Có một đứa bé sắp chào đời. Nó bèn hỏi Thượng Đế:
- Họ nói ngày mai Người sẽ đưa con xuống trần gian, nhưng làm sao con sống nổi ở đó khi mà con quá nhỏ bé và bất lực như thế này?
Thượng Đế đáp:
- Trong số những thiên thần, ta đã chọn cho con một người. Thiên thần của con sẽ đợi và chăm sóc con chu đáo.
Đứa bé lại nài nì:
- Nhưng, con sẽ không phải làm việc gì ngoài ca hát và vui cười hạnh phúc chứ?
Thượng Đế đáp:
- Thiên thần của con sẽ hát cho con nghe và cũng sẽ tươi cười với con mỗi ngày.
Đứa bé vội vàng hỏi Thượng Đế:
- Thưa Ngài, nếu con phải đi ngay bây giờ, xin hãy cho con biết tên thiên thần hộ mạng của con.
- Tên của người không quan trọng, con chỉ đơn giản gọi người là "Mẹ".
Vị thiên thần mang tên “Mẹ" không chỉ chở che cho những đứa con từ lúc còn là một mầm sống bé nhỏ, mà cho đến khi tóc đã phai màu mẹ vẫn dành hơi sức yếu ớt của mình đem lại cho con sự bình yên trọn vẹn. Thế giới rộng lớn, đôi chân con không ngừng đi về phía trước, ước mơ con mỗi ngày một bao la, vậy mà thế giới của mẹ vẫn chỉ gói gọn đâu đó trong nỗi lo giản đơn như: Trời trở lạnh không biết con có bị cảm không? Có được ăn ngon không? Làm công cho người ta chắc cực khổ lắm!...
Những năm qua chúng tôi may mắn gặp được rất nhiều người mẹ, họ có thể là doanh nhân thành đạt, là người bán rau ở chợ hay người nông dân chân lấm tay bùn trên đồng ruộng… thế nhưng tất cả những câu chuyện mà họ đem đến luôn đầy ắp tình yêu thương và sự bao dung. Có người chống chọi với tử thần để giữ lại đứa con trai mất nửa mạng sống, có người dành cả cuộc đời để chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ cho đứa con mãi không chịu lớn, và có cả những người mẹ dù không phải ruột thịt vẫn hy sinh hạnh phúc của mình để con được sự bình yên. Họ - những người phụ nữ rất đỗi bình thường, nhưng khi mang trên vai thiên chức làm mẹ, họ bỗng chốc hoá phi thường.
Ông Kẹ là một trong những nhân vật dân gian đáng sợ nhất đối với tụi con nít. Ngày xưa, hễ đứa nhỏ nào không nghe lời người lớn liền bị đem ông kẹ ra hù. Nhưng tôi cứ thắc mắc vậy thì lỡ như ông Kẹ không nghe lời thì phải mách ai?
Đương nhiên là mẹ của ông kẹ rồi!
Trong phố cổ Hội An, có một người đàn ông vẫn được mọi người gọi với biệt danh là “ông Ôn" (Ông Kẹ). Thần trí của ông Trần Thành Tùng (60 tuổi) không được bình thường từ lúc mới sinh. Dù năm nay đã bước sang tuổi 60 nhưng tính tình của ông như một đứa trẻ lên ba. Ông thích chơi đùa với tụi con nít nhưng với bộ dạng của mình, hễ thấy ông Tùng là lũ trẻ con ở Hội An lại khóc thét lên hoặc bỏ chạy mất dép. Thành ra, chẳng biết từ bao giờ, người ta lại gọi ông là "ông Ôn" và thường dùng để dọa những đứa trẻ "hư" ở phố cổ.
Với cái đầu trần, chân đất, tay lều khều, hàm răng sún gần hết và miệng lúc nào cũng chảy đầy nước dãi, hằng ngày ông Tùng lang thang khắp các nẻo đường phố cổ để "vui chơi". Thế nhưng dù lũ trẻ và người dân ở phố cổ ghê sợ ông, thì có một người vẫn luôn âm thầm từng ngày dõi theo, chăm sóc cho ông từng miếng ăn giấc ngủ.
Suốt gần 60 năm qua, bất kể mưa nắng, cứ vừa trở trưa hoặc xế chiều là bà Ngô Thị Dy (83 tuổi, mẹ anh Tùng) lại cần mẫn xách giỏ đựng cơm đi khắp nơi tìm con trai. Khi gặp anh Tùng ở đâu là bà nhẹ nhàng vỗ về, dỗ dành để đút từng muỗng cơm cho con ăn kẻo đói.
Ôm lấy đứa con trai đã 60 tuổi đầu mà tâm trí vẫn như đứa trẻ con, bà Dy bùi ngùi tâm sự: "Từ ngày chồng mất, các con có gia đình riêng nên suốt mấy chục năm qua, một mình tôi chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ đến vệ sinh cá nhân cho thằng Tùng. Nó ham chơi lắm, ngày nào cũng đi lang thang khắp nơi. Có lần nó đi lạc xuống bãi biển Cửa Đại khiến tôi phải đi kiếm cả đêm mới thấy nó đang nằm dưới đất vì đói. Hằng ngày, tôi đều nấu cơm rồi đi kiếm để đút cho con ăn kẻo sợ nó đói rồi nằm ở đâu đó thì đau lòng lắm!".
Trong căn nhà cũ kỹ lọt thỏm cuối con hẻm nhỏ cạnh sông Hoài, sức khoẻ người mẹ ngày một yếu đi nhưng tình yêu bà dành cho con thì không vơi đi chút nào.
Cuộc đời luôn xuất hiện những ngã rẽ bất ngờ buộc ta phải lựa chọn đánh đổi hay bước sang một con đường mới. Và câu chuyện của người mẹ trẻ ở quán chè Mẹ Siêu Nhân (TP.HCM) là minh chứng cho những ngã rẽ mà ở đó người mẹ sẵn sàng hy sinh sự nghiệp của mình để cho con một tương lai tốt đẹp nhất.
Cậu con trai nhỏ của anh Lê Văn Quang (30 tuổi) và chị Lương Thị Nhi (28 tuổi) mang một cái tên đặc biệt - Lê Quang Thạc, nhằm ghi dấu sự kiện cậu bé được sinh ra sau khi cả hai vợ chồng đều bảo vệ thành công luận án thạc sĩ. Đến khi được 10 tháng tuổi Thạc có nhiều biểu hiện bất thường so với những đứa trẻ cùng trang lứa, thấy vậy chị Nhi vội đưa con đến bác sĩ khám bệnh. Người mẹ trẻ đã khóc rất nhiều, thậm chí đưa con đi khám lần hai vì không tin vào kết quả của bác sĩ, Thạc mắc một chứng bệnh về não hiếm gặp, các tài liệu y khoa cho biết những đứa trẻ mắc căn bệnh này thường không sống quá 10 tuổi.
Vợ chồng chị Nhi đưa con đi rất nhiều nơi để chữa trị nhưng đều không có kết quả. Thế nhưng họ chưa bao giờ thôi hy vọng, bởi dù tất cả cánh cửa có đóng lại thì họ vẫn sẽ là chỗ dựa cho Thạc. Chị Nhi quyết định tạm dừng những ước mơ của bản thân để dành hết thời gian cho con. Chị mở một quán chè nhỏ với mong muốn giúp con hoà nhập với xã hội xung quanh. Mỗi vị khách đến quán mang theo một niềm vui cho cậu bé, giúp cậu cởi mở hơn.
Thấy vợ vừa phải chăm con vừa phải lo chuyện buôn bán, anh Quang cũng quyết định xin nghỉ việc để có thời gian chăm sóc con. Mỗi ngày anh phụ vợ nấu nướng, rồi đưa Thạc đi bơi, đi vật lý trị liệu, tập cho con từng bước đi. Chị Nhi vui vẻ tâm sự: “Nhiều người hỏi anh chị có tiếc nuối vì phải từ bỏ ước mơ, sự nghiệp của bản thân để chăm sóc cho con? Anh Chị không hề hối hận, bởi Thạc mới chính là sự nghiệp lớn nhất của cuộc đời anh chị. Nhìn thấy con mỗi ngày một lanh lợi, cởi mở là anh chị đã cảm thấy hạnh phúc lắm rồi!”.
Người ta thường nói người hay cười là người mang nhiều tâm sự nhất. Đúng thật như vậy, nếu không phải có dịp được lắng nghe câu chuyện của chị Hiền có lẽ tôi đã không tin người phụ nữ yêu đời này lại trải qua nhiều thăng trầm đến thế.
Ngày đó lúc sinh bé Nga, vợ chồng chị gặp nhiều khó khăn trong tài chính, cũng vì thế mà xuất hiện nhiều mâu thuẫn. Rồi anh bỏ đi, anh cưới người khác. Chị chẳng một lời oán trách, cứ thế một mình lầm lũi làm ngày làm đêm nuôi con nhỏ.
Mấy năm sau mẹ của anh qua đời, dù không còn là vợ chồng, nhưng chị vẫn lặn lội về quê dự đám tang. Chị bảo nghĩa tử là nghĩa tận, hết tình thì còn nghĩa.
Nhưng sự hiện diện của chị ở đám tang dường như chẳng được ai quan tâm. Kể cả chồng cũ. Chẳng ai thèm để ý chị đến lúc nào và về lúc nào. Đêm đó không kịp xe về Sài Gòn, chị đành xin ngủ lại ở một nhà người quen cách đám tang không xa. Nửa đêm chị thức dậy ngồi thu lu một góc khóc như mưa, chị khóc nhưng cũng chẳng biết khóc vì điều gì, vì bội bạc hay vì đã cố gắng hết sức nhưng không thể cho con một gia đình trọn vẹn. Đó là lần cuối cùng chị gặp anh.
Chị không đi bước nữa, cứ ở vậy nuôi con. Tôi hỏi: Ủa sao đời buồn vậy mà chị cười nhiều vậy? Chị chống nạnh nói: Ủa lạ nghen, ông bà mình không phải hay nói “buồn cười" đó sao, chị buồn nên chị cười cho hết buồn.
Làm ăn dư dả mỗi ngày chị nấu nồi cháo thịt rồi đem ra đầu hẻm cho người lao động, ai đói lòng thì lấy một ít về ăn. Chị cười: “Ừa, chị làm phước cho con!”.
Có những người mẹ cả cuộc đời làm việc không màng đến sức khoẻ của bản thân chỉ mong sao con cái được ăn học đàng hoàng, để không nghèo như cha mẹ của chúng.
Người phụ nữ vẫn lầm lũi dắt chiếc xe đạp chậm chậm đi qua từng con phố, ngó trong từng thùng rác, từng góc vỉa hè xem có ai vừa vứt lại cái gì không. Mặc kệ lúc này đã là 1h sáng, người phụ nữ không lo cho mình, chỉ sợ hôm nay nhặt nhạnh không được nhiều, tháng sau tiền ăn cho ba đứa con lại ít đi một chút.
Để có tiền chăm lo cho 3 cô con gái, 15 năm trước cô Trần Thị Tơ (52 tuổi) theo chân những phụ nữ trong vùng lên Hà Nội kiếm kế mưu sinh. Cố nén giọt nước mắt đang chực trào trên khóe mắt, cô Tơ trải lòng: "Mỗi lần về thăm con là lại không muốn đi nữa, nhưng nghĩ đến chuyện không đi thì tiền đâu nuôi con, sau này còn tiền ăn học mỗi ngày một tốn, thế là lại đi, lắm lúc không dám ngoái đầu lại nhìn con thêm lần nữa".
Giờ thì các con cô đều học đại học hết rồi. Thật may là đứa nào cũng chăm ngoan, học giỏi. Chị cả học kinh tế (Đại học Kinh tế Quốc dân) ở ngay đây, đứa thứ 2 học sư phạm (Đại học Sư phạm Hà Nội), con em út học công nghiệp (Đại học Công nghiệp Hà Nội). Chị bảo em, đứa nào cũng chăm chỉ, vừa học vừa làm thêm, đứa gia sư, đứa làm quán ăn. Năm vừa rồi cô chị cả bảo rằng hay mẹ nghỉ làm trên này, về quê làm việc gì nhẹ nhàng cũng được. Nó bảo với cô rằng ba chị em nó đi làm thêm đủ tiền trang trải chuyện học hành. Nhưng rồi cô vẫn gắng làm, bởi chăm lo cho con là thiên chức mà cô đang gánh.
"Mấy giờ rồi hả cháu? Cô đi nhập hàng còn về nấu ăn bữa trưa đây!" - người phụ nữ cất tiếng hỏi. Chỉ vừa ngồi nghỉ được một lúc, cô Tơ lại sắp xếp lại chỗ hàng, neo buộc lên xe cho gọn, đội chiếc nón mê có chiếc khăn mùi soa làm khẩu trang lên đầu rồi dắt chiếc xe đi lững thững dưới làn hoa nắng.
Anh Giáp, 65 tuổi, chưa từng nghe thấy hay nói ra được tình yêu thương dành cho mẹ. Từ khi sinh ra, anh Giáp đã là một đứa trẻ câm điếc. Nhà có tổng cộng 5 người con, mỗi mình anh mang trong mình sự thiệt thòi đầy nghiệt ngã. Mẹ Quỳ (90 tuổi) chọn sống nốt tuổi già cùng đứa con trai đáng thương của mình. Cuộc sống đôi khi khó khăn, nhưng mẹ thương anh chẳng hết. Có cháo ăn cháo, có rau ăn rau, người ta cho gì mẹ con anh đều nhận.
Căn nhà gỗ cũ kỹ của hai mẹ con anh Giáp nằm ẩn mình nơi làng cổ Đường Lâm cổ kính. Cuộc sống quanh năm yên bình và dung dị. Từ đầu làng tới cuối làng, hỏi nhà anh Giáp "câm", ai ai cũng biết. Từ tấm bé, bố mẹ cố gắng đưa anh lên Hà Nội chạy chữa mãi nhưng chẳng được, đến giờ thì mặc kệ luôn.
Căn nhà không bao giờ khoá cửa, bên trong chả có thứ gì đáng giá ngoài con xe máy mới mua. Căn bếp cũ kỹ ẩm thấp, anh Giáp ngủ trên chiếc giường gần phòng khách. Mẹ Quỳ có phòng riêng nhưng tối thui, nhiều muỗi. Mẹ bảo sống như thế quen rồi, thành thử nghèo khổ mẹ cũng chẳng hề hấn gì.
Một ngày của mẹ con anh Giáp bắt đầu từ 6h sáng. Mẹ đập đập vào lưng gọi anh ra đồng. Nhà có thửa ruộng ngoài kia giờ giao lại cho anh Giáp "cai quản". Bao nhiêu lúa thóc đến mùa thu hoạch, anh đưa về nhà cất trữ cho hai mẹ con ăn dần.
Con trai ra đồng cày cấy, còn mẹ Quỳ ra chợ buôn rau. Đó là ngày trước thôi, khi mẹ còn khoẻ, mẹ mua vài mớ rau của người ta rồi ngồi ngoài chợ bán lấy lời. Nói là buôn bán thế thôi chứ mẹ chả lời được bao nhiêu. Có vài đồng ít ỏi, mẹ cất dành mua thức ăn, mua thuốc cho anh Giáp. Giờ mẹ Quỳ 90, sức khoẻ yếu lại thêm chứng lãng tai. Mẹ không đi chợ nữa, mẹ ở nhà, ngồi ngoài bậc thềm đợi anh Giáp về.
Tối tối, mấy đứa con tranh thủ xuống thăm mẹ. Đó là niềm tự hào lớn nhất cho đến tận bây giờ mà mẹ có được. Mẹ cười: "Nhà tôi nhiều con, nhiều cháu lắm".
Mẹ Quỳ không muốn phiền bất kì đứa con nào, mẹ bảo "Mỗi đứa giờ có gia đình riêng rồi, còn mỗi thằng Giáp. Mà chẳng ai lấy nó cả, lấy rồi thì khổ tất cả. Nó như vậy thì làm sao chăm sóc con nhà người ta được nên thôi, nó sống với tôi mãi".
Anh Giáp tuy không nói cũng chẳng nghe được, nhưng anh hay cười. Đó là cách duy nhất anh thể hiện tình cảm với mẹ mình.
Mọi thứ đều được thể hiện từ ánh măt, cử chỉ và cả những điều sâu thẳm từ tận đáy lòng, mà có lẽ chỉ mình anh Giáp mới rõ.
Thương - 14 tuổi, là một cô bé vừa chập chững bước vào cấp 3. Thương không có mẹ, em chỉ có người bà năm nay đã 63 tuổi. Người phụ nữ cách đây 14 năm, chỉ như một hình bóng xa lạ bước vào đời em, nhưng đã cứu vớt và cho em một cuộc đời mới.
Bà Bình - 63 tuổi, là một người trông giữ trẻ. Bà Bình có một người con gái và một đứa cháu nuôi. Đứa bé cách đây 14 năm bị chính mẹ ruột bỏ rơi và cho đến nay, em không hề có bất cứ thông tin nào về người phụ nữ ấy. Đó là Thương - đứa trẻ đến với bà Bình như một sự tình cờ và sắp đặt của ông trời.
Ngày 8/1/2004, Thương khi ấy mới 5 tháng tuổi. Đứa bé sơ sinh được mẹ đưa sang gửi bà Bình trông với số tiền 1 triệu đồng/ tháng. Cứ cách 2 đến 3 ngày, người mẹ lại ghé thăm con một lần nên bà Bình rất yên tâm.
Một khoảng thời gian sau, vào tháng 5/2005, người phụ nữ ấy không còn đến thăm con gái mình nữa. Cô ấy bỏ đi, tắt liên lạc. Dãy trọ nơi cô từng sinh sống cũng không còn ai có cái tên giống như cô. Hàng xóm chỉ biết, những người sống trong căn phòng đó đã rời đi từ lâu rồi.
Tròn 14 năm trôi qua một mình bà Bình nuôi nấng, chăm sóc cho Thương như mẹ ruột. Bà nhận Thương làm cháu nuôi vì chẳng nỡ để đứa bé tội nghiệp phải vào trung tâm xã hội.
"Thời gian trôi nhanh quá, tôi không nghĩ mình có thể làm được việc này. Nếu bây giờ chọn lại, tôi vẫn sẽ chọn Thương".
Chồng mất sớm, cuộc sống ở quê quá khó khăn, bà Bình quyết định lên Hà Nội kiếm sống. Dù không ít vất vả, cực nhọc, đến bữa ăn cho bản thân và con cái còn chưa xong nhưng bà vẫn một mực xem Thương là món quà mà ông trời ban tặng.
Để nuôi Thương khôn lớn, hàng ngày bà Bình nhận trông thêm 2-3 đứa trẻ quanh xóm. Không có tiền mua sữa bột, bà mua sữa ông Thọ pha cho cháu uống. Cuối tháng nhận được tiền trông trẻ, bà dành dụm mua cho cháu vài hộp sữa tươi để thay đổi.
"Khổ nhất là đến thời kỳ con ăn dặm, cháu thèm thịt, tôi cũng chỉ dám mua vài lạng cho con ăn, còn mình mua bì lợn về lọc lấy mỡ nấu canh".
Một lần khi mới học lớp 3, thấy xưởng gạch thuê người bốc xếp Thương trốn nhà ra làm. Đến khi tay sưng rộp, rớm máu, bà Bình phát hiện được thì giận lắm, nhưng bà không dám đánh. Hai bà cháu cứ thế ôm nhau khóc.
Cú sốc lớn trong cuộc đời khiến Thương khóc rất nhiều ngày. Em khép kín, trầm tính và ít nói, nhưng chưa bao giờ em hỏi về mẹ mình. Thương cháu, bà Bình đến lớp nhờ cô giáo cho Thương vào đội múa của trường. Kể từ đó, em sống hòa đồng hơn.
Đến bây giờ, bà Bình không còn nghĩ đến việc tìm lại mẹ ruột cho Thương, và Thương cũng không muốn chuyện đó xảy ra. Sâu thẳm trong trái tim, bà cầu mong có thêm sức khỏe để tiếp tục nuôi nấng Thương nên người, được chứng kiến Thương học xong Đại học, có việc làm, lập gia đình ổn định cuộc sống.
Có lần tôi hỏi một người phụ nữ khiếm thị: “Mười mấy năm qua chị nuôi con, có bao giờ chị hình dung gương mặt của con mình như thế nào không?”. Chị mỉm cười: “Chị không cố gắng làm điều đó, vì con mình sinh ra dù xấu, đẹp hay bất kể thế nào thì vẫn là con mình. Thế nên dù cho cả cuộc đời này không thể nhìn thấy hình hài của con, thì chị vẫn thương con bằng tất cả những gì chị có".
Đến một lúc nào đó, chúng ta - những phận làm con bồi hồi nhớ về cha về mẹ như muốn tìm lại chút dư âm của ngày xưa. Với nhiều người, chắc gì đã còn cơ hội. Tuổi xế chiều ngày càng chồng chất, mẹ cùng cha đón thời gian lạnh lùng bước qua đời. Cuộc hành trình thầm lặng hướng về phía hoàng hôn.
Con mỗi ngày một lớn thêm, còn mẹ cha mỗi ngày một già cỗi.
Những câu hát về tình mẹ nghĩa cha vang lên bao trùm cả không gian nhỏ tại chùa Bằng (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Nhiều người lặng lẽ lấy tay lau nước mắt. Tối hôm đó họ có quyền được khóc, được trải hết lòng mình về những đấng sinh thành, về cha, về mẹ.
Nga (23 tuổi, quê Nam Định) bật khóc nức nở giữa hàng trăm tăng ni phật tử ngồi chắp tay tại chùa. Đây là lần đầu tiên cô có mặt tại đây vào một dịp lễ quá đỗi đặc biệt. Nga làm việc ở Hà Nội, còn bố mẹ cô lặng lẽ cuộc sống êm đềm ở quê. Nga không biết cách kiềm chế cảm xúc, cô cứ mặc nước mắt chảy. Lúc này, cô nhớ nhiều về cha mẹ mình.
"Mình rất xúc động. Trong giây phút đó, mình nhớ tới cha mẹ nên đã bật khóc. Mình cảm thấy có lúc đã làm bố mẹ buồn, mình không nghe lời và thực sự hối hận".
Với Nga, với những người trẻ mười tám, đôi mươi, lắm khi sự hối hả của cuộc sống vô tình khiến họ hững hờ, không quan tâm tới mẹ cha. Đã bao lâu rồi, bạn không ăn cơm cùng gia đình? Đã bao lâu rồi, bạn không nói "con yêu mẹ"? Và đã bao lâu rồi, bạn không về thăm cha?
"Lâu lắm rồi!"
Cuộc sống sẽ luôn tấp nập và xô đẩy chúng ta đến một chân trời nào đó cũng chẳng rõ, nhưng mà, cha mẹ vẫn mãi là bờ vai vững chắc. Có thể, hãy biến mọi ngày trong năm đều là ngày Vu Lan báo hiếu. Vì suy cho đến cùng, chúng ta chẳng thể sống mãi bên cạnh cha mẹ. Hãy biết trân quý những phút giây quý giá khi còn có thể.
Bà Hằng (75 tuổi) khẽ đặt lên ngực trái một bông hoa trắng. "Bố mẹ khi còn sống khoẻ mạnh lắm dù khi đấy 2 cụ đều đã gần 90. Nhưng mà kiếp người không ai đoán trước được...".
Lễ tan, bà Hằng theo người bạn hàng xóm dắt tay nhau đi về. Bà để bông hoa trắng ở chùa, như đặt lại một niềm thương nỗi nhớ, còn trong tim vẫn mãi mãi hình bóng mẹ cha.
Ngoài kia còn hàng trăm, hàng nghìn câu chuyện về những người mẹ nhưng có lẽ chúng ta sẽ chẳng bao giờ kể hết được tình yêu thương mà mẹ đã dành cho những đứa con. Mùa Vu Lan, mong rằng những ai còn may mắn được cài lên ngực đoá hoa hồng hãy trân trọng những phút giây được bên mẹ.
Trí thức trẻ