Nguyễn Thị Oanh -VĐV điền kinh đầu tiên của Việt Nam giành 4 Huy chương Vàng tại đấu trường SEA Games
Nhà ông Nguyễn Văn Chuyền và bà Nguyễn Thị Hưởng ở thôn Nhuần, xã Mỹ Hà (huyện Lạng Giang, Bắc Giang) có cô con gái thứ 7 tên Oanh. Là cô con gái mà mỗi lần có ai về thăm, nhà ông bà lại rôm rả tiếng nói cười chúc mừng, kể không hết những câu chuyện từ hồi cái Oanh còn học cấp 1, cấp 2, tíu tít theo người này người kia tập chạy. Gia đình có tổng cộng 8 người con, quanh năm vất vả với công việc thuần nông ở quê, có lẽ ông bà chẳng bao giờ nghĩ tới có ngày cái Oanh nhỏ xíu như hạt tiêu nhà mình lại gắn bó với cái nghiệp điền kinh, rong ruổi trên đường chạy, chinh phục từng tấm huy chương rồi được người ta gọi là "siêu nhân" với bao nhiêu ca tụng.
Cái Oanh bé xíu đó là Nguyễn Thị Oanh, vận động viên làm nên kỳ tích lịch sử chưa từng có ở SEA Games 32, cô gái tới gần năm 30 tuổi vẫn chỉ biết mỗi đường chạy và niềm vui đem nhà mới về cho bố mẹ.
"Chạy cùng mọi người rất vui dù chỉ trong một kỳ nghỉ hè."
Từ những ngày hè năm lớp 4, Oanh đã có những bước chạy đầu tiên. Oanh khi đó chạy trong niềm vui vô thức, không biết điền kinh là gì, các nội dung thi đấu của một giải chạy ra sao. Nhưng Oanh cứ chạy khắp làng khắp xóm. Oanh chạy theo các anh chị của câu lạc bộ xã. Oanh rủ cả bố và em dậy sớm chạy cùng mình.
Đến lớp 8, Oanh bắt đầu tham gia các giải chạy của trường, huyện, tỉnh dưới sự dẫn dắt của người anh họ. Vào cuối năm lớp 9, đầu năm lớp 10, Oanh có một buổi tuyển chọn để xét tuyển vào đội điền kinh của Trường năng khiếu thể thao Bắc Giang (nay là Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh Bắc Giang).
Ban đầu, Ban tuyển chọn cho rằng cô bé với thân hình nhỏ nhắn như vậy thì không phù hợp với điền kinh để phát triển. Nhờ các thầy HLV đứng ra "bảo kê", Oanh mới được tuyển vào đội.
Đến năm 2014, khi đang tập trung đội tuyển, Oanh không may mắc bệnh viêm cầu thận. Nhiều tháng trời, Oanh phải chiến đấu với bệnh tật, mặt sưng phồng, cơ bắp bị teo đi và phải ăn uống kiêng khem rất cực khổ.
"Bác sĩ khuyên phải dừng tập luyện. Buồn lắm, buồn vô cùng. Cảm giác lúc ấy rất khó nói được bằng lời. Tất cả cánh cửa dường như đóng sập lại.
Nằm nghỉ dưỡng bệnh, lúc đầu mình khá tiêu cực vì mọi người chỉ khuyên hãy tập trung vào điều trị bệnh. Nhưng mình luôn nghĩ đến những người khó khăn hơn mình, những người phải dùng nghị lực nhiều hơn mình, tại sao họ vẫn nỗ lực vượt qua để tiếp tục luyện tập và thi đấu, tại sao họ làm được mà mình không làm được. Sau nhiều lần được bác sĩ thăm khám và thông báo tình hình sức khỏe đã tiến triển, mình như trút được gánh nặng ngàn cân và đặt quyết tâm cao hơn. Mình cần đi đến cùng với đam mê của mình", Oanh nói, và Oanh "đi đến cùng" thật, bằng sự trở lại mạnh mẽ của mình.
Năm 2022, Oanh bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ Giáo dục học tại Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh. Từ "cô gái không phổi", giờ mọi người gọi Oanh là "thạc sĩ không phổi". Cũng trong năm đó, Oanh được Đảng bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang, Chi bộ Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao tỉnh Bắc Giang tổ chức kết nạp Đảng viên.
Kiến thức với Oanh quan trọng như thể lực, như nỗ lực luyện tập. "Bản thân Oanh, với những kiến thức được học có thể áp dụng để phát triển hơn, bằng việc nhanh chóng cập nhật những sự phát triển của khoa học công nghệ vào tập luyện thi đấu đạt hiệu quả cao hơn; hay việc gặp tình huống trong khi thi đấu, kiến thức tích lũy học tập có thể giúp bản thân đưa ra những phương án nhanh và tối ưu nhất để xử lý. Nên phát triển cân bằng thể chất và tri thức."
Luôn tay luôn chân là cách Oanh nói khi đi qua những ngày vừa tập luyện khắt khe, vừa phải sắp xếp toàn vẹn cho việc học tại Đại học Thể thao Bắc Ninh. Quỹ thời gian bị giới hạn rất nhiều, có những thời điểm vừa kết thúc tập luyện bên Trung tâm, mình lại vội xuống trường đi học.
Chẳng dễ dàng gì trên hành trình của mình, nhưng Oanh cứ tự nhận mình may mắn.
"May mắn khi cuộc sống ưu ái ban tặng những điều tốt đẹp. May mắn khi tại trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh, có rất nhiều sân điền kinh để có nơi tập luyện, để trong quá trình học và tập luyện có thể đảm bảo những yêu cầu, tiêu chí theo giáo án Trung tâm đưa ra. May mắn khi có những người thầy, người cô hết lòng hỗ trợ, chỉ bảo để mình hoàn thành các nhiệm vụ được đề ra."
Thầy Trần Văn Sỹ - HLV trực tiếp khi tập trung luyện tập tại đội tuyển quốc gia kể về Oanh như thế. Hai thầy trò đã đồng hành cùng nhau từ năm 2012 cho đến bây giờ. Hơn 10 năm, vui có, khó có, thầy Sỹ luôn là người sát sao cùng Oanh, nhìn thấy Oanh trong những nỗ lực bền bỉ từng ngày.
Nhớ lại năm 2012, khi đó Oanh đang thi đấu ở Giải điền kinh trẻ quốc gia và đứng trong top 3. Nhìn trực quan, thầy Sỹ thấy thể hình của Oanh quá thấp bé nên không đảm bảo có thể phát triển mạnh mẽ được. Nhưng cũng chính thầy mày mò đi gặp bác sĩ, xin cho xem các thông số về tim mạch trong tập luyện và thi đấu của Oanh khi cô gái thấp bé ấy thể hiện quá tốt trong giải chạy. Con đường đến với tuyển quốc gia của Oanh đã bắt đầu như thế, bằng ý chí của chính Oanh và sự tin tưởng của thầy:
"Oanh có thể hình thấp, nhưng với cự ly trung bình - dài, thể hình không quan trọng nhất, mà là yếu tố tim mạch và ý chí trong tập luyện". HLV Trần Văn Sỹ cho biết,"Năm 2014, Oanh có chút sự cố sức khỏe, nhưng đã sớm vượt qua. Tôi khâm phục ý chí của Oanh, vì dù thế nào em cũng luôn hoàn thành xuất sắc các giáo án tôi đã giao. Tôi ví Oanh như một cây xương rồng không gai trên sa mạc, rất kiên cường, biết trên biết dưới, luôn hài hòa, lại còn học giỏi nữa".
Ngày thi đấu cuối cùng của Nguyễn Thị Oanh với nội dung 10.000m tại SEA Games 32 cũng là ngày sinh nhật của thầy - HLV Trần Văn Sỹ. "Ngay từ khi chuẩn bị bước vào bài thi đấu, mình đã nghĩ phải thật cố gắng đạt tấm huy chương để làm món quà sinh nhật tặng thầy trên mảnh đất Campuchia".
Và Oanh làm được. Dù trước đó cô thừa nhận mình bị sốc khi được xếp 2 nội dung 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật chỉ diễn ra cách nhau… 20 phút. Kỳ SEA Games đi qua đầy rực rỡ khi cô VĐV Việt Nam dám… chạy.
"Không thể suy nghĩ được gì nhiều bởi thời gian quá ngắn ngủi. Với sự động viên của mọi người, Oanh quyết tâm thi đấu cả 2 nội dung, bởi quá trình tập luyện mình đã dành biết bao công sức, quyết tâm để được ‘cháy’ với nội dung đó ở một kỳ đại hội".
Quyết đoán là vậy, nhưng 2 thầy trò đã từng cùng nhau đi qua những lần Oanh vừa chạy vừa khóc, khóc vì thành tích không như ý, khóc vì chấn thương. VĐV có nhiều khoảnh khắc rất buồn, mệt mỏi đằng sau rực rỡ của hào quang. Nhưng Oanh với tinh thần kỷ luật rất cao, đã luôn biết cách giữ gìn sức khỏe tốt nhất để có thể tập trung cho tập luyện - thi đấu.
Oanh đã rất xuất sắc trong mắt nhiều khán giả hâm mộ thể thao, nhưng với người hiểu Oanh nhất trên đường chạy - là thầy Sỹ thì "Oanh có thể còn làm tốt hơn vậy"
Bố mẹ Oanh sống trong căn nhà cấp 4 đã cũ, rộng khoảng 40m2. Dù đã lớn tuổi, hàng ngày vợ chồng ông Chuyền, bà Hưởng vẫn bám vào mảnh vườn, đàn lợn và vài sào lúa túc tắc sống. Nhưng năm nay, ông bà đón nhận nhiều niềm vui từ cô con gái. Tình yêu với đường chạy đổi lấy những phút rực rỡ trong chiến thắng đã giúp Oanh mang về cho bố mẹ thêm một căn nhà mới khang trang Tết này.
Niềm nở trong những câu chuyện về con gái, ông Chuyền kể tiếp: "Cứ mỗi lần trường có giải đấu thể thao gì là Oanh lại tập chạy. Mỗi sáng Oanh đều dậy sớm rồi tập chạy khắp làng, có hôm lại rủ bố và em dậy chạy cùng. Lúc đó mọi người cũng chỉ nghĩ là chạy cho vui, ai ngờ Oanh thích thể thao thật. Cứ như vậy, niềm yêu thích đối với thể thao lớn lên theo từng bước chạy của nó".
Oanh là người rất cảm xúc, có những tuần xa nhà, tập luyện vất vả, cô con gái nhiều lần bật khóc xin bố được về: "Đã nhiều lần nó bật khóc trong đêm, gọi điện tâm sự với tôi. Mỗi lần tôi xuống thăm Oanh là một trạng thái cảm xúc khác nhau, là bố nhìn con gái rưng rưng nước mắt cũng đau lòng lắm chứ, nhưng nghĩ đến hướng đi và sự nghiệp phát triển sau này của con, tôi lại mạnh mẽ động viên để Oanh vững chí theo đuổi. Có những người đồng đội cùng đợt với con đều dần bỏ cuộc, nhưng may mắn với sự nghiêm khắc của bố, Oanh đi được đến cùng và được như ngày hôm nay".
Với bà Hưởng, cảm giác vỡ oà khi con gái liên tiếp giành huy chương vàng tại các nội dung thi tại SEA Games 32 cứ như mới đây. Bà nói, mỗi khi Oanh thi đấu, hai ông bà lại ngồi trước tivi để trực tiếp theo dõi và cổ vũ. Mong muốn lớn nhất của hai ông bà lúc này là con gái cũng đã có tuổi, sự nghiệp thể thao đang trên đà phát triển nhưng cũng không thể quên hạnh phúc cá nhân. Bà Hưởng trăn trở: "Nhiều lần Oanh về tôi đều đề cập tới chuyện hạnh phúc riêng của con, nhưng con đều tránh bảo rằng vẫn đang tập trung phát triển sự nghiệp. Lo lắm, khuyên nhủ cũng nhiều, nhưng quyết định là ở con, cả bố và mẹ vẫn đều ủng hộ".
Gác lại những câu chuyện về Oanh, hai ông bà lại tất bật với những công việc thường ngày. Ông Chuyền tranh thủ chuẩn bị đồ cho buổi câu cá, bà Hưởng thì nấu đồ ăn cho những vật nuôi trong nhà. Hai ánh mắt dõi theo căn nhà mới đang được xây dựng, chỉ mong muốn các con ổn định và hạnh phúc. “Cái niềm vui không lời nào diễn tả được” - ông Chuyền, bố của Oanh ví von.
Phụ nữ số