Mẹ đã đợi bố hơn nửa cuộc đời, bao nhiêu nước mắt cũng đã chan hòa với dòng ký ức mệt nhòa của cả đời người. Giờ đây khi đón bố về với gia đình, mẹ bảo không sợ chết nữa, sang thế giới bên kia mẹ vẫn tiếp tục đi tìm bố.
Có một khúc ca Nhật buồn thảm mà mỗi khi vang lên lại khiến người nghe não nùng cả con tim. Có một người vợ trong suốt 52 năm đã luôn ngân nga khúc ca đó, vừa hát mà cũng như khóc, vừa chờ đợi tin chồng. Dù tuổi cao sức yếu, dù tiếng Nhật câu nhớ câu quên nhưng bài hát "Đợi chồng", cụ Xuân hát không sót một từ nào.
"Ngồi buồn em trông xa xa
Mong ngóng anh về cùng em
Một mình em đây cô đơn
Mong sao ngày mai có tin anh về...".
Lần đầu tiên tôi gặp cụ Nguyễn Thị Xuân (94 tuổi, thôn Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội) không phải trong căn nhà nhỏ treo đầy ảnh của cụ và con cháu. Hôm đó là một buổi chiều mưa, cụ Xuân đang nằm điều trị tại phòng bệnh đặc biệt của Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội).
94 năm rồi, con tim "dở chứng" cùng đủ thứ bệnh tuổi già khác khiến cụ đau yếu đi nhiều. Cuộc trò chuyện ngắn ngủi chỉ qua khẩu hình miệng và những ngón tay, tôi nghe được trong đó một niềm vui đặc biệt. Đó là khi cụ báo tin rằng con cháu sẽ lên đường thăm người chồng Nhật mà cụ yêu thương và chờ đợi hàng chục năm qua. Ai cũng hy vọng chuyến đi này sẽ mang về nhiều hơn những kỷ niệm đẹp để cụ Xuân vững vàng khỏe mạnh! Nhưng chuyện đời lắm khi lại không theo ý người...
Đứng ngoài cửa phòng bệnh chờ vào thăm mẹ sau khi trở về từ quê nội, trong dòng suy nghĩ cô Nguyễn Thị Phương (70 tuổi, con gái cả cụ Xuân) đầy đắn đo về một việc. "Trước sau gì bà cũng biết, chỉ là sớm hay muộn thôi", nghĩ vậy cô Phương lấy hết can đảm mở lời:
"Mẹ à, bố con mất rồi".
Ông Shimizu Yoshiharu (SN 1919, tên Việt Nam là Nguyễn Văn Đức) đã qua đời ở tuổi 98 sau thời gian dài bị tai biến. Vượt hơn 4.000 km từ quê mẹ về thăm quê bố, cô Phương mang trở về Việt Nam một nắm tro tàn của người cha quá cố. Đeo bám theo đó là nỗi đau day dứt của người con gái cả một đời tủi hờn vì từ nhỏ đã thiếu vắng tình thương của cha. Nay đến năm 70 tuổi lại thêm một lần đau nữa...
Chuyện đời của cô Phương y như một thước phim quay chậm, mà giờ mỗi khi nhớ tới nước mắt cô lại chan hòa với những dòng ký ức đó. Một buổi sáng chủ nhật, cô Phương ngồi kể cho chúng tôi nghe. Cô bảo cũng chẳng có gì nhiều, chung quy lại chỉ là nhớ và thương.
Tuổi thơ của con là những ngày cha vắng nhà, mẹ tần tảo sớm hôm
Mỗi người một số phận và tôi biết mình không được như nhiều người khác. Mặc cảm từ tấm bé và cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nghĩ mình khổ. Lúc còn thơ bé tôi không nhận thức được mọi thứ xung quanh, bố là người như nào, ông có đối xử tốt với tôi không? Tất cả chỉ được hồi ức qua những dòng tưởng tượng.
Mẹ Xuân kể, khi tôi lên 5 (năm 1954), bố tôi là ông Shimizu Yoshiharu chia tay gia đình và xách ba lô, đi về hướng thị xã Thanh Hóa. Mẹ tôi lúc này tay bế, tay dắt con, thêm con trong bụng như đứng giữa ngã 3 đường không biết đi đâu về đâu nơi chốn đường đời này. Chia tay bố, mẹ trở lại ngôi nhà nhỏ ở Hà Nội gồng gánh nuôi 3 con nhỏ, ngày ngày đợi chờ người đi xa trở về. Nhưng mẹ cứ đợi năm này qua tháng khác, người đi cứ đi mãi. Bố bảo đợt này chỉ đi 5 tháng rồi về, nhưng 5, 10 năm rồi đâu ai ngờ bố lại đi mãi thế không thấy về.
Trước khi đi xa, bố có đôi lời khẽ dặn mẹ: "Tôi đi lần này ít là 5 tháng, nếu lâu hơn thì Xuân tự lo. Xuân nhớ, đừng bao giờ để các con thất học". Hoàn cảnh gia đình lúc đó cũng chẳng khấm khá gì mấy nhưng vì nghe lời chồng, thương con, mẹ cố gắng tần tảo sớm hôm để tôi có thể đến trường như những đứa trẻ cùng trang lứa khác.
Sáng đi học, chiều về chăn trâu cắt cỏ bế em đỡ đần mẹ, tối về còn có việc nhà cần phải lo toan - một ngày thường "bận bịu" đến quên đi bản thân mình như thế. Mọi thứ lúc đó cứ xoay vòng một cách vội vã. Như vậy cũng tốt thôi vì cả 2 mẹ con sẽ vơi đi nhiều nhớ nhung mỗi lần nhìn ảnh bố. Mỗi ngày tôi vẫn cứ tưởng tượng và hình dung thêm 1 tí về bố, vì đứa trẻ lúc 5 tuổi được bố bồng bế chẳng thể nhớ rõ từng đường nét trên khuôn mặt ông. Cứ thế bố luôn hiện hữu trong những tầng suy nghĩ chắp vá vẩn vơ của con trẻ!
Tôi được đi học là một niềm vui bất tận và đong đầy hạnh phúc bởi trường lớp khi đó là cả ước mơ lớn của lũ trẻ nhỏ. Niềm vui chỉ chợt tan biến khi có những ngày bạn bè cứ bàn tán xì xào và "ném" cho tôi những cái nhìn đầy mặc cảm.
"Nó là con người Nhật đó!".
Tôi buồn khi nghe được câu nói trên, nhưng trên hết là một sự tủi hờn đầy đau đớn. Tôi biết mình nhỏ bé, không là gì nên phải biết cách sống làm sao cho bạn bè yêu mến. Hoặc chí ít là lớn lên trong suy nghĩ, ngày nào tôi cũng mong đợi bố về, dù rằng đợi mãi, đợi hoài nhiều khi đến mức tuyệt vọng. Mọi đứa trẻ đều thích được bố đưa đến trường, và tôi những năm tháng ấy cũng từng khát khao điều tưởng như giản đơn đó.
Những năm 15, 16 tuổi, bất cứ trường nào chiêu sinh tôi đều xin mẹ Xuân cho đi học. Giờ cái quan trọng là phải học, phải có con chữ nên học được đến lúc nào hay lúc đó. Cho đến ngày sức khỏe mẹ yếu, sau còn 2 đứa em cần chăm sóc tôi bỏ học về làm ruộng phụ mẹ. Giờ đây trong gia đình, mình là người lớn nhất nên phải chấp nhận sự vất vả, tôi không dám đi đâu cũng chẳng buồn nghĩ gì nhiều cho bản thân. Chỉ có duy nhất một lần, tôi thẩn thơ ngẫm nghĩ về quê hương bố. Dù không được sinh ra hay lớn lên tại Nhật Bản nhưng tôi cũng tự hào lắm. Bởi lẽ trong con người này, có 2 dòng máu vẫn ngày đêm chảy mãi không ngừng.
Đến tuổi dựng vợ gả chồng, tôi có mẹ bên cạnh nhưng vẫn không có bố. Nhiều người họ có ý đến với mình nhưng phận con gái nghĩ về hoàn cảnh gia đình không toàn vẹn, lại cảm thấy tủi thân phần nhiều. Tôi dành cả thanh xuân chỉ để sống trong những suy nghĩ đầy mặc cảm, trong mớ ký ức hỗn độn về người bố chỉ sống trong tiềm thức. Nhưng rồi đến một lúc, mình phải phá bỏ những thứ gọi là tủi hờn đó đi. Đơn giản chỉ là bố chưa về, chứ đâu phải không về, tại sao bản thân lại không tự đi tìm ông cũng như tự tìm về với gốc gác tổ tiên của mình?
Con bây giờ vẫn hay khóc. Nghĩ về bố, con khóc suốt đời
Nhờ sự trợ giúp của những gia đình người quen tại Nhật Bản, thời gian sau đài truyền hình NHK đã về Việt Nam làm một bộ phim về mẹ con tôi. Sau giờ phát sóng, chúng tôi nhận được bức thư đầu tiên từ bên Nhật. "Tôi sẽ sang thăm Xuân. Xuân mặc áo dài ra đón tôi nhé". Mọi chuyện như chực vỡ òa, là bố, chính là bố, chính là ông Shimizu của mẹ. Tuy nhiên, bố khi đó không còn của riêng mẹ con tôi nữa rồi. Bố đã có một gia đình nhỏ sau khi về nước, một người vợ và 3 người con khác. Mẹ Xuân chỉ biên gửi một bức thư ngắn gọn: "Tôi không ngờ, tôi lại mất anh?".
Đáp lại bức thư đầy chua chát, đớn đau ấy, bố gửi tặng mẹ một đôi đũa, 3 chiếc thìa và 1 đôi tất mà tất cả ngụ ý chỉ mỗi mình mẹ hiểu: "Trước sau vẫn là vợ chồng/ Còn con, còn cái vẫn còn ấm chân". Rồi bố tặng mẹ 10 chiếc khăn mặt để lau nước mắt bởi trong suốt hơn 52 năm qua mẹ có những ngày tưởng chừng như hóa điên đợi chồng.
Năm 2006, bố khi đó tuổi cũng đã cao, sức khỏe cũng yếu nhưng vì lời hứa năm nào, bố ngồi xe lăn cố gắng vượt quãng đường xa về với mẹ con tôi. Hơn 50 năm đợi bố không bằng giây phút ngóng trông tại sân bay Nội Bài năm đó. Xa xa, nhìn thấy bố vất vả ngồi trên xe lăn, chúng tôi đã òa khóc nức nở. Riêng mẹ chỉ im lặng: "Tôi không còn nước mắt để khóc nữa rồi".
Khoảnh khắc được gặp và ôm chầm lấy bố, tôi nghẹn ngào rưng rức như cô bé của năm 7 tuổi. "Bố, bao ngày con mong ước, bao ngày con chỉ sống trong tưởng tượng. Giờ bố bằng xương bằng thịt đang đứng trước con đây rồi!". Có người hỏi, ngày đoàn tụ sau hơn 52 năm có vui không? Tôi chỉ khẽ đáp: "Vừa buồn vừa vui, chứ mọi chuyện chẳng thể được trọn vẹn". Khi đó, bố ở lại Việt Nam đúng 5 ngày. Chúng tôi cùng nhau đi thăm Lăng Bác, đền Ngọc Sơn và nhiều nơi khác ở Hà Nội. Lúc gặp lại, bố nói mình hối hận nhiều lắm. Trên sân thượng, bố nắm tay mẹ rưng rưng: "Tôi mừng vì Xuân khỏe. Tôi có lỗi với Xuân, Xuân có giận tôi không. Tôi vì nhiệm vụ mà coi nhẹ gia đình, không làm gì được cho các con cả. Xuân bảo tôi giờ phải làm thế nào?".
Mẹ chỉ lặng lẽ đáp: "Tôi chẳng cần gì cả, chỉ cần ông về thăm, thế là đủ".
Bố vẫn còn sống nhưng chúng tôi chỉ được ở cùng ông đúng 5 ngày. Những lúc bố con đoàn tụ đáng nhẽ nên vui nhưng chả hiểu sao dù năm đó đã 60 tuổi, tôi vẫn khóc nhiều. Chuyện là ngày xưa bố được về phép có chở tôi đi chơi bằng xe đạp. Đến cây cầu bắc qua sông, ông dừng lại vác xe đi sang bên kia trước. Nghĩ như nào tưởng bố bỏ mình, tôi khóc toáng lên. Chỉ khi bố quay lại đón, tôi mới nín đi đôi tí. "Đến giờ bé vẫn hay khóc nhiều lắm", bố nói.
Tôi nhìn ông: "Con bây giờ vẫn hay khóc vì vắng bố. Nghĩ về bố, suốt đời con khóc".
Giờ mẹ không sợ chết, sang thế giới bên kia mẹ vẫn đi tìm bố
Mẹ vẫn hay bảo tình yêu vốn không có luật lệ, không có đúng sai. Cho đến cuối cùng, tình yêu đẹp hay không đẹp, tất cả đều do cách chúng ta nhìn nhận và đánh giá. Hơn nửa thế kỷ đợi chờ, khi nhớ lại dường như những năm đó với mẹ chỉ như một thoáng đợi chờ dễ dàng bị xóa mờ. Chỉ có kỉ niệm và tình yêu đẹp mới là thứ mẹ không thể quên. Sau 5 ngày ngắn ngủi ấy, bố về lại Nhật Bản. Điều hạnh phúc nhất là khi cả 3 người - bố và 2 mẹ - cùng chụp chung một bức ảnh. Mẹ sẽ chẳng cần lắm tấm hình trước đó cắt ghép 3 người lại với nhau nữa. Luôn luôn như thế, bố ngồi giữa và 2 mẹ kề hai bên.
11 năm sau, gia đình tôi nhận được thông báo về chương trình hội ngộ do Nhà nước Nhật Bản tổ chức để con các cựu chiến binh Nhật có thể về thăm quê hương. Niềm vui sướng và háo hức dâng lên trong suy nghĩ mỗi người chúng tôi. Có lẽ đây là lần hội ngộ thứ 2 sau hơn chục năm. Tháng 10/2017 tôi sẽ lại được ôm bố và khóc, tôi đã từng mơ về điều đó đầy hào hứng như thế.
Tuy nhiên trong khoảng thời gian này, sức khỏe mẹ yếu dần. Một ngày nắng gắt tháng 5/2017, mẹ Xuân nhập viện. Khi đó con tim mẹ mệt quá rồi sau 94 năm hoạt động, bác sĩ còn chẩn đoán mẹ bị suy phổi dẫn đến tràn dịch. Dù xung quanh người đời xôn xao, rằng giờ mẹ cũng hơn 90 tuổi rồi con cháu còn tốn công chạy chữa nữa làm gì. Cuộc đời mẹ đúng là qua 94 mùa xuân rồi, nhưng gần trăm năm đó mẹ được gì? Sau tất cả, mẹ chả có gì ngoài những đứa con và người chồng ở cách đó 4.000 km. Cả đời mẹ tần tảo một mực vì chồng vì con, vất vả đến mấy chị em tôi cũng phải cố gắng cứu mẹ. Lắm lúc nằm viện mẹ đòi về, tôi dặn 2 đứa em phải nấp đi để mẹ khỏi nhìn thấy mà thương.
"Giờ cho mẹ về để mẹ chết à?".
Mẹ nói: "Chết cũng được, chết để đi tìm ông Shimizu".
Những ngày cận kề chuyến bay sang Nhật, chúng tôi nhận được tin bệnh tai biến của bố ngày một nặng thêm. Và mọi chuyện thực sự đã xấu đi như những gì chúng tôi từng nghĩ tới nhưng chẳng bao giờ mong chờ. Lần thứ 2 hội ngộ, tôi ôm bố chặt hơn, nâng niu hơn, cẩn thận hơn… qua hũ đựng tro. Lần này, tôi mất bố thật rồi! Cái quy luật sinh - lão - bệnh - tử chẳng chừa một ai, bố già rồi nhưng chẳng ai nghĩ cái ngày này nó đến nhanh và vội vã như vậy.
Đúng theo nguyện vọng của 2 bên gia đình, chúng tôi xin mang hài cốt bố về Việt Nam, để gần mẹ Xuân, gần chúng tôi hơn. Khoảng cách 4.000 km giờ cũng chả còn là gì, một phần con người bố đã về với mẹ con tôi. Vậy là tính cả trong hơn 70 năm đời, tôi chỉ được gặp bố đúng 1 lần, là sau 52 năm chờ đợi. Lần thứ 2 này coi như không tính!
Ngày đưa hài cốt bố về nhà, mẹ không khóc. Mẹ bảo bao nhiêu nước mắt gần nửa đời qua mẹ khóc đủ rồi, giờ phải mỉm cười vì lần này bố về luôn với mẹ con mình. Mẹ chỉ vào chiếc gối nhỏ bên trong có một chiếc áo quân phục Nhật Bản được khoác ngoài lá cờ Việt Nam. "Đây là ông Shimizu, là bố các con". Mẹ vẫn ôm chiếc gối ngủ hàng đêm. Rồi ngày đón bố về, mẹ vẫn cứ ôm chặt như thế mà sụt sùi:
"Ông Shimizu nhà tôi mất thật rồi. Ông không bao giờ đánh mắng tôi, thương tôi lắm. Cuộc đời tôi phải chịu khổ quen rồi, còn ông ấy phải lấy người nữa. Cũng có nhiều người đến với tôi nhưng không ai thay được ông Shimizu. Bây giờ tôi không sợ chết nữa, chết cũng được vì ông ấy cũng đi rồi. Sang thế giới bên kia tôi lại đi tìm ông.
Shimizu, ngày ông về tụ họp cả gia đình, đông con đông cháu vui thì có vui. Nhưng buồn là buồn mất chồng".
Trí Thức Trẻ