Tôi quyết định gặp gỡ chị chỉ trước ngày 8/3 này khoảng 1 tuần. Những cuộc gọi chốt hẹn ngắn ngủi tới những phút giây trễ hẹn vì các cuộc họp dồn dập ngày đầu năm đủ cho thấy người phụ nhỏ bé này bận rộn như thế nào. Nhưng tôi đợi được vì biết rằng mình sẽ có một câu chuyện hay cho hôm nay.
Thật vậy, ẩn sau con người hay cười nói kia là những hy sinh cho sự nghiệp, góp một phần công sức xây dựng hình ảnh đại lý Chevrolet Thăng Long-Đại Việt. Nhưng cuộc đời có mấy khi công bằng. Chị thừa nhận mình không phải là một người có được cuộc sống tròn vẹn với rất nhiều dấu mốc cuộc sống đã phải vượt qua. Nhưng chính sự chủ động, mạnh mẽ đã giúp chị đối diện, cân bằng để có cuộc sống tốt đẹp, viên mãn như bây giờ.
Chào chị, cảm ơn chị đã nhận lời phỏng vấn. Có một câu hỏi dẫu chung chung nhưng tôi vẫn muốn biết: Cơ duyên nào đã dẫn chị tới với ngành xe vậy?
Thực ra cái duyên tới với ngành xe là rất tự nhiên. Vào năm 2002, tôi tốt nghiệp đại học ra trường. Lúc đó cũng chỉ nghĩ được là mình cần một công việc mà mang lại thu nhập tốt, có cơ hội rèn luyện bản thân, để qua đó mình trưởng thành và phát triển được sự nghiệp. Tôi nhìn ra nghề sale ô tô có thể đáp ứng được mục đích và thỏa mãn được ước mơ của mình. Thế là tôi nộp đơn vào vị trí tư vấn bán hàng của Toyota Giải Phóng cùng năm đó, và rất khó khăn nỗ lực tôi mới trúng tuyển đấy (cười).
Vậy sao chị lại chuyển từ Toyota sang với thương hiệu Chevrolet như ngày nay?
Tôi làm sale được 5 năm tại Toyota Giải Phóng. Với tôi, tới nay, nơi đó vẫn là mái nhà. Nơi đó cho tôi kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng, trình độ, lòng nhiệt huyết, để tôi có thể trưởng thành như bây giờ. Tới năm 2007, tôi quyết định ra lập nghiệp với hoạt động kinh doanh xe nhập khẩu. Sau đó, do Thông tư 20 khiến việc kinh doanh xe nhập khẩu gặp nhiều khó khăn nên tôi đã quyết định thay đổi lại định hướng kinh doanh và gia nhập ngôi nhà GM Việt Nam và ra mắt thương hiệu đại lý Chevrolet Thăng Long từ đó. Tôi nhìn thấy tương lai của sự bứt phá và phát triển của thương hiệu lớn này nên đã kêu gọi mọi người cùng chung tay đầu tư cho Chevrolet.
Vậy là đã 16 năm chị trong ngành xe rồi. Câu chuyện nào khiến chị không thể quên được?
Với tôi, trải nghiệm là quá nhiều vì tình yêu với công việc quá lớn. Những kỷ niệm trên cương vị người bán xe hay là nhà điều hành kinh doanh ô tô đều rất nhiều nên tôi không muốn nhắc tới từng việc nhỏ lẻ. Chỉ biết rằng, khi còn là sale, tôi quá xúc động trước tình cảm của khách hàng. Tôi liên tục nhận được rất nhiều quà tặng của khách hàng, nào gạo, ngô, khoai, sắn, lại còn cả gà nữa cơ (cười)… quá nhiều thứ. Cái tình sau những giao dịch bán hàng cho khách luôn rất lớn và ý nghĩa với tôi. Đó chính là nguồn động viên rất lớn để tôi lăn xả vào nghiệp này.
Còn với tư cách là nhà lãnh đạo, điều hành Chevrolet Thăng Long-Đại Việt suốt 6 năm qua thì quả là những trải nghiệm vô cùng sâu sắc và đáng nhớ.
Và cũng thật tự hào khi từ 2013 đến nay Chevrolet Thăng Long của chúng tôi đã liên tục 5 năm là đại lý đạt doanh số lớn nhất toàn quốc; 4 năm liên tục 2015;2016;2017;2018 chúng tôi được vinh danh đại lý xuất sắc toàn cầu của GM quốc tế.
Vâng, nghe chị chia sẻ thôi tôi cũng thấy sự xúc động trong ánh mắt của chị rồi. Chị nhận thấy sau 16 năm đó, phụ nữ trong ngành xe có những thuận lợi hay khó khăn gì?
Thực ra đã làm kinh doanh thì luôn phải đối diện với những khó khăn, thách thức rồi. Đàn ông hay phụ nữ đều gặp phải thôi. Nhưng tôi thấy chính ra phụ nữ làm ô tô gặp nhiều thuận lợi hơn đàn ông (cười).
Thông thường, mọi người hay nghĩ làm ô tô sẽ phải là nam giới nên khi làm việc với phụ nữ thường là chúng tôi sẽ có được sự ưu ái và quan tâm nhất định.
Cụ thể là như thế nào, thưa chị? Liệu ngoại hình có đóng góp phần nào trong những thuận lợi đó? Vì bản thân tôi cũng thấy chị ưa nhìn, các sale nữ khác cũng vậy?
Thực ra, cái nghề bán xe là nghề tư vấn nên cần sự hiểu biết, nhạy bén và tận tâm. Tôi không muốn nói nhan sắc là cần thiết nhưng nó cũng rất quan trọng. Đây là yếu tố cần nhưng chưa đủ. Thực ra có nhiều cô gái làm ô tô đạt được những kết quả tốt mà nhan sắc của họ chưa hẳn đã là lợi thế. Như tôi đây này, mới được 1m56 thôi (cười).
Thực ra, lòng nhiệt huyết, sự tận tâm, chuyên nghiệp, chăm sóc khách hàng như thế nào mới quan trọng. Cái gì từ trái tim thì sẽ chạm được đến trái tim thôi.
Chăm sóc khách hàng có khi nào bị hiểu nhầm sang hướng khác? Bởi nhiều người cho rằng nghề bán xe rất dễ sa ngã, thưa chị?
Thực ra phụ nữ bị đàn ông buông lời ong ve tán tỉnh cũng là chuyện thường thấy mà. Đây không phải chuyện riêng trong giới bán xe. Nó xuất hiện trong mọi ngành nghề, văn phòng cũng có mà. Nhưng đúng là bán xe thì có thể nhiều hơn vì đây là nghề có tần suất giao tiếp nhiều. Với tôi, trong suốt những năm tháng bán xe, thi thoảng tôi cũng rơi vào những tình huống như vậy. Cũng có người tán tỉnh, đong đưa. Những lúc đó thái độ ứng xử, cách vận hành ngôn ngữ là điều quan trọng khiến đối phương có dám tiếp tục nữa hay không.
Tôi cho rằng, bản lĩnh, thái độ và tác phong giao dịch, cách truyền tải trong giao tiếp đàng hoàng giúp mình có uy và đối phương sẽ phải tôn trọng mình.
Việc bia rượu để giao tiếp công việc thì tôi rất ít, rất hiếm thậm chí không có. Đây cũng là tôn chỉ làm việc của tôi và tập thể Chevrolet Thăng Long-Đại Việt. Tất nhiên, sau giờ làm việc, các anh em vẫn có thể ngồi nhậu nhưng trong giờ làm hay các buổi tiếp khách liên quan tới công việc của công ty thì chúng tôi không làm việc theo văn hóa bia rượu. Thường thì làm việc tại văn phòng, trao đổi nhanh tại quán café hoặc cùng lắm là ăn cơm đĩa trao đổi công việc cho nhanh gọn.
Nhưng thi thoảng tôi cũng say, chỉ là lúc sau giờ làm việc và khi ngồi với các đồng nghiệp của tôi, chúng tôi sẽ hết mình bên nhau.
Kể vậy và thực tình hôm nay chứng kiến, tôi thấy chị quá bận. Vậy chị đã phải hy sinh cuộc sống cá nhân, đặc biệt là gia đình như thế nào để có được vị trí như ngày hôm nay?
Tôi là người thẳng thắn và đơn giản. Đánh đổi gia đình thì không bao giờ. Tất cả mọi việc tôi làm đều vì gia đình. Thực ra, trước đây tôi đã có cuộc sống không tròn vẹn nhưng có nhiều lý do chứ không phải vì công việc của tôi.
Về bạn bè, hội nhóm thì gần như là không có thời gian. Nhưng tôi vẫn luôn dõi theo cuộc sống của bạn bè, đặc biệt là những người thân thiết để khi bạn cần là mình có mặt. Chỉ vậy thôi còn tụ tập thì không có. Tôi đi làm rồi về với chồng con là hết ngày. May mắn rằng mọi người đều hiểu tôi và thông cảm vì lịch làm việc như thế này.
Cụ thể thì lịch trình một ngày của chị sẽ như thế nào?
Buổi sáng, tôi ngủ dậy lúc 6 giờ hoặc 6 rưỡi, chuẩn bị đồ ăn sáng, gọi hai cô con gái dậy. Khúc khích nô đùa với con một lúc rồi chuẩn bị đồ ăn cho các cháu ăn sáng và tự đi học. Sau đó tôi chuẩn bị đi làm.
Tới chiều, tôi tranh thủ đi chợ; tôi bận quá thì có anh xã hỗ trợ. Có giai đoạn, tôi phải thuê người giúp việc nhưng nhận thấy con gái lớn đã lên lớp 7, muốn cháu tham gia việc nhà nên tôi đã dừng lại. Đây là giai đoạn quan trọng trong việc hình thành nhân cách nên tôi muốn cả hai mẹ con cùng làm. Tôi không muốn các con có tính ỉ lại.
Thi thoảng tôi cũng sẽ phải phụ thêm môn Toán cho cháu lớn vào buổi tối. Khi các con đã ngủ thì lúc đó mới bỏ máy tính ra làm việc tiếp. Thường thì 1 giờ sáng tôi mới đi ngủ.
Vậy, thời gian nào chị dành cho chồng thế?
Hàng ngày, mặc nhiên là khoảng 10 giờ tối, các con sẽ đi ngủ. Tôi sẽ không làm gì nữa và dành khoảng 30 phút uống trà với anh xã. Xong xuôi rồi tôi mới bắt đầu công việc, có khi tới 2, 3 giờ sáng còn chưa xong.
Nghĩ lại, tôi thấy mình rất may mắn vì có chồng rất hiểu và thương mình. Anh ấy hiểu công việc là nguồn động lực với tôi, hiểu rằng chính công việc tiếp thêm cảm hứng, nhiệt huyết, năng lượng và đam mê cho tôi nên sẻ chia và hỗ trợ. Anh cũng thường xuyên làm việc nhà cùng tôi.
Anh ấy cũng là một người làm trong ngành xe nên biết cách chia sẻ, cho tôi thêm hiểu biết, đánh giá, trải nghiệm, tư vấn và hỗ trợ tôi rất nhiều trong công việc.
Cách cân bằng cuộc sống của tôi luôn là những chuyến đi chơi cuối tuần. Cuối tuần rảnh huýt sao là đi thôi. Chúng tôi đi bằng mô tô, ô tô. Đấy là điều làm tôi mãn nguyện nhất hiện tại. Hai vợ chồng thong dong trên chiếc bán tải, dọc các cung đường khắp các vùng miền. Anh ấy cũng là người biết chụp ảnh nên đã tặng tôi những bức hình và cả video bằng flycam nữa. Tôi rất vui và hạnh phúc vì những món quà như thế.
Lại nói tới bán tải, hình ảnh chị cùng chiếc Colorado đã rất nổi tiếng. Nhưng có người cho rằng, chị tự lái xe đi làm, đi chơi hay tham gia các giải đấu thực chất là PR cho thương hiệu thôi. Chị nghĩ thế nào về điều này?
Đúng! Năm 2015, giải đấu VOC diễn ra. Lúc đó, bán tải là thị trường rất hot, phát triển rầm rộ. Colorado giai đoạn đó còn non nớt lắm. Tôi nhìn vào danh sách đăng ký dự thi ở hạng mục bán tải thì không có một chiếc Colorado nào vì xe bán ra thị trường cũng ít. Tôi hiểu là nếu không tham gia thì mình đã bỏ lỡ cơ hội nhắc đến sự xuất hiện của Colorado trên 1 diễn đàn xe hơi lớn như vậy.
Thú thật là thời đó, tôi cũng chưa có phong cách gì cả, chỉ biết ăn và đi làm, kinh doanh đúng nghĩa.
Nhưng rồi tôi nghĩ mình phải làm gì thôi. Và thế là đăng ký dự thi. Trước đó, tôi từng đi nhiều dòng xe rồi nhưng thuần là xe của mình, không đi xe của ai bao giờ vì sợ hỏng xe người khác. Tôi cũng chưa lái bán tải luôn. Nhưng nghĩ vì công việc và lăn xả với nó thì có hề gì.
Lúc tôi đăng ký thì ban tổ chức đóng sổ rồi. May sao, họ lại mở sổ và ghi tên tôi tham gia. Xe được đưa về chỉ cách ngày thi đấu 5 ngày. Xe hoàn toàn mới, còn chưa chạy hết roda.
Sau trải nghiệm đáng nhớ đó, tôi định hình phong cách của mình luôn. Tôi nhận thấy "style" chất chơi của bán tải cũng hợp với mình. Chiếc bán tải mà tôi mang tới dự thi có hình chú hổ nên biệt danh Colorado Hổ hay chị Hổ - Teresa Hổ cũng từ đó mà ra. Colorado gắn bó với tôi tới thời điểm đó vì công việc nhưng bây giờ khi Colorado đã được đánh giá cao trên thị trường rồi, 1 vị trí vững vàng rồi thì sự gắn bó ấy là tình yêu với Colorado của tôi.
Thực ra, xin phép chị cho tôi nói rằng chị cũng khá nhỏ nhắn. Bán tải thì lại thực sự hầm hố, to con. Mọi người có ngạc nhiên lắm không khi hai hình thái này lại gắn chặt với nhau?
Có chứ. Đi đường thì tôi không để ý đâu nhưng mỗi khi xuống xe, các chú bảo vệ hay chạy ra hỏi "Em, em, em vừa bước ra từ chiếc xe này à? Sao trông em như dân chơi Mỹ thế?" Ai cũng bất ngờ. Chắc cũng tại cái xe của tôi hổ báo quá (cười).
Với kỹ năng tốt như vậy, chị có lời khuyên gì tới các phụ nữ khác để định kiến "bán xăng cho phụ nữ là tội ác" bị gạt bỏ?
Phải chủ động và không phụ thuộc vào ai cả. Chủ động bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu. Nhiều người hay nghĩ là nếu gia đình có xe thì chồng sẽ lái. Thực ra đó cũng là quan điểm tốt. Nhưng theo tôi, chủ động là điều quan trọng. Nếu bạn làm được gì thì hãy làm đi, tự lái xe và không phải ỉ lại vào ai cả. Cảm giác tự mình cầm lái đến bất cứ nơi đâu, vùng đất nào mình muốn mà không phải phụ thuộc vào ai cả sẽ tuyệt lắm.
Và đương nhiên làm cái gì cũng cần phải có lòng tin và sự quyết tâm. Sự cẩn thận, quyết tâm của chị em chúng mình, các anh nam giới chắc chắn không bằng đâu.
Vâng, cảm ơn chị về những chia sẻ vừa rồi. Nhân ngày 8/3, chị muốn gửi lời chúc nào tới độc giả, đặc biệt là các độc giả nữ?
Tôi là người có nhiều trải nghiệm sống và được nghe tâm sự của nhiều chị em phụ nữ. Nếu để nhắn nhủ phụ nữ thì tôi chỉ mong chị em phụ nữ hãy thương yêu nhau. Là phụ nữ vốn dĩ đã thiệt thòi nhiều, hãy bảo vệ nhau khi có thể và đừng làm tổn thương nhau.
Trong cuộc sống, chúng ta nhất định phải thành công, phải tạo được giá trị riêng của mình. Trong mọi khía cạnh của cuộc sống, lòng nhiệt huyết, đam mê là điều quan trọng nhất. Chỉ khi bạn chăm chỉ thì thành công mới tới.
Còn với những ai đang trong ngành xe, thị trường xe hơi của chúng ta còn phát triển lớn mạnh. Các chị em hãy cứ cống hiến, tiếp tục đam mê, sống chiến đấu bằng hết năng lượng. Sự đánh giá, ghi nhận và cơ hội chắc chắn sẽ đến với chúng ta.
Và lời cuối cùng: Chúc các bạn lái xe an toàn!
Cảm ơn chị, chúc chị hạnh phúc, tràn đầy năng lượng và thành công trong cuộc sống.
Trí thức trẻ