Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2021, đại diện BIDV cho biết tổng tài sản của ngân hàng đạt 1,76 triệu tỷ đồng, tăng hơn 16% so với 2020. Với việc tiếp tục giữ vững vị thế là ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tổng tài sản lớn nhất Việt Nam trong bối cảnh ngành tài chính - ngân hàng chịu nhiều tác động tiêu cực bởi Covid-19, có thể thấy BIDV đã “vượt bão” thành công.
Không chỉ dẫn đầu khối ngân hàng thương mại cổ phần về tổng tài sản, BIDV còn nắm giữ nhiều kỷ lục trong ngành tài chính - ngân hàng Việt Nam với các danh hiệu như: Ngân hàng thương mại có lịch sử lâu đời nhất; Ngân hàng có số cơ quan chủ quản và số lần đổi tên nhiều nhất; Ngân hàng thương mại tiên phong trong hoạt động mở rộng quan hệ quốc tế; Ngân hàng tiên phong áp dụng và thực hiện các chuẩn mực, thông lệ quốc tế... Sở hữu nhiều kỷ lục như vậy nhưng ít ai biết rằng để gặt hái được thành tựu như ngày hôm nay, BIDV đã có cả một hành trình dài 65 năm gắn liền với quá trình phát triển kinh tế đất nước qua nhiều giai đoạn.
Xuất hiện trên thị trường từ Nghị định 177/TTg ký ngày 26/4/1957, Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam - tiền thân của BIDV, đã nhanh chóng hòa mình vào công cuộc tái thiết đất nước sau kháng chiến chống Pháp. Hàng loạt các công trình trọng điểm thông qua nguồn vốn ngân sách do Ngân hàng Kiến thiết cấp phát đã được triển khai trong giai đoạn này có thể kể tới như Khu công nghiệp Thượng Đình, Khu gang thép Thái Nguyên, Khu công nghiệp Việt Trì, các nhà máy điện ở Hà Nội - Uông Bí - Nghệ An, Nhà máy xi măng Hải Phòng, Đài Tiếng nói Việt Nam, Trường đại học Bách Khoa, Trường đại học Kinh tế kế hoạch...
Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, Ngân hàng sớm tiếp quản, hình thành mạng lưới tại các tỉnh phía Nam để làm nhiệm vụ quản lý, cung ứng vốn để tái thiết và xây dựng CNXH trên cả hai miền. Thời kỳ này Ngân hàng gắn với nhiều công trình trọng điểm phía nam như đường tàu Thống nhất Bắc Nam, Hồ thuỷ lợi Dầu Tiếng, Dầu khí Việt - Xô, Thuỷ điện Trị An... và các công trình kinh tế trọng điểm ở miền Bắc như Nhà máy sửa chữa tàu biển Phà Rừng, Nhà máy sợi Hà Nội, Nhà máy giấy Vĩnh Phú, Nhà máy đường Vạn Điểm…
Trải qua giai đoạn hoạt động đầu tiên, đến giữa năm 1981, Hội đồng Chính phủ ra quyết định chuyển Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam trực thuộc Bộ Tài chính để thành lập Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Việc chuyển đổi này giúp Ngân hàng đảm bảo cung ứng vốn lưu động cho các tổ chức xây lắp, khuyến khích các đơn vị xây lắp đẩy nhanh tiến độ xây dựng, cải tiến kỹ thuật, mở rộng năng lực sản xuất, tăng cường chế độ hạch toán kinh tế. Trong thời kỳ này, hàng loạt công trình có “ý nghĩa thế kỷ” đã gắn liền với ngân hàng như Thủy điện Sông Đà, Cầu Thăng Long, Cầu Chương Dương, Cảng Chùa Vẽ, Nhà máy Xi măng Hoàng Thạch, Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn, Nhà máy đóng tàu Hạ Long...
Bước sang đầu thập kỷ 90, Ngân hàng được đổi tên thành Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam nhằm đón đầu cơ hội phát triển mới trong thời kỳ mở cửa nền kinh tế. Năm 1995, BIDV chuyển sang hoạt động theo mô hình ngân hàng thương mại với tính tập trung thống nhất và tính hệ thống cao của Tổng Công ty Nhà nước hạng đặc biệt hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đặc thù tài chính - tiền tệ. Trong giai đoạn 2001-2005, Ngân hàng tiến hành cơ cấu bộ máy hoạt động theo hướng an toàn, bền vững, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế đồng thời tiếp tục đổi mới toàn diện nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, chuẩn bị cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. BIDV đã triển khai có hiệu quả các hoạt động đầu tư tại nước ngoài trong vai trò mở đường, hỗ trợ và kết nối doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các thị trường ASEAN.
Thực hiện chủ trương lớn của Chính phủ, từ cuối năm 2011 BIDV đã cổ phần hóa thành công và chính thức chuyển đổi thành Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam từ tháng 5/2012. Hoạt động ngân hàng phát triển theo hướng mở rộng hoạt động bán lẻ; hoạt động bảo hiểm toàn diện, xác lập mô hình kinh doanh hướng tới khách hàng và quản trị rủi ro theo tiêu chí của ngân hàng hiện đại. Đến nay BIDV được định vị là ngân hàng tiên phong, chủ động thực hiện hiệu quả chính sách tài chính tiền tệ, phát triển kinh tế đất nước; triển khai hiệu quả nhiều chương trình vì cộng đồng.
Sau “cú hích” chuyển đổi hoạt động theo mô hình ngân hàng thương mại cổ phần, BIDV đã nhanh chóng tạo được dấu ấn trên thị trường. Sau 10 năm cổ phần hóa, quy mô tổng tài sản đến cuối năm 2021 của toàn hệ thống BIDV đã vượt 1,76 triệu tỷ đồng, gấp 4,3 lần cuối năm 2011 và đứng đầu toàn hệ thống ngân hàng. Tính bình quân, tổng tài sản BIDV đã tăng trưởng với tốc độ 15,8%/năm, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành. So với thời điểm tiến hành cổ phần hóa, dư nợ cho vay của BIDV đã gấp hơn 4,7 lần, tương đương 16,7%/năm. Trong giai đoạn 2012 - 2021, lợi nhuận trước thuế BIDV tăng trưởng với tốc độ bình quân 12,4%/năm.
Dấu ấn của BIDV còn được ghi nhận trong việc hợp tác chiến lược cùng đối tác Hana Bank (Hàn Quốc) triển khai cuối năm 2019. Theo đó BIDV đã phát hành riêng lẻ cho Hana Bank hơn 603,3 triệu cổ phần với tổng giá trị giao dịch gần 20.300 tỷ đồng, gia tăng vốn điều lệ lên 40.220 tỷ đồng, cao nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Từ thương vụ này M&A lịch sử này, BIDV đã nhanh chóng tăng tốc trên thị trường với mức dư nợ cho vay khách hàng đến cuối năm 2021 đạt gần 1,355 triệu tỷ đồng, đứng đầu thị trường và chiếm khoảng 13% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Bên cạnh vốn huy động, vốn tự có của BIDV cũng được bổ sung mạnh mẽ trong 10 năm qua. Từ mức 24.390 tỷ đồng vào cuối năm 2011, vốn chủ sở hữu của BIDV hiện đã tăng gấp 3,5 lần lên xấp xỉ 86.367 tỷ đồng. Đáng chú ý, BIDV đã tăng vốn điều lệ thành công lên hơn 50.585 tỷ đồng trong năm 2021, vươn lên đứng đầu toàn ngành ngân hàng và gấp 3,9 lần mức ghi nhận trước thời điểm IPO. Từ những thành tựu đã gặt hái được và những bước tạo đà vững chắc trong 65 năm hoạt động trên thương trường, BIDV đang tự tin bước sang giai đoạn phát triển mới.
Thúc đẩy quá trình số hóa trong quản trị điều hành, hoạt động kinh doanh là bài toán chiến lược đối với BIDV. Tháng 3/2019, BIDV ra mắt Trung tâm Ngân hàng số - sự kiện đánh dấu bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển và tầm nhìn đến năm 2030. Những năm gần đây, BIDV liên tục tung ra thị trường nhiều sản phẩm và ứng dụng công nghệ mới, được đông đảo người dùng đón nhận và đánh giá cao như: Đăng ký mở tài khoản trực tuyến bằng eKYC, Vay Online và gửi tiết kiệm trực tuyến, phiên bản SmartBanking cho đồng hồ thông minh (apple watch) và bàn phím thông minh - giao dịch ngay trên ứng dụng chat, … Tới nay, BIDV đang dẫn đầu về hệ sinh thái dịch vụ trên nền tảng số khi liên kết với nhiều nhà cung cấp lớn trong nước. Hiện ngân hàng đã kết nối với hầu hết các công ty fintech, 1.500 nhà cung cấp dịch vụ để đưa ra thị trường hơn 2.700 loại hình dịch vụ thanh toán, chi tiêu cho khách hàng.
Quá trình tích lũy, tạo dựng nền tảng vững chắc trong thời gian qua sẽ tạo đà nâng tầm vị thế của BIDV mở rộng ra phạm vi quốc tế. Với những thành tựu xuất sắc đã gặt hái được trên hành trình 65 năm qua, BIDV hoàn toàn có cơ sở để tự tin bước tiếp vào giai đoạn phát triển mới để mang lại lợi ích, tiện ích tốt nhất cho khách hàng, cổ đông, người lao động và cộng đồng xã hội.
- Thiết kế: VyVy
- Bài Viết: Linh Trần
- Interactive: Lê Sơn