img
Rất khó để đi thẳng trên đường sự nghiệp, khi mọi lựa chọn đều trở nên bất an - Ảnh 1.

Rất khó để đi thẳng trên đường sự nghiệp, khi mọi lựa chọn đều trở nên bất an - Ảnh 2.

The Marvelettes có bài hát Please Mr. Postman kể về tâm trạng chờ đợi cánh thư từ người yêu. Sau khi được nhóm The Carpenters hát lại, ca khúc này thường xuyên nằm trong nhạc mục của thế hệ 6x, 7x. Thế nhưng hôm nay, nếu ai đó đem bài này trình diễn cho những người trẻ thuộc thế hệ cuối 9x, đầu 10x nghe, rất có thể người đó sẽ nhận về ánh mắt ngơ ngác: “Bác đưa thư là ai vậy?”.

Tương tự cách mọi người đang nhìn bốt điện thoại công cộng còn sót lại trên phố, trong tương lai rất gần, chúng ta cũng sẽ có ánh mắt ngơ ngác ấy khi ai đó tự giới thiệu là nhân viên thu ngân, người môi giới chứng khoán, phóng viên báo giấy, hướng dẫn viên du lịch hay hàng trăm ngành nghề từng rất thân quen. Ở chiều ngược lại, hàng ngàn nghề nghiệp mới xuất hiện, chờ chúng ta nắm bắt và dự phần.

Câu hỏi đặt ra: Người trẻ chúng ta lựa chọn thái độ nào giữa dòng chảy nghề nghiệp đầy biến động?

Rất khó để đi thẳng trên đường sự nghiệp, khi mọi lựa chọn đều trở nên bất an - Ảnh 3.

Chúng ta, những người sinh ra đã thấy chiếc PC trên bàn làm việc của bố mẹ, hít thở bầu khí quyển Internet, lớn lên cùng máy tính bảng và các thế hệ điện thoại thông minh, chắc chẳng có mấy dịp gặp bác đưa thư, người đến gõ cửa nhà, trao cho lá thư viết tay. Sự ra đời của email đã chính thức “giết chết” nghề nghiệp ấy. Giờ đây, có chăng, chỉ còn các nhân viên đến giao những món hàng ta đặt mua online. Đưa thư chỉ là một trong hàng ngàn công việc đã bị thu hẹp hay xóa sổ khỏi bản đồ nghề nghiệp, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghệ vốn là xương sống của thế kỉ 21.

Rất khó để đi thẳng trên đường sự nghiệp, khi mọi lựa chọn đều trở nên bất an - Ảnh 4.

Chỉ trong một thập niên ngắn ngủi kể từ thời điểm Internet bùng nổ, hàng tá công việc trở nên lỗi thời. Nhiều lĩnh vực ngày hôm qua còn nằm trong top nghề nghiệp ước ao hôm nay bỗng mất giá. Hàng loạt lĩnh vực phải tự biến đổi để tồn tại. Song song với quá trình “sụp đổ”, vô số công việc “mọc lên” ngoạn mục.

Như một bánh xe khổng lồ chỉ lăn về phía trước, công nghệ mới nghiền nát các lĩnh vực chậm chân hoặc ngáng đường nó, đồng thời tạo cơ hội cho những nghề nghiệp đồng hành, thúc đẩy các lĩnh vực tiềm năng, và quan trọng nhất, nó mở ra dải đường lớn cho những công việc trước đây chưa từng tồn tại.

Thực tế đã diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, các bước tiến trong công nghệ và trí tuệ nhân tạo đang thu hẹp đất sống của giới cổ cồn xanh. Với độ chính xác, tính bền bỉ cao, các robot có thể đảm nhiệm công việc tại nhà máy tốt hơn con người gấp nhiều lần. Trong nông nghiệp, robot cùng máy móc có thể hoàn toàn thay thế sự hiện diện của con người. Không riêng các nghề thuộc lĩnh vực dịch vụ, nông nghiệp hay công nghiệp trong vòng nguy hiểm, cứ mỗi một công nghệ được phát minh và đưa vào cuộc sống như máy móc tự hành, robot lắp ráp, truyền thông đa phương tiện, thanh toán tự động... ra đời, lại có thêm một nghề nghiệp lọt vào danh sách “tuyệt chủng”.

Rất khó để đi thẳng trên đường sự nghiệp, khi mọi lựa chọn đều trở nên bất an - Ảnh 5.

Cbre and Genesis, tổ chức nghiên cứu việc làm uy tín, dự báo hơn 50% nghề nghiệp hiện tại sẽ biến mất năm 2025. Ở thành phố Đông Quản của Trung Quốc, hơn 500 công ty đã đồng loạt thay thế 30.000 công nhân bằng người máy. Tại Hàn Quốc, cai ngục là nghề sắp trở thành dĩ vãng, khi robot cai ngục với các tính năng vượt trội đã được chế tạo thành công. Ở Hà Lan, Hoa Kỳ và Nhật, nhiều trang trại trồng trọt và chăn nuôi giờ đây vắng bóng nông dân, mọi khâu đều do máy móc đảm nhiệm.

Việt Nam chúng ta không nằm ngoài dòng chảy. Nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO dự báo trong 2 thập niên tới, 56% số lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á có nguy cơ mất việc vì bị thay thế bởi robot. Các ngành sản xuất sử dụng nhân công số lượng lớn sẽ thu hẹp quy mô, nhường chỗ cho các lĩnh vực ưu tiên sử dụng chất xám.

Rất khó để đi thẳng trên đường sự nghiệp, khi mọi lựa chọn đều trở nên bất an - Ảnh 6.

8 năm trước, ai có thể lý giải nghề “viết ứng dụng điện thoại” là làm gì, bởi thị trường ứng dụng khi ấy là một ý niệm mù mịt. Ai tin có thể sống thoải mái bằng việc quay video clip tại nhà, đầu tư xây dựng một website hút khách, hay mặc sức xách ba lô lên đường du ngoạn khắp nơi lại còn được trả tiền cho những chuyến đi xa? Nhưng trên bản đồ thời đại công nghệ, các công việc này hoàn toàn ăn khớp, vươn lên dẫn đầu về độ hấp dẫn.

Ở thời đại của cuộc cách mạng 4.0, mỗi phát minh mới, kĩ thuật mới, tiến bộ mới đều dẫn đến sự khai sinh những ngành nghề mới. Đó không là một hay vài ngành nghề đơn lẻ mà là cả một hệ thống mạng lưới. Một cái cây mọc lên, phân chia nhánh cành, dần phủ rộng là hình ảnh khá chính xác khi nhìn lại sự khai mở và bao trùm của những công việc mới bắt nguồn từ công nghệ.

Rất khó để đi thẳng trên đường sự nghiệp, khi mọi lựa chọn đều trở nên bất an - Ảnh 7.

Ví dụ dễ thấy nhất là Facebook. Ban đầu, nó chỉ là một trang kết nối dành cho sinh viên các trường đại học. Khi nó phát triển thành mạng xã hội và ra mắt tính năng Fanpage dành cho doanh nghiệp, nghề Digital xuất hiện. Những người làm nghề này đảm nhiệm việc xây dựng, duy trì và phát triển một Fanpage vững mạnh. Họ đăng tải các nội dung, tìm cách thu hút độc giả, theo dõi các thuật toán để đảm bảo tăng hạng cho trang. Nhu cầu thúc đẩy nhu cầu, từ “Digital”, rất nhiều nhánh nghề nhỏ hơn xuất hiện như các dịch vụ tăng like, tăng comment, tạo nội dung cho page, tư vấn phát triển trang, báo cáo thông số quảng cáo... tạo ra mảnh đất nghề nghiệp màu mỡ, thu hút lượng người mới tham gia. Trong khi đó, ai cũng biết, Fanpage chỉ là một trong rất nhiều tính năng của Facebook. Bạn có thể tự hình dung số lượng cành nhánh của cây cổ thụ Facebook trên mảnh đất của thị trường nghề nghiệp hiện đại.

Ngay ở khu vực ít “liên quan” như nghệ thuật biểu diễn, tác động của công nghệ cũng đã ảnh hưởng sâu sắc đến tất cả mọi khâu. Để thành nghệ sĩ nổi tiếng, bạn không còn nhất thiết đậu vào trường nghệ thuật, thành lập ban nhạc, đứng hát bè, cầm bản thu thử chầu chực trước cửa hãng đĩa mong nhận được cái nhướn mày của ông bầu. Những ngôi sao như Justin Bieber đã mở ra lối đi khác, hấp dẫn và đầy tiềm năng. Song song đó, khi CD, VCD, DVD biến mất, môi trường điện toán đám mây chiếm lĩnh, dẫn dắt theo sự hình thành các dịch vụ streaming. Những nhà kinh doanh băng đĩa đóng cửa, những lớp người mới hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ nhạc số hình thành. Truyền hình thu hẹp sức ảnh hưởng thì những kẻ nhạy bén sẽ tận dụng các kênh tương tác trực tiếp, chẳng hạn YouTube hay tính năng livestream của Facebook, để khai thác nhu cầu truyền thông thời công nghệ.

Rất khó để đi thẳng trên đường sự nghiệp, khi mọi lựa chọn đều trở nên bất an - Ảnh 8.

Những gì xa lạ, bị xem là trò đùa vô bổ của ngày hôm nay, rất có thể ngày mai trở thành khuynh hướng, hay cao hơn, một xu thế không thể cưỡng chống.

Những người tiên phong kiếm tiền nhiều nhất trong nghề nghiệp mới chính là những kẻ hôm qua còn bị chế giễu và không được đoái hoài.

Ở thế kỉ 20, mất hàng chục năm để các phát minh vĩ đại như truyền hình vô tuyến, viễn thông vệ tinh, công nghệ biến đổi gene tìm được chỗ đứng. Nhưng hiện nay, cứ một vài năm, công nghệ chi phối và thay đổi cuộc sống con người đến mức không thể nhận ra. Tầm nhìn nghề nghiệp thu hẹp đáng kể. Ngay cả 5 năm tới, chúng ta cũng khó hình dung thị trường nghề nghiệp sẽ ra sao. Chỉ cần một phát minh tầm cỡ thình lình xuất hiện, mọi thứ sẽ lại đảo lộn.

Rất khó để đi thẳng trên đường sự nghiệp, khi mọi lựa chọn đều trở nên bất an - Ảnh 9.

Tôi sẽ làm gì khi ra trường?
Tôi có thể theo đuổi đam mê?
Tôi nên gắn bó với một công việc ổn định hay thay đổi để tìm kiếm kinh nghiệm
Sự nghiệp tôi mong muốn là gì?

Những câu hỏi này chưa bao giờ cũ với mọi thế hệ người trẻ. Nhưng, trả lời chúng trở nên khó khăn hơn khi câu trả lời đặt vào bối cảnh thế kỷ 21.

33 tuổi, hiện là giám đốc marketing cho một hãng thực phẩm Hoa Kỳ, trong một bài phỏng vấn, anh Diệp Khải cho biết: “Thú thật ở thời điểm 10 năm trước, tôi không hề hình dung công việc của mình như bây giờ. Còn hiện tại, tôi cũng không thể biết vài năm tới tôi sẽ ở đâu, làm gì. Điều này rất khác với ba má tôi. Cả hai đều là trí thức và họ biết rõ mình là ai, sẽ làm gì từ hồi còn học Tú tài.”

Rất khó để đi thẳng trên đường sự nghiệp, khi mọi lựa chọn đều trở nên bất an - Ảnh 10.

Tốt nghiệp Đại học Kinh tế, anh Diệp Khải chọn làm việc freelance thay vì đầu quân cho các công ty nước ngoài như bạn bè đồng môn. Địa chỉ anh cộng tác là các tòa soạn báo và công ty quảng cáo. Thời điểm ấy, quyết định của anh được xem là kỳ lạ bởi từ freelancer còn rất lạ lẫm, chỉ mới được nhắc đến trong một số lĩnh vực khá mới mẻ như truyền thông, quảng cáo, thiết kế. Làn sóng freelancer chỉ thật lan rộng từ 2008, thời điểm Internet bùng nổ. Mọi người có thể liên lạc với nhau ở bất kì đâu, việc lưu trữ và truyền tải dữ liệu dễ dàng, các ứng dụng hỗ trợ hoạt động nhóm ngày càng hiệu quả... Các công ty nhận ra họ nên sử dụng nguồn nhân lực từ bên ngoài với kĩ năng và mức giá phù hợp. Trong khi đó, người lao động có thể làm nhiều công việc một lúc, thu nhập tăng lên. Cung đã gặp cầu và tất yếu ra đời một thị trường việc làm màu mỡ.

Rất khó để đi thẳng trên đường sự nghiệp, khi mọi lựa chọn đều trở nên bất an - Ảnh 11.

Các chuyên gia phương Tây gọi tên hình thái này là Gig Economy. Dịch thoáng là mô hình kinh tế tự do, trong đó tính “di động” là yếu tố chi phối. Các nghề nghiệp trong Gig Economy không yêu cầu ta phải đến một nơi cố định, thậm chí không phải làm những việc cố định. Mọi liên lạc với cấp trên hoặc khách hàng đều có thể thực hiện qua mạng. Chúng ta chủ động không gian và thời gian, miễn đảm bảo hoàn thành việc đúng hạn.

Ngày hôm nay, Gig Economy bao phủ mọi lĩnh vực. Các công việc liên quan đến IT như thiết kế web, phát triển phần mềm, báo cáo số liệu... rất được trọng dụng. Nhiều nhóm IT tự tổ chức và hoạt động mà không phụ thuộc bất kì công ty nào. Đây cũng là tháng ngày tươi đẹp với những ai làm nghề sáng tạo, có sức hút cộng đồng lớn, chẳng hạn các hot blogger, travel blogger, vlogger... Chúng ta dễ dàng tìm ra nhiều cái tên trong danh sách bạn bè là những người “sống khỏe” nhờ thu hút tài trợ và quảng cáo từ các nhãn hàng. Cách của họ là gây dựng và duy trì một cộng đồng theo dõi vững mạnh.

Việt An, 28 tuổi, từng là phóng viên một tờ báo lớn. Năm ngoái, An quyết định rời khỏi vị trí nhiều người ao ước, theo đuổi công việc mới theo cô nhiều tiềm năng: Điều hành hai căn hộ đã đăng ký tham gia dịch vụ Airbnb. Một là căn hộ của chính cô, một do cô thuê lại, sửa sang và cho thuê. Hàng tháng, sau khi trừ hết các chi phí, thu nhập của An xấp xỉ 40 triệu đồng, hơn gấp đôi so với thời cô đi làm báo. Là người nhạy bén, An không chỉ nắm rõ, mà cô đã chủ động tham gia vào một xu thế mới: Sharing Economy.

Nếu Gig Economy mang đến sự dịch chuyển văn hóa và môi trường kinh doanh, thì Sharing Economy (kinh tế chia sẻ), Gift Economy (kinh tế cho tặng) và Barter Economy (kinh tế đổi chác) hiện thực và đa dạng hóa ý niệm về “tự do”. Kinh tế chia sẻ chính là các dịch vụ Grab, Uber (đi chung) hay Airbnb (chia sẻ nhà), nơi tài sản cá nhân được chia sẻ giá trị sử dụng để mang đến lợi nhuận. Kinh tế cho tặng là các dịch vụ hay hàng hóa được trao đi dưới dạng quà tặng, nhưng vẫn mang về cho người tặng các tiềm năng lợi ích trong tương lai. Đó chính là các ứng dụng trò chơi, voucher giảm giá, các dịch vụ nghe nhạc, xem phim miễn phí chúng ta nhận được hàng ngày. Còn kinh tế đổi chác chính là hình thức kinh tế nguyên thủy, hàng hóa đổi hàng hóa, được hồi sinh nhờ công nghệ hiện đại. Chẳng hạn, một người làm web có thể cung cấp dịch vụ bán hàng qua mạng cho nông dân, để nhận lại nông sản.

Rất khó để đi thẳng trên đường sự nghiệp, khi mọi lựa chọn đều trở nên bất an - Ảnh 12.

Tất cả các mô hình kể trên đưa nhận thức nghề nghiệp của người trẻ chúng ta sang một trang mới. Lan Hương, 22 tuổi, vừa tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, đầu quân làm nghiên cứu thị trường cho một cơ sở giáo dục quốc tế, mở cửa hàng thời trang, và vẫn giữ vai trò admin cho mạng lưới kết nối tình nguyện viên toàn cầu. Lan Hương làm tốt cả ba vai trò, với ba mục tiêu lần lượt: Tiền bạc, theo đuổi cái đẹp, và thỏa mãn con người xã hội. Cả ba công việc đều được xem là chính yếu, được đầu tư tâm sức như nhau.

Những bạn trẻ như Việt An hay Lan Hương ngày càng đông. Với các bạn, khái niệm nghề đang bước từ “đơn nhất” (single) thành “đa tuyến” (multiplex) khi mỗi cá nhân làm nhiều việc cùng lúc, tùy thuộc sở thích và khả năng. Thành công và danh tiếng ở các lĩnh vực khác nhau có thể hỗ trợ cho nhau. Các giới hạn được nới rộng, đi cùng nó là cơ hội trải nghiệm, khám phá bản thân, và làm giàu cho từng cá nhân.

Rất khó để đi thẳng trên đường sự nghiệp, khi mọi lựa chọn đều trở nên bất an - Ảnh 13.

Chúng ta đang sống trong thời đại mà dòng chảy nghề nghiệp có tốc độ biến chuyển quá nhanh. Chúng ta có cơ hội mới, nhưng chúng ta cũng phải đối diện khả năng bị gạt qua bên lề. Không có gì là bất biến trong lựa chọn nghề nghiệp và chính bản thân nghề nghiệp. Việt Nam của 5 hay 10 năm nữa có thể rất khác với tưởng tượng của chúng ta. Ai dám chắc nghề nghiệp ta đang cố sức theo đuổi lúc này còn tồn tại khi ta bước ra khỏi trường đại học. Vậy, chúng ta phải tìm ở đâu câu trả lời “đúng” và “chắc chắn” cho con đường sự nghiệp?

Người trẻ thường có khoảng thời gian lạc lối. Lúc ấy, chúng ta dựa vào trải nghiệm của người khác. Đó là những bài diễn thuyết từ người thành công, là cuốn sách self-help, là câu chuyện làm giàu thần kì… Trong đó, mỗi diễn giả/ tác giả lại đưa ra kinh nghiệm và dự báo họ cho là đúng. Điều sai lầm là chúng ta thường tiếp nhận chúng như một chân lí để áp dụng. Nhưng, có bao nhiêu chân lí đang tồn tại ngoài kia?

Con đường nghề nghiệp của chúng ta ngày nay rất khó là một đường thẳng. Nhiều điều kiện tác động dẫn đến vô vàn kết quả. Một lựa chọn nào đó trên đường đời có thể khiến bạn trở thành nhà kinh doanh máu lửa thay vì một giáo viên đáng kính. Một cơ may ngẫu nhiên đưa bạn từ một nhân vật nhút nhát trở thành ngôi sao được nhắc tới trên các bản tin. Chúng ta bất an hơn, nhưng cuộc sống của ta cũng trở nên thú vị hơn, bởi tương lai luôn mang đến những bất ngờ.

Rất khó để đi thẳng trên đường sự nghiệp, khi mọi lựa chọn đều trở nên bất an - Ảnh 14.

Quá đắn đo lựa chọn công việc mà không dám dấn thân tìm hiểu, không dám mạo hiểm, không dám học hỏi, là một sự phí phạm thời gian khủng khiếp. Ở lẽ nào đó, trải nghiệm về nghề rất giống với trải nghiệm tình yêu. Có vô vàn tiêu chí để bạn lựa chọn người yêu, nhưng không điều gì đảm bảo đó là đúng người của bạn. Có thể, người bạn yêu không dành cho bạn. Có thể, người phù hợp nhất lại là ai đó bạn không mong chờ. Khả năng là vô cùng. Con đường để chọn được nghề nghiệp đúng, cũng giống như con đường tìm kiếm tình yêu, chỉ được xác định bằng cách duy nhất: Tương tác và trải nghiệm!

Rất khó để đi thẳng trên đường sự nghiệp, khi mọi lựa chọn đều trở nên bất an - Ảnh 15.

Sự khắc nghiệt và cơ hội luôn cách nhau chỉ một khe hẹp. Tương lai vô định đi kèm với các điều kiện và khả năng mới, giúp chúng ta khám phá tiềm năng chính mình. Đây chính là câu chuyện kinh điển về Edison phát minh ra bóng đèn. Ông chỉ tìm thấy chất liệu đúng cho sợi dây tóc, sau khi thử qua hàng ngàn chất liệu sai. Trong thời đại nhiều biến động như hiện nay, thứ bất biến duy nhất chính là THÁI ĐỘ của chúng ta. Kiến thức tích lũy quan trọng, nhưng khả năng phán đoán và thích nghi mới là thứ giúp ích hơn cả. Ta có sẵn sàng cho sự thay đổi? Ta có sẵn sàng học hỏi các kĩ năng mới? Ta có sẵn sàng chuyển động? Cách ta trả lời các câu hỏi đó sẽ quyết định thành công, dù ta ở nghề nghiệp hay môi trường nào. 

Giờ đây, ai cũng có công cụ mạnh để thể hiện bản thân, để trao đổi với người khác, để học hỏi, tìm kiếm. Các dòng chảy nghề nghiệp đang đến nhiều cơ hội hơn bao giờ hết. Các kĩ năng luôn có chỗ để rèn giũa, phát huy. Ta sẽ đi xa đến đâu? Ta có tìm thấy đam mê? Ta có thể biến công việc thành sự nghiệp hay không? Tất cả đều là lựa chọn của chính chúng ta.

Nhưng, trước hết, như một câu nói chưa bao giờ cũ:

Rất khó để đi thẳng trên đường sự nghiệp, khi mọi lựa chọn đều trở nên bất an - Ảnh 16.

Nam Lâm
PSD
nhatanhngx
V.
Theo Trí Thức Trẻ22/09/2017

Theo Nam Lâm

Trí thức trẻ

Trở lên trên