Táo Giao thông Chí Trung khẳng định, trong chuyện chọc cười khán giả, luôn có rất nhiều “huyệt để cù”.
Nếu đúng lúc, chỉ cần chạm vào, búng nhẹ hoặc vuốt nhẹ con người đều có thể cười được. Nghệ sĩ hài nhân cách đến đâu sẽ chọn những điểm cù đến đấy.
Chí Trung không bao giờ chọn các huyệt từ rốn trở xuống để cù. Chí Trung luôn chọn từ ngực trở lên và càng chọn vào tri thức càng tốt.
“Rất nhiều người chọn cách cù vào thắt lưng, vào gan bàn chân. Nhưng cái cười đó sẽ kèm theo 1 cú đá, sự khinh miệt. Còn cái cười khi bạn cù trên trán, cù vào bàn tay thì sẽ đi liền với sự tôn trọng.
Tôi luôn nhắc nhở anh em rằng tiếng cười là tốt, nhưng tiếng cười phải kèm theo thông điệp mình gửi gắm. Không bao giờ được chọn những điểm nhạy cảm, điểm xấu hoặc sinh lý để đem chọc cười khán giả”, danh hài đất Bắc nói.
Những câu chốt để đời của Táo quân Chí Trung.
- Sau 15 năm gắn bó với Táo quân, hỏi thật có khi nào anh chán chương trình?
Bạn có thể bỏ cơm để ăn phở, bỏ phở để ăn món khác nhưng chắc chắn bạn không thể bỏ ăn. Táo quân là món ăn tinh thần và chúng tôi là những người làm lên món ăn đó. Vậy khi người ăn thích, thì tại sao người làm ra món ăn lại không hào hứng?
Nếu nói chán đóng Táo quân thì chỉ là sĩ diện thôi. Táo quân đem lại rất nhiều thứ cho nghệ sĩ. Thứ nhất, Táo quân giúp nghệ sĩ có hình ảnh đẹp, vì sân khấu Táo quân là nơi xây dựng hình ảnh rất tốt cho cả 1 tập thể, đem lại niềm vui cho cả đất nước mà. Chỉ có điên thì mới chán Táo quân thôi!
Tôi chưa bao giờ chán Táo quân, nhưng trăn trở thì nhiều.
- Khán giả luôn ấn tượng với những “câu chốt” mà Táo Giao thông nói như “Giàu thì nó ghét, đói rét thì nó khinh”, “Người dân ăn cá urê, ăn rau dầu nhớt, uống chè phân lân”….
Những câu nói này phần lớn là của tác giả kịch bản và của đạo diễn Đỗ Thanh Hải. Rất ít câu là của tôi. Tuy nhiên để người khác nói đôi khi lại không hay bằng tôi. Từ cách nhả chữ, ngắt hơi khi tôi có thể tạo nên cái hài rất “thâm”. Đó là style riêng, là cái để khán giả nhớ tới và yêu mến tôi.
Với những danh hài gạo cội như anh tham gia Táo quân chắc chắn không phải vì tiền, vì cát-xê không hề lớn. Vậy thực chất, cái mà các anh được từ là gì?
Bỏ qua tôi sang 1 bên, mà nói về các nghệ sĩ khác của Táo quân thì số tiền suốt cả tháng tập luyện, cả ngày quay quần quật ở Táo quân chỉ bằng 1 show mà các bạn ấy chạy show ở đâu đó thôi, nhưng khi đến với Táo quân, không ai nhắc tới tiền cả. Không phải là các bạn ấy không cần tiền mà bởi cái chúng tôi “được” từ Táo quân khi chẳng có giá nào mua được! Đó là tình yêu, tình cảm của số đông khán giả.
NSƯT Chí Trung: "Tôi lên Giám đốc sụt mất 9 kg"
- Vài năm gần đây, một số ý kiến cho rằng chương trình ngày càng nhạt, càng ít dám “đụng chạm”. Họ đòi hỏi chương trình phải đanh thép hơn, phải khái quát được nhiều vấn đề nhức nhối trong xã hội hơn, anh nghĩ sao về điều này?
Nhân vô thập toàn, những ý kiến khen chê lẫn lộn là đương nhiên. Làm gì có nhà hàng ăn nào mà được thực khách cả thế giới quỳ lết để ăn hết từng món trong đó đâu? Phải có người khen kẻ chê và đa phần khen thế là tốt lắm rồi!
Phải tốt thì chương trình mới tồn tại được 15 năm nay, phải tốt thì đến đêm 30 nhà nhà mới ngồi ngóng đợi chương trình. Bạn thử tưởng tượng đêm 30 mà không có chương trình, sẽ ra sao?
Tất nhiên, rồi người ta sẽ quen thôi nhưng khán giả đã quen với nhạc hiệu của chương trình, quen với tiếng cười giòn giã, những điều mà Táo quân “điểm huyệt” xã hội trong năm rồi!
Còn nhiều người nhận xét rằng Táo quân nhạt và ít dám “đụng chạm” nghĩa là họ đã quá kỳ vọng ở chương trình, họ coi chương trình như một thứ vũ khí mất rồi! Có rất nhiều những tàn dư trong xã hội, hằng ngày báo chí, các cơ quan đoàn thể lên án, thậm chí là cả xã hội cùng chung tay bài trừ nhưng đâu có giải quyết một cách triệt để được?
Vậy thì tại sao lại bắt Táo quân – 1 chương trình nghệ thuật trở thành vũ khí dẹp loạn để ngay sau khi chương trình phát sóng thì xã hội sẽ tốt lên? Tại sao chúng ta lại đặt nặng mong ước của mình về sự công bằng của xã hội lên vai những người sản xuất chương trình? Khán giả đang quá hoang tưởng vì điều này rồi.
Cũng có người đặt câu hỏi: Tại sao Táo quân lại quảng cáo nhiều thế? Tôi chỉ xin hỏi một câu: Không quảng cáo thì lấy đâu ra tiền để mà sản xuất?
- Được xem là đàn anh lớn tuổi nhất trong đội ngũ Táo quân, anh đánh giá ai có diễn xuất ấn tượng nhất?
Tôi có thể thẳng thắn nhận định, tôi là khâu yếu nhất trong đội ngũ Táo quân. Nhưng cái “chất” của tôi lại không thể thiếu được. Táo quân giống như 1 bản nhạc cần có những nốt cao, những trường độ khác nhau để kết hợp nhuần nhuyễn với nhau. Trong bản nhạc đó, tôi là 1 âm sắc trầm. “Chất hài” của tôi là hài thâm trầm, lý tính.
Tôi từng nhiều lần xin đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho rút lui khỏi đội ngũ đóng Táo quân nhưng bị từ chối. Ban đầu tôi còn tưởng vì Hải quý tôi nên mới không đồng ý, nhưng sau này Hải mới nói rằng giữ tôi lại để giữ 1 “cái trụ”, để phục vụ những khán giả lớn tuổi, những người thích sự thâm trầm sâu lắng.
Người diễn duyên nhất trong Táo quân phải kể đến Xuân Bắc, Tự Long, Quang Thắng, Vân Dung, Công Lý, Quốc Khánh và cuối cùng mới đến tôi. Nếu chỉ được chọn 1 người để kể tên thì phải kể tới Xuân Bắc, Tự Long.
- Các nghệ sĩ tham gia Táo quân khi nhắc tới đạo diễn Đỗ Thanh Hải đều dùng những mỹ từ và sự nể nang nhất định. Trong mắt anh thì sao?
Sự có mặt của Hải là “linh hồn sống” giúp chúng tôi liên kết, hợp tác được với nhau. Hải không chỉ có chuyên môn mà còn là người đủ bản lĩnh để dung hòa, kết nối những cái tôi rất lớn của làng hài cả Bắc và Nam.
Cá nhân tôi tuy lớn tuổi, là đàn anh của Hải nhưng tôi luôn dành cho Hải sự ngưỡng mộ và quý mến.
Từ năm thứ 13, Đỗ Thanh Hải từng muốn chuyển giao công việc này cho 1 đạo diễn khác làm nhưng đều không được. Vì khi Hải chỉ nói sẽ không làm nữa thì toàn bộ anh em diễn viên cũng bỏ cuộc họp để đi về hết! Như vậy là đủ để thấy Đỗ Thanh Hải có sức ảnh hưởng như thế nào tới Táo quân rồi nhỉ?!
- Nghe nói ngoài Đỗ Thanh Hải, anh còn rất yêu “cưng” Đinh Tiến Dũng – Cù Trọng Xoay. Thậm chí đã kéo Đinh Tiến Dũng từ FPT về Nhà hát tuổi trẻ vì quá yêu mến?
Với tôi thì Đinh Tiến Dũng là một “vưu vật”, sau Đỗ Thanh Hải. Không phải tôi phát hiện ra tài năng của Đinh Tiến Dũng đâu mà Đỗ Thanh Hải phát hiện ra đấy. Dũng là 1 trong số 6 người viết kịch bản thường xuyên cho VTV. Dũng thông minh và có 1 sự duyên dáng, siêu việt cực kỳ. Tôi thực sự cảm phục Dũng.
Nhưng cũng phải nói luôn là tôi không phải là người “kéo” Dũng từ FPT về nhà hát Tuổi trẻ. Khi Dũng hơi chán FPT, cậu ấy nhầm tưởng rằng nhà hát Tuổi trẻ là nơi cậu ấy có thể dung thân, cậu ấy đã chạy về đây.
Nhưng rồi phát hiện ra ở nhà hát Tuổi trẻ chẳng kiếm thêm được nhiều tiền nên cậu ấy lại rời đi và về truyền hình FPT.
Tuy vậy, tình cảm giữa chúng tôi, giữa Dũng và nhà hát là có thật chứ tôi không thể “kéo” được Đinh Tiến Dũng về nhà hát Tuổi trẻ đâu. Vì ngoài tình cảm, ngoài đam mê thì Dũng còn phải nuôi gia đình nữa.
Dù thế nào trong mắt tôi Dũng là một trong số những người đàn ông vô cùng tài hoa. Vừa rồi, khi tham gia chương trình Quyền lực ghế nóng, tôi có nói với NSX rằng: Nếu không mời Đinh Tiến Dũng thì chương trình sẽ “chết”. Ngoài ra, tôi cũng đang hợp tác với Dũng trong một số chương trình khác. Trên bàn của tôi, quá nửa số kịch bản của Nhà hát Tuổi trẻ là do Dũng viết.
- Từ khi làm thành Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, anh có thay đổi nhiều không?
Từ khi làm Giám đốc tới giờ, tôi gầy đi 9kg. Tôi chỉ mong mau chóng kết thúc nhiệm kỳ của mình thôi. Tôi vẫn nói với anh em trong nhà hát rằng chúng tôi đang ở trên 1 con tàu. Người ngoài nhìn vào thì thấy con tàu ấy cờ hoa rực rỡ nhưng trong thân tàu thì đã mục ruỗng hết rồi. Vậy thì bây giờ hoặc là chết chìm cùng nó, hoặc là cứu lấy nó.
- Anh định cứu con tàu đó ra sao?
Hiện tại, chúng tôi không có những khán giả sẵn sàng bỏ tiền mua vé vào xem kịch. Nhưng tôi không trách khán giả, mà trách chính chúng tôi vì đã không đem đến cho họ những món ngon để họ chú ý tới mình.
Sắp tới, tôi sẽ thay đổi toàn bộ, từ đường hướng phát triển cho tới diện mạo của Nhà hát. Tôi sẽ quy hoạch để trong lòng nhà hát có 1 quán café – nơi mà nghệ sĩ có thể ra chào hỏi, trò chuyện với khán giả khi họ tới thăm nhà hát.
Còn trên sân khấu, chúng tôi cũng thay đổi, sẽ diễn ít thôi nhưng phải thật “chất”. Tôi sẽ biến sân khấu trở thành một thánh đường thực sự, để nghệ sĩ phải thèm muốn được bước lên thánh đường đó chứ không phải như bây giờ, ai lên cũng được.
Không chỉ phân loại nghệ sĩ, thay đổi chủ trương biểu diễn mà sắp tới tôi cũng sẽ phân loại cả khách hàng nữa. Bên cạnh những vở kịch vui cười, hài hước và dễ xem sẽ là những vở mang tính chất nghệ thuật, tâm lý cao hơn.
Với những vở kịch này, chúng tôi sẽ giới hạn khán giả, sẽ thông báo cho họ ngay khi mua vé rằng tính chất vở kịch như thế này, thế kia để họ lựa chọn.
Khi khán giả vào rạp, khán giả sẽ không sử dụng điện thoại di động, sẽ mặc trang phục trang trọng, phù hợp. Vì khán giả đến rạp không phải chỉ là để xem 1 vở kịch mà còn là để gặp gỡ giao lưu, để hòa nhập với nhau, để tương tác với diễn viên và với chính vở kịch mà mình đang xem.
Rạp cũng sẽ cho các đơn vị khác thuê nhiều vào để kéo nhiều hương sắc cho nhà hát. Rạp hát là để hoạt động nghệ thuật chứ không phải chỉ nghệ sĩ của nhà hát diễn ở trên đó.
Cũng có một số ý kiến “bật” lại chủ trương của tôi, cho rằng tôi quá nóng vội. Nhưng nếu không vội vàng thì thời gian trôi đi nhanh lắm. Tôi rất muốn bằng kinh nghiệm và tâm huyết của mình tôi có thể giúp đỡ, thay đổi một chút cho các thế hệ nghệ sĩ đời sau.
Trí thức trẻ