, chúng tôi khi tổ chức Dự án Siêu thị mini 0 đồng đã phải đối mặt với một quyết định rất khó khăn. Làm sao để vừa thực hiện được sứ mệnh của Tập đoàn là trách nhiệm với cộng đồng, vừa đảm bảo được công tác phòng chống dịch, phòng tránh lây lan, đảm bảo sức khỏe cho tất cả mọi người trong Ban Tổ chức và cộng đồng những người đến siêu thị, sự đồng thuận của các cơ quan Nhà nước, sự góp sức của cộng đồng là một bài toán không hề nhỏ. Cũng rất may mắn khi ý tưởng Dự án đã nhận được sự chung vai của Sở Công Thương TP.HCM, Thành Đoàn TP.HCM, Hội Doanh Nghiệp Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao, Trung Tâm Hỗ Trợ Thanh Niên Công Nhân TP.HCM cùng với sự đồng hành của Hawee và YBA từ ngày đầu cho đến tận hôm nay.
Từ lãnh đạo Tập đoàn đến nhân viên và gần 1.000 bạn tình nguyện viên của PNJ cùng hàng trăm anh chị em đoàn thể tại các địa phương đã không nề hà lăn xả hết mình với chuỗi Siêu thị online, offline và đi tặng quà khắp muôn nẻo. Nếu điều đó không xuất phát từ chữ TÂM, từ tâm nguyện hướng đến cộng đồng và tinh thần trách nhiệm thì không thể làm được. Trong bối cảnh hiện nay, ai cũng đều muốn được ở nhà cả…".
Quả thực là PNJ hoàn toàn có thể lựa chọn khác, như chỉ ủng hộ tiền vào các quỹ phòng chống Covid mà không phải tốn quá nhiều công sức đến vậy. Đó thật ra cũng là điều rất đáng quý rồi. Vậy điều gì đã thôi thúc PNJ quyết định chọn cách làm này?
Giải đáp câu hỏi này, anh Huỳnh Văn Tẩn nói: Quả thực là chúng tôi đã không mảy may toan tính khi ý tưởng Siêu thị mini 0 đồng ra đời, chỉ cần miễn sao mình có thể hỗ trợ được thiết thực nhất cho bà con. Khi mình đau nỗi đau của đồng bào thì không có gì ngăn cản được.
Nếu chú ý, bạn sẽ thấy mô hình này khác hoàn toàn so với nhiều chương trình thiện nguyện trước đây. Nhiều nơi đến tặng túi quà, tấm bánh rồi ra về. Còn chúng tôi hướng góc nhìn của mình đến tâm lý của nhóm yếu thế trong xã hội.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài, chúng ta chứng kiến có quá nhiều những con người tận cùng của khốn khổ - kế sinh nhai bị chặn mọi nẻo, không một đồng tích lũy, không bảo hiểm, không thuốc men. Và cái tối thiểu nhất - không có gì để ăn - là có thật!
Việc họ được phân phát cho đồ ăn là điều thực lòng đáng quý. Nhưng chúng tôi muốn chăm sóc cho họ cả về tinh thần. Người ta vẫn nói rằng cho cái gì không quan trọng bằng cách cho. Chúng tôi muốn những người dù nghèo khổ đến cỡ nào, khi đến với Siêu thị mini 0 đồng, họ đều được đối xử như khách hàng đáng quý, được tư vấn, phục vụ, được hướng dẫn tận tình, để họ ở một tâm thế tự tin, chứ không phải tâm lý mặc cảm của người được cứu trợ… Những gì thiếu, họ được quyền chủ động chọn lựa. Đó là tâm ý sâu xa đầy nhân văn của Dự án này và cũng là động lực cốt lõi nhất thúc đẩy chúng tôi nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để thực hiện.
Trong lúc tôi lặng người đầy xúc động, anh Tẩn cười và chia sẻ tiếp: Dường như vì thế mà chúng tôi may mắn nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ các mạnh thường quân trong chiến dịch lần này. Thú thực, khi tình hình dịch bệnh kéo dài lâu quá, các doanh nghiệp – những đơn vị có thể có nguồn hỗ trợ lớn cho các chương trình thiện nguyện, ít nhiều cũng sẽ cảm thấy bị đuối. Họ cũng phải lo cho sự tồn tại của doanh nghiệp họ, lo cho đời sống của người lao động sát sườn nữa chứ. Vì không ai biết được Covid-19 đến khi nào mới hoàn toàn chấm dứt, chưa kể còn có thể có những bối cảnh xấu hơn…
Vì vậy khi mình đứng ra tổ chức một chương trình với mong đợi sự lan tỏa cũng như chung tay của mọi người thì gặp rất nhiều khó khăn. Song may mắn thay khi những tâm ý nhân văn của chuỗi Siêu thị mini 0 đồng đã thuyết phục hoàn toàn và làm lay động nhiều mạnh thường quân. Họ không chỉ đồng hành với chúng tôi 1 lần, mà 3 – 4 lần. Đó là điều trân quý mà chúng tôi thực lòng biết ơn, khi họ đã thấu hiểu và tin tưởng vào triết lý của PNJ.
Triết lý ấy cụ thể là gì? Anh Huỳnh Văn Tẩn cho biết : "Trong suốt 33 năm qua, chúng tôi đã cam kết và tuyên bố luôn luôn đặt lợi ích của xã hội, khách hàng vào lợi ích của doanh nghiệp. Đó là một sứ mệnh mà PNJ đặt lên vai mình. Như vậy, trong khó khăn của dịch bệnh Covid-19, không có lý do gì chúng tôi không hành động. Nếu không làm là đã đi ngược lại với tuyên thệ sống còn của chính mình. Phụng sự xã hội là giá trị cốt lõi nhất mà PNJ theo đuổi. Khi nó đã là một mã gen chảy tràn trong cơ thể thì có cơ hội, chúng tôi phải để nó phát huy giá trị.
Nói một cách đáng tự hào, đến thời điểm hiện tại, gần 6.500 người lao động của PNJ vẫn được đảm bảo về đời sống vật chất, tinh thần. Chế độ lương, trích thưởng vẫn giữ, nhân viên được quan tâm chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ khó khăn... Đó là điều chúng tôi đã có may mắn hơn rất nhiều người, vì vậy mà cần phải san sẻ với cộng đồng.
PNJ cũng là một trong những doanh nghiệp tiên phong của Việt Nam đi theo con đường phát triển bền vững. Nếu trong tình hình dịch bệnh hiện tại, các doanh nghiệp không đặt lên vai mình trách nhiệm an sinh xã hội để lan tỏa, kêu gọi cộng đồng cùng chung tay, góp sức chống lại đại dịch Covid, thì cuộc chiến này có thể sẽ còn nhiều khó khăn hơn.
***
Trong một giọng điệu không hề có một chút màu sắc nào của sự mệt mỏi, trước khi tạm biệt chúng tôi vì đã đến địa điểm trao quà mới, anh Tẩn phấn khởi chia sẻ: Tính đến thời điểm hiện tại, Dự án Siêu thị mini 0 đồng đã huy động được trên 25 tỷ đồng. Mục tiêu ban đầu đặt ra là giúp được 10.000 hộ gia đình, giờ con số đó đã gấp hơn 5 lần. Dự án chuẩn bị bước vào giai đoạn 2 thêm nhiều hoạt động mới mẻ, để chung tay góp sức cho chương trình 1 triệu suất ăn cho người nghèo khi thành phố vẫn phải tiếp tục giãn cách đến ngày 15/9.
Cuộc chuyện trò chưa đầy 15 phút ấy khiến chúng tôi khôn nguôi xúc động. Sự thật là, trong bối cảnh này, ai cũng chỉ mong cầu an toàn và muốn được ở nhà. Nhưng nếu ai cũng chọn cho mình việc nhẹ nhàng thì gian khó sẽ dành phần ai?
Tôi bất giác nhớ đến một đề Văn kinh điển thuở còn ngồi trên ghế nhà trường: "Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời, thì em sẽ làm gì?". Hồi đó tôi đã luôn khăng khăng cho rằng đề bài này thật kỳ quặc, thiếu thực tế. Nhưng mà giờ, dường như mọi thứ lại quá đỗi chân thật trước mắt của tất cả chúng ta, khi khoảng cách giữa sự sống và cái chết, hôm nay và ngày mai, chỉ mong manh trong chớp mắt...
Chúng tôi tin rằng, bằng một cách thật khiêm nhường, thầm lặng và đầy dung dị, PNJ có thể trả lời đề bài ấy một cách xuất sắc. Họ cứ lặng lẽ làm, lặng lẽ vượt qua khó khăn như cách mà họ đã bước đi 33 năm qua, để rồi giờ là căng mình góp phần cùng đất nước kéo nhân dân vượt qua khó khăn lịch sử này. Bởi sứ mệnh của họ - điều mà không ai bắt họ phải làm, nhưng họ đã chọn lựa để làm - là đặt lên vai mình một trách nhiệm nhân ái tròn vẹn với cộng đồng và dân tộc.
Nhịp sống kinh tế