img
Nữ y tá Việt Nam và câu nói của phóng viên quốc tế: Tất cả những người phải thở máy không một ai sống sót! - Ảnh 1.
Nữ y tá Việt Nam và câu nói của phóng viên quốc tế: Tất cả những người phải thở máy không một ai sống sót! - Ảnh 2.

Không ai trong chúng tôi, những nhân viên Bệnh viện Việt - Pháp thời điểm đó (năm 2003) biết rằng mình ở trong nguy cơ bị lây virus SARS. Lúc đó có rất nhiều bác sĩ giỏi trong nước và nước ngoài tập trung tại đây. Tuy nhiên, đúng lúc bệnh viện có thương hiệu và đông bệnh nhân, thì dịch SARS ập tới.

Một đêm trực rất bình thường, tôi có lịch trực cùng điều dưỡng Lượng và điều dưỡng trưởng tên Uyên. Tôi vẫn nhớ như in ngày 26/2/2003, bệnh nhân Johnie Chun Cheng (Quốc tịch Mỹ, gốc Hồng Kông) đã vào Bệnh viện Việt Pháp khám vì lý do "cảm thấy không khỏe".

Bệnh nhân không muốn nằm viện vì cho rằng mình chỉ sốt, mệt thông thường. Tuy nhiên, bác sĩ Đoàn Hương, người khám cho Cheng, rất cẩn thận đã khuyên bệnh nhân làm xét nghiệm. Ông Cheng có vẻ phân vân, sau đó cũng đồng ý nằm lại viện theo dõi và đợi kết quả.

Nhưng bệnh của ông Cheng trở nặng rất nhanh. Ngày đầu tiên ông Cheng chỉ sốt cao, triệu chứng giống như bị cảm cúm thông thường. Nhưng tới đêm, tôi nhớ Lượng và Uyên, hai người trực tiếp chăm sóc cho ông Cheng, luôn tay luôn chân. Ông Cheng nhấn chuông liên tục và cửa phòng bệnh liên tục được mở ra, đóng vào.

Ông Cheng ho tới 45 phút liên tục và khạc ra một bô đờm có lẫn máu. Sau đó, bệnh nhân đi vào hôn mê và phải đặt khí quản. Đêm đó, tôi không chăm sóc cho ông Cheng nhưng làm ở cùng hành lang phòng bệnh của ông Cheng.

Sau ca trực đó tôi vẫn khỏe mạnh và được nghỉ một ngày. Hôm sau tôi đi làm thấy người rất mỏi, đau vai. Tôi có hỏi bác sĩ tại bệnh viện, bác sĩ khuyên tôi đi chụp cột sống cổ để loại trừ bị thoái hoá. Kết quả chụp bình thường, nhưng tôi vẫn đau mỏi.

Ngày thứ 2, chị Lượng, Uyên đã bắt đầu sốt, còn tôi không sốt nhưng rất mệt: đau đầu, đau người. Thi thoảng tôi hay bị cảm cúm, đau họng, sổ mũi, xông hơi và uống vài viên thuốc cảm là khỏi. Nhưng lần này tôi rất mệt, không thể ngóc được đầu lên. Triệu chứng này tôi chưa từng gặp bao giờ.

Tôi cố hết sức nhấc máy lên gọi tới bệnh viện để xin nghỉ vì đêm đó tôi có ca trực. Từ bên kia đầu dây bệnh viện thông báo phải vào viện ngay vì đã có 5 người triệu chứng giống tôi.

Tôi vào viện được bác sĩ chuyên khoa phổi khám và cho đi chụp phổi. Kết quả phổi của tôi vẫn bình thường. Người tôi không sốt nhưng bắt đầu rét run, bác sĩ khuyên tôi nên về uống vitamin.

Ra khỏi bệnh viện tôi bắt xe taxi về nhà, trên đường về tôi vẫn trò chuyện được với người lái xe. Ở nhà được 30 phút tôi cặp nhiệt độ thấy sốt cao, tôi nói với chồng cho nhập viện ngay lập tức. Tôi biết chắc chắc mình lây bệnh từ ông Cheng rồi.

Tôi nói với chồng có thể em sẽ phải nằm viện vài ngày. Chồng tôi có phàn nàn: "Chỉ cảm cúm bệnh viện bắt nhập viện".

Đêm đầu tiên tôi sốt rất cao tới 40 độ C, cả đêm hôm đó không thể chợp mắt. Cơn sốt nóng qua đi thì cơn sốt lạnh lại tới. Tôi sốt rét run nảy tung người, xin bao nhiêu chăn đắp cũng không hết rét.

Đêm hôm đó tôi sốt 3 cơn nóng – lạnh nối tiếp nhau, đầu tôi cảm thấy nặng và đau như búa bổ, như vỡ đầu. Sau một đêm đó tôi cảm thấy thân mình tàn tạ rất nhanh. Sáng sớm hôm sau, bác sĩ Carlo Urbani vào viện để khám và phỏng vấn chúng tôi trong 2 buổi mùng 6 và mùng 7. Tới ngày mùng 8, tôi sốt liên miên, sống bằng dịch truyền, ăn một chút nước hoa quả, đi lại không vững.

Nữ y tá Việt Nam và câu nói của phóng viên quốc tế: Tất cả những người phải thở máy không một ai sống sót! - Ảnh 4.

Tôi còn nhớ mình nằm cạnh Uyên, cô ấy lúc đó khá khỏe vì không sốt cao. Nhưng Uyên lại xuất hiện ho rất sớm. Trong 1-2 ngày đầu tôi và Uyên vẫn trò chuyện và giúp đỡ nhau, vắt giúp nhau cốc nước cam.

Như có linh tính chuyện chẳng lành, Uyên nói: "Chị ơi không biết chúng mình có qua khỏi không?".

Tôi động viên Uyên: "Cúm gì chẳng khỏi, lâu thì vài tuần sẽ hết".

Nhưng thật ra cả tôi và Uyên đều rất lo lắng lây cho các con ở nhà. Tôi rất sợ hàng ngày phải gọi điện về nhà hỏi thăm sức khỏe của các con.

Tôi và Uyên nghĩ cúm thì chắc quá lắm 21 ngày sẽ khỏi. Nhưng bệnh viện sẽ không giữ đến khi điều trị khỏi mới cho về, nên cả hai chúng tôi đã nghĩ tới việc về nhà phải cách ly như thế nào để không lây cho các con.

Tôi nói với Uyên: "Ra viện chị sẽ về nhà mẹ đẻ. Vì nhà mẹ chị rộng nên rất dễ cách ly".

Uyên thì lại băn khoăn vì nhà chật không có chỗ cách ly. Tôi và Uyên đã gọi điện sang khoa Dược để giục họ chuyển vắc-xin về. Chúng tôi nghĩ đây là cúm gà Hông Kông, vì bệnh nhân là người Hông Kông. Cúm gà Hông Kông có từ năm 1997, chắc chắn đã có vắc-xin.

Sau đó bệnh tiếp tục nặng dần, tôi và Uyên không nghĩ thêm được gì.

Nhưng chúng tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ chết.

Chúng tôi tin, bác sĩ Pháp giỏi, điều dưỡng chăm sóc tốt, thì làm sao chết được!

Nữ y tá Việt Nam và câu nói của phóng viên quốc tế: Tất cả những người phải thở máy không một ai sống sót! - Ảnh 5.

Ngày cuối cùng tôi còn tỉnh táo trước khi hôn mê là vào ngày 8/3. Tôi nhớ ngày đó mình nhận được quà của ban giám đốc. Ngày hôm đó tôi sốt triền miên uống thuốc liên tục, sau đó phải truyền thuốc hạ sốt vào tĩnh mạch. Lần cuối tôi đo nhiệt kế vạch thủy ngân đã lên hết vạch (42 độ C).  

Tôi dần dần thiếp đi nhưng lúc đó tôi vẫn biết chị Lượng đã phải đặt nội khí quản. Tôi nghe thấy tiếng tít tít từ máy khí quản của chị Lượng và thấy hoảng sợ. Nhưng vẫn tin rằng chị Lượng bị nặng là có bệnh mãn tính, chắc mình chị Lượng nặng thôi.

Tôi rơi vào hôn mê, phải đặt nội khí quản. Sau đó, tôi cũng tỉnh lại. Tôi không nhớ mình hôn mê bao nhiêu ngày nhưng khi tôi tỉnh dậy đó là ban đêm, vì bóng đèn hàng lang mờ mờ tôi nhận ra, xung quanh yên tĩnh vô cùng.

Nữ y tá Việt Nam và câu nói của phóng viên quốc tế: Tất cả những người phải thở máy không một ai sống sót! - Ảnh 6.

Trong giây phút còn mơ hồ tôi tự hỏi mình: "Thôi chết rồi, sao người mình thế này? Mình đang mê à?"

Người tôi không thể động đậy, nhúc nhích được, không thể nói, tay chân yếu không giơ lên được. Tôi nằm yên không động đậy, lúc mê, lúc tỉnh.

Rồi tôi cũng cảm nhận được có ai đó đang làm gì dưới chân mình. Cũng có lúc biết chân mình bị rơi xuống, sau này tôi mới biết cái chân đó bị liệt. Tôi có nghe thấy tiếng có người đến, rồi có tiếng nói: "Mến ơi! Mến ơi!..." Họ có vẻ rất mừng rỡ.

Thời điểm tôi bị nguy kịch thông tin rất loạn. Chồng tôi ở nhà nhận được rất nhiều cuộc điện thoại chia buồn nói tôi chết rồi. Chồng tôi ngay lập tức gọi điện vào bệnh viện hỏi thông tin. Bệnh viện khẳng định tôi chưa chết chỉ đang nguy kịch và chuẩn bị sẵn tinh thần, quần áo...

Chồng tôi là một nghệ sĩ sống rất trầm khi nhận những cuộc điện thoại lạ thông báo "Mến chết rồi!". Anh ấy suy nghĩ nhiều khiến cho hai mắt của chồng tôi bị xuất huyết mắt do vỡ mạch máu. Khi tôi tỉnh dậy thấy hai mắt chồng chịu di chứng lúc nào cũng đỏ ngầu tôi cảm thấy vô cùng đau lòng. Tôi ước giá như lúc đó mọi người bình tĩnh một chút thôi thì…

Bố mẹ tôi cũng nhận được cuộc điện thoại thông báo tin tôi chết. Cụ đã lăn đùng, ngã ngửa ra sàn nhà. Bố tôi đã quyết tâm phải vào thăm con. Bố tôi nói với bệnh viện: "Tôi tiếc gì cái thân này. Tôi chết cũng được, nhưng tôi phải vào thăm con tôi để biết nó còn sống…"

Lúc bố tôi vào thăm tôi lơ mơ, có mở mắt. Tôi biết bố vào, em gái, chồng và con trai vào thăm… Sau đó, tôi lại thiếp đi không biết gì.

Nhưng giai đoạn tỉnh lại mới là quãng thời gian khủng kiếp nhất đối với tôi. Tôi cứ ngoi lên thì lại có cảm giác có người bóp cổ dìm xuống sông. Mức độ oxy của tôi chỉ 4% (mức thoi thóp). Về sau tôi có nghe Lê Hồng - người hồi sức cho tôi kể lại: "Em phải bóp bóng cho chị cả ngày".

Nữ y tá Việt Nam và câu nói của phóng viên quốc tế: Tất cả những người phải thở máy không một ai sống sót! - Ảnh 7.

Có 2 đêm tôi có cảm giác kinh khủng như bị bóp cổ không thở được. Tôi còn nhớ có lúc tôi khó thở đồng nghiệp của tôi là chị Thủy có hỏi tôi rất nhiều câu, nhưng tôi không nhớ câu gì. Khi chị Thủy hỏi tới câu "Hút à?", thì tôi có gật đầu. Chị Thủy đã hút dịch trong khí quản cho tôi cứ 5 phút/lần. Nhờ vậy mà tôi đã sống.

Đêm đầu tiên tôi đã vượt qua được nhưng sang ngày thứ 2 khi màn đêm bắt đầu buông xuống cảm giác sợ hãi bắt đầu xâm chiếm tâm trí tôi. Nhiều lúc tôi cảm thấy run rẩy, vì sợ mình không thể vượt qua.

Có lúc đau quá, tôi muốn buông xuôi, các bạn đồng nghiệp của tôi lại gọi: "Mến ơi! Phải cố lên chứ, bọn tôi đều cố vì cậu. Cậu mà không cố công sức của bọn tôi đổ xuống sông, xuống bể hết… Hít lên mến ơi, hít lên...".

Tôi biết có người gọi mình, nhưng tôi mệt quá, tôi muốn buông xuôi. Khi thấy tôi bất động, chị điều dưỡng trưởng ôm đầu tôi nói như thép: "Mến ơi! Cái đầu của mày đâu rồi! Con mày đâu rồi! Có nghĩ tới con không?".

Tôi giật mình khi nghe có người nhắc tới các con. Và tôi lại tiếp tục cố, lại hít.

Tôi có nghe bác sĩ nói tiếng Pháp hội chẩn nói nguy cơ bị phù phổi cấp cao do viêm phổi đã lâu. Tôi đã từng cấp cứu trường hợp phù phổi cấp bệnh nhân chết ngay trên tay mình.

Nữ y tá Việt Nam và câu nói của phóng viên quốc tế: Tất cả những người phải thở máy không một ai sống sót! - Ảnh 8.

Khi rút được khí quản tôi bắt đầu ngồi được dậy, nhưng cơ thể không theo ý muốn của mình. Tôi đặt chân xuống đất thấy chân phải không có cảm giác. Tôi đã thốt lên: "Thôi chết chân liệt rồi".

Ngay sau khi tỉnh dậy tôi đã hỏi thăm Lượng và Uyên như thế nào? Lê Hồng đã giấu thông tin mọi người đã mất và nói với tôi: "Mọi người đỡ rồi". Tôi chợt nghĩ: "Sao mọi người nặng như mình đã đỡ rồi, mọi người giỏi thế!".

Tôi xin thăm Uyên, Lê Hồng lấy cớ chị Uyên đang ngủ. Sau nhiều lần tôi xin thăm Uyên thì Lê Hồng trả lời: "Các chị ấy đi sang khu cách ly khác rồi. Khi nào sức khỏe chị tốt hơn sẽ được sang đó".

Nữ y tá Việt Nam và câu nói của phóng viên quốc tế: Tất cả những người phải thở máy không một ai sống sót! - Ảnh 9.

Nhưng tôi thấy kỳ lạ, tất cả mọi người trong bệnh viện ai cũng thốt lên "Mến là người may mắn". Lúc đó, tôi cũng nghĩ: "Mọi người kỳ quá, mình nặng, liệt chân thế mà cứ nói may mắn".

Khi tôi khỏe hơn được đi ra hành lanh bệnh viện. Qua ô cửa tôi nhìn thấy những bệnh nhân khỏe hơn mình tập thể dục dưới sân. Nhìn mọi người giơ tay, chân mà tôi cảm thấy thèm vô cùng. Lúc đó tôi ước mình có thể đánh đổi tất cả để có thể cử động (đi, lại) được như họ.

Nữ y tá Việt Nam và câu nói của phóng viên quốc tế: Tất cả những người phải thở máy không một ai sống sót! - Ảnh 10.

Thời điểm tôi vừa tỉnh lại thì Bệnh viện Việt - Pháp có "lệnh" sơ tán sang Viện y học lâm sàng nhiệt đới (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới hiện nay), tôi được mọi người giải thích tôi đã đỡ và chuyển sang bên đó cách ly để bệnh viện khử trùng.

Tôi không hề biết việc bệnh viện bị đóng cửa, cách ly là do có người chết vì SARS nên đồng ý chuyển viện. Tuy nhiên, khi điều dưỡng dùng xe lăn chuyển tôi sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, tôi bắt đầu hoảng sợ. Tôi bật khóc giữa sân bệnh viện nói không muốn đi nữa. Bà Giám đốc điều hành đã đồng ý cho tôi ở lại và tôi được đẩy lên khu điều trị ở tầng 2.

Lúc đó, ở trên tầng 2 còn có bác sĩ Nguyễn Hữu Bội đang nằm thở máy. Tôi một phòng và bác Bội một phòng nằm cạnh máy thở. Nghe tiếng máy thở tôi sợ và ám ảnh nhưng vẫn phải chấp nhận.

Sống trong những bước tường của bệnh viện dù được chăm sóc rất chu đáo nhưng tôi thấy rất buồn. Một nữ đồng nghiệp nhận thấy tâm trạng tôi không tốt đã mở ti vi cho tôi xem. Tôi thật sự sốc sau khi bản tin trên truyền hình thông báo về bệnh viêm đường hô hấp cấp xảy ra tại Bệnh viện Việt - Pháp đã có nhiều người tử vong. Lúc đó, tôi mới biết hóa ra mọi người giấu chuyện đồng nghiệp mình đã chết.

Tôi hoảng loạn, mất ngủ và rơi vào trạng thái trầm cảm khi biết Uyên, Lượng và mọi người đã mất. Tin đó như một quả bom dội xuống đầu tôi. Ngày hôm sau Bệnh viện quyết định rất nhanh cho tôi xuất viện vào tối.

Về nhà tôi được bệnh viện dặn tiếp tục được cách ly, nằm riêng và ăn riêng… Khi tôi về nhà tâm lý đã tốt lên. Tôi nhìn thấy đứa con út nó khóc nhớ mẹ, do tủi thân, bị xa lánh và không được đi học.

Hàng xóm nhà tôi sợ lây bệnh đầu sơ tán. Chồng tôi được công ty cho nghỉ, chồng tôi đi ra ngoài mọi người lảng tránh, đi chợ phải đi rất xa nơi không ai biết gì mới mua được đồ ăn… Mọi người đều sợ mắc phải căn bệnh "khủng kiếp" này.

Việc đầu tiên tôi làm là phải lo cho con đi học. Vì con nghỉ học lâu quá, tôi cũng thấy hoảng. Tôi gọi đi khắp nơi cuối cùng trường yêu cầu phải có giấy kiểm tra sức khỏe mới nhận con tôi. Do phụ huynh trong lớp rất sợ con tôi lây bệnh từ tôi.

Tôi cảm thấy buồn lắm vì tôi mắc bệnh mà đã làm ảnh hưởng tới con, khiến con không được đi học, con sẽ học kém đi thì sao?

Tôi gọi cho Giám đốc Bệnh viện Việt Pháp hỏi: "Em không hiểu sao, em mắc bệnh lại ảnh hưởng tới con em".

Sau đó, nhờ mối quan hệ tôi đã nhờ được đồng nghiệp cũ tại Bệnh viện nhi Trung ương khám sức khỏe cho 2 con nhưng không khai tên mẹ (bỏ trống tên mẹ). Nhờ có tờ giấy khám sức khoẻ đó mà hai con tôi đã được đến trường học.

Nữ y tá Việt Nam và câu nói của phóng viên quốc tế: Tất cả những người phải thở máy không một ai sống sót! - Ảnh 12.

Nỗi sợ hãi về căn bệnh quái ác vẫn chưa hết vì tôi vẫn chưa thể đi lại được. Nhìn thấy con tôi phải cố luyện tập để hồi phục chiếc chân bị tàn phế. Rất may em gái tôi làm việc ở bệnh viện đã nhờ được bác sĩ châm cứu, bấm huyệt cho tôi hàng ngày.

Được nửa tháng chiếc chân của tôi không có tín hiệu hồi phục. Bác sĩ châm cứu khuyên tôi nên đi khám chuyên khoa thần kinh. Tôi nhấc máy gọi vào Bệnh viện Việt - Pháp, bệnh viện cho nhân viên vật lý trị liệu tới nhà.

Tập khoảng hơn 1 tháng ngón chân tôi bắt đầu hơi động đậy. Tôi nghĩ phải cố bằng được không thể tàn phế suốt đời được. Tôi đã tự dùng thuốc tiêm vào tĩnh mạch.

Cứ tập – châm cứu – bấm huyệt và chân liệt của tôi bắt đầu thấy đau một cách kinh khủng, quá sức chịu đựng. Tôi đau tới phát khóc vì không thể chịu được, bác sĩ người Pháp đến tận nhà tôi khám và cho thuốc tăng gấp đôi nên tôi đã bớt đau và ngủ được.

Nữ y tá Việt Nam và câu nói của phóng viên quốc tế: Tất cả những người phải thở máy không một ai sống sót! - Ảnh 13.

Sau này, rất nhiều bạn bè báo chí nước ngoài có tới nhà phỏng vấn, tôi có hỏi họ: "Các ông đi nhiều có thấy ai nặng như tôi, chân liệt, mà có thể hồi phục được hay không?"

Họ trả lời: "Tất cả các bệnh nhân mắc SARS mà phải thở máy, không ai còn sống".

Tôi hiểu rằng mình quá may mắn. Tôi phải cố gắng luyện tập. Thời gian đó, khi nghe ở đâu có thầy giỏi chữa liệt tôi đều đi chữa. Chăm chỉ tập luyện – châm cứu – xoa bóp dần dần chân tôi cũng hồi phục lại. Tôi tập thở, tập đi, tập chạy. Rồi tôi cũng được đi làm sau khi Bệnh viện Việt – Pháp mở cửa trở lại. Đến giờ tôi vẫn yêu nghề của mình, vẫn muốn đi làm, dù đã quá tuổi nghỉ hưu.

Có thể các bạn quá quen với câu này: "Cuộc sống của chúng ta đang có là vô giá!", còn với tôi đến nay dù 17 năm sau thảm kịch, mình vẫn thấy nó vô cùng thấm thía.

Từ sau lần chết đi sống lại ấy, để không bỏ lỡ giây phút mình sống, tôi luôn đặt ra mục tiêu cho chính mình. Tôi chắt chiu từng ngày mình sống, tôi vạch kế hoạch cho các con và cho riêng mình.

Nữ y tá Việt Nam và câu nói của phóng viên quốc tế: Tất cả những người phải thở máy không một ai sống sót! - Ảnh 14.

Những ngày gần đây thông tin về dịch bệnh COVID-19 khiến chồng và các con rất lo lắng cho tôi, lo tôi không may bị nhiễm bệnh.

Chồng tôi nói: "Em có biết không, vì em mắc bệnh mà biết bao nhiêu người chịu khổ, em có biết không?". Ngày nào chồng tôi cũng nghe ngóng tin tức về dịch bệnh để cảnh báo vợ.

Tôi phải nói với gia đình đã có kháng thể để cho cả nhà yên tâm. Có ngày tôi đi làm về mệt nằm chồng đã đến sờ trán ngay sợ tôi mắc bệnh.

Nữ y tá Việt Nam và câu nói của phóng viên quốc tế: Tất cả những người phải thở máy không một ai sống sót! - Ảnh 15.

Dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát khiến cho tôi nhớ về những kỷ niệm của 17 năm trước. Những ký ước buồn tôi tưởng có thể chôn vùi, nhưng nay sống lại khiến tôi thường mất ngủ.

Chúng tôi, những người làm ngành y, khi khoác lên mình chiếc áo blouse đã xác định là những chiến sĩ. Khi có bệnh nhân nặng, có dịch bệnh, thì bác sĩ, y tá vẫn đi vào vùng dịch dù biết tiềm ẩn nguy cơ.

17 năm trước chúng tôi biết mình mắc bệnh và đã tự cách ly, chấp nhận thiếu thốn để tránh lây ra cộng đồng. "Ai cũng sợ chết" nhưng vì bệnh nhân các bác sĩ, y tá Việt Pháp đã tự chăm sóc cho nhau.

Tôi vẫn luôn day dứt sau cái chết của chị Uyên, Lượng, bác sĩ Paul Dirosier, bác sĩ Phương, bác sĩ Bội họ là những con người dũng cảm đã hết lòng chăm sóc bệnh nhân sau đó lại phải chống chọi với căn bệnh SARS.  Sự hy sinh của họ rất cần được ghi nhận để an ủi cho người còn sống và động viên cho những bác sĩ đang hành nghề.

Tôi may mắn còn sống nhưng người chết vẫn cần sự an ủi. Trong thâm tâm tôi cảm thấy ngại vô cùng, bất lực và áy náy và các đồng nghiệp của mình ra đi trong cuộc chiến với dịch bệnh "kinh hoàng" năm đó nhưng không ai được ghi nhận.

Tôi ước giờ dù sự nghi nhận đã muộn, nhưng một cái bằng khen hay danh hiệu liệt sỹ thôi cũng giúp gia đình họ được an ủi. Các con của đồng nghiệp tôi xứng đáng được tự hào vì bố, mẹ chúng.

Nữ y tá Việt Nam và câu nói của phóng viên quốc tế: Tất cả những người phải thở máy không một ai sống sót! - Ảnh 16.
Ngọc Minh (ghi)
Tuan Mark
Đỗ Linh
Theo Trí Thức Trẻ21/02/2020

Theo Ngọc Minh (ghi) Photo: Tuan Mark Thiết kế: Đỗ Linh

Trí thức trẻ

Trở lên trên