ọ - những chàng trai Sài Gòn ban ngày tất bật với muôn vàn công việc, nhưng đêm về vẫn dành thời gian để vòng quanh thành phố giúp đỡ những ai gặp sự cố giao thông. Khi nói về công việc ý nghĩa của mình, các anh luôn cười xuề xoà: Chuyện nhỏ xíu thôi, ai cũng làm được ấy mà.
Sài Gòn 12 giờ trưa, bê tông trên những toà cao ốc nhão nhoẹt chực chờ chảy tràn xuống mặt đường, dưới cái nắng tơi bời người đàn ông lớn tuổi thất thểu bước từng bước nặng nhọc. Đột nhiên một thanh niên dừng xe lại nói:
- Trưa nắng quá, chú lên xe cháu chở về cho. Cháu không lấy tiền đâu!
Thời buổi bây giờ tự nhiên có đứa dừng xe giữa trưa rồi đòi chở về miễn phí, không khéo nó chở đi bán nội tạng thì chết mồ - người đàn ông nghĩ thầm, rồi hỏi:
- Cậu biết tôi là ai, ở đâu mà chở về?
Chàng thanh niên cười hì hì:
- Cháu ở trong đội SOS Sài Gòn, tụi cháu vẫn thường hỗ trợ miễn phí mọi người khi gặp khó khăn trên đường phố. Chú yên tâm cháu sẽ đưa chú đi đến nơi về đến chốn.
Ngó vẻ cũng thiệt bụng, người đàn ông bán tín bán nghi:
Tôi ở Chu Văn An, cậu đưa tôi về đó giúp nhé!?
Về đến nhà, người đàn ông vừa mừng vừa bồi hồi nói:
- Tôi không ngờ Sài Gòn vẫn còn người tốt như cậu!
Những người Sài Gòn tánh kỳ
Màn đêm buông xuống từng ngả đường thành phố vơi đi sự ngột ngạt, khi những nếp nhà dần chìm vào giấc ngủ muộn cũng là lúc các chàng trai của đội SOS Sài Gòn bắt đầu công việc làm thêm không lương của mình trên khắp nẻo phố phường. Hơn nửa năm nay cái tên SOS Sài Gòn đã dần quen thuộc hơn với người dân Sài Gòn, đặc biệt là những ai thường xuyên phải ra đường lúc đêm hôm.
Chúng tôi liên lạc với Tuấn Sang - Đội trưởng của SOS Sài Gòn để theo chân các anh một đêm rong ruổi Sài Gòn. 10h tối, sau khi kết thúc lớp học Anh văn các thành viên trong đội tất bật kiểm tra lại "đồ nghề", một ít dụng cụ sửa xe, vài lít xăng và hộp cứu thương. "Đầy đủ rồi nhé!" - một thanh niên dõng dạc. "Có một chiếc xe gặp sự cố ở cầu vượt Ngã Tư Ga, anh em nhanh chóng di chuyển tới đó" - Sang tắt điện thoại, rồi nhanh chóng cùng cả đội chạy đến địa điểm, không khí khẩn trương nghẹt thở.
Sài Gòn lập đông tiết trời không lạnh cắt da thịt nhưng cũng đủ khiến da người tái buốt. Khi cả đội đến cầu vượt thì mưa đêm cũng bắt đầu nặng hạt, mọi người di chuyển đến một mái hiên gần đó để trú mưa và sửa xe cho người bị nạn.
Tôi chợt nhớ không ít lần bản thân cũng rơi vào hoàn cảnh xe hết xăng lúc nửa đêm phải dắt bộ cả đoạn đường dài 4 - 5km mà không tìm thấy một cây xăng nào mở cửa. Hay xe đột nhiên thủng lốp, nhưng đi mãi chẳng có tiệm sửa xe nào làm việc. Nhìn dòng người chạy lướt qua trong thinh lặng, chẳng ai mảy may buông một câu hỏi thăm: Xe bị làm sao thế? - Lòng tự nhiên tủi tủi.
Sang kể: "Phải trải qua hoàn cảnh khó khăn khi gặp sự cố trên đường lúc nửa đêm bạn mới hiểu hết sự giúp đỡ vào thời khắc đó quý giá như thế nào. Vì thế mình và một số anh em trong nhóm phượt đã lên ý tưởng về một đội cứu hộ giúp đỡ những ai gặp sự cố giao thông vào lúc nửa đêm. Ý tưởng nhanh chóng nhận được nhiều sự ủng hộ của mọi người. Thế là sau nhiều lần họp bàn, vào tháng 3/2017.
Có lần tôi hỏi anh Thắng (37 tuổi, hiện là giám đốc một công ty gạo) về lý do vì sao anh dành rất nhiều thời gian và công sức cho những công việc không lương này, anh cười kể lại: "Quê anh ở Thái Bình, năm 17 tuổi anh vào Sài Gòn mưu sinh bằng nghề đi chở gạo thuê. Nhiều lần anh bị ngã xe, đổ gạo xuống đường lúc đó người dân chạy đến đỡ xe dậy, phụ anh chất gạo lên xe.
Những lúc đó anh cực kỳ cảm động, cảm thấy tình người đáng quý lắm. Mọi người làm được thì mình cũng làm được, về sau đi trên đường thấy ai gặp sự cố mà mình giúp được thì sẽ sẵn sàng giúp đỡ. Khi anh em đưa ý tưởng thành lập đội SOS anh cảm thấy rất vui".
Sài Gòn đón những đứa con từ khắp mọi miền trên cả nước, che chở bao bọc họ qua những ngày tháng khốn khó, và rồi khi thành công họ quay lại ôm lấy Sài Gòn đầy mến thương. Ở thành phố này sự hào sảng không tự nhiên sinh ra và mất đi, nó được truyền từ người này sang người khác.
"Sài Gòn sống riết tánh kỳ
Người dưng về trễ mắc gì trông lo..." - Lai Thượng Hưng
Làm việc tốt mà nghe chửi là chuyện… bình thường
Cơn mưa đêm vơi hạt, SOS Sài Gòn lại nhận được lời cầu cứu từ phía người dân. Mọi người lại nhanh chóng lên xe để di chuyển đến địa điểm mới.
Ngồi trên xe máy Sắc kể lại: "Thời gian đầu mới đi làm công việc này tụi mình thường bị người dân từ chối nhận giúp đỡ, đôi khi là nặng lời. Vì đa số mọi người đều sợ bị lừa, họ không tin rằng thời buổi này có những người đi làm không công vào lúc đêm hôm như vậy. Nhưng tụi mình vẫn cố gắng thuyết phục, vì nếu bỏ đi thì mọi người sẽ nghĩ đội SOS là đám lừa đảo thật".
Rồi cũng không ít lần khi đội đang giúp người nạn bên Tân Bình thì nhận được lời đề nghị từ quận 7. Nhưng lực lượng ít người, khoảng cách giữa hai địa điểm lại khá xa nên SOS Sài Gòn không thể qua được và thế là lập tức bị chửi không thương tiếc: "Lập đội SOS ra làm cái gì mà người ta gặp chuyện không qua giúp". Sang buồn buồn nói: "Từ chối một ai đó thật sự bọn mình rất áy náy, nhưng nhiều trường hợp không thể làm khác. Đôi lúc nghe những lời nói nặng lời anh em cũng thấy nản, thành viên trong đội cũng giảm dần hiện tại cũng chỉ còn 15- 20 thành viên còn hoạt động. Nhưng dù đội chỉ còn một, hai người thì vẫn không từ bỏ công việc này".
Sam Levenson từng nói: "Khi bạn trưởng thành, bạn sẽ phát hiện ra rằng bạn có hai bàn tay, một là để giúp đỡ chính mình, và một là để giúp đỡ những người khác". Ai cũng có công việc riêng, có gia đình riêng để lo lắng, các thành viên của SOS Sài Gòn chỉ có thể hỗ trợ trong khả năng cho phép, họ luôn làm hết mình bằng cái tâm, và rồi cũng mong người dân thấu hiểu hơn những khó khăn của riêng đội.
"Sức của đội cũng có hạn, mong rằng những việc làm của đội sẽ góp phần lan tỏa thông điệp mọi người cùng giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn, để xã hội bớt đi sự vô cảm. Bởi cuộc sống này chẳng ai biết trước được chuyện gì, những biến cố có thể xảy đến bất kỳ lúc nào" - anh Sang chia sẻ.
12h đêm, đang lúi cúi sửa xe cho người dân, thì điện thoại của Sang reo lên. Sang nhấc máy lên nghe:
- Alo! SOS Sài Gòn xin nghe!
Trong điện thoại giọng phụ nữ có vẻ rất cấp bách:
- Mấy anh ơi vợ chồng em cãi nhau, thằng chồng em nó đánh em, giờ anh chạy qua nhà giải quyết giùm vợ chồng em đi. Nhanh nhanh đi anh... (Những cuộc điện thoại "sai trái" ấy vẫn thường khiến các thành viên trong đội không biết nên khóc hay cười...)
Chúng mình đâu phải là anh hùng, chỉ là anh vá xe dạo thôi!
Đã gần 2h đêm, mọi người vẫn chưa có dấu hiệu mệt mỏi dù đã trải qua một ngày làm việc và học tập căng thẳng. Tôi thắc mắc: "Các anh sắp xếp thời gian như thế nào cho công việc riêng và giờ nghỉ ngơi?". Mấy anh chàng tươi cười nói: "Thì thay vì mình để thời gian đi nhậu, đi chơi thì mình dành vài buổi tối trong tuần để đi làm công việc này. Những lúc giúp được một người nào đó, mình cứ nghĩ nếu người thân của mình đi ra đường gặp chuyện mà có người giúp đỡ thì tự nhiên cảm thấy hạnh phúc lắm".
May mắn là gia đình hiểu tính chất công việc của các anh, nên luôn ủng hộ hết mình. Con trai anh Thắng vẫn thường tự hào kể với chúng bạn trên trường rằng: Bố mình là thành viên của SOS Sài Gòn thường xuyên đi giúp đỡ những người gặp khó khăn, sau này lớn lên mình cũng sẽ làm giống bố.
Động lực lớn nhất để các thành viên của SOS Sài Gòn luôn giữ được lửa với công việc ý nghĩa này chính là những lời cảm ơn của người dân. Là cái ôm thắm thiết, là những giọt nước mắt chân thành của một người xa lạ đang bơ vơ bỗng nhiên được giúp đỡ tận tình. Có hôm cả đội sửa xe cho hai vợ chồng cô chú bán kẹo kéo, lúc sửa xong cô chú mở loa kẹo kéo hát tặng nhóm một bài, món quà mộc mạc thế thôi mà trân quý lắm.
Đêm Sài Gòn se se lạnh, ánh sáng từ chiếc đèn pin toả ra đủ soi một khoảng nhỏ để Sắc vá lại ruột xe cho chú xe ôm. Đêm thinh lặng, chốc chốc nghe tiếng sắt thép chạm vào nhau lốc cốc, tiếng người cười nói rôm rả một góc đường. Sài Gòn tự nhiên ấm tình đến lạ.
Tôi quay sang nói:
- Người ta gọi các anh là hiệp sỹ đường phố đấy!
Các anh cười hì hì:
- Mấy việc này ai cũng làm được. Tụi mình chẳng phải hiệp sỹ đâu, tụi mình chỉ đơn giản là anh vá xe dạo thôi!
Trí Thức Trẻ