img

Mùa hè của năm 2009, mẹ Mạnh Bi muốn lên cơn tăng xông máu khi thằng con của bà thông báo chỉ đạt 5 điểm cho cả 3 môn thi đại học. “5 điểm thì vào được trường gì hả trời?”, ai cũng thốt ra câu ấy với trọn vẹn sự ái ngại khi Mạnh Bi rón rén thú thật quá khứ “học dốt” của mình.

Ở thời điểm ấy, Mạnh Bi chẳng ngờ được những ngả đường mà con điểm khiêm tốn ấy sẽ dắt bản thân mình đến. Nhưng thật may, mùa hè 2018, kịch bản cuộc đời Mạnh Bi đã chẳng diễn ra giống như những gì mà mẹ cậu lo sợ trong cái mùa hè suy nhược năm ấy.

Với 5 điểm, Mạnh Bi vào được 1 trường trung cấp ở Hà Nội. Sau đó, cậu thi lại và đỗ đại học Bách Khoa. Năm 2015, Mạnh Bi còn học cả Sân khấu điện ảnh. Kết lại câu chuyện học hành, cậu chẳng tốt nghiệp trường nào cả.

Chàng trai không-đậu-một-trường-nào và không-tốt-nghiệp-một-trường-nào trở thành nhiếp ảnh gia có tiếng ở Hà Nội. Là tác giả của những bức ảnh trang bìa xuất sắc trên các tạp chí nổi tiếng như Đẹp, Style, Fame… Ở tuổi 27, Mạnh Bi cũng chuyển hướng kinh doanh và trở thành chủ của một thương hiệu cưới có hơn 20 nhân viên. Nhân viên của Mạnh Bi có người hơn cậu đến 5-6 tuổi. Mạnh Bi được trả vài nghìn đô/buổi chụp ảnh, làm việc với những ngôi sao hạng A trong đó có Sơn Tùng M-TP.

Cậu kiếm được 800 triệu chỉ trong năm 2014, vay mượn thêm của bố mẹ và mua được nhà Hà Nội. Sau nhà là ô tô.

Từ một chàng trai quê Hưng Yên lên Hà Nội học trung cấp, trong tay chẳng có gì ngoài con đường tương lai mù mịt, Mạnh Bi đã tự thay đổi kịch bản đời mình, thứ mà nhiều người nghĩ cậu chẳng thể nào chạy thoát.


Người trẻ mua nhà đẹp, tậu xe hơi trước tuổi 30: Hành trình đuổi bắt đam mê của những sinh viên nghèo và cái kết ngọt ngào cho những kẻ mộng mơ có ý chí - Ảnh 1.

Trong lúc Mạnh Bi dành cả ngày trời để cày game trong quán net ở Hưng Yên, thì cách đó hơn 54 km về phía Tây Bắc, Tùng Shark gia nhập nhóm Street Jockey. Cậu say mê Graffiti - những bức vẽ ký tự viết theo lối ấn tượng, loè loẹt, phô diễn bằng sơn trên các bức tường, đường hầm ở phố. Cũng chính những lần tìm tòi cách vẽ và thực hành Graffiti, cậu đã tiếp cận gần hơn với đồ họa và cảm quan về màu sắc.

“Oanh liệt sôi nổi” là những gì chàng trai sinh năm 1991 dùng để gọi những ngày tháng đó.

Graffiti là cơ duyên tạo nên bước ngoặt trong cuộc đời Tùng Shark. Đam mê này đưa cậu bước qua tuổi 17 với những hoạt động rộn ràng khi trở thành một phần của BTC các show ca nhạc, tổ chức một chương trình thi tài năng cho một trường cấp 3 dân lập tại Hà Nội. Và quan trọng hơn cả, nghệ thuật tranh vẽ đường phố giúp Tùng Shark trả lời được câu hỏi: Đam mê của tôi là gì?

Cậu học sinh cấp 3 năm đó có nhiều cơ hội gặp gỡ các mối quan hệ mới trong xã hội thông qua đam mê hay ho này. Đến hè năm 2008 (hè lớp 11 lên 12), cậu thì bén duyên với Kenh14.vn khi tham gia vào dự án “Mũi tên cầu vồng".

Dự án thành công tốt đẹp. Đầu năm lớp 12, Tùng trở thành CTV thiết kế cho Kenh14.vn. Ai cũng thấy vừa thú vị vừa hiếu kỳ trước hình ảnh một học sinh diện quần tây xanh áo trắng vai khoác ba lô lủng lẳng đi thẳng từ trường vào văn phòng ngồi làm việc.

Sau 10 năm kiên trì làm việc tại Kenh14.vn, “chú bé" CTV ngày nào trở thành Trưởng nhóm thiết kế của Kenh14.vn, tham gia vào phát triển sản phẩm của một số trang tin thuộc khối nội dung của công ty VCCorp. Tùng còn đứng lớp giảng dạy Photoshop miễn phí cho người yêu thiết kế tại trường đào tạo Mỹ thuật đa phương tiện FPT Arena.

Cậu bạn cũng là người đứng sau thiết kế của một số sản phẩm thương hiệu và giao diện như: Libero.vn, Afamily.vn, phát triển ấn phẩm thương hiệu cho Lambretta Vietnam. Đi làm sớm nhưng Tùng Shark không chểnh mảng việc học. Cậu tốt nghiệp ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

Bắt đầu đi làm từ năm 17 tuổi đến 27 tuổi, Tùng có gì?

“Tôi khá là yêu thích công nghệ nên rất quan tâm đến trang bị thiết bị làm việc. Tôi mua khá nhiều đồ công nghệ như laptop, case, máy chiếu mini, apple TV, máy in màu A3, loa… Lắm đồ điện tử linh tinh nhưng vất vả nhất chắc phải là chiếc xe ô tô che nắng che mưa bảo vệ sức khoẻ mình với thời tiết khắc nghiệt của Hà Nội”, Tùng đáp.

Tùng Shark lớn lên trong một khu tập thể cũ ở Hà Nội, gia cảnh bình thường. Thỉnh thoảng có việc gì cần số tiền lớp, gấp gáp cậu lại chọn cách “vay nóng" của bố mẹ rồi đi làm kiếm tiền trả lại ngay. Những năm gần đây khi đã ổn định về mặt kinh tế, cậu chỉ mong: “Tìm cách sử dụng tiền hợp lý để cho ông bà già vui. Đến tuổi nhìn thấy ông bà già mình vui là mình hạnh phúc".


Người trẻ mua nhà đẹp, tậu xe hơi trước tuổi 30: Hành trình đuổi bắt đam mê của những sinh viên nghèo và cái kết ngọt ngào cho những kẻ mộng mơ có ý chí - Ảnh 2.

Tuấn Hải khăn gói từ Sơn La xuống Hà Nội vào học một trường đại học không nổi tiếng vào năm 2008. Cậu có một ngoại hình khiến người ta lầm tưởng là công tử con nhà giàu từ trứng nước: Mặt điển trai, da trắng mịn mà đến cả tụi con gái còn ao ước, hay cười… Nhưng thực tế, Tuấn Hải xa mẹ từ năm lớp 4. Cậu tự lập trong cuộc sống từ những việc nhỏ nhất. Hẳn nhiên một người như vậy thường có ý chí vươn lên rất lớn.

Đúng là như vậy! Khi một mình lăn lóc giữa thủ đô, Tuấn Hải hầu như không từ chối công việc gì trong khả năng của mình. Cậu làm lồng tiếng cho các chương trình kênh hoạt hình Bibi, cộng tác viên cho báo, tổ chức sự kiện cho phòng truyền thông ĐH Quốc gia Hà Nội. Mỗi ngày Tuấn Hải di chuyển từ nơi ở đến các chỗ làm thêm cả đi cả về là 40km. Có những chạy xe dọc đường Nguyễn Trãi, một đường thẳng tắp và Hải vừa lái xe vừa ngủ gật

“Đang trong cơn mơ bỗng có tiếng còi xe tuýt một làm tôi điếng cả hồn. Giờ nghĩ lại, thấy số mình còn hên. Vì làm nhiều nên hồi đó tôi thừa nhận là hơi lơ là việc học thật. Những vẫn đủ điểm để qua các môn”, Tuấn Hải nhớ lại.

Sau 4-5 năm đi làm và tích luỹ, Tuấn Hải mua được một căn hộ 80m2, sau khi hoàn thiện nội thất giá trị của căn hộ rơi vào khoảng 2,4 tỷ.

Cậu đang là Co-founder của một công ty truyền thông và công nghệ. Công ty đã được 1 năm hoạt động và khá thuận lợi vì có nhiều khách hàng. Trước đó, Tuấn Hải từng nổi danh trong giới trẻ Hà thành với danh xưng khá kiêu - “hot boy trăm triệu" khi làm chủ của một chuỗi các startup kinh doanh ngon nghẻ suốt một thời gian dài.


Người trẻ mua nhà đẹp, tậu xe hơi trước tuổi 30: Hành trình đuổi bắt đam mê của những sinh viên nghèo và cái kết ngọt ngào cho những kẻ mộng mơ có ý chí - Ảnh 3.

Năm 2014 những bài báo về cô gái có nickname Hạt Mít xuất hiện khắp nơi và trở thành đề tài bàn tán rôm rả trên khắp các diễn đàn mạng. Cô ấy là nữ du học sinh đầu tiên công khai quá trình “đập mặt xây lại" đầy tốn kém và đau đớn.

Hạt Mít nộp hồ sơ xin việc vào một số bệnh viện thẩm mỹ có tiếng ở Seoul để có thêm kinh nghiệm thực tế về làm đẹp dù rằng lý do chính cô nàng có mặt ở xứ củ sâm là để học ngành Drama (phim truyền hình) tại trường Korea National University Of Arts.

Cách đây vài năm, khi nghe đến cái danh du học sinh ai cũng nghĩ ngay đến hay từ sang chảnh. Song, cuộc sống du học của Hạt Mít lại gần với nghĩa bươn chải hơn.

Về hoàn cảnh gia đình, bố mẹ Hạt Mít không quá giàu. Vốn liếng của họ dồn hết vào việc nuôi hai đứa con gái khôn lớn. Vì thế Hạt Mít đã tự xin học bổng để được đi du học Hàn Quốc và ngày đặt chân lên đất nước xinh đẹp cũng là ngày Hạt Mít thật sự bắt đầu cuộc sống tự lập khó khăn trên khi mới 20 tuổi.

Năm 2012, Hạt Mít bắt đầu “khởi nghiệp" với một shop quần áo và mỹ phẩm Hàn Quốc online. Sau này đông khách, cô và chị gái thuê tầng 2 ở một shop tại Hàng Tre. Ngoài mỹ phẩm, cô nàng còn từng bán cả quần áo, làm thông dịch viên để kiếm tiền.

Năm 2018, Hạt Mít đã tìm được lời hồi đáp cho giấc mơ kinh doanh của mình.

Hệ thống nail và làm đẹp phong cách Hàn Quốc được cô nàng ấp ủ năm nào đã ra đời và phát triển lớn mạnh trong 2 năm qua với 11 cơ sở, 2 học viện đào tạo ở Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh và Đức. Sắp tới Hạt Mít còn có dự định mở ở Hàn nữa.

Từ một nữ du học sinh chẳng có gì ngoài “chiến tích” trên bàn mổ với khao khát chạm đến sự hoàn thiện nhan sắc ở tuổi mới lớn, Hạt Mít trở bà chủ. Ngoài thành tựu rất đỗi đáng tự hào là có chồng - sinh con, Hạt Mít còn đang sở hữu một căn hộ của Vingroup ở Hà Nội và một căn hộ của Capitaland ở quận 2, Sài Gòn.


Người trẻ mua nhà đẹp, tậu xe hơi trước tuổi 30: Hành trình đuổi bắt đam mê của những sinh viên nghèo và cái kết ngọt ngào cho những kẻ mộng mơ có ý chí - Ảnh 4.
Người trẻ mua nhà đẹp, tậu xe hơi trước tuổi 30: Hành trình đuổi bắt đam mê của những sinh viên nghèo và cái kết ngọt ngào cho những kẻ mộng mơ có ý chí - Ảnh 5.

Từ khi lên Hà Nội, tôi mất khoảng 3 năm không làm gì. Nhiều lúc tôi nghĩ mình cứ sống thế này thì không biết tương lai mình sẽ trôi về đâu. Năm 2011, tôi bắt đầu thích máy ảnh. Tôi đã mê chụp ảnh từ hồi cấp 3. Thế là tôi quyết định bán laptop và vay thêm tiền bạn bè để mua máy ảnh Canon 40D, ống MF. Tôi mua máy ảnh mà không nghĩ là sẽ dùng nó để làm việc gì đâu, thích thì cứ mua thôi.

Bố tôi biết chuyện, cấm tiệt tôi đi chụp ảnh. Tôi lại suy nghĩ khác.

Để một người trẻ như tôi biết được đam mê của mình là gì là một điều rất khó. Ngoài kia đâu phải ai cũng biết mình đang thích gì, muốn gì? Khi bố cấm tôi như thế, tôi thấy rất tủi thân vì bố không hiểu mình.

Tôi bỏ nhà đi lên Hà Nội và không về nhà trong 3 tháng. Trong thời gian đấy, tôi không có một đồng bạc nào trong người vì đã bị gia đình cắt tiền trợ cấp.

Tôi xin công việc bán quần áo cho shop của một người bạn trong 2 tháng. Lương 1 triệu/tháng làm từ 9h sáng đến 3h chiều. Công việc thứ hai là làm IT cho 1 công ty với mức lương 5-7 triệu/tháng. Tôi gọi điện khoe với mẹ để chứng minh rằng mình cũng tự lập rồi. Say đấy, bố thấy tôi có ý chí về bản thân, về tương lai nên hai bố con làm hoà.

Khi làm IT, tôi làm từ 7h tối đến 7h sáng hôm sau mới xong việc. Công việc ngày nào cũng thế. Tôi làm tầm 3 tháng thì thấy mệt quá. Đêm đi làm sáng học Bách Khoa. Tôi bỏ mất bao nhiêu tiết học và nợ nhiều môn quá. Tôi bỏ học.

Vừa làm IT tôi vừa mày mò chụp ảnh và bắt đầu làm CTV cho báo teen đang nổi. Tôi làm dã man luôn, chụp mọi thứ trên đời từ thời trang, nhân vật cho đến thú cưng. Sáng tôi chụp ở Gia Lâm, trưa về Ngã Tư Sở, tối lại lên Cầu Giấy. Làm điên cuồng, ai thuê chụp gì cũng chụp không hề kén cá chọn canh.

Vì quá ham mê tôi làm liên tục không nghỉ ngày nào. Ở thời điểm đó, tôi gần như không có lựa chọn khác vì ngoài nhiếp ảnh ra tôi cũng không biết mình có thể làm gì bằng đam mê như thế. Cứ có người gọi tôi chụp là tôi thấy mừng, thấy vui rồi. Sau 1 năm mải miết đi chụp cho báo, tôi được các anh chị trong báo quý mến và công nhận khả năng.

Cái tên Mạnh Bi được biết đến nhiều hơn. Sau 2 năm cầm máy ảnh, tôi được làm việc với một tạp chí lớn nhất nhì cả nước. Đấy là cơ hội lớn nhất để tôi thể hiện mình. Đó là năm 2013. Tôi thức trắng đêm không dám ngủ. Sáng hôm sau, tôi 5h sáng đến 8h tối không nghỉ một chút nào - tập trung hết mức có thể. Tôi muốn khẳng định với những người tin tưởng tôi rằng: Tôi làm được. Tôi có thể làm được những việc lớn.

Khi sản phẩm do tôi chụp “lên sóng", tôi cực kỳ sướng. Tôi không tin được rằng 1 thằng mua máy ảnh khi không quen bất kì ai trong giới nhiếp ảnh hay showbiz lại có ngày được ghi tên trên bìa một tạp chí lớn đến thế.

Năm 2012, tôi theo phụ chụp ở một ảnh viện áo cưới. Tôi học được rất nhiều trong thời gian này và công việc cũng giúp tôi kiếm tiền khá hơn. Tôi học mất 1 năm. Năm 2014 tôi đan xen giữa chụp ảnh cho báo, tạp chí và ảnh cưới. Lúc này, thu nhập trung bình của tôi rơi vào khoảng 50-100 triệu đồng/tháng. Kiếm ác nhưng tôi vẫn làm ngày làm đêm.

Tháng 10/2014 tôi mua nhà. Đúng một tuần sau thì cưới vợ. Bước sang năm 2015 tôi tập trung làm lấy tiếng xem nhẹ tiền bạc. Một năm đó trôi đi cái name “Mạnh Bi” lên vun vút song điều éo le là tôi không có đồng nào mang về nhà vì chi phí di chuyển giữa Hà Nội và Sài Gòn để chụp quá tốn kém. Cuối năm, trong tài khoản ngân hàng của tôi chỉ có dưới 10 triệu đồng trong khi đó bản thân đã có gia đình, có con.

Đầu năm 2016 tôi phải vay chị 20 triệu để tiêu Tết.

2016, tôi thay đổi chiến lược. Song song với việc xây dựng tên tuổi tôi bắt đầu tìm tòi kinh doanh để kiếm tiền.

Năm 2017, tôi startup một cửa hàng về cưới, làm chung với các cổ đông khác. 1 tháng có 20 đám cưới thì tôi đâm đầu đi chụp cả 20 bộ. Bởi, ngoài chụp ảnh ra tôi có biết tí gì về quản trị nhân sự đâu mà điều hành cửa hàng. Sau khi chụp 4 tháng không lương (cửa hàng chưa có lãi) thì một sự cố xảy ra khiến tôi phải tách ra làm riêng. Tôi bị đẩy vào thế đứng một mình một thuyền, trước mặt là sóng cả mà chẳng biết nên chèo lái con thuyền ấy ra sao. Trong lúc khó khăn, tôi đã tìm đến những cuốn sách về kinh doanh và thu lượm được ở đó rất nhiều bài học hay về quản lý, cách quản trị con người…

Từ một cửa hàng cưới có 3 nhân viên, bây giờ tôi quản lý tới 20 đến 25 nhân viên. Mọi thứ đang vận hành khá tốt.

Tôi mới được nghỉ ngơi cách đây 6 tháng trước. Từ hồi sinh viên đến bây giờ, tôi đi du lịch đúng nghĩa chỉ mới được một lần. Từ thời sinh viên mới lên Hà Nội đến tận năm 2016, tôi mới bắt đầu sắm quần áo mới cho mình.

Trải qua bao thăng trầm, tiền bạc lúc có rất nhiều khi lại chẳng có xu teng dính túi, công việc kinh doanh từ chỗ không biết gì đến lúc quản lý tốt hơn cả hai chục người, Mạnh Bi có thể tự nhận mình là người từng trải ở lứa tuổi chỉ mới 27.


Người trẻ mua nhà đẹp, tậu xe hơi trước tuổi 30: Hành trình đuổi bắt đam mê của những sinh viên nghèo và cái kết ngọt ngào cho những kẻ mộng mơ có ý chí - Ảnh 9.

Sau khi vào làm ở Kenh14.vn, con đường sự nghiệp của tôi khá thuận lợi vì ngay từ đầu tôi đã gặp được những anh chị leader cho đến bây giờ vẫn là người dạy mình nhiều điều nhất trong cuộc sống, công việc.

Và điều may mắn nhất là tôi được vào đúng nơi trao cơ hội, trân trọng khả năng mình mà không phân biệt tuổi tác. Đến bây giờ tinh thần trẻ, quyết liệt và tử tế ấy đã trở thành văn hoá cốt lõi ở nơi tôi làm việc.

Giai đoạn thử thách nhất đã qua của tôi có lẽ là lúc tôi phải một lúc cân nhắc nhiều thứ: học đại học, đi làm, rồi cùng lúc đó dự án gặp khó khăn nhiều anh em đồng nghiệp gắn bó cũng dần ra đi.

Tôi thừa nhận trong giai đoạn đó mình khá chán nản vì bản thân là người sống tình cảm. Nhưng đến bây giờ nhìn lại, tôi cũng đã khá quyết liệt, đặt niềm tin vào công việc và vượt qua nó để cùng anh chị leader gây dựng Kenh14.vn như ngày hôm nay.

Tùng Shark nhận ra:

Đừng nhìn vào người khác để làm thước đo cho bản thân. Phải thực sự sáng suốt biết mình làm được gì, cần gì và quan trọng chọn được cái mình giỏi và kiên trì vì nó.

Đam mê nên đặt nó đúng chỗ, đúng thời điểm. Tiền quan trọng nhưng để tiền dắt mũi bất chấp tất cả mọi thứ để kiếm tiền thì không bao giờ tạo ra được những sản phẩm có tâm, có tầm.


Người trẻ mua nhà đẹp, tậu xe hơi trước tuổi 30: Hành trình đuổi bắt đam mê của những sinh viên nghèo và cái kết ngọt ngào cho những kẻ mộng mơ có ý chí - Ảnh 12.

Đến năm thứ 3 đại học, sau trải nghiệm đủ nghề làm thêm, tôi bắt tay startup dự án đầu tiên của đời mình. Đó là 1 brand đồ nam rất nổi tiếng hồi đó với số vốn ban đầu là 100 triệu. Tôi có một ít vốn, phần lớn là vay của mẹ.

Tôi đã trả lại đủ số tiền mượn mẹ sau 6 tháng shop vận hành. Đến bây giờ, vẫn có rất nhiều bạn trẻ đã từng mua hàng ở shop lại nhắc về lúc “đỉnh cao” ấy khi gặp lại tôi. Cửa hàng đầu tiên này đã cho tôi rất nhiều thứ. Cho tôi vốn để mở những brand tiếp theo như Nhà kho kí gửi, Café Home, Kay Décor … bây giờ những brand này vẫn hoạt động nhưng không còn là của tôi nữa. Tôi đã chuyển nhượng hoặc bán cổ phần rồi. Hiện tại, thì anh là Co-founder một công ty truyền thông và công nghệ.

Thời điểm các mô hình kinh doanh của tôi hoạt động tốt, tôi nhẩm tính thu nhập của mình rơi khoảng 100 triệu và chia sẻ thật khi phóng viên hỏi. Và sau bài báo đó, mọi người bắt đầu gọi tôi bằng danh xưng “hot boy trăm triệu”.

Con đường đi lên từ một chàng sinh viên tay trắng đến người sở hữu 1 công ty với gần 30 nhân viên hiện tại, dĩ nhiên, không hề bằng phẳng một tí nào.

Thời điểm khó khăn nhất, thử thách tôi nhất có lẽ là cuối năm 2013, khi mặt bằng hơn 400m2 của dự án kinh doanh Nhà kho ký gửi của tôi bị thu hồi ngay trước Giáng sinh - thời điểm mọi người mua bán rôm rả nhất trong năm. Tiếp nối cùng thời điểm đó là café Home cũng phải chuyển nhượng do cổ đông không tìm được tiếng nói chung, Kay Décor tôi mở ở trung tâm thương mại cũng đóng vì lượng khách tham quan thì đông nhưng sức mua thì không đảm bảo.

Nhiều chuyện xảy ra cùng lúc khiến tôi phải tự trấn an mình để bước tiếp: “Mình bắt đầu kinh doanh bằng 100 triệu vay mẹ và đã trả được mẹ rồi, giờ những thứ mình có là do hai bàn tay mình làm nên, những thứ mất đi cũng là mất đi những thứ mình đã làm được, không ảnh hưởng đến ai quá nhiều nên không sao cả”.

Hồi ấy, tôi thấy bản thân mình còn rất trẻ. Tôi cũng ý thức được rằng mình sẽ còn phải va vấp và trải nghiệm nhiều. Tôi đã cố gắng hết sức nhưng kết quả không thay đổi. Đó là một bài học lớn của tôi.

Thú thật là thu nhập của tôi bây giờ không được như hồi đó, vì tôi làm công ty riêng. Công ty mới nên Co-founder sẽ nhận lương tháng thấp hơn để ưu tiên quỹ lương để tuyển những nhân sự giỏi về cho công ty… Dẫu vậy, tôi vẫn mua nhà và có kế hoạch chi tiêu, tích luỹ, trả nợ rất rạch ròi.

Mỗi tháng đi làm, tôi đều có kế hoạch chi tiêu như sau: 20% cho chi tiêu cá nhân (đi lại, ăn, uống), 30% (gửi cho mẹ - hiện tôi vẫn hỗ trợ tiền nhà hàng tháng để thuê nhà cho chị và mẹ, và vẫn đưa tiền chi phí sinh hoạt cho mẹ hàng tháng), 20% cho tiết kiệm và bảo hiểm, 10% dùng để đi du lịch, 20% để trả nợ. Hiện tôi có vay 2 người bạn, mỗi người 50 triệu để hoàn thiện nội thất căn nhà nhưng tôi trả sắp hết rồi.

Tuấn Hải nhận ra:

Căn nhà là một tài sản lớn, quyết định mua nó cũng là một quyết định của sự trưởng thành và quyết đoán.

Có những người kiếm tiền chỉ để đi du lịch, trải nghiệm nhưng cũng có người kiếm tiền chỉ để mua nhà, mua xe. Sẽ ít người may mắn mà có tất cả mọi thứ mình muốn. Hạnh phúc không có công thức chung. Nó phụ thuộc vào quan điểm và mục tiêu mà từng người đặt ra trong cuộc sống của mình.


Người trẻ mua nhà đẹp, tậu xe hơi trước tuổi 30: Hành trình đuổi bắt đam mê của những sinh viên nghèo và cái kết ngọt ngào cho những kẻ mộng mơ có ý chí - Ảnh 16.

Sau khi du học Hàn trở về Việt Nam được khoảng 1 năm, tôi thấy ở đây cái gì cũng phát triển. Tôi đã có chỗ làm tóc, spa yêu thích nhưng nail thì thật sự không thể tìm thấy hàng nào làm nail Hàn Quốc chuẩn như mình từng làm bên Hàn cả. Các tiệm nail thời điểm ấy đều quá bé và bất tiện, cùng trang thiết bị nghèo nàn.

Vậy là chỉ trong khoảng 1 đêm, tôi đã quyết định dồn số vốn tích góp trong mấy năm để  mở spa- sở trường của mình, chuyển sang làm một hệ thống làm đẹp chuyên về Nail, Mi, Facial của riêng mình.

Mất một tháng để tôi hoàn thành cửa hàng đầu tiên với khá nhiều khó khăn vì tôi không rành về nail như những người trong nghề. Rất may mắn sau khi đi vào hoạt động, NailRoom được các bạn ủng hộ ngoài dự kiến nhờ có style Hàn Quốc khác biệt. Sau đó, tôi càng cố gắng hơn. Tôi sang lại Hàn để tìm chuyên viên Hàn về Việt Nam training cho nhân viên, cứ đồ gì mới ra mới có tại Seoul đắt mấy tôi cũng nhập về.

Tôi không đếm xuể những đêm chong đèn thức đến 3,4 giờ sáng. Tôi thức để làm gì? Để học về marketing và kinh doanh vì tôi biết rằng muốn thắng lớn thì luôn phải có một kế hoạch bài bản và dài hạn. Thời điểm đó tôi mới sinh em bé được 2 tháng nên chỉ có thể ngồi học và tìm hiểu thêm về kinh doanh sau khi con ngủ.

Với những gì tự học cùng với sự chia sẻ từ những người bạn có kinh nghiệm, tôi đã ra được hướng đi cho NailRoom và dồn hết tâm trí, thời gian chỉ để phát triển NailRoom nhanh nhất và hoàn thiện nhất. Tính đến hiện tại sau 1 năm rưỡi phát triển, theo thống kê NailRoom đang tiếp hơn 7.000 khách và đào tạo gần 50 học viên mỗi tháng, có lượng follow trên insta và FB khá lớn cùng với 1 website, 1 app book lịch trên điện thoại cực kì tiện lợi. Và tôi tin rằng NailRoom sẽ tiếp tục phát triển thêm nhiều cái mới trong thời gian tới.

Du học 5 năm ở Hàn sau về nước lại theo 1 nghề khác hẳn, nói thật là có khá nhiều người trong đó có cả bố mẹ tôi cảm thấy tiếc. Nhưng tôi nghĩ, kinh doanh nó đã ăn vào máu mình từ trước khi sang Hàn. Những kiến thức tôi học được chuyên ngành của mình cũng giúp ngược lại cho tôi trong công việc hiện tại. Ví như, tôi hình thành tư duy xây dựng hình ảnh branding tốt hơn, có con mắt nghệ thuật hơn khi chụp ảnh, quay clip cho các BST…và thời gian học tập tại trường, sống cùng các bạn Hàn Quốc đã giúp tôi có thêm khả năng sắp xếp công việc logic, cũng như khá “lì” trước những khó khăn.

Thú thật, trong khoảng hơn 1 năm gần đây, tôi lúc nào cũng trong tình trạng “cháy túi”. Nghe thật phi lý, chủ chuỗi làm đẹp mà lại… không có tiền?

Vì cứ tích được một chút tiền tôi lại mở thêm cơ sở mới cho NailRoom, cứ thế cứ thế cho đến khoảng nửa năm trở lại đây, mọi thứ trộm vía vào  guồng, NailRoom cũng có 11 cơ sở, 2 học viện rồi nên tôi quyết định dồn tiền để mua nhà, thực hiện ước mơ trước năm 30 tuổi của mình.

Hạt Mít nhận ra:

Mỗi người có một mốc thời gian thành công khác nhau, vì thế không nên sốt ruột. Nếu gia đình có điều kiện mua sẵn nhà cho, thì bạn sẽ có cơ hội dùng tiền cho những dự án và công việc khác. Còn bạn nào tự lập, tuy xuất phát chậm hơn một chút, khổ hơn một chút, nhưng tôi tin là nếu chăm chỉ trước sau rồi cũng có.

Hãy sống theo kiểu “khổ trước sướng sau”, tức là đặt những gì giá trị lớn, sinh lời lên đầu tiên, cái gì có lời thì mới đổ tiền vào, còn sau đó tập cách phân tán sự chú ý vào shopping như là xoá bớt các trang bán hàng, túi hiệu, dùng lại đồ cũ. Ngoài cách thắt chặt hầu bao, các bạn còn phải biết cách tìm thêm cho mình những nguồn kiếm tiền khác như một nghề tay trái. Chỉ chăm chăm giữ tiền mà không kiếm thêm tiền thì cũng không biết đến ngày nào mới có thể mua được thứ có giá trị lớn.

Ái Lê
X
Tuấn Maxx, Hoàng Anh
Theo Trí Thức Trẻ19/01/2019

Theo Ái Lê

Trí thức trẻ

Trở lên trên