Từ một doanh nghiệp nhỏ, chỉ sản xuất bánh kẹo theo mùa vụ, KIDO đã trở thành một tập đoàn hàng đầu sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu quy mô lớn. KIDO đang tiến nhanh tới mục tiêu doanh thu tỷ đô theo một cách thức rất khác so với nhiều công ty sản xuất hàng tiêu dùng trên thị trường: M&A. Tổng giám đốc KIDO – ông Trần Lệ Nguyên là một chuyên gia lão luyện về M&A, người đứng sau tất cả các thương vụ mua bán sáp nhập của tập đoàn này.
Tại talk show The Investors, ông Trần Lệ Nguyên đã chia sẻ những bí quyết thành công của tập đoàn này trong lĩnh vực M&A, đồng thời tiết lộ những bài học đầu tư cá nhân đắt giá từ chính kinh nghiệm của CEO KIDO. Chương trình được dẫn dắt bởi Host Nguyễn Đức Hùng Linh – Nhà sáng lập Think Future Consultancy.
Host Hùng Linh: KIDO lên sàn chứng khoán từ những năm 2004-2005. Tại sao công ty của anh lại chọn niêm yết sớm như vậy?
Ông Trần Lệ Nguyên: KIDO có kế hoạch mở rộng kinh doanh từ năm 2001 và mua lại Vinabico – một công ty chuyên sản xuất bánh kẹo. Năm 2003, chúng tôi tiếp tục M&A mảng kem của Tập đoàn Unilever – kem Wall's. Từ đó, chúng tôi đã chuẩn bị lộ trình để cổ phần hóa, niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đến năm 2004, Tập đoàn KIDO niêm yết trước Công ty KIDO Miền Bắc (NKD). Sau đó một năm, CTCP KIDO miền Nam (KDC) được niêm yết. Thời điểm đó, chúng tôi tạo ấn tượng khi sang Singapore làm roadshow để kêu gọi các quỹ đầu tư vào Việt Nam. Sau đó thì Temasek và Prudential cùng đầu tư vào KIDO.
Điều giá trị nhất là sau khi niêm yết, chúng tôi không chỉ huy động được vốn mà còn có thêm cả kiến thức, kinh nghiệm từ các tập đoàn và quỹ đầu tư quốc tế. Khi cộng hưởng cả 2 nhân tố đó, chúng tôi có điều kiện để tiếp tục M&A nhiều công ty khác để tăng trưởng. Đặc biệt, nhờ niêm yết trên sàn, có thêm nhiều cổ đông chiến lược lớn, chúng tôi cải thiện rất nhiều về phần quản trị mà một biểu hiện rõ nhất: KIDO là một trong những tập đoàn đi tiên phong tại Việt Nam về chuyển đổi số.
Host Hùng Linh: Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn về những giá trị mà các tổ chức tài chính lớn đó mang lại cho KIDO cũng như cá nhân anh?
Ông Trần Lệ Nguyên: Với các quỹ như Temasek và Prudential, họ không chỉ đầu tư tài chính mà còn hỗ trợ chúng tôi về mặt quản trị. Khi KIDO đã trở thành một công ty đại chúng, có các cổ đông chiến lược nước ngoài thì việc vận hành sẽ phải đáp ứng tiêu chuẩn quản trị quốc tế như việc kiểm toán phải dùng các công ty thuộc Big 4 chẳng hạn.
Điểm thứ hai, cổ đông là các tổ chức tài chính quốc tế thường chia sẻ các bài học, kinh nghiệm quản trị từ những công ty niêm yết tại Singapore hay các nước khác, để mình hiểu thêm và có thể thay đổi tư duy về quản trị. Đặc biệt là trong mảng M&A, họ cũng chia sẻ các cơ hội cho mình.
Điều may mắn tiếp theo là mỗi dự án M&A mà KIDO làm, mình đều chia sẻ với các cổ đông lớn và họ tư vấn cho mình rất nhiều. Ví dụ như nếu mua công ty này thì cần làm việc gì tiếp theo, cần chuẩn bị gì cho đội ngũ nhân viên về cách vận hành trong mảng mới. Ở đây, điều mà tôi học được là cần có tư duy cởi mở, nếu không thì sẽ không thể tiếp cận được các giá trị mới.
Host Hùng Linh: Kể cả trước và sau khi lên sàn chứng khoán, KIDO thực hiện khá nhiều thương vụ M&A, bao gồm cả dự án về bất động sản. Mối liên quan giữa các lĩnh vực này và vì sao KIDO lại đa dạng hóa như vậy?
Ông Trần Lệ Nguyên: Còn chuyện Tập đoàn KIDO mở rộng kinh doanh nhiều ngành hàng là để xây dựng một hệ sinh thái gắn bó với nhau. Thay vì chỉ bán một mặt hàng nếu vô siêu thị có nhiều mặt hàng thì doanh số sẽ tăng.
Ngoài việc hỗ trợ lẫn nhau giữa các ngành hàng, hệ sinh thái tạo cơ hội cho các nhà phân phối bán được nhiều hơn và gắn bó với mình hơn, chứ chỉ bán một mặt hàng thì sẽ chán. Trước đây, một nhà phân phối chỉ bán dầu ăn thôi, giờ thêm cả nước mắm, hạt nêm…thì doanh số sẽ cao hơn và còn dễ bán. Tất nhiên, trước đó, mình phải làm được sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường và chất lượng tốt, giá cả phù hợp nữa.
Ví dụ như Tập đoàn KIDO đã quay trở lại ngành hàng bánh kẹo nhưng không phải sản xuất bánh biscuit hoặc cookie mà làm bánh ăn hằng ngày như bánh tươi kiểu bánh ngọt, nhân thịt khách hàng ăn no được chứ không theo thời vụ nữa. Khi thay đổi mô hình sản xuất bánh kẹo, mình mới mua tiếp bánh bao Thọ Phát. Thọ Phát làm cực tốt nhưng chỉ quanh khu vực TP.HCM vì bánh tươi, có thịt và dễ bị hư. Còn mình có mảng kem, với hệ thống đông lạnh nên có thể bảo quản và ship hàng khắp cả nước luôn.
Như hệ thống phân phối 450.000 điểm bán của dầu ăn (ngày trước bánh kẹo chỉ có khoảng 100.000 điểm thôi), mình đưa dầu ăn và các sản phẩm khác vào bán tại chuỗi miniBAO Thọ Phát, hiệu quả tăng lên rất nhiều.
Còn việc mở rộng ra bán lẻ vì cần công cụ. KIDO trước chỉ có kênh bán GT (kênh phân phối truyền thống) và MT (kênh phân phối hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị lớn…) thôi, mới đầu thêm cả kênh online nữa. Điều này giúp chúng tôi có cơ hội tiếp cận người tiêu dùng tốt hơn.
Với kênh online, chúng tôi xây dựng cả một tòa nhà để phục vụ cho việc livestream bán nhiều mặt hàng khác nhau chứ không chỉ riêng sản phẩm của KIDO. Chúng tôi mời các "chiến thần" về bán cho mình, đồng thời hợp tác với Tik Tok, Meta, Shopee… để cùng làm.
Ở đây, phần M&A dự án bất động sản, nhất là các Mall (trung tâm thương mại lớn) cũng sẽ hỗ trợ cho mảng bán lẻ offline của KIDO. Còn bất động sản không phải là mảng mới mà có từ năm 2003, bắt đầu từ cá nhân mình. Còn bây giờ KIDO tham gia M&A một số dự án bất động sản cần tái cấu trúc và trở thành một mảng của tập đoàn, chứ mình không làm cá nhân nữa vì… mệt rồi. Giờ mình chỉ tập trung cho mảng F&B của KIDO.
Host Hùng Linh: Sau 20 năm đưa KIDO lên niêm yết, anh cảm nhận thêm được giá trị gì từ việc đó?
Ông Trần Lệ Nguyên: KIDO đã khác trước rất nhiều nhờ việc lên sàn chứng khoán. Nhiều lợi ích của việc lên sàn mình đã nói ở trên rồi, còn một việc nữa là nếu không có nguồn vốn từ thị trường chứng khoán và các cơ hội từ M&A các công ty mới, KIDO sẽ không thể phát triển như ngày nay được.
Thử hình dung trong cái ngành bánh kẹo truyền thống của mình, tăng trưởng chỉ giới hạn khoảng 6-10% là tối đa, còn chỉ cần một thương vụ M&A đúng thôi là tăng gấp bao nhiêu lần. Gần đây, sau thương vụ Thọ Phát, mình có thêm nhiều nhiều mặt hàng để bán.
Hai năm trước KIDO quay lại sản xuất bánh kẹo, có bánh trung thu nhưng chưa có kênh để bán lẻ. Sau thương vụ M&A, chúng tôi đã xây dựng thành công hơn 300 cửa hàng miniBAO trên toàn quốc, dùng để phân phối tất cả các sản phẩm thuộc hệ sinh thái Tập đoàn KIDO, đặc biệt dùng để làm điểm bán bánh trung thu năm nay. Mục tiêu sang năm sẽ có thêm 2.000 cửa hàng miniBAO. Tương lai xa hơn chúng tôi sẽ đạt 12.000 cửa hàng miniBAO, đồng thời phát triển 50.000 điểm bán lẻ Thọ Phát trên toàn quốc.
Nhưng tăng trưởng mạnh không chỉ do mua mà còn nhờ bán. Năm 2015 KIDO đã bán đi mảng chủ lực của mình lúc đó là mảng bánh kẹo, dẫn đầu thị trường Việt Nam tại thời điểm ấy. Nguyên nhân bán vì lúc đó giá đang là tốt nhất, P/E đã ở mức 28-30 lần. Giao dịch đó đã mang lại nhiều tài chính cho Tập đoàn KIDO. Thời điểm bán, mảng bánh kẹo một năm có doanh số 4.000 – 5.000 tỷ, tăng trưởng 6-8%. Nếu mình đi theo đà tăng trưởng đó thì bao lâu mới có doanh số tỷ đô? Muốn có doanh số tỷ đô thì chỉ có cách M&A.
Và tất nhiên phải có tài chính dồi dào thì mới có thể M&A được. Lúc bán đi mảng bánh kẹo mình có quá trời tiền để thu mua các công ty khác, thậm chí mua cả một ngân hàng còn được. Từ thời điểm đó mình mới hiểu: chiến lược thay đổi là đúng. May là KIDO đã bán mảng bánh kẹo ở thời điểm đó khi mà người tiêu dùng chưa kén ăn như bây giờ (ăn uống lành mạnh, ít ngọt, ít béo, không biếu xén nhiều…).
Trước đây, chỉ với mảng bánh kẹo, chẳng biết bao giờ KIDO mới có doanh số 10.000 tỷ đồng. Còn bây giờ với chiến lược M&A thì con số này đã vượt rồi và mục tiêu hơn 20.000 tỷ đồng và tỷ đô là trong tầm tay.
Host Hùng Linh: Anh có thể chia sẻ những kỷ niệm đầu tư đáng nhớ với thị trường chứng khoán Việt Nam?
Ông Trần Lệ Nguyên: Mình có 2 kỷ niệm. Một là những năm đầu, khi KIDO mới niêm yết. Thời điểm đó, ngày nào cũng ăn mừng vì cổ phiếu ngày nào cũng tăng trần. Cổ phiếu KDC có lúc P/E lên tới 54 lần, 270.000 đồng/cổ phiếu. Nói giá tăng do KIDO tốt hay không tốt thì đều phản ánh không đúng vì ngày nào cũng tăng. Điều đó làm mình thực sự ấn tượng. Bản thân tôi thời điểm đó được nhiều công ty mời tham gia HĐQT như Ngân hàng Đông Á, Bút bi Thiên Long... và được mời mua cổ phiếu ưu đãi khá nhiều.
Kỷ niệm thứ hai là mùa Covid. Thời điểm đó không đi xem nhà đất được, không đi nước ngoài, không đi thăm nhau được, nhưng vẫn có thể ngồi nhà giao dịch chứng khoán. Lúc mà thị trường chứng khoán xuống thấp nhất, mình đầu tư cá nhân vào nhiều mã cổ phiếu và kiếm được rất nhiều tiền. Mình nhớ là không có mã nào thua cả.
Những blue- chip như Vinamilk, Hòa Phát thì họ đã xây dựng được danh tiếng, thị phần. Doanh thu vẫn tăng, lãi vẫn tăng, vậy tại sao giá cổ phiếu lại xuống thấp như vậy? Nên mình mới mua nhờ có nguồn vốn nhiều và để lâu dài được, nhưng giá lại lên rất nhanh sau đó.
Mình chia sẻ với nhiều doanh nghiệp là cơ hội đến mình phải biết nắm bắt, kể cả khi thị trường xấu. Khi đó, có doanh nghiệp cần phải tránh bão, nhưng mình làm M&A thì thị trường xấu mới mua được Thọ Phát. Vấn đề là phải biết nắm bắt cơ hội, tin vào khả năng của mình và đội ngũ của mình.
Host Hùng Linh: Việc thực hiện các thương vụ M&A của KIDO khác gì so với các quỹ đầu tư hay các doanh nghiệp khác?
Ông Trần Lệ Nguyên: Mình tham gia vào mảng M&A rất nhiều và may mắn lớn nhất là team work (tinh thần đồng đội) ở Tập đoàn KIDO rất tốt. Mỗi một mảng đều có một team hỗ trợ cho việc mua bán, sáp nhập. Tất cả đều tập trung hỗ trợ, đưa doanh nghiệp mình mua về hội nhập nhanh nhất với văn hóa và chiến lược của tập đoàn.
Trong khi nhiều doanh nghiệp khác mất nhiều thời gian thì mình làm quen rồi bởi không chỉ mua 1-2 công ty, mà rất nhiều. Vì thế, các thủ tục, hỗ trợ chuyển đổi về quản trị diễn ra rất nhanh. Đối với các quỹ đầu tư, họ có bộ phận chuyên trách nhưng hầu hết chỉ đóng vai trò adviser hay consutant thôi, chứ không phải trực tiếp điều hành như mình.
Host Hùng Linh: Trong rất nhiều thương vụ M&A mà anh từng thực hiện, anh có thể chia sẻ về những thương vụ không thành công?
Ông Trần Lệ Nguyên: Trước đây, mình mua Tribeco và trở thành Chủ tịch HĐQT. Nhưng sau đó, mình cảm nhận là mua về mà không đủ cổ phần chi phối thì không chủ động được hết. Khi liên doanh với bên Đài Loan thì mình không tạo được giá trị. Nhận thức được điều đó, mình quyết định thoái vốn và bán hết rất nhanh chóng.
Tham gia Eximbank là một ví dụ khác. Khi thấy không có tiếng nói, không chủ động được, mình cũng thoái vốn.
Host Hùng Linh: Anh có thể chia sẻ tiêu chí của KIDO khi tìm kiếm các công ty để làm M&A?
Ông Trần Lệ Nguyên:Đối với M&A công ty thì cần trả lời câu hỏi: mình có am hiểu về lĩnh vực đó không và mua về có tạo ra giá trị không? Nếu mua một công ty mà không tạo ra giá trị thì không khác gì việc mua một con gà mà nó không đẻ được trứng.
Thứ hai là hệ sinh thái. Công ty mua về có kết hợp tốt với hệ sinh thái hiện có để tạo ra giá trị gia tăng, tạo thêm khách hàng…, có lợi ích cho mình hay không. Thứ ba là khả năng tạo tiền mặt hằng ngày. Tuy nhiên, cơ hội M&A thì mình phải đợi, để chọn được đúng cái phù hợp với mục tiêu của mình. Nếu doanh nghiệp nào đạt đủ ba tiêu chuẩn đó thì mình sẽ tiến tới.
Như Thọ Phát, họ bán cho mình 68% nhưng 3 năm sau giá trị công ty tăng gấp 2-3 lần thì họ vẫn vui vẻ. Mùa Trung thu vừa rồi, anh Thọ (nhà sáng lập Thọ Phát) không ngờ là Thọ Phát đưa cho mình điều hành lại có kết quả tốt như vậy. Họ bán công ty đi, nhưng vẫn hạnh phúc vì giao đúng người. Một phần vì trên thị trường, người ta tin vào cá nhân ông Nguyên: ông Nguyên về thì sẽ làm tốt.
Một ví dụ khác là kem Wall's. Khi Unilever còn làm thì từ 1997-2003 vẫn lỗ, nhưng vào mình thì rất tốt. Khi mình mua kem Wall's, giá có hơn 20 tỷ đồng, còn giờ định giá là hơn 400 triệu USD – tăng hàng trăm lần vì mình biết khai thác.
Ở đây, mình nói lại là việc M&A rồi thì phải giao công ty cho mình kiểm soát, chiến lược đi theo mình thì mới làm được.
Host Hùng Linh: Trường hợp của kem Wall's, lý do dẫn tới sự thay đổi ngoạn mục đó là gì? Giá trị lớn có phải đến từ kênh phân phối?
Ông Trần Lệ Nguyên: Đó là khả năng nghiên cứu, tạo ra sản phẩm mới phù hợp với người tiêu dùng. Mình làm ra các sản phẩm theo nhu cầu của thị trường như mùi trái cây nhiệt đới, sầu riêng… còn kem Wall's trước đó làm theo format của công ty mẹ.
Host Hùng Linh: Anh có thể chia sẻ phương pháp sàng lọc cổ phiếu của mình khi đầu tư trên sàn chứng khoán?
Ông Trần Lệ Nguyên: Đối với nhà đầu tư cá nhân, trước tiên nên chọn các bluechip để tránh bớt rủi ro. Thứ hai là các công ty đã xây dựng được thương hiệu trên thị trường, có hệ thống và đội ngũ lãnh đạo tốt. Đó là 2 yếu tố quan trọng nhất.
Đương nhiên, đầu tư cổ phiếu thì có lãi, có lỗ nhưng mua bluechip thì rủi ro thấp hơn. Không thể nghe theo "thông tin lùa gà" để mua "minichip" (cổ phiếu penny) được. Thường cái đó khó đoán, và phải rất nhạy, mua một thời gian ngắn phải bán. Mình chưa có thông tin mà họ bán trước mình bán không kịp là thua. Nhà đầu tư nhỏ hay gặp rủi ro ở chỗ này.
Điểm đáng lưu ý nữa là một công ty không có thanh khoản thì tài sản lớn bao nhiêu cũng không nên mua, kể cả cổ phiếu có rẻ hơn nhiều so với tài sản đang có. Tài sản không tạo ra dòng tiền để trả nợ ngân hàng, trả nợ trái phiếu thì làm sao tạo ra giá trị cho nhà đầu tư được.
Nên lựa chọn đầu tư vào các cổ phiếu có thương hiệu, thị phần và đội ngũ lãnh đạo tốt, gặp lúc thị trường xấu cũng chỉ lỗ nhiều khoảng 20%, còn thị trường tốt có thể lãi trên 50-60%. Đừng ham mua "minichip" vì muốn lãi nhiều, cổ phiếu giá rẻ. Đó là những gợi ý của tôi cho các nhà đầu tư cá nhân.
Host Hùng Linh: Với một thị trường cận biên như Việt Nam, số lượng công ty có "game" cổ phiếu khá nhiều, kể cả các công ty lớn. Anh có suy nghĩ gì về điều này?
Ông Trần Lệ Nguyên:Gần đây, nếu các bạn có xem phỏng vấn chỗ chị Mai Thanh (Chủ tịch HĐQT REE) thì có thể thấy là những công ty xây dựng được thương hiệu bluechip không khi nào tham gia các "game" như vậy. "Game" cổ phiếu thường rơi vào những công ty nhỏ nên mới có thành phần ban lãnh đạo như vậy. Thông tin ở bên ngoài không có, phải là những người am hiểu thông tin nội bộ thì họ mới biết để bán trước. Mình là nhà đầu tư nhỏ mà rơi vào game đó là thua thôi.
Còn với những công ty lớn như Vinamilk của chị Mai Kiều Liên làm sao có "game" được, lãnh đạo công ty không cho phép làm việc đó. Những công ty uy tín ít khi để cổ phiếu của mình biến động mạnh. Giống như KIDO của chúng tôi, những cổ đông lớn mà định tạo game là mình biết ngay và phải can thiệp, nói rõ mình không ủng hộ chuyện đó. Không chỉ ở Vinamilk, REE hay PNJ cũng vậy.
Host Hùng Linh: "Game" cổ phiếu ở đây là do các nhà đầu tư tự tạo với nhau chứ không liên quan đến lãnh đạo công ty. Anh có nhận xét gì về những game đó và lời khuyên cho các nhà đầu tư cá nhân?
Ông Trần Lệ Nguyên: Không phải là tự nhiên mà các nhà đầu tư có thể tạo được "game" cổ phiếu đâu. Nếu tạo "game" mà ban lãnh đạo công ty không đồng ý, họ bán ra cổ phiếu thì những người kia "ôm show" chết liền.
Còn lời khuyên của mình cho nhà đầu tư cá nhân là nên tập trung vào cổ phiếu có uy tín và ít biến động, ít nhất là trong thời điểm này. Thời điểm tốt thì cổ phiếu nào cũng là tốt hết, nhưng không nên tham gia vào "game" của người khác vì rủi ro rất cao.
Một kinh nghiệm nữa khi đầu tư là phải quyết đoán. Nhận thấy không ổn là phải bán ngay, bán sạch luôn và không có thương tiếc. Còn cứ tiếc và chần chừ là coi như xong.
Host Hùng Linh: Thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn này ngoài việc đi ngang thì có rất ít doanh nghiệp niêm yết mới, và khó huy động vốn qua thị trường chứng khoán. Anh nghĩ gì về điều này?
Ông Trần Lệ Nguyên:Chúng ta phải hiểu là IPO ngoài mục đích huy động vốn, còn là tạo thanh khoản cho cổ phiếu. Thời điểm này, thị trường đang xấu thì sẽ xấu từ trên xuống dưới luôn, IPO không thể đạt được mục đích, phải kiên nhẫn chờ thôi. Với KIDO, đây lại là cơ hội đi mua các công ty tốt, với giá rẻ.
Host Hùng Linh: Theo anh, làm cách nào để nhà đầu tư biết được cần tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu tốt, đang có lãi, đủ dũng cảm bán đi cổ phiếu đang lỗ hoặc lãi ít?
Ông Trần Lệ Nguyên: Thỉnh thoảng, nhà đầu tư cũng cần đánh giá lại danh mục đầu tư của mình. Đối với những cổ phiếu mà chu kỳ này doanh nghiệp không có tăng trưởng đột phá thì nên bán đi. Bán đi mới có lãi. Một ngày nhà đầu tư chưa bán cổ phiếu thì nó vẫn chỉ là giấy thôi. Sau khi mình bán, tiền vào túi thì có thể đem đi đầu tư chỗ khác.
Không nên nắm giữ suốt một cổ phiếu trong thời gian quá dài và không định kỳ đánh giá lại dù đó là cổ phiếu tốt. Đó không phải là đầu tư, mà chỉ như một hình thức gửi tiết kiệm, sinh lãi tốt hơn ngân hàng. Đầu tư cổ phiếu là phải có ra có vào.
Nhà đầu tư phải biết P/E là gì và phải nhìn vào đó. Ví dụ FPT dù là một cổ phiếu tốt nhưng P/E đạt đỉnh rồi, khó vượt đỉnh lắm, đến thời điểm P/E đạt đỉnh thì phải bán. Trăm mấy nghìn/cổ phiếu thì dù cổ phiếu rất tốt nhưng có thể bán đi để mua cổ phiếu khác.
Thời điểm ra vào cũng rất quan trọng. Nhà đầu tư phải theo dõi, xem báo cáo tài chính, quý này sao quý sau sao. Vì thế, mình không bao giờ đầu tư Bitcoin, bởi nếu không thấy số liệu nào hết thì làm sao dám đầu tư. Vàng cũng vậy luôn. Ví dụ như giờ nhóm bất động sản, thị trường bế tắc thì mua cổ phiếu nhóm này làm gì.
Đừng có tin vào những lời tư vấn kiểu: "Xuống đáy rồi, bắt đáy đi!". Cực kỳ nguy hiểm!
Link bài gốcLấy link!
https://markettimes.vn/ong-tran-le-nguyen-chia-se-bi-quyet-m-a-cua-kido-va-loi-khuyen-dac-biet-danh-cho-nha-dau-tu-ca-nhan-67844.html