- Tăng trưởng GDP quý III đạt 2,62%. Con số này có ý nghĩa như thế nào thưa ông?
- Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nền kinh tế thế giới phần lớn tăng trưởng âm, đà phát triển bị đứt gãy, quy mô GDP, thu nhập bình quân đầu người đều sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, Việt Nam là một trong số ít những nền kinh tế tăng trưởng dương. Kết quả này có được trước tiên phải kể đến việc Việt Nam cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19. Nghiên cứu của nhiều đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới đều chung nhận định rằng nền kinh tế nào kiểm soát được dịch Covid-19 sớm thì phục hồi tăng trưởng sẽ đến trước và nhanh hơn. Tiếp theo, hoạt động tự cung tự cấp vẫn còn nhiều, tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế còn lớn và nhu cầu về sản phẩm nông nghiệp tăng cao, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong bối cảnh dịch Covid-19.
Tiếp nữa là đầu tư công. Tỷ lệ giải ngân đầu tư công tháng 9 tăng hơn 33% so với cùng kỳ, tương đương giải ngân đạt gần 60% kế hoạch năm.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng GDP quý I (3,68%), II (0,39%), III (2,62%) và cả năm được dự báo ở mức 2-2,5%, đều thấp nhất trong lịch sử kinh tế Việt Nam.
- Giải ngân giải ngân đầu tư công đã tăng thêm hơn 10% trong tháng 9. Điều này có gì bất thường?
- Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tỷ lệ giải ngân đầu tư công 8 tháng ước đạt 221.768 tỷ đồng, tương đương hoàn thành 47% kế hoạch năm. Trong khi đó, con số này tính đến tháng 9 là 303.000 tỷ đồng, đạt 59,7% kế hoạch và tăng hơn 33% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ trong một tháng, tỷ lệ giải ngân đầu tư công tăng 12,7%, tương đương giải ngân được 88.900 tỷ đồng. Nếu đúng như vậy, chưa chắc đã tốt. Giống như một chiếc xe thông thường chỉ có thể chạy tối đa được 50km, bỗng một ngày, vẫn động cơ và chiếc xe ấy lại chạy được 100km/h, nguy cơ hỏng hóc và tai nạn rất cao. Việc giải ngân đầu tư công không chỉ là số lượng mà đi kèm với đó còn là chất lượng.
- Bên cạnh đầu tư công, xuất siêu 17 tỷ USD trong tháng 9 đóng góp như thế nào vào tăng trưởng quý III?
- Hoạt động xuất nhập khẩu 9 tháng rất tích cực, tốc độ tăng xuất khẩu quay lại đà phục hồi, nhưng ấn tượng hơn cả là tăng trưởng của khu vực trong nước. Những năm gần đây, mức đầu tư và tỷ lệ xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước gia tăng là một trong những yếu tố khiến tăng trưởng GDP giai đoạn 2016-2019 đạt gần 7%. Năm nay cũng vậy, kết quả xuất khẩu 9 tháng của khu vực kinh tế trong nước tăng 20,2% và nhập khẩu tăng 4,7%, bù đắp cho sự sụt giảm của hoạt động đầu tư nước ngoài.
- Bên cạnh những động lực trên thì dư địa tăng trưởng cho quý IV còn lại gì, thưa ông?
- Trong bối cảnh Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, nhưng tình hình từ bên ngoài vẫn phức tạp và chưa có vaccine thì dư địa tăng trưởng của nền kinh tế trong quý IV sẽ không có gì đột biến so với 9 tháng đầu năm. Tăng trưởng vẫn dựa vào đầu tư công, xuất khẩu và chúng ta kỳ vọng cầu trong nước có thể phục hồi trở lại.
Vốn đầu tư công có thể giải ngân được nhiều hơn vào những tháng cuối năm, do khởi công 3 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Dù vậy, chúng ta cũng không thể kỳ vọng tăng trưởng những tháng cuối năm sẽ đạt cao hơn, lên mức 3-4%, vì sức cầu của nền kinh tế vẫn yếu.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy 9 tháng đầu năm, Việt Nam có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị mất việc làm, phải nghỉ, giãn việc. Trong đó, 68,9% lao động bị giảm nhẹ thu nhập, gần 40% phải giảm giờ làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và khoảng 14% lao động buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tỷ lệ thất nghiệp trong quý III là 1,2 triệu người, tăng 148.200 so với cùng kỳ. Ngoài ra, những tầng lớp khác cũng giảm chi tiêu.
Bên cạnh sức cầu nội địa yếu thì cầu từ bên ngoài cũng chưa thể phục hồi trở lại khi những đối tác lớn của Việt Nam có nguy đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 quay trở lại.
- Vậy kinh tế Việt Nam có thể trông chờ vào điều gì trong năm 2021?
Tương tự qúy IV, động lực tăng trưởng năm sau không có nhiều đột biến nếu không có gói kích thích kinh tế đủ lớn. Nền kinh tế chỉ phục hồi những hoạt động bị suy giảm hoặc những ngành nghề tê liệt đã được khơi thông, nhưng cũng chưa thể phục hồi trở lại thời kỳ trước khi có dịch Covid-19. Vì vậy, khả năng phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế trong ngắn hạn phụ thuộc rất nhiều vào gói kích cầu của Chính phủ có đủ mạnh hay không?
- Ông có thể nói rõ hơn thế nào là "đủ mạnh"?
- Gói kích thích tài khóa tối thiểu cũng phải ở mức 3-5% GDP. Quy mô này có thể còn nhỏ so với phần lớn gói kích thích mà Chính phủ các nước đã thực hiện cho đến nay nhưng cũng là nỗ lực rất lớn của Chính phủ. Kinh nghiệm phục hồi kinh tế trong những lần khủng hoảng trước đây cho thấy kích thích kinh tế nhưng vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và những cân đối lớn của nền kinh tế. Như vậy, bội chi ngân sách chắc chắn sẽ cao hơn nhiều so với mức 4% như hiện nay. Từ đó, những giải pháp điều hành, quản lý nợ công cũng phải thay đổi.
- Nhìn xa hơn vào trung và dài hạn thì động lực tăng trưởng của Việt Nam sẽ là gì?
- Điểm yếu cốt tử của kinh tế Việt Nam cho đến nay vẫn là hiệu quả sử dụng nguồn lực thấp và chưa được cải thiện đáng kể. Vì vậy, động lực tăng trưởng chủ yếu trung và dài hạn phải tập trung nâng cao, cải thiện hiệu quả sử dụng nguồn lực, đặc biệt là hiệu quả đầu tư. Muốn vậy, phải cải cách thể chế, tập trung phát triển thị trường các nhân tố sản xuất, đặc biệt là thị trường quyền sở hữu đất, để những thị trường này đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ sử dụng nguồn lực xã hội.
Còn nguồn lực đầu tư nhà nước phải được phân bổ theo nguyên tắc thị trường, thay thế cho cơ chế phân bổ hành chính xin cho. Và vốn đầu tư nhà nước phải được phân bổ theo mức độ hiệu quả của dự án, không thể tiếp tục phân bổ dàn trải và nặng về ý chí chủ quan như hiện nay. Cải cách theo hướng đó nghĩa là nâng cao mức độ phát triển thị trường của nền kinh tế.
- Những cải cách này sẽ được thể hiện ở từng thành phần kinh tế như thế nào, thưa ông?
- Về khu vực kinh tế, đầu tư nước ngoài vẫn là một trụ cột. Tuy nhiên, để thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, đặc biệt dòng vốn từ những tập đoàn công nghệ theo tinh thần Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến 2030 thì cách thức thu hút đầu tư nước ngoài phải thay đổi.
Để Việt Nam trở thành điểm đến ưu tiên của những tập đoàn công nghệ lớn, trước tiên phải xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế có quy mô lớn, hạ tầng thuận lợi và hệ thống logistics đủ năng lực cạnh tranh, đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư thay vì ép họ vào những khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy chưa đến 100%. Chỉ cần một vài doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn, hàng đầu gia nhập thị trường Việt Nam thì đối tác, đơn vị cung cấp nguyên vật liệu và công ty con của họ cũng đầu tư theo. Khi ấy, Việt Nam có thể đón nhận thêm làn sóng đầu tư mới.
Về khu vực doanh nghiệp nhà nước, khu vực này có tiềm năng lớn, đang nắm giữ một khối tài sản rất lớn trong những ngành nghề kinh doanh chủ yếu của nền kinh tế.
Trong 10 năm vừa qua, đáng tiếc doanh nghiệp nhà nước giống như một diễn viên không xuất hiện trên sân khấu kinh tế Việt Nam. Và bây giờ là lúc chúng ta phải khơi dậy tiềm năng và tạo động lực khuyến khích doanh nghiệp nhà nước làm ăn hiệu quả, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Muốn vậy, giải pháp ưu tiên áp dụng là phải mở rộng và trao đầy đủ quyền tự chủ, tự quyết trong hoạt động đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp nhà nước, những người quản lý doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động hoàn toàn theo nguyên tắc thị trường, lấy lợi nhuận làm mục tiêu hàng đầu để đánh giá hiệu quả.
Để làm được điều này, phải ban hành một nghị định về quản trị và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước thay thế cho khoảng hơn chục nghị định hiện nay, đang hành chính hóa hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Trường hợp cần thiết, có thể xem xét, sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69).Đối với khu vực kinh tế tư nhân
Thêm nữa, những quy định nào đang kìm hãm quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước cũng cần được thay thế hoặc bãi bỏ.
Chừng nào nguồn tiền từ hoạt động cổ phần hóa vẫn phải nộp vào ngân sách nhà nước thì chừng đó chưa cần vội vàng thúc đẩy thực hiện hoạt động này. Phải coi cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước là hoạt động cơ cấu lại danh mục đầu tư, tài sản của doanh nghiệp nhà nước chứ không phải nguồn thu của ngân sách nhà nước. Nếu chúng ta cải thiện được hiệu qủa hoạt động doanh nghiệp nhà nước thì GDP có thể tăng thêm một vài điểm phần trăm.
; , không có sự hỗ trợ, khuyến khích nào bằng cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanhtháo bỏ mọi rào cản đối với quyền tự do kinh doanh, bảo vệ tốt quyền tự do và tài sản đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Khi cải cách thể chế, rà soát văn bản chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh thì quyền tự do kinh doanh phải là tiêu chí hàng đầu. Tự do kinh doanh có nghĩa là họ được quyền tự do làm bất cứ những gì mà luật không cấm và cả quyền tự do làm như thế nào chứ không phải bắt họ làm theo quy định như hiện nay. Tương tự, việc dự thảo những quy định mới nếu có ảnh hưởng đến quyền dự do kinh doanh thì cũng không được ban hành.
Nói thì đơn giản nhưng để làm được điều này không hề dễ vì nó đòi hỏi thay đổi tư duy, cách thức, công cụ, năng lực quản lý nhà nước. Cải cách đó còn đụng chạm đến quyền và lợi ích của hệ thống quản lý nhà nước hiện nay.
Việc cải cách, rà soát thủ tục hành chính phải có chủ đích cụ thể, nghĩa là phải loại bỏ được những rào cản, quy định cụ thể, nhất định đối với quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp thay vì đưa ra một mục đích chung chung như là 20% số quy định. Bởi vì cắt 20% số quy định có thể không cắt được được 1 rào cản đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu vậy, có thể cắt một quy định còn hơn cắt 20% số quy định.
Tóm lại, yếu tố quyết định, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững trong trung và dài hạn vẫn là cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mà bản chất của nó là nâng cấp mức độ phát triển thị trường của nền kinh tế. Đó là tập trung vào xây dựng thể chế để phát triển các thị trường nhân tố sản xuất như thị trường quyền sở hữu đất, thị trường sản phẩm trí tuệ, thị trường lao động, thị trường vốn và thị trường tài nguyên.
Chỉ khi xây dựng được thị trường như trên, chúng ta mới huy động, phân bổ nguồn lực theo nguyên tắc thị trường và chỉ có thị trường mới khơi dậy được tiềm năng. Khi ấy tăng trưởng GDP có thể 9-10% không còn là thách thức với Việt Nam.
Link bài gốc: https://ndh.vn/vi-mo/ong-nguyen-dinh-cung-nang-cap-muc-do-phat-trien-kinh-te-thi-truong-tang-truong-9-10-khong-phai-la-thach-thuc-voi-viet-nam-1278642.html
Theo Người Đồng Hành