Đang trong thời gian tu tập tại Myanmar nên Võ Trọng Nghĩa chỉ về Việt Nam ít ngày, trước khi lên đường sang Anh nhận giải thưởng Dezeen Awards - Architect of the year. Đó là một trong những giải thưởng thường niên do Dezeen - tạp chí chuyên về kiến trúc, nội thất, thiết kế hàng đầu thế giới - tổ chức, nhằm tìm ra kiến trúc sư tiêu biểu trên toàn thế giới.
Năm nay, văn phòng kiến trúc Võ Trọng Nghĩa (VTN Architects) là văn phòng kiến trúc duy nhất trên thế giới vinh dự nhận giải thưởng Architect of the year - Kiến trúc sư của năm. Ngoài ra, công ty của Võ Trọng Nghĩa còn giành chiến thắng ở hạng mục Công trình dân dụng – công cộng cho công trình Học viện Viettel.
Trò chuyện ngắn ngủi với Võ Trọng Nghĩa ở thời điểm này, chẳng dễ để hỏi về kiến trúc. Bởi anh tâm niệm rằng, làm kiến trúc mấy thì cũng "rứa", quan trọng nhất là giữ giới và hành thiền, bao gồm thiền định và thiền tuệ.
- Cho tới tận bây giờ, nhiều người vẫn không giấu được sự tò mò và bất ngờ trước quyết định sang Myanmar tu tập của anh. Ở thời điểm cách đây hai năm, anh có phải đấu tranh tư tưởng hay suy nghĩ nhiều cho việc này không?
- Có chứ. Bình thường người ta qua Mỹ làm giáo sư của các trường danh tiếng thì nhiều người vui. Còn đi thiền thì người ta nghĩ ông này thất bại, qua Myanmar ngồi thiền. Nhưng không phải vậy, việc ngồi thiền thật ra quan trọng hơn nhiều.
Khi tôi gặp Ngài thiền sư Pa-Auk, Ngài bảo tôi nên đi qua Myanmar tu tập liền. Tôi tin tưởng những điều Ngài nói và quyết định đi ngay. Đã đi thì tôi cố gắng học cho xong rồi về.
- Khi nào thì được tính là học xong?
- Mọi người hay nói về đắc thiền. Đắc thiền là đắc tầng thiền định. Còn đắc về thiền tuệ là trạng thái đắc được trí tuệ của Đức Phật, cái đó là giác ngộ (đắc Thánh).
Tôi ở Myanmar tu tập từ năm 2017 đến giờ, thỉnh thoảng mới ra ngoài nhưng chỉ đi trong thời gian rất ngắn. Tôi đã tu đến giai đoạn thiền tuệ rồi và có kết quả tốt. Tôi có mong muốn học thêm về kinh điển của Đức Phật nên sẽ vẫn ở lại Myanmar trong thời gian tới.
- Vì sao anh quyết định đưa vợ con đi tu tập cùng?
- Không chỉ vợ con mà cả những người thân xung quanh, tôi đều mong muốn họ giữ giới và hành thiền. Việc giữ giới của con người hiện tại rất yếu. Khả năng đi vào cõi xấu gần như 100% và dẫn đến địa ngục dễ dàng. Mà Đức Phật nói rằng xác suất để quay lại làm người hoặc làm trời giống như để một bánh xe ngựa bằng gỗ ở bên kia bờ đại dương, bên này thả một con rùa mù. 100 năm con rùa mù mới nổi lên 1 lần và lọt đầu đúng vào cái lỗ của bánh xe gỗ đó thì quay lại. Xác suất rất nhỏ, gần như bằng không.
Người bình thường không nhìn được địa ngục thì hỏi Đức Phật địa ngục như thế nào. Đức Phật trả lời rằng, sáng đưa ra đâm 100 giáo, chiều đâm 100 giáo, không chết, ngày mai lại tiếp tục như thế và liên tục như thế. Kiếp ngắn là 9 tỷ rưỡi năm. Kiếp dài là 84 nghìn kiếp Trái Đất, tức là 84 nghìn Trái Đất sinh ra và diệt đi mà vẫn ở dưới địa ngục. Khủng khiếp như thế nên tốt nhất là nên giữ giới, hành thiền, ít nhất là giữ được 5 giới. Không phải ai cũng có thể giữ trọn 5 giới từ đầu nhưng nỗ lực giữ giới, nếu phạm giới thì sám hối.
Xin nói thêm, ở trường thiền Pa-Auk, sau khi chứng đắc các tầng thiền định và học xong 14 pháp thuần thục, các thiền sinh cũng được yêu cầu quán dưới địa ngục và trên thiên giới. Người mà không đắc định thì rất khó nhìn được. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, giúp người thân mình giữ giới, hành thiền là cực kỳ quan trọng và việc giữ giới, hành thiền là việc quan trọng nhất, hơn tất cả mọi việc còn lại trên đời.
- Ban đầu, khi nghe ý định đi tu tập của chồng, vợ anh phản ứng thế nào?
- Thời điểm ấy, con gái An Nhiên của chúng tôi mới 3 tuổi. Cô ấy nghe xong ý định đi tu tập của tôi thì đòi chia tay. Đó là cách tạm thời gây áp lực để xem tôi có chịu không. Tôi không chịu thì cô ấy đi theo tôi thôi.
- Đó chẳng phải là sự hy sinh của một người phụ nữ cho chồng mình hay sao?
- Nghe qua là vậy, nhưng đó là phước của cô ấy. Vợ tôi cũng tu tập đến thiền tuệ rồi.
- Thời gian đầu theo anh đi tu tập, vợ anh có gặp nhiều khó khăn không?
- Không có khó khăn gì, cô ấy cũng thiền rất tốt. Có vất vả một chút là phải vừa chăm con gái An Nhiên, vừa thiền.
Khi đi cùng rồi thì cô ấy đồng tình và ủng hộ tuyệt đối, chỉ bảo là tôi đừng có đi xuất gia.
- Anh có đồng ý với lời đề nghị của vợ không?
- Tôi chưa biết có xuất gia hay không, cứ tu tập tốt là được.
- Con gái anh có cùng bố mẹ hành thiền không?
- Có và hành thiền khá tốt.
- Nhỏ như thế cũng đã bắt đầu thiền được sao?
- Cũng tùy phước từng người. An Nhiên thì thiền được.
- Đang tu tập tại Myanmar, lý do gì khiến anh trở về Việt Nam và tham gia buổi trò chuyện về chủ đề Kiến trúc và thiền với sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội?
- Tôi cho rằng, thêm một người giữ giới thì xã hội tốt đẹp hơn. Điều đó quan trọng hơn việc thiết kế và xây dựng một công trình kiến trúc nhiều. Thành ra một phần của buổi trò chuyện tôi nói về kiến trúc, phần còn lại là chia sẻ về giữ giới và hành thiền.
- Chuyến này anh về Việt Nam có lâu không?
- Tôi về được mấy ngày rồi sẽ đi Anh nhận giải thưởng về kiến trúc. Bình thường là không đi nhưng không đi mãi thì không nên.
- Tu tập được 2 năm rồi mà anh vẫn còn quan tâm tới các giải thưởng sao?
- Việc được giải thưởng chứng tỏ có thể vừa tu tập vừa làm việc tốt được, giúp mọi người có niềm tin hơn về tu tập. Chúng ta hoàn toàn có thể làm việc tốt nhờ sự tập trung.
Nhiều người cứ nghĩ đi tu phải như này, như kia. Nhưng ví dụ như tâm tham, phải tới tầng thánh thứ tư mới cắt đứt được. Rồi tới tầng thánh thứ ba mới cắt đứt được tâm sân.
Võ Trọng Nghĩa trong buổi nói chuyện với sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội với chủ đề "Kiến trúc và thiền".
- Vì sao anh cho rằng so với giác ngộ, việc trở thành kiến trúc sư nổi tiếng chỉ là vô nghĩa?
- Dù là kiến trúc sư nổi tiếng bao nhiêu đi chăng nữa hay một doanh nhân sở hữu hàng tỷ đô thì cũng không thoát khỏi sinh già bệnh chết. Cái chết đang chờ sẵn cho tất cả mọi người.
Vì vậy, việc giác ngộ, tức là thoát khỏi luân hồi, tất nhiên có giá trị hơn tất cả các tài sản trên trái đất này, chứ huống hồ gì là trở thành kiến trúc sư nổi tiếng.
- Nhưng rõ ràng, việc giữ giới và hành thiền của anh và các cộng sự đang giúp công ty ngày càng phát triển và có tiếng tăm hơn?
- Bản chất của việc giữ giới là việc tốt, thánh thiện. Việc hành thiền, ít nhất là thiền định sẽ giúp con người tập trung, chú tâm hơn. Do đó, mọi người làm việc tốt hơn nên công ty cũng tốt hơn. Nhưng như đã nói, tôi ưu tiên việc hành thiền và ưu tiên cho mọi người ngồi thiền hơn.
Sự phát triển nào rồi cũng suy tàn và cảm giác lúc suy tàn đó là đau khổ. Ai đau khổ thì họ cứ đau khổ, chúng tôi cũng đau khổ nên giữ giới, hành thiền cái đã rồi tính tiếp.
- Thiền, tu tập và giữ giới mang lại cho anh nhiều điều nhưng cũng vì thế mà người ta nhận xét anh lắm tài nhiều tật, tài hoa nhưng khác người. Anh nghĩ sao về điều này?
- Giữ giới, hành thiền là ít tật nhất rồi. Giữ ít nhất 5 giới là không nói dối, không trộm cắp, không sát sinh, không tà dâm, không dùng rượu bia và chất kích thích là rất tốt rồi. Tại sao mọi người lại cho tôi nhiều tật (cười). Nhưng mà cho là nhiều tật cũng đúng, nhiều tật mới cần giữ giới và hành thiền.
- Ý định sau này sẽ về Việt Nam và kiếm một chỗ trong rừng để ở của anh xuất phát từ mong muốn tìm hiểu thêm về kiến trúc xanh hay liên quan đến việc tu tập và thiền?
- Tôi muốn mình tập trung vào việc tu tập. Khi tu tập tốt rồi, ở đâu cũng không quá quan trọng nhưng ở trong rừng thì sẽ được nghỉ ngơi hơn.
- Lần này mà anh vào rừng, vợ con sẽ thế nào?
- Chắc là họ đi cùng, nếu họ chưa bỏ tôi (cười).
- Việc học tập của An Nhiên sẽ tính ra sao?
- Nếu có nhân duyên, đắc thiền và học được trí tuệ của Đức Phật thì cần học điều này trước.
- Đây là lựa chọn của anh chứ đâu phải lựa chọn của con gái nhỏ phải không?
- Không, đó là sự lựa chọn của An Nhiên. Khi chúng tôi đưa con sang Myanmar, cháu mới 4 tuổi nhưng lựa chọn việc giữ giới và hành thiền. Khi gặp Ngài Pa-Auk, An Nhiên quyết định xuất gia. Chúng tôi cũng nói chuyện nhiều với bạn ấy, vì nghĩ con còn nhỏ, có thể chưa hiểu hết. Nhưng hỏi đi hỏi lại con vẫn muốn xuất gia, dù rất thích tóc dài đẹp. Khi xuất gia thì phải giữ 10 giới, trong đó có không được hát thì cháu vẫn chấp nhận.
An Nhiên suy nghĩ chuyện đó nghiêm túc nên chúng tôi không cản trở con. Bạn ấy giữ 10 giới trong 8 tháng, tức là trong khoảng thời gian đó không được ăn tối hoàn toàn. Vì An Nhiên còn nhỏ nên vợ chồng tôi thuyết phục cháu xả y, giữ 5 giới để có thể ăn tối. Giờ An Nhiên giữ 5 giới là không nói dối, không trộm cắp, không sát sinh, không tà dâm, không sử dụng rượu bia - chất kích thích và hành thiền.
- Nhiều người cho rằng, giữ giới và hành thiền không thể phù hợp với tất cả mọi người, nhất là giới trẻ. Còn anh cực đoan cho rằng, chỉ những người giữ giới và hành thiền mới có thể là nhân viên của Võ Trọng Nghĩa. Như vậy chẳng phải sẽ đánh mất không ít nhân tài sao?
- Như tôi vẫn nói, giữ giới và hành thiền là quan trọng hơn. Người làm được hai việc này đối với tôi mới thực sự là tài. Còn những người có năng lực về kiến trúc nhưng không giữ giới hành thiền tốt thì cũng không phù hợp với công ty tôi.
- Đã có ai trong số các nhân viên vì rất hâm mộ tên tuổi Võ Trọng Nghĩa và công ty mà quyết định phải thiền và giữ giới để được đi cùng anh chưa?
- Có chứ. Đó chắc là nhân duyên của họ. Giống như tôi trước đây, bắt đầu từ chuyện đổ vỡ, thất bại rồi mới tập trung giữ giới và hành thiền. Nhân viên nào cũng được, quyết định giữ giới và hành thiền là được.
Công ty hầu hết toàn người trẻ, lúc đầu bị bắt thiền thì họ thấy khó nhưng mình làm dần dần. Thiền cũng cần có quá trình, từ 30 phút rồi 1 tiếng, 3 tiếng, 5 tiếng.
"Họ giữ giới đã có phước, hành thiền lại càng có phước nữa. Những người có phước tập trung lại với nhau thì đương nhiên là quá có phước chứ gì nữa", KTS Võ Trọng Nghĩa.
- Câu chuyện thú vị nhất trong quá trình anh biến toàn bộ ê-kíp trong công ty thành những người giữ giới, hành thiền đó là gì?
- Tôi nói là làm liền nhưng cũng phải một năm sau mới hoàn thành được. Trong quá trình đó, có bạn gần một năm sau mới bảo: "Ôi thực ra tôi rất thích uống bia nhưng tôi tạm thời chưa tìm được việc nào ưng ý hơn nên phải giữ 5 giới. Còn bây giờ tôi muốn đi chỗ khác thì tôi vẫn muốn uống bia bình thường". Tôi bảo chuyện đó bình thường.
Chính những người không giữ trọn giới ấy đi thì hôm nay chúng tôi mới còn lại người giữ trọn giới ở đây. Họ đến để giữ giới, hành thiền và làm việc một cách nghiêm túc. Những người ở lại là thần may mắn rồi bởi họ giữ giới đã có phước, hành thiền lại càng có phước nữa. Những người có phước tập trung lại với nhau thì đương nhiên là quá có phước chứ gì nữa.
- Những nhân viên giữ trọn giới và hành thiền của anh có gì khác biệt so với số đông?
- Họ hoàn toàn khác biệt, rất thiện lành và mức độ tập trung cao. Ngoài ra, họ giữ giới tốt hơn nhờ sự chú tâm đó. Tôi nghĩ vì thế mà họ hạnh phúc hơn nhiều.
Bản thân tôi cũng thấy rất hạnh phúc vì công ty là môi trường giữ giới, hành thiền và mọi người có điều kiện tu tập, đi trên con đường giác ngộ. Đó là lý do chính để công ty tồn tại.
Hiện nay, rất bất ngờ là nhiều người trong công ty đã chứng đắc thiền định và có 5 người chứng đắc thiền định từ trường thiền Pa-Auk về.
"Giống như tôi trước đây, bắt đầu từ chuyện đổ vỡ, thất bại rồi mới tập trung giữ giới và hành thiền", KTS Võ Trọng Nghĩa.
- Anh sẽ tiếp tục đưa các nhân viên của mình sang trường thiền Pa-Auk để tu tập cùng mình phải không?
- Được sang trường thiền Pa-Auk để tu tập là nhân duyên, là phước. Đức Phật dạy Bốn Thánh Đế cho chúng ta với mục đích chứng đắc Niết Bàn (Nibbana). Cụ thể là Thánh Đế thứ nhất: Thánh Đế về khổ; Thánh Đế thứ hai: Thánh Đế về nguồn gốc của khổ; Thánh Đế thứ ba: Thánh Đế về sự diệt khổ; Thánh Đế thứ tư: Thánh Đế về con đường đưa đến sự diệt khổ.
Con đường duy nhất để đạt được sự liễu ngộ này là thực hành Thánh Đế thứ tư, tức là ba học: Giới học, Định học và Tuệ học. Đối với các Tỳ Khưu, giới học được tuân theo giới Patimokkha (227 giới), đối với hàng cư sĩ như tôi thì đó là 5 giới hoặc 8 giới.
Khi chúng ta thực tập giới, an trú trong giới, chúng ta tu tập định học, tức là An Chỉ Định hoặc Cận Định. Từ nền tảng của Định học, chúng ta tu tập Tuệ học, tức là thiền tuệ (hay còn gọi là thiền Vipassana). Thiền tuệ (Vipassana) không nằm ngoài mục đích khác ngoài chứng ngộ bản chất Vô Thường, Khổ, Vô Ngã của Thánh Đế thứ nhất và Thánh Đế thứ hai.
Chỉ khi chúng ta thực hành Vipassana một cách triệt để và chứng ngộ được hai Thánh Đế này mới có thể chứng ngộ Thánh Đế thứ ba thuộc siêu thế gồm Nhập lưu Thánh đạo, Nhất lai Thánh đạo, Bất lai Thánh đạo và A la hán Thánh đạo.
Tóm lại chúng ta phải thực hành: Giới học, Định học và Tuệ học.
Tại trường thiền Pa-Auk, chúng tôi được học cả 40 đề mục thiền định mà Đức Phật dạy và cũng được hướng dẫn chi tiết về tu tập Giới. Đối với cư sĩ như tôi thì 5 giới hoặc 8 giới, đối với Tỳ Khưu thì 227 giới. Dựa trên nền tảng vững chắc của Giới, chúng tôi tu tập thiền định. Đức Phật dạy 40 đề mục thiền định như đề mục hơi thở, 32 thân phần, bộ xương, 10 kasina, 4 tầng thiền vô sắc của 10 kasina, 14 pháp thuần thục để điều phục tâm, niệm ân Đức Phật, niệm sự chết, tu tập Từ, Bi, Hỉ, Xả…
Chúng tôi phải chứng đắc các tầng thiền từ tầng thiền thứ nhất (họ hay gọi là sơ thiền) đến tầng thiền thứ tư, rồi đến tầng thiền thứ 8 đối với các thiền vô sắc của 10 kasina. Hoặc tu tập đến cận định đối với các đề mục như thiền bốn yếu tố (họ hay gọi là thiền tứ đại), hoặc niệm ân Đức Phật
Sau khi hoàn thiện lộ trình thiền định, chúng tôi sẽ đươc hướng dẫn thiền Vipasasna (thiền Tuệ), gồm có 16 Tuệ mà Đức Phật dạy.
1. Tuệ phân tích vật chất và các dòng tâm (Nama-rupa pariccheda nana)
Tại đây thiền sinh sẽ phân tích được cấu tạo của vật chất ở mức độ các hạt hạ nguyên tử, từ cấu tạo thân mình đến những vật xung quanh đến toàn thể cấu tạo của vũ trụ
2. Tuệ phân biệt nhân quả (Paccaya-pariggaha nana)
Thiền sinh sẽ được hướng dẫn quán các kiếp quá khứ và tương lai để hiểu rõ về Nguyên nhân và kết quả.
3. Tuệ thứ ba là Sammasana nana
Ở đây, thiền sinh sẽ được hướng dẫn quán sự sinh diệt liên tục của các hạt hạ nguyên tử của vật chất và sự sinh diệt của các dòng tâm và các tâm đi kèm... Hiểu rõ bản chất Vô Thường, Khổ, Vô Ngã của vạn vật, tại đây một số hành giả có thể chứng đắc Niết Bàn...
4. Tuệ quán sự sinh diệt ( Udayabba nana)
5. Tuệ quán sự tan hoại (Bhanga nana)
…
Tuệ 1-16 đều được tu tập trên ánh sáng của thiền định, tức là nếu không có định sẽ không tu tập được tuệ 1, tuệ 2, tuệ 3… tuệ 16. Khi tu tập từ tuệ 1 đến tuệ 16, trí tuệ của nhiều thiền sinh sẽ phát triển để chứng đắc các tầng thánh cho đến tầng thánh cuối cùng – A la hán. Đó là lý do tại sao Đức Phật dạy giữ giới, phát triển thiền định rồi thiền tuệ (chứng đắc các tầng thiền hoặc ít nhất cận định).
Cảm ơn những chia sẻ của anh!
Trí Thức Trẻ