Hẹn gặp chủ nhiệm CLB máu nóng Hiểu và Thương (thuộc Hội Chữ thập đỏ quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) vào một buổi trưa cuối tuần, nghĩ rằng anh Trần Phước Hùng (SN 1981) sẽ rảnh rỗi nhưng cuộc trò chuyện giữa chúng tôi cứ bị đứt quãng bởi chuông điện thoại reo liên hồi.
Đầu dây bên kia là lời "cầu cứu" vì người thân đang nằm viện, cần "máu nóng". Như một thói quen, cứ mỗi lần kết thúc cuộc gọi, anh Hùng cẩn thận xác tín lại phía bệnh viện. Sau đó, thủ lĩnh của ngàn tình nguyện viên sẵn sàng hiến máu vì cộng đồng viết vội vài dòng lên Fanpage của CLB, đồng thời mở laptop, truy cập vào ứng dụng mang tên "Hiểu và Thương" để tra cứu danh sách những tình nguyện viên có nhóm máu đang cần.
Anh Hùng cho biết, trung bình mỗi ngày nhận trên dưới chục cuộc gọi cần máu khẩn cấp, chủ yếu ở Đà Nẵng, Quảng Nam và thỉnh thoảng cả Huế. Nhiều người biết đến câu lạc bộ của anh qua mạng xã hội, có trường hợp thông qua y bác sĩ tại bệnh viện.
Kể về cơ duyên đến với hoạt động thiện nguyện ý nghĩa này, anh Hùng cho biết, lần đầu tiên cho máu là 13 năm trước, khi đó anh đang làm việc cho một hãng taxi, đi hiến theo phong trào. Rồi những lần vào viện thăm nuôi người thân, xót xa khi chứng kiến một số bệnh nhân qua đời vì thiếu máu điều trị, anh nghĩ mình cần phải làm điều gì đó. Thế là, năm 2014, CLB máu nóng Hiểu và Thương ra đời, do anh Hùng làm "thủ lĩnh". Tính đến nay, bản thân anh đã có hơn 40 lần hiến máu cứu người, trong đó có 19 lần cho tiểu cầu.
"Lúc mới lập CLB, đi đâu, gặp ai, tôi cũng tư vấn về ý nghĩa của việc hiến máu. Đầu tiên, tôi lôi kéo vợ và 3 người anh trai của mình, rồi đến bạn bè, hàng xóm,… May mắn, hiểu và thương nên gia đình, vợ con đều ủng hộ việc này. Dần dà, các thành viên không ngừng tăng lên, đến nay nhóm đã có hơn 6000 lượt hiến máu trực tiếp tại bệnh viện", anh Hùng trải lòng.
Dù bận bịu với công việc mưu sinh, nhưng mỗi khi có thời gian hoặc với những trường hợp lần đầu cho máu, anh Hùng đều đồng hành đến bệnh viện. Sự có mặt của anh không chỉ xóa đi tâm lý mang ơn của người xin máu mà nhờ vậy còn kết nối thêm những ngọn lửa thiện nguyện từ xung quanh.
Hàng xóm của anh Hùng, đồng thời cũng là thành viên tích cực nhất CLB, có những hoàn cảnh đi hiến máu vô cùng khẩn cấp khiến anh Lê Đức Hùng (SN 1981) không thể quên.
Lần đọng lại nhiều cảm xúc nhất là vào một đêm khuya cuối tháng 2/2020, khi đang ngủ thì anh Hùng được người bạn cùng tên thông báo tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam có 2 mẹ con bị tai nạn, trong đó bé gái mới 2 tuổi, cần máu gấp để mổ cấp cứu. Không ngại ngần, 2 anh Hùng đã ''trốn vợ'' phóng xe máy gần 100 km đi cho máu, giúp 2 nạn nhân vượt qua cơn thập tử nhất sinh.
''Ngày mưa cũng như nắng, đêm hôm không nề hà, chỉ cần nghe ai cần máu là anh em chúng tôi lên đường. Đến nay tôi đã có 14 lần hiến máu và tiểu cầu'', anh Đức Hùng tự hào khoe.
Tham gia CLB từ đầu năm 2021, nhưng Lê Tấn Quốc (SN 1994) cũng đã có những kỷ niệm ''để đời''. Đó là giữa năm 2021, khi Covid-19 hoành hành, máu sống khan hiếm. Biết thông tin 1 cháu bé bị ung thư đang cần tiểu cầu gấp, Quốc liền xung phong.
''Khi đó Đà Nẵng đang giãn cách, 2 nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ kín bưng đến tận nhà để test nhanh cho mình. Kết quả âm tính, xe cấp cứu chở mình đến thẳng Bệnh viện Phụ sản Nhi để hiến máu. Thấy vậy, hàng xóm dị nghị, bàn tán tưởng mình dính Covid-19 rồi, nhưng mình không quan tâm lắm vì chỉ nghĩ cứu người là trên hết. Đến giờ mình đã có 12 lần hiến máu và tiểu cầu'', Quốc nhớ lại.
Theo anh Hùng, mỗi thành viên trong nhóm đều có công việc riêng nhưng hễ bệnh nhân cần máu thì dù đêm khuya hay mưa gió, các bạn luôn sẵn sàng lên đường. Họ đều tự túc đi lại và không nhận bất cứ hỗ trợ vật chất nào.
Từ khi thành lập đến nay, hàng nghìn bệnh nhân nguy kịch đã được anh Hùng và bạn bè tiếp thêm sức mạnh để vượt qua hoạn nạn. Đặc biệt, từ việc được giúp đỡ, nhiều thân nhân, người bị nạn đã tự nguyện trở thành thành viên hiến máu tích cực. Lòng tốt cứ thế được lan tỏa vì những mục đích cao đẹp và giản dị.
Từng vượt qua cơn nguy kịch nhờ được truyền máu kịp thời từ Hiểu và Thương, hiện chị Trần Thị Hiền (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) đã gia nhập và trở thành thành viên cốt cán của CLB. Mới đây, 1 sản phụ sinh mổ thiếu máu do bị băng huyết. Nhận tin báo từ anh Hùng lúc nửa đêm, không chút do dự, Hiền đã vượt mưa gió đến Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Nam để cứu người.
''Phương châm của nhóm là không bao giờ nhận tiền, các tình nguyện viên đều xác định đã đi cho máu thì chẳng ai lấn cấn chuyện phải trả ơn này nọ. Thậm chí khi bệnh viện có chế độ hỗ trợ như bánh, sữa thì các bạn ấy cũng mang cho những người nằm viện. Nhiều trường hợp được nhận máu sau này lại trở thành 'người một nhà'. Có bệnh nhân còn rủ cả gia đình cùng đăng ký cho máu", anh Hùng bộc bạch.
Sau khi trở thành ''tổng đài máu'' của hàng nghìn người bệnh ở Đà Nẵng, tiếp nối thành công, đầu năm 2020, CLB Máu nóng Hiểu và Thương tại Quảng Nam trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh được thành lập. Đây là CLB thứ 2 do anh Hùng làm chủ nhiệm.
Tính đến nay, ''ngân hàng máu sống di động'' này đã có 2501 thành viên nòng cốt, với đủ hầu hết loại nhóm máu. Dù số lượng người tham gia ngày càng tăng, tuy nhiên theo anh Hùng việc quản lý và điều hành cũng khá đơn giản. Bởi trước đó, để kết nối các tình nguyện viên hiến máu hiệu quả và quản lý minh bạch tiền quyên góp, anh đã nhờ bạn Trần Đại Sơn (thành viên CLB, nay là kỹ sư công nghệ thông tin) sáng tạo ra phần mềm mang tên "Hiểu và Thương". Đây cũng là đề tài tốt nghiệp giúp Sơn đạt loại giỏi tại Trường ĐH Bách Khoa (ĐH Đà Nẵng) vào năm 2017.
''Khi đó mình đang tìm đề tài làm khóa luận tốt nghiệp, nghe anh Hùng đề xuất thiết kế 1 phần mềm để quản lý việc hiến máu và từ thiện nên mình đồng ý ngay. Dự án này được các thầy cô đánh giá cao vì ý nghĩa nhân văn. Vui hơn là có thầy trong hội đồng phản biện của mình ngày ấy giờ đã trở thành thành viên của Hiểu và Thương", Sơn chia sẻ.
Hiện, ứng dụng "Hiểu và Thương" lưu trữ đầy đủ thông tin về lịch sử hiến máu của tất cả thành viên, khả năng sẵn sàng hiến máu, tỉ lệ nhóm máu và giới tính, bệnh án của người nhận,… Tất cả các thông số đều được hiển thị bằng các biểu đồ rất khoa học, giúp ban điều hành tìm kiếm nhanh nhất người có thể chi viện.
Không chỉ cho đi những giọt máu quý giá, CLB Hiểu và Thương còn tích cực trong các hoạt động nhân đạo như cứu trợ đồng bào bị thiên tai, xây nhà tình nghĩa, tặng quà cho bệnh nhân nghèo, xây dựng nguồn nước sạch tặng đồng bào vùng cao,…
Điển hình, cuối năm 2022, CLB đã tổ chức chương trình ''Xuân Hiếu Thương'', tặng 300 bao lì xì với tổng kinh phí hơn 244 triệu đồng cho các bệnh nhân ở Đà Nẵng và Quảng Nam. Hay tháng 10/2019, nhóm đã vận động hơn 130 triệu đồng để hoàn thành dự án "Nguồn nước sạch - Hiểu và Thương" cho 45 hộ dân và các em học sinh tại làng Tu Gia (xã Trà Tập, Nam Trà My, Quảng Nam).
Đặc biệt, để hoạt động của CLB bài bản và nền nếp, anh Hùng lập fanpage nhằm gắn kết các thành viên, còn website để công khai tất cả các khoản thu chi. Bất cứ trường hợp nào cần máu hay chương trình thiện nguyện gì của nhóm, anh đều đăng lên đó.
Theo anh Hùng, nếu muốn làm thiện nguyện một cách chuyên nghiệp, đề cao giá trị minh bạch, bền vững thì việc ứng dụng công nghệ, hỗ trợ chuyển đổi số là rất cần thiết. Bởi việc này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, nguồn lực, mà còn làm cho các hoạt động từ thiện minh bạch hơn về tài chính.
''Đã kêu gọi quyên góp thì việc công khai kinh phí là điều phải làm với bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào. Hiểu rõ vấn đề này nên nhiều năm nay, phần mềm quản lý máu của CLB đã được cập nhập thêm tính năng đăng sao kê tiền từ thiện để bất kỳ ai cũng có thể theo dõi, giám sát…'', anh Hùng chia sẻ và cho biết thêm, sắp tới anh dự định sẽ dùng kết hợp thêm App Thiện nguyện của ngân hàng Quân đội (MBBank) để quản lý các hoạt động nhân đạo của nhóm thuận tiện hơn, bởi ứng dụng miễn phí này có tính năng tự động công khai sao kê cho tất cả mọi đối tượng.
Được biết, nền tảng Thiện nguyện của MBBank bao gồm 2 cấu phần là Ứng dụng Thiện nguyện và Tài khoản thanh toán minh bạch. Ứng dụng Thiện Nguyện cung cấp các tiện ích cho tổ chức/cá nhân gây quỹ và các nhà hảo tâm hướng đến các giá trị thuận tiện, kết nối, sáng tạo. Tài khoản thiện nguyện minh bạch là tài khoản thanh toán tại ngân hàng MB, chỉ có 4 chữ số, dễ nhớ, đặc biệt tự động công khai sao kê, giúp cộng đồng tham gia giám sát và đồng hành.
Gần 10 năm làm ''đường dây nóng'' giúp hàng nghìn người thoát khỏi tử thần, với anh Trần Phước Hùng, hạnh phúc chỉ giản đơn là khi biết rằng những giọt máu ấy đã giúp một ai đó kéo dài thêm sự sống và hy vọng.
Không chỉ kết nối giữa người cho và nhận máu, anh Hùng còn thường xuyên gọi điện thăm hỏi, động viên họ có thêm nghị lực tiếp tục chiến đấu với bệnh tật. Đôi lúc gặp những hoàn cảnh quá khó khăn, anh đứng ra kêu gọi mọi người chung tay dìu dắt họ vượt nghịch cảnh.
Mang trong mình căn bệnh ung thư, suốt 3 năm nay, cháu Hồ Văn Mỹ (12 tuổi, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) đã trở thành ''con chung'' của CLB khi được anh Hùng và bạn bè thay nhau 65 lần hiến tiểu cầu.
''Nhờ những giọt máu quý giá đó mà con trai tôi có thể kéo dài sự sống. Không chỉ hiến tiểu cầu miễn phí mà anh Hùng và các thành viên còn tặng quà nữa, vợ chồng tôi thật sự biết ơn Hiểu và Thương rất nhiều'', chị Lê Thị Nguyên (40 tuổi, mẹ cháu Mỹ) tâm sự.
Đến giờ ông Phạm Duy Hòa (SN 1972, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) vẫn xúc động khi nhớ về câu chuyện cách đây 6 năm. Lúc đó con trai ông là Phạm Duy Quý (SN 2011) bị suy tủy, cần lượng lớn tiểu cầu. Huy động từ người thân không đủ, gia đình phải chạy ngược chạy xuôi xin máu. Trong giây phút nguy kịch ấy, Hiểu và Thương đã có mặt cứu giúp kịp thời.
''Kể từ tháng 4/2017 - tháng 2/2019, CLB của anh Hùng đã có gần 150 lần hiến tiểu cầu cho con tôi. Nhờ vậy mà cháu mới duy trì được sự sống và may mắn sau đó được một tổ chức từ thiện đưa sang Mỹ để phẫu thuật miễn phí, giờ cháu đã khỏi bệnh và đang học lớp 1. Ơn nghĩa này cả đời tôi sẽ không bao giờ quên…'', ông Hòa trải lòng.
Những nụ cười, cái ôm ấm áp từ bệnh nhân khi được ''tái sinh'' trở lại cuộc sống bình thường chính là động lực để các ''sứ giả đỏ'' tiếp tục hành trình hiến máu cứu người. Thế nhưng, cũng có một số bệnh nhân không may mắn khi phải mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, đau lòng hơn khi đó là các bạn nhỏ.
Buồn nhất là khi đọc những dòng tin mà anh Hùng truyền đi trên nhóm: "Con… Đã ra đi… vào lúc… Hãy yên nghỉ con nhé!". Và ngay sau đó anh đại diện CLB đi viếng hương, chia buồn cùng gia đình. Anh đã đến, gieo hi vọng, trao yêu thương và cuối cùng nhìn bạn ấy trở về với đất mẹ…
Với những cống hiến thầm lặng, đầy ý nghĩa của CLB máu nóng Hiểu và Thương, năm 2020, anh Trần Phước Hùng vinh dự là 1 trong 21 cá nhân và tập thể tiêu biểu được tuyên dương trong đêm gala ''Tôi yêu Đà Nẵng''. Ngoài ra, còn vô số bằng khen của Trung ương Hội chữ Thập đỏ Việt Nam, UBND TP Đà Nẵng, Hội chữ Thập đỏ Đà Nẵng, Hội chữ Thập đỏ Quảng Nam và Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Đà Nẵng,…
Nhờ năng lượng tích cực mà Hiểu và Thương truyền đi, hiện số lượng tình nguyện viên tham gia các hoạt động hiến máu mà CLB kêu gọi đã lên tới hàng ngàn người và vẫn đang không ngừng tăng lên. Bên cạnh đó, cũng có nhiều hội nhóm khác về hiến máu nhân đạo được thành lập để hưởng ứng và lan tỏa tinh thần cùng những giá trị tốt đẹp mà CLB gửi gắm tới cộng đồng.
Mới đây, anh Trần Phước Hùng và CLB đã ghi tên mình vào danh sách tham gia Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize, thuộc hạng mục Dự án - Hạng mục vinh danh những dự án cộng đồng, CSR hoặc Phát triển bền vững có những sáng kiến đột phá, tạo được tác động sâu rộng, bền vững hoặc giải quyết được những vấn đề cấp thiết của xã hội.
Phụ nữ số