Họ là những người da trắng, giàu có, lớn tuổi và nam giới, sống trên đất Mỹ - đất nước đang được chung tay phát triển bởi những người trẻ tuổi, phụ nữ và các cử tri da màu. Họ sống trong những “ốc đảo” giàu có điểm xuyết ở một vài thành phố và thị trấn. Dù nền kinh tế Mỹ sản sinh ra nhiều tỷ phú xuất phát từ rất nhiều ngành, phần lớn trong số họ xây dựng được khối tài sản kếch xù chỉ từ 2 ngành: tài chính và năng lượng.

Giờ đây họ đang vung tiền vào chính trị, cung cấp gần một nửa số tiền mà các ứng viên của đảng Cộng hòa và Dân chủ huy động được. 158 gia đình, cùng với các công ty mà họ sở hữu hoặc nắm quyền kiểm soát, đã ủng hộ 176 triệu USD cho giai đoạn đầu của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.

Nhìn vào bức tranh này người ta cũng có thể rút ra nhiều điều về sự chuyển biến trong cấu trúc tầng lớp giàu có của Mỹ. Có khá ít người làm việc trong các ngành truyền thống hoặc được thừa kế tài sản. Hầu hết tự thân xây dựng nên cơ đồ, biến tài năng và tính ưa chuộng rủi ro thành khối tài sản khổng lồ: họ sáng lập những quỹ đầu cơ ở New York, chớp được cơ hội mua những giếng dầu ở Texas với giá rẻ hay sản xuất ra những bộ phim bom tấn ở Hollywood. Có hơn 10 người là người nhập cư, bước chân vào “xứ cờ hoa” từ những quốc gia như Cuba, Pakistan, Ấn Độ và Israel.

Tuy nhiên, dù có đi theo ngành nào đi chăng nữa, các gia đình đầu tư nhiều nhất vào các ứng viên cánh hữu, bỏ ra hàng chục triệu USD hỗ trợ các ứng viên của đảng Cộng hòa, những người đã cam kết sẽ giảm bớt luật lệ, giảm thuế đánh vào thu nhập, thặng dư vốn và tiền thừa kế đồng thời thu hẹp các chương trình trợ cấp xã hội.

Chắc chắn những chính sách này sẽ giúp họ bảo vệ tài sản của mình, nhưng các nhà tài trợ đều khẳng định đây là cách chắc chắn nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo tồn hệ thống mà theo họ sẽ cho phép tất cả mọi người đều trở nên giàu có.

Hầu hết ủng hộ người của đảng Cộng hòa

Theo dữ liệu của Ủy ban bầu cử liên bang (FEC), các gia đình có nhiều đặc điểm tương đồng về vị trí địa lý, xã hội và kinh tế. Họ chỉ tập trung ở 9 thành phố, nhiều người sống ở ngay cạnh nhau trong những vùng như Bel Air và Brentwood (Los Angeles); River Oaks (một cộng đồng ở Houston có nhiều giám đốc công ty năng lượng) hay Indian Creek Village (một hòn đảo nhỏ ở gần Miami đội bảo vệ riêng và chỉ có 35 ngôi biệt thự nằm cạnh 1 sân golf 18 lỗ).

Các cuộc phỏng vấn mà New York Times thực hiện và hàng trăm tài liệu được công bố rộng rãi (như lịch sử kinh doanh, thông tin đăng ký cử tri, số liệu của FEC…) cho thấy những người này có quan hệ với nhau: khi thì là vì cùng thuộc một đảng, khi thì cùng sinh hoạt trong câu lạc bộ sở thích, đôi lúc là đối tác kinh doanh và thỉnh thoảng còn là cạ chơi poker của nhau.

Nhà của họ ở ngay cạnh nhau

Hơn 50 thành viên của các gia đình này nằm trong danh sách 400 tỷ phú giàu nhất nước Mỹ của Forbes, tức là khoản tiền tài trợ 1 triệu USD cho một ứng viên tranh cử sẽ khá nhỏ bé so với số tài sản mà họ nắm trong tay.

Ví dụ, tỷ phú đầu cơ đến từ Chicago Kenneth C. Griffin kiếm được 68,5 triệu USD mỗi tháng sau khi đã trừ thuế. Ông đã quyên góp tổng cộng 300.000 USD cho các nhóm hậu thuẫn chiến dịch tranh cử của các ứng viên đảng cộng hòa. Tuy nhiên con số này là lớn nếu so với mức đóng góp trung bình 21,17 USD của một hộ gia đình bình thường.

Danh sách nhà tài trợ cũng phản ánh sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành tài chính và sự bùng nổ của ngành dầu khí ở Mỹ (dù 2 năm trở lại đây ngành này bị ảnh hưởng bởi giá dầu thấp). Họ cũng là những người được hưởng lợi từ những lực đẩy kinh tế và chính trị vẫn được cho là khiến hố sâu ngăn cách giàu nghèo ngày càng mở rộng. Trong khi thu nhập của tầng lớp trung lưu Mỹ bị co hẹp, thu nhập của những gia đình này lại tăng lên.

Đặc biệt, được hưởng lợi nhiều nhất là nhóm tinh hoa của phố Wall, nơi các chuyên gia tài chính không chỉ quản lý tiền bạc của người khác mà giờ đây trong tay họ cũng là một gia sản khổng lồ. Nhiều người tự lập quỹ đầu cơ hay công ty đầu tư mạo hiểm của riêng mình, hưởng lợi từ chính sách thuế ưu đãi áp dụng với nợ và thặng dư vốn. Đặc biệt gần đây lãi suất thấp và thị trường chứng khoán tăng điểm là môi trường rất thuận lợi.

Theo một nghiên cứu mới đây, kể từ năm 1979 top 1% những người Mỹ giàu nhất làm việc trong ngành tài chính đã chứng kiến tài sản tăng lên gấp 5. 64 gia đình kiếm tiền từ ngành tài chính, chiếm tỷ lệ lớn nhất trong nhóm các nhà tài trợ của cuộc bầu cử năm 2016.

Chủ yếu hoạt động trong ngành tài chính và năng lượng

Còn trong ngành năng lượng, khi ngành dầu đá phiến bùng nổ ở Mỹ, họ đã tận dụng được công nghệ mới và giá dầu tăng để biến những giếng dầu ở North Dakota, Ohio, Pennsylvania và Texas. Một số cũng kiếm bộn tiền từ việc bán máy móc thiết bị phục vụ thăm dò và khai thác dầu khí.

“Khi tôi nhìn vào những gia đình này, họ là những người rất thành công, từng “dời non lấp biển” và không thích đi theo lối mòn”, David McCurdy, Chủ tịch Hiệp hội khí đốt Hoa Kỳ nói.

Trong khi những tập đoàn lớn thường tránh xa các siêu ủy ban tranh cử (super PAC) do lo sợ sẽ bị công chúng chỉ trích vì rót quá nhiều tiền cho chính trị nhằm thu lợi về mình, các gia đình này đang bỏ ra hàng triệu USD để làm công việc đó.

Thậm chí một số gia đình đang cố gắng định hình lại đảng chính trị của riêng mình. Hơn một chục nhà tài trợ và các thành viên trong gia đình họ đã tham gia vào các hội thảo được tổ chức 2 năm 1 lần bởi nhà Kochs – gia tộc nắm trong tay những tổ chức đã buộc Bộ thương mại Mỹ xóa bỏ ngân hàng xuất nhập khẩu.

Trong số những người này có vợ chồng Doug Deason, một nhà đầu tư đến từ Dallas đã bỏ 5 triệu USD tài trợ cho ứng viên Rick Perry của đảng Cộng hòa (đã tự rút lui vì cạn ngân sách). Ông cho biết hầu hết những người tới dự hội thảo của nhà Koch đều là các doanh nhân đã tự mình làm nên cơ nghiệp và do đó họ ủng hộ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm số tiền đóng góp cho an sinh xã hội.

Phần lớn là tỷ phú và triệu phú tự thân

Trong khi đó nhà đầu tư huyền thoại George Soros và con trai Jonathan có mối quan hệ mật thiết với Democracy Alliance, một mạng lưới các nhà tài trợ tự do luôn kêu gọi đảng Dân chủ phản ứng mạnh mẽ hơn với vấn đề biến đổi khí hậu và chế độ thuế lũy tiến. Ông đã chi hàng triệu USD cho bà Hillary Rodham Clinton.

Điều thúc đẩy các gia đình tài trợ cho ứng viên là những mối quan hệ cá nhân, những điểm chung về nơi sinh sống hoặc kinh doanh mà họ có với ứng viên. Bố của Jeb Bush đã kiếm được rất nhiều tiền từ ngành dầu mỏ, trong khi bản thân ông cũng đã kiếm được hàng triệu USD từ phố Wall. Cũng không có gì ngạc nhiên khi nhiều nhà tài trợ đến từ Florida và Texas, hai bang là quê nhà của nhiều gia đình có tên trong danh sách.

Nói gì thì nói, họ đều là doanh nhân, những doanh nhân không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để làm lợi cho mình và rót tiền vào chính trị là một cơ hội không tồi.

By: Thu Hương
Designed by: Hương Xuân
Developed by: Hà Trần
Theo Trí Thức Trẻ
Source: New York Times, Forbes
04/11/2016