Sài Gòn chính thức bước vào 2 tuần giãn cách xã hội nữa. Thế là thành phố sẽ có 1 tháng thật yên ắng để dưỡng thương.
Có một cảm giác thật lạ khi cái thành phố lúc nào cũng được nhớ đến với cái không khí gấp gáp, sôi động nay lại chìm vào một sự im lìm, buồn bã. Cuộc sống như ngưng đọng trên những con đường vốn tấp nập. Những người lao động náu mình dưới tán cây, nhìn như buồn hơn vì những ngày này thật sự khó khăn lắm… Trong các group chat, bạn bè nhắn tin cho nhau thả nhẹ đường link thông báo giãn cách. Những kế hoạch lại bị trì hoãn, công việc lại thêm vất vả. Nhưng ngay cả trong lúc này, đến người lo lắng nhất cũng lạc quan, bởi ai cũng tin vào sức sống mãnh liệt và tinh thần của Sài Gòn.
Sài Gòn mau khỏe, để tháng 6 nóng nực không ai gắt gỏng, để chúng ta lại được thấy Sài Gòn vui tươi như Sài Gòn vẫn luôn từng.
Đồng Khởi, quanh Nhà thờ Đức Bà hay chợ Bến Thành,... những ngày này thật là một hình ảnh lạ lẫm. Đường phố vắng hoe, xe cộ vắng vẻ, những cửa hàng ngày thường vốn đã thưa thớt vì dịch, bây giờ cũng đóng cửa lặng im. Bước xuống phố giờ tan tầm, chắc ai đó sẽ phải giật mình, bởi trước mặt mình không phải cảnh đông đúc người xe quen thuộc, mà là một con đường thênh thang lác đác vài chiếc xe vụt qua...
Tết ở Sài Gòn cũng không yên tĩnh đến như vậy.;
Dưới những tán me dọc phố Lý Tự Trọng, dưới những tán cây dầu cổ thụ bên cạnh Nhà Thờ Đức Bà, hay xa xa phía nóc hầm Thủ Thiêm chốn lãng mạn cho những chiều ngồi ngắm hoàng hôn, đâu đâu cũng chợt mất đi nhịp sống mỗi ngày, trống vắng hổng quen xíu nào. Lâu rồi, thành phố mới “bệnh” như vậy, nằm một chỗ hổng đi đâu được, hổng quen xíu nào. Sài Gòn đợt này trở bệnh ngó dữ quá, quanh năm phố thị náo nhiệt, sôi động bao nhiêu, bi chừ hiu quạnh bấy nhiêu. Người ta nhớ mấy ngả tư kẹt cứng mỗi chiều tan tầm, nhớ ly bạc xỉu của dì Tư đầu hẻm mỗi sớm tạt ngang gọi vội, nhớ những trưa nắng chưa kịp rọi trên vai thì dính liền cơn mưa chốc lát, nhớ những buổi chiều chạy đua với ánh mặt trời dọc Đại Lộ Đông Tây, hay chăng nhớ những vòng xe bất chợt rẽ đủ hướng Sài Gòn, phía sau chở người thương, nói kể dăm chuyện đời. Thành phố bất giác trở mình, “ho" nhẹ một cái mà khiến mọi thứ bỗng lặng im, người người bỗng núp mình hết sau từng ô cửa đóng kín.
Ngày ba lần, người Sài Gòn nín thở xem hôm nay có thêm ca nhiễm dịch nào nữa không. Ngày trước bon bon chạy khắp chốn Sài Gòn, từ Nhà Bè qua tuốt Gò Vấp, từ Thủ Đức băng băng miết tới Bình Tân, dậy chớ ngó gần xịt. Còn giờ, Gò Vấp phong toả, hạn chế ra vào, khắp nơi giăng dây, tự nhiên thấy thành phố thân thuộc sao phải “băng bó" nhiều chỗ quá, muốn đến thăm chốn này chốn kia coi ngó phố thị cũng khó dường nào. Rồi còn bất giác tự nhiên thèm mấy chiều thứ sáu tan tầm, chỉ cần hết giờ là cuốn cuồng chạy thẳng về nhà xách balo ra bến xe, nằm ngủ một giấc đã thấy tới Đà Lạt, hay chăng chỉ cần mất dăm tiếng chạy xe thảnh thơi đã được ngửi mùi biển Vũng Tàu quen thuộc.
Ừ thì, giờ hổng mong gì cao xa, chỉ mong được như bình thường lại như mọi ngày, kẹt xe mấy cũng được, nắng mưa thất thường mấy cũng được, áp lực cuộc đời mấy cũng được, miễn hổng thấy Sài Gòn “bệnh" nặng thêm, hổng phải thấp thỏm vì thấy chăng dây khắp chung cư, hay bản tin làm thổn thức mỗi sớm.
Đây không phải lần đầu tiên thành phố tiến hành giãn cách xã hội nhưng có lẽ là lần lâu nhất, và là lần nhiều ca bệnh nhất. Thương Sài Gòn, thương cho chính chúng ta những người không được ra đường, nhưng thương nhất vẫn là những người mưu sinh ngoài phố thị kia, thương mấy cô mấy dì hàng rong dưới mái dù cũ, thương chú hủ tíu gõ sau xe mì hẩm hiu, thương cô lượm ve chai, chú bán vé số. Phải khi dịch đến, người ta mới thấy được mình thiệt may mắn khi còn được ở nhà dãn cách, còn đủ ba bữa no. Thành phố hai mùa mưa nắng trước giờ vẫn bao dung, che chở biết bao người, giờ thành phố đổ bênh, những người “lấy phố làm nhà”, nhọc nhằn bám đường mưu sinh biết đi về đâu?
"Cực chẳng đã tôi mới phải ra đường mưu sinh, ở nhà thì lấy gì mà sống đây? Trông chờ vào cơm từ thiện sao được, ai cũng có lòng tự trọng mà". Bà Yến, 66 tuổi, bán hàng rong ở quận 1 - chia sẻ.
Thành phố hai mùa mưa nắng trước giờ vẫn bao dung, chở che cho biết bao người, giờ thành phố ốm rồi, những người “lấy phố làm nhà”, nhọc nhằn bám đường mưu sinh biết đi về đâu?
Thương nhất chẳng phải những người “phải” ở nhà; thương nhất là những người không có nhà để về, hoặc có nhà cũng không thể về. Buổi chiều, bầu trời sầm sì đen kịt, báo hiệu một cơn mưa sắp ập tới. Ngồi trong nhà ấm áp, nhìn ra cửa sổ lại chép miệng, thấy lòng buồn buồn vì nghĩ đến những người ngoài kia. Ở Sài Gòn, người ta vẫn nghĩ đến nhau như thế dù ở trong hoàn cảnh nào...
Như đêm hôm bữa, mới xong việc, chạy về nhà băng qua từng con đường Sài Gòn mà cứ ngỡ đồng hồ mình bị sai, cứ ngỡ Sài Gòn đang hai ba giờ sáng. Thành phố bệnh ngó rõ buồn, thiếu vắng tiếng người, tiếng xe dọc lối, chỉ thi thoảng hiu hắt dưới mấy trụ đèn đường là những người không nhà, mưu sinh đây đó, chống chọi qua mớ khó khăn chất chồng này. Bữa đó, tui tình cờ gặp anh Tuấn, người đàn ông bán me chắc hẳn quen thuộc với mớ người mỗi khi có dịp chạy ngang qua ngả tư Lý Trọng- Hai Bà Trưng. Dẫu cho xã hội có rối ren thì những con người nhỏ bé như anh vẫn luôn phải cố sống kiên cường, khó khăn nhân lên nhưng đâu có làm họ dễ bỏ cuộc. Bán bịch me chắc chiu hái cả ngày trời được mấy đồng bạc, nơi bán là chốn vỉa hè, cũng là chốn anh ngủ dưới nắng dưới mưa suốt mấy năm qua, không nhà không cửa, nhưng rồi có than với ai đâu. Anh viết dòng chữ “ Hạnh phúc là gì?” rồi treo ngay ngắn trên khung tường, làm ai đi ngang qua cũng phải ngoái đầu nhìn, không ít không nhiều nhưng cũng đủ khiến cho chính mỗi người, tự đặt dấu chấm hỏi cho định nghĩa hạnh phúc của bản thân. Hỏi anh, anh nói treo tấm chữ đó để mọi người ai cũng thấy, rồi tự bản thân mình thấy, tự mình tìm ra câu trả lời và có thêm động lực sống, dẫu cho cuộc đời có đổi thay, có khó khăn cỡ nào. Tự nhiên nghe chạnh lòng, nghe thương hơn mớ chữ thương gom lại. Mấy lúc này, thương nhất chẳng phải những người “phải” ở nhà; thương nhất là những người không có nhà để về, hoặc có nhà cũng không thể về.
“May nhất” là khi được san sẻ với nhau, chờ thành phố “khỏe” lại rồi cuộc sống của ai cũng ổn. Rồi sẽ ổn thôi, phải hông Sài Gòn?
Sài Gòn chốn bao dung, bao người tứ xứ lên đây kẻ mong đổi đời, người xây giấc mơ bởi lẽ không đâu dễ sống dễ thở bằng chốn này. Nay thiếu tiền cô bánh mì đầu hẻm, “hổng sao, bữa sau bây trả cô cũng được”, bữa mưa xối xả, có anh kia dừng đèn đỏ vội đứa áo mưa cho gia đình ba người đang đầu trần trên chiếc xe máy, bất giác ấm lòng quá đỗi. Ở thành phố này, hổng lo chạy từng bữa cơm, có khó khăn là mỗi người xúm lại một chút. Người ta cứ nói, ở thành phố nào đâu nghĩa tình như dưới quê. Ấy vậy mà nghe đứa bạn kể chuyện, hôm vừa rồi có một tòa nhà bị phong tỏa, căng dây tứ bề, người bên trong sợ hãi, người ngoài lo lắng. Thế rồi sáng hôm sau, hổng ai bảo ai, người dân từ mấy tòa nhà còn lại mang đồ đến trước sảnh tòa nhà bị phong tỏa, đồ ăn thức uống, khẩu trang nước sát khuẩn chẳng thiếu gì. Ai thiếu thì lấy, ai cần cứ mang đi, đồ ăn có thể hết nhưng nghĩa tình trong hoạn nạn hổng vơi đi chút nào. Thành phố dễ sống vì con người biết sống với nhau sao cho dễ chịu, dễ thương. Hổng ai mong phố thị phải dãn cách, dãy nhà mình bị phong tỏa nhưng đi qua những ngày tháng như vậy, mới biết cái tình người nơi đây, chòm xóm quanh mình ngó thân thương chừng nào.
Giữa những ngày Sài Gòn căng mình chống dịch, những câu chuyện tử tế khiến cuộc sống nhẹ nhõm đôi phần. Kể làm sao cho hết tấm lòng của bao con người nơi đây. Có hôm ngồi đọc những câu chuyện chia sẻ về sự tử tế giữa mùa dịch, lướt một lúc mà mặt mũi tèm lem gì đâu: Những cuốc xe chở bác sĩ tới khu vực hỗ trợ dịch mà tài xế chẳng lấy tiền, “nhận tiền của bác sĩ là em có tội với Tổ quốc”, rồi cả chuyện bà mẹ dặn con ngồi ngoan để bác sĩ lấy xét nghiệm, nay bác sĩ cũng mệt lắm rồi.
Ở nhiều xóm lao động bị phong tỏa vì có ca nhiễm, tuần nào cũng tất bật những xe cộ đến tiếp tế nhu yếu phẩm từ người dân những khu phố xung quanh, rồi thậm chí cả từ những bạn trẻ đọc được tin tức trên mạng, cũng rốt ráo kêu gọi nhau để gửi chút quà vào cho bà con đỡ cực. Đùng một cái bị phong tỏa, ai mà trở tay được để chuẩn bị...
Hay như những "siêu thị 0 đồng" mọc lên ngay giữa những nơi đang phải chịu phong tỏa. "Gian hàng 0 đồng, kết nối yêu thương" ở phường Tân Hưng Thuận, quận 12 - là một nơi như thế. Ở đây, người lao động nghèo có thể đến chọn quà là các nhu yếu phẩm cho sinh hoạt hàng ngày, phiếu được phát cho bà con mỗi ngày để đảm bảo ai cũng trang trải được chút nào khó khăn hiện tại. Gạo, trứng, mắm muối, rau, thịt, trái cây... tất cả đều được các Mạnh thường quân gom góp để cùng chung tay, ta sẽ vượt qua được lúc này.
Hay cả như những bếp ăn miễn phí vẫn đỏ lửa khắp Sài Gòn, để cùng dìu nhau đi qua một mùa dịch mà không ai bị bỏ lại đằng sau. Người góp sức, người góp yêu thương, người góp chút xíu vật chất,... rồi mấy nữa hết dịch, ta lại được mỉm cười vì Sài Gòn đi qua những ngày khó khăn, mà vẫn ấm tình người đến thế.
Thành phố có ốm, người dân cũng không bỏ lại nhau.
Mùa dịch khiến người ta nhận ra rằng, cuộc sống bình thường cũng là một điều phi thường với không ít người. “Phi thường” là khi tháng này vẫn có đủ lương, nhà máy không phải đóng cửa vì dịch, phi thường là bữa nay vẫn mua được thức ăn cho cả nhà, vẫn trụ được tiền thuê nhà mà không phải khất tháng sau, vẫn có đủ tiền đóng học cho con khi năm học sắp tới. Thương Sài Gòn ốm, thương cả những người đang lao đao, quay quắt vì dịch.
Thành phố khỏe, mọi người mới khỏe được. Và dịch cũng khiến người ta nhận ra rằng cuộc sống vốn dĩ rất vô thường, không ai biết chắc mọi thứ sẽ ra sao, biến đổi như nào. Ít ai ngờ rằng chỉ sau một đêm, số ca dịch của Sài Gòn đã lên tới con số cả gần trăm. Từ bình thường tới vô thường, mọi thứ qua nhanh như một cơn mưa rào đầu hạ.
Ngồi lại bi chừ, tự nhiên ai ai cũng mở miệng lên nhắc chữ “thèm". “Ngày xưa tui hay càm ràm vì kẹt xe, kẹt gì mà kẹt dữ, rồi cả mưa nữa, trời ơi thử tan làm mà dính cơn mưa bự chảng ngay trên đường về là thôi tối đó phát khùng phát điên rồi. Nhưng giờ, sao thấy thèm… kẹt xe, thèm ướt mưa quá. Mắc ngộ ời! Vì còn kẹt xe là cuộc sống vẫn đang “ổn” theo một cách nào đó”. Trên Facebook, mấy đứa bạn nhắc nhớ từng chuyến đi xa quá chừng. Những giấc mơ mộng xa xôi ngày nào giờ nằm lọt thỏm trong một khung hình bình yên phố thị, chẳng cần đi tới cùng trời cuối đất gì, chỉ cần được xách xe ra ngoài chạy dọc con phố, ghé mấy chốn quen thuộc thường ngày là vui lắm rồi. Hay mộc mạc nhất, là được trải báo với ly sữa đá quen thuộc ngồi ngay góc Hàn Thuyên ngắm mây trời, bồ câu chao lượn. Mong có chừng đó nhỏ xíu thôi mà nay bỗng thấy thiệt xa hoa, trân quý. Chỉ hỏi bâng quơ đám bạn coi nhớ gì nhất ở Sài Gòn mới thấy người ta thả vào những khung cửa sổ nhìn ra thành phố quá nhiều kỷ niệm giản đơn.
Có một Sài Gòn trong hoài niệm mà những ngày này, người trẻ cứ nhớ hoài. “Ngày xưa em hay càm ràm vì kẹt xe, quái quỷ gì đâu mà kẹt xe dữ, rồi cả mưa nữa, trời ơi đó là thứ kinh khủng nhất của Sài Gòn. Nhưng giờ, sao thấy nhớ… kẹt xe. Nghe có kỳ quá không? Vì còn kẹt xe là cuộc sống vẫn đang 'ổn' theo một cách nào đó,” cô em Sài Gòn của tôi kể. Trên Facebook, bạn bè tôi nhớ từng chuyến đi xa quá chừng. Những giấc mơ mộng xa xôi ngày nào giờ nằm lọt thỏm trong một khung hình Đà Lạt, chẳng cần đi tới cùng trời cuối đất gì, chỉ cần được đi lên Đà Lạt.
Hay đơn giản, là ngồi cà phê trên đường Hàn Thuyên ngắm nhìn những tầng lá xao xác. Điều nhỏ bé ấy, nay bỗng hóa thật đẹp đẽ, thi vị. Chỉ hỏi bâng quơ chúng bạn coi nhớ gì nhất ở Sài Gòn mới thấy người ta thả vào những khung cửa sổ nhìn ra thành phố quá nhiều kỷ niệm.
Nhớ cả những khu chợ ăn vặt ngày thường đông là thế, đi từ đầu đến cuối chợ cũng no căng. Nhớ buổi tối ngồi uống trà dâu dưới chân Bitexco, nhớ phố đi bộ ngày cuối tuần rộn ràng tiếng đàn hát. Nhớ cảm giác hòa mình vào đám đông, đi bộ từ phố này sang phố khác, rồi ngắm từng dòng người qua lại. Nhớ những cảm giác thật bình thường ấy, nhớ quá nên lúc này phải thật là cố gắng thôi.
“Tội mấy người bán hàng rong, bán đồ ăn lắm. Sáng nào đi làm cũng tuần tự mua một tách cà phê rồi chạy lướt qua hàng bánh mì trên đường Huỳnh Khương Ninh rồi mới đi làm được!”
“Ngồi nhà không có làm việc được, giờ phải có một cốc cafe tao mới tỉnh được; Phúc Long cũng okay, Highlands cũng được… gì cũng được! Nói chung là tao muốn ra ngoài”.
“Năm ngoái dịch, đám thú trong Thảo Cầm Viên đã khổ rồi, đợt này dài quá, các em không biết có được ăn uống đủ không. Hết dịch lại đi Thảo Cầm Viên nữa coi.”
Sài Gòn của những mùa mưa năm cũ, người và xe vẫn nối đuôi nhau trên đường, vẫn kẹt xe, vẫn đẩy giùm nhau khi chẳng may nước ngập bánh. Sài Gòn của mùa mưa năm nay, người ta chỉ ngồi trong nhà nhìn ra ngoài trời, tự hỏi cơn mưa rồi cũng tạnh, còn thành phố khi nào sẽ hết ốm?
Thành phố sẽ hết “ốm” sớm thôi, chỉ cần người dân vẫn đồng lòng, mọi người vẫn tuân thủ giãn cách, ở nhà vì nhau và vì những người xung quanh. Mỗi người ráng thêm một chút, thành phố ráng thêm một chút, cuộc sống sẽ trở lại ổn thỏa như những ngày tháng trước đây. Giờ ha, hãy cứ tạm coi là mình đang có thêm một kỳ nghỉ Tết. Kỳ nghỉ Tết không có hoa mai hoa đào bánh tét nhưng có rất nhiều niềm yêu thương và tử tế lan tỏa trong thành phố; có cả những dễ thương ngày thường ít thấy.
Mấy hôm nay, niềm vui với trái bóng lăn tận Dubai lại làm cho trái tim của hàng triệu người Việt chúng ta hứng khởi, đêm đêm mấy ô cửa sổ vẫn sáng đèn tận khuya, tiếng reo hò vẫn hiện hữu vang lên mỗi lúc cầu thủ ghi bàn. Có người đùa bảo, hai trận thắng của đội tuyển Việt Nam như chính là hai liều vaccine miễn dịch cho Tổ Quốc. Haha, dẫu biết đó chỉ là một câu nói đùa vui miệng, nhưng bỗng dưng nó lại từ từ âm ĩ, có tác dụng cho một niềm tin cực lớn rằng Việt Nam chúng ta sẽ sớm vượt mùa bệnh này, và rồi đâu đâu cũng sẽ khỏi bệnh nhanh thôi.
Sài Gòn cố lên nghen. Cơn mưa rồi sẽ hết, cầu vồng rồi sẽ lên. Mấy nay Sài Gòn nghỉ mệt một xíu, mai kia rồi sẽ khoẻ lại liền thôi, lại yêu đời phơi phới, người người nhà nhà lại náo nhiệt trong tiếng còi xe thiệt ồn, nhưng dám chắc ai cũng sẽ thấy thiệt hạnh phúc, vì lại được sống, sống như những ngày bình thường, trước đây.
Tháng ngày đặc biệt này, sẽ để lại cho chúng ta nhiều niềm nhớ lắm.
Pháp luật & Bạn đọc