img

Đây là hình ảnh phổ biến của một người kinh doanh online: Nhà ở kết hợp làm kho tập kết hàng hóa, đồng thời là nơi bán hàng, đóng gói hàng và đi ship. Những căn nhà như vậy luôn trong tình trạng ngập ngụa các thùng, hộp, túi… lớn nhỏ và băng dính, còn người chủ cũng phải kiêm nhiệm tất cả mọi việc, ngoại trừ ship hàng có thể thuê ngoài.

Tuy nhiên với trung tâm logistics thông minh mà Viettel Post vừa khai trương ở Tp.HCM, một người bán hàng bình thường có thể ngồi ở bất cứ nơi nào, chốt đơn, đặt lệnh cho Viettel Post lo từ A đến Z để hàng hóa đi từ nhà cung cấp đến tay khách hàng.

Ở quy mô doanh nghiệp, việc hợp tác được với một đơn vị chuyên nghiệp lo tất cả - thậm chí với chi phí rất rẻ - càng khiến việc kinh doanh thêm nhẹ gánh.

Câu chuyện tưởng chừng bình thường như thể chỉ cần "copy" hệ thống của Amazon sang Việt Nam là xong nhưng hóa ra lại là những kỳ tích trong ngành logistics do chính những kỹ sư Việt Nam nghĩ ra, khiến cho chuyên gia nước ngoài phải đi từ sự ngỡ ngàng sang khâm phục.

Kỳ tích ngành logistics đến từ chiếc máng trượt 18 triệu đồng và giải pháp chưa từng có trên thế giới tại Viettel Post - Ảnh 1.

Kỳ tích ngành logistics đến từ chiếc máng trượt 18 triệu đồng và giải pháp chưa từng có trên thế giới tại Viettel Post - Ảnh 2.

Từ trước đến nay, Viettel Post đã nổi tiếng trong ngành bưu chính chuyển phát với hệ thống chia chọn tự động thông minh. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, họ nhận thấy một vấn đề bất cập, đó là khó xử lý hàng hóa có trọng tải nặng trong khi số lượng hàng nặng chiếm tới 40%. Hệ thống chỉ có thể chia chọn các loại hàng có khối lượng dưới 30kg, hàng hóa nặng hơn đều phải xử lý bằng tay để chuyển lên băng tải bán tự động.

Khi bắt tay nghiên cứu phương án xây dựng trung tâm Logistics miền Nam tại Tp.HCM, Viettel Post đã đặt ra yêu cầu phải đưa hàng nặng lên chia chọn trên băng chuyền tự động. Để giải bài toán này của Viettel Post, các kỹ sư nước ngoài đề xuất thiết kế gồm một hệ thống chia chọn bên trên cho hàng nặng còn hệ thống cho hàng nhỏ bên dưới.

"Họ báo giá thì tôi thấy rất đắt" - Ông Trần Trung Hưng - Tổng giám đốc Viettel Post nói.

Nhớ lại câu chuyện từng làm thay đổi ngành viễn thông của Viettel khi áp dụng công nghệ thu phát trên cùng 1 sợi cáp quang (khi Viettel làm đường trục cáp quang 1A), ông Hưng đặt câu hỏi: Tại sao lại không tích hợp 2 hệ thống chia chọn trên cùng 1 hệ thống dẫn động?

Kỳ tích ngành logistics đến từ chiếc máng trượt 18 triệu đồng và giải pháp chưa từng có trên thế giới tại Viettel Post - Ảnh 3.

Trong khi chuyên gia nước ngoài trả lời chưa làm bao giờ thì các kỹ sư của Viettel Post họp bàn và nghĩ ra được một cách, cũng chưa từng có trong ngành logistics thế giới: bằng cách "làm mù" mắt máy scan, việc chia chọn hàng nhỏ và hàng nặng sẽ có thể tích hợp trên cùng một hệ thống, cùng một kịch bản chia.

Đối với những món hàng nhỏ, nhãn dán sẽ được giấu xuống dưới – coi như hàng lỗi. Những kiện hàng to sẽ không cần tác động. Thủ thuật này nhằm "đối phó" với chiếc máy scan. Những kiện hàng có nhãn, máy đọc được thì robot sẽ gạt xuống dưới, kiện hàng nào không đọc được, robot không đảo, sẽ tự động đi tiếp lên băng chuyền phía trên.

"Khi chúng tôi gửi thiết kế đó cho bên đối tác nước ngoài, họ rất ngỡ ngàng. Họ nói rằng không thể nào nghĩ ra được một cách đơn giản hơn như vậy, không cần đến cả robot ở băng tải cuối cùng. Đúng là chỉ có Việt Nam mới sáng tạo được cách này, mưu kiểu du kích".

Đối tác cũng rất tâm đắc với giải pháp này vì máy scan không cần đọc các kiện hàng "lỗi" nên không làm chậm tốc độ băng chuyền. Họ chỉ cần hỗ trợ tăng băng tải từ 3 kg lên 4 kg.

Kỳ tích ngành logistics đến từ chiếc máng trượt 18 triệu đồng và giải pháp chưa từng có trên thế giới tại Viettel Post - Ảnh 5.

Bản thiết kế trên giấy đã hoàn thiện, nhưng quá trình triển khai lắp đặt của Viettel Post đã gặp khó bởi Covid. Do dịch bệnh, các chuyên gia nước ngoài không thể sang để giám sát lắp đặt như dự kiến trước đó.

Ông Hưng đã triệu tập cuộc họp, yêu cầu các cán bộ Viettel phải xây dựng trung tâm đúng thời hạn bằng cách tự tìm giải pháp. Với kinh nghiệm từ việc lắp đặt các dây chuyền chia chọn tự động trước đó, họ cam kết với đối tác nước ngoài có thể tự chủ việc lắp đặt và các đối tác chỉ cần giám sát qua video call.

Khi thử nghiệm tích hợp hệ thống chia chọn hàng nặng lên băng chuyền thì Viettel Post gặp một vấn đề khác, xảy ra ở cuối hệ thống khi kéo hàng ra xe tải.

Đó là phải dùng 41 đầu ra cho hàng nặng và giá mỗi đầu ra nhập ngoại là 600-700 triệu đồng, tổng chi phí còn cao hơn cả hệ thống băng chuyền.

Kỳ tích ngành logistics đến từ chiếc máng trượt 18 triệu đồng và giải pháp chưa từng có trên thế giới tại Viettel Post - Ảnh 6.

"Công nghệ sinh ra để làm rẻ đi, không phải đắt hơn", ông Hưng chia sẻ với đội ngũ của mình như vậy và quyết định phải tìm ra giải pháp khác.

Trong khi các kỹ sư suy nghĩ về giải pháp với động cơ mà các công ty ở Châu Âu vẫn làm, CEO Viettel Post nhớ lại một trò chơi ngày còn nhỏ dựa trên một nguyên lý vật lý: Biến thế năng thành động năng.

Sau đó, đội ngũ Viettel Post phát minh ra một chiếc máng trượt rất dài mà không cần động cơ để dẫn hàng từ trên cao trượt xuống vào thẳng thùng xe tải. Họ cắt máng, cân chỉnh và tìm ra độ cao hoàn hảo ở góc 20 độ. Thế là một hệ thống chưa từng có trong lịch sử logistics hiện đại đã ra đời ở Việt Nam.

Chiếc máng với chi phí sản xuất chỉ 18 triệu đồng lại có thể đáp ứng hoàn hảo cho việc chuyển hàng, đồng thời có khả năng chứa được một lượng hàng lớn trước khi được đưa lên xe tải khiến các chuyên gia nước ngoài vô cùng bất ngờ và phải công nhận đó là giải pháp vô cùng thông minh.

"Tại sao tôi lại tiết kiệm chi phí tối đa như vậy? Vì ở Việt Nam, bình quân cước chuyển phát của 1 bưu phẩm chỉ có 26.000 đồng trong khi ở châu Âu khoảng 182.000 đồng (8 USD). Nếu đầu tư hệ thống đắt như họ thì mình dùng nhân công còn lợi hơn là máy móc", ông Hưng kể lại - "Chúng tôi vô cùng sung sướng, sửa lại bản thiết kế và đặt gia công hệ thống máng trượt ngay tại Việt Nam".

Kỳ tích ngành logistics đến từ chiếc máng trượt 18 triệu đồng và giải pháp chưa từng có trên thế giới tại Viettel Post - Ảnh 7.

Kỳ tích ngành logistics đến từ chiếc máng trượt 18 triệu đồng và giải pháp chưa từng có trên thế giới tại Viettel Post - Ảnh 8.

Có một câu chuyện luôn được nhắc đến trong những chia sẻ của ông Trần Trung Hưng hay bất cứ nhân sự nào: Viettel Post sẽ là sân chơi, cầu nối hỗ trợ các startup công nghệ logistics khác trong cuộc chơi thời công nghiệp 4.0.

Một hệ thống kho thông minh bao gồm 6 giai đoạn vận hành chủ yếu bằng robot: (1) Lấy hàng từ đầu nhập về nơi tập kết hàng hóa, (2) Chuyển hàng từ mặt đất lên hệ thống giá kệ thông minh, (3) Xếp đặt hàng vào giá kệ thông minh, (4) Vận chuyển nhóm hàng hóa từ giá kệ sang nơi đóng gói, (5) Đóng gói hàng hóa - trong đó robot tự đóng gói và dán nhãn, (6) Hệ thống băng tải phụ trợ luân chuyển hàng hóa từ kho ra hệ thống chia chọn.

Trong quá trình xây dựng hệ thống kho thông minh tại Tp.HCM, Viettel Post làm việc cùng 4 đối tác Việt Nam, trình bày bài toán yêu cầu và cho biết sẵn sàng mua robot của họ ngay từ giai đoạn nghiên cứu.

Khi 4 đối tác gặp mặt, ông Hưng đặt câu hỏi: Chúng ta nên chơi cuộc chơi độc lập hay chơi cùng nhau?

Trước tình trạng 4 đối tác "thích chơi riêng", ông Hưng họp riêng nhóm Viettel Post và nói: "Nếu cần thì người Viettel Post cũng sẽ làm được nhưng chúng ta đã gửi một thông điệp rất rõ ràng là Viettel Post sẽ trở thành hệ sinh thái để tất cả các doanh nghiệp tham gia cùng. Chúng ta đã thành công và chia sẻ công nghệ cho nhiều DN chuyển phát. Nhưng bây giờ đối với DN công nghệ logistics mà chúng ta vẫn tự làm thì Việt Nam sẽ không bao giờ có DN công nghệ logistics. Nếu tư tưởng các bạn vẫn là mạnh ai người nấy làm thì chúng ta chỉ kết nối được 1 bạn, mất đi 3 bạn".

Kỳ tích ngành logistics đến từ chiếc máng trượt 18 triệu đồng và giải pháp chưa từng có trên thế giới tại Viettel Post - Ảnh 9.

Từ quan điểm đó, đội ngũ Viettel Post suy nghĩ tìm cách để tạo ra sân chơi mà các doanh nghiệp đối tác có thể liên thủ với nhau. "Một cái kho có rất nhiều công đoạn khác nhau, chúng tôi chia ra theo thế mạnh. Tùy thế mạnh ở công đoạn nào sẽ được nhận công trình chỗ đấy. Nhưng dù bạn nhận độc lập thì 4 hệ thống này phải tích hợp được với nhau. Nếu không tích hợp được với nhau thì không thành công. Khi các bạn đã rõ sân chơi, rõ vị trí của nhau mà không chuyền bóng cho nhau thì sẽ không bao giờ thành công".

Sau lời tuyên bố rõ ràng đó, các đối tác Việt Nam lập tức thay đổi, tự ngồi họp bàn, tự nhận vị trí trên sân.

"Tôi thấy rất thú vị vì sự chung tay và quyết tâm đó. Và nếu như đối tác nước ngoài cho biết, nhanh nhất phải 6 tháng mới xong được 1 hệ thống kho thông minh ở mức độ 300.000 đơn/tháng thì chúng tôi chỉ mất 1 tháng 2 tuần để tích hợp xong toàn bộ" - ông Hưng kể lại.

CEO Viettel Post nhận xét, việc các đối tác logistics trong nước hợp tác để làm được những điều tưởng như không thể cho thấy tiềm năng công nghệ của người Việt Nam còn rất lớn. Nếu có các doanh nghiệp đứng vai trò dẫn dắt, và đứng vai trò là nhà đầu tư thì chắc chắn các startup của các ngành nghề đều có cơ hội phát triển.

Kỳ tích ngành logistics đến từ chiếc máng trượt 18 triệu đồng và giải pháp chưa từng có trên thế giới tại Viettel Post - Ảnh 10.

"Mọi người thường nói là Covid gây ra khó khăn nhưng chúng tôi đổi tâm thế, hãy nhìn Covid với 1 tinh thần tích cực. Có hay không có Covid thì băng chuyền cũng phải đầu tư xong, không có gì khác biệt cả. Tôi nói với anh em, chúng ta đã gặp may nhờ Covid vì nhờ nó chúng ta mới dừng lại, và chính trong thời gian không có chuyên gia nước ngoài hỗ trợ, chúng ta mới táo bạo để tạo ra những giải pháp đột phá và làm chủ được công nghệ" - ông Trần Trung Hưng chia sẻ.

Vậy là lần đầu tiên, Viettel Post làm chủ hệ thống logistics thông minh tích hợp với khả năng chia chọn hàng hóa khối lượng lớn (có thể lên tới 50 kg), chi phí siêu rẻ. Với hệ thống vận hành bằng robot ra tận cửa xe, từ số lượng 180 công nhân, giờ Viettel Post chỉ cần 28 người. Nếu trước đây, hệ thống cũ cần phải tập kết hàng hóa 6 tiếng thì giờ chỉ cần 2 tiếng.

Kỳ tích ngành logistics đến từ chiếc máng trượt 18 triệu đồng và giải pháp chưa từng có trên thế giới tại Viettel Post - Ảnh 11.

Hệ thống chia chọn nói trên giúp cho toàn bộ hàng hóa miền nam được chia chọn từ tp.HCM đến tận Quận/huyện của 63 tỉnh thành trên toàn quốc, sau đó được giao tới tay khách hàng mà không cần chia chọn lần hai. Trung tâm Logistics thông minh này chính là một hạ tầng logistics hoàn chỉnh giúp khách hàng chuyển hàng rẻ hơn, an toàn hơn và đặc biệt là nhanh hơn. Trong phạm vi Tp.HCM, Bình Dương, Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Viettel Post chỉ cần 2 tiếng để giao hàng.

Theo CEO Viettel Post, để xây dựng hạ tầng logistics thông minh tại Việt Nam, có 4 vấn đề cần các công ty công nghệ logistics phải giải quyết.

Một là phải làm chủ công nghệ.

Hai, công nghệ sinh ra để tạo ra giá trị thì phải rẻ.

Ba là thái độ của người khởi xướng. Nếu thái độ là sẵn sàng chia sẻ, cởi mở thì sự quân tử đó sẽ được người khác ủng hộ và tạo dựng niềm tin. "Với Viettel Post, chúng tôi sẽ chia sẻ cởi mở về chi phí cấu thành nên hệ thống của mình. Người khởi xướng phải là người rất cởi mở thì mới thu hút được người khác" - ông Hưng nói.

Cuối cùng là cả những người khác tham gia cũng cần chân thành, cởi mở, chia sẻ và hợp tác. "Nếu chúng ta cứ coi nhau như đối thủ thì chẳng bao giờ học được một cách đúng đắn mà chỉ đi ăn cắp công nghệ", ông Hưng nhận xét.

CEO Viettel Post cho rằng, nếu như nhìn nhận, mỗi một người hay doanh nghiệp Việt Nam đều có sứ mệnh phụng sự tổ quốc, làm chi phí logistics giảm xuống và làm cho logistics thông minh trở thành lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam thì việc hợp tác với nhau sẽ thành công. "Đó là đích mà chúng tôi hướng đến", ông Hưng nói.

Minh Trang - HL
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên