img

Cuối năm 2018, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama chia sẻ một danh sách các nhà lãnh đạo đã truyền cảm hứng cho ông trong năm. Mỗi nhà lãnh đạo trong danh sách này đều góp phần quyết định vào việc "xây dựng tương lai tốt hơn" - một tương lai mà họ muốn thấy trên khắp thế giới. Và một trong số những cái tên được ông Obama nhắc đến là "cô Hồng của Việt Nam" - nhà bảo vệ môi trường lĩnh xướng các sáng kiến ​​ở Đông Nam Á thúc đẩy bảo tồn năng lượng.

"Tôi có thể nói với mọi người điều tôi thực sự tin", ông Obama nói, "Đó là nếu chúng ta chịu trách nhiệm liên quan đến số phận của chính mình, nếu chúng ta tham gia, nếu chúng ta nói ra, nếu chúng ta tình nguyện, nếu chúng ta thấy niềm vui đến từ các dịch vụ cho người khác, thì tất cả những vấn đề mà chúng ta gặp phải đều có thể giải quyết được. Điều quan trọng không phải là quy mô hành động, điều quan trọng là bạn sẽ thực hiện nó như thế nào.

Các nhà lãnh đạo như cô Hồng đã vận động phong trào thanh niên hành động vì thế giới xanh, sau khi trở thành người Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Nam Cực".

Nữ Anh hùng khí hậu Hoàng Thị Minh Hồng: Cai đồ nhựa cũng khó như bỏ thuốc lá! - Ảnh 1.
Nữ Anh hùng khí hậu Hoàng Thị Minh Hồng: Cai đồ nhựa cũng khó như bỏ thuốc lá! - Ảnh 2.

Từ bên kia Trái đất, chị cảm thấy thế nào khi tên mình xuất hiện trong danh sách 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam do Forbes bình chọn? 

Tất nhiên tôi cảm thấy rất vui, rất hãnh diện. 

Kỳ thực hôm đó tôi còn đang đi hội thảo, đến tối về lên Facebook thấy bạn bè ở Việt Nam chia sẻ bài viết của Forbes, tôi mới biết đấy chứ! Rồi mọi người nhắn tin chúc mừng tíu tít. 

Nữ Anh hùng khí hậu Hoàng Thị Minh Hồng: Cai đồ nhựa cũng khó như bỏ thuốc lá! - Ảnh 3.

Cái làm cho tôi vui hơn cả là trong danh sách này có khá nhiều chị em làm trong lĩnh vực phi lợi nhuận, làm công tác xã hội. Tôi vẫn nghĩ tạp chí Forbes thường chỉ tập trung vào giới kinh doanh. 

Đúng là chưa bao giờ tôi nghĩ mình lại có ngày được "sánh vai" cùng những tên tuổi rất đáng nể trong các lĩnh vực khác nhau. Và việc đó cũng nói lên một điều, là xã hội hiện nay đang công nhận vai trò của các tổ chức phi lợi nhuận, rằng các công việc xã hội như bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ con người, giúp đỡ những người yếu thế,... cũng là những việc quan trọng không kém các lĩnh vực kinh tế, chính trị, khoa học. 

Được góp mặt trong danh sách lần này càng làm cho tôi cảm thấy có động lực mạnh mẽ hơn để tiếp tục theo đuổi những đam mê của mình.

Là một người hoạt động môi trường, chị đánh giá thế nào bức tranh toàn cảnh môi trường thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng suốt một năm qua? Có những dấu hiệu cảnh báo và những tín hiệu đáng mừng nào về ý thức của người dân đối với môi trường sống? 

Năm 2018, thế giới đã có rất nhiều tin vui về môi trường: Đây là năm kỷ lục về sử dụng năng lượng tái tạo trên khắp thế giới. Giá tiền năng lượng gió và năng lượng mặt trời tiếp tục hạ thấp hơn nữa. Rất nhiều nước trên thế giới đã ban hành luật cấm đồ nhựa dùng một lần, thậm chí "Ngày Trái đất năm 2018" cũng chọn chủ đề này và 1 tỉ người tại 192 quốc gia đã cùng cam kết chống lại ô nhiễm nhựa. 

Lỗ thủng tầng ozone đã thu nhỏ và dự đoán tới năm 2060 sẽ được đóng kín lại hoàn toàn theo nghiên cứu của Liên Hợp Quốc. Đây là tín hiệu rất khả quan vì năm 2017, thời điểm tôi đi Nam Cực, lỗ thủng tầng ozone được phát hiện từ những năm 80 này rất lớn và gây quan ngại cho giới khoa học. Chính nhóm chúng tôi cũng cảm nhận được sự nguy hiểm khi da của mình bị cháy nắng do không có lớp ozone bảo vệ khỏi những tác động tiêu cực của tia cực tím.

Trung Quốc đã có những bước tiến dài trong cuộc chiến chống ô nhiễm, cắt giảm khoảng 32% lượng bụi mịn trong không khí so với 4 năm trước, giúp cải thiện đáng kể sức khoẻ và tăng tuổi thọ của người dân. Và đặc biệt Trái đất đã trở nên xanh hơn, nhiều cây hơn so với cách đây 20 năm - vì những nỗ lực trồng rừng của Trung Quốc và Ấn Độ.

Tuy nhiên, thách thức vẫn còn đó. Năm 2018 là năm Trái đất nóng thứ 4 trong lịch sử được khoa học ghi nhận. Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, nhiều khả năng năm 2019 Trái đất sẽ còn nóng hơn 2018. Cùng với đó, trong năm vừa qua, NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ) tuyên bố mực nước biển trên toàn cầu đang dâng lên với vận tốc nhanh hơn các dự tính trong các nghiên cứu trước đó rất nhiều. Băng tan quá nhanh ở 2 đầu cực đe doạ các nước có bờ biển thấp (trong đó có Việt Nam). Với đà này thì tới năm 2100, thế giới sẽ có tới 2 tỉ người phải chuyển chỗ ở do nước biển dâng.

Năm 2018 cũng đã xảy ra rất nhiều thiên tai nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, điển hình như các vụ cháy rừng khủng khiếp ở Mỹ và châu Âu, những trận bão và mưa lớn bất thường. Các loài động vật hoang dã tiếp tục bị đưa vào danh sách nguy cấp. Voi, tê giác, tê tê, hổ - những loài vốn bị tiêu thụ trái phép, vẫn đang tiến đến gần hơn với nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu.

Nữ Anh hùng khí hậu Hoàng Thị Minh Hồng: Cai đồ nhựa cũng khó như bỏ thuốc lá! - Ảnh 4.

Ở Việt Nam, tình trạng môi trường cũng rất đáng quan ngại. Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí đứng thứ hai trong toàn khu vực Đông Nam Á. Vậy mà, Việt Nam vẫn là quốc gia phát triển nhiệt điện than đứng thứ 3 trên thế giới (năm trước đó còn đứng ở vị trí thứ 5).  Điều này chắc chắn sẽ làm tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam ngày càng tệ hơn. 

Không chỉ ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất và nguồn nước vẫn ngày càng nghiêm trọng do thuốc bảo vệ thực vật, rác sinh hoạt, rác công nghiệp và các chất thải nguy hại không có hệ thống xử lý tử tế. Trong khi đó, các cơ sở vi phạm thì không bị giám sát và xử lý. 

Trong lĩnh vực động vật hoang dã vẫn còn nhiều con số đáng buồn: Chỉ trong vòng một tháng đầu năm 2019, hải quan Hong Kong bắt giữ số vảy tê tê kỷ lục – 8,3 tấn, cùng 1.000 ngà voi, tương đương khoảng 13.000 con tê tê và 500 con voi bị giết hại, cùng với 40kg sừng tê giác. Tổng 2 lô hàng trị giá khoảng 207 tỉ VND và đều có đích đến là Việt Nam.

Tuy nhiên, tôi vẫn nhìn thấy ở Việt Nam những câu chuyện đáng mừng. Chưa bao giờ tôi thấy phong trào giảm nhựa phát triển mạnh mẽ như trong năm vừa qua. Không chỉ các tổ chức phi chính phủ như CHANGE, mà rất nhiều các nhóm sinh viên, các nhóm start-ups, các doanh nghiệp, và cả các cơ quan ngoại giao (đại sứ quán…) đã tự phát động chiến dịch giảm nhựa của riêng mình. Các giải pháp cho đồ nhựa dùng một lần ngày càng được nhiều các bạn khởi nghiệp chọn theo đuổi. Gần đây, nổi bật nhất là câu chuyện về những cơ sở sản xuất thực phẩm ở Đồng Tháp với giải pháp làm ống hút từ bột gạo. 

Việc hưởng ứng của cả xã hội mới là điều kiện tiên quyết để Việt Nam giảm thiểu nhựa. Có lẽ chính cái phong trào lớn mạnh trong cộng đồng này đã có những tác động nhất định để Bộ Tài nguyên và Môi trường cân nhắc lộ trình giảm nhựa bằng các chính sách và điều luật.

Nữ Anh hùng khí hậu Hoàng Thị Minh Hồng: Cai đồ nhựa cũng khó như bỏ thuốc lá! - Ảnh 5.

Có một phong trào đang bùng lên mạnh mẽ với giới trẻ, đó là Zero Waste. Có người đã thay đổi hẳn thói quen trong sinh hoạt, hạn chế được tối đa việc dùng và thải đồ nhựa nhưng cũng có những người chỉ "Zero Waste" được một thời gian thì lại trở về với nếp sống cũ.

Chị có thể giải thích rõ hơn về 2 từ Zero Waste và ý nghĩa thực sự của nó?

Zero Waste không phải là chỉ hạn chế dùng và thải đồ nhựa. Zero Waste (Không rác thải) thực chất là cái đích cuối cùng của một lối sống xanh, là sống hoàn toàn không xả rác ra môi trường, thông qua việc cắt tất cả những tiêu dùng không cần thiết, kết hợp với tái sử dụng và tái chế 100% tất cả các nguồn nguyên vật liệu sử dụng trong sinh hoạt. Tất nhiên là không sử dụng các loại vật liệu đóng gói hay bất cứ vật liệu gì dùng một lần. 

Đây thực ra là một lối thực hành rất khó và hoàn toàn không thể là chuyện làm được ngay trong ngày một ngày hai. Vậy nên khi mọi người nói tới Zero Waste, thì mình nên hiểu đó là một quá trình thay đổi từng bước nhỏ, giảm dần từng thứ, cái dễ làm trước, để hướng tới mục tiêu cuối cùng là cắt giảm hoàn toàn. 

Theo tôi, Zero Waste không phải là một khái niệm hoàn hảo tuyệt đối, mà nó là một lối sống mà theo đó bạn đưa ra những lựa chọn "xanh" hơn để giảm tác động của mình. Khi bạn hiểu được sâu xa ý nghĩa của việc đó, bạn sẽ hiểu được rằng Zero Waste sẽ không phải là ít vứt đồ đi hơn, mà là bạn sẽ không mua món đồ đó từ đầu. Ngay cả với Lauren Singer - cô gái trẻ sống tại thành phố New York nổi tiếng vì 6 năm qua gần như không xả rác - cũng bắt đầu từ thói quen nho nhỏ mà mỗi người có thể thay đổi dần dần, chứ không phải ngay lập tức mà có thể Zero Waste tuyệt đối.

Nữ Anh hùng khí hậu Hoàng Thị Minh Hồng: Cai đồ nhựa cũng khó như bỏ thuốc lá! - Ảnh 6.

Theo chị, kiên trì theo lối sống Zero Waste liệu có khó hay không? 

Đúng là đi theo lối sống Zero Waste quả thực rất khó, đòi hỏi sự kiên trì và kiên định, nhất là khi sống trong một xã hội tiêu thụ như hiện nay. Đồ nhựa dùng một lần thì quá tiện dụng và miễn phí (như túi nilon, ống hút, cốc nhựa, hộp xốp,…). Và vì cạnh tranh nên người bán chẳng ai muốn tính thêm phí vì sợ mất khách hàng. 

Tính tiện dụng của đồ nhựa dùng 1 lần có lẽ là cái khó vượt qua nhất. Cứ đi tay không ra chợ mua thức ăn rồi tới hàng nào cũng có cái túi nilon xách về tiện hơn hẳn so với việc phải lỉnh kỉnh xách giỏ. Rồi thì dùng hộp đựng thịt cá, đi mua cà phê lấy ly nhựa, mua gói xôi lấy hộp xốp sẽ dễ dàng hơn hẳn so với việc lúc nào cũng phải nhớ để xách theo bình nước, hộp cơm của mình. Ăn xong thì quăng luôn đỡ phải đi rửa, đặc biệt là trong thời buổi ai cũng bận rộn thế này. 

Hoặc là với chị em phụ nữ hiện nay, chắc chắn ai cũng quen dùng băng vệ sinh hay tampon loại dùng xong vứt đi. Bây giờ thử thuyết phục mọi người dùng băng vải, hoặc cốc nguyệt san, chắc chắn là vô cùng khó.

Vậy chúng ta nên bắt đầu từ đâu? 

Từ những việc dễ nhất trước! Như tôi đã nói ở trên, Zero Waste là cả một quá trình rèn luyện những thói quen hàng ngày để bản thân vứt đi ngày càng ít rác thải. Hãy nghĩ đến những việc dễ nhất mà chúng ta có thể làm được. 

Đối với tôi, cái dễ nhất là cái ống hút, vì ngày xưa thời bọn tôi còn trẻ, có ống hút đâu mà vẫn đi cà phê, ăn chè, ăn sinh tố bình thường. Vậy hãy cố gắng bỏ cái đó trước. 

Hoặc với một số bạn sinh viên, bỏ ngay nước đóng chai là dễ nhất. Các bạn có thể tự mang theo bình nước cá nhân, vì đằng nào mua nước suối đóng chai cũng tốn tiền, nên rất dễ bỏ nếu tính bài toán kinh tế ở đây. 

Một cách nữa tôi thấy rất hữu hiệu, là làm các sản phẩm tái sử dụng thật là sành điệu, thời trang, hoặc siêu "cute", thì sẽ "dụ" được chị em phụ nữ thích điệu đà hoặc các bạn trẻ. Ví dụ, tôi thấy những túi xách đi chợ làm bằng cói có thêu tay rất cầu kỳ, hoặc những túi vải in hình ngộ nghĩnh, chắc chắn nhìn vậy mọi người sẽ khoái dùng để đi chợ thay cho túi nilon ngay. 

Tôi nhớ bản thân không dùng túi nilon đi chợ từ khoảng năm 2005, khi tôi có thời gian công tác ở Thuỵ Sĩ. Tại thị trấn tôi ở, các siêu thị hoàn toàn không hề cho túi nilon. Nếu không mang túi đi chợ theo thì bạn buộc phải mua túi của họ rất đắt tiền, xót quá nên tôi lúc nào cũng nhớ kè kè mang theo cái túi vải.

Tất nhiên đấy mới chỉ là bước đi đầu tiên đến gần hơn với Zero Waste, còn để giữ mình không bị một thời gian quay lại thói quen cũ, thì chắc chắn mọi người phải thật sự nhận thức được vấn đề. Zero Waste là quá trình bạn thay đổi cách nghĩ về việc tiêu thụ của mình, nhìn nhận rõ được cái gì bạn thật sự cần, cái gì "có thì vui, không có cũng chẳng chết". 

Cho nên, một thói quen quan trọng của Zero Waste không phải là giảm việc vứt đi, mà là… giảm mua, hoặc mua một cách khôn ngoan, chỉ mua những gì mình thật sự thích, để không phải vứt đi trong tương lai. Khi đi chợ chỉ chọn mua những thứ không có bao bì nhựa hoặc ít nhất thì cũng chọn loại nào ít bao bì, hoặc bao bì giấy. Những điều này đòi hỏi lúc nào chúng ta cũng phải nghĩ, phải để ý, chứ không xuề xoà được. Nếu như chúng ta đổi thói quen vì "ham vui", vì đi một cái sự kiện hay hay thấy hứng lên thì làm, hoặc vì muốn có cái ảnh khoe Facebook, thì một thời gian ngắn sẽ "ngựa quen đường cũ" ngay.

Nữ Anh hùng khí hậu Hoàng Thị Minh Hồng: Cai đồ nhựa cũng khó như bỏ thuốc lá! - Ảnh 7.

Quan trọng nhất, chúng ta phải học cách thay đổi quan niệm, cách suy nghĩ. Ví dụ như tôi, biết về cốc nguyệt san cũng lâu rồi, mà vẫn thấy ngại dùng quá, thành thử cứ lần lữa mãi, cho tới khi tham gia chương trình Học giả Obama lần này.

Tôi gặp một bạn Singapore, là người sáng lập ra doanh nghiệp xã hội sản xuất và phân phối sản phẩm có tên là Freedom Cup, theo mô hình mua 1 cho 1 - một người có tiền mua 1 sản phẩm thì doanh nghiệp xã hội của bạn ấy sẽ tặng 1 sản phẩm cho một phụ nữ thu nhập thấp không có tiền mua.

Bạn ấy mô tả về lượng rác thải mà một phụ nữ trung bình thải ra trong suốt cuộc đời dùng băng vệ sinh hay tampon. Tôi tự thấy kinh hoàng quá và quyết định chuyển ngay sang dùng Freedom Cup. 

Ngoài ra, tôi nghĩ một điều kiện rất quan trọng để giữ vững thói quen Zero Waste là các bạn phải ở trong một cộng đồng toàn những người Zero Waste như mình. Hoặc dụ dỗ bạn bè, hoặc kiếm tìm những cộng đồng như vậy, các bạn sẽ luôn có động lực và các bí quyết để thực hiện lối sống này. Còn nếu xung quanh không có ai hưởng ứng, thì rất dễ chỉ một thời gian ngắn là... "tèo".

Nữ Anh hùng khí hậu Hoàng Thị Minh Hồng: Cai đồ nhựa cũng khó như bỏ thuốc lá! - Ảnh 8.

Nếu áp dụng ở Việt Nam lối sống này, chị nghĩ có khả quan không, khi mà nhựa vẫn luôn được xem là vật bất li thân với người dân?

Ở Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào cũng vậy thôi, áp dụng lối sống này không phải dễ dàng. 

Ngay cả khi tôi sang Mỹ - một đất nước tân tiến, văn minh, tôi từng nghĩ người dân tại đây "Zero Waste" nhiều lắm. Nhưng không phải, bên này mọi người dùng đồ nhựa một lần chẳng kém gì Việt Nam, thậm chí còn nhiều hơn. Tuy nhiên hệ thống tái chế của họ tốt hơn hẳn Việt Nam, nên rác thải nhựa của họ không bị đổ ra môi trường nhiều.

Nói chung Zero Waste hiện nay vẫn mới chỉ phổ biến ở một nhóm nhỏ, thường là giới trẻ - những người có tư duy tích cực, có ý thức về môi trường. Họ thật sự tin việc giảm thiểu tác động của mình sẽ giúp chính mình có một môi trường tốt đẹp hơn để sống. 

Việc "cai" đồ nhựa trong xã hội hiện nay cũng khó như bỏ thuốc lá. Điều quan trọng là phải có những sản phẩm thay thế cũng tiện dụng và rẻ, đồng thời phải liên tục truyền thông để mọi người hiểu về tác động tiêu cực của đồ nhựa dùng một lần, không chỉ ảnh hưởng lên môi trường mà còn ảnh hưởng cả sức khoẻ con người. 

Nữ Anh hùng khí hậu Hoàng Thị Minh Hồng: Cai đồ nhựa cũng khó như bỏ thuốc lá! - Ảnh 9.

Thay đổi ngay lập tức thì không hy vọng, nhưng tôi thấy phong trào đang ngày càng lan toả rất nhanh. Bên cạnh đó, tôi cũng đặt nhiều kỳ vọng vào công nghệ, tôi tin là sẽ sớm có những sáng chế, giải pháp về công nghệ để giải quyết cuộc khủng hoảng rác thải nhựa. 

Từ bỏ đi kèm với thay thế, theo chị cần bao nhiêu thời gian để các sản phẩm nilon, nhựa được thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường (như ống hút tre, cỏ, inox...) vì trên thực tế, giá thành sản xuất các loại ống hút này khá cao và không tiện dụng như ống hút nhựa?

Tôi nghĩ để thay thế hoàn toàn thì phải mất nhiều năm, vì số lượng các doanh nghiệp, nhà hàng chấp nhận trả chi phí cao hơn để dùng ống hút giấy, ống hút cỏ,... không phải nhiều. Thời gian vừa qua trên thị trường đã có sản phẩm ống hút bằng bột gạo, giá thành cũng không phải là đắt, đây có thể là giải pháp tuyệt vời trong thời gian chúng ta chờ đợi một công nghệ gì đó mới để làm ra các sản phẩm thay thế có thể tự phân huỷ hữu cơ mà giá thành không quá cao. 

Tôi vẫn nghĩ Chính phủ Việt Nam cần phải sớm đưa ra lệnh cấm đồ nhựa dùng một lần, rất nhiều Quốc gia hoặc thành phố khác đã làm được. Một khi đã có lệnh cấm, các doanh nghiệp sẽ tự thân vận động và nhanh chóng thúc đẩy việc tìm ra giải pháp thay thế. 

Nhưng trong lúc chờ đợi thì tôi vẫn hy vọng người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ, thay đổi thói quen của mình, giảm thiểu dùng đồ nhựa để hướng tới một lối sống thân thiện môi trường, sành điệu và văn minh hơn.

Gần đây người ta hay hỏi nhau "Tiền nhiều để làm gì?", bản thân chị Hồng có bao giờ tự trả lời câu hỏi đó?

Tôi chưa bao giờ có nhiều tiền, nên cũng không biết tiền nhiều thì để làm gì. Nhưng nếu cố hình dung, tôi nghĩ nhiều tiền chắc cũng chỉ để mình có một cuộc sống tốt đẹp, thoải mái, cho mình và cho những người mình yêu thương. 

Có nhiều tiền thì chắc sẽ không còn lo nghĩ "Phải làm gì để có tiền?", đầu óc sẽ rảnh rang và làm được nhiều việc lớn. Có nhiều lúc tôi và nhóm trẻ ở CHANGE có những ý tưởng dự án môi trường rất tuyệt vời, nhưng kiếm không ra tài trợ, nên dự án cứ mãi mãi chỉ là ý tưởng. Những lúc đó thì nghĩ, tiền nhiều là để... "cứu thế giới".

Cũng có những lúc tôi ngồi mơ màng và nghĩ, tôi mà có nhiều tiền, tôi sẽ lập một cái quỹ và đầu tư vào hai thứ. 

Một là đầu tư cho các bạn trẻ hiện đang làm việc trong giới phi lợi nhuận - những con người rất tâm huyết, muốn đóng góp vào những thay đổi tích cực trong xã hội và muốn giúp đỡ người khác. Họ chấp nhận lương và các cơ hội kém hơn rất nhiều so với đi làm cho doanh nghiệp. Tôi sẽ hỗ trợ ngân sách cho dự án của các bạn, hoặc cho tiền để các bạn đi học thêm những kỹ năng trong các khoá học cần thiết.

Hai là đầu tư cho việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới để giải quyết các vấn đề môi trường hiện nay. Vì sao công nghệ đã và đang thay đổi thế giới này nhưng công nghệ cho việc xử lý rác thải hay ô nhiễm cứ ì ạch mãi chưa ra cái gì có thể gọi là đột phá? 

Nhưng thôi, người ta bảo, chỉ những người không có tiền thì mới suy nghĩ kiểu này (cười).

Cảm ơn chị Hoàng Thị Minh Hồng về cuộc trò chuyện này.

Nữ Anh hùng khí hậu Hoàng Thị Minh Hồng: Cai đồ nhựa cũng khó như bỏ thuốc lá! - Ảnh 10.
Minh Nhân
nhatanhngx, Minh
Theo Trí Thức Trẻ21.03.2019

Theo Minh Nhân Thiết kế: nhatanhngx, Minh

Trí thức trẻ

Trở lên trên