Ngày mới quen, ông Thanh nhiều bồ. Bà Nụ nghĩ, mình có tài nên không lo gì hết. Cưới nhau về, bà bày đủ việc cho ông làm, hết cả thời gian ong bướm. Từ chàng trai lãng tử, đa tình, ông Thanh trải qua khoá rèn luyện của người phụ nữ đẹp nhất tỉnh Gia Định lúc bấy giờ, trở thành người đàn ông lam lũ, hết lòng vì gia đình.
Bí kíp "lạt mềm buộc chặt" đã giúp bà Nụ thành công. Nhưng cuộc đời đâu có tròn vẹn, số phận lại khó dễ hai người lần nữa. Khi người vợ, người mẹ của ba đứa trẻ ngã khuỵ xuống. Liệt, liệt nửa người cùng án ung thư "treo lơ lửng".
Giữa nghịch cảnh đó, tình yêu một lần nữa thắp sáng gia đình nhỏ, trở thành động lực để ông Thanh, bà Nụ và những đứa con vượt qua bão giông cuộc đời…
40 năm duyện nợ nhà Dr Thanh: Chung thuỷ không phải trước sau như một
Trải qua 40 năm của cuộc hôn nhân, điều đáng quý nhất ở ông mà bà cảm nhận được là gì?
Bà Phạm Thị Nụ: Đó là ông ấy ở bên tôi khi sóng gió đến. Rõ ràng cái sóng gió này quá lớn. Tôi đổ bệnh rất đột ngột. Lúc tỉnh dậy, tôi không nghĩ mình bị liệt tay và chân phải. Rồi còn chưa hết, tôi bị ung thư. Nhà tôi ông ấy lo lắng, ông ấy xuống sắc. Tôi mới nghĩ rằng, thôi chết rồi. Hồi nào tới giờ hai chúng tôi làm chung với nhau, ông làm A tôi làm B, rồi tôi ra ngoại giao. Bây giờ tôi nằm xuống, ai làm đây.
Tôi chợt tỉnh ra, rằng tất cả mọi thứ sẽ đổ dồn trên đôi vai của ông. Tội nghiệp ông quá. Không biết rằng các con tôi có lo lắng được không. Trong công ty, các anh em từng bộ phận một có lo lắng được không.
Tôi tự nhủ, phải cố gắng lên. Cái cố gắng của tôi là phải vượt qua cái bệnh này thì mới gọi là cố gắng. Còn đau bệnh, nói cố gắng cũng không ai tin.
Sau đó, sự cố gắng của bà được đền đáp thế nào?
Bà Phạm Thị Nụ: Tạ ơn chúa, cảm ơn nhà tôi, cảm ơn tất cả các con, cảm ơn công ty đã trở thành động lực cho tôi vượt qua bệnh tật. Khi ấy, bác sĩ bảo, nếu mà có tỉnh dậy thì tôi cũng phải gắn liền với cái gậy và xe lăn. Tôi nghĩ cuộc đời mình đi bằng cái gậy thì không ổn rồi, ngồi xe lăn lại càng không ổn nữa. Thôi tôi tặng bác sĩ đi, cho nó ổn. Tôi nghĩ như vậy nhưng không có làm được.
Thật lòng tôi không nghĩ chân tay mình liệt đến độ nặng như vậy, không có cách nào giơ lên. Trong đầu mình nghĩ, giơ lên đi, bây giờ mà giơ lên được,tôi cho đi ăn kem. Tới cỡ vậy mà muốn giơ lên đi, giơ lên đi suốt 10 lần, mổ hôi đổ xuống, cũng không nhấc chân tay lên được. Cái bệnh này nó lạ.
Rồi tôi cố gắng hết sức tập luyện để có thể đi lại bình thường. Tạ ơn chúa là tôi đã hết bệnh. Tôi có hình hài ngày hôm nay thì nhà tôi, các con cũng như tất cả mọi người là động lực lớn.
Mong ước của tôi là còn sống ngày nào thì cố gắng làm và cống hiến. Để có sự có mặt của mình sẽ cho mọi người thêm động lực gắn bó với công ty, đưa sản phẩm và công ty ngày càng lớn mạnh thêm.
Quãng thời gian đó, ông Thanh đã làm gì khiến bà không thể quên?
Bà Phạm Thị Nụ: Lúc ba chồng tôi bệnh, nhà tôi có hiếu lắm, tôi rất cảm động. Nhưng khi tôi bệnh, ông ấy còn làm cho tôi thấy cảm động hơn.
Khi tôi mổ, nhà tôi lo. Hỏi hết chỗ này đến chỗ kia. Hỏi xong tất cả thì tôi quyết định trị ở Việt Nam. Bởi nếu đi nước ngoài thì không có ai thăm mình. Mình cũng không nói chuyện với bác sĩ được để biết căn bệnh đã dừng chưa.
Nếu mà có nhắm mắt, tôi nhớ ơn nhà tôi và các con tôi.Đặc biệt nhất là nhà tôi vì đã hy sinhrất nhiều, nhớ ơn đó suốt cuộc đời. Cứ chiều đến là ông vào thăm tôi. Tôi không dám trông ngóng vì biết công việc ở nhà nhiều. Nhưng ngày nào nhà tôi cũng vào ăn cơm với vợ. Rất cảm động. 30 ngày đủ 30 ngày.
Nói là bận thì nhà tôi lúc nào cũng bận. Họp suốt, 2-3h sáng cũng không đứng lên. Nhưng tôi bệnh thì nhà tôi sắp xếp, 5 rưỡi chiều là đi, không làm việc nữa.
Đó là điều đáng khâm phục. Tôi rất biết ơn nhà tôi đã cư xử như thế. Và vì thế, không lý do nào mà tôi không bày việc cho nhà tôi làm tiếp (cười). Thế là tôi bày ra bất động sản.
Vốn rất bận rộn, ông sắp xếp thời gian thế nào để có thể ở bên vợ khi khó khăn?
Ông Trần Quí Thanh: Tôi sống mà làm quá nhiều việc nên luôn làm những gì không thể ủy quyền. Khi được, tôi ủy quyền hết. Không làm chuyện lặt vặt. Có những việc chưa cần mình mà những người giúp việc cho mình làm tốt hơn, chẳng lý do gì mình làm cho hình thức.
Mình nghèo thời gian, 24 tiếng có phải 25 tiếng đâu, điều hành nhân viên có 5 ngàn nhân viên chứ có phải ít ỏi đâu. Cho nên cái gì người khác làm tốt bằng hoặc hơn thì ủy quyền. Mình làm việc không ủy quyền được.
Hình ảnh nào của bà làm cho ông nhớ nhất trong giai đoạn mắc bệnh nan y?
Ông Trần Quí Thanh: Khi bà nhà bị bệnh, tôi không nghĩ bệnh nặng thế. Về phương diện y khoa hay nội trợ, tôi không có rành. Cuộc đời tôi từ nhỏ tới lớn, giờ 70 tuổi, chưa bao giờ vô bếp, giặt đồ. Thậm chí chưa bao giờ đi shopping một mình. Ai mua thì mình mặc, không mua thì thôi. Tôi chỉ tập trung vấn đề nào sở trường. Ví dụ bà bị bệnh, tôi không xía vô. Chữa bệnh là của bác sĩ, mình xía vô một hồi chắc chết. Biết cái gì không rành, mình không can thiệp trực tiếp.
Sau khi bà ấy bệnh thì sức khỏe yếu mà tôi không biết. Nhiều khi tiếng động lớn bà cũng hoảng, hoảng đến độ nhức đầu luôn. Có những lúc hiểu lầm nên tôi lớn tiếng làm bà căng thẳng. Rồi tôi nhận ra bà đau lòng. Điều này thật sự làm cho tôi lo lắng. Làm tôi ngủ không được vì sợ tác động đó khiến bà bị đột quỵ lần nữa. Mà cái này nguyên nhân lại do lỗi của mình.
Khi ấy, tôi mới hiểu khi người ta bệnh thì yếu như thế, mình chưa trải qua chưa hiểu. Đó là điều nhớ nhất trong giai đoạn khó khăn.
Còn trong vai trò người đồng hành tại Tân Hiệp Phát, điều gì khiến ông tự hào về vợ?
Ông Trần Quí Thanh: Về công việc, bà ấy là người muốn làm hết sức mình. Thậm chí, tôi bận về công việc hoạch định và tổ chức nên ngoại giao thì bà đi. Sẵn sàng uống rượu cả chai, về ói lên ói xuống nhưng vì công việc thôi. Ngon lành gì đâu. Đó là thể hiện trách nhiệm. Thật sự, tôi rất tự hào về vợ mình.
Tôi giáo dục con cái là khi cưới vợ gả chồng không phải đi tìm người yêu, mà là tìm bạn đời. Tìm người chia ngọt sẻ bùi. Nôm na kiểu cách mạng là đồng chí. Hai người phải cùng chung chí hướng để cùng nhau bổ sung cho nhau. Chứ không phải cưới vợ để yêu đương mà cưới người phù hợp. Và tôi tự hào rằng mình đã chọn đúng.
Chia sẻ này của tôi khi tuổi trẻ người ta không đồng cảm đâu. Họ cưới vợ gả chồng dựa vào cảm xúc là chính. Thích quá thì cưới. Không phân tích cưới về xong được bao lâu.
Khi mâu thuẫn xuất hiện, không có nhường nhịn nhau được thì đưa tới đổ vỡ. Đó là lý do số người 40 năm ngày cưới không nhiều. Và những cái này chia sẻ cho tuổi trẻ hiện giờ thì không dễ.
Nếu có điều bà muốn ông thay đổi, thì đó là gì?
Bà Phạm Thị Nụ: Chắc ông đừng thay đổi là được.
Vậy còn ông mongmuốn điều gì đây?
Ông Trần Quí Thanh: Thay đổi là bà khỏe mạnh lên.
Bà Phạm Thị Nụ: Trời, giờ khoẻ lên rồi mà (cười).
Trong cuộc hôn nhân hạnh phúc 40 năm của mình, bà thấy đâu là điều hạnh phúc nhất?
Bà Phạm Thị Nụ: Hạnh phúc nhất là tôi có 3 người con và người chồng tuyệt vời. Nhìn chung thì đem so điểm tuyệt sẽ nhiều hơn điểm xấu. Hạnh phúc đó tôi giữ khó hơn vì không ai cho mình hết, do mình tự tạo. Mình giữ được thì mới là tuyệt vời, là vĩnh cửu.
Còn ông thì sao, ông Thanh?
Ông Trần Quí Thanh: Tôi chưa bao giờ có khái niệm hạnh phúc. Muốn hạnh phúc thì phải nhìn lại những cái mình có. Mình đang là con người đi tìm thành công nên không bao giờ bằng lòng với hiện tại. Khi không bằng lòng, thì không có hạnh phúc.
Còn hạnh phúc thì quá đơn giản. Nếu thằng đó không có giày đẹp, nó thấy bất hạnh. Vô bệnh viện thấy người cụt chân không thể mang giày thì có hai chân là hạnh phúc rồi. Sao phải đòi đôi giày đẹp. Mình có hai chân là đủ sướng hơn thằng cụt hai chân rồi. Bằng lòng với cái mình có chính là hạnh phúc.
Chúng ta đang đi tìm sự đóng góp cho xã hội, khát vọng là sống trọn vẹn hàng ngày. Những ngày tồn tại hiếm hoi nên làm ra nhiều thành tích đóng góp cho xã hội. Khi ra đi có nhiều điều viết lại là mình hạnh phúc khi đi tìm thành tích. Tuổi trẻ nên theo đuổi mục tiêu lớn chứ đừng tự thỏa mãn. Mình cứ làm việc mình thấy hạnh phúc và cho người khác hạnh phúc là được rồi.
Đã bao giờ ông làm bà rơi nước mắt chưa?
Ông Trần Quí Thanh: Có nhiều loại rơi nước mắt, vì cảm động nó khác với vì áp lực. Có cả vì vui nữa. Hôm qua tôi mới làm bà vui cái là bà đã khóc rồi.
Còn bà thì sao?
Bà Phạm Thị Nụ: Tính tôi thế này, chồng làm không được thì tôi làm. Chứ tôi không nghĩ mình làm để cho họ cảm động. Tôi biết nhà tôi giờ này đã thể hiện rất là tốt, quan tâm tôi. Song thời gian tôi còn khỏe thì ông cũng ghi nhận cái chịu khó, sự đóng góp của tôi vào sự nghiệp của ông, vào sự nghiệp của Tân Hiệp Phát. Nhưng những điều này để ông ấy nói thì phù hợp hơn.
Nếu có một lời cuối cùng để chia sẻ, ông bà muốn nói gì với nhau?
Ông Trần Quí Thanh: Nụ này, em đã giải nhiệt cuộc sống cho anh. Có em, anh không lo bị nóng trong người, em là nguồn lực tạo cho anh thành công "number one" và bền bỉ tới cùng.
Bà Phạm Thị Nụ: Tôi nói ông nhà tôi hãy giữ sức khỏe. Chúng ta sống với nhau đến tuổi 60 nhưng đó chưa phải là già. Chúng ta còn 20-30 năm nữa. Cứ giữ sức khỏe để nỗ lực phấn đấu để đưa Tân Hiệp Phát và các bạn đồng hành cùng xem sự phát triển của Tân Hiệp Phát, của thế hệ thứ hai ngày sau sẽ ra sao.
Trí Thức Trẻ