img

Mọi cuộc nói chuyện với NSND Tự Long đều rất có thể biến thành một buổi masterclass về văn hóa và nghệ thuật truyền thống. Hơn 25 năm làm nghề, trước đó là cả một tuổi thơ và hành trình lớn lên trong bầu khí quyển của chèo - phù sa từ hàng nghìn năm nghệ thuật đã xoắn xuýt và hòa quyện vào con người anh, tuôn ra theo từng hơi thở, từng câu chữ, từng điệu bộ. Chèo là tình yêu, là ngọn lửa, là niềm say sưa, và gần như một sứ mệnh với người nghệ sĩ kỳ cựu này.


Và có lẽ số phận đã sắp đặt để trong năm 2024 này, nghệ sĩ Tự Long có thể thực hiện cái sứ mệnh mà mình đã mang trên vai với nghệ thuật truyền thống, cái sứ mệnh dường như đã trở thành một phần cuộc sống của anh kể từ khi ra đời. Lần này, sứ mệnh ấy không chỉ là lưu giữ và truyền thụ những tinh hoa của chèo cho lớp nghệ sĩ kế cận, mà còn trở thành một cây cầu kết nối giữa các thế hệ, là người sẽ ở đó kéo tấm nhiễu điều hé lộ vẻ đẹp giàu có của văn hóa truyền thống cho giới trẻ, và là người sẽ nhắc mỗi chúng ta về mối dây thiêng liêng vô hình của quê hương, đất nước vẫn luôn ở đó để kết nối mỗi trái tim của từng người con Việt Nam.


NSND Tự Long: Đưa văn hóa truyền thống đến với người trẻ - Đừng đậm đặc, nhưng không được đơn điệu- Ảnh 1.


NSND Tự Long: Đưa văn hóa truyền thống đến với người trẻ - Đừng đậm đặc, nhưng không được đơn điệu- Ảnh 2.

Xin chào anh Tự Long, bên cạnh những vở diễn và một cá tính rất đặc biệt trên màn ảnh, tôi tò mò: Ở ngoài đời, anh có phải một người hài hước không?


Người ta có thể dạy diễn, dạy hát, dạy múa, dạy nhảy,... nhưng không thể dạy diễn hài. Ngay cả vua hề Chaplin hay Mr.Bean cũng đâu có truyền nhân, mỗi danh hài đều mang tài năng và tố chất riêng.


Ở Việt Nam cũng vậy, rất khó để truyền dạy sự hài hước. Đó là câu chuyện của sự duyên dáng trời ban được tiềm ẩn sâu bên trong mỗi người. Có người hài chín, người thì hài nhảm, người lại hài vui, có người hài chua cay - kể thì hài nhưng lại buồn nhiều hơn là cười. Cũng có người chỉ dừng lại ở mức độ dí dỏm. Có người sẽ bùng nổ và mang tới niềm vui bất tận ở những cuộc vui nào đó. Tất cả không chỉ phụ thuộc vào tố chất mà còn đến từ vốn sống, nền tảng, vốn từ và cả ngành nghề mà mình theo đuổi.


NSND Tự Long: Đưa văn hóa truyền thống đến với người trẻ - Đừng đậm đặc, nhưng không được đơn điệu- Ảnh 3.

Như anh vừa nói, không phải ai cũng có tố chất làm diễn viên hài. Vậy theo anh, tố chất để trở thành một diễn viên hài là gì?


Đó là sự duyên dáng, hoạt ngôn, là một chút may mắn khi được sinh ra trong một gia đình có truyền thống hài hước và được nuôi lớn trong bầu không khí đó. Ẩn sâu bên trong tôi được thừa hưởng mã gene của bố. Bố tôi là một người rất dí dỏm và hài hước, dù không mang đến sự bùng nổ cả trên sân khấu lẫn về mặt hình tượng.

NSND Tự Long: Đưa văn hóa truyền thống đến với người trẻ - Đừng đậm đặc, nhưng không được đơn điệu- Ảnh 4.

Vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, vậy anh có chịu ảnh hưởng nhiều từ cha mẹ của mình không?


Có chứ! Đối với thế hệ 7X chúng tôi, việc chịu ảnh hưởng từ gia đình, nhà trường và hoàn cảnh sống đã diễn ra nhiều. Ngày xưa, mọi thứ đều "khu biệt" ở làng xã, tỉnh thành. Vậy nên tính chất riêng tư văn hóa của sự khu biệt đó thể hiện rất rõ, từ đó tạo nên những bản sắc riêng cho mỗi cá thể của từng vùng miền. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng, bởi có nhiều vùng quê như của tôi chẳng hạn, họ vẫn giữ những nề nếp và quy ước của làng xã từ nghìn đời nay. Điều đó cũng ảnh hưởng sâu đậm trong cách ứng xử và nền tảng của tôi.


Vậy một người sinh ra và lớn lên ở vùng quê quan họ Từ Sơn, Bắc Ninh - sẽ lưu giữ những điều gì của quê hương trong con người mình…


Văn hóa làng là một nét rất đặc trưng của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Trước đây, khi chiến tranh xảy ra, các cụ thường nói: Đánh giặc để giữ làng, giữ nhà rồi mới giữ nước. Nhà thì trong làng, có làng mới có nước.


Mỗi khi đi đâu xa và trở về, chỉ cần nhìn thấy lũy tre làng là tôi đã có cảm giác được về đến nơi chôn rau cắt rốn. Hình ảnh lũy tre này mang ý nghĩa rất lớn tới những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở đó, giống như Hà Nội có phố cổ. Nhìn đâu cũng thấy kỷ niệm, nhìn đâu cũng thấy những ước mong được trở về sống với những kỷ niệm ấy. Làng cũng vậy. Làng là cây đa, giếng nước, sân đình, lũy tre và những cánh đồng, rồi ao súng lục, đồng luông, đồng thần, mả ngò… Những đứa trẻ sinh ra ở thế hệ sau đâu biết đến những khái niệm đó bởi tất cả đã trở thành nhà cao cửa rộng hết rồi.


NSND Tự Long: Đưa văn hóa truyền thống đến với người trẻ - Đừng đậm đặc, nhưng không được đơn điệu- Ảnh 5.


NSND Tự Long: Đưa văn hóa truyền thống đến với người trẻ - Đừng đậm đặc, nhưng không được đơn điệu- Ảnh 6.


Tôi chợt nghĩ rằng ngay cả âm nhạc cũng đại diện cho con người của từng vùng đất. Theo anh, âm nhạc nào sẽ đại diện cho con người Việt Nam?


Việt Nam mình ngày xưa có hát xẩm, hát văn. Người hát xẩm chính là người kể chuyện dân gian bằng những giai điệu thân quen. Dù không có nhiều giai điệu, nhưng người hát xẩm vẫn có thể kể những câu chuyện quen thuộc.


"Mẹ kể từ khi mấy con nghe thời mẹ kể từ khi

Mới sinh con đã biết gì đau thương

Giặc đến thời chứ giày xéo quê hương"


Xẩm có cách kể chuyện gần gũi với ngôn từ đặc trưng, vậy nên cũng có thể coi là một thứ âm nhạc từ đường phố. Người hát xẩm là người góp nhặt những câu chuyện nhân gian, từ vua chúa, vua quan cho đến bác làm đồng và người lang thang. Bất cứ ai họ cũng đều kể được câu chuyện, và những câu chuyện ấy sẽ được kể ở những chốn đông người, nơi bến xe, bến tàu, thậm chí góc chợ,... từ đó ta có xẩm chợ, xẩm… tàu điện. Tôi nghĩ, đó là những nét văn hóa âm nhạc đặc trưng của người Việt Nam thời kỳ văn minh lúa nước.  

NSND Tự Long: Đưa văn hóa truyền thống đến với người trẻ - Đừng đậm đặc, nhưng không được đơn điệu- Ảnh 7.


Quay ngược lại quá khứ một chút, từ khi nào anh biết mình muốn theo đuổi nghệ thuật truyền thống?

Có lẽ điều đó đến với tôi một cách rất tự nhiên từ khi còn nhỏ. Từ khi mới 9 tháng cho tới năm 15 tuổi, tôi được ở với bà. Tôi vẫn hay đi theo một đoàn quan họ trong làng để chơi với đám trẻ con trong đoàn đó. Mà ngày ấy, đoàn chèo và đoàn quan họ luôn ở gần nhau. Tôi say sưa xem các cô chú tập luyện và vô thức thuộc hết những vai diễn từ cũ đến mới.

Câu chuyện thích hát, thích diễn bắt nguồn từ những ngày như vậy. Đến sau này, thấy tôi say mê, bố mẹ lại không muốn tôi theo đuổi nó vì cho rằng nghề này… bạc lắm. Tôi từng theo học Trung cấp Xây dựng vì dự định đi xuất khẩu lao động. Trong thời gian chờ người ta gọi đi, tôi lại theo học trường Trung cấp Văn hóa của tỉnh, rồi lại chuyển sang trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, và từ đó, mọi thứ cứ thế bắt đầu.

Cái bạc của nghề mà bố mẹ anh nhắc tới ở đây là…

Đó là thời còn cơ chế bao cấp, một chiếc xe đạp chia ra cho các đội diễn viên, đội hành chính, đội nhạc… để bốc. Người bốc được cái khung, người bốc được 2 cái lốp… vậy đến bao giờ người nghệ sĩ mới có một chiếc xe đạp hoàn thiện? Thời ấy, ai cũng phải làm đủ thứ nghề để mưu sinh, từ buôn rượu cho tới nuôi lợn, bắt cá, đi câu… tất cả cũng chỉ để thỏa mãn lòng yêu nghề. Cuộc sống rất vất vả nên các cụ nảy sinh tâm lý chán chường, từ đó mới có câu "xướng ca vô loài" để nói về người đi hát. Ngay cả ở thập niên 70-80 vẫn có những suy nghĩ như vậy, thế nên chuyện bố mẹ không muốn con cái theo nghiệp của mình cũng là điều dễ hiểu.


NSND Tự Long: Đưa văn hóa truyền thống đến với người trẻ - Đừng đậm đặc, nhưng không được đơn điệu- Ảnh 8.


Có bao giờ, sự bạc ấy khiến anh bớt niềm tin vào nghề? Bớt yêu nghề?

Tôi có thể từng tự ti vì gặp một vài chuyện không hay trước đây, nhưng để nói là chán nghề thì chưa bao giờ chán. Hơn 25 năm theo nghề, tôi vẫn tìm tòi, sáng tạo và đau đáu với nghề.

Khi tốt nghiệp trường đại học SKĐA, tôi được bên Quân đội rất ưu ái và nhận về. Môi trường quân đội có những kỷ luật riêng, thế nên tôi lại càng không có tư tưởng đứng chỗ này nhìn chỗ kia. Có một chuyện rất buồn cười mà tôi cứ hỏi lại mẹ mình mãi, rằng có phải tôi thật sự sinh ngày 22/12 không? Mọi người quả quyết rằng tôi sinh đúng ngày đó, không thể khác được! Thế nên đúng là một cái duyên. Từ trước đến nay, tôi không có ngày sinh nhật bởi vì ngày đó, tôi dành hết để đi phục vụ các anh em, đồng chí trong quân ngũ. Thậm chí nếu có người chúc mừng cũng sẽ chúc mừng ngày 22/12 - ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.

NSND Tự Long: Đưa văn hóa truyền thống đến với người trẻ - Đừng đậm đặc, nhưng không được đơn điệu- Ảnh 9.

Yêu nghề như vậy, hẳn vai diễn đầu tiên với anh rất đáng nhớ!

Điều hạnh phúc nhất trong đời của một người nghệ sĩ là được trải nghiệm rất nhiều vai diễn. Có người sinh ra cả đời chỉ được đóng vai đểu, còn có người lại chỉ có thể đóng vai chính. Mỗi người mỗi số phận và điều đó ứng vào các vai diễn là sự thật.

Để nói về vai diễn đầu tiên thì tôi là người trưởng thành từ việc cầm cờ chạy quanh sân khấu. Tôi chạy đến khi đạo diễn bảo rằng: "Thằng này chạy tốt quá! Cho chạy thêm lần nữa!", rồi lại chạy cho đến khi đạo diễn cho nói thì cũng được khen là nói hay và cho nói thêm lần nữa. Ý tôi ở đây là: Mọi thứ đều có cái giá của nó. Tất cả đều đi từ nhỏ đến to, từ nghèo đến giàu - từ đó ta mới tích lũy được đủ các cung bậc trải nghiệm.

Nhưng để nói về vai diễn chính đầu tiên mà tôi được giao sau khi ra trường thì đó là vai Khóa Còm trong vở Ông Trạng Xứ Đoài, Ông Lâu Trạng Lợn. Còn vai diễn chính đầu tiên có thành tích thì lại là vai Trịnh Sâm của vở diễn Chuyện Người Xưa. Với vai diễn đó, tôi nhận được huy chương vàng đầu tiên tại Hội diễn Chuyên nghiệp Toàn Quốc 2005.

Đây không chỉ là vở diễn mà người thầy của tôi là cố NSND Xuân Huyền làm đạo diễn, mà còn là chiếc huy chương vàng đầu tiên tại một cuộc thi toàn quốc. Tôi vinh dự lắm! Vai diễn này dù không phải thế mạnh của tôi, nhưng nó cho tôi thấy rằng khả năng của mình không chỉ bị giới hạn trong một thể loại. Trong chèo có đào, lão, mụ, kép, hề, chính, phụ… tôi vinh dự được trải nghiệm tất cả các thể loại đó và đều đạt được thành tích cao.

Đặc biệt trong chèo, gia tài của tôi có được là cơ hội thể hiện 2 nhân cách lớn trong kho tàng sân khấu Việt Nam: Thầy giáo Chu Văn An trong vở diễn Chu Văn An - Người Thầy Của Muôn Đời, và vai diễn một trong những đại tướng lừng lẫy của quân đội Việt Nam - Người Chủ Nhiệm Chính Trị đầu tiên của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Đối với tôi, đó không chỉ là hai vai diễn lớn mà còn là hai nhân cách lớn! Thầy Chu Văn An là một biểu tượng, còn Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vẫn còn gia đình với con trai là Đại tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam. Câu chuyện ở đây không chỉ còn là một hình mẫu nữa, mà là một hình mẫu vẫn còn sống trong trái tim người thân thuộc. Vậy nên, tôi càng không thể đưa vào vai diễn những tính chất chung chung mà buộc phải đặc biệt và chi tiết hơn.

Người thầy của tôi, cố NSND Doãn Hoàng Giang - có nói với tôi rằng: "Khi phân cho Long 2 vai này, Long phải nhớ một điều - tác phong, ăn nói, đi đứng từ cuộc sống trở đi là phải bớt đùa nghịch, bớt những thứ phù phiếm đi." Bản thân tôi cũng phải chín chắn, tập làm quen với hành xử để đạt được cái thần thái mà thầy mong muốn. Bởi diễn một nhân vật không chỉ là tái hiện lại hình tượng của nhân vật, mà còn phải toát được lên tầm vóc, nhân cách của họ - đó mới là điều khó. Niềm tự hào khi được nhận 2 vai diễn lớn này còn đến từ việc người thầy xét đến không chỉ tiến độ làm việc về thời gian, mà còn khả năng đảm nhận vai diễn của người được chọn. Người đạo diễn sẽ nhìn người, sắp xếp làm sao để lột tả được ý đồ mà các thầy muốn biểu đạt trên sân khấu - thông qua người diễn viên. Có thể đó là sự lựa chọn chính xác của các thầy, nhưng với tôi, đó là một sự may mắn.

 

NSND Tự Long: Đưa văn hóa truyền thống đến với người trẻ - Đừng đậm đặc, nhưng không được đơn điệu- Ảnh 10.


NSND Tự Long: Đưa văn hóa truyền thống đến với người trẻ - Đừng đậm đặc, nhưng không được đơn điệu- Ảnh 11.


NSND Tự Long: Đưa văn hóa truyền thống đến với người trẻ - Đừng đậm đặc, nhưng không được đơn điệu- Ảnh 12.

Thời điểm anh bắt đầu công việc này, chắc chắn cũng sẽ có những thử thách không dễ dàng nhưng dẫu sao anh cũng luôn có một mục tiêu và con đường rõ ràng để đi tới. Nhưng với các bạn trẻ, dù có quan tâm đến văn hóa và nghệ thuật truyền thống thì đâu đó vẫn có những sự e dè nhất định trong việc tiếp cận kho tàng dân gian…

Tôi nghĩ đây không phải sự e dè mà đó là cách tiếp cận với từng đối tượng khác nhau. Thứ nhất là những người làm nghề. Thứ hai là công chúng. Nghệ thuật chèo vẫn đang trong giai đoạn kế thừa và phát triển, nhưng chúng ta đang nghiêng dần về phần kế thừa nhiều hơn. Ví dụ như thế này: Bà con nếu muốn đưa nông sản ra ngoài thế giới thì phải làm thế nào? Bắt buộc phải đi qua cách kênh người nổi tiếng, các KOLS để tiếp thị, bán hàng và mang ra thế giới.

Những bài hát của ATVNCG nhận được sự phản ứng mãnh liệt của khán giả là minh chứng cho cách tiếp cận phù hợp sẽ mang văn hóa đến gần hơn với công chúng ra sao. Cũng là bài Đào Liễu, nhưng cách các bạn thiết kế sân khấu, đưa nghệ sĩ, âm nhạc vào không gian tiết mục - khiến cho những khán giả dù chưa biết về chèo, nhưng xem xong - họ thấy thích và muốn tìm hiểu thêm. Đào Liễu đã trở thành một cái tên, một tác phẩm chứ không đơn thuần chỉ là một ca khúc nữa. Trong đó, nó bao gồm cả giá trị về nghệ thuật, hình tượng, cốt truyện, có mở và đóng. Đoạn chèo của bài hát chiếm sóng không nhiều, nhưng nó đóng vai trò là nền tảng, nó không quá cô đặc mà vừa đủ để giúp mọi người muốn "ăn" mãi, hòa quyện với âm nhạc rất mới của các bạn trẻ. Nếu người hát Đào Liễu là tôi thì mọi chuyện quá đơn giản, bởi mọi người đều đã biết tôi là nghệ sĩ chèo. Chúng ta phải để những người chưa biết hát chèo dám thử sức hát thì mới tạo ra được sự lan tỏa. Trống Cơm cũng vậy, dù chỉ có mấy câu và người lớn hay trẻ con cũng hát được nhưng ta phải thổi vào đó một sự đóng góp mới. Đây cũng là cách để đưa văn hóa tới gần hơn với người trẻ. Đừng quá đậm đặc nhưng cũng đừng quá đơn điệu.

Nghệ thuật chèo là tâm hồn của người Việt. Ở đó hội tụ đầy đủ những giá trị nguyên bản của văn hóa truyền thống Việt Nam, của những câu ca dao tục ngữ, của ký ức và cả những bối cảnh thuần túy của người Việt. Các bạn đến với chèo hầu hết là với mong muốn tìm hiểu, nhưng để các bạn trẻ trực tiếp tham gia thì cần một hướng đi mới, chẳng hạn như hướng đi trong ATVNCG. Tuy nhiên, đi như thế nào thì còn là chiến lược riêng của từng nghệ sĩ. Chúng ta có thể đi song song, vừa bảo tồn và vừa phát triển để giới trẻ ngày hôm nay không chỉ yêu thích mà còn muốn được hát, được nghe, được tham gia. Nghệ thuật phải đi đôi với cuộc sống là như vậy.

NSND Tự Long: Đưa văn hóa truyền thống đến với người trẻ - Đừng đậm đặc, nhưng không được đơn điệu- Ảnh 13.

Ngày xưa, chèo là loại hình nghệ thuật mang tính đặc thù và ai cũng có thể hát được. Anh chiến sĩ ra trận cũng hát chèo, học sinh, cô giáo cầm phấn cũng hát chèo, anh kỹ sư vào nhà máy cũng… hát chèo. Chèo trở thành một điều thân quen như hơi thở trong cuộc sống. Giống như các bạn trẻ bây giờ được nghe Mozart và Beethoven trong bụng mẹ, rồi lớn lên được sống trong âm nhạc của Backstreet Boys và Bức Tường. Nghe những giai điệu của thời đại nào thì chính các bạn cũng sẽ có sự ảnh hưởng bởi âm nhạc của thời đại đó. Và nếu muốn các bạn trẻ tìm về với âm nhạc cội nguồn thì bản thân âm nhạc đó cũng phải đặc biệt và hấp dẫn chứ! Rất nhiều tác phẩm âm nhạc của các bạn trẻ đi tham dự ở đấu trường nước ngoài đều sử dụng âm nhạc dân tộc làm chất liệu nền tảng, bởi giai điệu âm nhạc truyền thống của ta là những giai điệu biết nói.

NSND Tự Long: Đưa văn hóa truyền thống đến với người trẻ - Đừng đậm đặc, nhưng không được đơn điệu- Ảnh 14.

NSND Tự Long: Đưa văn hóa truyền thống đến với người trẻ - Đừng đậm đặc, nhưng không được đơn điệu- Ảnh 15.

NSND Tự Long: Đưa văn hóa truyền thống đến với người trẻ - Đừng đậm đặc, nhưng không được đơn điệu- Ảnh 16.

Nhưng hình như, cuộc sống của rất nhiều nghệ sĩ truyền thống vẫn gặp khó khăn nên đâu đó người trẻ vẫn dè dặt trong việc dấn thân vào con đường này, anh nhỉ…

Tôi nghĩ, điều thiếu duy nhất ở đây là thiếu niềm tin và thiếu sự đam mê. Các bậc cha anh ngày xưa, bao gồm cả gia đình tôi - đã phải làm rất nhiều công việc để đảm bảo nhu cầu cuộc sống hàng ngày. Chúng tôi phải ăn bằng tem phiếu, có khi hàng tuần chỉ có 2-3 ngày được ăn thịt. Vậy tại sao họ không bỏ? Tôi nghĩ, chẳng ai thiếu ăn cả. Chỉ là thiếu niềm tin, thiếu bản lĩnh, thiếu ngọn lửa nhiệt huyết mà thôi.

Ngày xưa, những nghệ sĩ của nhà hát chúng tôi - đằng sau là chiếc chăn bông, trên lưng là chiếc nhị và chiếu cói. Ba lô đeo đằng trước với xoong nồi, chảo, thúng… Vậy mà chúng tôi vẫn đi hết chiến trường này đến chiến trường khác, từ mặt trận này đến mặt trận kia. Hy sinh có, thương vong có nhưng cuối cùng vẫn chẳng ai từ bỏ. Bởi ngoài đam mê, nó còn là trách nhiệm gìn giữ sự nghiệp của Tổ nghề, Tổ nghiệp. Đây là trách nhiệm không ai cần nói với ai bằng lời, nhưng cứ nằm trong mỗi góc trái tim của những người yêu nghề.

Đâu đó anh có nghĩ rằng, ngay cả chính sự nhiệt huyết của khán giả cũng sẽ là thứ đảm bảo cho người nghệ sĩ được an tâm trong việc lựa chọn con đường của mình?

Không thể thiếu được. Tôi rất thích mỗi khi các nghệ sĩ miền Nam nói: "Cảm ơn khán giả đã yêu thương". Phần lớn các nghệ sĩ trong Nam đều sinh hoạt ở các trung tâm nghệ thuật hoặc xã hội hóa, bởi vậy nếu khán giả không yêu thương - nghệ sĩ không có đất sống. Ngoài Bắc, các anh em còn có cơ quan, có nhà hát, có đoàn này đoàn nọ, người làm ít và người thì làm nhiều. Trong Nam, mọi người dành 100% cho công việc và ai cũng buộc phải sáng tạo hết mình. Ngoài việc ăn ngủ để đảm bảo sức khỏe thì nghệ sĩ nào cũng cật lực lao động.

Trong quá trình tham gia ATVNCG, tôi bay từ 6h tối đến 9h vừa hạ cánh là lao thẳng vào phim trường tập luyện đến 1-2 giờ sáng. Nhưng vẫn không là gì với các bạn trẻ. Họ có rất nhiều show phải chạy thế nhưng vẫn rất trân quý từng khoảnh khắc cùng làm việc với tôi, dù tôi là anh tài có độ tuổi cao nhất nhì chương trình. Thậm chí rất… chiều. Họ lúc nào cũng tìm cách để tôi có thể tham gia các buổi tập trọn vẹn nhất, dù biết rằng lịch đi làm của tôi cũng kín đặc trong tuần. "Bọn em đợi được, anh cứ thu xếp rồi mình cùng tập. Bọn em đã xong xuôi rồi, chỉ chờ anh vào tập cùng thôi".

Các bạn rất thương và luôn giành hết phần đu dây leo cây. Thế nhưng dù yêu thương lắm nhưng tôi vẫn có tự trọng làm nghề của mình chứ: "Hãy để anh được làm cùng với tụi em, để anh được đóng góp, đừng để anh là một hình nộm". Ngay cả khi vào phòng thu cùng SOOBIN, tôi cũng muốn được hát những câu khó. SOOBIN rất chiều nên lại thương lượng với các anh tài khác để sắp xếp lại. Tôi càng trân trọng các bạn hơn từ những câu chuyện đấy, về sự thương yêu và hết mình ấy.


NSND Tự Long: Đưa văn hóa truyền thống đến với người trẻ - Đừng đậm đặc, nhưng không được đơn điệu- Ảnh 17.

NSND Tự Long: Đưa văn hóa truyền thống đến với người trẻ - Đừng đậm đặc, nhưng không được đơn điệu- Ảnh 18.

Ngay từ những khoảnh khắc đầu của chương trình, từ những câu nói, từ những tiết mục anh tham gia - đều có dáng dấp của văn hóa truyền thống. Đây có phải điều anh ấp ủ ngay từ khi quyết định tham gia chương trình?

Tại sao SOOBIN, Cường 7 và Tự Long lại chọn nhau? Sau khi vào KTX đêm đầu tiên, tôi và Binz, Cường 7, Jun Phạm, SOOBIN, Neko Lê và Thành Trung có ngồi nói chuyện, khi đó tôi mới biết mình và bố SOOBIN có biết nhau. NSND Huỳnh Tú vốn đã làm rất nhiều chương trình tại nhà hát, toàn những tiết mục lớn để đi thi. SOOBIN khoe rằng mình đánh đàn bầu từ năm 4 tuổi, và tiết lộ rằng bạn rất muốn mang âm nhạc truyền thống lên sân khấu. Thế là một ý tưởng lóe lên, rằng mấy anh em phải kết hợp với nhau làm gì đó đi thôi! Nhưng lúc đó vẫn chưa biết luật lệ chương trình ra sao và làm thế nào để kết hợp. Thôi thì đợi cơ hội tới vậy!

Có một vài câu chuyện vui thế này: Ban đầu, mọi người cho rằng Chiếc Khăn Piêu đã có quá nhiều người hát với những phiên bản cũng cực kỳ nổi tiếng. Ví dụ như Tùng Dương hay Dương Hoàng Yến. Dù vậy tôi vẫn thuyết phục cả nhóm hãy lựa chọn bài hát này, bởi các nghệ sĩ trước đó đều hát với tâm thế của những đôi tình nhân, còn chúng ta sẽ hát với tâm thế của những người chiến sĩ. Ban đầu chúng tôi chỉ dự định có 3 người mặc quân phục là SOOBIN, Jun và tôi, thậm chí còn từng có một concept là đám cưới giữa anh bộ đội và cô gái bản. Nhưng tôi cho rằng đây không chỉ là câu chuyện tình yêu của người chiến sĩ biên cương mà còn là cuộc sống của những người dân ở bản, là tình quân dân như cá gặp nước. Cuối cùng, tôi xin với Đài cho cả 8 anh em cùng mặc đồ chiến sĩ, chúng tôi sẽ hát với hơi thở của người chiến sĩ biên cương với "chiếc khăn piêu" của hậu phương và không làm đám cưới nữa. May mắn là ý tưởng này đã được Đài duyệt, vì vậy tiết mục đã mang một màu sắc và hơi thở khác.

Ngay cả bài Mẹ Yêu Con cũng vậy. Bản thân bài hát này đã mang giai điệu và lời ca rất hay, ta chỉ tiếp cận như thế nào để bài hát vẫn giữ được hơi thở và không mất đi giá trị nguyên bản của nó là người trẻ nghe vẫn sẽ rất yêu thích. Bàn được 2 hôm thì chúng tôi nhận ra những ý tưởng này có nhiều điểm tương đồng với "chương trình nhà bên" mới lên sóng. Trong nghệ thuật, việc trùng lặp về ý tưởng là chuyện bình thường. Chúng ta đều là con người và đều có những đồng điệu khi nghĩ đến hình ảnh người mẹ gắn liền với đồng quê, với thân cò lặn lội, với hạt lúa và cánh đồng… Vậy nên chúng tôi buộc phải nghĩ đến những ý tưởng khác, vẫn giữ tông màu vàng chủ đạo nhưng sẽ là những hạt lúa rơi xuống và tạo ra những tiếng động thật nhẹ khi bay theo gió, chạm xuống mặt đất - đó là những âm thanh đặc trưng của làng quê ngày xưa. Ngay cả hình ảnh người gánh rơm chầm chậm, từng bước một - để thể hiện nét đẹp của lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mọi thứ dẫu đơn giản nhưng mang lại hiệu ứng rất cao.


NSND Tự Long: Đưa văn hóa truyền thống đến với người trẻ - Đừng đậm đặc, nhưng không được đơn điệu- Ảnh 19.


Một trong những câu nói rất nổi tiếng của anh trong chương trình là: "Văn hóa là cội nguồn. Văn hóa là bản sắc". Anh có nhớ cảm xúc lúc ấy khi thốt lên câu nói này không?

Vẫn là những câu nói ở đâu đó trong con người tôi bộc phát ra. Tôi không thể định hình được bởi những lúc giao lưu như vậy rất ngẫu hứng. Lắm lúc tôi còn chẳng nghĩ ra gì để nói.

Nhưng tôi nghĩ, những bài hát trong ATVNCG có số phận của riêng nó. Ngày 29/05 là ngày quay bài Trống Cơm, ngày 19/07 là phát - đúng vào ngày Quốc tang cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Vậy nên chương trình lùi lại sau Quốc tang để phát. Tình cờ thay câu nói ấy lại trùng với câu nói của bác trong Hội nghị Văn hóa Toàn Quốc. Câu nói của bác là: "Văn hóa là dân tộc" - còn tôi nói rằng: "Văn hóa là cội nguồn, là bản chất, là dân tộc". Những sự trùng hợp về mặt phát sóng như vậy đã tạo nên một hiệu ứng mạnh mẽ. Dường như một vài bài hát trong ATVNCG có định mệnh và số phận của riêng nó. Không ai nghĩ bài hát Mẹ Yêu Con lại được phát gần ngày 20/10, bởi lịch phát sóng dù có trước nhưng đã bị lùi vài lần do những điều kiện khách quan. Và vô tình, điều kiện khách quan đó đẩy bài hát tới những thời điểm đặc biệt trong năm. Đúng là người tính không bằng trời tính! Và nếu thật sự yêu nó, làm nó bằng cả tâm huyết - hẳn sẽ được nhận về những hạnh phúc bất ngờ.

Bản thân anh cũng là người làm việc trong lĩnh vực quản lý văn hóa - điều gì khiến anh luôn trăn trở để phát triển văn hóa tới đại chúng và khán giả trẻ?

Đó là câu chuyện của những người đã và đang gồng mình để gìn giữ những nét đẹp về văn hóa - trong đó có nghệ thuật biểu diễn và mối quan hệ dân tộc. Với cá nhân, tôi mong muốn chúng ta có thể học hỏi từ các quốc gia khác. Một số quốc gia đã đưa văn hóa vào bài giảng, có khi là môn học bắt buộc đến hết cấp 1 hoặc cấp 2 - điều này đã tạo nên gốc rễ và nền tảng cho nhiều thế hệ.

Các bạn trẻ đã ăn quen một món ăn mà các bạn yêu thích, muốn các bạn mở lòng đón nhận món ăn mới thì cần đến thời gian và các phương thức phù hợp. Chúng ta đang nhìn thấy các bạn thưởng thức từ trên ngọn thôi, có những bạn sinh viên chỉ khi cần làm bài luận liên quan đến chèo thì mới tìm hiểu về nó - đó là làm cho xong! Nhưng nếu chúng ta có cơ chế từ trong nhà trường thì chính con em cũng sẽ có nền tảng, có kiến thức vững chắc qua việc hiểu giá trị văn hóa truyền thống. Nhờ đó, đam mê sẽ được nuôi dưỡng và hình thành. Chúng ta sẽ có một thế hệ con em được ru bằng lời ru bên nôi và sẽ có thêm nhiều tài năng yêu mến nghệ thuật đó.

NSND Tự Long: Đưa văn hóa truyền thống đến với người trẻ - Đừng đậm đặc, nhưng không được đơn điệu- Ảnh 20.

Nếu chúng ta chỉ dùng văn hóa làm phương tiện để nổi tiếng và kiếm tiền chứ không xuất phát từ sự say mê - câu chuyện sẽ chẳng bao giờ trường tồn. Ngược lại, nếu các bạn trẻ được làm quen với nghệ thuật truyền thống từ nhỏ, các bạn sẽ nhìn nhận nó như hơi thở của cuộc sống, hòa trộn với những sự sáng tạo của thế hệ mình và đưa nó lên một tầm cao mới, song song với việc bảo tồn.

Câu hỏi cuối cùng ạ: Rất nhiều các nghệ sĩ trẻ bày tỏ mong muốn đưa văn hóa truyền thống vào sản phẩm của mình. Có người thành công, có người thất bại. Vậy làm thế nào để tìm ra sự cân bằng trong việc dám làm những thứ mới nhưng không… làm sai?

Điều này phụ thuộc vào đối tượng. Nếu họ làm một sản phẩm đưa ra công chúng nhưng không được chấp nhận thì chứng tỏ họ chưa tìm ra chìa khóa. Khi ra mắt một sản phẩm, bạn cần tìm hiểu, cần mạnh dạn để thêm nếm những thứ mới lạ, cũng như có sự can đảm để dám đương đầu với những ý kiến trái chiều. Đừng quên, những gì liên quan đến văn hóa cần giá trị cốt lõi. Nhìn văn hóa bằng lăng kính khác nhưng cần giữ đúng bản chất và giá trị, đừng bóp méo, tô hồng, thậm chí bôi đen. Hãy làm để tôn vinh nét đẹp bản sắc và nhắc người xem đừng quên những giá trị.

NSND Tự Long: Đưa văn hóa truyền thống đến với người trẻ - Đừng đậm đặc, nhưng không được đơn điệu- Ảnh 21.

Tại sao trong bài Trống Cơm, chúng tôi lại hát bản gốc trước? Chúng ta phải giữ gìn nét đẹp chuẩn mực trước rồi mới từ từ phát triển chứ không thể đột ngột làm khác đi. Đây là câu chuyện liên quan đến trình độ người làm. Tôi rất thích sự phát triển dựa trên những nền tảng truyền thống. Nếu ai đó muốn làm, hãy làm trên sự tôn trọng những giá trị xưa. Mạnh dạn nhưng đừng làm mất đi cái nền vững chắc - đó mới là phát triển mang tính bền vững.

Văn hóa là sự bồi đắp. Văn hóa không tự sinh ra. Dân tộc Việt Nam có truyền thống yêu nước, thương nòi, quật khởi, hiếu khách, thân thiện, yêu hòa bình. Những điều đó đâu phải tự nhiên mới có? Tất cả đều được bồi đắp trong suốt chiều dài lịch sử. Tại sao người ta lại nói Quân đội Nhân dân Việt Nam chiến đấu giỏi, thậm chí người dân cũng chiến đấu giỏi? Bởi chúng ta chiến đấu cho nhà, cho gia đình, cho những người thân yêu - đó là một lý do chính đáng. Chúng ta chiến đấu để bảo vệ Đất nước, gìn giữ hòa bình, chiến đấu vì chính nghĩa. Chúng ta có những tấm gương và hình tượng mà không ai có quyền được làm mất đi. Cái này có thể rất quen và nhiều người đã từng nói, nhưng chúng tôi là những người nghệ sĩ. Chúng tôi muốn mang những hình tượng đó tới công chúng để các bạn hiểu và qua đó sẽ có thêm trách nhiệm với cuộc sống, hiểu rõ giá trị của sự hy sinh. Trách nhiệm với Tổ quốc sẽ nảy sinh từ đây.

Và dù là loại hình nghệ thuật dân tộc nào nhưng đối với nhà hát chúng tôi, đề tài mạnh mẽ nhất vẫn là những câu chuyện thời chiến. Từ những cánh đồng rộng bao la cho đến những dòng sông uốn lượn - tất cả đều là những giá trị trường tồn mang đậm bản sắc dân tộc. Cánh đồng giờ không còn nhiều, dòng sông không còn cuồn cuộn như xưa,... nhưng tất cả vẫn còn lưu giữ trong ký ức, trong trang sách và cả những hình tượng sân khấu. Trách nhiệm của chúng tôi là phải gìn giữ và phát huy nó, lan tỏa tới công chúng thật rộng rãi. Để mỗi lần được xem là các bạn sẽ cùng chúng tôi ngắm nhìn và trải nghiệm lại những vẻ đẹp ấy.

Xin cảm ơn. Nói dài quá. Thế là đủ rồi!

NSND Tự Long: Đưa văn hóa truyền thống đến với người trẻ - Đừng đậm đặc, nhưng không được đơn điệu- Ảnh 22.

NSND Tự Long: Đưa văn hóa truyền thống đến với người trẻ - Đừng đậm đặc, nhưng không được đơn điệu- Ảnh 23.


Diệp Nguyễn
Thái Phạm
Trường Dương

 

Theo Diệp Nguyễn Ảnh:Thái Phạm Thiết kế:Trường Dương

Phụ nữ số

Trở lên trên