ỗi kinh hoàng trên bàn họp", "Người đàn ông bí ẩn nhất FPT", "Người mê Kim Dung chưởng", "đại bàng" là những biệt danh mà dân FPT gán cho sếp của mình - Bùi Quang Ngọc. Ông Ngọc không chỉ là người cực kỳ khắt khe, khó tính với thuộc cấp, mà còn vô cùng kiệm lời, kỹ tính trước báo chí.
Bài phỏng vấn này bắt đầu khi ông Ngọc chính thức rời ghế CEO FPT hơn 90 ngày. Nhưng cũng phải qua rất nhiều lần "bổ sung, chỉnh lý", chân dung Bùi Quang Ngọc mới chịu hiện ra rõ ràng hơn, đời thường hơn và thú vị hơn.
Trương Thu Hường: Tôi muốn bắt đầu câu chuyện mà không nhắc đến "máu thịt của ông" là tập đoàn FPT. Nhiều người đã biết, ông là "fan" cuồng nhiệt của nhà văn Kim Dung, yêu thích chim đại bàng và tụ tập bạn bè. Những sở thích này gây ảnh hưởng thế nào đến cá tính con người ông?
TS Bùi Quang Ngọc: Tôi không rõ. Cá tính mỗi người thường vốn trời ban cho, nhưng cũng sẽ có tác động của môi trường. Truyện Kim Dung đề cao sự nghĩa hiệp, chữ tín, vì đồng đạo giang hồ, vì nghĩa lớn.
Đúng là tôi thích đại bàng qua 2 bộ truyện "Anh hùng xạ điêu" và "Thần điêu đại hiệp" của Kim Dung. Cũng có thể một vài tính cách của tôi đã bị "nhiễm" từ truyện của Kim Dung.
Trương Thu Hường: Điều gì khiến ông thích nhất ở hai bộ truyện trên? Ông thích ai hơn: Quách Tĩnh, chính trực nhưng đôi khi hơi cứng nhắc, cố chấp và một chút ngốc nghếch hay là Dương Quá thông minh, tinh quái và chung tình?
TS Bùi Quang Ngọc: Nhân vật trong các tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung tôi ưa thích nhất là Lệnh Hồ Xung của bộ "Tiếu ngạo giang hồ". Bạn nhận xét rất đúng về tính cách của Quách Tĩnh và Dương Quá, có lẽ vì vậy tôi không ưa thích nhiều hai nhân vật này.
Tôi thích Lệnh Hồ Xung vì cá tính lãng tử, luôn đặt tình bằng hữu lên cao nhất, không bao giờ thất hứa, coi thường tính mạng vì nghĩa khí và tình yêu của anh với các cô gái.
Ở Lệnh Hồ Xung, chính tà rất khó phân biệt. Đối với anh ta, thế giới chỉ tồn tại hai loại, một là những điều tốt, nghĩa khí phải làm và hai là những điều ngược lại. Lát cắt đó rất khác với lát cắt chính/tà. Cho nên Lệnh Hồ Xung rất trân trọng khúc nhạc Tiếu Ngạo Giang Hồ do hai tác giả một chính một tà tác hợp ra, trân trọng gìn giữ nó, cảm nhận nó và cùng Nhậm Doanh Doanh song tấu ở cuối truyện khi muốn xa lánh giang hồ đua tranh.
Trong bài hát của phim chuyển thể tiểu thuyết năm 2001, tôi cũng rất thích những câu như: "Một cuộc đời cùng núi cao biển rộng/ Chính nghĩa vững vàng sẽ liên kết anh hùng hào kiệt/ Dùng vô chiêu mà thắng hữu chiêu/ Người anh hùng dốc gan ruột vì nhau…". Nó thể hiện rất đúng cá tính ngang tàng, chính nghĩa và không ngại vượt qua những thành kiến xã hội để làm điều đúng đắn của Lệnh Hồ Xung.
Thực tế hiện nay trong xã hội này, bạn không thấy chính tà cũng đang lẫn lộn hay sao?
Về câu hỏi của bạn rằng tôi thích nhất điều gì qua hai bộ "Anh hùng xạ điêu" và "Thần điêu đại hiệp" của Kim Dung thì tôi nghĩ đó là quan niệm tình yêu. Nó đã thoát khỏi những ước lệ của phương Đông. Cụ thể là một người rất bình dân như Quách Tĩnh vẫn nên vợ chồng với một Hoàng Dung dòng dõi cao quý. Còn học trò Dương Quá và sư phụ Tiểu Long Nữ vẫn có một tình yêu lãng mạn. Những tình yêu này đã vượt qua lễ giáo phong kiến, trở thành tình yêu đẹp đáng ngưỡng mộ.
Trương Thu Hường: Hầu hết các nhân vật trong truyện Kim Dung về sau đều rửa tay gác kiếm, du hí sông hồ, sống đời thần tiên nhàn tản ung dung tự tại. Ở tuổi ngoài 60, ông có mong muốn như họ?
TS Bùi Quang Ngọc: Tôi cũng thích đi du lịch và đã làm việc đó từ nhiều năm trước. Tôi không phải loại người chỉ biết dành thời gian cho công việc. Tôi cũng có một khu nhà nghỉ ngơi từ nhiều năm nay bên hồ rộng, đẹp.
Nhưng hiện tại, tôi dành nhiều thời gian hơn cho các dự án cá nhân, cho bạn bè, người thân. Ngoài ra, dù không giữ chức vụ TGĐ Tập đoàn nữa, trách nhiệm với FPT cũng bớt đi, nhưng tôi vẫn dành phần lớn thời gian cho doanh nghiệp. 8h sáng tôi vẫn có mặt ở văn phòng và ra về lúc khoảng 7h tối. Ở FPT, chúng tôi luôn cảm thấy "làm không hết việc".
Trương Thu Hường: Ông từng nói: "FPT như là máu thịt, là gia đình, là mồ hôi, nước mắt của tôi". Vậy có khi nào ông nghĩ đến việc nghỉ hưu hoàn toàn và chuyển giao toàn bộ "quyền lực" cho thế hệ đàn em?
TS Bùi Quang Ngọc: Việc đó cũng sẽ đến, tôi sẽ nghỉ nhưng chưa phải lúc này. Tôi còn muốn cống hiến cho FPT, công việc của FPT luôn có nhiều. Đến khi không còn đóng góp được cho FPT, tôi sẽ nghỉ làm việc tại FPT và chỉ còn là một cổ đông của FPT.
Trương Thu Hường: Tôi có cảm giác mọi con đường, mọi cuộc trò chuyện đều dẫn Bùi Quang Ngọc đến FPT. Lùi trở lại hơn 30 năm về trước, khi tất cả đều muốn bám biên chế nhà nước, thì tại sao ông lại chấp nhận từ bỏ vị trí giảng viên ĐH Bách Khoa danh tiếng để khởi nghiệp?
TS Bùi Quang Ngọc: Tôi nhớ năm 1988, anh Trương Gia Bình – vốn là bạn học của tôi đã rủ tôi về tham gia thành lập FPT. Sự lựa chọn của anh Bình có lẽ vì tôi vừa là bạn, vừa có chuyên môn sâu về CNTT. Đáng nói hơn, cả tôi và anh Bình đều có chung niềm khát khao muốn làm cái gì đó về CNTT vượt khỏi phạm vi nhà trường.
Ban đầu, chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản như vậy nhưng sau này, mọi thứ cứ rõ dần lên và khát vọng của chúng tôi cũng theo đó ngày một lớn hơn. Từ 1988 đến 1995, tôi vẫn làm việc song song ở ĐH Bách khoa HN và FPT.
Trong quá trình cùng lúc làm hai nơi, một vài lần tôi phải nhờ đồng nghiệp lên lớp hộ một số giờ. Lúc ấy, tôi chợt thấy mình không thể tiếp tục cả 2 công việc cùng nhau nên đã xin rời trường ĐHBK HN. Năm 1995, tôi chuyển về Bộ KH-CN, cơ quan chủ quản của FPT khi đó và vẫn trong biên chế nhà nước.
Đến bây giờ, tôi vẫn hết sức biết ơn trường ĐHBK HN, nơi đã cho tôi nhiều kiến thức, trải nghiệm, đã cử tôi đi đào tạo TS tại Pháp. Nhưng ngẫm lại mọi chuyện, tôi thấy quyết định lựa chọn FPT là đúng đắn. Ở đây, tôi vẫn có thể tiếp tục đam mê giảng dạy của mình: Giảng cho nhiều cán bộ FPT, và không chỉ giảng về những chuyên ngành kỹ thuật như hồi còn ở ĐHBK HN. Môi trường của FPT cũng cho phép tôi làm việc và cống hiến nhiều hơn. Điều đó rất quan trọng với bất cứ ai: Cần tìm nơi mình có thể phát huy được nhiều nhất.
Trương Thu Hường: Từ một thầy giáo bước chân ra kinh doanh, ông đã đối mặt với thương trường như thế nào? Kỉ niệm nào khiến ông nhớ nhất về những đồng tiền đầu tiên kiếm được ở FPT?
TS Bùi Quang Ngọc: Tôi nhớ hợp đồng phần mềm đầu tiên mà chúng tôi có doanh thu là tin học hóa một phòng vé của Vietnam Airlines vào năm 1990.
Ứng dụng này được chạy trên một mạng cục bộ, phục vụ cho nhiều nhân viên của phòng vé, trong đó có cả kết nối tự động với hệ thống telex để nhận/gửi các booking đến các hãng hàng không khác.
Lúc đó, tôi có cảm giác sung sướng vô cùng khi hệ thống đi vào hoạt động rất hiệu quả, dù quy mô còn nhỏ và sau này thì FPT đã cung cấp nhiều hệ thống lớn hơn rất nhiều. Sự sung sướng lúc ấy khó mà tả hết bằng lời và chính nó cũng là yếu tố đã tạo cho tôi rất nhiều động lực.
Trương Thu Hường: FPT từng được xem là kỳ vọng số 1 của Việt Nam, là doanh nghiệp dẫn dắt, nhưng theo BXH VNR500 – Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2018, FPT chỉ đứng thứ 7 trong khối doanh nghiệp tư nhân. Ở cương vị là người đồng sáng lập, điều hành FPT suốt nhiều năm, ông nghĩ đây là thành công hay chưa thành công?
TS Bùi Quang Ngọc: Khi mới thành lập FPT, chúng tôi chỉ đơn giản muốn xây dựng một công ty kiểu mới, kinh doanh và phát triển công nghiệp, đóng góp cho đất nước, cho cá nhân mình.
Bây giờ nhìn lại, sau 30 năm, FPT đã là công ty CNTT hàng đầu khu vực, Top 10 công ty tư nhân lớn nhất Việt Nam, Top 100 công ty cung cấp dịch vụ phần mềm tốt nhất toàn cầu và cung cấp dịch vụ, giải pháp cho khách hàng tại 45 quốc gia trên thế giới.
30 năm có rất nhiều thay đổi. Trong mỗi giai đoạn, FPT lại có khát vọng mới, lớn lao hơn. Hiện tại, chúng tôi mong muốn FPT là một công ty toàn cầu, với những dịch vụ, giải pháp ICT chuyên sâu phục vụ cho cả thị trường Việt Nam lẫn thị trường toàn cầu, với doanh thu nhiều tỷ USD.
Nói về vị trí trên thương trường, nếu gọi rằng thành công thì có lẽ sẽ là tự thỏa mãn - cái mà chúng tôi không nghĩ đến. Thị trường Việt Nam gần đây có nhiều ngành đã bứt phá tốt như tài chính - ngân hàng, như bất động sản hay bán lẻ.
Thứ bậc là một chuyện. Điều chúng tôi quan tâm suy nghĩ nhiều hơn là làm thế nào để FPT liên tục phát triển và tăng trưởng tốt. Chúng tôi đã tăng trưởng lợi nhuận hơn 30% trong 2018, và sẽ tiếp tục đà phát triển tốt trong 2019. Điều đó quan trọng hơn là thứ bậc cụ thể.
Trương Thu Hường: Ông từng chỉ huy những dự án đồ sộ, mang tính bước ngoặt của Tập đoàn FPT. Ông cũng dồn nhiều tâm huyết cho các dự án như: Tổ hợp đại học và Công viên phần mềm nghìn tỷ, các trung tâm dữ liệu lớn theo mô hình campus của FPT tại nhiều địa phương. Vậy, đâu là việc ông nghĩ rằng khó khăn nhất mà mình đã vượt qua?
TS Bùi Quang Ngọc: Một trong những dự án khó khăn mà chúng tôi đã vượt qua là thống nhất Bắc-Nam cho FPT. Khi mới hoạt động, chi nhánh TP.HCM là một công ty độc lập. Muốn thống nhất thành một, không chỉ khó khăn ở thống nhất vốn, thống nhất sở hữu, mà còn là thống nhất cách làm việc, văn hóa vùng miền, sự khác biệt của cán bộ và người quản lý theo vùng miền, tính tự ái vốn có của cán bộ miền Nam bây giờ lại tuân thủ những gì miền Bắc quy định….
Khó khăn nhiều như thế nhưng mục tiêu muốn xây dựng một FPT to lớn và tiên tiến, với những ước vọng vươn ra toàn cầu đã giúp chúng tôi vượt qua.
Tuy nhiên cho đến lúc này, vẫn còn những dự án, công việc mà tôi chưa hài lòng, chưa kết thúc được. Đó là nâng cao các năng lực cốt lõi của FPT. Tuân thủ, vốn rất cần khi đi vào thị trường toàn cầu, chỉ là một năng lực mà FPT cần có. Chuyên nghiệp cũng là một năng lực rất cần khác cho FPT.
Hơn thế nữa, khi cung ứng các phần mềm và dịch vụ CNTT, những năng lực như phân tích thiết kế hệ thống, tư vấn chiến lược về CNTT, quản trị dự án lớn là tối quan trọng. Tôi rất cố gắng để cùng các cán bộ FPT nâng cao các năng lực cốt lõi này. Nhưng hiện trạng vẫn chưa đáp ứng như mong đợi, vẫn còn nhiều điều phải thực hiện, phải nỗ lực, phải đào tạo, phải kiểm soát.
Tôi mong muốn những năng lực cốt lõi này trở thành văn hóa công việc của cả FPT.
Trương Thu Hường: Thời ông làm TGĐ Tập đoàn, tôi nhớ nữ doanh nhân - diễn viên Mai Thu Huyền, cựu Tổng Giám đốc FPT Media, từng bật mí: "Ở FPT luôn có câu: Khi anh Bình nói gì thì anh Ngọc luôn bảo: Điều 1: Anh Bình luôn luôn đúng. Điều 2: Nếu anh Bình sai thì xem lại điều 1". Chuyện này có bao nhiêu phần trăm sự thật, thưa ông?
TS Bùi Quang Ngọc: Đó chỉ là một trong số những giai thoại mà chúng ta vẫn thấy ở các tổ chức, là một biến thể của câu "Sếp lúc nào cũng đúng". Thực tế tôi và anh Bình có sự khác biệt và có những cuộc tranh luận sôi nổi, thậm chí gay gắt.
Khi tranh luận, nếu không thống nhất được thì tùy từng việc mà một người rút lui ý kiến, hoặc chưa đưa ra cách giải quyết khi chưa thống nhất. Tôi cho rằng đó là cách làm khoa học và đoàn kết.
Tôi và anh Bình thường cùng chung mục đích nhưng vẫn có một số khác biệt không lớn trong phương pháp triển khai. Tôi thực hiện nhiều hơn việc triển khai, trong khi anh Bình tập trung vào định hướng.
Chúng ta hay dùng chữ cặp đôi. Hai người không giống nhau nhưng có thể bổ sung cho nhau để cùng nhau thực hiện tốt một mục tiêu, một ước mơ, miễn họ hiểu nhau và có chung mục đích. Nếu bạn hiểu về bóng đá, thì cặp đôi trung vệ (một người lăn xả, cản phá, một người thông minh biết bọc lót tốt), cặp đôi tiền đạo (một người càn lướt thu hút hàng phòng thủ, một người chạy chỗ thông minh) là một ví dụ rất dễ hiểu minh họa cho khái niệm cặp đôi trong lãnh đạo.
Trương Thu Hường: Nhưng tôi nghe nói ông rất nóng tính, có lần một nhân viên FPT còn từng tiết lộ chuyện ông quát mắng nhân viên đến nỗi ông Bình cũng phải sợ. Chính ông cũng từng nhận xét mình là: "Nhà lãnh đạo khó tính, khắt khe với nhân viên, thích làm việc khó và cũng yêu cầu nhân viên làm nhiều việc khó". Một người sếp nóng tính, khó tính như vậy có được lòng cấp dưới hay không? Có khi nào ông tự cảm thấy mình lâm vào tình trạng "cô đơn khi ngồi ở trên cao"?
TS Bùi Quang Ngọc: Tôi nóng tính thật, nhưng sau đó tôi không để bụng nên anh em vẫn có thể thẳng thắn trao đổi công việc với tôi.
Tôi nghĩ, dân chủ là môi trường làm việc mà mọi người dám trình bày suy nghĩ của mình trước những người khác, nhất là trước các sếp. Về khoản này, tôi luôn lắng nghe các ý kiến của những người khác.
Về câu hỏi khá thú vị của bạn nhắc đến tình trạng "cô đơn khi ngồi trên cao" thì chắc tôi không dám kết luận ngay. Câu trả lời chính xác phải đến từ những người cùng làm việc với tôi. Tuy nhiên, chủ quan theo cảm nhận của tôi là tôi không bị như vậy.
Tôi nóng tính, khó tính nhưng cũng vì công việc chung của FPT. Tôi không có chuyện cá nhân trong công việc và khá công bằng trong quan hệ với những người cùng làm việc. Thêm nữa, tôi luôn có ý thức đào tạo, hướng dẫn với các bạn trẻ. Những điểm cộng này chắc có lẽ phần nào được thông cảm, bù trừ cho tính nóng nảy hay khắt khe của tôi.
Dù rời ĐH BKHN nhưng tôi vẫn tiếp tục giảng dạy cho nhiều cán bộ, nhân viên ở FPT. Ở FPT còn có chương trình đào tạo "Sư phụ- Đệ tử". Tôi luôn có nhiều đệ tử đăng ký. Chuyện này phần nào khiến tôi yên tâm với suy nghĩ, mình không ở trạng thái cô đơn như bạn vừa nêu.
Trương Thu Hường: Tôi rất muốn biết người kế nhiệm ông, anh Nguyễn Văn Khoa là đệ tử của ai?
TS Bùi Quang Ngọc: Tân TGĐ Nguyễn Văn Khoa là một người được trưởng thành từ môi trường FPT từ ngày ra trường, trải qua nhiều vị trí quản lý từ Tổng Giám đốc Công ty Viễn thông FPT, TGĐ Công ty Hệ thống thông tin FPT, Phó TGĐ FPT đến TGĐ Tập đoàn.
Khoa không chỉ có một sư phụ, mà có nhiều sư phụ. Chúng tôi tự hào về tân TGĐ FPT là một người trẻ, trưởng thành từ môi trường FPT, vươn lên trở thành lãnh đạo cao cấp của FPT khi tuổi đời mới chỉ 42.
Trương Thu Hường: Ông vừa nói về sự trẻ hóa. Theo tôi được biết, đội ngũ nhân sự FPT có tuổi đời ngày ngày càng trẻ. Vậy, thế hệ "khai quốc công thần", hai "lão tướng điền kinh" như ông và ông Trương Gia Bình, có khi nào phải "căng cơ, chuột rút" khi chạy đua với nhân viên trẻ khỏe hay không?
TS Bùi Quang Ngọc: Tất nhiên là không. FPT là một tập thể trẻ, độ tuổi trung bình của CBNV FPT luôn ở mức 26-27 tuổi. Chúng tôi đã rất quen với việc làm việc với rất nhiều cán bộ, ở các lứa tuổi khác nhau.
Theo đánh giá cá nhân tôi, hiện các bạn trẻ vẫn "chưa vượt" được thế hệ chúng tôi về công suất trong công việc. Ví dụ anh Trương Gia Bình vẫn phải sử dụng tới 2 lái xe để thay ca nhau mới đủ sức phục vụ nhu cầu đi lại của anh ấy. Tôi vẫn có thể họp từ sáng sớm tới tối mịt về các chủ đề khác nhau, với những đơn vị khác nhau, xen kẽ việc giảng dạy những môn học MiniMBA hay các buổi sinh hoạt đệ tử.
Về công suất công việc, chúng tôi vẫn có khả năng vượt trội. Tôi và anh Bình là một cặp đôi hỗ trợ nhau rất nhiều. Mặt khác chúng tôi, những sáng lập viên FPT còn đang công tác tại FPT, vẫn còn đủ tình yêu, nhiệt huyết và sức khỏe để cũng song hành, bổ trợ cho các thế hệ tiếp nối.
Bên cạnh kinh nghiệm, kiến thức đã có, chúng tôi vẫn không ngừng học hỏi những công nghệ, giải pháp mới, đủ để thực hiện tốt nhiệm vụ định hướng cho FPT. Chúng tôi học hỏi suốt hơn 30 năm qua. Và vẫn còn tiếp tục học hỏi.
Trương Thu Hường: Tôi còn nhớ năm 2013, ông trở thành Tổng giám đốc FPT. Cuối năm đó, FPT tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 5%, lần đầu tiên trong lịch sử ghi nhận doanh thu thị trường nước ngoài đến từ cả 6 công ty thành viên. Năm 2018, dù đã thoái vốn ở ngành phân phối và bán lẻ nhưng lợi nhuận của FPT vẫn tăng trưởng tốt, 30%.
Thời gian ông làm TGĐ đã mang lại nhiều thành công cho Tập đoàn. Vậy vì sao ông lại chuyển giao công việc TGĐ cho người kế nhiệm là ông Khoa mà không tiếp tục "ngồi ghế nóng"?
TS Bùi Quang Ngọc: Tôi đã là TGĐ FPT qua 2 nhiệm kỳ (ở FPT một nhiệm kỳ cho cán bộ lãnh đạo là 3 năm). Mặt khác cần tạo điều kiện cho thế hệ trẻ phát huy những năng lực và đóng góp nhiều cho FPT.
Chuyển giao lãnh đạo là việc mà thế hệ sáng lập FPT cần phải thực hiện. Nó đảm bảo sự thành công trường tồn cho FPT.
Trương Thu Hường: Là người luôn khát vọng cho FPT bay cao, ông có buồn không khi nhiều năm qua, không ít người vẫn gắn hình ảnh FPT với một doanh nghiệp mạnh nhất về mảng gia công phần mềm?
TS Bùi Quang Ngọc: Có lẽ vì họ chưa thấy được bức tranh đầy đủ của FPT. Hiện nay hoạt động kinh doanh cốt lõi của FPT tập trung vào 3 khối, gồm: Công nghệ, Viễn thông và Giáo dục.
Trong mảng công nghệ, lĩnh vực xuất khẩu phần mềm cho thị trường toàn cầu là một hướng kinh doanh mũi nhọn và có tiềm năng tăng trưởng tốt.
Bên cạnh đó, chúng tôi còn tập trung vào lĩnh vực CNTT cho thị trường trong nước và các nước phát triển. Cụ thể, FPT luôn đi đầu trong việc cung cấp giải pháp CNTT trong lĩnh vực tài chính công cho các ngành thuế, kho bạc, hải quan, cho một số bộ ngành, cho chính phủ điện tử, giải pháp toàn diện cho các bệnh viện, các hệ thống ERP (phần mềm quản trị doanh nghiệp) cho các doanh nghiệp lớn, các dịch vụ dựa trên trí tuệ nhân tạo và công nghệ 4.0. Chúng tôi cũng cung ứng nhiều giải pháp chuyên sâu cho những nước trình độ tương đương Việt Nam như Myanmar, Bangladesh, Campuchia, Lào.
Đặc biệt FPT cũng đã thực hiện một số thương vụ M&A ở nước ngoài để bổ sung năng lực và nguồn lực chuyên gia CNTT, mở rộng tập khách hàng trong nhiều lĩnh vực quan trọng.
Trương Thu Hường: Từ bức tranh hiện tại, ông đánh giá tương lai 10 năm tới FPT sẽ ra sao. Tập đoàn sẽ làm gì tiếp theo để phụng sự đất nước, góp phần hưng thịnh quốc gia?
TS Bùi Quang Ngọc: Tại Việt Nam, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến cuộc cách mạng 4.0 và những giá trị mang lại như giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho quốc gia, doanh nghiệp, rút ngắn khoảng cách phát triển với thế giới.
Là công ty CNTT tiên phong trong 30 năm qua, FPT xác định FPT sẽ tiên phong chuyển đổi số, giúp các tổ chức, doanh nghiệp có được lợi thế cạnh tranh và khả năng phát triển vượt trội nhờ tối ưu hóa hoạt động quản trị, nâng cao trải nghiệm khách hàng và kiến tạo các mô hình kinh doanh mới. FPT sẽ tiếp tục định hướng toàn cầu hóa và mở rộng sự hiện diện toàn cầu, cung cấp dịch vụ chuyển đổi số toàn diện cho thị trường Việt Nam cũng như thị trường toàn cầu.
Mục tiêu của FPT năm 2021 sẽ đạt 1 tỷ USD doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin.
Trương Thu Hường: Tôi biết là nói về FPT, Bùi Quang Ngọc có thể kể cả tháng không hết chuyện. Nhưng giờ là lúc để ông quay về những thứ "ngoài FPT". Điều gì đối với ông là quan trọng nhất trong cuộc sống hiện nay? Có thể hình dung cuộc sống5-10 năm nữa của ông như thế nào?
TS Bùi Quang Ngọc: Tôi có một số dự án cá nhân. Ngoài sự nghiệp ở FPT tôi cũng muốn làm được một số việc có ích khác cho xã hội, cho cộng đồng. Tôi dành thời gian nhiều hơn cho người thân và bạn bè.
Ví dụ như tôi đang tham gia công tác lãnh đạo Cộng đồng họ Bùi Việt Nam. Mục tiêu lớn nhất của tôi không vì gì khác ngoài khát vọng xây dựng Bùi tộc Việt Nam lớn mạnh, đoàn kết, giàu có và thịnh vượng. Công tác dòng họ không mang màu sắc chính trị nhưng lại là nền tảng quan trọng đóng góp vào việc xây dựng tình đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ, phát triển đất nước và phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn của người dân Việt Nam.
Để làm tốt vai trò lãnh đạo dòng họ, tôi đã mang kinh nghiệm quản trị của doanh nghiệp vào dòng họ như xác định mục tiêu, xây dựng chiến lược, lập kế hoạch, kiểm tra kiểm soát, động viên cổ vũ, triển khai đồng thời nhiều dự án, xây dựng quy trình, có lẽ hiện chỉ thiếu mỗi tin học hóa. Mỗi một môi trường có một cách làm việc và điều đó giúp tôi không ngừng học hỏi, hoàn thiện bản thân nhiều hơn.
Trương Thu Hường: Trước khi khép lại cuộc trò chuyện, tôi lại muốn quay trở lại gia đình. Ở cơ quan ông nóng tính như vậy nhưng có ai đó mách rằng khi về nhà, ông là người rất sợ vợ. Điều này thuộc phần giai thoại hay phần sự thật?
TS Bùi Quang Ngọc: Như tôi vừa nói, ở cơ quan, tôi nóng tính, khắt khe cũng chỉ vì công việc chung. Khi ở nhà, tôi không có tính đó. Thậm chí, ở nhà, tôi chỉ là nhân viên dưới nhiều sếp, sếp lớn rồi sếp nhỏ - các cháu ngoại của tôi.
Về chuyện sợ vợ hay không thì quả thực, tôi chưa thấy người đàn ông nào mà tôi quen biết lại không sợ vợ.
Trương Thu Hường: Là người tự thừa nhận mình sợ vợ, ông nghĩ thế nào chuyện một đại doanh nhân như CEO Amazon, coi việc giúp vợ việc nhà là hạnh phúc?
TS Bùi Quang Ngọc: Về quan niệm hạnh phúc, tôi nghĩ hai vợ chồng hiểu nhau, chia sẻ với nhau càng nhiều càng tốt, chứ không hẳn là tự đi làm một số việc trong nhà mới là mang lại hạnh phúc vợ chồng.
Tất nhiên người đàn ông phải sẵn sàng tham gia những công việc trong gia đình khi cần thiết. Nhưng bây giờ chúng ta đa phần có người giúp việc nên việc nhà như quét nhà, rửa bát cũng không đến lượt tôi.
Sợ vợ, với tôi đơn giản trong nhà vợ là sếp, mình là nhân viên. Vua, hoàng đế còn sợ vợ nữa là mấy ông tỷ phú.
Trương Thu Hường: Xin cảm ơn vì Ông đã đỡ "bí ẩn" hơn một chút trong cuộc trò chuyện thú vị này!
ĐỌC THÊM
Trí thức trẻ