img
Nơi trận chiến cam go nhất - Bắc Giang ơi, cả nước hướng về! - Ảnh 1.

Dãy phòng trọ nhỏ dành cho công nhân khu công nghiệp ở thôn Mi Điền, huyện Việt Yên - những ngày này chìm trong một bầu không khí im lìm. Sự xuất hiện của Covid-19 tại Bắc Giang đã khiến cuộc sống của những công nhân trọ tại đây đảo lộn hoàn toàn. Với hơn 60 nghìn trường hợp F0, F1, F2 trên toàn tỉnh, các công nhân tại đây buộc phải tự cách ly tại chính phòng trọ của mình.

Tùng, một công nhân cùng vợ của mình, đã tự cách ly tại đây từ ngày 13/5, ngay khi có thông báo. Mọi sinh hoạt của gia đình anh đều gói gọn trong phòng trọ nhỏ, toàn bộ đồ tiếp tế đều do chủ nhà mang tới hàng ngày. Dù nhu yếu phẩm được phát đầy đủ, nhưng Tùng vẫn canh cánh một nỗi lo khi vợ anh đang mang bầu ở tháng thứ 5. Không những lịch tiêm chủng bị rời, mà dinh dưỡng cho bà bầu cũng không được đầy đủ.

Các bà bầu là "lực lượng" chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc chiến chống dịch lần này. Trong tình cảnh phải tự cách ly tại nhà, không có nhiều lựa chọn về thực phẩm, lịch khám và tiêm phải hoãn, có người thì sắp đến ngày lâm bồn. Thời gian thì cứ chầm chậm trôi trong im lìm ở những dãy phòng trọ. Mỗi ngày lại có thêm tin báo về hàng trăm ca mới phát hiện. Không khí oi bức càng khiến mọi thứ trở nên thật ngột ngạt.

Có không ít những bà bầu là trường hợp dương tính trong đợt dịch lần này. Nông Thị Duyên, sinh năm 1992, lấy chồng vài năm rồi mới có thai lần đầu, hiện tại em bé đã được 5 tháng. Duyên ở trong khu cách ly một mình, không thể ra ngoài mua dược gì. "Ăn uống mỗi ngày được phát 3 bữa, chỉ có rau muống và mấy miếng thịt. Buổi sáng thì được phát thêm một hộp sữa Fami". Duyên kể, trong khu cách ly không có bình đun nước nóng, nên cô cũng không thể tự pha sữa. "Em phải nhai sống sữa bột để có chất cho con. Sức khỏe hiện tại vẫn ổn, không sốt mệt hay ho. Mọi người xung quanh có gì đều nhường cho bà bầu cả chị ạ". Duyên lo lắng hỏi: "Liệu có thể nhờ được ai mua đồ giúp không chị nhỉ? Em ở xa quá, gia đình cũng xa. Chồng thì đi cách ly ở nơi khác. Bây giờ thuốc sắt, DHA hay vitamin đều hết sạch, em không kịp mua..."

Những bức ảnh về khu cách ly/ Bệnh viện dã chiến mà Duyên gửi cho chúng tôi.

Nguyễn Thị Xuân, sinh năm 1995 và đang có bầu ở tháng thứ 7, hiện là công nhân của khu công nghiệp Quang Châu. Công ty của Xuân có người phát hiện dương tính, vậy nên toàn bộ công ty phải tự cách ly tại phòng trọ. Những ngày, Xuân đang tự cách ly một mình tại nhà, mỗi người một phòng, chẳng tiếp xúc với ai, bụng bầu thì đã ở những tháng gần cuối. Nói chuyện với tôi qua điện thoại, Xuân kể: "Cuộc sống hiện tại rất vất vả, thiếu thốn đủ thứ. Sữa hết, thuốc sắt cũng hết, cái gì cũng thiếu. Cũng may cô chủ phòng trọ tốt bụng, tối nào cũng qua hỏi mọi người có ăn gì không để mai cô đi mua. Em mới tiêm một mũi, còn mũi thứ 2 thì chưa ra ngoài được. Chồng thì ở thành phố, hai vợ chồng cách nhau cả chục cây số nên chỉ có thể liên lạc qua điện thoại mỗi ngày".

Nơi trận chiến cam go nhất - Bắc Giang ơi, cả nước hướng về! - Ảnh 3.

Ai cũng hiểu rằng tất cả đều đang trong một tình cảnh khó khăn, và rất khó để đòi hỏi những thứ đủ đầy như nhịp sống thường nhật. Ai cũng cố gắng thích nghi với hoàn cảnh và điều kiện hiện có, tất cả đều vì cuộc chiến chống dịch đang ở giai đoạn cam go.Thiếu đồ ăn thì nấu cháo trắng, có đồ cứu trợ lại bổ sung thêm chút dinh dưỡng trong bữa ăn, cố cầm cự chờ ngày thắng lợi. "Chấp hành quy định, chúng tôi phải cố gắng, nhưng thực sự thương các chị đang mang bầu. Cuộc sống trong tâm dịch thiếu thốn nhưng khi nhận được sự giúp đỡ của mọi người, chúng tôi rất biết ơn". Chị Thoa, một công nhân quê Hà Giang, đang cách ly tại Bắc Giang chia sẻ.

Nơi trận chiến cam go nhất - Bắc Giang ơi, cả nước hướng về! - Ảnh 4.
Nơi trận chiến cam go nhất - Bắc Giang ơi, cả nước hướng về! - Ảnh 5.

Đợt dịch ở Bắc Giang tạo ra thật nhiều hoàn cảnh lạ lùng, và cả đáng thương. Trong đó có những đứa trẻ.

Cô giáo Đinh Hằng, hiệu trưởng trường tiểu học Song Mai, Bắc Giang - vẫn nhớ cái ngày trường đón một bé sơ sinh vào cách ly tập trung. Đó là 1 bé gái, mới vỏn vẹn 3 ngày tuổi. Bé chưa có tên mà được các bác sĩ gọi là "bé F1". Đơn giản vì mẹ bé là một F0.

Nhà bé khó khăn, mẹ thì mắc Covid-19 đang được cách ly điều trị. Bố lại là một bệnh nhân ung thư đại tràng, đang chờ mổ tại viện K. Anh trai bé năm nay… 2 tuổi, tự cách ly tại nhà với cụ năm nay đã ngót nghét 80.

3 ngày tuổi, còn chưa quen hơi sữa mẹ, bé đã được bế vào khu cách ly, một thân một mình. Chẳng có người thân, cũng chẳng có vật dụng gì kèm theo, cũng chẳng có một bình sữa hay tã bỉm. Các thầy cô, y bác sĩ tại trường cứ thế lần hồi kêu gọi, may mắn có một người phụ nữ gần trường đang nuôi con nhỏ, mang sữa tới tiếp tế.

Bé Hoàng Trọng Nghĩa, 4 tuổi, là trường hợp dương tính Covid-19, đang cách ly tập trung ở Trung tâm y tế huyện Yên Thế. Ai theo dõi mạng xã hội những ngày này, hẳn sẽ thấy hình ảnh của bé. Mặt thì chắc sẽ không nhìn thấy rõ đâu, bởi bé trùm kín mít một bộ đồ bảo hộ, tay thì ôm khư khư hộp sữa. Bé ngoan và dũng cảm, đêm đến sốt cao nhưng không hề quấy khóc.

Nơi trận chiến cam go nhất - Bắc Giang ơi, cả nước hướng về! - Ảnh 6.

Dịch bùng phát ở các khu công nghiệp, thế nên có rất nhiều trường hợp các bé phải đi cách ly một mình, khi cả gia đình đều mắc Covid-19. Xung quanh toàn người lạ, không có bóng dáng người thân xung quanh, nhưng các bé đều rất ngoan và hiểu chuyện. Tự đi xét nghiệm, tự lấy kết quả, rồi lại về tự chơi, tự ăn. Ở độ tuổi ấy, chẳng đứa trẻ nào được đòi hỏi phải cứng cỏi hay mạnh mẽ, thế mà các bé vẫn vô tư và kiên cường. Người lớn nhìn vào, chẳng ai là kìm được lòng…

Nơi trận chiến cam go nhất - Bắc Giang ơi, cả nước hướng về! - Ảnh 7.

8 ngày trước, trường mầm non Lê Lợi của Bắc Giang phát hiện một bé học sinh 5 tuổi là bệnh nhân Covid-19. Vậy là 24 bạn học cùng lớp của bé cũng trở thành F1 và phải cách ly tập trung tại trường. Xót học sinh, cô giáo Nguyễn Thị Quyên và cô Hiệu trưởng Tạ Hương Ly đã tình nguyện đến trường cách ly cùng để chăm sóc các em. 8 ngày ở lớp cùng cách ly, là 8 ngày chăm cho từng bữa ăn giấc ngủ, sốt ruột lo lắng với từng cơn sốt của học sinh. Nửa đêm, lại rơm rớm nước mắt ru các em vào giấc ngủ, rồi thấy một bé giật mình khóc nhớ mẹ...

Nơi trận chiến cam go nhất - Bắc Giang ơi, cả nước hướng về! - Ảnh 8.
Nơi trận chiến cam go nhất - Bắc Giang ơi, cả nước hướng về! - Ảnh 9.

Với những ai chưa biết, để mặc một bộ đồ bảo hộ PPE phải mất ít nhất 10-15’. Bộ đồ gồm đôi bốt nhựa, khẩu trang, kính chắn, mũ bảo hộ, quần áo, rồi găng tay, rồi lại thêm một lớp bao ngoài nữa… Tất cả tạo thành một "cái vỏ" kiên cố, giúp bao kín người mặc, bảo vệ khỏi sự xâm nhập của virus. Nhiều lớp lang với chất liệu chống nước, thế nên bộ đồ này có nhược điểm lớn nhất là… nóng, và bí.

Giữa thời tiết nóng nực của mùa hè miền Bắc, bộ đồ này như một cái lò lửa thử thách những người bên trong. Mồ hôi túa ra như tắm, không khí ngột ngạt, làm việc liên tục dưới cái nóng 34-35 độ C có lẽ chỉ là những từ ngữ giúp bạn tưởng tượng được phần nào những gì mà lực lượng y tế đang trải qua để làm nhiệm vụ. Hãy nhìn những tấm hình chụp lại tấm lưng bong tróc, phồng rộp ướp mồ hôi của họ. Hãy nhìn những tấm ảnh chụp phút nghỉ trưa vội vã của một điều dưỡng nào đó, hoặc hình ảnh một nhân viên xét nghiệm đang thất thần cởi bỏ chiếc mũ bảo hộ để hớp một chút khí trời. Ai đó đã ngất xỉu vì kiệt sức và mất nước. Nếu có một khái niệm về người hùng, thì lúc này đây, chính là họ.

Nơi trận chiến cam go nhất - Bắc Giang ơi, cả nước hướng về! - Ảnh 10.

Với hơn 1800 trường hợp dương tính với Covid, 60 nghìn trường hợp cần cách ly và xét nghiệm, khối lượng công việc hàng ngày của lực lượng y tế tuyến đầu ở Bắc Giang chỉ có thể dùng một từ: Khổng lồ. Chỉ riêng trong sáng ngày 26/5, đã có 400 nhân viên y tế ra quân và xét nghiệm tổng lực cho gần 19 nghìn công nhân và người dân ở 3 điểm nóng nhất tại Bắc Giang.

Hãy thử tính một phép tính đơn giản: 19 nghìn công nhân và 400 nhân viên y tế. Như vậy, 1 nhân viên y tế sẽ phải làm xét nghiệm cho khoảng 47 người. Và họ làm tất cả những điều đó trong 1 buổi sáng.

Có một dòng chia sẻ được lan truyền khắp mạng xã hội những ngày vừa qua, của một bác sĩ đang công tác ở tâm dịch Bắc Giang. Anh viết:

Nơi trận chiến cam go nhất - Bắc Giang ơi, cả nước hướng về! - Ảnh 11.

Lan Anh, một bác sĩ khoa cấp cứu ở bệnh viện Việt Yên, chia sẻ với tôi qua điện thoại: "Ở Bắc Giang hiện giờ, bọn mình thiếu nhất là đồ bảo hộ. Thực ra có một số đơn vị ủng hộ đồ bảo hộ nhưng hầu hết là cấp độ thấp, chỉ sử dụng được vòng ngoài. Đồ bảo hộ tiêu chuẩn cho y bác sĩ tuyến đầu không phải dễ mua, chi phí cũng đắt hơn nhiều nữa. Đợt vừa rồi, bệnh viện của mình huy động người đi lấ mẫu, một ngày cũng phải dùng hết 300-400 bộ."

"Cán bộ đi lấy mẫu có việc gì phải cởi đồ bảo hộ ra là sẽ không dùng được bộ ấy nữa. Thế nên, bọn mình thường phải cố gắng chịu đựng, tiết kiệm tối đa mỗi lần mặc. Một số chị nổi mẩn ngứa, da nhiều người bây giờ phát mụn lên. Bộ đồ nóng, mồ hôi vã ra từ sáng đến tối về mới được tắm. Nhiều người bị hạ canxi và kiệt sức. Mỗi lần như thế này, tất cả các bác sĩ đều 100% ở lại bệnh viện. Mình có 2 con nhỏ rồi, cũng không được về nhà gặp con, hàng ngày chỉ gọi điện thoại, nhớ lắm nhưng không làm thế nào được".

"Cảm ơn mọi người đã quan tâm đến Bắc Giang, đến chúng mình. Nhận được cuộc điện thoại này, mình xúc động lắm". Lan Anh nói trước khi cúp máy với tôi. Tôi sững lại 1 giây vì không biết phải nói gì. Người đang xúc động là tôi, sự hy sinh của họ là quá lớn, chúng ta là ai mà tận hưởng sự bình yên này và không dành sự quan tâm của mình tới họ, những người đang hy sinh cuộc sống riêng để bảo vệ cho tất cả chúng ta?

Những đôi bàn tay rộp lên vì "ướp" trong mồ hôi cả ngày của các y bác sĩ, cán bộ y tế tuyến đầu...

Chúng ta không được phép quên những hình ảnh về sự hy sinh quên mình của đội ngũ y tế tuyến đầu trong cuộc chiến cam go này.


Nơi trận chiến cam go nhất - Bắc Giang ơi, cả nước hướng về! - Ảnh 14.

Với bằng ấy những gánh nặng ở trên vai, Bắc Giang sẽ không phải gồng gánh một mình. Cả đất nước đang hướng về mảnh đất nhỏ bé kiên cường này, dù là một tập thể lớn, hay chỉ là một cá nhân nhỏ nhoi.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, 24.175 người gồm những cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên của 37 trường Đại học, Cao đẳng Y dược trên toàn quốc đã đăng ký sẵn sàng lên đường tham gia hỗ trợ phòng chống dịch. Trước đó, đã có hơn 1400 cán bộ y tế và sinh viên trường Y tiếp tế tham gia vào các mặt trận phòng chống dịch ở riêng Bắc Giang. Trong lĩnh vực điều trị, các chuyên gia hồi sức tích cực của những bệnh viện hàng đầu như Bạch Mai, Chợ Rẫy đều đã được huy động về đây. Riêng về công tác tiêm chủng, ngành Y tế đã lên chiến dịch tiêm chủng 10.000 liều vaccine trong 10 ngày, và có thể huy động thêm 1000 sinh viên Cao đẳng Y tế đến hỗ trợ để hoàn thành chỉ tiêu này.

Không chỉ có ngành Y tế, mà ngay cả các doanh nghiệp cũng đang hướng về Bắc Giang. Vietnam Airlines mới đây đã ra thông báo, kể từ ngày 26/5, sẽ triển khai vận chuyển miễn phí nhân lực cùng hành lý đi kèm để hỗ trợ phòng chống dịch cho Bắc Ninh và Bắc Giang. Hãng sẽ cung cấp vé máy bay miễn phí cho các hành khách là bác sĩ, nhân sự do Bộ Y tế, CDC các tỉnh thành, bệnh viện cử đi tham gia chống dịch tại 2 tỉnh này. Tập đoàn T&T ủng hộ 2,5 tỷ đồng và 500 tấn gạo, Acebook Việt Nam gửi đến 500 thùng mỳ tôm, TH Truemilk hỗ trợ 1000 thùng sữa và nước trái cây…

Nơi trận chiến cam go nhất - Bắc Giang ơi, cả nước hướng về! - Ảnh 15.

Và cũng đừng quên sự đóng góp của những con người nhỏ bé, nhưng quyết tâm không đứng ngoài cuộc chiến cam go này.

Đó là một cụ già thấy đoàn từ thiện đi ngang qua bèn chặn lại, chỉ để gửi một quả đu đủ nhưng vẫn gói gém gửi theo: "Nhà không có gì, cụ chỉ còn quả đu đủ, thấy các cháu đi tình nguyện nên gửi giúp vào cho công nhân trong khi cách ly giúp cụ".

Đó là một cuộc điện thoại: "Alo! Nhà cô có 8 luống rau cải, cô xin quyên góp nhưng không thể thu hoạch được, các cháu đến giúp cô…"

Đó là những "đồng đội" của hội lái xe Bắc Giang, đăng ký tình nguyện tham gia phòng chống dịch, vận chuyển nhu yếu phẩm. Từ quy mô 3 xe ban đầu thay nhau chạy liên tục 14-15 chuyến, đến nay đã có hơn 50 tài xế và 35 đầu xe gọi điện đăng ký, huy động hết nguồn lực ô tơ, xe tải, xe khách. Thậm chí, dọc đường còn có người kéo lại hỏi: Không có xe, liệu có thể cho em theo phụ bốc vác để giúp Bắc Giang cũng được.

Đó là cậu sinh viên Đỗ Văn Đức, vừa làm báo cáo thực tập thì nghe tin quê nhà Bắc Giang bị phong tỏa. Ngay sau khi hoàn thành báo cáo, đã cùng bàn với người anh cùng phòng để về quê luôn trong đêm, tham gia vào công tác cứu trợ phòng dịch.

Đó là Linh, chủ một nhà hàng ở Mi Điền. Chị nói: "Ngay ngày đầu tiên phong tỏa, gia đình chị đã ủng hộ 1500 quả trứng gà, 100 thùng mì tôm. Lần thứ 2, nhà chị lại thịt 2 con lợn để ủng hộ công nhân mỗi người 1 lạng rưỡi thịt, mua thêm 1500 mớ rau để bổ sung dinh dưỡng cho đời sống công nhân bên trong khu cách ly. Lần thứ 3, chị ủng hộ 1500 cốc chè, gạo, trứng. Những người giao hàng thấy vậy, người thì góp 300k, người góp 500k để nhờ gia đình chị hỗ trợ thêm cho công nhân. Mọi người phải hiểu, hôm dịch xảy ra là vào ngày cuối tháng, công nhân hết tiền lương, đến đây còn chưa kịp đi làm. Mà công nhân nhiều người dân tộc, đến đây chỉ có mấy chục nghìn tiền đi xe thôi, làm gì có tiền ăn. Các em công nhân thời vụ, các em mẹ bầu con nhỏ rất nhiều. Có công nhân còn phải đi đẻ ngay tại phòng cách ly vì không làm giấy tờ kịp để chuyện ra ngoài..."

Đó là anh Dương Ngô Ninh, nhà ở tâm dịch Vân Trung, Việt Yên, Bắc Giang. Nhà anh có hơn 30 phòng trọ với gần trăm công nhân ở. Hàng ngày, anh vẫn đánh xe đi mua đồ cứu trợ, nhu yếu phẩm hỗ trợ công nhân, giảm 50% tiền phòng để các em công nhân đỡ khó khăn. Anh nói với tôi: "Trong điều kiện mình có bao nhiêu thì giúp. Nhìn cảnh công nhân xa nhà, trong lúc khó khăn này mà nhận được sự giúp đỡ thì thật đáng quý. Mỗi ngày anh cố gắng hỗ trợ một chút như cá, mắm, đường... vừa động viên, vừa giúp các em đỡ một phần khó khăn, đủ dinh dưỡng chống dịch. Thương nhất là vì sản xuất bị dừng đột ngột, công nhân không có sự chuẩn bị, dịch bệnh đến quá bất ngờ, cả khu phong tỏa nên không thể ra ngoài, mọi thứ đóng băng".

"Tôi sống đến nay là hơn 40 năm, thế hệ này dù không phải đi qua chiến tranh, nhưng đây là một cuộc chién còn khốc liệt hơn thế. Nó ở mọi lúc, mọi nơi, mọi người đều có thể trở thành bệnh nhân hoặc đi cách ly. Hơn lúc nào hết, tất cả những người xung quanh tôi, ai có điều kiện mà tôi biết thì đều tham gia vào chống dịch như chống giặc. Ai cũng vào cuộc, không ai tiếc một cái gì. Bên cạnh giúp đỡ công nhân thì còn là lực lượng tuyến đầu. Các bạn hãy hình dung, họ quá vất vả luôn. Vậy nên, nếu tất cả mọi gia đình cùng tham gia, thì tôi cho rằng đây sẽ là một cuộc chiến tạo sự đoàn kết, sẻ chia yêu thương lớn vô cùng".

Anh Ninh và hoạt động hỗ trợ các công nhân cách ly.

**************************************************************************

Miền Bắc đang ở bước vào những ngày hè đầu tiên. Những ai từng nếm trải cái nóng của miền Bắc hẳn biết nó kinh khủng cỡ nào. Oi bức, hầm hập, bí bách. Bóng râm hay một cơn gió cũng chẳng làm mọi thứ đỡ hơn. Dưới cái nóng đó, bạn chỉ có cách trú trong nhà có điều hòa, hoặc một chiếc quạt công suất lớn với sàn nhà mát rượi.

Với những ai đang chiến đấu ở Bắc Giang vào thời điểm này, viễn cảnh đấy là một giấc mơ đẹp, một điều ước. Thực tại ở đây khắc nghiệt hơn gấp nhiều lần. Bắc Giang đang oằn mình trước một đợt sóng Covid-19 tồi tệ nhất của toàn Việt Nam kể từ đầu mùa dịch. Già, trẻ, lớn, bé, công nhân khu công nghiệp, người nhà của họ, lực lượng y tế tham gia phòng dịch. Dưới cái nắng nóng kinh điển của mùa hè miền Bắc, các cán bộ y tế, y bác sĩ tuyến đầu, công nhân khu công nghiệp và người thân, những trường hợp F0, F1, F2,... đều đang trải qua những ngày tháng mà cuộc sống của họ bị đảo lộn hoàn toàn.

Nơi trận chiến cam go nhất - Bắc Giang ơi, cả nước hướng về! - Ảnh 17.

Chúng tôi biết rằng những thông tin về dịch bệnh đã khiến các bạn trở nên quá tải, và đâu đó chúng ta đã bỏ qua. Nhưng, đây không phải là lúc được phép lãng quên. Chúng ta phải nhớ, phải biết rằng đồng bào mình đang oằn mình trước thử thách ra sao, để bảo vệ cuộc sống bình yên mà ta đang có thế nào. Cả nước hãy cùng hướng về Bắc Giang, bởi đó là điều ý nghĩa nhất chúng ta có thể làm được để tiếp sức cho họ lúc này. Và cũng là điều ý nghĩa nhất mà chúng ta có thể làm được cho cả đất nước. Bởi đây là cuộc chiến căng thẳng nhất, khốc liệt nhất, cam go nhất mà cả nước ta đang phải hứng chịu từ năm ngoái đến giờ. Chúng ta đã có 1 năm được sống an toàn và bình yên dẫu cả thế giới sóng gió. Thì giờ đây, là lúc chúng ta cần đứng sát bên nhau, để tạo ra phép màu, và để cùng nhau kiên cường vượt qua, tiến về phía trước.

Thêm sức mạnh từ hàng triệu người Việt, sẽ vơi bớt đi gánh nặng của tuyến đầu. Dù cho đó là những đóng góp về vật chất, hay là những lời động viên tinh thần, tất cả đều thật sự đáng quý.

Nơi trận chiến cam go nhất - Bắc Giang ơi, cả nước hướng về! - Ảnh 18.
Nơi trận chiến cam go nhất - Bắc Giang ơi, cả nước hướng về! - Ảnh 19.
Nơi trận chiến cam go nhất - Bắc Giang ơi, cả nước hướng về! - Ảnh 20.

Theo Diệp Nguyễn - thiết kế Trường Dương

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên