img

Chiều Chiềng Yên nắng xuyên qua từng kẽ lá, những con đồi chạy dài nối tiếp nhau, tiếng chuông gió khẽ đung đưa hoà vào gió. Đường vào bản Bống Hà cheo leo giữa một bên vực một bên núi. Núi rừng Tây Bắc bao giờ cũng thế: hùng vĩ, đồ sộ và nguyên sơ, nguyên thuỷ như chính con người nơi đây. 

Con đồi dốc trước mặt thẳng đứng như muốn nuốt chửng bất cứ ai đặt chân tới. Ấy vậy mà, lũ nhỏ nối đuôi nhau chạy tíu tít không biết mệt. Chốc lát, chúng đứng trên đỉnh đồi, cười nói ngạo nghễ như những người hùng thực thụ.

- "Chiến, Chiến ơi, dắt bò về", cụ bà tầm 70 tuổi thở hổn hển khi bắt kịp lũ trẻ. 

Tiếng "Dạ" kéo dài vang vọng khắp núi đồi. Dứt lời, Vì Quyết Chiến (13 tuổi) hì hục "tóm cổ" chú bò đực phía đằng xa, kéo xềnh xệch cùng băng qua con đường thân quen về nhà. Chiến lém lỉnh cưỡi bò, được chừng khoảng 5 giây trước khi cậu ngã lăn quay, tiếp đất đầy hớn hở. 

Hoàng hôn dần buông sau những ngày dài triền miên. Đứng trên đỉnh đồi nhìn xuống, cả bản Bống Hà thưa thớt dân cư, chủ yếu là dân tộc Thái, nghèo đói tiếp diễn từ ngày này qua ngày khác. Cuộc sống dù thiếu ăn thiếu mặc, nhưng chẳng bao giờ thiếu tình thương. Về với núi rừng Tây Bắc sau hành trình "để đời", Chiến được chở che, được cuộn tròn mình như một chú sâu con giữa mênh mông đất trời. 

Lên bản Bống Hà gặp cậu bé đạp xe 100km thăm em: Vì vạn sự đều có bắt đầu và kết thúc, chỉ có anh em mình luôn luôn bên nhau - Ảnh 3.

4h30 sáng ở Chiềng Yên, trời vẫn còn tối thăm thẳm, sương bắt đầu giăng khắp bản làng, mưa phảng phất, đôi lúc nặng hạt. Trong nhà, Chiến thức giấc đầu tiên. Cậu gọi đứa em thứ 2 nằm kế bên, tên Vì Khánh Như (7 tuổi) thức dậy. Hôm nay 2 đứa trẻ đều phải đến trường.

Chiến và Như cùng đánh răng. Chiến xong trước, lên nhà rang cơm sẵn đợi em. Chúng có khoảng 1 tiếng chuẩn bị trước khi rời khỏi nhà. 

Trường Tiểu học của Như nằm ngay sát bên nhà, cô bé đi bộ vài bước chân là tới. Còn trường của anh trai cách nhà khoảng 4km, đạp xe mất 50 phút. 

5h30, Chiến dắt từ trong nhà dưới ra chiếc xe đạp địa hình mới coóng, phanh trước phanh sau đầy đủ. Chiến mê xe đạp, cậu cứ ngắm nghía chiếc xe hồi lâu. Cậu nhón chân bước lên, lấy sức đạp một phát thật mạnh. Xe lăn bánh, Chiến ngoái đầu chào ông bà nội bằng tiếng Thái, rồi lao vun vút đến trường.

Mấy ngày nay ở trường, Chiến là người nổi tiếng. Lớp trên lớp dưới ở trường Chiềng Yên đều biết đến hành trình "không phanh", vượt 100km xuống Hà Nội thăm em của cậu bé Vì Quyết Chiến. Có đứa hỏi thăm tình hình em trai Chiến, chia sẻ và động viên; đứa khác lại tò mò: Hà Nội đẹp không, lớn không? Hà Nội có gì?

Với Chiến, Hà Nội có em trai út Vì Văn Lực (2 tháng tuổi). 

Lực sinh non 1 tháng, viêm gan do rối loạn chuyển hoá, viêm phổi, vàng da ứ mật, suy dinh dưỡng nên phải nằm viện điều trị. Từ lúc mới sinh nặng 1,9kg, nay bé Lực chỉ còn 1,7kg. Gần đây nhất, các bác sĩ tại Khoa Gan mật, Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiến hành cắt mổ 10 phân đường ruột của bé. Để chăm con, bố mẹ Chiến là anh Vì Văn Nam và chị Hà Thị Sâm để 2 con ở lại cùng ông bà nội, đưa bé út xuống Hà Nội thăm khám...

Tiếng trống trường giòn tan vang lên giữa không trung, ngắt quãng cuộc trò chuyện của lũ nhỏ. Đã đến giờ chúng tập hợp cho bài thể dục buổi sáng. Hành trình phiêu lưu của Chiến, chúng sẽ dành tán gẫu hồi sau.

Đúng 7h30, lớp học chính thức bắt đầu. Mặc dù học lớp 7 nhưng Chiến chỉ nặng khoảng 20kg, thấp bé hơn so với đám bạn cùng trang lứa. Chiến ngồi bàn đầu, ngay cửa sổ nhìn ra núi rừng Chiềng Yên mênh mông. Đôi lúc trong cơn mơ màng, cậu khẽ nhìn ra bên ngoài. 

4 tiết học chậm rãi trôi qua, gần 12 trưa Chiến đạp xe về nhà. Bữa cơm trưa hôm đấy có 3 món, Chiến nấu món canh bí đỏ thuần thục. Nhà có khách, ông bà quyết định làm thịt con gà tiếp đãi, vì thế mà bữa cơm có thịt, mọi ngày toàn rau với củ. Trong mâm cơm, hầu như Chiến không nói chuyện.

Giấc ngủ trưa chập chờn kéo dài chừng 30 phút, cậu thanh niên 13 tuổi xuống nhà dưới vác con dao gắn bên người, đầu đội mũ cối, vai khoác chiếc túi bao tải nhỏ, lặng lẽ lên đường. Khánh Như thấy anh trai đi lên đồi cũng chạy theo. Những đứa trẻ ở Bống Hà chẳng có nhiều trò chơi như trẻ em dưới đồng bằng, chúng xem công việc chăn bò là một niềm vui mộc mạc. 

Lên bản Bống Hà gặp cậu bé đạp xe 100km thăm em: Vì vạn sự đều có bắt đầu và kết thúc, chỉ có anh em mình luôn luôn bên nhau - Ảnh 5.

Sau giấc ngủ trưa, Chiến chuẩn bị đi chăn bò.

Nhà Chiến có 5 con bò, cả đực lẫn cái. Sáng bà nội dắt bò lên, chiều 2 đứa trẻ chăn thả xong dắt về chuồng. Trẻ em vùng núi luôn tự hào về bản năng nhanh nhẹn vốn có, mà từ khi sinh ra chúng đã được rèn giũa. 1km đường đồi dốc thẳng đứng như muốn ngã, Chiến và Như lao vun vút. Mấy năm qua, chúng đã quen như thế. 

Lũ bò gặm cỏ chạy nháo nhác giữa cái nắng nhẹ của bản làng, 2 anh em Vì Quyết Chiến tìm bóng râm chui vào nghỉ ngơi. Chốc sau, mấy anh em hàng xóm cùng tụm 5 tụm 7 đào hố bắt sâu. Đứa bắt nhái ở ao nhỏ gần đó, đứa kề đầu sát mặt đất, cố gắng dùng sức đào thật sâu. Rồi khi cả lũ đổ nước xuống cái hồ vừa đào, từng con dế sâu lần lượt "bơi" lên, chúng nhanh tay tóm sống, nhìn nhau cười khoái chí.

- "Giờ "xử lý" như nào với mấy con sâu nhỉ? - Chiến hỏi, bằng tiếng Thái.

- "Cột chúng vào dây, rồi bắn xa bay tự do nhé!" - Sang (14 tuổi), anh họ Chiến, đề xuất.

Mấy đứa trẻ mải chơi, trong khi hoàng hôn đang dần buông phía đằng xa, tiếng bà nội vang vỏng hoà vào tiếng chuông gió.

"Chiến, Chiến ơi, dắt bò về!".

Lũ trẻ giật mình, chạy tán loạn tìm bò. Với tốc độ "ánh sáng", chúng vừa lùa bò, vừa hát khúc đồng dao. Chả mấy chốc, Chiến đã dưới chân đồi, dắt bò về chuồng nhà mình. 

"Anh Chiến tắm trước rồi tới em nhé!", Vì Khánh Như "thương lượng" với anh trai. Chiến gật đầu, lao vào nhà tắm, dội vài gáo nước lạnh mát rượi. Chiến thay bộ đồ mới, theo ý nguyện của mẹ Sâm.

- "Anh Chiến ơi, mẹ gọi điện về hỏi anh mang áo mới chưa?", Như nói, tay cầm chiếc điện thoại đời cũ của bà nội.

- "Rồiiii!", Chiến hét lớn.

Như thủ thỉ với mẹ. 

- "Alo mẹ Sâm à, anh Chiến mặc áo mới rồi. À bữa nào mẹ về mua cho con quả chanh nhé".

- "Để làm gì?" - chị Sâm thắc mắc. 

- "Con pha nước chanh đường. Mai con gọi mẹ nha, dù gì mai con cũng được nghỉ học. Thế mẹ nha".

Như tắt máy, ngồi vào mâm cơm tối chỉ cơm trắng với đĩa rau xào. 

Xong bữa cơm tối, Chiến học bài dưới nhà bếp. Ánh đèn léo lét trong đêm, đứa trẻ nhìn từng con chữ mập mờ, đọc vang. Giữa màn đêm đen đặc ngoài kia, ánh sáng nơi con chữ tuy yếu ớt nhưng vẫn đang nỗ lực từng ngày giúp lũ nhỏ đổi đời. 

Ở lớp, Chiến học giỏi nhất môn nhạc. Khi được đề nghị hát một bài hát yêu thích, cậu cất cao giọng hát trong veo. Đôi mắt sáng trong ánh lên nhiều hy vọng, giọt nước mắt có phần "đong đưa", nhưng không rơi. Chiến hát, bình tĩnh và da diết.

"Mẹ là vòng tay, ôm ấp con qua những ngày đông

Mẹ là dòng sông, để con tắm mát trưa hè

Mẹ là rặng tre, che bóng con đi học về

Mẹ là bờ đê, để con vui với cánh điều

Mẹ làm thật nhiều, chỉ mong con yêu thành công

Mẹ chỉ ước mong, cho mai sau con sẽ nên người".

Sự hồn nhiên, trong trẻo của tụi nhỏ.

Lên bản Bống Hà gặp cậu bé đạp xe 100km thăm em: Vì vạn sự đều có bắt đầu và kết thúc, chỉ có anh em mình luôn luôn bên nhau - Ảnh 8.

2 vợ chồng anh Nam chị Sâm gặp nhau, thương nhau thời còn đi học. Như những cặp vợ chồng người Thái khác, anh chị kết hôn sớm và có 3 người con. Anh Nam hiện đang làm thuê bên điện lực, lương ba cọc ba đồng. Chị Sâm ở nhà lo việc đồng áng, trông cậy vào 2, 3 sào ruộng với 5 con bò. Một mùa được khoảng vài ba tạ lúa, không đủ trang trải.

Từ ngày sinh Lực, 2 tháng rồi chị Sâm chưa về nhà. Anh Nam tranh thủ vừa trông Lực ở Hà Nội, vừa về Sơn La ngó Chiến và Như. Để có tiền chữa trị cho Lực, gia đình vay mượn anh em họ hàng. 

Mọi năm, nhà anh Nam ăn Tết cũng to lắm. Nhưng năm nay, nhà không có Tết. 

"Mọi năm, các con các cháu, thậm chí dân làng khác cùng đến tổ chức. Con dâu trở dạ sinh Lực gần dịp Tết, 2 ngày sau sinh cấp tốc xuống Hà Nội. Chúng tôi không có Tết, chỉ thắp hương báo cáo ông bà tổ tiên. Điều kiện bệnh tật, hoàn cảnh biết làm thế nào. Tết buồn nhất trong suốt 74 năm cuộc đời của tôi" - ông nội Vì Văn Sơn tâm sự. 

Từ khi bố mẹ đưa em xuống Hà Nội, Chiến biết rõ tình hình bệnh của em. Thỉnh thoảng mẹ vẫn gọi điện về. Chiến chưa đi Hà Nội bao giờ, chỉ biết em Lực đang được nuôi lồng kính ở đó. 

Trưa 25/3, đi học về, Chiến nghe được cuộc hội thoại giữa ông nội và mẹ. Lực ốm nặng, bệnh tình chuyển biến xấu. Chị Sâm dặn gia đình chuẩn bị bộ áo quan hậu sự nhỏ, đi mua một quả trứng luộc, chuẩn bị thắp hương cho Lực. 

Nằm trên ghế, Chiến ôm mặt khóc nức nở. Chiến chưa bao giờ được nhìn thấy mặt em trai, từ ngày Lực sinh ra đều nằm viện. Suốt từ đó, Chiến cứ hy vọng, quyết tâm xuống gặp em Lực. "Nó sợ em nó chết mà chưa nhìn thấy mặt" - ông Sơn nói.

Lên bản Bống Hà gặp cậu bé đạp xe 100km thăm em: Vì vạn sự đều có bắt đầu và kết thúc, chỉ có anh em mình luôn luôn bên nhau - Ảnh 10.

"Em sợ em trai mất nên muốn xuống Hà Nội. Em không biết Hà Nội ở đâu, nhưng nhớ em quá, chưa bao giờ 2 anh em được nhìn mặt nhau". Chiến cất cặp sách vào bàn, xin ông nội 10 nghìn giả vờ xuống  trạm ăn quà, nhưng thực chất cậu băng qua đường bản Bướt, lén tìm cách ra quốc lộ 6, hướng thẳng Hà Nội.

Chiến đạp một mạch không nghỉ, không mệt, không đói. 5 tiếng trôi qua, đi qua 15 con đèo lớn nhỏ, Chiến mệt lả ở Hoà Bình. Không biết đường, cậu bé cứ chọn tuyến đường lớn mà đi, đoạn nào không biết thì hỏi. Đôi chân sưng vù, hai chiếc dép rách bươm. Mỗi lần đổ dốc hay qua đoạn đường khúc khuỷu, cậu bé phải lấy chân làm phanh "bất đắc dĩ", mùi dép chảy nhựa "khét lẹt" bốc lên. Đoạn nào khó đi, Chiến xuống xe dắt bộ. 

"Em có sợ nguy hiểm chứ, nhưng nghĩ đến em trai thì sợ hãi bay đi đâu hết luôn. Em đi hướng bên phải, bám ven đường, nhìn trước nhìn sau mới đi. Có đoạn em mệt quá bị ngất, một chiếc xe khách đi qua tưởng em bị tai nạn, họ xuống hỏi xin số điện thoại bố mẹ em. Các chú mới gọi cho bố. Nếu không gặp xe đó, em dự định đạp tiếp, chưa nghĩ về sau sẽ như nào..." - Chiến kể. 

Đến khoảng 8h tối, ông nội nhận được điện thoại của anh Nam, báo "thằng Chiến nó đạp xe xuống Hà Nội. Lúc ấy nói chung, cảm giác lòng tôi nặng nề lắm, vừa bực vừa thương cháu. Ban đầu, tôi còn không nghĩ được gì, tưởng tượng như có cái gì đó đè nặng lên vai. Cả 2 ông bà dọn cơm tối, nhưng chưa ai dám ngồi ăn".  

Bản làng được phen hốt hoảng, tính vận động bà con đi tìm Chiến ở những nơi cậu bé thường chăn bò, mò cua, bắt ốc. Có ai ngờ đâu Chiến lên đường cái, rẽ đi Hà Nội. 

Anh Nam xuống bến xe Mỹ Đình đón con trai mà lòng như "lửa đốt". Mấy anh phụ xe phải kiểm tra chứng minh thư của anh mới chắc chắn giao Chiến. Gặp lại bố, Chiến khóc oà, anh Nam vì thế cũng không cầm được nước mắt.  "Lúc đó, em đỡ sợ hơn và cảm thấy bình yên khi nép vào lòng bố" - Chiến nhớ lại. 

Anh Nam ngỏ ý gửi chút tiền cảm ơn nhóm phụ xe. Họ gạt phăng, đáp gọn: "Thôi ơn huệ gì, thằng nhỏ an toàn là được rồi". Đoạn, nói thêm: "Cố gắng thay cho cháu nó cái xe mới đi học, đứt phanh hết rồi". 

Anh Nam cười gượng. Nhà cửa, của cải trước đó dành hết để chữa bệnh cho Lực.

Trong đêm 25/3, hai mẹ con chị Sâm khóc oà khi nhìn thấy nhau. Đây là lần đầu tiên trong đời Chiến được nhìn khuôn mặt xinh xắn, thân hình bé hạt tiêu của em út Vì Văn Lực. Hạnh phúc ngập tràn, nhưng Chiến không dám khóc to, phần vì sợ bố la, phần khác lo em Lực tỉnh giấc giữa chừng. 

Sáng 26/3, Chiến được ở lại bệnh viện, cùng ăn sáng với bố và mẹ, trước khi anh Nam bắt xe cùng con về lại Sơn La. Cảm động trước tình cảm của Chiến dành cho em trai, một bác sĩ tại Khoa Gan mật đã mua tặng em một đôi dép mới và chi trả lộ phí để 2 bố con về Sơn La bằng ô tô. Cùng ngày, rất nhiều nhà hảo tâm đã có mặt tại Viện nhi trung ương hỗ trợ và giúp đỡ gia đình anh Vì Văn Nam.

Trước khi về lại bản làng, Chiến có đôi điều gửi gắm em út.

Lên bản Bống Hà gặp cậu bé đạp xe 100km thăm em: Vì vạn sự đều có bắt đầu và kết thúc, chỉ có anh em mình luôn luôn bên nhau - Ảnh 12.

"Lực à, cố gắng chống chọi với bệnh tật để sớm được về nhà em nhé. Sau này khoẻ mạnh, chúng mình sẽ cùng đi chăn bò, đá bóng. Anh sẽ rang cơm cho em ăn, đi học cùng em".

Bé Lực còn quan trọng hơn cả quan trọng, vì em là duy nhất đối với Chiến. Và là bởi vạn sự đều có bắt đầu lẫn kết thúc, chỉ có anh em chúng ta là luôn luôn bên nhau. Có nhau thôi là đủ.

Lên bản Bống Hà gặp cậu bé đạp xe 100km thăm em: Vì vạn sự đều có bắt đầu và kết thúc, chỉ có anh em mình luôn luôn bên nhau - Ảnh 13.

Lên bản Bống Hà gặp cậu bé đạp xe 100km thăm em: Vì vạn sự đều có bắt đầu và kết thúc, chỉ có anh em mình luôn luôn bên nhau - Ảnh 14.

Chiếc xe đạp "dã chiến" giúp Vì Quyết Chiến băng đèo, lội suối xuống Hà Nội là món quà của một người bác tặng, gắn bó với em đã 4 năm. Xe bị đứt cả phanh trước lẫn phanh sau nhưng bố mẹ không có thời gian sửa lại cho em.

Xúc động trước hành trình của Chiến, rất nhiều mạnh thường quân đã xuống trực tiếp nhà em ở Chiềng Yên, Sơn La, trao tặng những chiếc xe đạp mới. Chiều 28/3, anh Nguyễn Công Tuyến (chủ một đại lý xe đạp ở phường Chiềng Lề, TP Sơn La) đã bàn với gia đình dành tặng cho Chiến một chiếc xe đạp địa hình. Anh Tuyến trước khi rời đi, đã xin lại chiếc xe cũ không phanh của Chiến với mục đích tổ chức đấu giá, dành toàn bộ số tiền gửi lại anh Nam chị Sâm tập trung điều trị cho bé Lực.

"Được tặng xe mới, em vui lắm. Chiếc xe cũ tuy hỏng phanh nhưng nó có nhiều kỷ niệm với em. Trước thì em đi chăn bò với chiếc xe, có lúc cùng nó đi qua dốc cao, đèo sâu. Bây giờ em không mong mỏi điều gì nữa, ngoài việc em út khoẻ mạnh trở về".

Trong chiều 29/3, đại diện một công ty bảo hiểm ở Sơn La cũng đã đến tận nhà tặng Chiến một chiếc xe đạp mới. Chiến ngỏ ý sẽ gửi tặng món quà này cho một bạn học khác có hoàn cảnh khó khăn hơn em.

"Em sẽ gửi lại chiếc xe cho nhà trường và nhờ thầy cô giáo trao lại cho một bạn khác, để bạn cũng có thể đạp xe đến trường như em, thay vì phải đi bộ". 

Trường Tiểu học và THCS Chiềng Yên có tổng cộng 612 học sinh, 49 cán bộ giáo viên. Thầy giáo Đỗ Việt Thắng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Chiến có học lực trung bình khá, gia đình em thuộc hộ nghèo. Chiến gần gũi, hoà đồng và chuyên cần, đi học đầy đủ. 

Sau khi câu chuyện đạp xe suốt 100km xuống Hà Nội được báo chí đưa tin, thầy Thắng đã tiến hành công tác tuyên truyền đến các em học sinh trong trường, tránh "hiệu ứng dây chuyền" không đáng có. 

"Về mặt tình cảm, tôi thấy đây là một câu chuyện ý nghĩa giữa Chiến và em trai. Nhưng trên thực tế, chúng tôi không muốn học sinh khác cũng hành động tương tự. Nhà trường đã họp tất cả giáo viên chủ nhiệm, yêu cầu quán triệt tư tưởng tới học sinh, con em dân tộc trên địa bàn" - thầy Thắng nói. 

Anh Nam cũng mong không có những câu chuyện giống như con mình trong tương lai, bởi anh hiểu tâm trạng của những người làm cha làm mẹ. "Chiến còn nhỏ dại, hành động chưa chín chắn, thiếu suy nghĩ. Lỗi lầm của con một phần có lẽ cũng từ bố mẹ. Người thiện tâm thì khen cháu ngoan, người nói cháu hư hỏng. May mắn lần này, con không sao, nhưng đây cũng là bài học để hai vợ chồng biết cách quan tâm các con nhiều hơn".

Dù hoạt bát, lanh lợi, nhưng Chiến mắc một căn bệnh bẩm sinh liên quan đến thần kinh. Đôi lúc Chiến dễ ngất xỉu và không được tỉnh táo. Hồi mới sinh, Chiến đi viện nhiều hơn ở nhà. Gần đây bệnh tái phát, nhưng bố mẹ bận chạy chữa cho em trai nên chưa cho Chiến đi khám lại. Có lần, Chiến ngất xỉu trên đồi chăn bò, được một người quen bế xuống đưa đi trạm xá, may mắn thoát chết. 

Chiến phụ giúp gia đình nấu cơm.

Lên bản Bống Hà gặp cậu bé đạp xe 100km thăm em: Vì vạn sự đều có bắt đầu và kết thúc, chỉ có anh em mình luôn luôn bên nhau - Ảnh 17.

Đôi khi, sự "nổi tiếng" ập đến bất đắc dĩ, sự "mổ xé" thái quá từ mạng xã hội, có thể khiến một đứa trẻ mới 13 tuổi bị tổn thương. Người lớn xin đừng đặt những câu hỏi to tát hay nặng lời mạt sát Chiến.  Chiến đáng trách hay đáng nể? Lấy Chiến ra để kể một câu chuyện về tình yêu gia đình hay để bêu tên cảnh tỉnh về sự bốc đồng liều mạng? Làm gì có đúng sai khi chúng ta chỉ đứng trên lập trường là một người lớn để nhìn vào hành động của đứa trẻ mới chỉ bắt đầu 1/6 cuộc đời.

Chắc chẳng ai biết, cái tên Quyết Chiến được anh Nam chị Sâm nhờ một bác sĩ đặt cho con trai đầu lòng của họ. "Quyết" là quyết tâm, "Chiến" hàm nghĩa chiến đấu. Một đứa trẻ sinh ra từ núi rừng, vốn đã rất mạnh mẽ. "Quyết Chiến" chạy theo cuộc đời em với kỳ vọng lớn lao của cha mẹ về một thế hệ mới đổi đời, cuộc sống khấm khá hơn.

Như bất kể đứa trẻ nào, Chiến có nhiều ước mơ. Và đây là 3 ước mơ của Chiến:

1. Bác sĩ, để có thể chữa trị cho những em bé nghèo như út Lực. 

2. Cầu thủ bóng đá, ở vị trí tiền đạo, để cùng em Lực thành lập đội bóng nhí trong bản, đá hay không thua gì chú Quang Hải, chú Công Phượng. 

3. Vận động viên đua xe, phát huy hết khả năng của con người núi rừng với sức bền dẻo dai. 

Chiến học bài dưới ánh đèn mờ ảo ở gian bếp.

"Chỉ cần thực hiện được 1 trong 3 uớc mơ đó là em mãn nguyện rồi. Ước mơ lớn nhất của em là trở thành bác sĩ, để chữa được nhiều loại bệnh khác nhau, cứu sống các em nhỏ. Nên từ giờ em phải học thật tốt môn Sinh học mới được!", Chiến quyết tâm. 

Bởi lẽ, không ai đánh thuế những ước mơ. Cuộc sống luôn như vậy, nếu bạn bỏ một góc tiêu cực, sẽ thấy nhiều phần tích cực hơn. Chiến bỏ nhà, lén đạp xe xuống Hà Nội, đó là một hành động sai. Nhưng tình thương lớn lao dành cho em trai, lại hoàn toàn đúng. Và điều này không ai trong chúng ta có quyền phán xét, bởi những thứ xuất phát từ tình cảm vốn không có đúng hay sai. 

Con người đều lệ thuộc vào nhau, nhất là những ai phải sống trong đau khổ, nghèo khó, lại càng trân trọng thứ tình cảm quý giá giữa người với người. Những tia hy vọng loé lên dù trong giây lát, không bao giờ được để thất lạc.

Suy cho cùng, Vì Quyết Chiến không phải là người hùng của bất kỳ ai, càng không phải "hình tượng" mới cho giới trẻ. Em mãi là em, người con của núi rừng Tây Bắc, thật thà và giàu tình thương. Chúng ta có quyền ngăn cấm con em mình hành động dại dột như Chiến, nhưng xin đừng cấm chúng học cách nuôi dưỡng tình yêu như Chiến đã làm với em mình.


Minh Nhân
Kingpro
Jordy, Novyxong
Theo Trí Thức Trẻ01/04/2019

Theo Minh Nhân Clip: Kingpro Thiết kế: Jordy, Novyxong

Trí thức trẻ

Trở lên trên