img
Phía sau chiến lược đưa Techcombank đến Top 200 Thương hiệu Ngân hàng Giá trị nhất toàn cầu - Ảnh 1.

Một thực tế là nhiều tổ chức khác cũng tham vọng mạnh mẽ, cũng có các tổ chức tư vấn chiến lược lớn hậu thuẫn, song cho đến nay, Techcombank vẫn là một mô hình thành công "khó sao chép"? Bí kíp, có lẽ, chính là nhờ hành trình chuyển đổi mạnh mẽ dựa trên số hóa, dữ liệu và nhân tài, cùng nền tảng văn hoá tổ chức chuyên nghiệp và hiệu quả mà nhà băng này dẫn dắt trong nhiều năm qua.

Ngược dòng về thập niên 1990, thương hiệu Techcombank thường xuyên bị "nhận nhầm" với các thương hiệu khác. "Hầu như không ai biết đến cái tên Techcombank. Ngay cả người quen, hay người thân trong gia đình tôi khi đó, nếu nói về ngân hàng cũng chỉ nhớ mỗi tên Vietcombank…" – ông Thắng, Phó Tổng giám đốc Techcombank nhớ lại.

Đến những năm 2000, cái tên Techcombank đã bắt đầu được để ý, và có những bước tiến vượt bậc. Năm 2008, ông Hồ Hùng Anh trở thành Chủ tịch HĐQT thứ 5 của nhà băng này, và Techcombank có thêm một thay đổi khác biệt về lộ trình xây dựng sức mạnh mềm.  Tư duy của người đứng đầu Hội đồng Quản trị Techcombank, khi đó là, mô hình kinh doanh thành công phải bắt nguồn từ xây dựng nội lực văn hóa tổ chức, chứ không phải chỉ đạt cho được những kết quả tài chính tham vọng. Cũng từ đây, đã trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam từ năm 2009 đã dám đầu tư một ngân sách lớn để mời McKinsey - tập đoàn tư vấn chiến lược số 1 thế giới – đồng hành xây dựng chiến lược kinh doanh, và văn hoá doanh nghiệp chuyên nghiệp và hiệu quả theo quy chuẩn thế giới.

Phía sau chiến lược đưa Techcombank đến Top 200 Thương hiệu Ngân hàng Giá trị nhất toàn cầu - Ảnh 2.

Kể từ đó, top đầu bảng xếp hạng các ngân hàng về chuyển đổi số, không thể thiếu cái tên Techcombank. Các quan hệ đối tác xứng tầm thế giới đã giúp Techcombank sở hữu công nghệ vượt trội, nhân lực đẳng cấp và xây dựng đội ngũ có chuyên môn cao trong hệ thống. Nhà băng này tập trung đầu tư vào nghiên cứu thị trường và am hiểu khách hàng để xây dựng những giải pháp – gói giải pháp cho từng phân khúc, từng đối tượng khách hàng.

Phía sau chiến lược đưa Techcombank đến Top 200 Thương hiệu Ngân hàng Giá trị nhất toàn cầu - Ảnh 3.

Giữa năm 2016, Techcombank gây chấn động thị trường khi công bố chính sách "Zero Fee – Miễn phí toàn bộ giao dịch chuyển khoản điện tử online". Từ góc độ thị trường, không ít câu hỏi đặt ra về "Techcombank kiên trì được bao lâu?", bởi khi đó, nguồn thu từ phí chuyển khoản được xem là "con gà đẻ trứng vàng" cho các ngân hàng.

Tuy nhiên, Techcombank đã chứng minh về sự kiên định thực thi chương trình ZeroFee, với cảm hứng từ chiến lược "khách hàng là trọng tâm". Ban lãnh đạo nhà băng này dám "nghĩ khác và làm khác", dù chính sách ngược dòng này khiến họ đối mặt ngay với sự "thâm hụt" hàng trăm tỷ đồng phí chuyển tiền thu được mỗi năm. Đấy là chưa kể việc phải đầu tư thêm hàng trăm triệu USD khác để nâng cấp hạ tầng công nghệ đáp ứng nhu cầu giao dịch dự kiến tăng đột biến…

Và chính sách Zero Fee đã mang lại những lợi ích to lớn cho khách hàng, đồng thời giúp thương hiệu Techcombank lan tỏa rộng rãi. Số lượng giao dịch E-banking của Techcombank này tăng từ 8,9 triệu giao dịch năm 2016 lên 22,7 triệu giao dịch vào cuối năm 2017. Đến 2023, chỉ riêng quý 2, số lượng giao dịch của khách hàng cá nhân qua các kênh ngân hàng điện tử đã tăng lên 499,7 triệu, trong khi tổng giá trị giao dịch đạt đến 2,3 triệu tỷ đồng.

Có thể thấy, Zero Fee, và hiện nay là chính sách Cloud-first mà Techcombank thực thi, đã thúc đẩy một tiến trình thay đổi lớn hơn: Chuyển đổi cách làm của ngành ngân hàng (Change banking). Tiếp sau khoản đầu tư 300 triệu USD vào hệ thống công nghệ từ 2016-2020 (chưa kể chi phí nhân sự), Techcombank hiện đang tiếp tục rót hơn 500 triệu USD trong chiến lược 5 năm 2021-2025, nhằm tiên phong những dự án lớn về chuyển đổi số, để xây dựng năng lực cạnh tranh mới.

Theo lý giải của Ban Lãnh đạo ngân hàng, chính nhờ quyết sách 10 năm không chia cổ tức tiền mặt, được thực hiện từ năm 2013, đã giúp nhà băng này tích lũy nền tảng vốn và bổ sung nguồn lực cho các kế hoạch đầu tư dài hạn của ngân hàng. Đây là nền tảng tài chính vững vàng để Techcombank có thể đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ, phục vụ lợi ích của khách hàng. Nhờ đó, cho đến nay, Techcombank là ngân hàng vẫn đang giữ vị trí hàng đầu về mức độ đầu tư cho nền tảng hạ tầng công nghệ, thậm chí với mức độ đầu tư ngang hàng hoặc cao hơn hầu hết tất cả các ngân hàng khác trong khu vực Đông Nam Á. 

Phía sau chiến lược đưa Techcombank đến Top 200 Thương hiệu Ngân hàng Giá trị nhất toàn cầu - Ảnh 5.

Một lý do nữa lãnh đạo ngân hàng đưa ra cho chính sách không chia cổ tức, nhằm đảm bảo được mức độ phát triển từ khoảng 10-20%. Theo tiêu chuẩn Basel 2, để có khả năng đầu tư thêm dư nợ thì ngân hàng phải có mức vốn chủ sở hữu cao, vốn được xem như tấm đệm chống đỡ rủi ro, giúp ngân hàng tạo được uy tín trên thị trường, tăng khả năng huy động vốn và mở rộng tín dụng, đa dạng hóa danh mục cho vay. Tính đến cuối năm 2022, Techcombank đứng thứ 2 toàn hệ thống về vốn chủ sở hữu, với 113.424 tỷ đồng. Cùng với đó, Techcombank là ngân hàng duy nhất tại Việt Nam duy trì hệ số an toàn vốn CAR ở mức trên 15% liên tục nhiều năm qua.

Phía sau chiến lược đưa Techcombank đến Top 200 Thương hiệu Ngân hàng Giá trị nhất toàn cầu - Ảnh 6.

Năm 2018, Techcombank đã tạo kỷ lục mới trong hệ thống các ngân hàng Việt Nam, khi bán thành công 164,1 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài với mức giá 128.000 đồng/cổ phiếu, thu về tổng số tiền xấp xỉ 922 triệu USD. Thương vụ IPO này đã thu hút sự tham gia của hơn 150 quỹ đầu tư trên thế giới. Trong đó, hai nhà đầu tư pháp nhân độc lập được quản lý bởi Warburg Pincus – Công ty quản lý Quỹ đầu tư vào vốn cổ phân tư nhân (private equity) hàng đầu thế giới chuyên đầu tư vào các công ty có tiềm năng tăng trưởng dài hạn – đã rót nguồn vốn hơn 370 triệu đô la Mỹ, tương đương khoảng 8.400 tỷ đồng, cho Techcombank.

Lý giải về khoản đầu tư khủng này cho Techcombank thời điểm đó, đại diện Warburg Pincus cho rằng: "Techcombank hội tụ đầy đủ những điều kiện tốt nhất với vị thế dẫn đầu trong mảng bán lẻ …, và sẽ tiếp tục củng cố vị thế dẫn đầu của mình ở Việt Nam để trở thành một trong những ngân hàng hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á." Theo đánh giá của Ernst & Young, thương vụ IPO của Techcombank được đánh giá là 1 trong 3 thương vụ IPO có giá trị lớn nhất Đông Nam Á thời điểm đó. Cùng với đó, Warburg Pincus cũng cử nhân sự tham gia Hội đồng Quản trị. Kể từ tháng 3/2019 cho đến nay, ông Saurabh Narayan Agarwal, Giám đốc Điều hành của Warburg Pincus LLC, trở thành thành viên Hội đồng Quản trị của Techcombank.

Phía sau chiến lược đưa Techcombank đến Top 200 Thương hiệu Ngân hàng Giá trị nhất toàn cầu - Ảnh 7.

Tại Đại hội đồng cổ đông 4/2023, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh chia sẻ: "Tôi nhớ tại Đại hội cổ đông năm 2013, tôi đã nói trong 10 năm tới ngân hàng sẽ không chia cổ tức bằng tiền mặt. Năm nay đã là năm thứ 10, và tôi cho rằng đây sẽ là năm cuối cùng Techcombank không chia cổ tức bằng tiền mặt. Mọi việc đều có thể xảy ra nhưng ngân hàng sẽ luôn đảm bảo quyền lợi của cổ đông, đồng thời, cũng phải đảm bảo hoạt động của ngân hàng".

Người đứng đầu nhà băng này cũng đồng thời nhấn mạnh: "Nếu đầu tư dài hạn vào Techcombank, tôi cho rằng cổ đông sẽ không có gì phải suy nghĩ. Tôi luôn tin rằng giá trị tương lai của Techcombank sẽ gấp 5, gấp 10 lần hiện tại".

Phía sau chiến lược đưa Techcombank đến Top 200 Thương hiệu Ngân hàng Giá trị nhất toàn cầu - Ảnh 8.

Nhờ sự kiên định thực thi chiến lược "Khách hàng là trọng tâm", Techcombank đánh dấu 6 tháng đầu năm 2023 với tổng số lượng khách hàng lên tới 12,2 triệu, trong đó thêm khoảng 1,4 triệu khách hàng được thu hút mới, với tỷ trọng 45,3% gia nhập qua các kênh kỹ thuật số và 43,8% thông qua các đối tác trong hệ sinh thái. Những trải nghiệm vượt trội và niềm tin từ khách hàng đã giúp chỉ số quan trọng là tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ngân hàng này chứng kiến sự tăng trưởng trở lại, đạt gần 35% cuối quý 2/2023.

Năm 2023, Techcombank cũng là đại diện ngân hàng tư nhân duy nhất góp mặt trong bảng xếp hạng Top 163 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất toàn cầu của Brand Finance.  Techcombank cũng đứng Top 1 "Thương hiệu ngân hàng tư nhân giá trị nhất", Top 8 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam và trong Top 18 "Thương hiệu ngân hàng giá trị nhất khu vực Đông Nam Á". Theo Brand Finance, Techcombank là một thương hiệu ngân hàng phát triển nhanh nhất tại Việt Nam trong năm 2023,  đạt tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu 47%, lên 1,4 tỷ USD.

Phía sau chiến lược đưa Techcombank đến Top 200 Thương hiệu Ngân hàng Giá trị nhất toàn cầu - Ảnh 9.

Theo bà Thái Minh Diễm Tú - Giám đốc Khối Tiếp thị, giá trị thương hiệu tăng vượt bậc chính là nhờ sự kiên định của Techcombank trong việc thực thi chiến lược "Khách hàng là trọng tâm" trên hành trình chuyển đổi, đồng thời không ngừng kiến tạo các sản phẩm dịch vụ vượt trội, cải thiện trải nghiệm khách hàng tập trung vào tính bảo mật, cá nhân hóa và trao quyền.

Techcombank cũng là thương hiệu ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam đồng hành cùng thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh kiến tạo nên giải chạy Marathon lớn nhất, với thông điệp "Bước chạy vì một Việt Nam vượt trội", nhằm lan tỏa tinh thần sống khỏe, rèn luyện ý chí và nghị lực cho cộng đồng. Tính riêng trong năm 2022, Techcombank đã đóng góp gần 80 tỉ đồng (khoảng 3.4 triệu USD) cho các hoạt động vì cộng đồng, bao gồm hỗ trợ các cộng đồng dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, tài trợ học phí cho học sinh, sinh viên... "Techcombank sẽ cùng chung tay với cộng đồng, đất nước để tạo nên một di sản ý nghĩa cho thế hệ tương lai", bà Thái Minh Diễm Tú chia sẻ thêm.

Phía sau chiến lược đưa Techcombank đến Top 200 Thương hiệu Ngân hàng Giá trị nhất toàn cầu - Ảnh 11.

An An
Hương Xuân

Ánh Dương

Tổ Quốc

Trở lên trên