Và nếu nhìn vào những gì mà CMC Telecom đang đạt được trong thời gian qua thì người ta sẽ thấy tham vọng của vị Phó Tổng Giám đốc Đặng Tùng Sơn là hoàn toàn có cơ sở. Với hàng loạt các luận cứ về tính tiên phong: CMC là doanh nghiệp viễn thông đầu tiên của Việt Nam có cổ đông chiến lược quốc tế, sở hữu Data Center đầu tiên và duy nhất đạt chuẩn bảo mật PCI DSS, Top 3 doanh nghiệp quốc tế đầu tiên đạt chứng chỉ MEF 3.0…
Cuộc trò truyện của tôi với anh Sơn được mở đầu bằng những thông tin mới nhất được anh chia sẻ ngay sau cuộc họp với đối tác Samsung SDS về việc triển khai dự án Nhà máy thông minh của “ông lớn” này tại Việt Nam.
Samsung SDS mới đây đã quyết định bắt tay với Tập đoàn CMC trong việc triển khai giải pháp quản lý và điều hành nhà máy thông minh MES. Theo đó, CMC sẽ cùng Samsung SDS triển khai giải pháp MES trên nền tảng điện toán đám mây của CMC Telecom cho hơn 200 nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng của Samsung tại Việt Nam và tiếp tục mở rộng thị trường ra các doanh nghiệp khác trong kế hoạch từ 3-6 tháng tới.
“Người khổng lồ” Samsung lựa chọn CMC để triển khai giải pháp MES chứ không phải là một doanh nghiệp ICT nào khác tại Việt Nam. Vậy theo anh, lý do là gì?
Đó chắc chắn là sự cam kết và hướng đến khách hàng. Chúng tôi cung cấp dịch vụ hạ tầng truyền dẫn kết nối các nhà máy và đơn vị nghiên cứu sản xuất của Samsung tại Việt Nam và trong khu vực, góp phần đảm bảo hoạt động sản xuất của Samsung được thông suốt 24/7 trong nhiều năm qua.
Niềm tin và các hợp tác nền tảng được xây dựng từ những hợp đồng dịch vụ trị giá chỉ vài trăm dollars hàng tháng, CMC Telecom luôn cam kết hai yếu tố tưởng khó song hành là “nhanh và chuyên nghiệp” cho bất kì các yêu cầu dù nhỏ nhất nào của Samsung. Hướng đến khách hàng và nắm được xu thế cấp thiết của Samsung trong việc đưa MES vào hỗ trợ chuỗi cung ứng toàn cầu, CMC đã trao đổi, đề xuất, không ngừng cải tiến sản phẩm và dịch vụ của mình trong suốt 2 năm qua và cuối cùng đã thuyết phục được người khổng lồ Samsung đồng ý hợp tác.
Những ngày đầu đi “rung chuông” xứ người,CMC Telecom phải đối mặt với những khó khăn nào, thưa anh?
Khi tiến ra thị trường quốc tế, thách thức đầu tiên và khó khăn nhất luôn là văn hóa, sau đó là việc tạo dựng lòng tin với đối tác và cuối cùng là phải tự chuyển đổi cách nghĩ, cách làm của một công ty từ nội địa thành toàn cầu. Việc tiếp xúc các doanh nghiệp toàn cầu để họ biết đến CMC Telecom là cả quá trình gian nan, đôi khi vô vọng (cười), đòi hỏi sự kiên nhẫn và quyết tâm vô cùng lớn, ví dụ như phải mất đến 6, 7 năm CMC Telecom mới tạo dựng được chỗ đứng vững chắc trên thị trường Hàn Quốc.
Hiểu được mình ở đâu, chúng tôi luôn đặt giá trị “Nhanh” lên đầu, nhanh hội nhập văn hóa, nhanh phản hồi thông tin, chậm một giờ thôi là có thể thành lệch múi giờ cả ngày rưỡi, nhanh cung cấp dịch vụ đúng cam kết, nhanh giải đáp các thắc mắc khách hàng, nhanh cải tiến nâng cao chất lượng dịch vụ. Và quan trọng nhất là nhanh chóng thâm nhập và lan tỏa hay chúng tôi thường gọi là chiến thuật “vết dầu loang”, để có thể sớm chạm đến hệ sinh thái của những “người khổng lồ”.
Bên cạnh đó, việc trở thành doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đầu tiên có cổ đông nước ngoài TIME dotCom – Tập đoàn viễn thông lớn thứ hai tại Malaysia vào năm 2015 cũng đã nâng bước giúp chúng tôi tự tin hơn rất nhiều trong hành trình tiến ra quốc tế.
Tham gia vào sân chơi lớn, anh cùng các cộng sự đã phải chuẩn bị những gì để đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của đối tác?
Như đã nói ở trên, nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng tôi là chuyển đổi tư duy từ công ty nội địa thành toàn cầu, xây dựng đội ngũ con người đáp ứng các giá trị cốt lõi, và chuẩn hóa sản phẩm dịch vụ hướng tới đạt tiêu chuẩn quốc tế. Làm sao cho việc lấy các chứng chỉ công nghệ tiên tiến nhất phải được áp dụng đồng bộ trên toàn bộ hạ tầng viễn thông công nghê thông tin cơ sở của CMC Telecom, việc đạt chứng chỉ Amazon Web Services, Microsoft, Cisco, ….của các cán bộ phải đơn giản và phổ cập như là tiếng Anh vậy.
Thông tin về việc mới đây CMC Telecom đã ghi tên mình trong TOP 3 công ty đầu tiên trên thế giới đạt chứng chỉ MEF 3.0 (Metro Ethernet Forum) quả thực khiến giới viễn thông trong nước và quốc tế vô cùng bất ngờ. Theo anh, chứng chỉ này có vai trò như thế nào trong kế hoạch phát triển thương hiệu và mở ra những cơ hội mới nào cho CMC Telecom trong thời gian tới?
MEF 3.0 là một tiêu chuẩn chuyển đổi mới nhất trên thế giới nhằm định nghĩa, phân phối, xác nhận các dịch vụ viễn thông trên hệ thống mạng toàn cầu, chú trọng tới kết nối Ethernet giữa các nhà mạng quốc tế hiện nay. Chứng chỉ này minh chứng sự đồng nhất về mạng lưới và chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp viễn thông theo tiêu chuẩn toàn cầu.
Một doanh nghiệp tại Việt Nam đạt MEF 3.0 hoàn toàn được đánh giá ngang bằng với các nhà mạng viễn thông lớn tại Mỹ, Châu Âu; từng bước thu hẹp khoảng cách và mở rộng nhiều cơ hội hợp tác giữa CMC Telecom và các thành viên khác trong diễn đàn.
Ngoài ra, khi tham gia vào diễn đàn MEF, đội ngũ kỹ thuật của CMC Telecom sẽ có cơ hội cập nhật những xu hướng công nghệ tiên tiến nhất cũng như từng bước đóng góp các ý kiến, tham gia xây dựng Diễn đàn ngày càng hiệu quả và thành công hơn.
Đây cũng là món quà sinh nhật rất có ý nghĩa với tập thể cán bộ nhân viên CMC Telecom nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập công ty vào ngày 05/09 năm nay.
Tôi cảm nhận rằng, CMC Telecom đang ấp ủ tham vọng lớn đối với thị trường viễn thông thế giới, có đúng không thưa anh?
Đúng là như vậy. Ngay khi quyết định bắt tay với đối tác Malaysia thì chúng tôi đã có sự chuyển đổi trong chiến lược kinh doanh theo hướng dành ưu tiên cho khách hàng quốc tế. Những khách hàng này luôn có những quy chuẩn cao với đối tác, khi mình đáp ứng được các tiêu chuẩn của họ cũng chính là khi mình có thêm cơ hội nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, dịch vụ và cung cấp giá trị tương đương cho thị trường trong nước.
Vậy trở thành nhà cung cấp dịch vụ toàn cầu liệu có phải là mục tiêu lớn nhất của anh và các cộng sự tại CMC Telecom không?
Đây tham vọng mà chúng tôi đã theo đuổi 10 năm nay, kể từ khi CMC Telecom được thành lập vào năm 2008. Không dừng lại ở đó, chúng tôi vẫn đang ấp ủ một mục tiêu xa hơn nữa trong thời gian tới là đưa Việt Nam trở thành 1 trong 3 trung tâm kết nối của Châu Á, bên cạnh Hong Kong và Singapore. Tôi nghĩ hiện nay Việt Nam có nhiều ưu thế để thực hiện được điều này.
Và để hướng đến một tương lai Việt Nam trở thành điểm trung chuyển kết nối trong khu vực, hiện nay CMC Telecom đã chuẩn bị được những gì rồi?
Yếu tố để trở thành điểm trung chuyển kết nối trước hết các điều kiện cần là phải có trung tâm dữ liệu trung lập (Data Center) lớn cùng với hệ thống cáp đất liền, cáp biển, cáp quốc tế. Với đối tác chiến lược là TIME dotCom, chúng tôi hiện sở hữu hạ tầng cáp biển và cáp đất liền kết nối toàn khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (5 tuyến cáp biển: AAE1, APG, A-Grid, Unity, Faster), 8 Data Centers tại Châu Á.
CMC Telecom sắp tới sẽ xây thêm Data Center đạt các tiêu chuẩn quốc tế tại TP. HCM, đây sẽ là bước khởi đầu rất thuận lợi cho chúng tôi trong việc hiện thực hóa các kế hoạch sắp tới.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này và chúc CMC Telecom sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên các chặng đường tiếp theo!
Trí Thức Trẻ