Với chúng ta, việc đến bệnh viện là điều bất thường. Ấy vậy mà chàng trai 34 tuổi cùng người cha già đã quen thuộc khắp các bệnh viện lớn nhỏ trên cả nước. Năm 1999, khi đang học lớp 4, lòng bàn tay, mặt, tai, rồi toàn thân Nam bắt đầu xuất hiện các khối u như hạt đậu, mỗi ngày một lớn dần lên. Đi nhiều bệnh viện, anh cùng gia đình nhận về một kết quả chung là u sợi thần kinh.
Đến năm 2018, trong lần phẫu thuật và xạ trị khối u trong não, Nam mất đi thính giác; tay, chân teo lại, không nói, không viết được nữa. Người mẹ ốm yếu nằm miết trong bệnh viện, gánh nặng gia đình đè lên vai người cha. Nhưng tình yêu thương của bậc làm cha mẹ, cùng suy nghĩ còn nước là còn tát, nên nỗi năm, cha Nam lại gom góp, vay mượn tiền để đưa anh xuống Sài Gòn phẫu thuật. Sau 24 ca phẫu thuật tưởng chừng như khó qua khỏi, Nam hồi phục và thường đi thiện nguyện, góp sức vào các hoạt động xã hội dù sức khỏe ngày càng xấu đi sau mỗi lần điều trị.
Nhiều tổ chức, cá nhân biết đến hoàn cảnh của Nam đã tới thăm hỏi, giúp đỡ anh cùng gia đình. Trong đó, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh đã tổ chức đêm nhạc "Hát mãi ước mơ" kêu gọi, quyên góp giúp đỡ cả vật chất lẫn tinh thần để Nam điều trị bệnh. Đến cuối năm 2016, nhận thấy quanh mình còn nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn cần cộng đồng chia sẻ, giúp đỡ, Nam thành lập nhóm thiện nguyện "Ea Kao - Vòng tay yêu thương" cùng các bạn trẻ trong xã tổ chức hoạt động thiện nguyện.
"24 lần đối diện với tử thần, nhiều lúc người ta hỏi tôi có sợ không? Có chứ, sợ đau đớn, sợ không còn được sống, sợ trở thành gánh nặng cho cha mẹ ngày một già yếu và còn cả những nỗi sợ khó có thể nói thành lời. Nhưng nhờ có thiện nguyện, tôi đã được những nhà hảo tâm giúp đỡ trong khoảng thời gian dài đằng đẵng gắn bó với giường bệnh. Rồi cũng chính thiện nguyện đã thôi thúc tôi phải sống và sống sao cho thực sự trọn vẹn". Không thể nói, anh Nam ngồi ghi lại những dòng chữ nguệch ngoạc do biến chứng từ bệnh tật ra giấy.
Căn bệnh quái ác đã cướp đi nhiều thứ của Nam nhưng từ đó, anh tìm thấy cho mình một ước mơ, một khát khao và một con đường đặc biệt. Ban đầu, nhóm "Ea Kao - Vòng tay yêu thương" chỉ kêu gọi, hỗ trợ những người đau ốm, khó khăn trong thôn, xóm. Sau đó, các bạn trẻ khi biết đến nhóm và cảm phục nhờ câu chuyện của "người thuyền trưởng" nên đã tham gia nhóm đông đảo hơn.
Hiện tại, bất cứ ở đâu có thông tin là nhóm cắt cử người tới tận nơi tìm hiểu, xác minh để kêu gọi giúp đỡ. Nam chia sẻ: "Tôi đến với công việc thiện nguyện như một cách để truyền đi tinh thần nhân ái mà mình đã được nhận từ tấm lòng của các nhà hảo tâm giúp đỡ tôi trong những lần phẫu thuật, nằm viện."
Những năm tháng say sưa với hành trình phụng sự xã hội dù bệnh tật, Nam cùng các anh em trong nhóm đi nhiều nơi, truyền cảm hứng tới nhiều mảnh đời trong xã hội ở tỉnh. Nhưng hai năm nay, biến chứng từ bệnh tật khiến anh không thể đi lại được nữa. Điều đó cũng không dập tắt được nghị lực và khát khao sống, cống hiến của Nam. Mỗi khi họp nhóm, Nam không thể nghe thấy, các thành viên ra ký hiệu và giơ số để anh nắm bắt tình hình. Những dòng thư trao đổi anh viết dù còn nguệch ngoạc, các tin nhắn gửi đi dù còn chậm chạp, nhưng đó là biết bao nỗ lực.
Qua 8 năm hoạt động, đến nay nhóm thiện nguyện Ea kao - Vòng tay yêu thương dưới dẫn dắt của Nam đã có những dự án nổi bật như dự án Nuôi em, Nâng bước chân em đến trường, Học bổng Tiếp sức đường dài, Thẻ BHYT cho em, Áo trắng đến trường cho em.
Bên cạnh đó, nhóm sẽ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn như bệnh nhân không có tiền đóng viện phí, hoặc tử vong nhưng không có tiền mai táng,...
Một thành viên trong nhóm thiện nguyện, chị Phạm Thị Thuý Nga chia sẻ: "Mặc dù khả năng nghe và nói hạn chế nhưng anh Nam luôn là người tiếp sức, hỗ trợ và động viên các thành viên trong nhóm. Anh là đầu tàu để nhóm có thể đi xuyên suốt một đoạn đường rất dài vừa qua. Hiện giờ anh không đi lại được, mình là người lành lặn mà tại sao mình lại không làm được như anh. Vì vậy, mọi người đều rất cố gắng và vui vẻ khi tham gia các hoạt động".
Trong một cơ duyên gặp Nam và các thành viên nhóm tại một sự kiện thiện nguyện tại Trường Tiểu học Thái Phiên, tỉnh Đắk Lắk, chị Vũ Phương Thanh, Vô địch Swiss Ultra 2022, Đại diện Tập đoàn Tân Hiệp Phát không khỏi cảm động khi chứng kiến được giá trị tốt đẹp nhóm mang lại, đồng thời là tình cảm của các thành viên nhóm thiện nguyện, của các em học sinh dành cho Nam.
"Thanh cho rằng mình còn phải học hỏi quá nhiều để có thể sử dụng những tiềm năng đang có. Nhờ có Nam và các bạn, mình hiểu cần phải dùng sức trẻ để lan tỏa, kết nối và yêu thương", chị Thanh chia sẻ. Đại diện Tân Hiệp Phát và nhóm đã cùng trao những suất quà, đồ dùng học tập và những chiếc xe đạp với hy vọng gửi yêu thương, mong mỏi các em nhỏ có một cuộc sống tốt hơn để vươn lên trong học tập.
Sau chương trình tại Trường Tiểu học Thái Phiên, Nam đang chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật thứ 25 trong cuộc đời mình. "Tôi sắp bước vào lần phẫu thuật thứ 25. Điều tôi mong mỏi nhất là tiếp tục được tỉnh dậy, được thấy những người xung quanh và được chứng kiến niềm hạnh phúc của họ. Hành trình thiện nguyện của tôi cùng những người bạn chắc chắn sẽ còn được tiếp nối cho dù tôi ở bất cứ nơi đâu…", Nam tâm sự.
Câu chuyện về Nguyễn Tài Nam với nghị lực sống mạnh mẽ và tấm lòng yêu thương, sẻ chia đã trở thành chủ đề chính trong chương trình "Nối trọn yêu thương" của Truyền hình Nhân đạo (VTV) phát sóng tháng 4/2024.
Với tâm nguyện phụng sự xã hội, truyền nghị lực cho mọi mảnh đời gian khó trên khắp Việt Nam, Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã là nhà đồng hành với chương trình Nối trọn yêu thương kể từ năm 2019.
5 năm qua khắp mọi miền đất nước, chương trình đã tôn vinh nhiều nhân vật truyền cảm hứng cho cộng đồng về tinh thần vượt qua nghịch cảnh và kêu gọi sự chung tay của xã hội giúp đỡ người có hoàn cảnh đặc biệt.
Với tinh thần phụng sự, gieo yêu thương, tiếp nghị lực cho những mảnh đời khó khăn, Tân Hiệp Phát không ngừng nỗ lực đóng góp giá trị vào những hoạt động chăm sóc, giúp đỡ đời đống cộng đồng ngày một tốt đẹp hơn như hoạt động bảo trợ 50 trẻ em mồ côi do Covid-19 đến năm 18 tuổi, chăm sóc phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng thuộc gia đình chính sách…
Tổ Quốc