Năm 1988, một cán bộ chính trị từng là người lính, đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nên một xí nghiệp may mang tên Xí nghiệp May 1/7. Vượt qua rất nhiều giông bão, 30 năm sau, xưởng may nhỏ bé ngày nào đã trở thành Công ty Cổ phần May Sông Hồng – một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam trong lĩnh vực may mặc và chăn ga gối đệm.
Khi ra đời, May Sông Hồng có 100 công nhân. Đến nay công ty có gần 11.000 lao động với tổng tài sản khoảng 2.600 tỷ đồng. Doanh thu 9 tháng đầu năm 2018 đạt gần 3.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hơn 335 tỷ đồng. Những con số đó phần nào nói lên sự phát triển vượt bậc của xí nghiệp may nhỏ tại Nam Định năm xưa.
Nhưng con đường họ đã đi không chỉ toàn hoa hồng.
Một trong những biến cố mà May Sông Hồng gặp phải là việc bị đối tác nước ngoài bội ước. Theo lời kể của Chủ tịch Sông Hồng Bùi Đức Thịnh, hai mươi năm trước, May Sông Hồng dự tính thành lập xí nghiệp bông để cung cấp cho một đối tác nước ngoài. Nhưng thật không ngờ, dù là thương gia có tên tuổi, vị đối tác này vẫn bội ước, chủ ý ép ngược Sông Hồng với những điều kiện ngặt nghèo, đẩy công ty vào tình huống vô cùng khó khăn.
Không chịu khuất phục hoàn cảnh, những người lãnh đạo của May Sông Hồng đã biến nguy thành cơ. Xưởng sản xuất bông đầu tiên do người Việt làm chủ vẫn ra đời. Chiếc chăn đầu tiên của Sông Hồng ra mắt vào mùa đông năm 2001, mang theo những khát vọng lớn lao của doanh nhân Việt.
Chăn Sông Hồng ra đời, không chỉ được yêu mến bởi mang thương hiệu Việt mà còn chinh phục người tiêu dùng nhờ giá cả phù hợp với túi tiền của người dân, nhưng vẫn có chất lượng như sản phẩm nước ngoài. Sản phẩm đã thành công và trở thành bàn đạp cho công ty phát triển các chủng loại sản phẩm ga gối, đệm bông, đệm bông tinh khiết sau này.
Chăn ga gối đệm là mặt hàng đem lại lợi nhuận lớn cho May Sông Hồng. Tuy nhiên, lợi nhuận không phải là đích đến duy nhất của doanh nghiệp. Trong mỗi bộ chăn đệm mang thương hiệu Sông Hồng, chúng ta đều thấy một tấm thiệp với những dòng chữ thế này: "Làm doanh nghiệp, nếu không tính toán lời lãi, thì e chẳng thực lòng, nhưng nếu quá cao trên lưng đồng bào của mình thì ắt hẳn Đạo Trời chẳng thuận."
Ông Bùi Đức Thịnh nói rằng: "May mắn vô cùng khi thông điệp và tâm nguyện ấy của chúng tôi đã được người tiêu dùng hiểu thấu. Họ đã chọn Sông Hồng vì đó chính là thương hiệu Việt Nam."
Cho đến nay, người tiêu dùng Việt Nam hầu hết vẫn biết đến Sông Hồng với các sản phẩm chăn ga gối đệm, nhưng thực tế lĩnh vực đem lại doanh thu lớn nhất cho công ty là may mặc. May Sông Hồng chính là nhà sản xuất cho các thương hiệu lớn trên thế giới như Gap, Columbia Sportswear, New York & Company, Zara, H&M, Mango…Sông Hồng đã mang toàn bộ những tiêu chuẩn quốc tế khi may cho các hãng lớn này vào quá trình sản xuất các sản phẩm chăn gối đệm Việt Nam, để tạo ra những sản phẩm chất lượng nhất cho người Việt.
Ông Bùi Đức Thịnh từng kể, có lần, khi ông đem một số chiếc chăn Sông Hồng tặng cho những người làm cán bộ Đoàn ở một huyện miền núi thuộc khu vực miền Trung, người Bí thư huyện đoàn rưng rưng nói: Với người dân nơi đây, những chiếc chăn thế này chỉ có trong ước mơ xa vời! Lời nói của người cán bộ khiến cho người lãnh đạo của May Sông Hồng cảm thấy xót xa.
"Chúng tôi muốn những vật dụng tối cần thiết kia không còn là ước mơ xa xỉ nữa, mà gia đình nào ở Việt Nam cũng đều có điều kiện để nhận được. Với chúng tôi, những người làm doanh nghiệp đã từng qua những năm mặc áo lính, ai cũng luôn mang nặng trong lòng mình nỗi niềm day dứt này" – ông Thịnh tâm niệm.
Ước mơ đem bốn mùa yêu thương đến cho tất cả các gia đình Việt đã được hiện thực phần nào với việc ra đời những sản phẩm chất lượng cao và giá phù hợp với số đông người tiêu dùng. Bên trong Sông Hồng, lãnh đạo công ty cũng có những ước mơ như thế.
"Ngoài hàng rào Công ty có thể còn nhiều xô bồ, ngang trái, nhưng trong cánh cổng Công ty nhất định phải là một xã hội khác." – Chủ tịch HĐQT công ty chia sẻ trong một bức thư. Ở "Khu dân cư Sông Hồng", nhân cách con người luôn được coi trọng, mỗi người đều có cơ hội thăng tiến với lời cam kết: Công ty sẽ đem lại cho mọi người nguồn công việc, nguồn sống cơ bản, bền vững và lương thiện nhất, các thế hệ con cái sẽ nối tiếp làm việc ở Sông Hồng.
"Xu hướng dệt may hiện nay là chuyển từ công nhân sản xuất sang thay thế gần như toàn bộ bằng máy móc. Nhưng dù chuyển đổi thế nào đi nữa, Sông Hồng vẫn bằng mọi phương cách để người lao động không bị tự động hóa hay bị người máy cướp mất việc làm, cướp mất nguồn sống," ông Bùi Đức Thịnh nói.
Trong 30 năm qua, những chàng trai cô gái năm nào đã nhặt từng viên gạch, vun từng gốc cây cho May Sông Hồng đã già đi, nhưng công ty thì không bao giờ dừng lại, luôn đưa ra những sản phẩm "thức thời", phù hợp với xu hướng tiêu dùng của xã hội.
Từ thành công rực rỡ của chiếc chăn đông năm 2001, Sông Hồng không ngừng cho ra đời những sản phẩm mới. Năm 2009, bộ nhận diện mới được thiết kế gắn liền với biểu tượng con Sông Hồng huyền thoại mang khát vọng của thời đại. Công ty tiếp tục cải tiến và phát triển dòng sản phẩm truyền thống là Classic Collection, đồng thời cho ra mắt hai dòng sản phẩm mới là Home Collection và Luxury Collection hướng tới tất cả các đối tượng người tiêu dùng trên khắp lãnh thổ Việt Nam.
Đầu năm 2012, May Sông Hồng tung ra thị trường dòng sản phẩm dành cho thanh thiếu niên với họa tiết là chú mèo Doraemon và sau đó là Hello Kitty. Không khó để thấy rằng 2 nhân vật nổi tiếng được trẻ em yêu thích tiếp tục đem đến thành công mới cho Sông Hồng.
Năm 2014, May Sông Hồng đã cho ra mắt đệm bông tinh khiết, sản xuất trên dây chuyền hiện đại của thế giới. Ra đời sau, nhưng sản phẩm này mau chóng được khách hàng ưa thích, vẫn bởi những giá trị mà công ty tâm niệm đem lại cho họ nhiều năm nay: giá cả phù hợp với túi tiền, chất liệu của đệm bông tinh khiết đơn giản mà lại dễ sử dụng, độ bền cao.
Như lời Chủ tịch HĐQT của công ty đã nói, Sông Hồng cứ luôn kiên trì kiếm tìm những khe sáng nhỏ trong cuộc sống, lặng lẽ tiến bước, để khi gặp cơ hội, bỗng bừng lên như một hiện tượng thật riêng biệt.
Năm 2018 đánh dấu bước chuyển quan trọng khi Công ty Cổ phần May Sông Hồng quyết định lên sàn chứng khoán. Đây cũng là năm kỷ niệm 30 năm thành lập, đánh dấu thời kỳ phát triển bền vững và thịnh vượng của công ty.
"Sông Hồng sẽ đầu tư tiếp một cơ sở sản xuất mới, rất hiện đại ở huyện Nghĩa Hưng với quy mô gần 3.000 lao động, đưa tổng số nhân lực toàn nhà máy lên gần 14.000 người để mỗi năm đủ năng lực tạo ra từ 4.500 đến 5.000 tỷ đồng doanh thu, đứng vững trong Top đầu các doanh nghiệp dệt may có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất ở Việt Nam," Ông Bùi Việt Quang, Tổng Giám đốc May Sông Hồng cho biết.
Phải thấy rằng, sự lớn mạnh ngày nay của Sông Hồng phải được bắt rễ từ sự tử tế và lương thiện trong cách sản xuất và kinh doanh ngay từ thuở ban đầu. Cứ như thế, từ một mảnh vườn nhỏ, May Sông Hồng đã phát triển thành một khu rừng, vượt xa cả trí tưởng tượng của những lãnh đạo và công nhân viên buổi ban đầu.
Dẫu vậy, Chủ tịch Bùi Đức Thịnh nói rằng đó mới chỉ là bước khởi đầu. Trong hành trình leo dốc này, dấu mốc 30 năm cũng chỉ là một "chiếu nghỉ để nhìn lại" trên "con đường vạn dặm" của Sông Hồng.
Trí Thức Trẻ