Cú bứt tốc ấn tượng này tất nhiên không phải do may mắn, mà là sự thăng hoa sau 3 năm tích lũy công nghệ và kiên trì phát triển theo định hướng New-retail của Seedcom. Kingfood Mart là em út của hệ sinh thái Seedcom, kiểu ‘nhỏ mà có võ’. Kể từ khi đại dịch bùng phát từ đầu năm 2020, Kingfood Mart chính là thành viên có hoạt động kinh doanh sôi nổi và tăng trưởng tốt nhất trong hệ sinh thái, cũng như ngách của mình.
Nguyên do đầu tiên là bởi đặc thù ngành - hàng hóa mà họ đang phân phối chính là thực phẩm. Thứ hai họ được sự hỗ trợ to lớn từ Seedcom, đơn vị từng đứng sau sự phát triển nhanh chóng của The Coffee House, Juno, Hnoss và hàng loạt các tên tuổi công nghệ khác.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy – CEO của Kingfood Mart, yếu tố quan trọng nhất đến từ nội lực của chuỗi thực phẩm này. Cú bứt tốc ấn tượng vừa qua của Kingfood Mart chính là sự thăng hoa sau 3 năm tích lũy công nghệ và kiên trì theo đuổi định hướng New-retail từ Seedcom.
Có thể nói, chiến lược New-retail của Seedcom đã phần nào đó chinh phục thành công ngành hàng luôn được tiếng là “khó nhằn” - thực phẩm tươi sống trung và cao cấp, như đã thành công với logistics, chuỗi cửa hàng cà phê hay thời trang…
Chúng tôi nghe rằng Kingfood Mart đã tăng trưởng 400% trong đại dịch, vậy ‘em út’ của Seedcom đã thực hiện cú vượt rào ngoạn mục đó bằng cách nào?
Đầu tiên, công ty tập trung đầu tư ứng dụng công nghệ nhằm hiểu hơn về nhu cầu, kỳ vọng của khách hàng trên các kênh khác nhau, tìm hiểu xem kênh nào là phù hợp nhất để tiếp cận với khách hàng mục tiêu của mình. Bước tiếp theo, Kingfood Mart sẽ sử dụng toàn bộ thông tin thu nhập được để thay đổi cách vận hành cũng như chuỗi cung ứng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng theo thời gian thực tại nơi mà khách hàng cần nhất.
Chúng tôi đã quyết định triển khai nhanh các phương án thử - sai tại ngay cửa hàng đầu tiên của Kingfood Mart mở năm 2018 ở Tân Mỹ (quận 7). Sau đó, Kingfood Mart điều chỉnh dựa trên thông tin thu thập được rồi mới tiến hành tìm kiếm các địa điểm mở mới và mở rộng chuỗi.
Bằng cách áp dụng công nghệ sớm và triển khai chuyển đổi nhanh chóng ngay khi đại dịch vừa mới bắt đầu, Kingfood Mart tăng trưởng gấp đôi sau mỗi khoảng nửa năm. Ngay trong đại dịch, nhu cầu khách hàng cũng tăng đột biến khiến chúng tôi đạt mức tăng trưởng 400% như vậy.
Trong đại dịch, các doanh nghiệp mảng thực phẩm thiết yếu như Kingfood Mart, dù gặp nhiều thuận lợi do nhu cầu thị trường tăng cao, song cũng gặp nhiều khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng. Kingfood Mart đã giải quyết bài toán đứt gãy chuỗi cung ứng ra sao?
Với tình hình chung của thị trường và sự ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, Kingfood Mart không tránh khỏi sự khó khăn do thiếu hàng hoá, hậu quả của việc đứt gãy chuỗi cung ứng và dồn ứ khâu giao hàng. Tuy vậy, khó khăn chỉ trong ngắn hạn và công ty đã sớm bắt kịp nhịp kinh doanh vì chúng tôi có sự chuẩn bị kỹ và sẵn sàng với mọi thay đổi nhanh của thị trường.
Có một thực tế với hàng tiêu dùng nhanh và hàng tươi sống, phân tích tốt dữ liệu sẽ tạo ra một bước đột phá rất lớn về mặt kinh doanh. Khi có hàng triệu mặt hàng, làm sao để lựa chọn được mặt hàng nào hiệu quả nhất để kinh doanh là một thách thức lớn.
Hàng tươi sống quan trọng nhất là dự báo nguồn hàng do đặc thù hạn dùng ngắn. Nếu đặt dư, các đơn vị sẽ phải hủy hàng nhiều, chi phí cao dẫn tới lỗ. Còn nếu đặt thiếu, các đơn vị sẽ mất doanh thu và khách bỏ đi mua chỗ khác dẫn tới mất khách.
Tuy vậy, đại dịch có những tác động rất lớn đến nguồn cung đầu vào, chúng tôi cũng phải liên tục học tập để thích nghi với những thay đổi nhanh chóng.
Chúng tôi đã đưa ra các giải pháp để giảm thiểu tối đa rủi ro của việc cung ứng và vận chuyển. Ví dụ như mở rộng mạng lưới nhà cung ứng tại chỗ, chào đón các nhà cung cấp mới với các sản phẩm được đóng gói linh hoạt, phù hợp cho việc giao nhận trong giai đoạn dịch, nhưng tất nhiên vẫn phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng nhận chất lượng…
Về phía giao nhận, chúng tôi thiết kế một số giải pháp giúp tối ưu chi phí ship như gom đơn đi chợ 7 ngày thay vì đi chợ mỗi ngày như trước đây, hoặc kết nối với các nhóm đi chợ hộ để giao đồng loạt trong một khu vực. Khi xuất hiện tình trạng dồn ứ đơn mua hàng trên website, chúng tôi phải giới hạn thời gian đặt hàng, giới hạn số lượng hàng đặt để đảm bảo vận hành không bị vỡ trận, thông báo đến các khách hàng bị lỡ đơn chưa đặt được…và linh động phối hợp việc đặt online - nhận offline hoặc cả hai.
Vậy hệ sinh thái đã đóng vai trò như thế nào trong sự tăng trưởng của Kingfood Mart suốt đại dịch; hay ngược lại, nếu không có sự hỗ trợ của các anh em, thì tốc độ của Kingfood Mart sẽ ra sao?
Hệ sinh thái Seedcom đã luôn đóng vai trò then chốt từ lúc Kingfood Mart thành lập, cho đến thời điểm đại dịch và cả tương lai khi rất nhiều khó khăn thử thách đang đến sau khi dịch kết thúc. Kingfood Mart có sự tự tin rất lớn khi đương đầu với khó khăn và nhanh chóng đẩy mạnh mô hình bán hàng online mà không lo lắng quá nhiều về việc vận hành có thể bị ảnh hưởng.
Có thể lấy ví dụ như việc chuyển đổi của website Kingfood Mart. Nếu giai đoạn đầu chúng tôi tập trung phân tích các trải nghiệm tại cửa hàng để tối ưu hóa luồng hàng hóa, địa điểm cửa hàng, dự báo nhu cầu; thì trong dịch, chúng tôi tập trung chuyển đổi website của mình thành e-commerce. Tốc độ chuyển đổi e-commerce phải nói rất ấn tượng, chỉ trong 1 tuần. Chỉ mất thêm khoảng 3 tuần với sự hỗ trợ của đối tác Haravan về giải pháp social commerce, chúng tôi đã đồng bộ hoàn toàn hệ thống quản trị khách hàng trên tất cả các kênh từ cửa hàng, facebook, các kênh TMĐT, kết nối với hệ thống thanh toán và hệ thống đặt shipper. Các tính năng bổ sung như tối ưu hóa giao diện và cá nhân hóa sản phẩm hiển thị theo thói quen mua hàng của các khách hàng thân thiết được thực hiện chỉ trong vòng 72h...
Một số dự kiện khác ví dụ như dự án hỗ trợ vải nông sản Bắc Giang, chúng tôi chỉ cần 2 tuần để set up hạ tầng và bán hơn 10 tấn chỉ trong vòng 3 ngày mở pre-order. Hay việc mở online hub để xử lý hơn 1.000 đơn hàng mỗi ngày cũng đơn giản hơn các đối thủ bên ngoài khá nhiều.
New-retail, sứ mệnh của Seedcom, áp dụng vào ngành hàng xưa cũ như thực phẩm của Kingfood Mart, ngoài việc tăng cường công nghệ, còn "mới" ở dịch vụ/giải pháp nào khác?
Dựa trên việc tăng cường công nghệ, mô hình New-retail còn được thể hiện mạnh mẽ thông qua việc ứng dụng dữ liệu vào kinh doanh. Đây sẽ là động thái phổ biến của các chuỗi bán lẻ đi theo mô hình New-retail. Trên thực tế, điều này không dễ thực hiện đối với các doanh nghiệp toàn cầu chứ không riêng gì Việt Nam.
Điểm mới, tôi cho rằng là ở tốc độ "hiểu" khách hàng nhanh tới đâu để tương tác với họ tốt hơn. Nếu hệ thống công nghệ không đủ mạnh mẽ, bạn sẽ không liên kết được các hành vi tiêu dùng của khách hàng. Hiện nay, chỉ với 1 lần khách hàng inbox trên facebook, chúng tôi đã có thể biết được người dùng này đã mua sản phẩm lần nào chưa, mua ở cửa hàng vật lý hay mua online, sản phẩm họ hay mua nhất là gì, hình thức thanh toán nào họ ưa chuộng…
Điểm thứ 2 là khả năng liên kết của các dữ liệu ở một khu vực dân cư. Khách hàng ở quanh khu vực cửa hàng Kingfood Mart có nhu cầu ổn định cho các thói quen tiêu dùng hằng ngày. Tận dụng thông tin từ các đơn hàng đã mua để hiểu được phần lớn nhu cầu khách hàng dựa trên các thay đổi về dữ liệu của mỗi giỏ hàng sẽ giúp tối ưu chuỗi cung ứng và vận hành ở mỗi khu vực. Ví dụ, như riêng sản phẩm rau mồng tơi, chúng tôi có hẳn 4 lựa chọn cho khách hàng, mồng tơi hữu cơ (Vinamit), mồng tơi hướng hữu cơ (Việt Hà, RCVN), mồng tơi Vietgap (Hugo Farm) … tất cả đều đảm bảo chuẩn an toàn thực phẩm, chất lượng cao nhưng chuẩn canh tác áp dụng khác nhau, kéo theo giá thành khác nhau. Bà nội trợ khi vào siêu thị/đặt mua có thể tùy ý lựa chọn theo mức chi tiêu của gia đình. Khu vực có nhiều bà nội trợ chọn sản phẩm hữu cơ, chúng tôi sẽ đẩy mạnh các dòng sản phẩm khác tương ứng…
Nếu xét trên mỗi khách hàng, sự thay đổi về món trên các giỏ hàng của bà nội trợ hàng ngày là không đáng kể. Bữa ăn hàng ngày của bà nội trợ Việt sẽ không thiếu các món cơ bản phục vụ các món mặn, xào, canh… nên nguồn hàng tươi sống cũng xoay quanh các nhóm này. Các thông tin này sẽ được áp dụng vào việc phân bổ hàng, luồng hàng để tối ưu việc hiển thị quầy kệ của khách hàng từng khu dân cư riêng biệt, từ đó là cơ sở để cải thiện doanh thu.
Bước tiến tiếp theo là gợi ý món ăn, nguyên liệu mà các bà nội trợ hay cho vào giỏ hàng ngay khi có hàng nhập về. Thậm chí, Kingfood Mart tiến đến việc chủ động gợi ý các thực đơn phổ biến và dinh dưỡng dựa trên các thói quen mua sắm hàng ngày của bà nội trợ, kèm các khuyến mãi nổi bật.
Homefarm từng cho biết, một trong những nỗi đau của họ là không bày được nhiều hàng Việt chất lượng cao lên kệ, mà chủ yếu chỉ bán hàng nhập, do các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chưa quan tâm đến thị trường nội địa. Kingfood Mart liệu có chung nỗi đau đó?
Chúng tôi có cái nhìn khác, nhờ bài học được chính khách hàng nội địa dạy khi "test thị trường" ngay trong cửa hàng đầu tiên của mình. Cửa hàng đầu tiên Kingfood Mart thành lập hồi năm 2018 ở Tân Mỹ (quận 7) tập trung 80% sản phẩm nhập khẩu, nhắm đến nhóm khách hàng có thu nhập cao. Tuy vậy, doanh thu cửa hàng thấp vì không đúng khẩu vị thị trường.
Năm 2019, công ty thay đổi mục tiêu thành "phục vụ bữa ăn cao cấp hàng ngày", theo đó, danh mục hàng hoá cũng thay đổi theo hướng tăng 40-50% sản phẩm tươi sống an toàn, rõ nguồn gốc và lấy từ các doanh nghiệp nội có thương hiệu tốt. Nhờ đó, doanh thu của chúng tôi tăng trưởng chỉ sau một năm rưỡi điều chỉnh tỷ trọng ngành hàng. Tỷ lệ hàng hoá trong nước với các nhãn hàng lớn và phổ thông chiếm trọng số lớn tại Kingfood Mart và đóng góp tỷ lệ doanh thu khá tương ứng.
Chúng tôi nhận thấy các thương hiệu Việt đã có sự đầu tư bài bản và tập trung cho thị trường nội địa, có thể kể đến các thương hiệu rau củ quả, trái cây Việt xuất khẩu với nhiều chuẩn chất lượng vốn dành cho thị trường nước ngoài nay cũng được phân phối trong nước, thịt heo (Gfood, MeatDeli, CP…), thịt gà (3F, CP…), thậm chí các thương hiệu Nước mắm Tĩn, Nhãn xưa nổi tiếng...cũng rất quan tâm đến bao bì, đóng gói.
Vậy đại dịch đã giúp Kingfood Mart đi nhanh hơn kế hoạch bao nhiêu năm? Chiến lược phát triển trong khoảng 3 năm tới của thương hiệu là gì?
Ra mắt từ tháng 12/2018, 3 năm đầu (2019-2021), chúng tôi dự định chỉ chạy thử nghiệm trước khi chính thức tăng nhanh số lượng lên 500 cửa hàng đến năm 2025. Có thể nói, Covid-19 là chất xúc tác để Kingfood Mart tăng tốc nhanh hơn so với dự kiến của Seedcom, thể hiện ở tốc độ đạt doanh thu kỳ vọng ở 2 cửa hàng mở mới đầu năm 2021 và doanh thu tăng gấp 4 lần trong tháng cao điểm dịch nhờ nỗ lực duy trì vận hành và đẩy nhanh chuyển đổi số ở các cửa hàng hiện có.
Trước tác động của đại dịch, hành vi khách hàng cũng thay đổi nhanh chóng, đã không còn sự tách bạch giữa on-offline. Khách hàng một khi đã có những trải nghiệm tốt ở bất cứ điểm chạm nào cả kênh online và offline cũng sẽ trở lại với chúng tôi. Chúng tôi vẫn tiếp tục với mô hình New-retail và tối ưu vận hành để hoàn chỉnh mô hình, đáp ứng sự kỳ vọng của khách hàng trung lưu, nhóm khách hàng đang ngày càng gia tăng nhanh chóng.
Hiện tại chúng tôi cũng đang được Seedcom hỗ trợ nhiều về nguồn lực và tài chính để nhanh chóng mở rộng số lượng cửa hàng cũng như đẩy mạnh hiện diện online đến năm 2023, hướng tới việc trở thành 1 trong những lựa chọn ưu tiên cùng bà nội trợ mang đến bữa ăn ngon lành, cao cấp cho gia đình Việt.
Cảm ơn bà rất nhiều!
Nhịp sống kinh tế