img
Nếu thích một nơi lạ lẫm, để ngắm Việt Nam hùng vĩ hoang sơ thì hè này hãy ghé thăm Đắk Lắk - Ảnh 1.

Tôi sinh ra và lớn lên ở Đắk Lắk, tại một thị trấn nhỏ ven đường quốc lộ cách thành phố Ban Mê Thuột 30km. Tuổi thơ của tôi, như bao đứa trẻ khác là những rẫy cà phê bạt ngàn, là mặt đứa nào cũng lấm lem thứ đất đỏ bazan và đen nhẻm do nắng và gió.

Cái thị trấn tôi ở buồn hiu, chỉ rộn ràng lên vào tháng 11 khi những chiếc xe "càng" (xe công nông) nối đuôi nhau chở cà phê đã thu hoạch từ rẫy về sân phơi. Mùa cà phê kéo dài đâu đó chừng một tháng rồi thường là kết thúc bằng tiếng thở dài khi năm đó lại mất giá. Mọi thứ lại tiếp tục chìm vào guồng quay chán ngắt và buồn tẻ.

Ngày tôi xuống Sài Gòn học Đại học, bạn bè ai biết tôi ở Đăk Lăk cùng đều hỏi duy nhất một câu: "Ở đấy mày đi học bằng voi thật à?". Tôi cũng định phân trần nhưng nhìn ánh mặt rõ là thích thú và hiếu kì của bạn, tôi chỉ đáp: "Ừ, hai con lận". Bạn tôi reo lên: "Oách thế, xịn hơn cả xe Mescedes ấy chứ!". Bạn mà biết rằng lắm đứa trẻ ở Đắk Lắk bây giờ cũng chỉ thấy voi trong sở thú hoặc qua màn hình tivi thì chắc bạn thất vọng lắm!

Quê tôi chưa bao giờ được biết đến nhiều như Đà Lạt hay Nha Trang. Đắk Lắk không có biển, núi non cũng chẳng đủ thơ mộng, dịu dàng. Nói chung là không ai có ý định lặn lội lên thành phố chỉ toàn nắng với gió này chỉ để thử cưỡi voi đi học cả. Thảo Cầm Viên cũng có voi cơ mà!

Vậy nên, khi anh bạn nhờ làm tourguide dẫn đi du lịch Đắk Lắk, tôi đã la lên oai oái "Có gì ở đấy đâu mà anh đi làm gì". Nhưng mà ông ấy vẫn nhất quyết lôi tôi khỏi Sài Gòn trong hành trình tạm gọi là "Đi về phía mặt trời" 3 ngày ở Đắk Lắk. Tôi đến quê hương mình trong tâm thế của một kẻ khách lạ để du lịch để rồi bất ngờ nhận ra, Đắk Lắk đúng là không chỉ có voi. Mảnh đất tuy còn bí ẩn và hoang sơ này hoá ra cũng là một điểm đến du lịch thú vị theo cách rất riêng. Tạm bỏ qua hết kí ức 20 năm về một thị trấn buồn hiu và nhìn nơi đây bằng con mắt tò mò, hiếu kì của một du khách thì chắc chắn, Đắk Lắk có rất nhiều điều lạ lẫm đáng để bạn khám phá lắm đấy!

Nếu thích một nơi lạ lẫm, để ngắm Việt Nam hùng vĩ hoang sơ thì hè này hãy ghé thăm Đắk Lắk - Ảnh 4.

Đắk Lắk, Tây Nguyên – hai từ này chắc gợi lên cho bạn về một vùng đất toàn núi non hẻo lảnh, xa xôi, hiểm trở. Nhưng mà để đến đây thì đơn giản lắm! Chỉ cần ra bến xe Miền Đông, hỏi bất kì chiếc xe khách vào về Đắk Lắk rồi bỏ ra 200k mua vé, leo lên xe đánh một giấc rồi sáng sớm mở mắt ra là đã đến nơi rồi!

Sáng sớm, tôi bị đánh thức bởi tiếng hát vang lên từ radio, ca khúc "Còn yêu nhau thì về Ban Mê Thuột". "Một cao nguyên vừa thật gần vừa xa xôi […] có cái nắng, có cái gió, có nỗi nhớ không mang tên, không mang tên người ơi!". Anh bạn tôi hào hứng hát theo nhạc, tôi thì nói đơn giản "Chào mừng anh đến thành phố buồn muôn thuở!".

"Buồn muôn thuở" là cách người ta nói trại đi 3 chữ Ban Mê Thuột (hay còn gọi là Buôn Ma Thuột). Thành phố nhỏ xíu với nhịp sống bình yên, giản dị. Nếu bạn vẫn thích những nơi đông đúc, nhộn nhịp và đẹp long lanh để cho ra đời hàng nghìn tấm ảnh check – in thì Buôn Mê sẽ khiến bạn có chút thất vọng đấy! Nhưng mà, đi ngược lại đám đông, đi ngược lại trào lưu du lịch một chút thử xem sao!

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi trong hành trình này là Bảo tàng các dân tộc Việt Nam tại Đắk Lắk. Lấy cảm hứng từ ngôi nhà sàn dài của người Ê Đê nên kiến trúc với phần mái của bảo tàng cực kì lạ lẫm, ấn tượng. Không gian bảo tàng được chia làm 3 gian trưng bày với hơn 1000 hiện vật về đa dạng sinh học, văn hoá dân tộc và lịch sử. Bạn sẽ có một hành trình nhỏ đi suốt chiều dài lịch sử, đi dọc văn hoá của các dân tộc thiểu số Việt Nam từ Bắc tới Nam.

Điều khiến tôi không ngừng băn khoăn khi ở đây là tại sao chúng ta cứ phải lũ lượt kéo nhau sang Thái, check-in những bảo tàng như BACC (trung tâm nghệ thuật đương đại Bangkok), MOCA (bảo tàng nghệ thuật đương đại Bangkok) làm gì trong khi ở Việt Nam cũng có những bảo tàng xinh đẹp và ảo diệu nhường này? Những góc hành lang thoáng đãng với ánh sáng cực kì "ăn ảnh" thì chỉ cần đứng vào là bạn đã có ngay ảnh đẹp!

Những khung hình sinh ra là để... Instagram của Bảo tàng. 

Khuôn viên phía ngoài rợp bóng cây như một khu rừng thu nhỏ ngay giữa lòng thành phố cũng khiến bạn thực sự thấy thoải mái và nhẹ nhõm. Quăng balô, nằm dài trên cỏ rồi ngủ một giấc giữa đất trời Buôn Mê luôn cũng được!

Nếu thích một nơi lạ lẫm, để ngắm Việt Nam hùng vĩ hoang sơ thì hè này hãy ghé thăm Đắk Lắk - Ảnh 7.

Đến Buôn Mê mà không uống cà phê thì thật là thiếu sót vậy nên tiếp theo, chúng tôi đến làng cà phê Trung Nguyên. 

Làng cà phê Trung Nguyên hiện ra gần gũi và thân quen với kí ức tuổi thơ của tôi. Một ngôi làng nhỏ với những căn nhà sàn thấp thoáng sau bóng cây, hồ nước mát và cả sân phơi, khu vực rang say luôn thơm nức và ấm áp mùi cà phê thứ thiệt. Đây quả là thiên đường của những người sành cà phê khi bạn có thể tìm thấy những loại cà phê quý như cà phê Chồn, cà phê Arabica, cà phê Moka, Robusta cho đến những loại ca phê nổi tiếng trên thế giới như Ethiopia, Thổ Nhĩ Kì, Italy, cà phê Syphon đến từ Nhật Bản. Bạn cũng có thể chứng kiến cận cảnh quá trình thu hoạch, rang xay, chế biến từ những hạt cà phê thành một cốc cà phê thơm ngon. Uống cà phê ngay tại thủ phủ của nó thì đúng là còn gì tuyệt hơn!

Chiều đến, chúng tôi chạy xe máy loanh quanh thành phố tìm những món ăn ngon. Tôi hỏi anh có thấy chán vì cái thành phố buồn này không? Anh bảo không! Ban Mê Thuột đúng là buồn, nhưng là một nỗi buồn đẹp và êm dịu. Thành phố này như một tách cà phê đen đậm không đường. Cần có thời gian và sự tĩnh lặng để từ từ cảm nhận vị đắng sau đó, vị ngọt sẽ đọng lại khiến ai cũng chẳng thể quên.

Thật khó để nói món gì là đặc sản ở thành phố Buôn Mê. Có chăng thì là rượu cần. Nhưng chúng tôi say cà phê đủ rồi nên cần tìm thứ gì đó vỗ về cái bụng đói. Vừa đi vừa bảo "chẳng có cái gì ngon" nhưng tôi cũng đã kịp dẫn bạn mình đi ăn căng bụng món bò nhúng me, bún riêu – bún đỏ và bánh ướt Ban Mê Thuột.

Cà Te quán là nơi tôi đã ăn rất nhiều lần và lần nào cũng sẽ chọn món bò nhúng me ăn kèm với 7 loại rau rừng. Quán nhỏ xíu và bao năm qua dường như cũng không có ý định mở rộng ra thêm dù khách lúc nào cũng nườm nượp khách ra vào. Chủ quán có thần thái như một vị nghệ sĩ tận tay phục vụ cho khách và nhất quyết sẽ không nhận thêm nếu quán đã quá đông. Bò được ướp với một loại sốt đặc biệt chế biến từ me sau đó nướng trên chảo gang. Bạn có thể ăn miếng bò nóng hổi, đẫm sốt với bánh mì và các loại rau rừng. Quán còn có những món ăn khác như lẩu ếch, cơm gà bảy vị… nhưng món bò nhúng me vẫn là best – seller bạn nhất định phải thử.

Bò nhúng me - nhất định phải thử khi đến Đắk Lắk. 

Bún riêu và bún đỏ - tôi không chắc rằng hai món này có nguồn gốc ở Buôn Mê nhưng vị bún ở đây lúc nào cũng có gì đó rất đặc biệt mà bún riêu ở Sài Gòn hay bất kì vùng đất nào cũng không có được. Hương vị này có thể đến từ nước dùng, cũng có thể đến từ phần riêu rất béo và thơm. Riêu được nấu bằng thịt cua đồng và thịt tôm giã nhuyễn trộn cùng ít thịt nạc dăm và trứng. Riêu có tôm khiến cho tô bún có vị ngọt thanh còn cua đồng giúp tăng vị béo. Màu đỏ của bún rất đẹp nhờ vào cà chua xào và ít màu tự nhiên của hạt điều nên rất an toàn. Cũng là một loại nước dùng nhưng cọng bún đỏ sẽ to, dày hơn bún riêu và thường thì người ta sẽ ăn bún đỏ kèm rau cần và rau cải luộc.

Bún riêu và bún đỏ ở Buôn Mê có hương vị rất khác với Sài Gòn. 

Cuối cùng, dù đã no nhưng tôi nhất định rủ bạn đi thử món bánh ướt Buôn Mê. Cái thú của việc ăn món này là bánh ướt được tráng mỏng bỏ ra dĩa rồi bạn sẽ phải tự cuốn lấy! Gắp một chút dưa leo, một chút xoài, một miếng dưa chua và rau thơm và quan trọng nhất là miếng thịt nướng đã ngay ngắn trên miếng bánh trắng tinh, cứ thế tùy theo sự khéo tay mà chúng ta sẽ có một miếng bánh tròn trịa xinh xắn hay chỉ gói tạm để kịp thỏa mãn cơn thèm đã đến đầu môi. Tất cả vị chua, giòn, thơm, bùi và cay cay khiến cho món ăn không ngán mà rất vừa miệng.

Bánh ướt Buôn Mê cũng là một món phải thử khi ghé thăm nơi này! 

Nếu thích một nơi lạ lẫm, để ngắm Việt Nam hùng vĩ hoang sơ thì hè này hãy ghé thăm Đắk Lắk - Ảnh 11.

Sau một ngày ở thành phố Buôn Mê, chúng tôi quyết định rong ruổi bằng xe máy đến huyện Lắk để tìm cho mình một trải nghiệm mới mẻ và thú vị hơn. Điểm dừng chân đầu tiên là hồ Lắk. Một vùng hồ cực kỳ yên tĩnh, phẳng lặng và có thể khiến bạn trầm trồ vì không gian rộng lớn. Những trải nghiệm bạn không thể bỏ qua khi ở tại đây là đạp xe đi thăm thú buôn làng, chèo thuyền kayak trên hồ Lắk và trải nghiệm không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên.

Không gian rộng lớn, yên tĩnh của Hồ Lắk. 

Vì du lịch chưa phát triển, Đắk Lắk thiếu hẳn những dịch vụ chất lượng. Vậy nên, khi nghe tin rằng ở huyện Lắk có một resort mới toanh dành cho du khách, tôi rất ngạc nhiên và tò mò muốn khám phá ngay.

Lắk Tended Camp nằm trên một khu đất biệt lập được bao quanh bởi hồ Lắk. Để đến được đây, phải đi thuyền mất khoảng 10 phút. Vừa đặt chân đến, tôi đã bị bất ngờ bởi vì không thể tin được giữa cao nguyên lại có một resort nhỏ xinh xắn với đầy đủ các dịch vụ như vậy.

Nếu thích một nơi lạ lẫm, để ngắm Việt Nam hùng vĩ hoang sơ thì hè này hãy ghé thăm Đắk Lắk - Ảnh 13.

Chúng tôi đã dành cả thời gian buổi chiều để đạp xe lang thang trên những con đường ngoằn ngoèo dẫn vào buôn Yang Tao. Buôn làng nhỏ bé và bình yên như một bức tranh lúc chiều về. Tối đến, hãy đắm mình trong thanh âm và vũ điệu lạ lẫm của cồng chiêng được biểu diễn bởi những người dân tộc M’nông. Giai điệu như tiếng vọng của núi rừng Tây Nguyên chắc chắn sẽ để lại thương nhớ trong bạn mãi không nguôi.

Sáng hôm sau, chúng tôi về lại thành phố Buôn Mê, tiện đường ghé qua núi đá Yang Tao – 2 tảng đá nguyên khối lớn nhất nhì Việt Nam.

Nếu thích một nơi lạ lẫm, để ngắm Việt Nam hùng vĩ hoang sơ thì hè này hãy ghé thăm Đắk Lắk - Ảnh 14.

Đỉnh đá voi mẹ.

Đá Voi Yang-tao gồm một cặp hòn đá Voi Cha và hòn đá Voi Mẹ, nổi tiếng với truyền thuyết là "hòn đá biết đi". Nằm cách trung tâm thành phố Buôn Mê  khoảng 40 km theo đường quốc lộ 27. Cặp đá voi này là hai hòn đá nguyên khối có kích thước lớn, hình thù giống con voi đang nằm nên được người dân quanh vùng gọi là đá Voi Cha và đá Voi Mẹ. Chúng được gắn liền với những truyền thuyết ly kì, được coi như biểu tượng thần tình yêu trong quan niệm của người đồng bào thiểu số nơi đây.

Từ mặt đất, chỉ mất khoảng 15 phút để lên đến đỉnh cao nhất của tảng đá bằng cách leo qua những sườn dốc thoai thoải. Từ trên đỉnh đá Voi Mẹ, có thể quan sát nhiều thắng cảnh trong vùng như: hồ Yang Reh và dãy Chư Yang Sin – mái nhà của Tây Nguyên. Cách đó 5km, đá Voi Cha nằm sừng sững giữa thung lũng, mặt hướng về phía những dãy núi điệp trùng. Ở đây, bạn có thể cho ra đời những tấm ảnh cực kì ảo diệu với thiên nhiên hùng vĩ, lớn rộng đẹp chẳng khác gì trên Pinterest.

Chỉ mất hơn 15' để bạn chinh phục đỉnh đá Voi mẹ với những sườn dốc thoai thoải. 

Nếu thích một nơi lạ lẫm, để ngắm Việt Nam hùng vĩ hoang sơ thì hè này hãy ghé thăm Đắk Lắk - Ảnh 16.

Từ thành phố Buôn Mê, chúng tôi tiếp tục rong ruổi đến thị trấn Buôn Đôn để đi tìm voi. Đến Đăk Lăk rồi mà không được cưỡi voi thì cũng tiếc thật! Vậy thì phải đi Buôn Đôn thôi vì chắc chắn không có nơi nào nổi tiếng về voi hơn nơi này rồi! Chắc chắn bạn biết ca khúc thiếu nhi "Chú voi con ở Bản Đôn" mà, đúng không?

Đường vào bản bình yên với những nếp nhà sàn nhỏ lặng lẽ thấp thoáng bóng của những đứa trẻ ngồi chơi tha thẩn. Ánh nắng in trên những vách nhà sàn được làm bằng gỗ, xuyên qua những rặng si già tại Buôn Đôn tạo nên một tác phẩm nghệ thuật bình dị thiên nhiên. 

Buôn Đôn - một buôn làng bình yên và xinh xắn vốn đã quá nổi tiếng. 

Tại khu du lịch Buôn Đôn, du khách sẽ được cưỡi voi tham quan cuộc sống buôn làng, nếu ai muốn có "cảm giác mạnh" thì có thể cưỡi voi vượt sông Sêrêpốk để đến với vườn Quốc gia Yok Đôn. Giá vé để cưỡi voi là 300k trong 30 phút dành cho 3 người.

Bên cạnh những cảm giác thú vị ngồi lắc lư trên lưng voi, bạn còn có thể thử cảm giác lắc lư nghiêng ngả của cầu treo Buôn Đôn, với chiếc cầu treo dài trên 100 mét bắc ngang lưng chừng những cây si già vượt qua dòng sông Sêrêpốk. Những chú voi thường khá hiền lành và dạn dĩ với du khách nên đừng ngại thưởng cho chúng những cây mía sau hành trình trên lưng voi của mình nhé!

Cầu treo Buôn Đôn bắc ngang những cây si già bên dòng sông Sêrêpốk.

Điểm đến cuối cùng trong hành trình của chúng tôi là thác Draynur. Nếu phải chọn một thứ là biểu tượng cho Đăk Lăk thì chắc chắn tôi sẽ chọn những ngọn thác dữ dội nhưng cũng rất mực dịu êm.

Ngọn thác này gắn liền với nhiều câu chuyện huyền thoại về dòng sông Sêrêpốk. Sông Sêrêpốk khi chảy đến khu vực này thi tách thành hai dòng, chia hai ngả. Hai nhánh sông ấy mang hai cái tên là sông Krông Ana (sông Cái) sinh ra ngọn thác Dray Nur (còn được gọi là thác Vợ), và sông Krông Nô (sông Đực) sinh ra thác Dray Sáp (còn được gọi là thác Chồng). Hiện tại, thác Dray Sáp đã đóng cửa nên du khách chỉ có thể tham quan thác Dray Nur.

Nhìn từ xa, thác Dray Nur như một bức tường nước khổng lồ, muôn ngàn sợi nước trắng xóa quấn quít, đan xen, lung linh, huyền ảo. Từ thác Dray Nur, chúng tôi lang thang theo những con đường mòn trong rừng nguyên sinh ngắm những gốc cây đại thụ hàng ngàn năm tuổi, rễ của chúng ôm chặt những tảng đá lớn và khám phá những hang động ngập trong hơi nước trắng xoá. Lên cao, chúng tôi lặng lẽ ngắm nhìn dòng thác nghiêng mình đổ xuống tạo nên một bức tranh thiên nhiên huyền diệu và thơ mộng. Nước va vào vách đá tạo nên những âm thanh trầm bổng, dạt dào. Chúng tôi lặng đi, chẳng nói với nhau câu nào và thấy mình quá đỗi nhỏ bé trước sự hùng vĩ và mạnh mẽ của thác, của núi rừng Tây Nguyên.

Hành trình 3 ngày tại Đắk Lắk kết thúc. Trong lòng tôi, đây vẫn là mảnh đất buồn như cái tên Buôn Mê Thuột. Không những trung tâm thương mại sáng loáng, không những điểm check – in long lanh nhưng những giá trị văn hoá, những khung cảnh thiên nhiên hoang sơ và hũng vĩ chắc chắn rất xứng đáng để bạn tìm hiểu và khám phá. Hãy thử một lần đi đến vùng đất còn lạ lẫm này và tận hưởng cảm giác của một kẻ lữ hành đi lạc xem sao đi!



Nếu thích một nơi lạ lẫm, để ngắm Việt Nam hùng vĩ hoang sơ thì hè này hãy ghé thăm Đắk Lắk - Ảnh 20.
Diệu Thanh
Hữu Dương
Vinh Hồ
KingPro
Theo Trí Thức Trẻ28/4/2018

Theo Diệu Thanh

Trí thức trẻ

Trở lên trên