img

Năm 1996, giữa một Việt Nam còn nhiều khó khăn và đói nghèo, ngay cả ở những thành phố lớn như Hồ Chí Minh, hình ảnh những đứa trẻ đường phố lang thang vẫn là một hiện thực đau lòng.

Trong một chuyến công tác về nước, ông Jimmy Phạm - một người Việt kiều mang trong mình hai dòng máu Hàn Quốc và Việt Nam - đã vô cùng xúc động trước cảnh tượng này. Sau khi gặp gỡ và trò chuyện với những em nhỏ nghèo, ông Jimmy trăn trở rất nhiều về số phận của những hoàn cảnh bất hạnh ông đã gặp và những câu chuyện kém may mắn ông đã nghe.

Vì thế, khi trở lại Việt Nam lần tiếp theo, ông quyết định đặt mục tiêu rất rõ ràng là giúp những trẻ lang thang. Cứ như vậy suốt 3 năm trời, ông Jimmy đi tìm những trẻ em khó khăn để cho tiền, thuê nhà ở và dạy cho các em học tiếng Anh.

Một trung tâm dạy nghề là mái ấm của 1700 thanh thiếu niên cơ nhỡ, khó khăn: học viên tốt nghiệp chinh phục được khách sạn 4 - 5 sao- Ảnh 1.

Nhưng chỉ không lâu sau đó, ông nhận ra rằng việc cho tiền chỉ là giải pháp tạm thời vì không có sự thay đổi tích cực nào xảy ra với cuộc đời những đứa trẻ mà ông giúp đỡ. Với quyết tâm thay đổi cuộc đời của các em, ông muốn trao cơ hội đổi đời và xây dựng giấc mơ bằng cách trao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp để các em có được một sự nghiệp bền vững và lâu dài.

Tháng 6 năm 1999, tiệm bánh sandwich đầu tiên đã chính thức ra đời tại Quốc Tử Giám, với 9 đứa trẻ đường phố là những nhân viên đầu tiên. Đây là bước khởi đầu đầy ý nghĩa cho một hành trình dài.

Sau khi mở tiệm bánh sandwich, cũng chỉ một thời gian ngắn, ông nhận ra các thanh niên trẻ đó cần phải được đào tạo nhiều kỹ năng hơn nữa. Năm 2001, Trung tâm đào tạo KOTO (viết tắt của Know One, Teach One - Biết một, Dạy một) chính thức được thành lập.

Một trung tâm dạy nghề là mái ấm của 1700 thanh thiếu niên cơ nhỡ, khó khăn: học viên tốt nghiệp chinh phục được khách sạn 4 - 5 sao- Ảnh 2.

Hành trình 25 của KOTO có hàng nghìn những câu chuyện xúc động của các học viên. Họ dù đang học tập, gắn bó nơi đây hay đã rời đi cũng là những mảnh ghép đa sắc màu không thể thiếu trong một bức tranh hoàn hảo. Mỗi cá nhân là một câu chuyện, một hoàn cảnh, một cuộc đời với nhiều vất vả, tổn thương. Nhưng bằng nghị lực phi thường, họ lạc quan vươn lên, viết tiếp ước mơ của mình.

Nhiều học viên của KOTO tìm lại được niềm hạnh phúc trong cuộc sống, trong công việc. Không ít người đạt được thành công trong sự nghiệp, nắm giữ những vị trí quan trọng tại nơi làm việc, có thu nhập tốt, cuộc sống thay đổi ngoạn mục. Và họ đã quay trở lại hỗ trợ KOTO như cách mà ông Jimmy Phạm đã giúp họ. Cứ thế, “tre già, măng mọc”, lớp người trước nâng đỡ người sau.

Nguyễn Thị Mỹ Hương (SN 2002), đến từ tỉnh Quảng Nam, là học viên khóa K42 tại KOTO. Dù mới gắn bó với nơi đây 18 tháng nhưng Hương coi KOTO như ngôi nhà thứ hai của mình. Em tâm sự, mỗi thành viên trong tập thể như những mảnh ghép, ghép lại thành bức tranh hoàn hảo.

“Mỗi người một công việc, chúng em không thể thiếu nhau. Trong quá trình đào tạo, có xảy ra cãi vã nhưng chúng em luôn đoàn kết cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ. Sau này, khi kết thúc khóa đào tạo, em sẽ rất nhớ nơi đây, nhớ các bạn của mình. Em nghĩ chúng em sẽ vẫn giữ liên lạc với nhau, vẫn trò chuyện, trao đổi, động viên nhau nhưng bên cạnh đó mỗi người sẽ nỗ lực phát triển sự nghiệp cá nhân”, Mỹ Hương cho biết.

Một trung tâm dạy nghề là mái ấm của 1700 thanh thiếu niên cơ nhỡ, khó khăn: học viên tốt nghiệp chinh phục được khách sạn 4 - 5 sao- Ảnh 3.

Còn Cháng A Sênh (SN 2005), lớp K44, dân tộc Mông, đến từ tỉnh Yên Bái có hoàn cảnh đặc biệt éo le. Bố em mất sớm, sau đó mẹ đi bước nữa, em phải ở nhờ nhà của cậu ruột. Hoàn cảnh của gia đình cậu cũng chẳng khá khẩm là bao, cái nghèo cái đói bám riết quanh năm.

Chính vì thế, dù vẫn muốn tiếp tục theo đuổi con chữ nhưng Cháng A Sênh đành phải gác ước mơ học Đại học để đi làm kiếm tiền. Em mong có công việc ổn định, có thu nhập khá để thoát nghèo, có điều kiện giúp đỡ cậu. May mắn khi gắn bó với KOTO 6 tháng qua, Cháng A Sênh đã được các anh chị nơi đây dạy kiến thức chuyên ngành về bếp và thực hành trực tiếp ngay tại nhà hàng trên đường Văn Miếu (TP. Hà Nội).

Từ một cậu bé nhút nhát, ngại giao tiếp, có phần mặc cảm với bản thân, đến nay, Cháng A Sênh đã có nhiều thay đổi tích cực. Em trở nên tự tin hơn, hoà đồng với mọi người, học hỏi được nhiều kiến thức thú vị. Đặc biệt, người có ảnh hưởng lớn nhất đối với em là ông Jimmy Phạm.

Một trung tâm dạy nghề là mái ấm của 1700 thanh thiếu niên cơ nhỡ, khó khăn: học viên tốt nghiệp chinh phục được khách sạn 4 - 5 sao- Ảnh 4.

Những năm 1996, khi cơ sở KOTO lần đầu tiên được mở ra, Jimmy Phạm - một người Úc gốc Việt đã gặp phải rất nhiều ánh mắt nghi ngờ. Chọn đối tượng là trẻ em đường phố, trẻ em cơ nhỡ, mở cơ sở kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp xã hội… ông đã vấp phải nhiều sự phản đối, hầu hết mọi người đều cho rằng dự án của ông khó thành công được.

Nhớ lại những ngày đầu khó khăn, Jimmy Phạm chia sẻ: “Không ngày nào mở mắt ra mà không nghĩ rằng có lẽ mình sẽ thất bại, có lẽ mình sẽ không làm được, bởi tham vọng lớn quá. Nhưng khi đến KOTO, nhìn thấy những ánh mắt, nụ cười lấp lánh của các em, thấy niềm tin, niềm hi vọng các em đặt vào mình, tôi lại được tiếp thêm sức mạnh để cố gắng, tìm ra con đường và không từ bỏ”.

Một trung tâm dạy nghề là mái ấm của 1700 thanh thiếu niên cơ nhỡ, khó khăn: học viên tốt nghiệp chinh phục được khách sạn 4 - 5 sao- Ảnh 5.

25 năm xây dựng và hoạt động, từ 150 em học viên đầu tiên, đến nay, KOTO đã giúp đỡ cho hơn 1.700 thanh thiếu niên có cơ hội học tập, tìm được việc làm, có cuộc sống ổn định và có thể hỗ trợ được gia đình mình. Từ một doanh nghiệp xã hội nhỏ, đến nay, KOTO đã là một tổ chức danh tiếng, một mô hình được nhiều đơn vị quan tâm, học tập kinh nghiệm và đón nhiều chính khách nổi tiếng.

Còn bản thân Jimmy Phạm, từ một doanh nhân trong lĩnh vực du lịch, ông đã được nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận, gần đây nhất là Giải thưởng Công dân toàn cầu do Quỹ Waislitz và Global Citizen trao tặng, vì nỗ lực chấm dứt nạn đói nghèo và thay đổi cuộc đời của hơn 1000 thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam.

Tuy nhiên, khi được hỏi về những thành công của mình, Jimmy Phạm vẫn khiêm tốn cho rằng: “Thành công lớn nhất của tôi là tất cả các em đều trưởng thành. Từ một cậu bé đánh giày đã trở thành ông chủ quán cà phê, từ một cô bé đi làm thuê, ở nhờ dưới gầm thang chật hẹp đã trở thành Thạc sĩ của Đại học Colombia, xây dựng một Quỹ giúp đỡ phụ nữ yếu thế… Thành công của tôi cũng là thấy mình đã truyền được cảm hứng cho những đứa em (cách Jimmy Phạm thân mật gọi những học viên của mình) để các em có thể giúp đỡ cho nhiều người khác. Đó là điều khiến tôi tự hào nhất”.

Một trung tâm dạy nghề là mái ấm của 1700 thanh thiếu niên cơ nhỡ, khó khăn: học viên tốt nghiệp chinh phục được khách sạn 4 - 5 sao- Ảnh 6.

Không giống như một ngôi trường, KOTO thực sự là một ngôi nhà, một mái ấm, nơi tình yêu thương được chia sẻ, văn hoá được tôn vinh và kỹ năng được rèn giũa. Trong ngôi nhà đó, Jimmy Phạm nhớ tên từng đứa em, lắng nghe từng nguyện vọng và luôn dành thời gian để vào bếp nấu những món ngon và cùng những học viên của mình quây quần bên mâm cơm gia đình đầm ấm. Cũng tại ngôi nhà này, các em học viên gọi ông là “đại ca” – theo một cách rất “đường phố” nhưng cũng hết sức thân thuộc, gắn bó.

Nhà hàng KOTO trên con phố Văn Miếu được mở ra để làm nơi thực hành cho học viên, và cũng chính là “chiếc cần câu” nuôi sống cả một bộ máy, một ngôi trường, nơi các em học viên được ăn ở, học hành hoàn toàn miễn phí. Nằm lòng triết lý “cho cần câu, đừng cho con cá”, thay vì những bữa cơm từ thiện, Jimmy Phạm đã chọn một cách bền vững hơn, đó là cho các em một cái nghề. “Lúc đó mọi người nghĩ rằng nấu ăn thì không cần học, hoặc có thì chỉ 3 – 6 tháng là có thể hành nghề. Nhưng tôi lại dạy tận 2 năm. Người ta nói tôi rảnh quá, giàu quá!”, người đàn ông gốc Úc bày tỏ.

Tuy nhiên, là một người “có nghề” và biết rằng học viên của mình là “đối tượng đặc thù”, có những em còn chưa học hết cấp 1… nên Jimmy Phạm vẫn quyết tâm theo đuổi ý định ban đầu. Ông cho đám trẻ đường phố học từ lời chào, từ cách bưng bát cơm, từ lời thưa gửi… dạy văn hoá trước, rồi mới dạy kỹ năng. Tại KOTO, học viên được học tiếng Anh, học nghề và khi ra trường, được cấp chứng chỉ nghề Quốc tế của Học Viện Box Hill Tafe – Australia.

Với tấm bằng này, tất cả các học viên đều có thể tìm được công việc ổn định tại các khách sạn từ 4 – 5 sao trên khắp đất nước; 62% các em đã trở thành những nhà đào tạo và quản lý. Hiện nay, nhiều học viên KOTO đã trở thành quản lý cấp cao tại các thương hiệu khách sạn, nhà hàng danh tiếng.

“Ở KOTO, chúng tôi không chỉ dạy nghề, chúng tôi trao cho các em kiến thức, sự tự tin, trao cho các em những điều mà các em xứng đáng được hưởng như: học tập, tình yêu thương… và từ đó, trao quyền để các em có thể tự thay đổi cuộc đời, tự mở ra cánh cửa tương lai tươi sáng!”.

Một trung tâm dạy nghề là mái ấm của 1700 thanh thiếu niên cơ nhỡ, khó khăn: học viên tốt nghiệp chinh phục được khách sạn 4 - 5 sao- Ảnh 7.

Không dừng lại ở thành công của KOTO, có rất nhiều dự định mà Jimmy Phạm còn ấp ủ. Tới đây, ông muốn triển khai kế hoạch Food Rescue (Cứu trợ thực phẩm): Tận dụng nguồn thực phẩm dư thừa tại các nhà hàng, khách sạn để chế biến thành bữa ăn dinh dưỡng cho những người có hoàn cảnh khó khăn hay phối hợp cũng Quỹ Thiện Tâm để mở rộng phạm vi đào tạo…

“Tham vọng của tôi lớn lắm. Tôi muốn xây dựng được một hệ sinh thái để tạo ra nhiều giá trị hơn cho cộng đồng, giúp được nhiều người hơn và truyền cảm hứng tới các cá nhân, doanh nghiệp khác. Bạn không cần phải đợi đến khi giàu có thì mới giúp đỡ người khác. Hãy làm điều đó ngay hôm nay và trao đi những điều bạn có thể, để người được trao lại trao nó cho những người khác. Đó là điều mà tôi và KOTO luôn theo đuổi: Know One, Teach One - Biết Một, Dạy Một!” – ông Jimmy Phạm chia sẻ.

Một trung tâm dạy nghề là mái ấm của 1700 thanh thiếu niên cơ nhỡ, khó khăn: học viên tốt nghiệp chinh phục được khách sạn 4 - 5 sao- Ảnh 8.

Giúp ông Jimmy Phạm xây dựng và phát triển KOTO không thể thiếu những cánh tay đắc lực. Điều thú vị là 90% nhân sự phục vụ cho cơ sở hiện nay đều là những cựu học viên. Họ đến rồi đi, rồi lại quay trở về hỗ trợ, phụng sự nơi đã nâng đỡ mình. Có những nhân sự đã gắn bó với KOTO 5 năm, 10 năm, thậm chí là hơn 20 năm, chẳng hạn như chị Hoàng Hạnh - Giám đốc Đào tạo tại KOTO.

Năm 2002, ở tuổi 19, chị Hoàng Hạnh có hoàn cảnh khó khăn: mẹ mất sớm, gia đình đông anh chị em, bản thân chưa có công việc cũng như định hướng tương lai. Từ vùng đất Hưng Yên, chị Hạnh quyết định ra Hà Nội để bắt đầu cuộc sống mưu sinh. Sau đó nhờ cơ duyên nên chị đã nộp hồ sơ, xin phỏng vấn và được ông Jimmy Phạm tuyển dụng.

Thời điểm đó, KOTO chỉ mới có 35 học viên, cơ sở là một cửa hàng nhỏ bán sandwich trên đường Văn Miếu. Gần 1 năm sau, KOTO mới chính thức thành lập trung tâm dạy nghề. Đầu năm 2003, sau khi tốt nghiệp khoá đào tạo nghề, chị Hạnh ra ngoài làm việc ở khá nhiều khách sạn.

Chị Hạnh nhớ lại: “Lúc mới tốt nghiệp, tôi đã muốn ở lại KOTO cống hiến nhưng không được nhận. KOTO không bao giờ nhận các học viên mới tốt nghiệp, các bạn trẻ cần ra ngoài trải nghiệm, học hỏi để nâng cao tay nghề, sau đó mới có thể quay về. Mãi đến cuối năm 2003, tôi mới về lại ‘apply” ở vị trí Phó giám sát học viên tại nhà hàng. Đến năm 2004, tôi chuyển vị trí sang làm về giáo dục đào tạo, trở thành trợ giảng. Dần dần, tôi trở thành Phó phòng đào tạo, Trưởng phòng đào tạo. Tôi trải qua nhiều vị trí, gần như không có vị trí nào là chưa trải qua. Đến nay trở thành Giám đốc điều hành”.

Một trung tâm dạy nghề là mái ấm của 1700 thanh thiếu niên cơ nhỡ, khó khăn: học viên tốt nghiệp chinh phục được khách sạn 4 - 5 sao- Ảnh 9.

Hơn 20 năm gắn bó với KOTO, chị Hoàng Hạnh đã trải qua không biết bao nhiêu khó khăn, thử thách. Khó khăn đầu tiên là khi đón nhận học viên với hoàn cảnh khác nhau khi bước vào môi trường lớn gặp nhiều rào cản như nhớ nhà, say xe, ngại giao tiếp, khác biệt ngôn ngữ, trình độ khác nhau,... Chính vì vậy, chị Hạnh và đội ngũ KOTO bước đầu phải khiến các em cảm thấy an toàn, thân thiện. Sau đó, đội ngũ tiếp tục cung cấp kiến thức, ngoại ngữ cùng các kỹ năng mềm để các em thêm hoàn thiện. Bên cạnh đó, hoạt động ngoại khoá, hoạt động cộng đồng luôn nằm trong chương trình đào tạo xuyên suốt trong cả quá trình.

Nhưng có lẽ khó khăn lớn nhất trong nhiều năm qua, cũng là kỷ niệm mà chị Hạnh không quên đó là thời điểm dịch bệnh COVID-19. Khi dịch bệnh bùng phát, cơ sở phải di dời địa điểm 3 lần, chỗ ăn chỗ ở của các em không ổn định. Đỉnh điểm khi không thể thuê được địa điểm mới, chị Hạnh cùng ông Jimmy Phạm phải vận dụng mọi mối quan hệ từ người thân, bạn bè để các em được tới ở.

“Một số em có gia đình nhưng không thể về do dịch bệnh lây lan, một số không còn gia đình… Tôi nhớ mãi ngày hôm đó - khi không còn chỗ nào để đi, tôi hỏi ý kiến của hơn 100 em, các em đã đồng thanh ‘Anh chị đi đâu, em đi đó’. Nhà thì không có, đồ ăn không còn, cũng không có nơi nào để đi khiến tôi hoang mang, nhưng đó cũng là cảm xúc đặc biệt. May mắn ngay sau đó, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ từ các cựu học viên và bạn bè, người quen. Một tháng sau, chúng tôi ổn định cơ sở mới và đón các em về.

Thời gian tới, ngôi trường ‘Ước mơ’ sẽ được hoàn thành. Gần 25 năm, chúng tôi đã di chuyển nhiều nơi, thay đổi 8 địa điểm, cuối cùng cũng tìm được ‘nhà’ cho mình. Sau khi hoàn thành trường, số học viên sẽ được nâng lên là 300, mở thêm nhiều ngành nghề mới để hỗ trợ được nhiều người hơn. Còn tôi, gắn bó với KOTO được gần 25 năm, giờ sẽ thêm 25 năm nữa rồi sẽ bàn giao cho người khác. Bản thân tôi là cựu học viên, tôi cũng mong có nhiều cựu học viên khác trưởng thành có thể thay thế công việc của mình”, chị Hạnh xúc động kể.

Một trung tâm dạy nghề là mái ấm của 1700 thanh thiếu niên cơ nhỡ, khó khăn: học viên tốt nghiệp chinh phục được khách sạn 4 - 5 sao- Ảnh 10.

Còn chị Nguyễn Mai - Trưởng phòng Kinh doanh và phát triển đối tác, dù mới tới KOTO được 6 tháng nhưng chị đã coi nơi đây giống như ngôi nhà thứ hai của mình. Mỗi ngày đi làm, chị cảm thấy bản thân được truyền cảm hứng, có thêm những năng lượng tích cực từ mọi người xung quanh. Chị thường dành nhiều thời gian để tìm hiểu, trò chuyện, chia sẻ với các học viên.

Chị Nguyễn Mai hào hứng tâm sự: “Nhìn gương mặt của các học viên, tôi không thể tin các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Tràn ngập trên gương mặt là niềm hy vọng, sự hào hứng mỗi ngày. Với tôi, mỗi ngày làm việc ở đây đều là một ngày mới - thử thách mới, tình yêu mới và nguồn động lực mới. Mỗi học viên sẽ đem đến năng lượng khác nhau và mỗi đối tác sẽ mang đến cơ hội khác nhau.

KOTO là doanh nghiệp khá hạn chế về cơ sở vật chất nhưng mạng lưới đối tác và sự uy tín lại rộng khắp. KOTO là tổ chức đáng quý, được đối tác đánh giá cao khiến tôi thêm tự tin, tự hào vì mình là thành viên nơi đây”.

Chi Mai chia sẻ một điều thú vị rằng, ở KOTO cấp quản lý rất ít khi tiếp xúc với ông Jimmy Phạm, người được tiếp xúc nhiều nhất là các học viên. Ông Jimmy Phạm có lịch công tác nước ngoài dày đặc để kết nối, kêu gọi tài trợ cho KOTO. Hầu hết thời gian rảnh ở Hà Nội, ông sẽ tới trung tâm để trao đổi với các em về định hướng cuộc sống, quan tâm các em từ những điều nhỏ nhất.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ duy trì những hoạt động đã làm rất tốt trong 25 năm qua. Bên cạnh đó sẽ tìm kiếm các đối tác để có thêm nhiều nguồn hỗ trợ. Tài chính là điều thử thách với KOTO mỗi ngày. Chúng tôi hy vọng sẽ lan toả được giá trị của KOTO đến các đối tác có khả năng giúp đỡ, cũng như đồng hành lâu dài”, chị Nguyễn Mai nhấn mạnh.

Một trung tâm dạy nghề là mái ấm của 1700 thanh thiếu niên cơ nhỡ, khó khăn: học viên tốt nghiệp chinh phục được khách sạn 4 - 5 sao- Ảnh 11.

Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize 2024 với chủ đề "Cộng đồng kiến tạo" tiếp tục tìm kiếm, vinh danh và kết nối những cá nhân, tổ chức đang dấn thân vì cộng đồng trên cả nước. Trong Lễ công bố Giải thưởng, tổ chức ngày 23/09/2024 tại khách sạn Sheraton Hanoi West , Human Act Prize chính thức công bố những điểm nhấn mới của Mùa giải 2024:

Ra mắt ấn phẩm "Dấu ấn tiên phong - Đổi mới trong tác động xã hội tại Việt Nam" – Cuốn cẩm nang hoàn chỉnh đầu tiên dành cho người hoạt động cộng đồng ở Việt Nam.
Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các đơn vị hỗ trợ giải thưởng:
PwC (PricewaterhouseCoopers) – Một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, tiên phong hỗ trợ doanh nghiệp tích hợp yếu tố bền vững vào hoạt động kinh doanh.

Social Impact - Nền tảng giáo dục đầu tiên được thành lập bởi chính các nhà hoạt động cộng đồng ở Việt Nam nhằm thúc đẩy tri thức về phát triển bền vững.

Nền tảng TikTok - Nền tảng video dạng ngắn hàng đầu thế giới, đồng hành lan tỏa những câu chuyện tích cực, tôn vinh những cá nhân, tổ chức đang nỗ lực vì cộng đồng, từ đó truyền cảm hứng cho nhiều người cùng chung tay tạo ra những thay đổi tích cực

Đơn vị bảo trợ truyền thông: 13 cơ quan báo chí đã sẵn sàng đồng hành cùng Human Act Prize 2024 để lan tỏa những điều tốt đẹp nhất cho cộng đồng: Vietnamnet, Vietnam Plus, Lao động, Dân trí, Tiền phong, Đại Đoàn Kết, Công thương, Nông nghiệp, Dân Việt, Nhà báo và Công luận, Hà Nội Mới, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình TpHCM, Tiktok

Human Act Prize 2024 quy tụ các dự án phát triển bền vững, các sáng kiến đóng góp cho cộng đồng của nhiều doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong nước, như Công ty Cổ phần Canifa, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines, Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia, đội ngũ sản xuất chương trình Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly, quỹ học bổng Vừ A Dính, và nhiều đơn vị khác…

Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!

Website chính thức: https://humanactprize.org

Fanpage: https://www.facebook.com/HumanActPrize

Một trung tâm dạy nghề là mái ấm của 1700 thanh thiếu niên cơ nhỡ, khó khăn: học viên tốt nghiệp chinh phục được khách sạn 4 - 5 sao- Ảnh 12.


Hà Chi
Hà Mĩ

Theo Hà Chi Thiết kế:Hà Mĩ

Thanh niên Việt

Trở lên trên