img
Ông Sáu Khải - Người cha nguyện đánh đổi cả thân thể, sức khỏe, chức vụ để con gái khỏi bệnh - Ảnh 1.

LỜI TÒA SOẠN

Thời ông Sáu Khải làm Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Đình Hương là Phó Ban Tổ chức Trung ương Đảng. Nhưng ngoài quan hệ giữa những người đồng chí, quan hệ giữa cấp trên - cấp dưới…, họ còn là những người bạn vong niên suốt 50 năm trời. Trong cuộc trò chuyện với Báo Điện tử Tri thức trẻ, ông Nguyễn Đình Hương không dùng tư cách của nguyên Phó Ban tổ chức Trung ương mà chỉ kể câu chuyện của một người bạn về người bạn vừa mới ra đi…

Ông Sáu Khải - Người cha nguyện đánh đổi cả thân thể, sức khỏe, chức vụ để con gái khỏi bệnh - Ảnh 2.

Tôi và anh Phan Văn Khải đã là bạn bè hơn 50 năm…

Năm 1956, tôi được Trung ương điều về công tác tại Ban Tổ chức Trung ương, lúc ông Lê Đức Thọ làm Trưởng ban. Anh Phan Văn Khải kết hôn với chị Nguyễn Thị Sáu, là cán bộ của Ban Tổ chức Trung ương, nên hay được chúng tôi gọi trìu mến là con rể của Ban Tổ chức.

Lần đầu tiên tôi gặp anh Sáu Phan Văn Khải là qua ông Lê Đức Thọ. Ông Lê Đức Thọ khi ấy đã dặn tôi: "Sáu Khải là đứa thông minh, đức độ, cần được đào tạo để chuẩn bị cho lớp cán bộ lãnh đạo chiến lược sau này . Mày nhớ phải chú ý đến nó, rồi sau này nó nhất  định sẽ làm nên chuyện …".

Ông Sáu Khải - Người cha nguyện đánh đổi cả thân thể, sức khỏe, chức vụ để con gái khỏi bệnh - Ảnh 3.

Ai biết ông Sáu Búa (tên thân mật của ông Lê Đức Thọ) là người khắt khe và khó tính đến mức nào, thì mới hiểu hết lời khen ngợi dành cho anh Sáu Khải trong câu nói ấy.

Năm đó, Sáu Khải mới 24 tuổi, mới lấy vợ, là một anh cán bộ trẻ mới từ miền Nam ra học trường Bổ túc Công nông. Từ đó, tôi luôn dõi theo con đường sự nghiệp của anh Sáu Khải. Quả thực, ông Sáu Búa đã không nhìn nhầm người!

Ông Sáu Khải - Người cha nguyện đánh đổi cả thân thể, sức khỏe, chức vụ để con gái khỏi bệnh - Ảnh 4.

50 năm làm bạn với nhau, kể từ khi là những cán bộ trẻ cho đến khi làm cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước công việc đối nội, đối ngoại bận rộn, tôi và anh Sáu Khải vẫn coi nhau như những người bạn thân thiết.

Thời anh Phan Văn Khải còn làm Thủ tướng Chính phủ bận rộn, tôi thường giữ ý không làm phiền bạn, nhưng bận kiểu gì thì bận, anh Khải sẽ gọi tôi đến nhà ăn cơm mỗi tháng một lần.

Sau khi về hưu, anh Khải vào Sài Gòn ở, nhưng mỗi lần ra Hà Nội kiểu gì cũng phải ghé thăm tôi. Cũng như tôi nếu có dịp vào Sài Gòn nhất định phải qua thăm anh và chị Sáu.

Qua thăm chỉ  để ăn một bát chè chị Sáu nấu, nói với nhau dăm ba câu chuyện rồi lại đi. Nhưng đã vào Sài Gòn mà không vào thăm Sáu Khải thì kiểu gì anh cũng càm ràm.

Ông Sáu Khải - Người cha nguyện đánh đổi cả thân thể, sức khỏe, chức vụ để con gái khỏi bệnh - Ảnh 5.

Thi thoảng muốn gặp nhau, anh gọi điện kêu tôi vào thăm. Nếu tôi than không đủ tiền mua vé máy bay, anh sẽ gửi cho tôi 5 triệu, đúng đủ tiền mua một cặp vé khứ hồi, vì thật ra anh cũng không có nhiều hơn. Nhưng lúc nào anh cũng muốn tôi chuyển vào Sài Gòn sống, để có bạn bè bầu bạn lúc tuổi già. Sáu Khải bảo tôi: "Cậu vào đây đi, tớ nuôi cậu…".

Làm bạn bè 50 năm, dù là lúc đang đương chức Thủ tướng, anh chưa bao giờ giàu có, dư dả để tặng tôi những món quà giá trị. Quà của anh chỉ là chai rượu, là mấy bao thuốc lá. Nhưng khi tôi ốm, bao nhiêu yến nuôi được trong vườn nhà, anh đều nhờ người gửi cho tôi. Anh nói: "Yến này chỉ dành cho ông Mười Hương tẩm bổ".

Ông Sáu Khải - Người cha nguyện đánh đổi cả thân thể, sức khỏe, chức vụ để con gái khỏi bệnh - Ảnh 6.
Ông Sáu Khải - Người cha nguyện đánh đổi cả thân thể, sức khỏe, chức vụ để con gái khỏi bệnh - Ảnh 7.

Sau này chị Sáu mất, anh Sáu Khải để lại ngôi nhà trên đường Tú Xương cho con gái và cháu ngoại rồi về quê nhà Củ Chi sinh sống.

Mỗi lần tôi ghé Củ Chi thăm anh, anh lại mời ông Sáu Phong (nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ) từ Bình Dương qua ăn cơm.

Tôi cứ than sao anh lại chọn một nơi vắng vẻ thế này để sinh sống. Nhưng anh lại thanh thản và hài lòng với cuộc sống bình dị ở quê nhà.

Anh hay đưa tôi ra thắp hương mộ chị Sáu. Mộ chị được xây ngay trong khuôn viên trang trại. Anh nói: "Tôi đã xin với Bộ Chính trị rồi, sau này tôi mất, tôi cũng muốn nằm xuống ở đây…"

Lúc còn sống, anh Sáu Dân (Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) cũng có nguyện vọng được rải tro cốt xuống sông Sài Gòn để được gần với vợ con đã mất nhưng chưa toại nguyện. Nên tôi vui vì di nguyện của anh Sáu Khải đã được Bộ Chính trị đồng ý.

Ông Sáu Khải - Người cha nguyện đánh đổi cả thân thể, sức khỏe, chức vụ để con gái khỏi bệnh - Ảnh 8.
Ông Sáu Khải - Người cha nguyện đánh đổi cả thân thể, sức khỏe, chức vụ để con gái khỏi bệnh - Ảnh 9.

Là bạn bè, chúng tôi chia sẻ mọi điều trong cuộc sống. Tôi biết rằng bạn tôi - dù là Thủ tướng, cũng có những bất hạnh trong cuộc sống không biết bày tỏ cùng ai.

Anh Sáu Khải từ khi sinh ra đã mồ côi cha. Sau này khi lập gia đình với chị Sáu, anh chưa bao giờ có được hạnh phúc trọn vẹn, vì con gái của anh bị mắc bệnh động kinh nặng. Mà anh yêu và thương con bé vô cùng.

Tôi còn nhớ có lần cùng nhau đứng ở ven Hồ Tây, anh đau buồn nói với tôi: "Nếu tôi có thể đổi cái thân tôi để con gái tôi được khoẻ mạnh, thì kể cả là sức khoẻ của tôi, kể cả là cương vị Thủ tướng mà tôi đang có, tôi cũng sẵn sàng từ bỏ. Nhưng trời không cho tôi có tất cả. Trời cho tôi làm nên sự nghiệp thì lại mất lộc đường con cái".

Ông Sáu Khải - Người cha nguyện đánh đổi cả thân thể, sức khỏe, chức vụ để con gái khỏi bệnh - Ảnh 10.

Đời anh Sáu Khải có hai lần hạnh phúc nhất: lần thứ nhất là khi con gái anh lấy chồng. Lần thứ hai là khi anh đón hai đứa cháu ngoại sinh đôi, một trai - một gái ra đời, lành lặn và khoẻ mạnh. Tôi cứ bảo anh, vậy là anh ở hiền gặp lành, người có phúc bao giờ cũng sẽ có lộc cuối đời.

Ông Sáu Khải - Người cha nguyện đánh đổi cả thân thể, sức khỏe, chức vụ để con gái khỏi bệnh - Ảnh 11.
Ông Sáu Khải - Người cha nguyện đánh đổi cả thân thể, sức khỏe, chức vụ để con gái khỏi bệnh - Ảnh 12.

Dù có hai người con, một trai – một gái, nhưng anh dành tình yêu cho cô con gái bệnh tật nhiều hơn. Khi anh về hưu, vợ chồng anh sống cùng con gái và cháu ngoại trong căn nhà trên đường Tú Xương để tiện chăm sóc con.

Mỗi lần đi chữa bệnh cho con, cũng chính là anh đích thân đưa đi.  Ở đâu có thầy giỏi, thuốc hay, anh đều đưa con mình đến. Làm giấy khai sinh cho cháu ngoại, anh cũng đích thân xếp hàng ở UBND Phường.

Anh Sáu Khải về hưu giản dị, xuề xoà, nhìn như mọi ông già Nam bộ khác, không bao giờ tỏ ra mình là người có quyền, có chức. Nên anh đi làm giấy khai sinh cho cháu ngoại cũng phải xếp hàng chờ cả tiếng đồng hồ như ai; cũng bị cán bộ phường bắt đi đi lại mấy lần vì thiếu giấy tờ.

Nguyên Thủ tướng Sáu Khải – bạn tôi thậm chí còn bị một cậu cán bộ phường nạt nộ, hách dịch mà không hề nhận ra anh là Thủ tướng. Không cáu giận, không tỏ ra quyền uy, bạn tôi chỉ cười…

Nhắc lại chuyên đó với tôi, anh vừa tếu táo, vừa ưu tư: "Lúc còn làm Thủ tướng, tôi có lẽ là ông Thủ tướng quan liêu, nên đã không hiểu được nhiều chuyện. Về hưu rồi mới biết cán bộ ở địa phương còn hách dịch, khó khăn với dân mình nhiều lắm…".

Ông Sáu Khải - Người cha nguyện đánh đổi cả thân thể, sức khỏe, chức vụ để con gái khỏi bệnh - Ảnh 13.

Là lãnh đạo cao cấp, nhưng anh Sáu Khải không giàu. Ngoài căn nhà ở đường Tú Xương, thì anh chỉ có trang trại Củ Chi là có giá trị.

Hôm đi đám tang thân mẫu anh, tôi thấy anh cắm một tấm biển từ đầu ngõ: "Xin cảm ơn quý vị đến viếng thân mẫu tôi. Chúng tôi không nhận tiền phúng viếng".

Chị Sáu – vợ anh lúc còn sống cũng chọn cho mình một cuộc sống giản dị, khép mình, chứ không thể hiện mình là mệnh phụ phu nhân, là "quan bà" như một số người vợ quan chức khác.

Ông Sáu Khải - Người cha nguyện đánh đổi cả thân thể, sức khỏe, chức vụ để con gái khỏi bệnh - Ảnh 14.

Tôi nhớ, thời còn đương chức, trước mỗi quyết định lớn trong sự nghiệp và trong chuyện lãnh đạo đất nước, anh Sáu Khải đều lên báo cáo Bác Hồ ở Tản Viên. Ngày anh nhậm chức hay ngày anh về hưu, anh vào tận Nghệ An thắp hương thưa với Bác.

Sáu Khải luôn nói với mọi người: "Ông Mười Hương là người luôn bảo vệ tôi mỗi khi tôi bị công kích hay phản đối".

Nhưng tôi biết rằng, tôi đã luôn đứng về phía anh Sáu Khải thời anh làm Thủ tướng, không phải vì anh là bạn tôi, mà vì đúng như lời ông Lê Đức Thọ nói, Sáu Khải là người đủ tốt, đủ tâm, đủ tài để làm lãnh đạo, là vị Thủ tướng kỹ trị của đất nước.

Tôi tự hào vì là đồng chí của anh, tự hào vì được làm bạn với vị Thủ tướng giản dị của đất nước.

Nguyễn Đình Hương (Tô Lan Hương ghi)
7pm
Getty Images
Theo Trí Thức Trẻ21/03/2018

Theo Nguyễn Đình Hương (Tô Lan Hương ghi)

Trí thức trẻ

Trở lên trên