img
Lực sĩ cử tạ khuyết tật từng phá kỷ lục thế giới Lê Văn Công: Tôi luôn cố gắng tập luyện và quyết tâm vượt qua những giới hạn của mình! - Ảnh 1.

Lê Văn Công sinh năm 1984 tại Hà Tĩnh với đôi chân bị "teo tóp" bẩm sinh. Tưởng rằng, với đôi chân tàn tật đó, Lê Văn Công sẽ không có tương lai. Nhưng với nghị lực phi thường, anh luôn quyết tâm từng phút giây để sống cuộc sống rực rỡ, trọn vẹn nhất của mình. Ít ai có thể ngờ rằng, chàng trai bị khuyết tật đôi chân lại trở thành một lực sĩ vô địch thế giới với bảng thành tích vàng đáng ngưỡng mộ.  

Lực sĩ cử tạ khuyết tật từng phá kỷ lục thế giới Lê Văn Công: Tôi luôn cố gắng tập luyện và quyết tâm vượt qua những giới hạn của mình! - Ảnh 2.

19 - 20 tuổi anh bắt đầu vào TP HCM để học nghề và lập nghiệp. Cuộc sống của anh những ngày đầu ở thành phố lớn như thế nào?  

Từ Hà Tĩnh vào Nam, có mẹ tôi đồng hành và một khoản tiền độ 1 triệu đồng. Trước khi vào TP Hồ Chí Minh, tôi có liên hệ được với một người đồng hương, chuyên hỗ trợ những người khuyết tật nên được hỗ trợ chỗ ở trong thời gian nhập học.

Sau khi nhập học, mẹ cũng về quê, số tiền 1 triệu đồng mang theo cũng dùng để đóng học phí và sinh hoạt gần hết. Từ đây, tôi hoàn toàn tự lo cho bản thân mình.  

Sau khi nhập học, tôi thuê nhà trọ cùng với mấy người bạn khác, cũng là người khuyết tật như tôi. Mỗi người một khó khăn, người thì mất một tay, người thì mất thị lực… Chúng tôi cùng hỗ trợ nhau trong sinh hoạt, mỗi người giúp đỡ nhau một chút, cùng nhau góp chút tiền vào để đi chợ mua đồ ăn.

Khi đó, buổi sáng tôi đi học ở trường trung cấp, buổi trưa về đến chùa xin cơm chay. Buổi chiều tôi đi tập, buổi tối lại đi học thêm làm thêm.

Cơ duyên nào giúp anh bén duyên với bộ môn cử tạ?

Trước khi nhập học ở trường trung cấp nghề, tôi có tham gia CLB hướng nghiệp dành cho người khuyết tật ở TP Hồ Chí Minh. Năm 2003, khi SeaGames được tổ chức ở Việt Nam, tôi có theo dõi và đặc biệt ấn tượng với hình ảnh các anh chị vận động viên tham gia thi đấu môn cử tạ. Tôi đã rất ngưỡng mộ và mong muốn một ngày sẽ được như các anh. Vì thế, khi được thầy chủ nhiệm CLB giới thiệu các môn thể thao, tôi đã không suy nghĩ mà lựa chọn môn cử tạ luôn.

 Buổi đầu khi các thầy cho tập thử làm quen thì mình đẩy được 90 ký. 

Lực sĩ cử tạ khuyết tật từng phá kỷ lục thế giới Lê Văn Công: Tôi luôn cố gắng tập luyện và quyết tâm vượt qua những giới hạn của mình! - Ảnh 3.

Lần đầu tiên vượt qua giới hạn của bản thân, anh cảm thấy như thế nào? 

Rất vui và rất phấn khởi. 

Tôi nhìn thấy rằng nó sẽ giúp mình rèn luyện sức khỏe và có sức mạnh để tự lo cho cuộc sống của mình. Sau đó là, tham gia rèn luyện thể thao giúp tôi có cơ hội hòa nhập với cộng đồng. Tôi nhận được sự giúp đỡ của các thầy trong CLB rất nhiều mới có thể luyện tập đến ngày hôm nay.

Khi đó, ai đã hỗ trợ anh trong luyện tập và cả cuộc sống?

Tôi sống ở nhà trọ cùng các bạn, cũng là người khuyết tật nên phải tự lực mọi thứ thôi. Từ nhà trọ ở quận 9 tới CLB ở quận Tân Bình tới gần 30km, tôi tự mình đi xe lăn mất khoảng 2 tiếng rưỡi đồng hồ. Có những ngày mưa, có những ngày nắng, nhưng tôi đam mê lắm nên không bao giờ bỏ tập. Lăn xe nhiều, 2 bàn tay phồng rộp, đau rát… Không có tiền để mua găng tay, tôi tự lấy vải quấn tay để hạn chế tổn thương.

Thời gian đó kéo dài khoảng 2 tháng. Sau đó, tôi chuyển về ở trọ tại quận Bình Thạnh. Quãng đường từ nhà trọ tới CLB cũng rút ngắn hơn.

Sáng đi học, trưa xin cơm chay ở chùa, chiều đi tập, tối đi học thêm. Động lực nào khiến anh học nhiều như thế? 

Hoàn cảnh của mình đã khó khăn như vậy, nên tôi luôn mong muốn có thể tự lập để không phải phụ thuộc vào gia đình. Bằng mọi giá, tôi muốn kiếm cho mình một cái nghề, tự nuôi sống bản thân mình, đỡ đần cho bố mẹ. Nên lúc đó, dù cuộc sống rất eo hẹp, khó khăn tôi vẫn cắm đầu học.   

Lực sĩ cử tạ khuyết tật từng phá kỷ lục thế giới Lê Văn Công: Tôi luôn cố gắng tập luyện và quyết tâm vượt qua những giới hạn của mình! - Ảnh 4.

Vừa học nhiều như thế, lại vừa tập luyện thể thao anh có gặp khó khăn gì không?  

Vừa đi học, vừa đi làm và vừa đi tập nên thời gian lúc đó của tôi cũng không có nhiều. Bản thân lại không lành lặn như người ta, nên khá vất vả. Cộng thêm di chuyển quá nhiều, bánh xe lăn thường bị vỡ mà chẳng có tiền thay. May mà có bố tôi, bố mình làm cho bánh xe bằng gỗ để thay thế.

Sống một mình ở thành phố lớn, tôi đi làm thêm cũng không được bao nhiêu tiền. Tôi làm công việc chà giấy nhám ở xưởng gỗ để kiếm sống. Lương mỗi tháng cũng được 500 – 600 nghìn đồng. May mắn, được ông chủ thương nên thường cho thêm đồ ăn, thực phẩm.

Khi còn ở Hà Tĩnh, tôi được các thầy cô ở trung tâm dạy nghề cho theo học lớp tiếng Hàn nên cũng nhận thêm công việc đánh máy buổi tối để kiếm thêm nữa. Khi đó, mỗi trang đánh máy, tôi kiếm được 200 đồng.

Cố gắng làm việc và học tập mỗi ngày, tôi cũng có thể tạm trang trải cuộc sống của mình.

Lực sĩ cử tạ khuyết tật từng phá kỷ lục thế giới Lê Văn Công: Tôi luôn cố gắng tập luyện và quyết tâm vượt qua những giới hạn của mình! - Ảnh 5.

Vậy anh sắp xếp thời gian học và tập luyện như thế nào?

Tự lo cho cuộc sống của mình nên thời gian của tôi không có nhiều. CLB chỉ mở cửa ban ngày, nhưng các thầy vẫn tạo điều kiện cho tôi có thể đến luyện tập vào buổi tối hoặc bất cứ khi nào tôi có thời gian. Mọi người thường nán lại sau buổi tập để hỗ trợ tôi.

Khi luyện tập nhiều như thế thì chế độ ăn, sinh hoạt của anh có gì đặc biệt để xây dựng sức mạnh cơ bắp? 

Do kinh tế khó khăn, phải tự túc mọi thứ, nên tôi không thể theo được chế độ ăn chuẩn của VĐV. Hàng ngày, tôi chỉ ăn chung với các bạn trong phòng, và thỉnh thoảng xin cơm chay ở chùa. Thỉnh thoảng, các thầy trong trung tâm cũng sẽ hỗ trợ vài thùng mì, hoặc cho vài trăm nghìn để cải thiện bữa ăn. 

Nhưng tôi luyện tập và nỗ lực đều đặn mỗi ngày.

Trong quãng thời gian mà anh luyện tập, thì sự kiện nào mà khiến anh càng quyết tâm phải chiến thắng và đạt được thành công? 

Sau khi tập luyện ở CLB được khoảng 2-3 tháng, tôi được các thầy cho tham gia giải vô địch quốc gia và giành được HCB. Khi đó, người đoạt HCV đẩy được mức tạ 120kg, hơn tôi gần 8kg. Tôi nghĩ rằng, mình phải luyện tập thật nhiều nữa để sau 1 năm có thể thắng được anh đó.

Từ đó, tôi quyết tâm cao độ, chủ nhật cũng đi tập. Mỗi ngày tôi tranh thủ tập 2-3 tiếng buổi sáng hoặc buổi tối, ngoài giờ học, giờ làm thêm. Cuối tuần được nghỉ thì tôi tập nhiều hơn.

Các thầy cũng tranh thủ ngày nghỉ để giúp đỡ tôi luyện tập tốt nhất có thể. Các thầy hướng dẫn tôi rất chi tiết 12-15 các bài tập bổ trợ cho từng nhóm cơ tay, cơ ngực. Có hôm tập xong thì tay đau rã rời, không lăn xe nổi nữa. Tôi phải nghỉ tại chỗ cả tiếng đồng hồ mới có thể di chuyển về nhà.

Lực sĩ cử tạ khuyết tật từng phá kỷ lục thế giới Lê Văn Công: Tôi luôn cố gắng tập luyện và quyết tâm vượt qua những giới hạn của mình! - Ảnh 6.

Trong quá trình tập luyện anh có gặp phải chấn thương lớn nào không? 

Trong thời kỳ đang thi đấu với phong độ đỉnh cao, vào khoảng năm 2009, trong một lần di chuyển xe trên đường thì tôi bị tai nạn. Do trời mưa lớn, tôi bị tụt xuống cống trên đường đi và đứt dây chằng vai.

Khi đó, các thầy ở CLB cho tôi tiền để đi bệnh viện kiểm tra, các bác sĩ chẩn đoán tôi bị đứt dây chằng tới 90%, phải mổ thì mới điều trị được. Nhưng khi đó, tôi đã kết hôn, vừa mới có con đầu lòng, bao nhiêu gánh nặng dồn lên vai nhưng chẳng có tiền để chạy chữa.

Đối mặt với việc có thể không được thi đấu thể thao nữa, tôi từng rất chán nản, tuyệt vọng và rất buồn khi phải từ bỏ đam mê.

Lúc chưa chấn thương, mỗi tháng, mình kiếm được khoảng 2-3 triệu đồng, cũng đủ trang trải cuộc sống. Nhưng sau khi tôi gặp chấn thương thì cuộc sống khó khăn hơn rất nhiều. Nhiều tháng, vợ chồng tôi phải nợ tiền trọ.  Nhưng cũng may bà chủ thương tình, bảo cứ ở đến lúc nào hồi phục đi làm rồi trả tiền cho bà cũng được, ngoài ra thỉnh thoảng bà còn cho thêm đồ ăn, này kia nên vợ chồng cũng được đỡ phần nào. 

Trong thời gian đó, tôi nhận sửa chữa loa đài, máy móc để kiếm sống, ở nhà trông con cho vợ đi làm. May mắn là, thời gian đó, vợ tôi đã chăm sóc và động viên tôi rất nhiều. 

Dù không phẫu thuật nhưng mà tầm 8 tháng sau, tôi cũng dần bình phục cũng có thể cố gắng đi tập lại.  Vợ và các thầy đều lo lắng cho tình trạng cơ thể, nên đều chưa muốn để tôi quay trở lại tập. Nhưng vì đam mê, tôi đã cố gắng, bền bỉ luyện tập. Và thật may mắn, sau đó khi có điều kiện đi kiểm tra lại ở bệnh viện, dây chằng của tôi đã hồi phục hoàn toàn.

Lực sĩ cử tạ khuyết tật từng phá kỷ lục thế giới Lê Văn Công: Tôi luôn cố gắng tập luyện và quyết tâm vượt qua những giới hạn của mình! - Ảnh 7.

Thời điểm nào mà anh chán nản tuyệt vọng nhất? 

Năm 2018, tôi bị gãy xương vai, không thể tham gia các giải thi đấu để tích điểm và vượt qua vòng loại để đi thêm Paralympic Tokyo 2020. Sau đó, tình hình dịch bệnh phức tạp khiến hy vọng được tham gia Paralympic 2020 càng mong manh.

Lúc đó dù chưa hồi phục chấn thương, tôi vẫn cố gắng đi thi bằng được để có thể vượt qua vòng loại.

Vừa phải điều trị chấn thương song song với đó phải hoàn thành hồ sơ để tham gia thi đấu giải quốc tế với rất nhiều khó khăn nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc từ bỏ. 

Làm thế nào để anh có thể liên tục vượt qua chính mình và phá vỡ những kỉ lục như thế?

Khi tập luyện cử tạ, tôi dường như hoàn toàn quên chính mình, tức là quên đi những khó khăn của hoàn cảnh sống và chỉ tập trung vào cử tạ. Tôi cũng kiên trì và nghiêm túc thực hiện theo những giáo án được các thầy đưa ra. 

Tôi luôn cố gắng tập luyện và quyết tâm vượt qua những giới hạn của mình. Dù không thể vượt qua ngay nhưng mình sẽ cố gắng từng ngày từng ngày để vượt qua nó. 

Lực sĩ cử tạ khuyết tật từng phá kỷ lục thế giới Lê Văn Công: Tôi luôn cố gắng tập luyện và quyết tâm vượt qua những giới hạn của mình! - Ảnh 8.

Những ai là người có ảnh hưởng lớn nhất đến sự nghiệp cử tạ của anh?

Đó là những người thầy trong CLB hướng nghiệp dành cho người khuyết tật, những người trực tiếp huấn luyện và giảng dạy tôi. Họ là người chở tôi đi tập những ngày mưa gió, cũng là người động viên, hỗ trợ tôi rất nhiều trong cuộc sống.

Đây cũng là những người đồng hành cùng tôi trong mỗi chuyến đi thi đấu ở nước ngoài. Dù họ có trực tiếp đi theo đoàn VĐV hay không. Đó là nguồn động viên, chỗ dựa tinh thần để tôi nỗ lực, cố gắng khẳng định sức mạnh và bản lĩnh của con người Việt Nam, tuy nhỏ nhưng không thể thua kém các quốc gia khác. 

Anh tham gia thi đấu và gặp khá nhiều chấn thương như vậy, phản ứng của người thân anh như thế nào? 

Mỗi lần đi thi đấu, bà xã ở nhà cũng lo tôi bị tái phát chấn thương, vẫn mong tôi sau giải này thì xin các thầy nghỉ để ở nhà đi làm. Nhưng mình thì mê quá nên cứ để đó thôi chứ chưa nghỉ. Tới giờ, tôi cũng hứa với vợ mấy năm rồi chứ chưa nghỉ được. (Cười).

Vì đam mê nên tôi vẫn cố gắng thuyết phục bà xã ủng hộ tôi theo đuổi con đường thể thao. Khi nào thành tích không đủ cạnh tranh nữa thì tôi mới nghĩ đến việc dừng lại. 

Lực sĩ cử tạ khuyết tật từng phá kỷ lục thế giới Lê Văn Công: Tôi luôn cố gắng tập luyện và quyết tâm vượt qua những giới hạn của mình! - Ảnh 9.

Khi đạt được những thành tích trong thể thao thì cuộc sống của anh có thay đổi nhiều không? 

Từ khi đạt được những thành tích thể thao thì cuộc sống của tôi cũng thay đổi khá nhiều. 

Đầu tiên thì tôi cũng nhận được một số tiền thưởng từ các giải đạt được, và kinh tế của gia đình cũng được cải thiện đáng kể. 

Thứ hai tôi cũng được biết đến nhiều hơn, nhận được sự động viên và công nhận từ mọi người. Điều đó cũng giúp tôi thấy tự hào và tự tin hơn về bản thân, cảm thấy hoà nhập hơn với mọi người. 

Bên cạnh đó, những thành tích tôi đạt được là món quà dành cho các con tôi. Đó chính là những nguồn động lực vô hạn cho mình phấn đấu không mệt mỏi. Tôi muốn các con tự hào bởi cha của mình!

Năm 2019, anh đã bán HCV World cup ở Malaysia để giúp cho một em bé hàng xóm chữa bệnh ung thư, và ngoài ra anh cũng tham gia các hoạt động từ thiện khác. Điều gì thôi thúc anh làm những điều đó? 

Em bé đó là hàng xóm của tôi, có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Tôi rất mong có thể hỗ trợ được cho em để chữa trị khỏi căn bệnh ung thư. Tôi lựa chọn bán đấu giá tấm HCV giành được tại Giải vô địch Thế giới vào năm 2016 bởi trước khi thi đấu và giành được tấm huy chương này, tôi cũng bị ốm rất nặng. Nhưng rất may, tôi đã kịp bình phục ngay trước ngày thi đấu và giành được thành tích cao nhất. Tôi muốn câu chuyện đó truyền thêm động lực cho cô bé vượt qua bệnh tật.

Tôi cũng thường xuyên tham gia đóng góp cho các hoạt động từ thiện với mong muốn chia sẻ với những người có hoàn cảnh thiếu may mắn và cổ vũ họ để vượt qua khó khăn, tạo dựng cuộc sống cho chính mình.

Tôi thực sự hạnh phúc và thanh thản khi có thể hỗ trợ được những hoàn cảnh ấy.

Lực sĩ cử tạ khuyết tật từng phá kỷ lục thế giới Lê Văn Công: Tôi luôn cố gắng tập luyện và quyết tâm vượt qua những giới hạn của mình! - Ảnh 10.

Nhiều VĐV sau thời gian vàng để thi đấu thì sẽ định hướng trở thành HLV, anh có định hướng đấy không? 

Tôi đã xác định định hướng cho bản thân mình cách đây vài năm rồi. Sau khi giải nghệ tôi sẽ không tham gia công tác huấn luyện mà trở về kinh doanh, mảng điện tử đúng với tay nghề tôi được học. Hàng ngày ngoài việc tập luyện thì tôi cũng khám phá, tìm hiểu những cách thức để nâng cao tay nghề, chuẩn bị cho tương lai.

Ngoài ra, tôi cũng sẽ dành thời gian để chia sẻ những kinh nghiệm, trải nghiệm, hỗ trợ các lớp VĐV tiếp theo để giúp họ có định hướng hơn trong quãng thời gian thi đấu. 

Anh có thể dùng vài từ tóm gọn về quãng đường anh đã đi qua không? 

Nếu phải dùng từ để miêu tả thì Công nghĩ đó là "tự hào". Tôi tự hào vì mình đã có thể vượt qua được hoàn cảnh, vượt qua được bản thân để khẳng định mình, hoà nhập với xã hội, tự lập cuộc sống và không phụ thuộc vào gia đình.

Anh nghĩ bản thân mình bây giờ đã trở thành một cây thép không? 

(Cười) Bây giờ để nói về bản thân thì chắc tôi chỉ dám dùng từ "tạm ổn". Và mình cũng đang cố gắng để bản thân mình có thể trở thành chỗ dựa vững chắc cho gia đình nhỏ của mình và ngày càng trở nên có ích cho xã hội. 

 Xin cảm ơn anh đã chia sẻ!

Lực sĩ cử tạ khuyết tật từng phá kỷ lục thế giới Lê Văn Công: Tôi luôn cố gắng tập luyện và quyết tâm vượt qua những giới hạn của mình! - Ảnh 11.

Hành trình vượt lên chính mình, không ngại khó, ngại chông gai để đạt đến thành công của 8 nhân vật, 8 câu chuyện khác nhau trong tuyến bài "Bền bỉ chất thép" sẽ tạo nên một bức tranh truyền cảm hứng về một ý chí thép không chịu khuất phục trước hoàn cảnh, về một tinh thần "Tôi bền bỉ, nên chất thép".

Hoài Trần
Hải An
Tổ Quốc, Wechoice Awards, NVCC
Theo Trí Thức Trẻ16/8/2022


Ánh Dương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên