img

Vườn cam của Công ty Cổ phần Cam Mặt Trời tại huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hoà Bình rộng hơn 20 héc-ta với cây trồng đã ở tuổi trưởng thành và thảm thực vật thật sự phong phú. Dưới chân khách thăm vườn là lớp đất tơi mềm, xốp, cây thân thảo cùng cỏ tươi tốt. Chỉ cần dùng tay xới nhẹ lớp đất, khách sẽ thấy ngay những chú giun đất béo múp đang giúp "cải tạo" chất lượng đất, bên cạnh những tổ dế đất, các loài kiến…

Điều này không giống với những vườn cam thông thường, vốn có nền đất xung quanh cây cam cứng, ít cỏ cây.

Dân tài chính làm nông nghiệp tử tế và ‘bí mật’ của loại Cam Mặt Trời giá 2,2 triệu đồng/kg - Ảnh 1.

Say sưa nói về quá trình hình thành vườn, Giám đốc Công ty Cổ phần Cam Mặt Trời Tân Vũ cho biết, để tạo ra những quả Cam Mặt Trời vàng ruộm, bóng bẩy, anh cùng tất cả thành viên công ty đã phải đi qua những giai đoạn khó khăn không tưởng tượng được nhưng vẫn kiên định với con đường làm nông nghiệp hữu cơ một cách tử tế. Sản phẩm làm ra là một phần của hệ sinh thái tự nhiên, giúp bảo vệ môi trường sống bền vững.

Anh Tân Vũ chia sẻ, với mọi thành viên của Công ty cũng như những người đồng chí hướng, một vườn nông nghiệp hữu cơ sẽ duy trì được hệ sinh thái sống của các loài vật, để chúng cộng sinh cũng như cạnh tranh sống một cách lành mạnh và không có sự can thiệp thô bạo vào vòng sống đó.

Tại vườn Cam Mặt Trời, việc của mọi người là hạn chế nhất những tác nhân xấu đến cây trồng, thúc đẩy tăng trưởng thông qua các cơ chế tự nhiên chứ không sử dụng các cách thức tác động cực đoan ngăn sâu bọ làm hại cây cam.

Dân tài chính làm nông nghiệp tử tế và ‘bí mật’ của loại Cam Mặt Trời giá 2,2 triệu đồng/kg - Ảnh 2.

Anh Tân Vũ chia sẻ, nếu năm đầu tiên, số tiền đổ vào đầu tư là khó khăn lớn nhất thì những năm sau, điều luôn khiến anh và nhân viên Công ty trăn trở, mất ăn mất ngủ là thuần hoá kỹ thuật trồng cam hữu cơ.

Vấn đề đầu tiên chính là hệ thống tưới tiêu tự động. Việc đi thuê không hiệu quả, hạn chế sự phát triển đúng cách của rễ, ảnh hưởng tới việc hấp thu dưỡng chất, vị giám đốc của vườn Cam Mặt Trời quyết định đầu tư dàn phun tưới gốc cây, vừa phun phủ vi sinh vừa đảm bảo tưới đều các phần rễ cây.

Tiếp đó là câu chuyện tạo chế phẩm phòng ngừa sâu bệnh cho cây. Khi làm nông nghiệp sạch, Tân Vũ nghiên cứu dùng những chế phẩm dân gian như bình bát, hạt cau, lá nêm, lá sả, ớt thật cay... về chưng cất thành tinh dầu phun đuổi sâu.

Dung dịch phòng trừ càng cay thì càng hiệu quả với cây, nhưng lại hại cho người trồng cây. Những ngày gió lớn, công nhân chăm vườn lại bị hắt hơi, sổ mũi vì tinh dầu này rất cay. Chưa kể, có những lúc công ty phải huy động tới 23 người mới phun hết lượng tinh dầu cần cho vườn thật đúng giờ, tránh tác hại đến người chăm vườn. Anh Tân Vũ đã phải tính đến quy trình tự động hoá, nhưng cũng phải 6 tháng sau mới có thể áp dụng và cải thiện được điều kiện làm việc cho công nhân.

Việc tự chủ chế phẩm vi sinh bảo vệ cam khỏi sâu hại cũng khiến vườn cây lao đao. Vườn Cam Mặt Trời đã thử từ những chế phẩm hữu cơ nhập đắt đỏ nhưng chỉ có tác dụng hạn hẹp cho tới việc đun nấu các loại dung dịch diệt sâu bọ tự nhiên. Đã có khi Công ty phải hấp 1 - 2 tấn lá sả làm dung dịch mỗi ngày, ai ai cũng bơ phờ, đôi khi nản lòng không làm nổi. Cuối cùng, vị giám đốc trẻ của vườn cam buộc phải tự học hỏi cách tự phân lập vi sinh có lợi trong vườn để kiểm soát được nhiều sâu bệnh hơn.

Dân tài chính làm nông nghiệp tử tế và ‘bí mật’ của loại Cam Mặt Trời giá 2,2 triệu đồng/kg - Ảnh 3.

Mỗi lần đối diện với những thử thách mà thiên nhiên "gửi" tới vườn cam, anh Tân Vũ và công nhân đều mất ăn mất ngủ. Thường xuyên ở vườn cam tới tối muộn, những ngày cuối tuần cũng phải hơn 8h tối anh mới được ăn bữa cơm cùng vợ con. Điều kiện vườn cam xa các vùng đô thị, anh và mọi người gần như phải tự làm các công việc khó thuê được người như may màn ngăn ruồi cho cây, lắp từng ống phun dinh dưỡng, trộn các dung dịch bảo vệ cây cam khỏi sâu bệnh.

Với các thành viên Công ty Cam Mặt Trời, chăm sóc cây cam cũng như chăm con người. Thời tiết khắc nghiệt, điều kiện dinh dưỡng thiếu thốn quá hay thừa thãi quá đều không tốt. Mỗi điều kiện đều cần để ý "lắng nghe" từng thay đổi xung quanh cây cam hay chú ý nắng, mưa có thất thường không.

Mỗi khi có cây cam sâu bệnh nặng không thể cứu chữa, việc chặt cây, thay cây non mới là điều cần thiết. Tuy nhiên đó là điều không dễ dàng với người quản lý vườn cam như anh Tân Vũ. Anh tâm sự, mỗi lần công nhân thông báo có cây cần chặt, anh đều ở lại công ty, chờ thông báo đã chặt xong mới tới tận gốc xem xét. Bởi nếu phải chứng kiến cảnh chặt cây, anh sẽ cảm thấy rất xót xa.

Dân tài chính làm nông nghiệp tử tế và ‘bí mật’ của loại Cam Mặt Trời giá 2,2 triệu đồng/kg - Ảnh 4.

Tại vườn cam, một thiết bị tối cần thiết cho công nhân chăm vườn là bộ đàm. Theo anh Tân Vũ chia sẻ, hơn 20 héc – ta Cam Mặt Trời được "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa". Mỗi công nhân được sắm một bộ đàm để chăm sóc từng gốc cam một, thông báo cho nhau nếu cây nào có hiện tượng lạ, bị sâu bệnh hay bị thoái hoá,…

Đồng thời, bộ đàm cũng như là phương tiện giúp việc chăm trồng cam bớt nhàm chán với mỗi công nhân. Đôi khi, thời tiết nắng nóng quá hoặc mưa gió quá ảnh hưởng tới sức khoẻ công nhân trong việc chăm vườn, bộ đàm giúp mọi người gọi nhau, hỗ trợ nhau.

Ở vườn cam, ai cũng luôn nở nụ cười hiền hoà và tươi vui, mà anh Tân Vũ nói vui là "tươi như hoa cam đến mùa nở rộ".

Sau 8 năm phát triển, vườn Cam Mặt Trời đã trở thành nông trại hữu cơ độc nhất vô nhị tại Việt Nam, "độc" về cả cách chăm sóc đất, giống cây, 'nuông chiều' cây, "độc" về cả giá thành khi mỗi kilogam cam có giá lên tới 2,2 triệu đồng.

Dân tài chính làm nông nghiệp tử tế và ‘bí mật’ của loại Cam Mặt Trời giá 2,2 triệu đồng/kg - Ảnh 5.

Dân tài chính làm nông nghiệp tử tế và ‘bí mật’ của loại Cam Mặt Trời giá 2,2 triệu đồng/kg - Ảnh 6.

Được biết, anh là một người xuất phát từ lĩnh vực tài chính nhưng rồi lại lựa chọn đầu tư cho nông nghiệp?

Tôi xuất thân từ lĩnh vực đầu tư tài chính. Trong quá trình công tác, khi đi đây đó khắp Việt Nam, tình cờ được thăm thú và tìm hiểu được rất nhiều mô hình nông nghiệp. Tôi nhận ra một điều, Việt Nam là đất nước nông nghiệp nhưng rất ít người coi trọng giá trị này. Trên thế giới, các nước công nghiệp như Nhật Bản, Mỹ lại có danh mục nông sản có tiếng và sản phẩm hữu cơ của họ bán rất đắt giá. Trong khi đó, nông dân chúng ta chỉ tập trung vào việc làm sao để đẩy được sản lượng lên cao và giảm được giá thành càng nhiều, mẫu mã càng thu hút càng tốt để dễ tiêu thụ.

Tôi bỗng có suy nghĩ, tại sao lại quá ít người làm ra những sản phẩm có lợi tuyệt đối cho khách hàng, không dư lượng kháng sinh, không dư lượng nitrat, hữu cơ 100%. Từ suy nghĩ đó, tôi tin rằng, giai đoạn đầu vốn chỉ phát triển ồ ạt sản lượng của nông nghiệp Việt Nam đã và đang dần qua đi. Đã đến lúc, thị trường tiêu dùng thông minh sẽ sớm phát triển và dẫn dắt xu hướng của người tiêu dùng, giúp họ lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp tốt nhất cho gia đình mà không phải lo lắng gì về chất lượng sản phẩm.

Anh đã đầu tư bao nhiêu cho vườn cam?

Là một người chuyên hoạch định tài chính, tôi phân chia rõ từng giai đoạn đầu tư để cân đối chi phí. Nhưng khi va vào thực tế, tôi mới nhận ra rằng cuộc chơi với nông nghiệp hữu cơ thực sự là cuộc chơi của việc "ai đốt tiền lâu hết nhất". 

Ban đầu, tôi gom góp tiền mua vườn, giống cây và trả chi phí công nhân. Theo tính toán, mình chỉ cần làm sao cho môi trường sạch sẽ, quản lý sâu bọ tốt thì cây sẽ lớn theo dự tính. Đầu tư vào hơn 20 héc-ta vườn ở Hoà Bình, tôi tính toán đây là quy mô hợp lý để khởi nghiệp. 

Nhưng thời gian đi qua, chi phí ngày càng lớn dần. Tôi thuê máy móc cải tạo vườn, công nhân canh tác, giống cây, số tiền bắt đầu đội lên gấp rưỡi, rồi gấp đôi. Cam lại không phải giống ngắn ngày, nên nếu cứ nhìn vào con số đầu tư trong những năm đầu, chắc ai cũng toát mồ hôi thôi.

Đặc biệt là khi mọi thứ không suôn sẻ như mình đã lên kế hoạch. Đã có lúc, thiệt hại vì tính toán sai trong chăm sóc vườn cam nếu quy đổi ra tiền phải bằng giá trị của 4, 5 căn nhà. Bản thân tôi đã phải bán đi một căn nhà của mình, toàn bộ cổ phiếu và đất còn bao nhiêu tôi mang ra bán hết để đầu tư vào vườn. Đó là chưa kể phải huy động vốn từ những người trong Công ty. Xót ruột lắm!

Thành quả đầu tiên của vườn cam?

Các vườn cam thông thường thu hoạch tới 120 tấn trong diện tích 2 héc-ta. Mùa đầu tiên, vườn Cam Mặt Trời thu hoạch được 7 tấn trên tổng hơn 20 héc-ta.

Nhưng với tôi, đó là thành quả lớn.

Công ty tôi được mọi người ủng hộ rất nhiều. Khi những quả đầu tiên được thu hoạch, chúng tôi không cần giới thiệu, lập tức đã có người tới và thu mua hết số cam đầu tiên đó. Thậm chí còn không đủ bán cho bạn bè, đối tác quen. Có rất nhiều tổ chức tiêu dùng nông sản sạch đến thẩm định, xem mô hình và ăn thử cam, họ rất thích. 

Người tiêu dùng khi ăn có đánh giá vườn Cam Mặt Trời có mùi vị cổ. Lúc đấy, chúng tôi biết sản phẩm của mình đang đi đúng hướng về chất lượng. 

Quả cam mùi vị "cổ" đặc biệt thế nào so với loại cam bình thường?

Trong trong nông nghiệp sạch, ngoài việc phòng trừ sâu, làm đất, nước thì còn có một việc quan trọng nữa là dinh dưỡng cho cây, nó cũng là yếu tố giúp hình thành vị của cam. Giống cam Valencia V2 chúng tôi chọn phải mất 12 - 13 tháng mới cho ra một lứa quả, nhiều hơn giống cam khác từ 4 - 5 tháng và đi qua đủ các mùa trong năm. Yếu tố này khiến cây Cam Mặt Trời cần phải có sự trợ lực từ nguồn dinh dưỡng tốt.

Chúng tôi cung cấp cho cây cam loại dinh dưỡng phù hợp, cách bón phân phù hợp, giữ nước giữ ẩm hàng ngày, tạo hẳn hệ thực vật sống xung quanh cây như giun quế dưới đất có thể cung cấp thức ăn cho hệ rễ. Cho cây "ăn" vỏ trứng cung cấp chuỗi dinh dưỡng vô cơ. Nuôi ong lấy mật hữu cơ làm chế phẩm phun cây giúp tăng hấp thu từ lá và cành.

Nhiều người bảo chúng tôi vẽ trò khi nuôi ong lấy mật phun bổ sung dinh dưỡng cho cây. Tôi cho rằng, những con ong mà chúng tôi nuôi chúng đều tự lấy mật từ nhụy hoa trong vườn nên sẽ có vi sinh hữu ích. Thời điểm đó, mật ong nuôi có giá rất cao nhưng Công ty không bán mà để làm vi sinh trả lại cho vườn. Sau khi làm ra loại phân này cho vườn, quả cam có sức chống chịu tốt hơn với môi trường.

Cam Mặt Trời có mùi vị vô cùng đặc biệt, ăn vào sẽ phát hiện ra ngay. Không có vị ngọt gắt, thay vào đó là vị ngọt rất đằm thắm, được khách hàng đánh giá có mùi vị rất cổ. Đây chính là giá trị của vườn Cam Mặt Trời.

Anh có nghĩ Cam Mặt Trời đang mang sứ mệnh định hướng cho nền nông nghiệp sạch của Việt Nam không?

Vai trò Công ty CP Cam Mặt Trời bé lắm, trách nhiệm nằm ở những cấp cao hơn như Nhà nước, Bộ, Ngành. Nhưng chúng tôi tình nguyện bước lên làm thế hệ tiên phong để đưa nền nông nghiệp hướng dần tới sự phát triển bền vững.

Điều chúng tôi luôn mong muốn là sự thấu hiểu của khách hàng. Chỉ mong người tiêu dùng chịu khó chọn lựa kỹ càng, hiểu biết và phân tách được thực phẩm sạch và thực phẩm không sạch, không đánh đồng sản phẩm thuần túy 100% organic với những sản phẩm còn lại. 

Trước đây, vấn đề này có ít người quan tâm đến. Nhưng hiện nay, khi tỷ lệ ung thư ở Việt Nam gần như cao nhất thế giới, đã đến lúc cảnh tỉnh người dân về chất lượng thực phẩm. 

Rồi sẽ có lúc ý thức của người dân về chọn lựa thực phẩm sẽ thay đổi. Đây cũng chính là khi nông nghiệp tử tế thực sự được lan tỏa. Tôi tin một ngày không xa, nông nghiệp tử tế sẽ được xã hội tin tưởng.

Dân tài chính làm nông nghiệp tử tế và ‘bí mật’ của loại Cam Mặt Trời giá 2,2 triệu đồng/kg - Ảnh 9.

Công ty sẽ duy trì vườn cam thế nào khi luôn khẳng định Cam Mặt Trời khó có thể có lãi?

Chúng tôi không phải lo về đầu ra của quả cam vì từ khi vườn cam được hình thành, các vị khách truyền thống đã tìm đến và cam kết tiêu thụ mọi quả Cam Mặt Trời trong vườn.

Điều chúng tôi mong mỏi hướng đến là tạo ra dịch vụ trải nghiệm thực tế ở vườn Cam Mặt Trời về quy trình làm nông nghiệp hữu cơ. Với chúng tôi, đây là cách trực quan nhất để truyền tải thông điệp về nền nông nghiệp tử tế, gieo mầm tư tưởng về sản phẩm hữu cơ thực chất đến với những thế hệ tiếp theo. Như thế mình sẽ đưa thêm được giá trị vào quả Cam Mặt Trời, chứ không đơn thuần là tạo ra sản phẩm để bán.

Chúng tôi mong đưa được nhiều người đến vườn cam, đặc biệt là trẻ em. Khi để trẻ em trải nghiệm quá trình, kết nối các bé với thiên nhiên sẽ giúp tạo ra thế hệ coi trong việc bảo vệ môi trường.

Khi các thế hệ tiếp thu ý thức về nông nghiệp sạch, tức thì các sản phẩm đầy rẫy hoá chất sẽ bị đào thải khỏi thị trường và người nông dân sẽ quay đầu làm nông nghiệp sạch, và đó sẽ là lẽ sống của họ.

Một mình Công ty CP Cam Mặt Trời sẽ không thay đổi được nhiều nhưng chắc chắn sẽ trở thành nguồn cảm hứng cho những thế hệ tiếp theo.

Anh nghĩ thế nào về khả năng tạo ra một thương hiệu quốc gia cho nông nghiệp?

Chúng tôi tin mình làm được. Khi nói về hoa quả của Nhật, người ta từng nghe về các phiên đấu giá những quả dưa hấu tới 5 - 10 triệu đồng. Họ làm được tại sao Việt Nam mình không làm được? Đất nước của mình là đất nước đi lên từ nông nghiệp, tôi tin rằng trái cam của tôi dần dần sẽ được người tiêu dùng nội địa thấu hiểu và lan xa hơn ra.

Hiện tại, những trái Cam Mặt Trời được mọi người yêu mến và đã "du lịch" sang Singapore. Thậm chí cam còn đạt "hộ chiếu xanh" đi Mỹ. Tuy nhiên, tôi không muốn xuất khẩu. Vì nếu xuất khẩu sẽ chỉ tốt cho bản thân công ty và doanh số. Nhưng nếu xuất khẩu đi thì người Việt Nam lấy gì để dùng? Cái tốt mình nên để cho người Việt Nam sử dụng, bán ra nước ngoài chỉ để giới thiệu thôi.

An An
Hương Xuân

Ánh Dương

Tổ Quốc

Trở lên trên