Mông Cổ rộng lớn về diện tích nhưng dân số chỉ vỏn vẹn ba triệu người. Đất nước với lối sống du mục trong tưởng tượng của tôi là những cánh đồng cỏ xanh rờn vào mùa hè. Hàng triệu con gia súc được người dân chăn thả trên những thảo nguyên bao la lộng tiếng gió.

ường sá Mông Cổ ngoài những quốc lộ vành đai nối các thành phố lớn thì đa phần là đường đất gồ ghề trên thảo nguyên. Di chuyển vất vả, ăn uống theo khẩu vị địa phương, chuyện từ ba đến bốn ngày mới tắm một lần khi rong ruổi đường dài trên thảo nguyên (chuyện vệ sinh rất đặc trưng của người bản địa)… không làm tôi nản lòng. Lý do là cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp tạo nên cảm xúc trải dài dường như vô tận.

Từ thủ đô Ulan Bator khá hiện đại thoáng đãng, tôi xuôi về miền Nam để tận mắt chứng kiến dòng sông băng vẫn hiện diện vào mùa hè, lắng nghe những đụn cát hát ở sa mạc Gobi, tìm dấu vết của những con khủng long tiền sử ở những khối núi đá nhiều màu sắc…

Hành trình tiếp tục ngược lên miền Trung Mông Cổ để đến thung lũng Orkhon nơi nhiều thánh tích tôn giáo vẫn còn hiện hữu từ hàng ngàn năm trước. Những lễ hội địa phương vẫn tiếp tục diễn ra và những đàn gia súc khổng lồ đang nhở nhơ trên các cánh đồng cỏ ngút tầm mắt. Và hành trình rong ruổi trên 3.500 km trên thảo nguyên Mông Cổ còn đọng lại trong tôi những câu chuyện bất ngờ đầy cảm xúc.

Gần ba tuần lễ, tôi đã sống những ngày thật tuyệt ở đất nước của Thành Cát Tư Hãn, cảm nhận nét văn hóa đặc trưng được nhắc đến trong quyển Totem Sói mà tôi còn đọc dở, hòa mình vào không khí lễ hội truyền thống, hay lúc nào mũi cũng ngửi được mùi ngây ngấy của thịt cừu. Mỗi ngày, tôi di chuyển trung bình khoảng 300 km.

Một tu viện ở thủ đô Ulanbator




Khoảnh khắc bên hồ Trắng


Tượng đài Thành Cát Tư Hãn ở Ulanbator, một công trình biểu tượng của đất nước Mông Cổ


Phần 1:

LỄ HỘI NAADAM TRUYỀN THỐNG ĐẬM ĐÀ MÀU SẮC DU MỤC

Tôi chủ động lựa chọn thời điểm khởi hành đi xứ Mông Cổ vào đúng dịp lễ hội Naadam diễn ra hằng năm vào mùa hè. Vào đầu tháng bảy, cả đất nước rộng lớn này được khoác lên chiếc áo lộng lẫy của những cánh đồng hoa nhiều màu sắc. Thời tiết ấm áp tạo điều kiện cho người dân tổ chức các hoạt động hội hè cùng gia đình, cộng đồng.

Lễ hội Naadam thường diễn ra trong ba ngày ở sân vận động trung tâm của thủ đô Ulan Bator với những môn thể thao truyền thống như đua ngựa, bắn cung, vật Mông Cổ. Đây còn là dịp dân du mục gặp lại bạn bè, gia đình và vui chơi thỏa thích.

Chẳng những thế trong những ngày khám phá thảo nguyên, lễ hội ở các địa phương cũng không kém phần sôi động, khi mà người già, trẻ nhỏ xúm xính trong các bộ trang phục truyền thống nhiều màu sắc tham dự các lễ hội tại các ngôi làng. Họ mời tôi những bát sữa ngựa chua chua đầu lưỡi như một nghi thức chào đón những vị khách phương xa.



Lễ hội Naadam tổ chức ở thủ đô Ulanbator

Một em bé Mông Cổ trong trang phục truyền thống ở lễ hội Naadam địa phương


Với người bản địa trong lễ hội Naadam địa phương


Phần 2:

CẢM NHẬN SỰ BAO LA CỦA
THIÊN NHIÊN

Thiên nhiên Mông Cổ có ba phần riêng biệt gồm vùng núi phía Tây, sa mạc Gobi rộng lớn ngăn cách bởi vùng thảo nguyên bát ngát nằm ở giữa. Trong đó, sa mạc Gobi chiếm một phần ba đất nước, nơi có công viên quốc gia Gobi Gurvan Saikhan, địa danh thu hút du lịch nhiều nhất của quốc gia này.


Thảo nguyên chen lẫn núi đá ở miền Nam Mông Cổ


Những đàn gia súc khổng lồ của người du mục Mông Cổ

Khác với những suy tưởng thông thường, sa mạc Gobi chứa đựng vô số cảnh sắc kỳ ảo và phong phú với những vùng đồng bằng tươi tốt xen lẫn các rặng núi và cồn cát trải dài. Tôi có một chuyến trải nghiệm thú vị khi quyết săn bằng được những tia nắng đầu tiên của những đụn cát trải dài hàng trăm cây số.

Tôi còn nhớ cảm giác mình đặt chân trên đỉnh, một vùng bình nguyên nằm bên dưới loang màu xanh của cỏ, màu nâu của đất và màu ánh bạc của những hồ nước được phản chiếu bởi những tia nắng sớm. Tôi đã tò mò về bản giao hưởng của cát mà bác tài xế có nhắc đến khi trải nghiệm ở sa mạc Gobi.

Âm thanh yên ắng, chỉ có tiếng cát ma sát và cộng hưởng vào nhau khi tôi trượt xuống từ trên đỉnh đồi. Dường như âm thanh của cát, của gió tạo nên bản giao hưởng thiên nhiên.

Tôi thật sự choáng ngợp trước sự thay đổi của thiên nhiên khi xe đi qua những vùng khác nhau. Không chỉ là thảo nguyên bao la mà còn là những cánh đồng hoa có màu sắc khác nhau cho từng vùng. Khi sắc tím, sắc vàng, lúc màu trắng muốt hay màu nâu đỏ li ti của những đồng hoa dại bên đường. Thiên nhiên Mông Cổ không hề đơn điệu như tôi nghĩ mà chúng biến chuyển liên tục khiến tôi không kịp cảm nhận là chúng đã thay đổi tự khi nào.



Sa mạc Gobi

Theo các công ty du lịch, các hoạt động dành cho khách du lịch khám phá Mông Cổ rất đa dạng. Từ loại hình leo núi, đi bộ đường dài, khám phá các đường mòn đến cưỡi ngựa tham quan các công viên quốc gia, cưỡi lạc đà khám phá sa mạc, hay ngụ trong các túp lều truyền thống của dân du mục trên thảo nguyên đều mang lại những cảm xúc thú vị.


Trái: Một khúc sông băng qua thảo nguyên ở thung lũng Orkhon
Phải: Một ngôi làng nhiều màu sắc ở miền Trung Mông Cổ


Trái: Du khách dựng lều trên thảo nguyên
Phải: Một con suối nhỏ vắt qua thảo nguyên vào mùa hè

Công viên Terelj, nơi đây với tầng tầng lớp lớp đá xếp thẳng hàng tạo nên những ngọn núi cao ngất ngưởng, nổi tiếng là ‘hòn đá rùa”.


Phần 3:

TRẢI NGHIỆM HỒ KHUVSGUL
TUYỆT TÁC KHÔNG THỂ BỎ QUA

Hồ Trắng ở miền Trung Mông Cổ có vẻ đẹp mong manh của một cô gái còn trẻ. Vẻ đẹp long lanh của những tia nắng phảng phất bàng bạc trên mặt hồ khi bình minh ló dạng khiến tôi cứ ngẩn ngơ mãi. Nhưng khi phiêu lưu lên khu vực phía Bắc, tôi lại bị hớp hồn bởi vẻ đẹp lộng lẫy của hồ Khuvsgul.

Hồ dài 136 km đến tận cực nam Siberia của Nga, với dòng nước trong xanh lấp lánh dưới nắng là nơi chứa 65% nước ngọt dự trữ của Mông Cổ và 1% lượng dự trữ của thế giới. Nguồn nước trong hồ có thể uống được mà không cần qua xử lý. Vì vậy, nhiều loài động vật quý hiếm đã tụ về sinh sống nơi đây.



Theo các nhà nghiên cứu, hồ Khuvsgul là một trong 17 hồ cổ đại trên thế giới và là một trong những hồ cổ xưa nhất. Vào mùa đông, hồ đóng băng hoàn toàn và lớp băng dày cứng của nó đủ để xe vận tải nặng lưu thông. Với người Mông Cổ, đây là địa điểm tâm linh vô cùng thiêng liêng, là nguồn cảm hứng của các pháp sư.

Với du khách nước ngoài, Khuvsgul là nơi lý tưởng để tham gia các hoạt động thể thao, ngắm chim muông cũng như tìm hiểu sinh hoạt đời thường, các nghi thức chữa bệnh, tập tục truyền thống ngàn đời của người dân thuộc các bộ tộc trong vùng.

Nhiều chuyên gia du lịch cho rằng nếu có một điểm tham quan tự nhiên ở Mông Cổ không thể bỏ qua thì đó là hồ Khuvsgul!





Phần 4:

CẢM NHẬN CUỘC SỐNG DU MỤC
KHI NGỦ LỀU TRÒN

Có thể nói, cuộc sống du mục của người Mông Cổ là một trong những nền văn hoá du mục lớn nhất thế giới còn sót lại. Trong hàng ngàn năm qua, họ đã sống trên các thảo nguyên, chăn thả gia súc trên các đồng cỏ mênh mông.

Những trẻ em Mông Cổ đã biết cưỡi ngựa và chăn thả gia súc từ khi còn rất nhỏ. Mặc dù đời sống ngày càng văn minh nhưng một bộ phận lớn người dân Mông Cổ vẫn bám lấy thảo nguyên và đàn gia súc lên đến hàng nghìn con. Họ vẫn duy trì lối sống du mục, rày đây mai đó theo sự biến chuyển của thời tiết. Họ vẫn ăn thịt cừu, ngủ trong nhà lều vải và sưởi ấm bằng cách đốt phân gia súc.



Những ngôi nhà lều truyền thống của người Mông Cổ ở hồ Trắng.


Trong một hostel được xây dựng như một nhà lều truyền thống của người Mông Cổ

Trong hành trình của mình, hầu như tôi đều lưu trú trong những khu lều tròn truyền thống để cảm nhận cuộc sống đặc biệt của người du mục. Những nhà lều có kiểu dáng vô cùng đơn giản với chiếc cửa thấp lè tè không phù hợp với người Mông Cổ cao to, vạm vỡ. Bên trong, lều được bài trí những vật dụng sinh hoạt cần thiết như một chiếc bàn thấp, một chiếc ti vi bé xíu sử dụng điện mặt trời, một chiếc tủ đựng chăn màn, quần áo cho một gia đình bốn đến năm nhân khẩu.

Thông thường một gia đình sẽ có ít nhất hai nhà lều, một dùng để ngủ và một dùng để nấu nướng. Họ cũng có thể xây thêm một lều chữ A để trữ chất đốt khi những cơn mưa thảo nguyên bắt đầu năng hạt hơn.


Phần 5:

THUNG LŨNG ORKHON

Địa danh này cách thủ đô Ulan Bator 360 km về phía Tây, nằm dọc theo con sông cùng tên, là nơi có hệ động thực vật phong phú cùng nhiều vết tích lịch sử. Vào mùa hè, vùng này vô cùng ẩm ướt. Du khách sẽ được nghe vô số những truyền thuyết về dòng chảy của con sông này.



Tu viện Erdene Zuu

Đứng ở thác nước Ulaan Tsutgalan cao 20 m, nằm trên hệ thống thác của sông Ulan (cách sông Orkhon 100 m), du khách dễ dàng chiêm ngưỡng những vũ khúc của đàn chim hoang dã cũng như có buổi câu cá đáng nhớ. Tại khu vực thung lũng Orkhon, khách có thể viếng thăm các đài kỷ niệm, cung điện, đền miếu, chùa chiền, những dấu tích của các đế chế như Đột Quyết, Duy Ngô Nhĩ... hay vết tích cố đô Karakorum của Thành Cát Tư Hãn.

Hệ thống tu viện nơi đây cũng là những địa điểm để khám phá như Erdene Zuu với 108 bảo tháp, tu viện Phật giáo đầu tiên tại Mông Cổ hay tu viện Amarbayasgalant lớn thứ hai ở Mông Cổ, một phức hợp kiến trúc được giữ gìn tốt nhất nước này... Những công trình văn hóa ở thung lũng Orkhon đã trở thành di sản văn hóa thế giới. 

Bác nghệ nhân đang trình diễn những điệu nhạc Mông Cổ truyền thống, trong đó kiểu hát bằng cổ họng rất đặc trưng


Hoàng hôn trên thung lũng Orkhon


Một ngôi làng bên tu viện Amarbayasgalant


Tu viện Amarbayasgalant

By: Nguyễn Hoàng Bảo
Designed by: 7pm
Developed by: 2N
Theo Trí Thức Trẻ
25/11/2016