img

Sự chuyển dịch các nhà máy từ Trung Quốc sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam đã được nhắc đến từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và nay mạnh mẽ hơn ở đại dịch Covid-19. Việt Nam sẽ tận dụng được những chừng mực nào của cuộc di dời lịch sử này? Thái độ của Việt Nam với nền kinh tế láng giềng và bức tranh thế giới hậu Covid-19 sẽ được nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt phân tích trong cuộc trò chuyện với Trí Thức Trẻ.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt: Cần bám chặt thị trường Trung Quốc một cách khôn ngoan để tận dụng phát triển nền kinh tế! - Ảnh 1.

-Đại dịch Covid-19 đã khiến các tập đoàn đa quốc gia lo ngại khi "bỏ trứng vào chiếc giỏ Trung Quốc". Điều này có thể tạo ra cơ hội cho một số quốc gia khác. Ông nghĩ gì về nhận định này?

Tôi có nghe tin một số đối tác sản xuất linh kiện cho Apple bắt đầu rời khỏi Trung Quốc đến Việt Nam và nghe nói rằng đa phần các nhà đầu tư mới đến này muốn chọn miền Bắc vì vị trí địa lý thuận tiện để liên hệ với thị trường Trung Quốc, thị trường mà người ta gắn bó và có doanh số rất lớn ở đó.

Các phán đoán xuất hiện trên báo chí của chúng ta về tương lai của nền kinh tế Trung Quốc về cơ bản là chưa chính xác. Có ý kiến trên báo gần đây nói rằng nếu dịch chuyển Việt Nam ra giữa Thái Bình Dương thì với quy mô kinh tế này, thế giới không ai quan tâm đến chúng ta.

Lợi thế của ta là vị trí địa lý ở phía Nam Trung Quốc và do đó chúng ta cần tận dụng lợi thế ấy. Tôi cho rằng ý kiến này đã đến gần sự chính xác.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt: Cần bám chặt thị trường Trung Quốc một cách khôn ngoan để tận dụng phát triển nền kinh tế! - Ảnh 2.

Từ lâu tôi vẫn luôn cho rẳng chủ nghĩa dân tộc nếu không kiểm soát được sẽ gây khó khăn cho chúng ta trong quan hệ với nền kinh tế Trung Quốc. Chúng ta cần phân biệt quan hệ với Trung Quốc và quan hệ với nền kinh tế Trung Quốc là hai loại quan hệ khác nhau. Do đó xã hội cần có ý thức chính trị khác nhau đối với từng cặp quan hệ.

Trong một vài bài viết, tôi nhấn mạnh Trung Quốc là nơi "vỗ béo" phần lớn các nền kinh tế trên thế giới, chỉ có chúng ta là không được bao nhiêu do sự cản trở của chủ nghĩa dân tộc về văn hóa và chính trị, trong khi chúng ta chưa có chủ nghĩa dân tộc về kinh tế.

Chủ nghĩa dân tộc về kinh tế chính là bám chặt lấy thị trường Trung Quốc, khôn ngoan tận dụng nó để có thể phát triển được nền kinh tế của mình.

-Tức là thái độ ghét, bài Trung Quốc là không thực dụng lắm?

Không phải thực dụng. Nói thực dụng là người ta hiểu sai. Nói cho đúng là chúng ta phải biết quý các thị trường khác nhau của nền kinh tế Việt Nam, mà Trung Quốc là một thị trường, là nơi chúng ta kiếm tiền.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt: Cần bám chặt thị trường Trung Quốc một cách khôn ngoan để tận dụng phát triển nền kinh tế! - Ảnh 3.

-Ông suy nghĩ gì trước luồng ý kiến cho rằng các nhà máy của Trung Quốc đang có xu hướng dịch chuyển sang Việt Nam?

Hiện tượng ấy mới diễn ra ở những bước đầu tiên, còn quy mô để xét đến như một luồng dịch chuyển có định hướng kinh tế thì chưa.

Chúng ta biết các nhà máy sản xuất linh kiện điện thoại là những bộ phận của công nghiệp nhẹ, sự dịch chuyển chỉ khó về mặt thị trường chứ không khó về mặt công nghiệp. Còn tất cả các ngành công nghiệp khác thì chưa có biểu hiện gì, chúng ta cần phải kiên trì quan sát.

Trung Quốc cũng chưa chấm dứt dịch bệnh, do đó những ý nghĩ đầy đủ của những ông chủ doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc là chưa rõ ràng, dứt khoát. Đây mới là giai đoạn ở giữa sự cân nhắc chứ chưa phải kết thúc sự cân nhắc, cũng chưa đến giai đoạn chuẩn hóa sự cân nhắc kinh tế và công nghiệp của các doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc.

-Chúng ta có thể làm gì để quá trình này rõ rệt hơn, khiến cho quyết tâm đến Việt Nam của các nhà sản xuất nước ngoài mạnh mẽ hơn?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt: Cần bám chặt thị trường Trung Quốc một cách khôn ngoan để tận dụng phát triển nền kinh tế! - Ảnh 4.

Tôi nghĩ Việt Nam là đất nước có Đảng lãnh đạo, có lẽ cần phải có một Nghị quyết phân tích và mô tả đầy đủ các dự báo của Ban Kinh tế Trung ương đối với triển vọng kinh tế hậu dịch bệnh.

Nói gì thì nói, thành tựu mà chúng ta có trong nhiều mặt, đặc biệt là quá trình chống dịch Covid-19 vừa rồi đều có vai trò quan trọng của Đảng. Tôi cho rằng nếu không tính đến vai trò lãnh đạo của Đảng trong tất cả các vấn đề của xã hội Việt Nam thì mọi nghiên cứu đều sai. Ở Việt Nam không có cái gì tự phát cả.

-Nếu nói rằng Việt Nam trở thành một công xưởng mới có thể cạnh tranh được với Trung Quốc thì không đúng. Nhưng liệu chúng ta có thể chen chân vào khâu nào trong chuỗi cung ứng của thế giới hiện nay không? Những công đoạn nào Việt Nam có khả năng thay thế được?

Nếu các doanh nghiệp nước ngoài có chuyển đến Việt Nam hoặc các nước Đông Nam Á khác thì họ cũng phải dựa vào sự phân tích tình thế của Việt Nam sau dịch bệnh.

Sự chống chọi dịch bệnh thành công chỉ góp một phần nho nhỏ vào quá trình chuyển dịch nhà máy. Điểm chính của quá trình vẫn là chọn một điểm đến gần Trung Quốc, tức là sự lệ thuộc vào Trung Quốc của các doanh nghiệp dời đi không chấm dứt.

Nếu nghĩ Việt Nam sẽ thay thế hoặc sẽ làm tốt là chủ quan. Những ông chủ nước ngoài sẽ làm tốt phân tích này. Họ có thể quan tâm Việt Nam như một vị trí địa lý thuận lợi cho quá trình sản xuất của họ. Họ sẽ phân tích xem sự thay đổi vị trí địa lý này có cần thiết không, có mang lại lợi ích không.

Tôi sợ rằng quá trình dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc của các xí nghiệp phương Tây có thể sẽ tắt dần chứ không phải mở rộng dần.

-"Tắt dần" là thế nào?

Người Trung Quốc sẽ cải thiện cấu trúc xã hội của họ để hạn chế hiện tượng các doanh nghiệp nước ngoài rời đi.

-Nhưng hiện nay báo chí phương Tây đang phản ánh là các chủ doanh nghiệp Mỹ hay châu Âu đang cảm thấy không an toàn khi không thể xuất hàng về nước. Do dịch bệnh nên Chính phủ Trung Quốc đã ngăn chặn việc xuất khẩu các thiết bị bảo hộ y tế.

Chính phủ Trung Quốc sẽ tự rút kinh nghiệm. Họ cũng quan sát và nhìn thấy được điều này. Thái độ của Chính phủ Trung Quốc sau dịch bệnh là động lực cơ bản tác động đến quá trình các doanh nghiệp nước ngoài chạy khỏi hay tiếp tục ở lại. Tôi không tin người Trung Quốc khờ khạo đến mức tiếp tục duy trì những chính sách tiêu cực để các doanh nghiệp nước ngoài bỏ đi.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt: Cần bám chặt thị trường Trung Quốc một cách khôn ngoan để tận dụng phát triển nền kinh tế! - Ảnh 5.

-Nhưng trong quá khứ đã có một bài học ở Malaysia. Khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, Tổng thống nước này đã quyết định không cho nhà đầu tư rút ngoại tệ để tiền không chảy ra bên ngoài. Từ đấy về sau, Malaysia đã bị đuối trong việc thu hút FDI.

Chính phủ Trung Quốc và Chính phủ Malaysia là hai chính phủ khác nhau với những kinh nghiệm khác nhau. Không thể rút kinh nghiệm từ trường hợp Malaysia để khái quát hóa các vấn đề của Trung Quốc.

Chúng ta ở cạnh một quốc gia cực kỳ thông minh, và do đó phải thông minh theo để đối phó. Tôi có quen biết một số nhà tài phiệt ở Malaysia là người Trung Quốc. Phần lớn những nhà tài phiệt của nền kinh tế Malaysia, Indonesia, Thái Lan đều là người Trung Quốc, ở Việt Nam cũng có.

Cho nên, chúng ta phải phân biệt được người Malaysia gốc nghĩ gì, họ có khả năng vươn đến sự chính xác mà Trung Quốc có hay không? Người Trung Quốc ở Malaysia nghĩ gì, có khả năng giống ý nghĩ của Chính phủ Trung Quốc hay không? Tôi gợi ý những vấn đề này là mong muốn làm thế nào đó để xã hội chúng ta, các cơ sở nghiên cứu của chúng ta chú ý phân tích được.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt: Cần bám chặt thị trường Trung Quốc một cách khôn ngoan để tận dụng phát triển nền kinh tế! - Ảnh 6.

-Như ông nói thì trật tự của thế giới trong tương lai có khả năng không xô lệch nhiều sau dịch bệnh, nhưng chắc là vẫn sẽ có những thay đổi?

Thế giới có xô lệch nhưng ở dưới ảnh hưởng của một hệ thống khác, đó là hệ thống tâm lý của các nhà chính trị chiến lược trên thế giới.

Sự xô lệch một cách xã hội học của các nền kinh tế có thể theo thói quen sẽ lắc lư đến một mức nào đó, tuy nhiên, nó không thay đổi ào ạt như báo chí suy đoán. Cần chú ý đến vấn đề là các nhà chính trị chiến lược trên thế giới sẽ có một hệ thống tâm lý khác và nó tác động đến việc hình thành các chính sách đối ngoại của các cường quốc, tạo ra sự thay đổi lớn hơn của cấu trúc kinh tế thế giới sau dịch bệnh.

Cần phải chú ý quan sát tâm lý của các nhà chính trị chiến lược sau: số một vẫn là Tổng thống Trump, số hai là Chủ tịch Tập Cận Bình, số ba là Tổng thống Putin, số bốn là Thủ tướng Abe, số năm là Thủ tướng Merkel, sau đó mới là Tổng thống Pháp, Thủ tướng Anh…

G7 và G20 chính là nhóm các quốc gia có thể góp phần tạo ra thay đổi chiến lược về tâm lý kinh tế và xã hội sau dịch bệnh. Tùy thuộc vào mức độ thiệt hại của kinh tế sau dịch Covid-19 ở các quốc gia này mà tâm lý của các nhà lãnh đạo các quốc gia ấy sẽ thay đổi.

Qua đây tôi muốn gợi ý các cơ sở nghiên cứu kinh tế ở Việt Nam cần phân tích kỹ. Nhân dân cần độ chính xác trong các bình luận, các phân tích khoa học, chứ không cần sự phán đoán có chất lượng "chém gió" đối với các thay đổi chiến lược của thế giới.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt: Cần bám chặt thị trường Trung Quốc một cách khôn ngoan để tận dụng phát triển nền kinh tế! - Ảnh 7.

-Tức là đến thời điểm hiện tại thì chúng ta cũng chỉ đoán là họ sẽ thay đổi, còn thay đổi như thế nào thì vẫn phải chờ đợi?

Trạng thái phán đoán về hậu quả kinh tế hiện nay là trạng thái không chuyên nghiệp khi tham gia vào nghiên cứu khoa học kinh tế. Chúng ta cứ đoán, chúng ta nói to hơn một tí và hy vọng rằng như thế đủ để tạo ra tên tuổi.

Tôi nghĩ trong một xã hội bình thường thì mọi sự phán đoán đều có địa vị ngang nhau đối với dư luận, nhưng trong tình huống khủng hoảng thì không như vậy. Khủng hoảng sẽ hướng dẫn xã hội đánh giá chất lượng của từng phán đoán một.

Một trong những phán đoán quan trọng là dự báo về sự biến động tâm lý của các nhà chính trị thế giới, qua đó để đánh giá sự biến dạng chính sách đối ngoại của các quốc gia chiến lược. Những thay đổi này sẽ tạo ra cái khung của sự phát triển toàn cầu ở giai đoạn hậu Covid-19.

-Liệu thái độ của phương Tây hay của Mỹ với Trung Quốc thông qua các vấn đề dịch bệnh, có dẫn đến biến chuyển gì lớn không?

Tất cả mọi thông tin đều đáng nghe, nhưng phải thận trọng khi nghe. Chúng ta phải biết rằng người Mỹ bây giờ không ưa Trung Quốc, nhưng người Mỹ không tàn tệ đến mức cắt cầu. Cho nên phải khôn ngoan, đừng ra phố như một kẻ lớ ngớ, ai bảo gì cũng tin. Nhiệm vụ của báo chí là phải giải quyết tâm lý ấy. Báo chí cần phải làm thế nào để người dân mình khôn ngoan trước dư luận và các luồng thông tin quốc tế!

Cảm ơn ông!

Phương Ánh
Tuấn Mark
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ07/05/2020

Phương Ánh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên